Chú Giải Ga-la-ti 05:01-12 Sự Tự Do Trong Đấng Christ

5,047 views


YouTube: https://youtu.be/2qXXEQ-XkdE

904811 Chú Giải Ga-la-ti 5:1-12
Sự Tự Do Trong Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 5:1-12

1 Vậy, hãy đứng vững trong sự tự do mà Đấng Christ đã buông tha chúng ta. Chớ trở lại đặt mình dưới ách tôi mọi nữa.

2 Này! Tôi là Phao-lô, nói với các anh chị em rằng, nếu các anh chị em chịu cắt bì, thì Đấng Christ không có ích lợi gì cho các anh chị em.

3 Vì tôi làm chứng nghịch lại mỗi một người chịu cắt bì rằng, người ấy là một người thiếu nợ để làm theo toàn bộ luật pháp.

4 Đấng Christ trở thành vô ích cho bất cứ ai trong các anh chị em cậy luật pháp để được xưng công chính; các anh chị em bị mất ân điển.

5 Vì chúng ta bởi thần quyền mà chờ đợi niềm hy vọng của sự công chính bởi đức tin.

6 Vì trong Đức Chúa Jesus Christ, điều có giá trị, không phải là sự chịu cắt bì hoặc sự không chịu cắt bì, nhưng là đức tin được tác động bởi tình yêu.

7 Các anh chị em chạy giỏi, ai đã ngăn trở các anh chị em, để các anh chị em không vâng theo lẽ thật?

8 Sự xúi giục đó không phải đến từ Đấng gọi các anh chị em.

9 Một ít men làm cho dậy cả đống bột.

10 Trong Chúa, tôi đối với các anh chị em có lòng tin cậy này, là các anh chị em chắc không có ý khác; nhưng kẻ làm rối trí các anh chị em, bất luận người nào, sẽ chịu án phạt về điều đó.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về phần tôi, nếu tôi còn giảng phép cắt bì, thì sao tôi còn bị bách hại nữa? Sự vấp phạm về thập tự giá chẳng phải đã chấm dứt rồi sao?

12 Tôi mong rằng, thà những kẻ gieo sự rối loạn trong các anh chị em, họ tự chặt mình!

Tự do và nô lệ, bao gồm hai phương diện: thuộc thể lẫn thuộc linh, là đề tài muôn thuở của nhân loại.

Tự do là tự mình lựa chọn và quyết định tất cả những gì liên quan đến mình; nô lệ là không được tự mình lựa chọn và quyết định lấy. Tự do là một quyền và là sức mạnh của tinh thần, được Đức Chúa Trời ban cho nhân loại. Nô lệ là hậu quả của sự sử dụng cách sai lầm quyền tự do. Sự nô lệ thuộc linh dẫn đến sự nô lệ thuộc thể.

Tổ phụ của loài người là A-đam và Ê-va đã dùng quyền tự do cách sai lầm, nghịch lại điều răn của Thiên Chúa, nên họ đã bị nô lệ cho tội lỗi và lưu truyền sự nô lệ ấy cho đến ngày trời cũ đất cũ này qua đi. Từ khi loài người bị nô lệ cho tội lỗi thì loài người lại ức hiếp lẫn nhau, bắt người khác làm nô lệ cho mình và cướp đoạt từ người khác những gì mà mình thích.

Dù loài người bội nghịch Thiên Chúa đến mức tột cùng, nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người vẫn không thay đổi. Vì thế, Ngài đã ban cho loài người cơ hội và phương tiện để thoát ra khỏi sự nô lệ cho tội lỗi. Cơ hội và phương tiện ấy chính là sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, mang tên Jesus. Ngài đã được sinh ra như một người bởi loài người, làm Con của Đức Chúa Trời, để làm gương cho loài người về nếp sống phải có trong địa vị con cái của Đức Chúa Trời. Ngài đã chịu gánh thay án phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại, qua sự chết của Ngài trên thập tự giá.

Nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hết lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, thì lập tức được Ngài giải phóng ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Cùng lúc, Đức Chúa Trời phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời cho người ấy; và Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự vào trong thân thể của người ấy, với danh xưng Đức Thánh Linh, để ấn chứng quyền làm con của Đức Chúa Trời, ấn chứng quyền tự do đã được phục hồi, và ban cho người ấy năng lực của Thiên Chúa (thánh linh), để người ấy hành xử quyền tự do đúng theo luật pháp của Thiên Chúa.

Quyền tự do Thiên Chúa ban cho loài người là quyền tự do pháp trị, nghĩa là tự do trong khuôn khổ do luật pháp của Thiên Chúa quy định qua các điều răn của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu lời xác chứng về quyền tự do mà Đấng Christ đã phục hồi cho chúng ta qua Ga-la-ti 5:1-12.

1 Vậy, hãy đứng vững trong sự tự do mà Đấng Christ đã buông tha chúng ta. Chớ trở lại đặt mình dưới ách tôi mọi nữa.

Câu: “Sự tự do mà Đấng Christ đã buông tha chúng ta” có nghĩa là nhờ Đức Chúa Jesus Christ giải cứu chúng ta ra khỏi hình phạt của luật pháp, ra khỏi sức mạnh của tội lỗi, mà chúng ta được tự do như A-đam và Ê-va khi họ vừa được Thiên Chúa sáng tạo. Chúng ta hãy đứng vững trong sự tự do ấy, nghĩa là đừng bao giờ dùng sự tự do Chúa ban để làm ra những điều nghịch lại luật pháp của Chúa.

Ngày xưa, A-đam và Ê-va trước khi sa ngã, họ không hề biết bị nô lệ cho tội lỗi đau khổ là dường nào, nên họ dễ bị cám dỗ để phạm tội. Còn chúng ta ngày nay, là những người đã từng sống trong sự nô lệ cho tội lỗi và bị cầm tù bởi luật pháp, được ơn thương xót của Chúa cứu chúng ta ra khỏi, phục hồi địa vị làm con cho chúng ta, thì lẽ nào chúng ta lại đặt mình vào ách tôi mọi nữa? Trong thực tế, có thể nói là hầu hết con dân Chúa, đều nhiều lần cố ý phạm tội, sau khi đã được cứu ra khỏi tội. Những tội thường cố ý tái phạm là: kiêu ngạo, nóng giận vô lý, tham lam, nói dối, tà dâm…

Muốn đứng vững trong sự tự do mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta, chỉ có một phương cách duy nhất, là để cho Đức Chúa Trời thánh hóa chúng ta mỗi ngày bằng Lời Hằng Sống của Ngài. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã cầu thay cho con dân Chúa như sau:

“Xin Ngài thánh hóa họ bằng Lẽ Thật của Ngài. Lời Ngài là Lẽ Thật.” (Giăng 17:17).

Để Đức Chúa Trời có thể thánh hóa chúng ta bằng lẽ thật của Lời Ngài, thì chúng ta phải đọc Lời Chúa, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8).

Nhiều người nói rằng, tôi theo Chúa đã nhiều năm, nhưng không nghe Chúa phán dạy trực tiếp với tôi. Nếu chúng ta xem thường sự phán dạy của Chúa trong Thánh Kinh, lơ là không đọc và không suy ngẫm Thánh Kinh, để cẩn thận làm theo, thì không bao giờ chúng ta có thể nghe tiếng Chúa trực tiếp phán dạy với mình. Và chúng ta cũng sẽ không có năng lực để thắng mọi cám dỗ, thử thách bủa vây chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống.

Thánh Kinh là thức ăn thiêng liêng của linh hồn và tâm thần chúng ta. Thể xác lơ là không ăn uống thức ăn thuộc thể thì bị đau ốm, bệnh tật, và có thể chết như thế nào, thì tâm thần và linh hồn của chúng ta cũng có thể đau ốm, bệnh tật, và chết vì thiếu suy ngẫm, làm theo Lời Chúa, như thế ấy. Đọc Lời Chúa là ăn thức ăn thuộc linh, suy ngẫm Lời Chúa là tiêu hóa thức ăn thuộc linh, và làm theo Lời Chúa là thể dục thuộc linh, giúp cho chúng ta luôn đứng vững trong sự tự do mà Đức Chúa Jesus Christ đã dùng chính mạng sống của Ngài để mua về cho chúng ta.

Những người Ga-la-ti đã không ăn nuốt Lời Chúa mà lại ăn nuốt tà giáo độc hại của các giáo sư giả. Thay vì khỏe mạnh, đứng vững trong sự tự do, thì họ ngã vào trong sự dối trá, trở lại làm tôi mọi cho các nghi thức không còn cần thiết phải thực hiện và các giáo điều nghịch Thánh Kinh của tôn giáo.

2 Này! Tôi là Phao-lô, nói với các anh chị em rằng, nếu các anh chị em chịu cắt bì, thì Đấng Christ không có ích lợi gì cho các anh chị em.

Phao-lô đã cẩn thận và nghiêm khắc, tự xưng tên, để nói những lời kế tiếp với con dân Chúa tại Ga-la-ti:

  • Này: Hãy chú ý và lắng nghe cho kỹ.
  • Tôi là Phao-lô: Không phải bất cứ ai mà là tôi, Phao-lô, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, và là người đã dùng Tin Lành để sinh ra các anh chị em, người đã dùng Lời Chúa mà nuôi dưỡng các anh chị em.
  • Nói với các anh chị em rằng: Đây là điều tôi công bố trong danh Chúa và là lẽ thật của Lời Chúa.
  • Nếu các anh chị em chịu cắt bì, thì Đấng Christ không có ích lợi gì cho các anh chị em: Sự chịu cắt bì mà tôi nói đây là sự chịu cắt bì để được tha tội, để được cứu rỗi, để được nhận làm con dân của Thiên Chúa; hoặc ít ra chịu cắt bì vì tin rằng không chịu cắt bì là phạm luật pháp, là có tội. Những ai chịu cắt bì vì muốn giữ vệ sinh thân thể hoặc vì muốn tỏ ra mình là người Do-thái, con cháu phần xác thịt của Áp-ra-ham, thì không kể. Tin Lành của Chúa mà các anh chị em đã tin nhận không hề đòi hỏi một người phải làm bất cứ một nghi thức tôn giáo nào để được cứu, mà chỉ cần thật lòng ăn năn tội và hết lòng tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, nếu các anh chị em chịu cắt bì thì đương nhiên các anh chị em đã từ chối ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài chịu chết để cứu chuộc các anh chị em, mà nay các anh chị em lại nương cậy nơi việc chịu cắt bì để được cứu, thì Ngài không còn ích lợi gì cho các anh chị em.

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, đại danh từ “các anh chị em” được dùng để gọi chung tất cả mọi người trong Hội Thánh, nam cũng như nữ, người lớn cũng như trẻ con. Tuy nhiên, chúng ta biết phụ nữ thì không chịu sự cắt bì. Nhưng phụ nữ cũng có thể dự phần trong sự xúi giục chồng con của mình chịu cắt bì. Vì thế, lời cảnh báo của Phao-lô vẫn có thể áp dụng cho các chị em trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti.

3 Vì tôi làm chứng nghịch lại mỗi một người chịu cắt bì rằng, người ấy là một người thiếu nợ để làm theo toàn bộ luật pháp.

Phao-lô tuyên bố ông là người đứng ra làm chứng nghịch lại bất cứ ai chịu cắt bì để được xưng là công chính. Nếu một người chọn làm theo luật pháp để được xưng công chính, thì người ấy phải làm trọn tất cả các điều luật của luật pháp, nếu không, người ấy là người thiếu nợ luật pháp, tức là có tội. Chắc chắn là không ai có thể làm trọn toàn bộ luật pháp, ngoài Đức Chúa Jesus. Vì mọi người đều đã phạm tội. Không chỉ phạm một lần mà cứ tái phạm cho đến ngày thân thể xác thịt bị chết đi. Người bị bệnh nằm liệt giường cũng vẫn có thể tiếp tục phạm tội trong ý nghĩ và lời nói, mà tội đứng đầu là tội không tin nhận và không tôn thờ Thiên Chúa.

Chỉ sau khi thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, được tha tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên mới, thì một người mới có thể giữ trọn luật pháp của Thiên Chúa. Khi đó, người ấy đã được cứu, đã được xưng công chính bởi ân điển và đức tin, đã được ban cho năng lực để sống theo luật pháp của Thiên Chúa. Và nếu như người ấy có lỡ phạm tội trở lại, thì ân điển và đức tin vẫn tiếp tục cứu người ấy, chứ không phải bất cứ một việc làm lành nào hay một nghi thức tôn giáo nào. Lẽ thật trong I Giăng 1:9 áp dụng cho bất cứ ai trong mọi lúc:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.”

Trong các giáo hội mang danh Chúa ngày nay, có nhiều giáo hội giảng dạy rằng, con dân Chúa không cần phải vâng giữ các điều răn và luật pháp. Giảng dạy như thế là giảng dạy tà giáo. Thánh Kinh dạy rõ, luật pháp không hề bị bỏ đi, luật pháp là thánh, và con dân Chúa phải làm cho vững bền luật pháp, tức là không phạm luật pháp:

“Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31).

“Vậy thì sao? Vì chúng ta không ở dưới luật pháp nhưng ở dưới ân điển thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!” (Rô-ma 6:15).

“Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành.” (Rô-ma 7:12).

Trước khi và sau khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết để chuộc tội cho loài người, luật pháp của Thiên Chúa vẫn y nguyên, một chấm, một nét cũng không thay đổi, cho đến khi trời cũ đất cũ này qua đi:

“Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn. Vì Ta phán với các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn. Vậy, nếu ai bỏ đi một trong các điều cực nhỏ nào của các điều răn, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy các điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:17-19).

Mọi người, kể cả Đức Chúa Jesus Christ buộc phải vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì chúng ta được sinh ra với bản tính tội lỗi nên chúng ta không thể vâng giữ luật pháp một cách trọn vẹn, và chúng ta phải chịu sự hình phạt của luật pháp. Nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mà những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, thì được thoát khỏi hình phạt của luật pháp, được ban cho năng lực của Thiên Chúa để có thể sống đúng theo luật pháp. Hoàn toàn không có chuyện một người sau khi được cứu thì không cần phải vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Luật pháp không bị phá bỏ, một chấm hay một nét cũng chưa qua đi, có nghĩa là ngay cả luật pháp về sự cắt bì cũng vẫn còn nguyên, nhưng sự áp dụng và thi hành trong thời Tân Ước khác với trong thời Cựu Ước. Thời Cựu Ước luật cắt bì được thi hành trên xác thịt của người nam. Thời Tân Ước luật cắt bì được thi hành trên tấm lòng của người nam lẫn người nữ, và do Đức Chúa Jesus Christ thực hiện:

“Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Sự cắt bì của Đấng Christ tức là sự Đấng Christ giúp chúng ta lột bỏ con người cũ tội lỗi bởi sự đổ máu của Ngài.

Tương tự như vậy, luật pháp về sự dâng sinh tế chuộc tội, luật pháp về sự dâng sinh tế thường dâng cũng vẫn y nguyên. Nhưng trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ dâng chính mạng sống Ngài làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại, một lần đủ cả; và con dân Chúa vẫn ngày hai bận dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1).

Chính vì thế mà việc con dân Chúa quay về giữ nghi thức cắt bì, hoặc giữ các ngày lễ hội, hoặc làm bất cứ một điều gì trong luật pháp để được xưng công chính, được tha tội, được cứu là việc thiếu hiểu biết và vô ích.

4 Đấng Christ trở thành vô ích cho bất cứ ai trong các anh chị em cậy luật pháp để được xưng công chính; các anh chị em bị mất ân điển.

Chẳng những việc cậy luật pháp để được xưng công chính là việc thiếu hiểu biết và vô ích, mà đó còn là ý tưởng và hành động chối bỏ ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ, tức là chối bỏ ân điển của Thiên Chúa. Những câu Thánh Kinh mà chúng ta đang học đây cũng chứng minh rằng: Một người sau khi được cứu vẫn có thể bị trật phần ân điển, nếu người ấy quay về phạm tội mà không ăn năn.

5 Vì chúng ta bởi thần quyền mà chờ đợi niềm hy vọng của sự công chính bởi đức tin.

Chúng ta, những con dân của Thiên Chúa, chẳng những được cứu bởi thần quyền, mà còn bởi thần quyền mà chờ đợi niềm hy vọng của sự công chính bởi đức tin.

Thần quyền là quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng ấy khi vận hành trong chúng ta thì gọi là thánh linh. Niềm hy vọng là sự vui mừng sẽ đến. Sự công chính bởi đức tin là sự công chính đến bởi đức tin, nhờ đức tin mà được xưng là công chính. Đức tin là sự tin cậy vào Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của Ngài. Được xưng là công chính có nghĩa là được Đức Chúa Trời tuyên bố không có tội, xứng đáng để nhận lãnh sự sống đời đời trong Vương Quốc Đời Đời.

6 Vì trong Đức Chúa Jesus Christ, điều có giá trị, không phải là sự chịu cắt bì hoặc sự không chịu cắt bì, nhưng là đức tin được tác động bởi tình yêu.

Trong Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là thuộc về Ngài bởi sự tin nhận Ngài. Nghi thức cắt bì trên xác thịt để tiêu biểu cho sự cắt bỏ bản tính tội lỗi khỏi linh hồn của một người, đã được chính Đức Chúa Jesus Christ thi hành cho bất cứ ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Vì thế, việc một người chịu cắt bì trên xác thịt hay không chịu cắt bì trên xác thịt hoàn toàn không có giá trị gì trong Đức Chúa Jesus Christ. Điều có giá trị trong Đức Chúa Jesus Christ chính là đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa qua Đấng Christ, và là đức tin được tác động bởi tình yêu để đức tin ấy thể hiện thành việc làm. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với lẫn nhau. Chúng ta không thể tự mình có tình yêu, mà tình yêu tuôn đổ từ chính Đức Chúa Jesus Christ vào trong chúng ta. Như nhựa sống từ gốc nho tuôn đổ vào trong các nhánh nho. Các nhánh nho được nhựa sống từ gốc nho tác động sinh ra lắm trái như thế nào, thì tình yêu từ Đấng Christ cũng tác động chúng ta để chúng ta sinh ra các trái của tâm thần như thế ấy (Ga-la-ti 5:22-23).

Một người không thật lòng ăn năn tội, không hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy không thể thuộc về Đấng Christ. Người ấy có thể xưng mình là tín đồ của Đấng Christ, thậm chí mang chức vụ mục sư trong một giáo hội, nhưng người ấy không bao giờ có được tình yêu của Thiên Chúa tác động trong người ấy, và người ấy không bao giờ kết trái của tâm thần. Người ấy sẽ bị khô héo, bị chặt bỏ, và bị đốt trong lửa.

7 Các anh chị em chạy giỏi, ai đã ngăn trở các anh chị em, để các anh chị em không vâng theo lẽ thật?

Con dân Chúa tại Ga-la-ti đã từng lớn lên trong ân điển và đức tin theo lẽ thật của Lời Chúa do Phao-lô rao giảng, dạy dỗ. Nhưng giờ đây, họ đã để cho các giáo sư giả dẫn dụ họ tin theo tà giáo, chối bỏ lẽ thật, có nguy cơ bị trật phần ân điển. Câu này cũng dạy cho chúng ta biết rằng: Con dân chân thật của Chúa, đang lớn lên trong lẽ thật của Lời Chúa, cũng vẫn có thể bị tà giáo dẫn dụ.

8 Sự xúi giục đó không phải đến từ Đấng gọi các anh chị em.

Phao-lô khẳng định, những lời xúi giục con dân Chúa tại Ga-la-ti, cho dù đến từ ai, kể cả những người có danh tiếng, bằng cấp, địa vị trong xã hội (trong Do-thái Giáo thời bấy giờ) là không đến từ Đức Chúa Trời, Đấng gọi con dân Chúa đến với ân điển của Ngài.

Ngày nay, cũng có vô số những người xưng mình là “tôi tớ Chúa”, khoe ra các thứ bằng cấp Thần học, nhưng lại xúi giục con dân Chúa làm theo các truyền thống của giáo hội, nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh. Điều đáng tiếc là hàng tỉ người trên thế giới đang bị các giáo sư giả ấy dẫn dụ bằng đủ loại tà giáo, mà không vâng phục lẽ thật, họ chẳng khác gì con dân Chúa tại Ga-la-ti cách nay gần 2.000 năm.

9 Một ít men làm cho dậy cả đống bột.

Một ý tưởng tà giáo được gieo rắc vào trong Hội Thánh có thể làm cho rối loạn cả Hội Thánh. Từ trước khi Hội Thánh được thành lập, Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy rõ ràng cho các môn đồ của Ngài, là họ phải coi chừng về các giáo lý sai nghịch Thánh Kinh, đến từ những người giữ chức vụ giảng dạy Lời Chúa:

“Đức Chúa Jesus phán với họ: Hãy coi chừng và hãy để ý về men của những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê.” (Ma-thi-ơ 16:6).

“Bấy giờ, họ hiểu rằng, Ngài chẳng truyền cho họ coi chừng về men làm bánh, nhưng về giáo lý của những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê.” (Ma-thi-ơ 16:12).

Đức Thánh Linh cũng đã truyền cho Hội Thánh phải kiên quyết dứt thông công với những người theo tà giáo, sau hai lần khuyên giải mà họ không ăn năn:

“Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa. Hãy biết rằng, kẻ băng hoại và phạm tội như thế, thì tự lên án chính mình.” (Tít 3:10-11).

Nhiều người vẫn xem thường mệnh lệnh về sự dứt thông công với những người có tội mà không chịu ăn năn, nên đã phải gánh lấy hậu quả cho sự không vâng phục lẽ thật. Xin quý ông bà anh chị em hãy ghi nhớ rằng: Ma Quỷ như sư tử rống, đi rình mò chung quanh quý ông bà anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được (I Phi-e-rơ 5:8). Vì thế, mỗi khi ma quỷ nhìn thấy người nào không làm theo Lời Chúa, thì nó lập tức xông vào cắn xé. Nếu ai vẫn thông công với người theo tà giáo đã bị Hội Thánh dứt thông công, thì người ấy sẽ bị ngã vào tà giáo. Nếu ai vẫn thông công với người phạm các tội khác đã bị Hội Thánh dứt thông công, thì người ấy sẽ bị gánh lấy những tai họa do chính người đã bị dứt thông công ấy đưa tới.

Nếu có ai trong Hội Thánh vẫn giữ thông công với người đã bị dứt thông công, mà Hội Thánh biết được, thì Hội Thánh cũng cần phải dứt thông công người ấy, để bảo vệ sự thánh khiết và an toàn của Hội Thánh. Nếu không, một chút men sẽ làm cho dậy cả đống bột!

10 Trong Chúa, tôi đối với các anh chị em có lòng tin cậy này, là các anh chị em chắc không có ý khác; nhưng kẻ làm rối trí các anh chị em, bất luận người nào, sẽ chịu án phạt về điều đó.

Phao-lô biết rõ, không phải con dân Chúa tại Ga-la-ti tự mình đi sai lạc Lời Chúa, mà chỉ vì họ nhẹ dạ, thiếu hiểu biết, và có thể vì họ kiêng nể những người có địa vị, bằng cấp, giỏi trích dẫn Lời Chúa. Họ là nạn nhân, còn những giáo sư giả rao giảng tà giáo cho họ mới là những người cố ý dẫn đưa người khác đi sai lạc Lời Chúa. Tất cả các giáo sư giả, nếu không kịp thời ăn năn, đều sẽ chịu án phạt xứng đáng về việc đã làm tổn thương Hội Thánh của Chúa.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về phần tôi, nếu tôi còn giảng phép cắt bì, thì sao tôi còn bị bách hại nữa? Sự vấp phạm về thập tự giá chẳng phải đã chấm dứt rồi sao?

Phao-lô không hề giảng về luật pháp và các nghi thức tiêu biểu cho sự chuộc tội, sự tha tội, sự làm cho sạch tội, và sự thánh hóa. Mà ông giảng về Tin Lành, là ân điển của Thiên Chúa. Ông giảng về sự loài người đã được (xin nhắc lại để nhấn mạnh: đã được) Thiên Chúa ban ơn cứu chuộc, loài người chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận ơn cứu chuộc từ Thiên Chúa, loài người không cần phải làm ra một điều gì khác, thì lập tức loài người được tha tội, được làm cho sạch tội, và được thánh hóa. Tất cả các sự đó có thể xảy ra là nhờ sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Thập tự giá làm hình ảnh tiêu biểu cho Tin Lành, cho ân điển của Thiên Chúa.

Phao-lô luôn bị những người theo Do-thái Giáo bắt bớ và bách hại ông. Nhiều lần ông bị họ tìm cách giết chết. Nhưng tệ hơn thế là ông bị chính những người xưng là môn đồ của Đấng Christ, tức anh chị em cùng đức tin với ông, mà lại tìm cách làm hại ông. Ông gọi họ là anh chị em cùng Cha giả dối (II Cô-rinh-tô 11:26), vì họ buộc người khác phải kèm theo sự giữ các nghi thức luật pháp chung với đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Sự vấp phạm về thập tự giá là sự vấp phạm của những người không hoàn toàn công nhận ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Họ không tin rằng sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ đủ để cứu họ. Họ phải thêm vào sự làm lành của chính họ, hoặc phải thêm vào sự vâng giữ các nghi thức luật pháp, các lễ hội thời Cựu Ước, hoặc phải thêm vào sự phát âm tên của Thiên Chúa bằng tiếng Hê-bơ-rơ, hoặc phải thêm vào sự kêu cầu bà Ma-ri cùng với sự chịu khổ nơi ngục luyện tội!

12 Tôi mong rằng, thà những kẻ gieo sự rối loạn trong các anh chị em, họ tự chặt mình!

Tự chặt mình có nghĩa là tự mình dứt thông công khỏi Hội Thánh. Phao-lô mong rằng những người đang gieo rắc tà giáo trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti hãy tự họ chặt đứt mối thông công với Hội Thánh. Vì như thế vừa tốt hơn cho Hội Thánh mà cũng tốt hơn cho họ. Hội Thánh bớt bị tổn thương, và hình phạt dành cho những kẻ ấy cũng sẽ giảm bớt.

Những ai làm thương tổn Hội Thánh, là làm thương tổn chính Đức Chúa Jesus Christ. Tất cả họ đều sẽ gánh lấy hình phạt nặng nề. Vì thế, họ càng gây ra nhiều tổn thương cho Hội Thánh chừng nào thì số phận của họ sau này sẽ càng thê thảm hơn chừng nấy.

Rất có thể ngày nay chúng ta không làm cho Hội Thánh bị rối loạn vì sự rao giảng tà giáo, nhưng coi chừng chúng ta đang làm cho Hội Thánh bị rối loạn vì sự kiêu ngạo, vì tự ái không đúng cách, hoặc vì ngồi lê đôi mách, bới xấu việc của người khác, gièm pha quá khứ tội lỗi của người khác.

Nguyện Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa, để chúng ta cứ đứng vững trong sự tự do Đấng Christ đã ban cho chúng ta, để chúng ta không bị mắc bẫy tà giáo. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ luôn đi bên cạnh chúng ta và đồng công với chúng ta trong mọi sự, để chúng ta không hành xử sai trái quyền tự do. Nguyện Đức Chúa Trời tiếp trợ mọi nhu cầu từ thuộc thể đến thuộc linh cho chúng ta, để chúng ta được vui sống trọn những ngày còn lại giữa thế gian này. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/05/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.