Chú Giải Ê-phê-sô 6:10-24
Mọi Khí Giới của Đức Chúa Trời
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Hãy mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài.
11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.
12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.
13 Vậy nên, hãy lấy và dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để cho trong ngày khốn khổ, các anh chị em có thể chống nghịch lại, và làm hết mọi sự để đứng {vững}.
14 Vậy, hãy đứng! Thắt lưng của các anh chị em trong lẽ thật, mặc lấy giáp của sự công bình,
15 chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An.
16 Trên hết mọi sự, lấy thuẫn của đức tin, nhờ đó các anh chị em có thể dập tắt được mọi tên lửa của kẻ dữ.
17 Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời của Thiên Chúa.
18 Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ,
19 và cho tôi, để lời được ban cho tôi, trong sự miệng của tôi mở ra, công bố cách dạn dĩ sự mầu nhiệm của Tin Lành.
20 Vì sự ấy mà tôi làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, để cho tôi được dạn dĩ nói như tôi phải nói.
21 Nhưng để cho các anh chị em cũng biết những sự thuộc về tôi, tôi làm việc như thế nào, thì có Ti-chi-cơ, một anh em cùng Cha rất yêu dấu và là người phục vụ trung tín trong Chúa, sẽ thông báo cho các anh chị em mọi sự.
22 Vì thế mà tôi gửi anh ấy đến với các anh chị em, để các anh chị em biết về chúng tôi; và anh ấy có thể an ủi lòng của các anh chị em.
23 Nguyện xin các anh chị em cùng Cha được sự bình an, tình yêu, và đức tin từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đức Chúa Jesus Christ!
24 Nguyện xin ân điển ở với tất cả những ai chân thành yêu Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta! A-men! [Thư này được viết từ Rô-ma, do Ti-chi-cơ chép.]
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/0jby90udga90ii4/9049061_Epheso_6_10-24.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDU0NTIyMDZf/9049061_Epheso_6_10-24.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049061-e-phe-so-6_10-24
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Đời sống của một người kể từ khi người ấy thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, được tái sinh bởi Đức Chúa Trời, và hết lòng sống theo Lời Chúa là đời sống của một chiến binh trong cuộc chiến thuộc linh khốc liệt. Cuộc chiến thuộc linh ấy là cuộc chiến giữa Thiên Chúa và những ai thuộc về Ngài nghịch lại Sa-tan và những ai không thuộc về Thiên Chúa.
Con dân Chúa không có sự lựa chọn nào khác là phải hết sức cậy nhờ ơn Chúa để chống cự tất cả những sự tấn công từ Sa-tan và các quỷ sứ của nó, cùng những người bị Sa-tan tác động, xui khiến. Chính vì thế mà Sứ Đồ Phao-lô đã khuyên Ti-mô-thê, hãy cùng ông chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ (II Ti-mô-thê 2:3).
Trong cuộc chiến ấy có các thiên sứ thuộc về Thiên Chúa chiến cự các tà linh, là những thiên sứ phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa, đứng đầu là Sa-tan. Các phân đoạn Thánh Kinh sau đây cho chúng ta biết như vậy: Đa-ni-ên 10:12-13; Giu-đe câu 9; Khải Huyền 12:7-9. Trong cuộc chiến ấy, con dân Chúa chiến cự cả loài người lẫn các tà linh là những kẻ chống nghịch Thiên Chúa. Câu chuyện của Gióp là một trường hợp cụ thể (Gióp 1-2). Vì thế, dù là cuộc chiến thuộc linh nhưng đối với chúng ta là con dân của Chúa, thì chiến trường bao gồm cả thế giới thuộc linh lẫn thế giới thuộc thể, tác động lên cả tâm thần và xác thịt của chúng ta. Chiến trường thuộc linh thì bắt đầu ngay từ trong tâm thần của chúng ta; còn chiến trường thuộc thể là môi trường sống của chúng ta.
Trong bài học cuối cùng về thư Ê-phê-sô chúng ta sẽ cùng nhau suy ngẫm về mọi khí giới mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn và ban cho chúng ta, để chúng ta luôn đắc thắng trong mỗi chiến trận. Chỉ có một cuộc chiến nhưng cuộc chiến ấy chia ra làm nhiều giai đoạn, nhiều trận chiến lớn nhỏ khác nhau.
10 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Hãy mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài.
Sứ Đồ Phao-lô đúc kết lá thư ông viết cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô bằng cách kêu gọi họ hãy trở nên những người mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài. Ông gọi họ là các anh chị em cùng Cha, để nhấn mạnh đến mối thông công đặc biệt giữa ông với họ, là mối thông công giữa những người cùng được Đức Chúa Trời tái sinh, cùng thuộc về Đấng Christ.
Mạnh dạn trong Chúa là mạnh dạn trong sự tin cậy và nương nhờ vào ân điển cùng sức toàn năng của Đấng Christ. Chúng ta tin rằng trong suốt đời sống của chúng ta, chúng ta chỉ cần được Chúa ban cho ân điển của Ngài. Chúng ta tin rằng, sức toàn năng của Chúa khiến cho chúng ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta:
“Nhưng Ngài phán với tôi: Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ vui lòng thà khoe mình trong sự yếu đuối của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9).
Chúng ta tự xưng nhận sự yếu đuối của mình trước Chúa và vui mừng đón nhận ân điển của Ngài. Ân điển là ơn ban cho từ Thiên Chúa. Nhận được ân điển của Thiên Chúa là nhận được tất cả những gì mà chúng ta cần trong cuộc sống, trong cuộc chiến thuộc linh. Trong ân điển của Đấng Christ, chúng ta được Ngài ban cho sức mạnh của Ngài để chúng ta làm được mọi sự qua Ngài:
“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).
Mọi sự mà chúng ta làm bởi Đấng Christ ban thêm sức cho chúng ta bao gồm: sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, sự vượt qua những thử thách, sự đắc thắng những cám dỗ, và sự hoàn thành những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.
Mạnh dạn trong sức mạnh tể trị của Chúa là luôn nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Vua của Muôn Vua, Chúa của Muôn Chúa; không một quyền lực nào có thể đứng vững trước sức mạnh tể trị của Ngài. Khi chúng ta đối diện với sự tấn công của ma quỷ và những kẻ chống nghịch Chúa, thì chúng ta vẫn mạnh dạn chiến cự và tin chắc mình sẽ đắc thắng, vì mình thuộc về Đấng Christ.
Ma quỷ và thế gian có thể làm chúng ta bị thiệt hại về phần thuộc thể, như bị đau ốm, bệnh tật, thương tích, bị đánh đập, bị cầm tù, bị mất mát tài sản, bị người thân trong gia đình ghét bỏ… nhưng ma quỷ và thế gian không thể khiến cho chúng ta mất đức tin nơi Chúa và phạm tội. Chúng ta luôn ghi nhớ gương đức tin của Gióp, để trong mọi nơi, mọi lúc, chúng ta có thể đồng thanh với Gióp mà công bố rằng: “Mặc dù xảy đến cho tôi điều gì. Dù Chúa có giết tôi, tôi cũng vẫn tin cậy nơi Ngài!” (Gióp 13:13, 15).
Trong cuộc chiến thuộc linh, ngay cả khi chúng ta bị mất hết mọi sự trong đời này, kể cả mạng sống, thì chúng ta vẫn là người chiến thắng, nếu chúng ta cứ trung tín với Chúa cho đến chết.
11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.
Để có thể trở nên mạnh dạn trong Chúa, sẵn sàng cho mọi cuộc chiến với ma quỷ và thế gian, chúng ta phải nhận và sử dụng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, đã được Ngài sắm sẵn và ban cho chúng ta. Khi chúng ta được trang bị đầy đủ, chúng ta có thể đứng vững trong mọi cuộc chiến.
Điều quan trọng trong cuộc chiến thuộc linh là ma quỷ luôn dùng mưu kế để tấn công chúng ta, và chúng ta chỉ cần tỉnh thức, nhận biết mưu kế của nó, là chúng ta đắc thắng.
Giả sử như bất ngờ chúng ta bị thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp cứ kéo dài. Cùng lúc, người nhà của chúng ta bị đau ốm, bệnh tật, không có tiền chi phí cho bệnh viện. Ngân hàng hăm dọa tịch thu nhà cửa, xe cộ… Bỗng nhiên có người quen giới thiệu cho chúng ta một việc làm tốt hơn việc làm cũ, lương cao với nhiều quyền lợi; chỉ có một điều không ổn là chúng ta phải làm việc trong ngày Sa-bát.
Nếu chúng ta chấp nhận việc làm ấy, dù là chỉ để tạm thời, qua cơn túng ngặt, thì chúng ta thua kế ma quỷ. Ma quỷ chỉ cần chúng ta vì hoàn cảnh mà vi phạm điều răn của Chúa.
Hãy nhớ lại câu chuyện của Gióp. Cùng một lúc, toàn bộ tài sản bị cướp đoạt hoặc bị thiêu đốt hết, mười đứa con yêu bị chết, thân thể bị chứng ung độc hành hạ, và người vợ xúi giục ông hãy phỉ báng Thiên Chúa rồi chết đi! Nhưng Gióp không hề phạm tội! Thiết tưởng rằng, không một ai trong chúng ta có thể bị Sa-tan bách hại đến mức nghiêm trọng như Gióp. Vậy nên, trong mọi cảnh ngộ, chúng ta hãy mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài mà đắc thắng từng mưu kế của ma quỷ.
Giả sử như bỗng nhiên chúng ta gặp và bị thu hút bởi một người không tin Chúa, khiến chúng ta yêu và muốn kết hôn với người ấy. Xét về vóc dáng và tư cách thì người ấy vừa hợp nhãn vừa hợp ý với chúng ta. So ra thì nếp sống của người ấy còn tốt hơn nhiều người xưng mình là con dân Chúa. Người ấy cũng có lòng yêu mến chúng ta và sẵn sàng tiến đến hôn nhân với chúng ta. Người ấy không tin nhận Chúa nhưng cũng không phản đối đức tin của chúng ta. Người ấy đối xử rất tốt với chúng ta, nhường nhịn mọi bề, nhưng cương quyết không chịu tin nhận Chúa. Nếu chúng ta kết hôn với người ấy trong khi người ấy không tin Chúa thì chúng ta thua kế ma quỷ, vì chúng ta đã vi phạm mệnh lệnh của Chúa: Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin!
Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, ma quỷ sẽ luôn dùng mưu kế để khiến cho chúng ta phạm các tội như: tham lam, dối trá, tà dâm, hối lộ, thỏa hiệp với những sự sai trái, trốn tránh bổn phận và trách nhiệm… mà phần lớn những mưu kế ấy được thực hiện qua những người thân cận nhất của chúng ta, như vợ của Gióp đối với Gióp, như Sứ Đồ Phi-e-rơ đối với Đức Chúa Jesus và Hội Thánh tại An-ti-ốt (Ma-thi-ơ 16:23; Ga-la-ti 2:11-13). Chúng ta sẽ dễ dàng sa vào mưu kế của ma quỷ nếu chúng ta không mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời và tận dụng chúng.
12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.
Như đã nói, cuộc chiến của chúng ta là cuộc chiến thuộc linh, cuộc chiến chống nghịch Sa-tan và các tà linh. Cho dù thường xuyên chúng ta phải đối nghịch với loài người thì đàng sau những người ấy chính là sự xúi giục, khống chế của các tà linh, nhất là các bậc cầm quyền quốc gia chống nghịch con dân của Chúa.
Qua Đa-ni-ên 2:21 và Rô-ma 13:1-7 mà chúng ta biết các quyền cai trị giữa loài người là do Thiên Chúa ban cho. Qua danh xưng thiên sứ trưởng mà chúng ta biết giữa vòng các thiên sứ cũng có cấp bậc, thẩm quyền. Vì thế, trong thế giới thuộc linh, các thiên sứ chống nghịch Chúa cũng có những cấp bậc và thẩm quyền khác nhau, dưới sự cai trị của Sa-tan.
-
Danh từ “những chủ quyền” chỉ về những tà linh có quyền cai trị cao nhất, chỉ dưới Sa-tan.
-
Danh từ “những thế lực” chỉ về những chính quyền của loài người do Sa-tan điều động.
-
Danh từ “những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này” chỉ về những người không thuộc về Chúa (tức không thuộc về sự sáng) đứng đầu trong các chính quyền trên thế giới.
-
Danh từ “những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời” chỉ về tất cả những tội ác do các tà linh làm ra, nghịch lại Thiên Chúa và loài người; đồng thời cũng chỉ về tất cả những làn sóng âm thanh, hình ảnh ô uế, tội lỗi do loài người phát ra, bao trùm khắp địa cầu và bầu khí quyển.
Con dân Chúa luôn đánh trận nghịch lại những chủ quyền, những thế lực, những nhà cai trị xấu, và tất cả những sự xấu do các tà linh và loài người làm ra.
13 Vậy nên, hãy lấy và dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để cho trong ngày khốn khổ, các anh chị em có thể chống nghịch lại, và làm hết mọi sự để đứng {vững}.
Để có thể luôn luôn chiến thắng trong từng cuộc chiến, con dân Chúa phải tiếp nhận và sử dụng mọi thứ khí giới của Đức Chúa Trời do Ngài sắm sẵn và ban cho. Ngày khốn khổ là ngày chiến đấu cam go với ma quỷ, ngày ma quỷ dốc toàn lực để tấn công chúng ta. Ngày ấy đối với mỗi người mỗi khác, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Nhưng chắc chắn là mỗi con dân Chúa sẽ có lần đối diện. Điều đáng buồn là có nhiều con dân Chúa đã gục ngã trước các mưu kế của ma quỷ mà phạm tội, ngay cả khi ma quỷ chưa dốc toàn lực để tấn công họ. Những người ấy đã thua ma quỷ ngay từ những trận chiến rất nhỏ. Họ thua vì họ không thật lòng yêu Chúa, không thật lòng từ bỏ tội lỗi, hoặc không hết lòng tin nơi Chúa. Người không thật lòng yêu Chúa, không thật lòng từ bỏ tội lỗi, không hết lòng tin nơi Chúa thì khí giới nào của Đức Chúa Trời cũng trở nên vô dụng đối với họ.
Tiếp nhận và sử dụng mọi khí giới của Đức Chúa Trời là bước thứ nhất. Bước thứ nhì là làm hết mọi sự để đứng vững trước sự tấn công của ma quỷ. Làm hết mọi sự tức là làm hết những gì Chúa dạy bảo chúng ta trong từng cảnh ngộ, là tận dụng năng lực của từng món khí giới.
14 Vậy, hãy đứng! Thắt lưng của các anh chị em trong lẽ thật, mặc lấy giáp của sự công bình,
Đứng là tư thế sẵn sàng để xông trận. Thắt lưng là nai nịt gọn gàng quân phục. Quân phục cho biết người lính thuộc về bên nào, nói lên lý tưởng chiến đấu của người lính. Thắt lưng trong lẽ thật là nghiêm chỉnh chuẩn bị chiến đấu trong lẽ thật và cho lẽ thật. Cuộc chiến thuộc linh mà chúng ta tham dự kể từ giây phút đầu tiên chúng ta được tái sinh vào trong gia đình của Đức Chúa Trời là cuộc chiến trong lẽ thật và cho lẽ thật. Lẽ thật là Lời Chúa. Chúng ta chiến đấu trong Lời Chúa là mọi sự chúng ta làm ra đều đúng theo Lời Chúa. Chúng ta chiến đấu cho Lời Chúa là mọi sự chúng ta làm ra để Lời Chúa được đắc thắng trong tâm trí của muôn dân trên đất, để họ trở nên môn đồ của Đấng Christ.
Áo giáp của sự công bình có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là chúng ta được bảo vệ trước mọi sự kiện cáo của ma quỷ bởi sự chúng ta được Đức Chúa Trời xưng là công bình khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nghĩa thứ nhì là những việc công bình chúng ta làm ra, tức là những việc chúng ta làm ra đúng theo Lời Chúa. Những việc ấy bảo vệ chúng ta trước mọi cám dỗ và thử thách. Mặc lấy giáp của sự công bình có nghĩa là luôn tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đấng Christ và luôn làm theo Lời Chúa mỗi ngày trong cuộc sống.
15 chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An.
Chân được ràng buộc hàm ý, chân được mang giày dép, ràng buộc chặt chẽ. Giày dép có công dụng bảo vệ đôi chân. Mỗi bước đi của chúng ta tiêu biểu cho từng nếp sống. Thánh Kinh luôn dùng hình ảnh con đường tiêu biểu cho cuộc đời và hình ảnh bước chân tiêu biểu cho nếp sống. Nếp sống mỗi ngày của chúng ta phải được bảo vệ bởi sự sẵn sàng của Tin Lành bình an.
Tin Lành bình an là tin tức tốt lành đem lại sự bình an cho người nhận tin. Đó là Đức Chúa Trời yêu thương thế gian và ban cho thế gian sự cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy được tha tội, được dựng nên mới, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được hưởng sự sống đời đời, và được vào trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài. Người tin nhận Tin Lành thì có sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ, là sự bình an mà thế gian không thể có và không thể hiểu được. Cho dù người ấy có phải trải qua những sự tấn công khốc liệt nhất của ma quỷ trên mọi phương diện của đời sống, người ấy vẫn bình an:
“Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối và cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).
Thế gian chỉ đem lại cho người ta sự bình an khi người ta có sức khoẻ, tiền bạc, địa vị, quyền thế, danh vọng… Nhưng Đức Chúa Jesus Christ đem lại sự bình an cho chúng ta cho dù chúng ta đang ở trong nghịch cảnh, khốn cùng, và ngay cả khi chúng ta kề bên sự chết. Sự sẵn sàng của Tin Lành bình an có nghĩa là loài người không cần phải làm gì hết, chỉ cần ăn năn tội và tin nhận Tin Lành, thì lập tức được cứu chuộc và được bình an.
Từ ngữ “chân được ràng buộc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để nói đến sự cột giày vào chân. Con dân Chúa mỗi ngày phải cột sự bình an của Tin Lành vào trong nếp sống của mình. Có như vậy mới không lo lắng, sợ hãi trước những sự tấn công của ma quỷ.
16 Trên hết mọi sự, lấy thuẫn của đức tin, nhờ đó các anh chị em có thể dập tắt được mọi tên lửa của kẻ dữ.
Trên hết mọi sự trong câu này có nghĩa là bao phủ bên trên của thắt lưng, áo giáp, và giày dép phải có sự bảo vệ chung là tấm khiên hay tấm thuẫn. Khiên hay thuẫn được dùng để chống đỡ vũ khí của kẻ thù. Một trong những vũ khí nguy hiểm nhất là tên lửa. Tên lửa có thể bắn từ xa, ngoài đặc tính đâm xuyên người gây thương vong còn có thể đốt cháy mục tiêu.
Mọi vũ khí tấn công của ma quỷ đều nguy hiểm như tên lửa. Con dân Chúa cần chống đỡ bằng đức tin.
Thánh Kinh dùng các từ ngữ “ít đức tin” (Ma-thi-ơ 6:30, 8:26, 16:8, 17:20), “đức tin lớn” (Ma-thi-ơ 8:10, 15:28), và “đầy đức tin” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5, 11:24) để nói đến mức độ của đức tin trong tâm thần của những người tin nhận Chúa.
Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:
-
Từ ngữ “ít” bao gồm các ý nghĩa:
a) nhỏ bé về kích thước, ít ỏi về số lượng;
b) ngắn ngủi về thời gian;
c) yếu ớt về cường độ, thí dụ: ánh sáng yếu ớt không đủ để soi sáng, không thể chiếu đi xa.
-
Từ ngữ “lớn” bao gồm các ý nghĩa:
a) rất lớn về kích thước, rất nhiều về số lượng;
b) rất lâu dài về thời gian;
c) rất mạnh về cường độ.
-
Từ ngữ “đầy” bao gồm các ý nghĩa:
a) đầy tràn, ngược lại với trống rỗng;
b) bao phủ khắp bề mặt, thấm nhuần khắp bề trong, như miếng bông đá [1] được nhúng vào trong nước hoặc như cơn mưa lớn làm ngập một vùng;
c) hoàn toàn; trọn vẹn; không thiếu hụt.
Như vậy, thuẫn đức tin của mỗi người mỗi khác tùy theo người ấy có ít đức tin hay có nhiều đức tin; có đức tin nhỏ hay đức tin lớn; thiếu đức tin hay đầy đức tin. Nhưng điều an ủi chúng ta là dù đức tin nhỏ bằng hạt cải cũng có thể dời được núi! Vấn đề là chúng ta có đức tin trong Chúa hay không.
Đức tin tăng trưởng theo thời gian sống trong Chúa và theo sự hiểu biết Lời Chúa. Dĩ nhiên, phần lớn người mới tin Chúa thì có ít đức tin, nhưng chính Chúa là Đấng không bao giờ để cho con dân của Chúa phải chịu cám dỗ hay là chịu sự thử thách quá sức của mình; và Ngài luôn mở đường cho họ ra khỏi (I Cô-rinh-tô 10:13). Chúa sẽ dùng những sự tấn công của ma quỷ để rèn tập đức tin của con dân Chúa. Ngài biết chúng ta thích hợp chiến trận như thế nào và Ngài sẽ dẫn chúng ta vào từng cuộc chiến, cho dù có phải dẫn chúng ta đi con đường xa hơn. Đó là điều Ngài đã làm cho dân I-sơ-ra-ên, khi họ vừa ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chưa có kinh nghiệm tác chiến:
“Khi Pha-ra-ôn tha dân I-sơ-ra-ên đi, Thiên Chúa không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: Kẻo khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng. Cho nên, Thiên Chúa dẫn chúng đi vòng theo đường trong đồng vắng, về hướng biển Đỏ. Dân I-sơ-ra-ên cầm khí giới ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:17-18).
Khi lực lượng của kẻ thù quá hung hãn, vượt trội hơn chúng ta, thì chính Thiên Chúa sẽ chiến cự cho chúng ta. Ngài cũng đã làm điều ấy cho dân I-sơ-ra-ên:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:14).
Chính Thiên Chúa là Đấng dạy cho chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến thuộc linh:
“Đáng tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu thay, là Vầng Đá tôi! Ngài dạy tay tôi đánh giặc, tập ngón tay tôi tranh đấu.” (Thi Thiên 144:1).
Vì thế, chúng ta hãy vững lòng, cho dù chúng ta mới đến với Chúa, đức tin còn non yếu và ma quỷ gầm thét chung quanh chúng ta.
17 Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời của Thiên Chúa.
Mão vừa có công dụng bảo vệ đầu, vừa nói lên người lính thuộc về đơn vị nào, chủ tướng là ai. Mão của sự cứu rỗi tức là sự hy vọng được cứu rỗi như đã chép trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:8. Sự hy vọng về sự cứu rỗi do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi chúng ta tin nhận Tin Lành. Nhận mão của sự cứu rỗi tức là nhận lãnh dấu hiệu thuộc về Đấng Christ và nhận lãnh hy vọng được cứu ra khỏi sự chết để vào trong sự sống đời đời. Hiện nay, chúng ta đã được cứu ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi nhưng thân thể xác thịt của chúng ta vẫn phải chết đi. Vì thế, Chúa ban cho chúng ta hy vọng được cứu rỗi khỏi sự chết, được sống lại hoặc được biến hóa, để sống đời đời. Nhận mão của sự cứu rỗi là tin chắc vào sự cứu rỗi của Tin Lành.
Gươm của Đấng Thần Linh tức là lời phán của Thiên Chúa được chép thành chữ trong Thánh Kinh. Chính Thánh Kinh ví Lời Chúa sắc như gươm hai lưỡi:
“Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến nỗi phân chia linh hồn, tâm thần, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng.” (Hê-bơ-rơ 4:12).
Trong bảy loại khí giới của Đức Chúa Trời ban cho con dân của Chúa: dây thắt lưng, áo giáp, giày dép, thuẫn, mão, gươm, và lời cầu xin. Chỉ có một món dùng để tấn công, là Lời của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng Lời Chúa để đánh bại sự cám dỗ của Sa-tan (Ma-thi-ơ 4:1-11).
Thật vậy, trước mọi sự tấn công của ma quỷ, chúng ta chỉ cần dùng đức tin để chống đỡ và dùng Lời Chúa để đánh trả. Chúng ta công bố Lời Chúa với đức tin vững chắc vào Lời mà chúng ta công bố. Nếu chúng ta công bố Lời Chúa mà chúng ta không thực sự vững tin nơi Lời Chúa, thì sự công bố ấy chỉ là vô ích, như lưỡi gươm đánh ra mà không kèm theo sức mạnh.
Để có thể dùng Lời Chúa đánh trả ma quỷ thì chúng ta phải đọc Lời Chúa, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo, như Chúa đã truyền cho chúng ta trong Giô-suê 1:8. Nếu không, chúng ta chẳng biết gì về Lời Chúa, chẳng biết gì về vũ khí duy nhất Chúa ban cho chúng ta để tấn công ma quỷ.
18 Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ,
Cầu nguyện là khí giới thứ bảy trong cuộc chiến thuộc linh. Cầu nguyện là tương giao với Chúa, là giữ mối liên lạc với chủ tướng của chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ. Nhờ đó, chúng ta biết phải làm gì trong mọi nơi, trong mọi lúc, giữa mọi cuộc chiến.
Sự cầu nguyện phải là thường xuyên. Trạng từ “trong mọi lúc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: xuyên suốt trong mọi thời gian. Lời Chúa trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17 cũng dạy con dân Chúa “cầu nguyện không thôi!” Có nghĩa là tâm thần của chúng ta lúc nào cũng tương giao với Chúa qua sự suy ngẫm Lời Chúa, lắng nghe sự dạy dỗ của Chúa, cảm tạ Chúa, tôn vinh Chúa, tâm tình với Chúa, cầu hỏi Chúa, khẩn xin Chúa cho mọi nhu cầu cùng nan đề của chúng ta và các anh chị em cùng Cha của chúng ta.
Chính sự cầu nguyện trong mọi lúc giúp cho chúng ta không hướng về tội lỗi, không nghe những lời cám dỗ do ma quỷ gieo vào tâm trí chúng ta. Cả thế gian này bị bao trùm bởi những làn sóng tội lỗi, ô uế. Tâm thần của chúng ta phải hướng về Chúa, thông công với Chúa, nếu không tâm trí của chúng ta sẽ bị những ý tưởng tội lỗi xâm nhập.
Thần trí là sự suy nghĩ và hiểu biết của con người thiêng liêng, là tâm thần. Tâm trí bao gồm thần trí và lý trí. Lý trí là sự suy nghĩ và hiểu biết của con người vật chất, là xác thịt. Những điều thuộc về vật chất thì chúng ta có thể vận dụng lý trí nhưng những điều thuộc về thiêng liêng thì chúng ta phải vận dụng thần trí để suy nghĩ và hiểu biết.
Chúng ta có thể cầu nguyện trong thần trí ngay cả khi thân thể xác thịt của chúng ta đang làm những việc khác hay đang bệnh nằm liệt giường. Chúng ta hãy tập cầu nguyện trong mọi lúc trong thần trí của mình, để kinh nghiệm mối tương giao tuyệt vời giữa chúng ta và Thiên Chúa.
Hãy tỉnh thức về điều ấy có nghĩa là hãy ghi nhớ về sự cầu nguyện trong mọi lúc trong thần trí. Chúng ta cũng cần kiên trì mà cầu thay cho những anh chị em cùng đức tin của chúng ta. Họ có thể là những người chúng ta quen biết mà cũng có thể là những người chúng ta chỉ nghe nói đến nhưng chưa quen biết bao giờ. Họ là tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa.
19 và cho tôi, để lời được ban cho tôi, trong sự miệng của tôi mở ra, công bố cách dạn dĩ sự mầu nhiệm của Tin Lành.
Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Ê-phê-sô cầu thay cho ông. Ông xin họ hãy cầu nguyện để lời được ban cho ông khi ông mở miệng, dạn dĩ rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành. Danh từ “lời” trong câu này bao gồm lời nói và ý tưởng.
Rao giảng Tin Lành khác với rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành. Rao giảng Tin Lành là kêu gọi người nghe ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, để được tha tội, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, và được sống đời đời trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành là giải thích mọi phương diện của Tin Lành một cách chi tiết, như: giải thích tội lỗi là gì; thế nào là ăn năn tội; thế nào là sự chuộc tội; thế nào là sự tha tội; thế nào là sự làm cho sạch tội; thế nào là sự thánh hóa; thế nào là sự dựng nên mới; thế nào là hiệp một trong thân thể Đấng Christ…
20 Vì sự ấy mà tôi làm sứ giả ở trong vòng xiềng xích, để cho tôi được dạn dĩ nói như tôi phải nói.
Vì sự ấy là vì mục vụ rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành. Lý do Phao-lô bị bắt bớ, đánh đập, cầm tù, và cuối cùng bị giết là vì ông rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành. Vì thế, Phao-lô rất cần được ơn và sức từ Thiên Chúa, để ông có thể dạn dĩ làm tròn công việc Chúa đã giao cho ông.
Phao-lô là sứ giả, tức người được sai đi thi hành công vụ, của Thiên Chúa. Ở trong vòng xiềng xích là bị xiềng xích trong tù. Phao-lô đang bị tù tại thành Rô-ma khi ông đọc cho Ti-chi-cơ viết thư Ê-phê-sô gửi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô.
Không riêng gì Phao-lô mà tất cả những ai làm công tác rao giảng Tin Lành và rao giảng sự mầu nhiệm của Tin Lành cũng đều cần được con dân Chúa cầu thay cho họ, để họ được ban cho lời và có thể dạn dĩ rao giảng lẽ thật.
21 Nhưng để cho các anh chị em cũng biết những sự thuộc về tôi, tôi làm việc như thế nào, thì có Ti-chi-cơ, một anh em cùng Cha rất yêu dấu và là người phục vụ trung tín trong Chúa, sẽ thông báo cho các anh chị em mọi sự.
22 Vì thế mà tôi gửi anh ấy đến với các anh chị em, để các anh chị em biết về chúng tôi; và anh ấy có thể an ủi lòng của các anh chị em.
Ti-chi-cơ là một trong những người đồng hành với Phao-lô trong cuộc truyền giáo của Phao-lô. Ti-chi-cơ được Phao-lô nhờ mang thư của ông đến Hội Thánh tại Cô-lô-se và Ê-phê-sô, đồng thời tường trình cho con dân Chúa tại hai nơi đó biết tin về Phao-lô và những người cùng làm việc với ông. Chi tiết về Ti-chi-cơ được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4; Cô-lô-se 4:7; Tít 3:12; II Ti-mô-thê 4:12.
Ti-chi-cơ và một số người đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo vừa đồng công với Phao-lô một cách trực tiếp trong việc giảng Tin Lành và dạy Lời Chúa, chăm sóc những người mới tin Chúa, mà họ còn chăm sóc chính Phao-lô khi Phao-lô bị đau ốm, tù đày.
Hội Thánh các nơi nghe tin Phao-lô bị tù thì rất quan tâm và mong ngóng tin tức về ông. Vì thế, khi có thể thì Phao-lô nhờ người mang tin đến các Hội Thánh, để an ủi con dân Chúa. Cho dù có anh chị em nào của chúng ta bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu chúng ta được nghe biết về đức tin và việc làm của họ thì chúng ta sẽ được an ủi.
23 Nguyện xin các anh chị em cùng Cha được sự bình an, tình yêu, và đức tin từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đức Chúa Jesus Christ!
24 Nguyện xin ân điển ở với tất cả những ai chân thành yêu Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta! A-men! [Thư này được viết từ Rô-ma, do Ti-chi-cơ chép.]
Phao-lô kết thúc thư Ê-phê-sô bằng lời chúc phước. Ông chúc cho con dân Chúa được nhận lãnh sự bình an, tình yêu, đức tin từ Thiên Chúa Đức Cha và từ Đức Chúa Jesus Christ. Có nghĩa là Đức Chúa Trời ban sự bình an, tình yêu, và đức tin cho chúng ta qua Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta chỉ có thể nhận lãnh sự bình an, tình yêu, và đức tin từ Thiên Chúa khi chúng ta ở trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là ở trong thân thể của Ngài, ở trong Hội Thánh. Phao-lô cũng chúc cho tất cả những ai chân thành yêu mến Đức Chúa Jesus Christ, mà ông gọi là Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, được bao phủ trong ân điển.
Nguyện lời chúc phước của Phao-lô trở thành hiện thực đối với mỗi chúng ta. Nguyện lòng của mỗi chúng ta yêu Đức Chúa Jesus Christ cách chân thành. Nguyện chúng ta đời đời ở trong Đấng Christ. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/09/2016
Ghi Chú
[1] Bông đá là thân chết khô của một loại động vật ở biển, nhìn giống như loại đá ong, còn gọi là bọt biển (trong tiếng Anh là “sponge”). Bông đá khi khô thì cứng, khi hút đầy nước thì mềm.
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.