Chú Giải I Cô-rinh-tô 03:01-08 Khái Niệm Sai Lầm về Những Người Giảng Tin Lành và Những Người Giảng Dạy Lời Chúa

4,448 views

 

Nguồn: https://youtu.be/wCvpYBm42aY

Chú Giải I Cô-rinh-tô 3:1-8
Khái Niệm Sai Lầm về Những Người Giảng Tin Lành
và Những Người Giảng Dạy Lời Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 3:1-8

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không thể nói với các anh chị em như với những người thuộc linh nhưng như với những người xác thịt, như với những trẻ con trong Đấng Christ vậy.

2 Tôi đã cho các anh chị em uống sữa mà chẳng phải ăn thức ăn. Vì các anh chị em chưa thể ăn; mà bây giờ các anh chị em cũng chưa thể ăn.

3 Vì các anh chị em vẫn là tính xác thịt. Vì giữa nơi các anh chị em có sự ganh tỵ, tranh cãi, và chia rẽ. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt, bước đi theo người thế gian sao?

4 Có người nói: Ta thật là môn đồ của Phao-lô. Người khác nói: Ta thuộc về A-bô-lô. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt sao?

5 Thế thì Phao-lô là ai? A-bô-lô là ai? Họ chỉ là những người phục vụ theo như Chúa đã ban cho mỗi người; bởi họ các anh chị em đã tin.

6 Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.

7 Vậy, người trồng không là gì, người tưới cũng vậy. Nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên.

8 Người trồng và người tưới là một. Mỗi người sẽ nhận phần thưởng tùy theo sự lao động của mình.

Chúng ta đã học biết, hai trong các nguyên nhân gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh là do con dân Chúa có khái niệm sai lầm về Tin Lành hoặc có khái niệm sai lầm về sự giảng Tin Lành. Trong bài này chúng ta sẽ học biết thêm một nguyên nhân nữa. Đó là do con dân Chúa có khái niệm sai lầm về những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa.

Những người giảng Tin Lành vừa công bố Tin Lành cho những người chưa được cứu vừa giải thích ý nghĩa của nếp sống mới trong Đấng Christ cho những người đã tin nhận Tin Lành. Những người giảng dạy Lời Chúa là những người giải thích ý nghĩa của từng câu Thánh Kinh cho con dân Chúa và dạy họ cách áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống mỗi ngày. Một người có thể vừa làm công việc giảng Tin Lành vừa làm công việc giảng dạy Lời Chúa, như Sứ Đồ Phao-lô.

Khái niệm sai lầm về những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa khiến cho con dân Chúa dễ dàng thần tượng hóa những người ấy, dẫn đến sự tôn vinh loài người thay vì tôn vinh Thiên Chúa. Từ đó, phát sinh ra sự tư vị, tạo thành bè đảng, phe nhóm trong Hội Thánh.

Trong thực tế, những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa chỉ là những công cụ trong bàn tay của Thiên Chúa. Họ phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người trong các chức vụ mà Đức Chúa Trời đã định cho họ, Đức Chúa Jesus Christ đã giao phó cho họ, và Đức Thánh Linh đã ban năng lực cùng các ân tứ cho họ. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã dạy cho Hội Thánh biết lẽ thật ấy qua I Cô-rinh-tô 3:1-8.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không thể nói với các anh chị em như với những người thuộc linh nhưng như với những người xác thịt, như với những trẻ con trong Đấng Christ vậy.

Phao-lô gọi con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô là những anh chị em cùng Cha, nghĩa là ông công nhận họ là những người đã được Đức Chúa Trời tái sinh như chính ông. Vì họ đã thật lòng ăn năn tội và tin nhận Tin Lành. Nhưng Phao-lô không thể nói chuyện với họ như nói với những người thuộc linh mà ông phải nói với họ như với những người xác thịt.

Hai danh từ “người thuộc linh” và “người xác thịt” được dùng để chỉ tình trạng sống của một người. Một người có thể là người thuộc linh hôm nay nhưng lại là người xác thịt hôm sau hoặc ngược lại. Ngoài ra, một người thuộc linh cũng có khi hành xử theo xác thịt. Điển hình là trường hợp của Sứ Đồ Phi-e-rơ. Ông là một sứ đồ được Chúa giao phó cho nhiệm vụ chăn dắt Hội Thánh, sẵn sàng chịu bị đánh đập và bị nhốt tù khi rao giảng Tin Lành. Nhưng khi ông đến thăm Hội Thánh tại An-ti-ốt thì ông đã hành xử theo xác thịt và bị Phao-lô quở trách trước Hội Thánh (Ga-la-ti 2:11-14).

Chúng ta đã biết, loài người là linh hồn. Linh hồn sống trong thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần, và trong thân thể vật chất, gọi là xác thịt. Khi một người hành xử theo thần trí, tức theo sự cảm xúc và hiểu biết của tâm thần, thì người ấy đang sống theo thuộc linh. Khi một người hành xử theo lý trí của xác thịt, tức theo sự cảm xúc và hiểu biết của xác thịt, thì người ấy đang sống theo thuộc thể.

Tâm thần giúp cho chúng ta giao tiếp với và nhận thức về thế giới thiêng liêng, thế giới thuộc linh. Từ ngữ “thuộc linh” có nghĩa là thuộc về thế giới siêu nhiên, không thể nhìn thấy hoặc cảm xúc được bằng thân thể xác thịt. Thế giới thuộc linh bao gồm: Thiên Chúa, các thiên sứ, ma quỷ, tâm thần của loài người, thiên đàng, âm phủ, hỏa ngục, các giấc mơ và các khải tượng. Giấc mơ là những sự nhìn thấy và cảm xúc bằng tâm thần trong khi ngủ. Khải tượng là những sự nhìn thấy và cảm xúc bằng tâm thần trong khi thức. Giấc mơ và khải tượng có thể đến từ Thiên Chúa mà cũng có thể đến từ ma quỷ. Giấc mơ và khải tượng cũng có thể là hoạt động tâm sinh lý của loài người hoặc do tâm trí bị tác động bởi các chất gây kích thích như các loại ma túy và thuốc an thần.

Xác thịt giúp cho chúng ta giao tiếp với và nhận thức về thế giới vật chất, thế giới thuộc thể. Từ ngữ “thuộc thể” có nghĩa là thuộc về có hình dáng nhìn thấy và cảm xúc được bằng thân thể xác thịt. Thế giới thuộc thể chính là thế giới vật chất mà thân thể xác thịt của chúng ta đang sống trong đó. Thánh Kinh gọi là “thế gian” hoặc “đời này”.

Một người trước khi tin nhận Chúa có thể là người thuộc linh thiện nếu người ấy sống theo thần trí, có lòng tìm kiếm Thiên Chúa, mong mỏi có thể sống thánh khiết theo lương tâm mà Thiên Chúa đã đặt để trong người ấy. Hoặc là người thuộc linh ác nếu người ấy có lòng tìm kiếm những phương thức tu luyện bùa phép, hướng về các tà thần. Thiện là đúng theo ý muốn của Thiên Chúa. Ác là nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, cho dù một người có lòng tu luyện bùa phép của các tà thần với mục đích cứu giúp người khác thì người ấy vẫn là một người thuộc linh ác. Vì người ấy tin cậy và thờ phượng các tà thần mà các tà thần là ma quỷ chống nghịch Thiên Chúa. Bất cứ ai hay sự gì chống nghịch Thiên Chúa thì đều là ác, vì Thiên Chúa là thiện. Ngay cả hành động cứu giúp cũng có thể là thiện hoặc ác, tùy theo sự cứu giúp đó là đúng theo Lời Chúa hoặc không đúng theo Lời Chúa. Chắc chắn việc bỏ ra tiền của, công sức để giúp cho việc xây dựng, tu bổ các đền thờ tà thần, cấp dưỡng cho những người phục vụ tà thần không phải là điều thiện trước mắt Thiên Chúa.

Những người thuộc linh thiện sau khi tin Chúa được Đức Thánh Linh ngự trong họ, dẫn họ vào trong mọi lẽ thật, giúp họ hiểu rõ Lời Chúa, và ban cho họ năng lực áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Nhưng một người sau khi tin Chúa vẫn có thể chọn không sống theo thần trí mà sống theo nhận thức và cảm xúc của xác thịt.

Những người mới tin nhận Tin Lành được ví như những trẻ con mới được sinh ra trong Đấng Christ. Vì họ cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, tức cần được giảng dạy về Lời Chúa để nhanh chóng trưởng thành trong Chúa. Họ đã được ở trong sự cứu rỗi nhưng họ cần phải sốt sắng học biết về Chúa, về nếp sống mới trong Chúa càng hơn để họ được lớn lên trong sự hiểu biết Lời Chúa và trong đức tin. Những người ấy cần học ngay bài học vỡ lòng là môn đồ của Đấng Christ cần phải nhu mì và khiêm nhường theo gương của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 11:29). Sự nhu mì và khiêm nhường thể hiện qua sự vâng phục các trưởng lão trong Hội Thánh, tiếp nhận những góp ý đúng theo Lời Chúa của anh chị em trong Hội Thánh, và luôn xem người khác là tôn trọng hơn mình. Nếu không nhu mì và khiêm nhường theo gương của Đấng Christ thì những người mới tin Chúa sẽ sống theo sự kiêu ngạo và tự ái không đúng của xác thịt. Họ sẽ không thể hiểu Lời Chúa bằng thần trí mà chỉ hiểu cách sai lầm bằng những lý luận của xác thịt, tự chuốc lấy cho mình sự hư mất. Đó là trường hợp đã được nói đến trong II Phi-e-rơ 3:16. Vì Đức Thánh Linh không dẫn dắt những kẻ kiêu ngạo, tự ái không đúng, không vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh.

Con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã được Sứ Đồ Phao-lô giảng dạy suốt 18 tháng. Sau đó, có A-bô-lô đến giảng Tin Lành và tiếp tục giảng dạy Lời Chúa cho họ. Nhưng sau hơn sáu năm, kể từ khi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được thành lập, con dân Chúa tại đó vẫn chưa trưởng thành trong Chúa. (Phao-lô đến Cô-rinh-tô vào cuối mùa thu năm 50 và viết thư I Cô-rinh-tô vào mùa đông năm 56 [1].) Vấn đề không phải vì họ không được cho ăn thức ăn thuộc linh đầy đủ mà là do họ không sốt sắng ăn thức ăn thuộc linh. Nghĩa là họ không yêu thích, không sốt sắng đọc và suy ngẫm Lời Chúa qua sự giảng dạy của các sứ đồ để cẩn thận làm theo. Họ là con dân Chúa, là những người đã được dựng nên mới, nhưng thay vì sống theo thần trí, họ đã quay về hành xử theo cảm xúc và suy nghĩ của lý trí xác thịt, như những người chưa tin Chúa.

Chính nếp sống theo bản ngã xác thịt đã khiến cho con dân Chúa cứ ở lại trong sự thiếu hiểu biết Lời Chúa, cứ phạm vào hết sai lầm này đến sai lầm khác, và cuối cùng sẽ lui đi trong đức tin. Điều nghiêm trọng là sự thiếu hiểu biết Lời Chúa tạo ra sự phạm tội và sự dung túng tội lỗi trong Hội Thánh. Nghiêm trọng hơn hết là gây ra sự bè đảng, phe nhóm, ganh tỵ, tranh cãi, và phân rẽ trong Hội Thánh; làm gương xấu cho người thế gian; làm hư hỏng những người mới tin Chúa.

2 Tôi đã cho các anh chị em uống sữa mà chẳng phải ăn thức ăn. Vì các anh chị em chưa thể ăn; mà bây giờ các anh chị em cũng chưa thể ăn.

“Sữa” được dùng để tiêu biểu cho các giáo lý vỡ lòng của Thánh Kinh, là các điều đã được liệt kê trong Hê-bơ-rơ 6:1-2, như: sự ăn năn tội, đức tin nơi Thiên Chúa, giáo lý về các phép báp-tem, sự đặt tay, sự sống lại của những người chết, và án phạt vĩnh cửu…

“Thức ăn” được dùng để tiêu biểu cho các giáo lý sâu nhiệm trong Thánh Kinh, như: bản thể và bản tính của Thiên Chúa, bản thể và bản tính của Đức Chúa Jesus Christ, sự mầu nhiệm của Hội Thánh, sự đồng chịu khổ với Đấng Christ, sự năng động của đức tin, nếp sống mới thánh khiết trong Đấng Christ…

Trong suốt 18 tháng Phao-lô giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa tại thành Cô-rinh-tô, ông đã xây dựng Hội Thánh địa phương. Nhưng sự tiến bộ chậm chạp của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô khiến cho ông không thể dạy cho họ các giáo lý sâu nhiệm của Thánh Kinh. Họ tiến bộ chậm chạp vì họ không sốt sắng học hỏi Lời Chúa và sống theo Lời Chúa. Họ không sốt sắng học hỏi Lời Chúa và sống theo Lời Chúa là vì họ vẫn bận rộn chạy theo cuộc sống vật chất. Tâm trí của họ vẫn còn hướng về những sự thuộc thể hơn là hướng về những sự thuộc linh. Nhìn vào đời sống của họ, người ta sẽ không thấy họ có gì khác biệt với những người không tin Chúa. Ngay khi Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô thì họ cũng vẫn chưa thể tiếp nhận những sự giảng dạy về các điều sâu nhiệm của Thánh Kinh.

3 Vì các anh chị em vẫn là tính xác thịt. Vì giữa nơi các anh chị em có sự ganh tỵ, tranh cãi, và chia rẽ. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt, bước đi theo người thế gian sao?

“Tính xác thịt” là bản tính đã bị băng hoại bởi tội lỗi, chỉ biết sống theo bản năng như loài thú nhưng tệ hại hơn loài thú. Vì loài thú không có lương tâm trong khi loài người có lương tâm, biết phân biệt thiện ác, đúng sai mà lại chọn làm ác, làm sai để thỏa mãn sự kiêu ngạo và sự ích kỷ của mình.

Con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhận biết mình có tội vì đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Họ ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Nhưng họ không ý thức rằng, sự ganh tỵ, tranh cãi, và chia rẽ cũng chính là tội lỗi. Đây cũng là nan đề chung trong Hội Thánh qua mọi thời đại, giữa mỗi dân tộc, ở khắp các địa phương.

Sự ganh tỵ là sự bực tức khi thấy người khác hơn mình hoặc được ưu đãi hơn mình. Sự ganh tỵ phát xuất từ lòng kiêu ngạo. Người kiêu ngạo là người cho rằng, mình tài giỏi hơn người khác, có giá trị hơn người khác, đáng tôn trọng hơn người khác, đáng được ưu đãi hơn người khác, và muốn người khác thán phục mình. Vì thế, khi người ấy thấy có ai tài giỏi hơn mình, thành công hơn mình, nổi tiếng hơn mình, được ưu đãi hơn mình, được thán phục hơn mình thì sinh ra lòng ganh tỵ. Lòng ganh tỵ cũng có thể phát sinh khi thấy bè đảng của mình, phe nhóm của mình không bằng bè đảng, phe nhóm khác.

Sự ganh tỵ dẫn đến sự tranh cãi để bài bác, triệt hạ uy tín, danh tiếng, khả năng, công lao của người khác, của phe nhóm khác; và tìm cách tôn cao chính mình, tôn cao phe nhóm của mình.

Sự tranh cãi dẫn đến sự chia rẽ. Sự chia rẽ hay sự phân rẽ là sự không còn đồng thuận với nhau, không còn hiệp một. Chúng ta cần phân biệt sự tranh cãi với sự thảo luận. Trong sự tranh cãi, mỗi bên đều cương quyết cho rằng, mình đúng và đối phương sai. Sự tranh cãi là điều không nên có trong Hội Thánh. Lời Chúa dạy:

“Và nếu có ai dường như ưa thích tranh cãi thì chúng tôi cũng như các Hội Thánh của Đức Chúa Trời không có thói quen ấy.” (I Cô-rinh-tô 11:16).

“Vậy, ta muốn những người đàn ông cầu nguyện khắp nơi, đưa cao tay tinh sạch, không có sự giận và sự tranh cãi.” (I Ti-mô-thê 2:8).

Trong sự thảo luận, mỗi bên lắng nghe ý kiến của nhau, cùng đánh giá các ý kiến dựa trên Lời Chúa để đi đến một kết luận chung với sự đồng thuận. Sự thảo luận trong Hội Thánh làm sáng tỏ những điều khó hiểu, giải quyết những sự hiểu lầm, giúp con dân Chúa hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa càng hơn, và con dân Chúa được khích lệ trong sự áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Mọi thảo luận trong Hội Thánh luôn đặt Lời Chúa là thẩm quyền tuyệt đối để nhận xét, phân tích, và đánh giá mọi sự.

Trong Hội Thánh địa phương nào mà có sự ganh tỵ, tranh cãi, và chia rẽ thì con dân Chúa trong Hội Thánh địa phương ấy vẫn còn sống theo bản tính xác thịt, không khác gì những người thuộc về thế gian. Có khi còn tệ hơn người thế gian. Lời Chúa đã khẳng định, những ai thuộc về Ngài thì không thuộc về thế gian, vì chính Ngài không thuộc về thế gian:

“Họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian.” (Giăng 17:16).

Nếu nan đề không được sớm giải quyết, tức Hội Thánh địa phương phạm tội mà không sớm ăn năn, thì chính Chúa sẽ dẹp đi Hội Thánh địa phương ấy. Mỗi Hội Thánh địa phương được ví như một chân đèn. Hội Thánh địa phương nào phạm tội mà không ăn năn kịp lúc thì sẽ bị Chúa dẹp đi như ngọn đèn không chiếu sáng sẽ bị chủ nhà cất chân đèn ra khỏi chỗ của nó (Khải Huyền 2:5). Sự cất đi chân đèn của một Hội Thánh địa phương không có nghĩa là nơi đó sẽ không còn một tập thể của những người xưng nhận mình là Hội Thánh của Chúa. Mà là cho dù tại địa phương đó có một tập thể xưng mình là Hội Thánh của Chúa nhưng Chúa không nhận biết họ, không đi lại giữa họ.

4 Có người nói: Ta thật là môn đồ của Phao-lô. Người khác nói: Ta thuộc về A-bô-lô. Chẳng phải các anh chị em là tính xác thịt sao?

Trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có những người tin Chúa qua lời giảng của Phao-lô, có những người tin Chúa qua lời giảng của A-bô-lô. Những người tin Chúa qua lời giảng của Phao-lô thì tự xưng mình là học trò của Phao-lô. Những người tin Chúa qua lời giảng của A-bô-lô thì tự xưng mình là học trò của A-bô-lô. Ngoài ra, còn có những người xưng mình là thuộc về Phi-e-rơ hoặc thuộc về Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 1:12). Trong thực tế, Phi-e-rơ và Đấng Christ chưa hề đến giảng tại Cô-rinh-tô. Những người xưng mình thuộc về Phi-e-rơ có lẽ họ cho rằng, Hội Thánh do Sứ Đồ Phi-e-rơ đứng đầu nên con dân Chúa thuộc về Phi-e-rơ. Thật ra, Hội Thánh không do Phi-e-rơ đứng đầu, vì Đấng Christ là đầu của Hội Thánh. Những người xưng mình thuộc về Đấng Christ có lẽ họ cho rằng, Đấng Christ chịu chết để chuộc tội cho họ nên họ thuộc về Đấng Christ. Nhưng thực tế là bất cứ ai thật lòng tin nhận Tin Lành đều thuộc về Đấng Christ.

Không có gì sai khi con dân Chúa nói lên sự thật về việc họ tin Chúa qua sự giảng dạy của ai, họ được học Lời Chúa với ai. Nhưng sẽ là sai khi họ tự lập thành phe nhóm, tự phân rẽ phe nhóm của mình với những người còn lại trong Hội Thánh. Sẽ là sai khi họ đề cao người giảng dạy này hơn người giảng dạy khác. Sẽ là sai khi họ cho rằng, có một người đứng đầu Hội Thánh chung. Chỉ có Đấng Christ là đầu của Hội Thánh chung và mỗi Hội Thánh địa phương được Chúa giao cho các trưởng lão trong Hội Thánh tại địa phương đó chăn dắt. Không có gì sai khi con dân Chúa tuyên xưng họ thuộc về Đấng Christ. Nhưng sẽ là sai khi họ tuyên xưng như vậy với lòng kiêu ngạo, cho rằng, mình hiểu biết hơn và tự phân rẽ mình với những người khác trong Hội Thánh.

Người thuộc linh hiểu rằng, các chức vụ trong Hội Thánh do Chúa thiết lập và chọn người vào trong chức vụ là để xây dựng và gây dựng Hội Thánh:

Ê-phê-sô 4:11-15

11 Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy,

12 hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ,

13 cho đến chừng chúng ta hết thảy đều hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Con Đức Chúa Trời, mà nên một người hoàn toàn, theo mức độ trưởng thành trọn vẹn của Đấng Christ;

14 để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt;

15 nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.

Trong Chúa, không có ai tài giỏi hơn ai, vì tất cả đều là sự ban cho đến từ Chúa để hoàn thành thánh ý của Ngài. Người giảng Tin Lành và người giảng dạy Lời Chúa do Chúa sai đến là người giảng và dạy bởi năng lực của Thiên Chúa theo sự Đức Thánh Linh đã tỏ ra trong thần trí của họ (I Cô-rinh-tô 2:4).

Chúng ta đã học biết, mỗi người trong Hội Thánh là chi thể của cùng một thân mà Đấng Christ là đầu. Thử hỏi, có bao giờ chúng ta nói, cái tay tài giỏi hơn cái chân; lỗ tai tài giỏi hơn lỗ mũi? Thử hỏi, có bao giờ mắt phải lại phân rẽ khỏi mắt trái? Thử hỏi, có bao giờ các chi thể trong thân thể của chúng ta ganh tỵ lẫn nhau, tranh cãi với nhau, đòi phân rẽ nhau? Thế thì tại sao trong Hội Thánh lại có sự ganh tỵ, tranh cãi, và phân rẽ?

Ngay bản thân của những người được Chúa ban cho các chức vụ trong Hội Thánh cũng phải ý thức rằng, mình là tôi tớ phụng sự Chúa và phục vụ mỗi một anh chị em cùng Cha của mình trong Hội Thánh. Mình không phải là người ăn trên, ngồi trước để cả Hội Thánh phục vụ mình. Lời Chúa dạy rõ:

Ma-thi-ơ 20:25-28 (đối chiếu Mác 10:42-45):

25 Nhưng Đức Chúa Jesus đã gọi họ đến và phán: Các ngươi biết rằng, những kẻ cầm quyền của các dân ngoại tể trị họ, những kẻ chức lớn thi hành quyền trên họ.

26 Nhưng sẽ không như vậy trong các ngươi. Trái lại, nếu ai muốn trở nên lớn trong các ngươi thì người ấy sẽ là người phục vụ của các ngươi.

27 Nếu ai muốn trở nên đứng đầu trong các ngươi thì người ấy sẽ là tôi tớ của các ngươi.

28 Cũng vậy, Con Người đã đến, không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó mạng sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người.

Dĩ nhiên, trong Hội Thánh có sự tôn kính và vâng phục các trưởng lão, tôn kính và vâng phục những người được Chúa ban cho các chức vụ trong Hội Thánh, khi những người ấy thi hành chức vụ đúng theo Lời Chúa. Kể cả sự con dân Chúa trong Hội Thánh tỏ lòng biết ơn họ vì họ phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh. Nhưng điều đó không có nghĩa là thần tượng hóa bất cứ ai, tôn bất cứ ai làm người đứng đầu cho một phe nhóm, một phong trào… rồi tuyên xưng mình thuộc về người ấy.

Sự lập thành phe nhóm, bè đảng, gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô chính là một hình thức tạo ra các giáo hội, giáo phái trong Hội Thánh. Tiếc thay! Ngày nay có rất nhiều con dân Chúa trung thành với giáo hội, giáo phái của mình thay vì trung tín với Chúa và với Lời Chúa. Họ trung thành với các tổ chức tôn giáo do loài người đặt ra, dưới sự tác động của Sa-tan thay vì trung tín với Hội Thánh của Chúa do chính Ngài lập nên (Ma-thi-ơ 16:18).

5 Thế thì Phao-lô là ai? A-bô-lô là ai? Họ chỉ là những người phục vụ theo như Chúa đã ban cho mỗi người; bởi họ các anh chị em đã tin.

Bất cứ sứ đồ nào, người giảng Tin Lành nào, người chăn và người dạy nào thuộc bất cứ thời đại nào thì họ cũng chỉ là những tôi tớ mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn, được Đức Chúa Jesus Christ giao phó chức vụ, được Đức Thánh Linh ban cho năng lực và ân tứ để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ loài người, trong công cuộc mở mang Nước Trời và gây dựng Hội Thánh của Chúa. Mở mang Nước Trời là khiến cho có nhiều người nghe biết Tin Lành để tin nhận Tin Lành và được trở thành công dân của Nước Trời. Gây dựng Hội Thánh là khiến cho con dân Chúa ngày càng hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm càng hơn để họ sống đúng theo Lời Chúa, làm tôn vinh danh Chúa. Mỗi người có những ân tứ riêng theo sự ban cho của Đức Thánh Linh để hoàn thành thiên chức của mình. Chúng ta nên nhớ, không có ai “tài giỏi” hơn ai, cũng như không có một chi thể nào “tài giỏi” hơn các chi thể khác trong thân thể của chúng ta. Vì mỗi người đều thi hành chức vụ bởi năng lực của Thiên Chúa và bởi những sự Đức Thánh Linh đã tỏ ra trong thần trí của họ. Sự khác biệt duy nhất giữa họ là tấm lòng tận tụy hay không tận tụy thi hành chức vụ của họ. Điều đó chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng nhận biết và sẽ phán xét họ.

Mỗi một người trong số họ là công cụ được Đức Chúa Trời dùng để đưa dắt loài người đến với đức tin. Từ đức tin sơ khởi về sự cứu rỗi của Tin Lành cho đến đức tin sâu nhiệm về những lẽ thật trong Thánh Kinh. Thiên Chúa là nguồn phước và nguồn thông sáng. Họ là những ống dẫn, giúp cho loài người nhận được phước và nhận được sự hiểu biết tuôn đổ từ Thiên Chúa. Con dân Chúa biết ơn, tôn kính, và vâng phục những người được Chúa ban cho các chức vụ để phục vụ Hội Thánh nhưng con dân Chúa không thần thánh hóa họ, không đặt họ vào trong vị trí của Đấng Christ.

6 Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên.

7 Vậy, người trồng không là gì, người tưới cũng vậy. Nhưng Đức Chúa Trời làm cho lớn lên.

Phao-lô nhận mình là người trồng vì ông là người đầu tiên đến Cô-rinh-tô để rao giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh địa phương. Phao-lô gọi A-bô-lô là người tưới vì sau khi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được thành lập thì A-bô-lô đã đến để giảng dạy tại đó, làm công việc gây dựng sự hiểu biết Lời Chúa và đức tin cho con dân Chúa. Người xây dựng hay người gây dựng một Hội Thánh địa phương đều là tôi tớ của Đức Chúa Trời để làm thành ý muốn của Ngài. Nhưng sự lớn lên của một con dân Chúa hay của một Hội Thánh địa phương là việc giữa người ấy và Hội Thánh ấy với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng làm cho mỗi con dân Chúa và mỗi Hội Thánh địa phương được lớn lên. Nhưng mỗi con dân Chúa và mỗi Hội Thánh địa phương chỉ có thể lớn lên nếu người ấy và Hội Thánh ấy chịu sốt sắng tin nhận và làm theo Lời Chúa.

Người xây dựng và người gây dựng một Hội Thánh địa phương không là gì có nghĩa là họ chỉ làm công việc Đức Chúa Trời giao cho họ. Sự vinh quang không thuộc về họ. Vì chính Đức Chúa Trời là Đấng khiến cho công việc của họ có kết quả. Vì thế, con dân Chúa không tôn vinh một người về thành quả của sự giảng Tin Lành và sự giảng dạy Lời Chúa của người ấy.

Đầu thế kỷ 21, Giáo Hội Báp-tít Nam Phương tại Mỹ đã tôn vinh nhà Truyền Giáo Billy Graham bằng cách dựng tượng của ông trong khi ông vẫn còn sống. Billy Graham và gia đình của ông đã chấp nhận sự dựng tượng tôn vinh ấy. Bức tượng của Billy Graham đã trở thành đối tượng cho một số người đến đó quỳ lạy. Ngoài ra, Giáo Hội Báp-tít Nam Phương còn chấp nhận hai hình tượng khác của Billy Graham do Viên Hy Khôn, một nhà điêu khắc nổi tiếng của Trung Quốc, làm tặng. Để biết thêm chi tiết về sự dựng tượng này, quý ông bà anh chị em có thể tìm đọc bài “Điều Răn Thứ Nhì và Billy Graham”, trên khu mạng: timhieutinlanh.com/biengiao [2].

8 Người trồng và người tưới là một. Mỗi người sẽ nhận phần thưởng tùy theo sự lao động của mình.

“Người trồng và người tưới là một” có nghĩa là cùng một tâm tình, cùng một mục đích, và cùng một trách nhiệm trong công việc xây dựng và gây dựng Hội Thánh. Tùy theo tấm lòng sốt sắng, tận tụy của họ trong khi làm việc mà mỗi người sẽ nhận lãnh phần thưởng xứng đáng từ Đấng Christ, khi Ngài đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chính Ngài đã hứa:

“Này, Ta đến mau chóng với tiền công của Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người đó.” (Khải Huyền 22:12).

Không riêng gì những người có chức vụ trong Hội Thánh mà mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đều là người phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh. Mỗi người đều được Đức Thánh Linh ban cho các ân tứ để phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh qua thân thể xác thịt của mình, trong suốt phần đời còn lại, giữa thế gian. Mỗi người vừa là Đền Thờ của Thiên Chúa, vừa là thầy tế lễ lo việc thờ phượng Thiên Chúa qua thân thể xác thịt của mình, vừa là ánh sáng của thế gian, chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa cho toàn thế gian. Không ai tài giỏi hơn ai vì mỗi người đều thuộc về Đấng Christ và hiệp một trong Đấng Christ, như chi thể của cùng một thân.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/11/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-gioi-thieu-thu-i-co-rinh-to/

[2] https://timhieutinlanh.com/biengiao/dieu-ran-thu-nhi-va-billy-graham/

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Đã Đi Tìm Tôi”
https://karaokethanhca.net/chua-da-di-tim-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.