Chú Giải Ga-la-ti 02:11-14 Sự Giả Hình của Sứ Đồ Phi-e-rơ

4,991 views


YouTube: https://youtu.be/df7DMLDLyGo

904804 Chú Giải Ga-la-ti 2:11-14
Sự Giả Hình của Sứ Đồ Phi-e-rơ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 2:11-14

11 Nhưng khi Phi-e-rơ đến thành An-ti-ốt, tôi có phản đối anh ấy tận mặt, bởi vì anh ấy đáng trách.

12 Vì trước khi mấy kẻ từ Gia-cơ chưa đến thì anh ấy ăn với người ngoại. Nhưng khi họ đã đến thì anh ấy rút lui, tự phân rẽ mình ra, sợ họ là những kẻ chịu cắt bì.

13 Những người Do-thái khác cũng cùng giả hình như vậy với anh ấy, đến nỗi Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ.

14 Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, tôi đã nói với Phi-e-rơ trước mọi người: Nếu anh là người Do-thái, mà sống theo cách của người ngoại, không theo cách của người Do-thái, thì làm sao anh khiến các dân ngoại trở thành người Do-thái?

Bốn câu Thánh Kinh ngắn trên đây ghi lại một sự kiện rất quan trọng. Đây là một sự kiện có lẽ đã xảy ra không bao lâu, sau khi Phao-lô, Ba-na-ba cùng một số trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem mang phán quyết được viết thành thư của các sứ đồ và trưởng lão đến cho Hội Thánh tại An-ti-ốt, về việc con dân Chúa người ngoại không cần phải giữ các nghi thức Do-thái Giáo, ngoại trừ việc chớ ăn máu, thú vật chết ngạt, thức ăn đã cúng thần tượng, và tránh sự tà dâm. Có lẽ sau đó không bao lâu, thì Sứ Đồ Phi-e-rơ đã đến thăm Hội Thánh tại An-ti-ốt, để khích lệ con dân Chúa tại đó. Như vậy, sự việc đã xảy ra khoảng bốn năm trước khi Phao-lô viết thư Ga-la-ti. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô ghi lại việc phạm tội của Phi-e-rơ, để làm bài học quan trọng cho Hội Thánh chung. Điều này cũng cho chúng ta biết rằng, cho dù chúng ta được ơn của Chúa và được tôn trọng đến đâu trong Hội Thánh, nhưng nếu sau khi tin Chúa mà chúng ta trở lại phạm tội, thì sự phạm tội của chúng ta vẫn có thể được nhắc lại, để làm bài học chung cho Hội Thánh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể nhắc lại quá khứ phạm tội trước khi chưa biết Chúa của anh chị em trong Hội Thánh, để chê trách. Sự phạm tội trước khi chưa biết Chúa và sự phạm tội sau khi đã biết Chúa là hai điều hoàn toàn khác nhau. Mặc dù trong cả hai trường hợp, nếu người phạm tội thật lòng ăn năn thì được sự tha thứ của Chúa, nhưng sự phạm tội sau khi biết Chúa có thể được nhắc lại, để làm bài học chung cho Hội Thánh.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa từng câu trong Ga-la-ti 2:11-14:

11 Nhưng khi Phi-e-rơ đến thành An-ti-ốt, tôi có phản đối anh ấy tận mặt, bởi vì anh ấy đáng trách.

Động từ trong tiếng Hy-lạp được dịch là “phản đối” trong câu trên, tùy theo văn mạch, có thể dịch là “phản đối” hoặc “chống cự”, vì nó không chỉ nói lên sự bất đồng ý kiến, mà còn nói lên sự tự vệ trước những gì có thể làm hại đến mình. Chúng ta có thể hiểu rằng, Phao-lô phản đối Phi-e-rơ nhưng ông chống cự sự lan tràn của tội lỗi trong Hội Thánh.

Phao-lô đã phản đối Phi-e-rơ tận mặt chứ không phải than phiền lén lút sau lưng Phi-e-rơ. Đây là thái độ cần phải có của tất cả các con dân Chúa khi đối diện với những sự sai trái của các anh chị em trong Hội Thánh. Thay vì bỏ qua hoặc than phiền sau lưng người có lỗi, người phạm tội, chúng ta cần thẳng thắn nêu vấn đề trước mặt người ấy.

Chúng ta cần ghi nhớ điều này: Nếu một anh chị em có lỗi với chúng ta chỉ riêng giữa chúng ta và người ấy, không có mặt người khác, thì chúng ta đặt vấn đề với riêng người ấy mà thôi, theo lời dạy của Chúa trong Ma-thi-ơ 18:15:

“Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, thì hãy đi, nói cho người biết lỗi, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, thì ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình.”

Nhưng nếu đó là sự sai trái trước sự có mặt của những người khác, thì chúng ta cần đặt vấn đề trước mặt của những người ấy, để những người ấy cũng nhận biết đó là một việc sai trái. Đây là điều cần thiết và quan trọng, cần phải làm kịp lúc. Vì nếu không, những người khác có thể hiểu lầm và khiến cho sự sai trái lan tràn, gây thiệt hại lớn trong Hội Thánh. Hãy tưởng tượng, nếu Phao-lô không lập tức quở trách Phi-e-rơ ngay trước mặt Hội Thánh, thì sự giả hình của Phi-e-rơ có thể lan ra đến nhiều Hội Thánh địa phương khác.

Nếu sự sai trái của các anh chị em chúng ta là sự rao giảng tà giáo thì chúng ta cần phải lập tức quở trách ngay tại chỗ, và sau đó phải thông báo cho toàn Hội Thánh. Nếu người giảng tà giáo không nhận lỗi, không ăn năn, thì Hội Thánh phải lập tức dứt thông công người ấy.

Là con dân Chúa, khi chúng ta sai trái thì phải nhận lỗi, xin lỗi với người mình xúc phạm, và ăn năn xưng tội với Chúa ngay. Có như thế, chúng ta mới luôn giữ mình thánh sạch trong máu của Chúa. Vì nếu chúng ta phạm tội mà không ăn năn, không xưng tội thì không được tha thứ. Chính vì thế, mà chúng ta cần phải nói ngay cho anh chị em trong Chúa biết mỗi khi chúng ta nhìn thấy họ phạm tội, để họ sớm nhận biết, ăn năn, và được tha thứ.

Bất cứ một hành vi sai trái nào của con dân Chúa cũng đã có hai lời chứng để cáo trách họ ngay trong tâm thần rồi. Lời chứng thứ nhất đến từ Đức Thánh Linh và lời chứng thứ nhì đến từ Thánh Kinh. Nhưng bởi sự khoan nhẫn lớn của Chúa mà Ngài còn cho người có tội thêm ba cơ hội để ăn năn, qua sự cáo trách, sửa trị của các anh chị em trong Hội Thánh (Ma-thi-ơ 18:15-17). Đối với trường hợp theo tà giáo thì chỉ có hai cơ hội, như Tít 3:10 đã dạy rõ.

Phao-lô gọi thái độ, hành động của Phi-e-rơ là “đáng trách” tức là đáng để lên án và buộc tội. Một người vì sơ ý hay thiếu hiểu biết mà phạm tội, thì không đáng trách. Nhưng một người có hiểu biết mà lại cố ý phạm tội, thì đáng bị lên án và bị hình phạt. Riêng, trong trường hợp của Sứ Đồ Phi-e-rơ thì lại càng đáng trách lắm, vì ông là một sứ đồ, một trưởng lão, và một người chăn.

Kế tiếp, Phao-lô nêu rõ tội của Phi-e-rơ:

12 Vì trước khi mấy kẻ từ Gia-cơ chưa đến thì anh ấy ăn với người ngoại. Nhưng khi họ đã đến thì anh ấy rút lui, tự phân rẽ mình ra, sợ họ là những kẻ chịu cắt bì.

13 Những người Do-thái khác cũng cùng giả hình như vậy với anh ấy, đến nỗi Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ.

Qua lời chứng và cũng là lời cáo buộc trên đây của Phao-lô, chúng ta thấy, Phi-e-rơ đã phạm các tội: tư vị, giả hình, hèn nhát, làm gương xấu cho nhiều người khác trong Hội Thánh, xúc phạm con dân Chúa gốc dân ngoại, và bất công đối với họ.

Cách đó không bao lâu, có lẽ chỉ mới vài tuần hoặc vài tháng, trước mặt Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, Phi-e-rơ đã đứng dậy, lớn tiếng nói: Hỡi mọi người! Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em hãy biết rằng, từ những ngày đầu, Đức Chúa Trời đã chọn tôi giữa chúng ta, để cho các dân ngoại bởi miệng của tôi được nghe Lời của Tin Lành và tin. Đức Chúa Trời là Đấng Biết Tấm Lòng, đã làm chứng cho họ, ban Đức Thánh Linh cho họ như cho chúng ta. Ngài chẳng phân biệt giữa chúng ta với họ. Ngài đã thanh tẩy lòng họ bởi đức tin. Vậy, bây giờ, sao các anh chị em thử Đức Chúa Trời; gán trên cổ của các môn đồ cái ách mà các tổ phụ của chúng ta hoặc chúng ta cũng không thể mang nổi? Trái lại, bởi ân điển của Đức Chúa Jesus, chúng ta tin, được cứu. Họ cũng được cứu theo cùng một cách đó.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:7-11).

Phi-e-rơ nhắc lại sự kiện Đức Chúa Trời đã dùng ông giảng Tin Lành cho gia đình Cọt-nây, là một gia đình thuộc dân ngoại. Trước khi người nhà của Cọt-nây đến tìm Phi-e-rơ, thì Đức Chúa Trời đã cho Phi-e-rơ nhìn thấy một khải tượng, qua đó, Ngài xác định những loài thú, côn trùng và loài chim không tinh sạch, nay đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch; tiêu biểu cho sự kiện những dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên vốn bị xem là ô uế, nay cũng đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11-16).

Tất cả các dân tộc trên đất, kể cả dân I-sơ-ra-ên, đều là ô uế vì đã phạm tội, y như Ê-sai 24:5 đã chép:

“Đất bị ô uế dưới chân các dân cư, vì họ đã phạm luật pháp, thay đổi sắc lệnh, phá bỏ giao ước đời đời.”

Tuy nhiên, bởi Áp-ra-ham tin cậy và vâng giữ các điều răn, các luật pháp của Đức Chúa Trời, mà Ngài gọi ông là người công chính và ban cho ông lời hứa về sự Ngài chọn dòng dõi ông, tức dân tộc I-sơ-ra-ên, làm một dân thánh:

“Ta sẽ thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, sẽ ban cho dòng dõi ngươi hết thảy các vùng đất này. Trong dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên đất sẽ được phước. Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:4-5).

“Vì ngươi là một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6).

Vì thế, dân I-sơ-ra-ên ra từ Áp-ra-ham được xem là dân thánh còn các dân tộc khác bị xem là ô uế. Dân I-sơ-ra-ên được xem là dân thánh vì họ ở trong giao ước của Đức Chúa Trời, có lời hứa về sự chuộc tội và sự tha tội. Họ là dân tộc duy nhất ở trong giao ước của Thiên Chúa và sự cắt bì là dấu hiệu của sự giao ước. Những người thuộc các dân tộc khác được dân I-sơ-ra-ên bắt làm tù binh, mua về làm nô lệ, hoặc kiều ngụ giữa dân I-sơ-ra-ên có thể được sát nhập với dân I-sơ-ra-ên, qua sự chịu cắt bì và vâng giữ các điều răn, các luật pháp của Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 17:12-13; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48).

Nhưng khi thời điểm đến, thì Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu của Ngài với mọi dân tộc, bằng cách ban sự chuộc tội và sự tha tội cho muôn dân, qua cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Kể từ khi Đức Chúa Jesus Christ chịu đóng đinh trên thập tự giá, thì muôn dân trên đất, chứ không riêng gì dân I-sơ-ra-ên, đều không còn bị xem là ô uế. Việc còn lại là mỗi người trong muôn dân có bằng lòng tiếp nhận sự thánh hóa, tức là sự chuộc tội và sự tha tội, mà Thiên Chúa đã làm ra cho họ hay không. Sự cắt bì tiêu biểu cho sự cất đi bản ngã tội lỗi để sống một đời sống thánh khiết trong Chúa. Sự cất đi bản ngã tội lỗi là điều do Đức Chúa Jesus Christ làm cho mỗi người, còn gọi là sự làm cho sạch tội, sự cắt bì của tấm lòng, trong tâm thần:

“Vì người nào chỉ là người Do-thái bề ngoài thì không phải là người Do-thái. Sự cắt bì trong xác thịt bề ngoài cũng không phải là sự cắt bì. Nhưng người mà bề trong là người Do-thái và sự cắt bì của tấm lòng, trong tâm thần, không theo chữ nghĩa, thì sự khen ngợi của người ấy chẳng đến từ loài người nhưng đến từ Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 2:28-29).

“Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Sự cắt bì của Đấng Christ tức là sự Đấng Christ cất đi tội lỗi của thế gian, bằng cách dùng máu thánh của Ngài rửa sạch loài người khỏi mọi tội lỗi:

“…Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian.” (Giăng 1:29).

“…máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội của chúng ta.” (I Giăng 1:7).

“…Đấng yêu chúng ta; Đấng đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài…” (Khải Huyền 1:5).

Điều quan trọng chúng ta cần hiểu và ghi nhớ: Mọi người đã được Đức Chúa Jesus Christ làm cho tinh sạch. Tức là, sự chuộc tội và tha tội cho toàn thế gian đã hoàn tất. Mỗi người chỉ cần bởi đức tin, tiếp nhận sự chuộc tội và sự tha tội của Thiên Chúa.

Sứ Đồ Phi-e-rơ đã hiểu rất rõ lẽ thật này. Chính ông là người đầu tiên rao giảng Tin Lành cho người ngoại và tiếp nhận họ vào trong Hội Thánh của Chúa. Dù Thánh Kinh không nói, nhưng chúng ta có thể tin rằng, Phi-e-rơ và những người cùng đi với ông đến nhà Cọt-nây, đã ngồi ăn thông công với gia đình Cọt-nây. Khi ông đến thăm Hội Thánh giữa vòng dân ngoại tại An-ti-ốt, ông cũng ngồi ăn thông công với mọi người. Thế nhưng, khi một số người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem, do Gia-cơ gửi đi, đến thăm Hội Thánh tại An-ti-ốt, thì Phi-e-rơ đã tự ý rút lui, không ngồi ăn với các tín đồ gốc dân ngoại. Lý do là Phi-e-rơ sợ những người Do-thái ấy bắt bẻ ông về việc ông ngồi ăn chung với những người không chịu cắt bì. Những tín đồ gốc Do-thái tại An-ti-ốt cũng bắt chước Phi-e-rơ. Thậm chí, Ba-na-ba cũng bắt chước Phi-e-rơ.

Trong câu 13 chúng ta thấy sức mạnh lây lan đáng sợ của tội lỗi. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta làm gương xấu cho người khác phạm tội theo. Sự phạm tội của những người có chức vụ trong Hội Thánh, đặc biệt là những người giảng dạy Lời Chúa, tác động lên rất nhiều người. Lời Chúa đã dạy rõ: Một chút men làm dậy cả đống bột! (I Cô-rinh-tô 5:6).

Người Do-thái có thói quen khinh thường những người dân ngoại không chịu cắt bì, xem họ là ô uế, không bao giờ bước chân vào nhà của họ và không bao giờ ngồi ăn chung với họ. Sau khi tin nhận Tin Lành, nhiều người Do-thái vẫn còn giữ thói quen khinh thường những người dân ngoại không chịu cắt bì, cho dù đó là những người đã tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi, đã được báp-tem vào trong Hội Thánh. Những người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem được Gia-cơ gửi đến An-ti-ốt là những người như vậy. Có lẽ, Phi-e-rơ kiêng nể họ vì họ vốn là những người Pha-ri-si giỏi về Thánh Kinh, đã được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:5. Họ tương đương như các tiến sĩ Thần học ngày nay trong các giáo hội.

Chỉ một hành động tránh né, không dám ngồi ăn với các tín đồ gốc dân ngoại vì sợ sự bắt bẻ của những người tín đồ gốc Do-thái, mà:

  • Phi-e-rơ đã tư vị những người Do-thái chịu cắt bì, xem họ trọng hơn những con dân Chúa gốc dân ngoại tại An-ti-ốt. Ông thà làm điều sai trái để được lòng họ cho dù có mất lòng con dân Chúa tại An-ti-ốt và phạm tội nghịch lại Chúa.
  • Phi-e-rơ đã giả hình, không sống đúng theo lẽ thật của Tin Lành mà ông tin và rao giảng.
  • Phi-e-rơ đã hèn nhát, không dám phản đối tận mặt những người Do-thái ấy về thói quen, thành kiến, sự kỳ thị sai trái của họ; nhưng ông lại làm điều sai trái theo họ để không bị họ phản đối ông. Ông sợ họ hơn là sợ Chúa. Ông sợ họ hơn là yêu quý và bảo vệ bầy chiên của Chúa, mà Chúa đã đích thân giao cho ông chức vụ chăn bầy.
  • Phi-e-rơ đã làm gương xấu cho nhiều người khác trong Hội Thánh, thậm chí, làm gương xấu cho chính Ba-na-ba, khiến cho Ba-na-ba và nhiều người Do-thái khác cũng bắt chước ông mà giả hình.
  • Phi-e-rơ đã xúc phạm con dân Chúa gốc dân ngoại tại An-ti-ốt. Vì thái độ của ông trong sự phân rẽ, không ngồi ăn thông công với họ là sự ông đồng ý với lòng xem khinh dân ngoại của những người Do-thái đến từ Giê-ru-sa-lem.
  • Phi-e-rơ đã bất công đối với con dân Chúa gốc dân ngoại tại An-ti-ốt, vì ông đã không cư xử với họ như là một phần chi thể của Đấng Christ, đã không bảo vệ họ trước sự kỳ thị sai trái của những người Do-thái thiếu hiểu biết, mà còn về hùa với những người ấy để xúc phạm họ.

Phao-lô gọi đích danh việc làm của Phi-e-rơ là giả hình.

14 Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, tôi đã nói với Phi-e-rơ trước mọi người: Nếu anh là người Do-thái, mà sống theo cách của người ngoại, không theo cách của người Do-thái, thì làm sao anh khiến các dân ngoại trở thành người Do-thái?

Sự kỳ thị anh chị em cùng đức tin trong Chúa vì bất cứ lý do gì, đều là sự không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành. Bởi vì, một trong các lẽ thật của Tin Lành là:

“Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:28).

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Bất cứ ai tin nhận Tin Lành thì đều được hiệp làm một với Đức Chúa Jesus Christ, trở nên các chi thể trong một thân thể, là Hội Thánh, mà Đấng Christ là đầu. Chủng tộc, ngôn ngữ, phái tính, tài sản, giai cấp, địa vị, học thức, tuổi tác, văn hóa, năng lực… không một điều gì có thể trở thành lý do, để một người bị kỳ thị hoặc được biệt đãi trong Hội Thánh của Chúa. Tất cả con dân Chúa sống chan hòa với nhau trong tình yêu của Chúa, sẵn sàng cứu giúp, tiếp trợ lẫn nhau, và không ngần ngại hy sinh cho nhau. Thánh Kinh đã dùng hình ảnh sống động của một thân thể với nhiều chi thể được điều khiển bởi cái đầu, để nói lên sự hiệp một và bình đẳng của con dân Chúa trong Hội Thánh, dưới sự cai trị của Chúa.

Thái độ tránh né không ăn chung với con dân Chúa gốc dân ngoại của Phi-e-rơ không những là một sự kỳ thị dựa trên chủng tộc, văn hóa, mà còn là một sự hỗ trợ cho tà giáo buộc con dân Chúa gốc dân ngoại phải chịu cắt bì. Chính vì thế mà Phao-lô đã lập tức lên tiếng phản đối và quở trách Phi-e-rơ, trước mặt mọi người.

Danh từ “người Do-thái” được Phao-lô dùng để nói với Phi-e-rơ có nghĩa là: “người thuộc về một dân tộc biết Chúa, được Chúa dạy cho biết nếp sống thánh khiết theo các điều răn và luật pháp của Chúa, và được Chúa chọn, để giãi bày về Chúa cho các dân tộc khác”.

Nếu một người biết Chúa nhưng sống như một người không biết Chúa, thay vì sống đúng theo nếp sống của một người biết Chúa, thì làm sao người ấy có thể khiến cho một người không biết Chúa trở nên biết Chúa và sống như một người biết Chúa? Nếu con dân Chúa sống giả hình như người không biết Chúa thì làm sao khiến cho người mới tin Chúa từ bỏ nếp sống giả hình cũ, để sống nếp sống chân thật, thánh khiết của một người mới trong Chúa?

Chúng ta có thể thay thế danh từ “người Do-thái” bằng danh từ “con dân Chúa” và thay thế danh từ “người ngoại”, “dân ngoại” thành danh từ “người ngoài Chúa” trong câu Phao-lô nói với Phi-e-rơ, để tự hỏi chính mình:

Nếu tôi là con dân Chúa, mà sống theo cách của người ngoài Chúa, không theo cách của con dân Chúa, thì làm sao tôi khiến các người ngoài Chúa trở thành con dân Chúa?

Chúng ta cũng nhận thấy, mặc dù Phao-lô gọi việc làm của Phi-e-rơ là giả hình, nhưng ông không dùng danh từ “giả hình” trong khi quở trách Phi-e-rơ. Ông chỉ hỏi Phi-e-rơ rằng, nếu Phi-e-rơ là người biết Tin Lành mà không sống ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì làm sao Phi-e-rơ có thể khiến cho người khác sống ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành.

Chúng ta cần phải lên tiếng về sự sai trái của các anh chị em trong Chúa một cách thẳng thắn và kịp lúc, nhưng chúng ta lên tiếng trong sự yêu thương và gây dựng. Còn nếu chúng ta là người có lỗi, được các anh chị em trong Chúa hay ngay cả một người ngoài Chúa nói lên sự sai trái của chúng ta, thì chúng ta phải hạ mình, khiêm nhường, lập tức nhận lỗi, xin lỗi người mình xúc phạm, cảm tạ Chúa đã sai người chỉ lỗi, và cám ơn người chỉ lỗi cho mình.

Sự phạm tội của Phi-e-rơ và sự lên tiếng quở trách của Phao-lô là bài học quan trọng, mà Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Phao-lô ghi chép lại trong Thánh Kinh, để Hội Thánh chung học tập và ghi nhớ.

Nguyện những điều chúng ta học được qua bốn câu Thánh Kinh Ga-la-ti 2:11-14 giúp cho chúng ta biết cẩn thận giữ mình, để không phạm cùng một lỗi như Phi-e-rơ; đồng thời biết thẳng thắn góp ý, quở trách, gây dựng người có lỗi trong Hội Thánh một cách kịp lúc và đúng chỗ. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ luôn đổ đầy ân điển của Ngài trong chúng ta, để chúng ta được trọn vẹn trong sự yếu đuối của mình, mà làm thành mọi sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Nguyện sự thông công của Đức Thánh Linh chan hòa trong chúng ta, giữ gìn sự hiệp một của chúng ta với nhau và với Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/03/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.