Chú Giải II Phi-e-rơ 02:01-12 Tiên Tri Giả và Giáo Sư Giả – Phần 1

5,303 views


YouTube: https://youtu.be/TmPdaO4zRQQ

906104 Chú Giải II Phi-e-rơ 2:1-12
Tiên Tri Giả và Giáo Sư Giả – Phần 1

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

II Phi-e-rơ 2:1-12

1 Nhưng trong dân chúng cũng đã có những tiên tri giả, và ngay cả trong các anh chị em cũng sẽ có những giáo sư giả, là những kẻ sẽ đem vào những tà giáo đáng diệt, đến nỗi chối bỏ Chúa đã chuộc chúng nó, tự đem cho chúng nó sự hủy diệt thình lình.

2 Có nhiều kẻ sẽ theo sự hủy diệt của chúng nó. Bởi chúng nó mà Con Đường Chân Lý sẽ bị gièm pha.

3 Chúng nó sẽ bởi lòng tham mình, tạo lời dối trá để trục lợi từ các anh chị em. Chúng nó là những kẻ mà án phạt của chúng nó từ lâu nay đã không bị chậm trễ, và sự hư mất của chúng nó chẳng bị quên.

4 Vì nếu Đức Chúa Trời đã chẳng chừa lại các thiên sứ phạm tội, nhưng quăng họ vào trong vực sâu tối tăm, giao họ vào trong xiềng xích của sự tối tăm để chờ sự phán xét;

5 và Ngài chẳng chừa lại thế gian thuở xưa, trong khi sai nước lụt đến trên thế gian không tin kính, nhưng Ngài giữ gìn tám người, có Nô-ê là người rao giảng công chính;

6 và Ngài đã khiến ra tro thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, định tội chúng với sự hủy diệt, để làm gương cho những kẻ không tin kính;

7 và Ngài đã giải cứu người công chính là Lót, người đã mệt mỏi bởi cách ăn ở phóng đãng của những kẻ phạm pháp;

8 vì người công chính ấy ở giữa họ, ngày qua ngày thấy và nghe những việc làm phạm pháp của họ, mà đau xót lòng công chính;

9 thì Chúa biết giải cứu những người tin kính ra khỏi những cơn thử thách, cám dỗ, và cầm giữ những kẻ không công chính cho ngày phán xét, để hình phạt;

10 nhất là những kẻ bước theo xác thịt trong sự tham muốn ô uế, xem thường chủ quyền. Chúng nó dám tự đắc, không sợ mà nói hỗn đến các bậc đáng tôn trọng.

11 Dù các thiên sứ, là các đấng hơn chúng nó về sức mạnh và quyền phép, còn không hề lấy lời phạm thượng mà phán xét các bậc đó trước mặt Chúa.

12 Nhưng chúng nó cũng như những con vật không biết gì, được sinh ra để bị bắt giết. Chúng nó nói phạm thượng những điều chúng nó không biết và sẽ bị hư mất trong sự hư hại của chúng nó.

Trước hết, chúng ta hãy luận về hai danh từ “giáo sư” và “giáo sư giả” được dùng trong Tân Ước.

Trong tiếng Việt, “giáo sư” là một danh từ Hán Việt:

  • Giáo = dạy, truyền đạt kiến thức và kỹ năng.
  • Sư = thầy, người có nhiều kiến thức và kỹ năng.
  • Giáo sư = thầy dạy.

Từ ngữ “διδάσκαλος” /đi-đát-kô-lót/ [1] trong tiếng Hy-lạp cũng có cùng một nghĩa với danh từ “giáo sư” hoặc “người dạy” trong tiếng Việt. Nhưng khi dùng trong Tân Ước thì chỉ có nghĩa là người giảng dạy Lời Chúa, như Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài, hoặc như các thầy thông giáo của Do-thái Giáo giảng dạy về luật pháp trong Cựu Ước. Chính Đức Chúa Jesus Christ ban chức vụ “người dạy” cho một số người trong Hội Thánh của Ngài (Ê-phê-sô 4:11).

Danh từ “giáo sư” này khác với danh từ “ῥαββί /ra-bi/ [2] đôi khi cũng được dịch sang tiếng Việt là “thầy”. Ra-bi có nghĩa là: “Đấng vĩ đại, đáng tôn, đáng kính của tôi”. Đức Chúa Jesus Christ phán rõ:

“Nhưng các ngươi đừng chịu ai gọi mình là Ra-bi; vì các ngươi chỉ có một Thầy, là Đấng Christ, và tất cả các ngươi là anh chị em cùng Cha.” (Ma-thi-ơ 23:8).

Ngày nay có nhiều người ngang nhiên xưng mình là “reverend” và tôn nhau là “reverend”. Danh xưng này trong tiếng Anh có nghĩa là: “đáng tôn, đáng kính” mà Thánh Kinh Cựu Ước chỉ dùng một lần, để chỉ về Thiên Chúa [3]. Xưng hô như vậy là kiêu ngạo vô cùng và ngang nhiên phạm thượng Thiên Chúa.

Danh từ “giáo sư giả” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ kép “ψευδοδιδάσκαλος” /su-đa-đê-đát-ka-lót/, do ghép hai chữ “giả dối” và “giáo sư” với nhau [4]. Khi được dùng trong Thánh Kinh thì danh từ “giáo sư giả” được dùng để chỉ về những người nhân danh Chúa mà rao giảng các thứ giáo lý không đúng hoặc không có trong Thánh Kinh.

Kế tiếp, chúng ta hãy luận về hai danh từ “tiên tri” và “tiên tri giả”.

Trong tiếng Việt, “tiên tri” là một danh từ Hán Việt:

  • Tiên = trước.
  • Tri = biết.
  • Tiên tri = biết trước. Người tiên tri là người biết trước và công bố điều sẽ xảy ra.

Từ ngữ “προφήτης” /pro-phế-tết/ [5] trong tiếng Hy-lạp, được dịch sang tiếng Việt thành “tiên tri” có nghĩa là: người được Thiên Chúa thần cảm (được Thiên Chúa tác động) để làm phát ngôn viên cho Thiên Chúa:

  • Nói ra cho loài người biết những gì người ấy đã được Thiên Chúa thần cảm. Sự thần cảm có thể là lời phán trực tiếp từ Thiên Chúa, có thể qua các thiên sứ, có thể là sự nhìn thấy trong chiêm bao (nhìn thấy bằng tâm trí trong khi ngủ) hoặc khải tượng (nhìn thấy bằng tâm trí trong khi vẫn đang tỉnh táo), có thể là sự tri thức về Lời Chúa do Đức Thánh Linh ban cho.
  • Rao truyền lời Thiên Chúa để kêu gọi những kẻ có tội ăn năn và công bố án phạt của Thiên Chúa dành cho những kẻ không ăn năn. Có người được Chúa dùng làm tiên tri trong suốt một thời gian dài, để kêu gọi cả một dân tộc ăn năn. Có người được Chúa dùng làm tiên tri trong một thời điểm nhất định, để kêu gọi một người nào đó ăn năn. Nếu chúng ta phạm tội mà Chúa dùng bất cứ ai đến với chúng ta, kêu gọi chúng ta ăn năn, thì người ấy chính là tiên tri của Chúa sai đến với chúng ta.

Danh từ “tiên tri” là một danh từ kép, do ghép hai chữ “trước” (G4253) và “nói” (G5346) với nhau. Vì thế, nghĩa đen của danh từ này khi dùng trong Thánh Kinh là: “người nói trước điều Thiên Chúa sẽ làm hoặc sẽ cho phép xảy ra”. Danh từ “tiên tri” trong Thánh Kinh hoàn toàn không có nghĩa là đoán trước theo kiểu bói khoa, thuật số, mà là nói trước một cách chắc chắn điều đã biết rõ là sẽ xảy ra, do chính Thiên Chúa bày tỏ cho. Lời nói của tiên tri đến từ Chúa thì luôn hiện thực, không hề sai trật. Chức vụ “tiên tri” được chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho một số người trong Hội Thánh (Ê-phê-sô 4:11).

Danh từ “tiên tri giả” trong tiếng Hy-lạp cũng là một danh từ kép “ψευδοπροφήτης” /su-đa-pro-phế-tết/, do ghép hai chữ “giả dối” và “tiên tri” với nhau [6]. Khi được dùng trong Thánh Kinh thì “tiên tri giả” là người nhân danh Chúa để nói những lời giả mạo Lời Chúa. Lời nói của một tiên tri giả có thể đúng, có thể sai, giống như một người không có tài bắn cung bắn ra một loạt mũi tên, thì sẽ có mũi trúng vào hồng tâm và nhiều mũi bị chệch ra ngoài. Ngoài ra, còn có trường hợp ma quỷ sai các tiên tri giả báo trước việc chúng nó sẽ làm, để tạo uy tín cho các tiên tri giả, nhằm lường gạt được nhiều người. Khi chúng ta đọc sách Gióp đoạn 1 và 2, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra sự kiện, nếu ma quỷ muốn, thì nó có thể báo cho một tiên tri giả những điều nó sắp làm, để tiên tri giả nói trước về các tai họa mà nó sẽ giáng xuống trên ông Gióp.

Ngay trong thời đại của chúng ta, giữa vòng người Việt, cũng có đầy dẫy những tiên tri giả. Hai trong số những tiên tri giả người Việt nổi tiếng nhất hiện nay là:

  • Ông Trần Dần, vốn là một người theo Phật Giáo và giỏi về khoa bói số. Ông kể rằng: Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 08/05/2003, trong khi ông đang ngồi uống cà phê tại hiên nhà thì “Đức Chúa Jesus” hiện ra trước mắt ông, hào quang màu vàng với trái tim rỉ máu, truyền cho ông phải đi ở ẩn, làm sứ giả cho “Thượng Đế và Jesus”. Kể từ đó, ông trở thành: “Đệ Nhất Nhà Tiên Tri Vũ Trụ & Sứ Giả của Thượng Đế & Jesus” chuyên “phán” ra “thiên lệnh” của “Thượng Đế và Jesus”.
  • Ông Trương Tiến Đạt, tín đồ Công Giáo, thường gửi email cho nhiều người, công bố các lời tiên tri về sự tận thế mà ông cho rằng ông được Chúa thần cảm để biết và rao báo. Lời tiên tri của ông về Thế Chiến Nguyên Tử sẽ xảy ra vào đầu năm 2015 đã hoàn toàn không ứng nghiệm, nhưng ông vẫn tiếp tục tung email đi khắp nơi nói rằng ngày 20/06/2017 là ngày tận thế.

Cả hai nhân vật nói trên và hàng trăm nhà “tiên tri” Cơ-đốc Giáo (Christianity) tự xưng, xuất hiện thường xuyên trên các đài TV Mỹ, đều là những tiên tri giả trong những ngày cuối cùng, được Sa-tan gieo vào trong thế gian, nhân danh Chúa nói bậy, để khiến cho nhiều người chê cười Lời Chúa và không tin vào Lời Chúa, và khiến cho nhiều người mù quáng tin theo họ mà xa cách lẽ thật của Lời Chúa.

Với ý nghĩa rõ ràng của hai danh từ “giáo sư giả” và “tiên tri giả” chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu Thánh Kinh trong II Phi-e-rơ 2:1-12:

1 Nhưng trong dân chúng cũng đã có những tiên tri giả, và ngay cả trong các anh chị em cũng sẽ có những giáo sư giả, là những kẻ sẽ đem vào những tà giáo đáng diệt, đến nỗi chối bỏ Chúa đã chuộc chúng nó, tự đem cho chúng nó sự hủy diệt thình lình.

Hội Thánh của Chúa không lạ gì sự kiện Sa-tan dùng các giáo sư giả và tiên tri giả để lừa gạt loài người và phá tán Hội Thánh. Ngay từ buổi ban đầu của Hội Thánh, thì trong dân chúng đã xuất hiện những người mạo nhận là tiên tri của Chúa, để tìm kiếm danh, lợi, và thỏa mãn tà dâm. Họ công bố những chiêm bao, khải tượng, và nói ra những lời gọi là “lời tiên tri” trong danh của Chúa, nhưng thật ra chỉ là những lời nói dối do chính họ tự tạo ra hoặc do ma quỷ gieo vào tâm trí của họ. Họ lường gạt tiền bạc, của cải, lòng tin, và tình cảm của những người nhẹ dạ, nhất là những phụ nữ độc thân không có sự hiểu biết Lời Chúa.

Còn trong Hội Thánh thì xuất hiện những giáo sư giả, kẻ thì dạy rằng, người tin Chúa phải chịu cắt bì và vâng giữ các nghi thức của Do-thái Giáo thì mới được cứu; kẻ thì dạy rằng, Đức Chúa Jesus Christ không phải là Thiên Chúa thành người; kẻ thì dạy rằng, con dân Chúa được cứu phần linh hồn, riêng phần xác thịt là ô uế, thì cứ để cho nó vui thú trong tội lỗi…

Trong khi những tiên tri giả trong thế gian là những kẻ giả làm người tin Chúa thì những giáo sư giả trong Hội Thánh lại là những người từng thật lòng tin Chúa, nhưng vì kiêu ngạo mà hiểu sai Lời Chúa theo ý riêng, hoặc vì không muốn từ bỏ các thú vui tội lỗi, nên đã bẻ cong Lời Chúa, để bào chữa cho nếp sống tội. Dù là vì kiêu ngạo hay vì ưa thích tội lỗi, hoặc vì cả hai, những giáo sư giả làm cho Hội Thánh bị tổn hại vì họ gieo rắc trong Hội Thánh các thứ tà giáo mà Sứ Đồ Phi-e-rơ gọi là đáng diệt. Họ lún sâu trong tội lỗi đến mức không còn có thể cứu chữa. Họ tôn sự kiêu ngạo và thú vui tội lỗi làm Chúa trong lòng họ, và chối bỏ Chúa đã chuộc họ. Nhưng trên môi miệng họ vẫn xưng nhận mình là con dân Chúa, thậm chí xưng nhận mình là tôi tớ của Chúa đang giảng dạy lẽ thật của Lời Chúa.

Từ ngữ “chuộc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “trả ra một giá để mua về một món gì vốn thuộc về mình”. Chúa đã đổ máu vô tội của Ngài để mua chuộc họ ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, nhưng họ đã quay về sống trong sự kiêu ngạo và các thú vui tội lỗi. Sự kiêu ngạo và sự vui thú trong tội lỗi của họ, chính là hành động chối bỏ Chúa và chối bỏ sự cứu chuộc của Ngài.

Đối với những giáo sư giả, con dân Chúa phải nhanh chóng xa lánh họ, “ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế” (Giu-đe câu 23). Tất cả các giáo sư giả đều tự chuốc lấy sự hủy diệt thình lình cho chính họ. Họ sẽ không có cơ hội để ăn năn.

2 Có nhiều kẻ sẽ theo sự hủy diệt của chúng nó. Bởi chúng nó mà Con Đường Chân Lý sẽ bị gièm pha.

Tiếc thay, trong Hội Thánh lại có nhiều con dân Chúa bị các giáo sư giả dẫn dụ mà theo họ chối Chúa, rồi đi vào sự bị hủy diệt. Những giáo sư giả đã khiến cho đường lối chân thật của Thiên Chúa, tức là ý muốn và việc làm của Thiên Chúa, bị thế gian chê cười. Từ ngữ “Con Đường Chân Lý” trong câu này còn có thể được hiểu là chỉ về chính Đức Chúa Jesus Christ. Vì Ngài là: “Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống” (Giăng 14:6).

3 Chúng nó sẽ bởi lòng tham mình, tạo lời dối trá để trục lợi từ các anh chị em. Chúng nó là những kẻ mà án phạt của chúng nó từ lâu nay đã không bị chậm trễ, và sự hư mất của chúng nó chẳng bị quên.

Lòng tham được nói đến ở đây bao gồm: tham muốn danh tiếng; tham muốn được nhiều người tôn vinh, ngưỡng mộ; tham muốn địa vị, chức vụ; tham muốn quyền thế; tham muốn tiền bạc, của cải; và cả sự tham muốn tà dâm! Các giáo sư giả sẽ luôn dùng lời nói dối để lường gạt con dân Chúa. Sự nói dối của họ rất là tinh vi, vì nó đến từ Sa-tan, cha của sự nói dối. Họ giỏi về thuật quỷ biện là cách thức lý luận để bẻ cong lẽ thật, bác bỏ lẽ thật, hoặc che giấu lẽ thật, do ma quỷ dạy cho họ.

Sự phán xét họ không bị chậm trễ và sự hư mất của họ chẳng bị quên, là vì khi họ chối bỏ Chúa và sự cứu chuộc của Ngài, thì họ đã bị định cho sự hư mất và sự hư mất sẽ chắc chắn đến với họ.

4 Vì nếu Đức Chúa Trời đã chẳng chừa lại các thiên sứ phạm tội, nhưng quăng họ vào trong vực sâu tối tăm, giao họ vào trong xiềng xích của sự tối tăm để chờ sự phán xét;

5 và Ngài chẳng chừa lại thế gian thuở xưa, trong khi sai nước lụt đến trên thế gian không tin kính, nhưng Ngài giữ gìn tám người, có Nô-ê là người rao giảng công chính;

Hai câu Thánh Kinh này nhắc đến sự kiện các thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa đã tự ý nhập vào loài người, mong rằng có thể làm cho băng hoại dòng dõi của loài người, như đã được ghi chép trong Sáng Thế Ký 6. Nhưng các thiên sứ ấy đã bị Đức Chúa Trời giam vào vực sâu nơi âm phủ, còn toàn thể loài người đều bị diệt trong Cơn Lụt Lớn, ngoại trừ gia đình Nô-ê, là một gia đình tin kính Chúa.

Trong Sáng Thế Ký không nói đến việc Đức Chúa Trời hình phạt các thiên sứ phạm tội và không nói đến Nô-ê là một người rao giảng công chính. Nhưng Sứ Đồ Phi-e-rơ đã được Đức Thánh Linh thần cảm cho ông biết hai lẽ thật ấy, để truyền ra cho Hội Thánh.

6 và Ngài đã khiến ra tro thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, định tội chúng với sự hủy diệt, để làm gương cho những kẻ không tin kính;

Sự Đức Chúa Trời hình phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bằng lửa được dùng làm gương cho những kẻ không tin kính. Thế nhưng, có nhiều khi những người biết Chúa lại sống nếp sống tội lỗi còn hơn cả dân thành Sô-đôm (Ca Thương 4:6). Cho dù con dân Chúa phạm cùng một tội với dân Sô-đôm thì án phạt dành cho con dân Chúa sẽ nặng hơn là án phạt dành cho dân Sô-đôm, vì dân Sô-đôm không biết Chúa, không được chứng kiến những quyền năng và phép lạ của Chúa làm ra giữa họ, không được các tiên tri của Chúa cảnh báo và kêu gọi họ ăn năn. Đức Chúa Jesus Christ đã phán về thành Ca-bê-na-um của dân I-sơ-ra-ên, như sau:

“Còn ngươi, Ca-bê-na-um, là thành đã được nâng lên tới trời, sẽ bị hạ xuống tới âm phủ! Vì nếu những phép lạ đã làm giữa ngươi, được làm trong Sô-đôm, thì nó vẫn còn lại đến ngày nay. Vậy nên, Ta bảo các ngươi rằng, đất Sô-đôm sẽ được dễ chịu hơn các ngươi trong ngày phán xét.” (Ma-thi-ơ 11:23-24).

Ngày nay, trong Hội Thánh của Chúa cũng có những sự thờ lạy thần tượng qua sự tham lam, qua sự thờ lạy bản thân (kiêu ngạo hoặc vì tự ái mà không làm theo Lời Chúa), tà dâm, cùng các sự vi phạm khác về các điều răn của Thiên Chúa, mà những kẻ phạm tội ấy biết rất rõ là mình đang phạm tội, nhưng không chịu ăn năn. Khải Huyền đoạn 2 và 3 nói rõ năm tình trạng thuộc linh băng hoại trong Hội Thánh.

Dân I-sơ-ra-ên phạm tội mà không ăn năn sẽ bị hình phạt nặng hơn các dân ngoại không biết Chúa. Con dân Chúa trong Hội Thánh phạm tội mà không ăn năn sẽ bị hình phạt nặng hơn dân I-sơ-ra-ên, vì con dân Chúa trong Hội Thánh ngoài sự có Lời Chúa là Thánh Kinh còn có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể mình, dạy dỗ, dẫn dắt, cáo trách, kêu gọi. Không ai biết được khi nào thì Đức Chúa Trời sẽ bỏ mặc kẻ phạm tội mà không chịu ăn năn, khi nào thì Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa họ ra khỏi Ngài. Bài giảng này cũng có thể là cơ hội cuối cùng Chúa dùng để kêu gọi ai đó đang có tội hãy ăn năn.

7 và Ngài đã giải cứu người công chính là Lót, người đã mệt mỏi bởi cách ăn ở phóng đãng của những kẻ phạm pháp;

8 vì người công chính ấy ở giữa họ, ngày qua ngày thấy và nghe những việc làm phạm pháp của họ, mà đau xót lòng công chính;

Trong khi Đức Chúa Trời hình phạt những kẻ có tội thì Ngài cũng giải cứu những người thật lòng tin cậy Ngài. Thánh Kinh gọi tất cả những ai thật lòng tin cậy Thiên Chúa là những người công chính. Người công chính không phải là người không có tội, không phạm lỗi. Người công chính là người nhờ biết ăn năn tội, vâng phục Đức Chúa Trời, mà được Ngài tha tội. Chúng ta cần ghi nhớ: Tin cậy Đức Chúa Trời tức là vâng phục Ngài, mà vâng phục Ngài tức là ăn năn, từ bỏ tội, và sống theo các điều răn của Ngài. Thánh Kinh khẳng định: Ai nói mình tin Chúa mà không vâng giữ các điều răn của Chúa thì ấy là kẻ nói dối (I Giăng 2:4). Thánh Kinh cũng khẳng định: Phần của những kẻ nói dối là ở trong hồ lửa đời đời (Khải Huyền 21:8).

Những kẻ phạm pháp, tức là những kẻ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, thì cứ vui thú trong tội lỗi và mải mê chạy theo tội lỗi, không biết mệt; nhưng những người công chính thì rất là mệt mỏi khi nhìn thấy nếp sống phạm tội của họ. Mỗi ngày nhìn thấy và nghe được những sự phạm pháp của những người chung quanh khiến cho những người công chính phải đau đớn, xót xa trong lòng. Đau đớn và xót xa vì sự thánh khiết của Thiên Chúa bị xúc phạm. Đau đớn và xót xa thay cho những nạn nhân của những sự bất công. Đau đớn và xót xa cho chính những kẻ phạm tội, vì biết rõ họ sẽ bị hư mất đời đời và sẽ bị hình phạt nặng nề về mỗi việc làm của họ.

9 thì Chúa biết giải cứu những người tin kính ra khỏi những cơn thử thách, cám dỗ, và cầm giữ những kẻ không công chính cho ngày phán xét, để hình phạt;

Sự Đức Chúa Trời giải cứu Lót ra khỏi Sô-đôm trước khi Ngài giáng hình phạt xuống hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cũng như sự Ngài giải cứu gia đình của Nô-ê ra khỏi Cơn Lụt Lớn, là chứng cớ chắc chắn về sự Đức Chúa Trời luôn giải cứu những người công chính trước khi Ngài giáng hình phạt trên những kẻ ác. Đồng thời, đó cũng là hình ảnh của sự Đức Chúa Trời giải cứu con dân Ngài ra khỏi môi trường thử thách và cám dỗ, khi những sự thử thách và cám dỗ sắp vượt quá sức chịu đựng của con dân Chúa. Chúng ta phải hoàn toàn tin cậy và ghi nhớ lời hứa này của Chúa:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Những ai phạm tội rồi đổ thừa cho hoàn cảnh hoặc đổ thừa cho người khác, thì họ đã hàm ý Đức Chúa Trời không biết giải cứu họ và đã không mở đường cho họ ra khỏi sự cám dỗ hoặc sự thử thách. Họ hàm ý Đức Chúa Trời không yêu thương họ và không thành tín với lời hứa của Ngài. Họ mang thêm tội phạm thượng Đức Chúa Trời.

Sự Đức Chúa Trời hình phạt toàn thế gian bằng Cơn Lụt Lớn, hình phạt dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bằng mưa lửa, chỉ là hình phạt tạm thời để kết thúc sự phạm tội của những người không thể ăn năn, không cho họ có thêm thời gian để phạm tội. Nhưng sau khi thân thể xác thịt bị chết thì linh hồn của tất cả tội nhân đều bị giam lại trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt của họ được sống lại, rồi bị đưa ra trước tòa phán xét chung cuộc của Thiên Chúa, để chịu phán xét về mỗi một việc làm nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Sự phán xét chung cuộc ấy sẽ xảy ra sau khi trời cũ đất cũ này bị thiêu đốt bởi lửa (II Phi-e-rơ 3:7, 10; Khải Huyền 20:11-15). Như vậy, đối với mỗi một tội nhân, hình phạt tạm thời là sự chết của thân thể xác thịt, còn hình phạt đời đời là thân thể xác thịt được sống lại cùng linh hồn phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.

10 nhất là những kẻ bước theo xác thịt trong sự tham muốn ô uế, xem thường chủ quyền. Chúng nó dám tự đắc, không sợ mà nói hỗn đến các bậc đáng tôn trọng.

Trong tất cả các tội nhân bị phán xét trong ngày phán xét chung cuộc, những tiên tri giả và những giáo sư giả sẽ bị hình phạt nặng hơn hết, vì ngoài sự phạm tội như những người không biết Chúa, họ còn phạm thêm tội nhân danh Chúa giả mạo Lời Chúa và rao giảng tà giáo, lôi kéo nhiều người sa ngã theo họ. Từ câu 10 cho đến câu 19 là lời của Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phi-e-rơ liệt kê các bản tính và hành động tội lỗi của họ.

Bước theo xác thịt trong sự tham muốn ô uế là nếp sống chỉ biết tìm đủ cách để thỏa mãn mọi ham muốn bất chính của xác thịt, nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa.

Từ ngữ “chủ quyền” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là quyền làm chủ, quyền cai trị. Xem thường chủ quyền là:

  • Xem thường quyền cai trị của Thiên Chúa, không vâng theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.
  • Xem thường thẩm quyền của các trưởng lão, người chăn, người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh.
  • Xem thường thẩm quyền và luật lệ của cha mẹ, của các bậc trưởng bối trong gia đình.
  • Xem thường thẩm quyền của thầy cô, luật lệ của trường học.
  • Xem thường thẩm quyền của cấp trên, luật lệ trong chỗ làm việc.
  • Xem thường thẩm quyền của chính phủ, luật pháp của quốc gia.
  • Xem thường chủ quyền của những người khác, chiếm đoạt những sự thuộc về những người khác.

Tự đắc là tự cho rằng mình hay, giỏi, hiểu biết, đáng tôn hơn người khác… Những kẻ tự đắc thường không biết sợ mà nói phạm thượng những bậc có thẩm quyền trên họ.

Ba đặc tính trên đây thể hiện đầu tiên và rõ ràng trong những tiên tri giả và những giáo sư giả.

11 Dù các thiên sứ, là các đấng hơn chúng nó về sức mạnh và quyền phép, còn không hề lấy lời phạm thượng mà phán xét các bậc đó trước mặt Chúa.

Mặc dù Thiên Chúa dựng nên loài người để làm con cái đồng hưởng cơ nghiệp của Thiên Chúa, dựng nên các thiên sứ để làm tôi tớ phục vụ Ngài và loài người; nhưng loài người tạm thời thua kém các thiên sứ về sức mạnh và quyền phép, cho đến khi Vương Quốc Đời Đời được thiết lập. Thế nhưng, chính các thiên sứ cũng không dám dùng lời phạm thượng khi nói về sự phạm lỗi của những người đã nhận thẩm quyền từ Thiên Chúa. Ngay cả các thiên sứ phạm tội đã trở thành ma quỷ cũng không dám nói hỗn về những người ấy trước mặt Thiên Chúa, khi chúng kiện cáo họ về sự phạm tội của họ. Bởi vì, mọi quyền đều do Đức Chúa Trời mà đến. Nói phạm thượng bất cứ một người có thẩm quyền nào là nói phạm thượng chính Đức Chúa Trời (Rô-ma 13:1-2).

Chúng ta phải thật cẩn thận giữ mình khi nói đến tội lỗi của người khác, để tránh bị mắc tội phạm thượng. Chúng ta có thể nói rằng, họ đã phạm tội nghịch lại các điều răn của Chúa, có thể chứng minh sự phạm tội của họ, và kêu gọi họ ăn năn; nhưng chúng ta không được nói hỗn, không được dùng lời thô lỗ, độc ác, không được mắng chửi, không được rủa sả họ. Hãy nghĩ đến sự bị hư mất đời đời của họ mà thương xót họ. Ngoài ra, trong mỗi một người đều có hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta không thể nói ra lời nào hoặc làm ra hành động nào xúc phạm đến hình ảnh của Thiên Chúa trong một người. Ở các nước văn minh, ngay cả khi thi hành án tử hình những kẻ phạm tội hung ác nhất, người ta vẫn tôn trọng nhân phẩm của những người tử tội.

12 Nhưng chúng nó cũng như những con vật không biết gì, được sinh ra để bị bắt giết. Chúng nó nói phạm thượng những điều chúng nó không biết và sẽ bị hư mất trong sự hư hại của chúng nó.

Thế nhưng, những tiên tri giả và những giáo sư giả thì không còn có sự hiểu biết tối thiểu của loài người. Họ trở nên vô tri, vô trí như loài vật. Lương tâm, tức tri thức (những sự Đức Chúa Trời đặt để trong tâm thần loài người) của họ đã trở nên chai lì. Lý trí (sự khôn sáng và suy luận Đức Chúa Trời ban cho loài người) của họ đã trở nên băng hoại, chỉ còn biết tìm cách làm cho xác thịt của họ được thỏa mãn những thú vui tội lỗi và lường gạt người khác. Cuộc sống của họ thật sự như của loài vật chờ ngày bị giết thịt. Chính vì thế mà họ thản nhiên nói phạm thượng về những điều họ không có sự hiểu biết, cũng không thể hiểu biết, tức là họ thản nhiên nói bậy, rao giảng tà giáo. Tất cả những tiên tri giả và những giáo sư giả, sẽ bị hư mất đời đời trong những tội lỗi của họ.

Nguyện Đức Thánh Linh dùng lẽ thật của Lời Chúa soi sáng cho mỗi chúng ta, để chúng ta nhờ đó mà nhận biết những tiên tri giả trong thế gian, những giáo sư giả trong Hội Thánh, mà tránh xa họ. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta năng lực để chúng ta dễ dàng dứt thông công với những kẻ mang danh Chúa mà không vâng giữ Lời Chúa. Qua Đấng Christ chúng ta sẽ làm được mọi sự theo thánh ý của Thiên Chúa. Nguyện Đức Chúa Trời giữ gìn và bảo vệ chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/01/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/G1320

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/G4461

[3] https://timhieuthanhkinh.com/danh-xung-muc-su-va-reverend/

[4] https://thewordtoyou.net/dictionary/G5572

[5] https://thewordtoyou.net/dictionary/G4396

[6] https://thewordtoyou.net/dictionary/G5578

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.