Chú Giải Hê-bơ-rơ 09:01-10 Đền Tạm Trên Đất

2,677 views

Nguồn: https://youtu.be/MX7oUJ1z3Mc

Chú Giải Hê-bơ-rơ 9:1-10
Đền Tạm Trên Đất

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 9:1-10

1 Thực tế thì giao ước trước cũng có những phán quyết về việc phụng sự và một nơi thánh thuộc về đất.

2 Vì Đền Tạm đã được dựng nên. Phần thứ nhất, trong đó gồm có: chân đèn, bàn, và bánh bày ra. Đó được gọi là Nơi Thánh.

3 Nhưng phía sau tấm màn thứ nhì, là một chỗ ở được gọi là Nơi Rất Thánh,

4 có bình đựng hương bằng vàng và Rương Giao Ước, toàn bọc bằng vàng. Trong đó có một cái bình bằng vàng đựng ma-na, cây gậy trổ nụ của A-rôn, và các bảng giao ước.

5 Phía trên nó có các chê-ru-bim của sự vinh quang, che phủ Ngai Thương Xót. Chúng tôi không thể nói chi tiết về chúng ở đây.

6 Các vật ấy đã được sắp đặt như vậy. Thực tế, mỗi ngày những thầy tế lễ thường đi vào phần thứ nhất của Đền Tạm, để làm trọn những việc phụng sự.

7 Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm một lần, đi vào phần thứ nhì, chẳng thể không đem máu để dâng vì chính mình và vì những sự lầm lỗi của dân chúng.

8 Đức Thánh Linh chỉ ra điều này: Lối vào Nơi Rất Thánh chưa được tỏ ra khi Đền Tạm thứ nhất vẫn còn đứng.

9 Nó là hình bóng cho thời hiện tại, theo đó, những sự dâng hiến bao gồm những lễ vật và những sinh tế không thể làm cho người phụng sự được trọn vẹn về lương tâm.

10 Mà chỉ là sự trọn vẹn về những thức ăn, thức uống, những phép rửa khác nhau, và những quy định về xác thịt được lập ra cho đến kỳ sửa đổi.

Đền Tạm trên đất được nói đến trong Hê-bơ-rơ 9:1-10 là một lều trại do Môi-se theo thiết kế Đức Chúa Trời chỉ cho mà dựng nên. Công việc làm Đền Tạm được thuật lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 25-27. Chỉ trong Thánh Kinh Tân Ước, qua thư Hê-bơ-rơ mà chúng ta mới được Đức Thánh Linh tỏ cho biết rằng, Đền Tạm trên đất do Môi-se dựng nên là theo kiểu mẫu của Đền Tạm ở trên trời. Điều này không có nghĩa là Đền Tạm trên trời cũng được dựng nên bằng các vật liệu và cùng kích thước như Đền Tạm trên đất, mà chỉ có nghĩa là Đền Tạm trên đất được dựng nên theo mô hình của Đền Tạm trên trời mà thôi. Chúng ta thấy các công trình xây dựng của loài người thường được các kiến trúc sư cho làm một mô hình thu nhỏ, có thể để gọn trên một chiếc bàn, cho mọi người xem mà hình dung ra hình thể của công trình thật.

Chúng ta cũng đã học biết rằng, công việc của thầy tế lễ thượng phẩm theo ban A-rôn phụng sự trong Đền Tạm trên đất cũng là hình bóng về công việc của Đấng Christ, trong chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc phụng sự trong Đền Thờ ở trên trời.

Đền Tạm trên đất còn tiêu biểu cho mỗi con dân Chúa, cho Hội Thánh, là nơi Chúa ngự và là phương tiện để con dân Chúa phụng sự Chúa trong cuộc đời này. Đối với mỗi con dân Chúa, hành lang của Đền Tạm tiêu biểu cho thân thể xác thịt; Nơi Thánh tiêu biểu cho tâm thần là thân thể thiêng liêng; Nơi Rất Thánh tiêu biểu cho linh hồn là bản ngã của mỗi người.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về một số đặc điểm của Đền Tạm trên đất và ý nghĩa thuộc linh.

1 Thực tế thì giao ước trước cũng có những phán quyết về việc phụng sự và một nơi thánh thuộc về đất.

“Giao ước trước” tức là Cựu Ước. Nền tảng của Cựu Ước là Mười Lời phán của Đức Chúa Trời, còn gọi là Mười Điều Răn, do chính Đức Chúa Trời viết trên hai bảng đá. Bên cạnh Mười Lời ấy là các điều luật diễn giải ý nghĩa của Mười Lời và hình phạt đối với người vi phạm, được Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se viết vào trong một cuốn sách, gọi là Sách Luật Pháp.

Luật pháp của Đức Chúa Trời bao gồm năm phương diện:

  • Bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa.
  • Bổn phận của loài người đối với nhau.
  • Bổn phận của loài người đối với tài nguyên thiên nhiên và thú vật.
  • Cách thức thờ phượng Thiên Chúa.
  • Giữ gìn vệ sinh.

Mười Điều Răn và các điều luật liên quan đến bổn phận của loài người thì không bao giờ thay đổi. Các điều luật liên quan đến cách thức thờ phượng Thiên Chúa thì thay đổi về hình thức trong thời Tân Ước, nhưng ý nghĩa và mục đích vẫn y nguyên. Các điều luật về vệ sinh thì thay đổi về hình thức theo môi trường sống, nhưng ý nghĩa và mục đích vẫn y nguyên.

Phán quyết là quyết định đúng đắn được đưa ra, làm thành luật. “Những phán quyết về việc phụng sự” tức là các điều luật liên quan đến chức vụ và công việc của những thầy tế lễ.

“Một nơi thánh thuộc về đất” tức là Đền Tạm trên đất, do tay người xây dựng bằng các vật liệu thuộc về đất.

2 Vì Đền Tạm đã được dựng nên. Phần thứ nhất, trong đó gồm có: chân đèn, bàn, và bánh bày ra. Đó được gọi là Nơi Thánh.

Đền Tạm trên đất đã được Môi-se cho dựng nên, y theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, như đã được chép lại trong Sách Luật Pháp. Bên trong Đền Tạm được chia làm hai phần. Phần thứ nhất được gọi là Nơi Thánh. Trong Nơi Thánh, về hướng bắc, có cái bàn để bánh không men, trên bàn luôn có 12 ổ bánh không men, được thay mới vào mỗi ngày Sa-bát. Về hướng nam, có chân đèn bảy ngọn bằng vàng, được thắp sáng luôn luôn, mỗi ngày hai bận sớm tối, thầy tế lễ làm công việc châm thêm dầu và cắt tim đèn. Về hướng đông, trước tấm màn phân chia Nơi Thánh và Nơi Rất Thánh là bàn thờ dâng hương, mỗi ngày hai bận sớm tối, thầy tế lễ dâng hương lên Thiên Chúa.

Chân đèn bảy ngọn bằng vàng trong Nơi Thánh vừa tiêu biểu cho sự hiệp một trọn vẹn của con dân Chúa (dân I-sơ-ra-ên trong thời Cựu Ước, Hội Thánh trong thời Tân Ước), vừa tiêu biểu cho thần trí của con dân Chúa luôn được đổ đầy Lời Hằng Sống của Thiên Chúa để luôn chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa. Vàng tiêu biểu cho sự cao quý thuộc về hoàng gia. Dân I-sơ-ra-ên thuộc về Thiên Chúa Vạn Quân và Hội Thánh thuộc về Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa. Số bảy là số tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thuộc linh.

Bàn với 12 ổ bánh không men được bày ra trên bàn vừa tiêu biểu cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên phải sống thánh khiết trước Thiên Chúa, vừa tiêu biểu cho đời sống thánh khiết trong mọi phương diện của con dân Chúa. Bánh tiêu biểu cho đời sống. Men tiêu biểu cho tội lỗi. Bánh không men tiêu biểu cho đời sống thánh khiết không phạm tội. Số 12 tiêu biểu cho sự trọn vẹn về thẩm quyền, trọn vẹn về sự cai trị. Con dân Chúa dùng thần trí cai trị đời sống của mình trong mọi phương diện.

Bàn thờ xông hương tiêu biểu cho sự thờ phượng và tương giao với Thiên Chúa. Hương tiêu biểu cho những lời cầu nguyện của con dân Chúa. Ngày hai buổi thầy tế lễ dâng hương trên bàn thờ xông hương tiêu biểu cho con dân Chúa ngày hai buổi tương giao, cầu nguyện với Thiên Chúa.

3 Nhưng phía sau tấm màn thứ nhì, là một chỗ ở được gọi là Nơi Rất Thánh,

4 có bình đựng hương bằng vàng và Rương Giao Ước, toàn bọc bằng vàng. Trong đó có một cái bình bằng vàng đựng ma-na, cây gậy trổ nụ của A-rôn, và các bảng giao ước.

Tấm màn thứ nhất che lối vào Nơi Thánh. Tấm màn thứ nhì che lối vào Nơi Rất Thánh. Phần thứ nhì của Đền Tạm, được gọi là Nơi Rất Thánh, là chỗ ở tạm của Đức Chúa Trời, giữa vòng con dân của Ngài.

Mặc dù bàn thờ xông hương ở bên ngoài Nơi Rất Thánh nhưng mỗi năm một lần, vào ngày Lễ Chuộc Tội, thì thầy tế lễ thượng phẩm đem bình hương từ trên bàn thờ xông hương vào trong Nơi Rất Thánh, để xông hương cho khói hương bao phủ Rương Giao Ước (Lê-vi Ký 16:12-13).

Rương Giao Ước còn được gọi là Rương Chứng Cớ, vì có chứa Mười Lời Giao Ước của Đức Chúa Trời. Rương Giao Ước được làm bằng cây si-tim, còn gọi là cây keo gai, phía trong và phía ngoài được bọc vàng. Trong rương là hai bảng đá có Mười Điều Răn do chính tay Đức Chúa Trời viết; một cái bình bằng vàng đựng ma-na, là thức ăn do Đức Chúa Trời cung cấp cho dân I-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm khi họ sống trong đồng vắng; và cây gậy trổ nụ của A-rôn.

Dân Số Ký 16 và 17 ghi lại câu chuyện về cây gậy trổ nụ của A-rôn. Khi Cô-rê lôi kéo 250 quan tướng và nghị viên trong dân I-sơ-ra-ên làm phản, muốn lật đổ Môi-se và A-rôn thì Đức Chúa Trời đã khiến cho họ bị thiêu chết, còn gia đình và tài sản của họ thì bị đất nứt ra, chôn sống. Qua ngày hôm sau, dân chúng nhóm hiệp lại tiếp tục chống nghịch Môi-se và A-rôn, cho rằng hai ông đã làm chết nhiều con dân I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời lại dùng một tai vạ diệt thêm 14.700 người. Nhờ Môi-se bảo A-rôn cầm bình hương dâng hương lên Đức Chúa Trời, cầu thay cho dân I-sơ-ra-ên mà tai vạ dừng lại. Tiếp theo đó, Đức Chúa Trời phán bảo mỗi chi phái đem nộp cho Môi-se cây gậy của người trưởng tộc. Trên mỗi cây gậy có ghi tên của từng chi phái. Mười hai cây gậy được để trong Đền Tạm qua đêm. Sáng hôm sau, cây gậy nào trổ nụ, ra hoa, kết trái thì người chủ của cây gậy ấy là người được Đức Chúa Trời chọn. Kết quả là cây gậy của A-rôn trổ nụ, ra hoa, và kết thành trái hạnh nhân chín.

Xuất Ê-díp-tô Ký 16:33-34 nói đến việc Môi-se bảo A-rôn lấy một cái bình đựng ma-na để trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để lưu truyền đến đời sau. A-rôn đã để bình đó “trước sự chứng cớ”.

Dân Số Ký 17:10 nói đến việc Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se để cây gậy trổ nụ của A-rôn “trước sự chứng cớ”, giữ làm một dấu hiệu về sự phản nghịch của dân I-sơ-ra-ên.

Để “trước sự chứng cớ” tức là để trước hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Vì hai bảng đá ấy được đặt trong Rương Giao Ước nên bình vàng đựng ma-na và cây gậy trổ nụ của A-rôn cũng được đặt trong Rương Giao Ước.

Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà khi Đền Thờ do Vua Sa-lô-môn xây cất được hoàn tất thì trong Rương Giao Ước chỉ có hai bảng đá chép Mười Điều Răn (I Các Vua 8:9; II Sử Ký 5:10).

Hai bảng đá ghi chép Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vừa tiêu biểu cho giao ước của Đức Chúa Trời đối với con dân của Ngài vừa là chứng cớ nghịch lại những sự tội lỗi của họ. Trong giao ước đó, Đức Chúa Trời yêu cầu họ làm tròn bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Và Ngài hứa sẽ ban ơn đến nhiều ngàn đời cho họ hoặc sẽ phạt sự phạm tội của họ đến con cháu đời thứ ba hoặc đời thứ tư. Lời của Đức Chúa Trời là bánh thuộc linh cho con dân Chúa.

Bình vàng đựng ma-na tiêu biểu cho sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con dân của Ngài. Ma-na là bánh thuộc thể cho con dân Chúa, tiêu biểu cho mọi nhu cầu thuộc thể. Chúa ban cho chúng ta mọi nhu cầu thuộc thể và chúng ta làm việc kiếm sống tức là chúng ta thu nhặt ma-na do Đức Chúa Trời ban cho.

Cây gậy trổ nụ của A-rôn tiêu biểu cho quyền cai trị của Thiên Chúa trên con dân của Ngài. Quyền ấy được Đức Chúa Trời trao cho người mà Ngài đã chọn. Những kẻ đối nghịch quyền ấy sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.

5 Phía trên nó có các chê-ru-bim của sự vinh quang, che phủ Ngai Thương Xót. Chúng tôi không thể nói chi tiết về chúng ở đây.

“Phía trên nó” là phía trên của Rương Giao Ước. Trên Rương Giao Ước có tượng của hai chê-ru-bim bằng vàng giát mỏng, đứng ở hai đầu rương, đối diện và giao cánh với nhau; cánh của họ che phủ Ngai Thương Xót (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:18-20). Gọi là các chê-ru-bim của sự vinh quang vì họ chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa.

Chê-ru-bim là danh từ số nhiều của danh từ chê-rúp. Chê-rúp là loài sinh vật do Thiên Chúa sáng tạo. Ê-xê-chi-ên 10:14, 22 mô tả mỗi chê-rúp có bốn cánh và bốn mặt: thứ nhất là mặt chê-rúp; thứ nhì, mặt người; thứ ba, mặt sư tử; thứ tư, mặt chim ưng. Chê-ru-bim được giao cho nhiệm vụ canh giữ khu vườn tại Ê-đen, sau khi loài người bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi đó (Sáng Thế Ký 3:24). II Sa-mu-ên 22:11 và Thi Thiên 18:10 nói đến sự Đức Chúa Trời cưỡi một chê-rúp đến giải cứu cho con dân Chúa. II Các Vua 19:15, I Sử Ký 13:16 nói đến sự Đức Chúa Trời ngự giữa các chê-ru-bim. Thi Thiên 80:1, 99:1, Ê-sai 37:16 nói đến sự Đức Chúa Trời ngự trên các chê-ru-bim.

Ê-xê-chi-ên 28:14 cho chúng ta biết Sa-tan vốn là một chê-rúp.

Ngai Thương Xót là nơi sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng con dân của Ngài được thể hiện (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:45, Lê-vi Ký 16:2). Gọi là Ngai Thương Xót vì từ trên ngai ấy, Đức Chúa Trời bày tỏ sự thương xót của Ngài đối với con dân của Ngài. Chính sự hiện diện của Ngài giữa vòng con dân của Ngài là bởi sự thương xót của Ngài dành cho họ. Cũng từ trên Ngai Thương Xót mà Đức Chúa Trời chấp nhận máu của sinh tế làm của lễ chuộc tội, được thầy tế lễ thượng phẩm dâng lên, mỗi năm một lần (Lê-vi Ký 16:11-14).

Ma-thi-ơ 28:20 cho chúng ta biết, Đức Chúa Jesus Christ luôn ở cùng chúng ta. Giăng 14:23 cho chúng ta biết, Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ cùng đến với chúng ta và làm chỗ ở nơi chúng ta, tức ở với chúng ta. I Cô-rinh-tô 3:16 và 6:19 cho chúng ta biết, Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa có sự hiện diện của Chúa trong nơi sâu kín của bản thể mình. Linh hồn của mỗi con dân Chúa chính là Nơi Rất Thánh và cũng là Ngai Thương Xót của Đức Chúa Trời:

  • Có sự vinh quang của Thiên Chúa bao phủ.
  • Được máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ là Chiên Con của Đức Chúa Trời rẩy lên, làm của lễ chuộc tội.
  • Có những lời nguyện cầu xuất phát từ thần trí, dâng lên Thiên Chúa như thức hương thơm bao phủ cả linh hồn.
  • Có sự hiện diện của Đấng Christ trong địa vị thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn đời đời.
  • Có sự hiện diện của Đức Thánh Linh luôn đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa và Lời Hằng Sống cho chúng ta, thánh hóa chúng ta.

Ngai Thương Xót còn được gọi là Ngai Ân Điển, vì từ nơi đó, Đức Chúa Trời ban ơn cho chúng ta:

“Vậy, chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!” (Hê-bơ-rơ 4:16).

Chính trong nơi sâu kín của linh hồn mà chúng ta được dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời.

6 Các vật ấy đã được sắp đặt như vậy. Thực tế, mỗi ngày những thầy tế lễ thường đi vào phần thứ nhất của Đền Tạm, để làm trọn những việc phụng sự.

“Các vật ấy” tức là các đồ dùng trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời nơi Đền Tạm. “Được sắp đặt như vậy” nghĩa là được sắp xếp vật nào ở trong Nơi Thánh và vật nào ở trong Nơi Rất Thánh. Mỗi ngày những thầy tế lễ thường đi vào Nơi Thánh hai buổi sớm tối để xông hương, châm dầu đèn và cắt tim đèn. Mỗi Sa-bát thì thầy tế lễ thượng phẩm thay mới 12 ổ bánh không men.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ, có nhiệm vụ:

  • Mỗi ngày hai bận sớm tối, dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42; Rô-ma 12:1).
  • Mỗi ngày hai bận sớm tối, dâng lời cầu nguyện lên Đức Chúa Trời như một thức hương thơm (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-8; Khải Huyền 5:8).
  • Mỗi ngày hai bận sớm tối, đọc và nhận lấy Lời Chúa để luôn chiếu sáng thánh ý của Chúa trong đời sống của mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 27:21; 30:7-8).

Chúng ta nên tạo cho mình thói quen đọc lời Chúa và cầu nguyện với Chúa ngày hai buổi sớm tối. Đó là sự chúng ta thờ phượng Chúa trong nhiệm vụ thầy tế lễ của chúng ta.

7 Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm một lần, đi vào phần thứ nhì, chẳng thể không đem máu để dâng vì chính mình và vì những sự lầm lỗi của dân chúng.

Riêng thầy tế lễ thượng phẩm, người đứng đầu các thầy tế lễ, thì mỗi năm một lần, vào ngày Lễ Chuộc Tội, phải đi vào phần thứ nhì trong Đền Tạm, tức là Nơi Rất Thánh, để dâng máu của sinh tế, làm của lễ chuộc tội cho chính mình, cho gia đình mình, và cho toàn thể dân chúng.

Ngày Lễ Chuộc Tội là ngày 10 tháng 7 theo Lịch Thánh Kinh (cũng là ngày 10 tháng 7 theo Lịch Do-thái) [1]. Trong ngày đó, thầy tế lễ thượng phẩm đứng ra thi hành các nghi thức dâng tế lễ chuộc tội, như đã được ghi chép trong Sách Luật Pháp, Lê-vi Ký 16. Chính trong ngày đó, máu của sinh tế được thầy tế lễ thượng phẩm mang vào trong Nơi Rất Thánh, rẩy trên Ngai Thương Xót một lần và rẩy trước Ngai Thương Xót bảy lần (Lê-vi Ký 16:14). Sự rẩy máu của sinh tế trên Ngai Thương Xót một lần tiêu biểu cho sự Đấng Christ dâng máu thánh của Ngài lên Đức Chúa Trời, làm của lễ chuộc tội cho loài người. Sự rẩy máu sinh tế trước Ngai Thương Xót bảy lần tiêu biểu cho sự máu của Đấng Christ được Đức Chúa Trời hoàn toàn chấp nhận để chuộc mọi tội lỗi của loài người.

8 Đức Thánh Linh chỉ ra điều này: Lối vào Nơi Rất Thánh chưa được tỏ ra khi Đền Tạm thứ nhất vẫn còn đứng.

9 Nó là hình bóng cho thời hiện tại, theo đó, những sự dâng hiến bao gồm những lễ vật và những sinh tế không thể làm cho người phụng sự được trọn vẹn về lương tâm.

Qua những điều luật trong Cựu Ước, Đức Thánh Linh đã chỉ ra rằng, Đền Tạm, chức vụ thầy tế lễ theo dòng Lê-vi, các nghi thức dâng tế lễ đều là hình bóng cho mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, trong thời Cựu Ước, có bức màn che lối vào Nơi Rất Thánh. Bức màn ấy tiêu biểu cho sự dù Đức Chúa Trời hiện diện giữa vòng con dân của Ngài, nhưng họ không được trực tiếp đến gần Ngài, vì cớ tội lỗi của họ chưa hoàn toàn được cất khỏi họ.

Mọi sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước chỉ có tính cách hình bóng, tiêu biểu cho sinh tế thật là mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, tất cả sinh tế trong thời Cựu Ước không thể rửa sạch lương tâm phạm tội của con dân Chúa. Đó cũng là sự thiếu sót đương nhiên của Giao Ước Cũ trong khi chờ đợi thời điểm cho Giao Ước Mới được hiện thực. Trong Giao Ước Mới, máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ có năng lực rửa sạch mọi tội lỗi của loài người và ban cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài sức sống mới từ chính sự sống phục sinh của Ngài.

“Thời hiện tại” có nghĩa là thời của Giao Ước Mới, thời Tân Ước.

10 Mà chỉ là sự trọn vẹn về những thức ăn, thức uống, những phép rửa khác nhau, và những quy định về xác thịt được lập ra cho đến kỳ sửa đổi.

Dù các điều luật trong Cựu Ước về Đền Tạm, về chức vụ thầy tế lễ, về các nghi thức dâng tế lễ, về sự nên thánh chỉ là hình bóng cho mục vụ của Đấng Christ, nhưng qua đó, con dân Chúa thời Cựu Ước có sự hiểu biết về hậu quả của tội lỗi, ý nghĩa của sự chuộc tội, và ý nghĩa của sự thánh khiết mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi họ. Họ cũng học biết sự từ ái và sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho họ.

“Kỳ sửa đổi” là kỳ Đức Chúa Jesus Christ hiện ra để sửa đổi Giao Ước Cũ thành Giao Ước Mới. Kể từ khi Đức Chúa Jesus Christ thay cho Đức Chúa Trời thiết lập Giao Ước Mới với loài người qua mười một môn đồ người I-sơ-ra-ên của Ngài, thì mọi điều luật về Đền Tạm, về chức vụ thầy tế lễ, về các nghi thức dâng tế lễ, về sự nên thánh cũng được đổi mới theo đúng ý nghĩa thuộc linh của chúng. Chính vì thế mà ngày nay con dân Chúa không cần có một thầy tế lễ thượng phẩm theo ban A-rôn, không cần có Đền Tạm do tay người dựng nên, không cần phải dâng mạng sống của loài vật làm sinh tế. Mà Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ thượng phẩm trọn vẹn đời đời cho mỗi con dân Chúa trong Đền Thờ ở trên trời. Máu thánh của Ngài là sinh tế trọn vẹn và đời đời chuộc mọi tội lỗi của loài người. Mỗi con dân Chúa cũng vừa là thầy tế lễ, vừa là Đền Thờ của Thiên Chúa, vừa là của lễ sống và thánh được ngày hai bận sớm tối dâng lên Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện của con dân Chúa là thức hương thơm dâng lên Đức Chúa Trời (Khải Huyền 5:8). Mỗi lời tôn vinh Thiên Chúa, mỗi việc lành của con dân Chúa là một của lễ tạ ơn dâng lên Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:15-16).

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ đã và đang làm thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Cảm tạ Đức Thánh Linh luôn dẫn chúng ta bước đi trong mọi lẽ thật, hiểu đúng về Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời và mọi việc làm của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta cho đến mãi mãi. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/06/2019

Ghi Chú

[1] Xin đọc lời mở đầu bài “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người” tại đây:
https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Phước Hạnh Vì Có Cha”
https://karaokethanhca.net/doi-con-phuoc-hanh-vi-co-cha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.