Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 05:12-42 Dấu Kỳ và Phép Lạ – Lòng Dạn Dĩ của Các Sứ Đồ

1,753 views

YouTube: https://youtu.be/kwl_TCw–Ys

44015 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 5:12-42
Dấu Kỳ và Phép Lạ – Lòng Dạn Dĩ của Các Sứ Đồ

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 5:12-42

12 Có nhiều dấu kỳ và phép lạ đã được làm ra trong dân chúng bởi tay của các sứ đồ. Hết thảy họ đã đồng lòng, hiệp ý, dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn.

13 Số còn lại chẳng ai dám nhập với họ; còn dân chúng thì tôn kính họ.

14 Những người tin đã được thêm vào Chúa càng hơn. Có những đám đông cả nam lẫn nữ;

15 đến nỗi người ta đã đem những người bệnh để dọc theo các đường phố, đặt nằm trên những giường nhỏ hoặc trên những tấm đệm, để ít ra bóng của Phi-e-rơ, khi ông đi ngang qua, cũng che được vài người trong số họ.

16 Có đám đông từ các thành lân cận cũng đã kéo đến Giê-ru-sa-lem, đem theo những người bệnh và những kẻ bị khuấy hại bởi các tà linh. Hết thảy họ đều đã được chữa lành.

17 Bấy giờ, thầy tế lễ thượng phẩm và hết thảy những kẻ hiệp với người, là phái Sa-đu-sê, đều đã đứng dậy, đầy lòng ganh tị.

18 Chúng đã tra tay của chúng trên các sứ đồ và bỏ họ trong phòng giam chung.

19 Nhưng vào ban đêm, thiên sứ của Chúa đã mở các cửa nhà tù và đem họ ra, nói:

20 Hãy đi! Đứng nói trong Đền Thờ cho dân chúng hết thảy những Lời của Sự Sống này. [Nói về sự sống trong Đấng Christ]

21 Đã nghe vậy, vào sáng sớm, họ vào bên trong Đền Thờ và giảng dạy. Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm và những kẻ hiệp với người đã đến, gọi buổi nhóm họp của Tòa Công Luận cùng hết thảy nghị viên của con dân I-sơ-ra-ên; sai người vào phòng giam, bắt giải họ.

22 Các viên chức đã đến và không tìm thấy họ trong nhà tù. Chúng đã trở lại và báo cáo,

23 nói: Chúng tôi thật đã tìm thấy phòng giam đóng kĩ với mọi biện pháp an toàn. Những lính canh đã đứng trước các cửa. Nhưng khi mở ra, chúng tôi đã chẳng tìm thấy một người nào bên trong.

24 Khi viên đội trưởng lính của Đền Thờ cùng các thầy tế lễ thượng phẩm đã nghe các lời ấy, chúng bối rối về các lời ấy, không biết sẽ xảy ra điều gì.

25 Nhưng có người đã đến, báo với chúng rằng: Kìa, những người mà các ông đã bỏ trong tù, đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy dân chúng.

26 Khi đó, viên đội trưởng hiệp với các viên chức đã đi, bắt giải họ; nhưng không dùng cách hung bạo, vì chúng sợ dân chúng, kẻo chúng bị ném đá.

27 Khi chúng đã bắt giải họ, chúng đặt họ trong Tòa Công Luận. Thầy tế lễ thượng phẩm đã hỏi họ,

28 rằng: Chẳng phải chúng ta đã truyền lệnh cấm các ngươi không được giảng dạy trong danh ấy sao? Mà kìa, các ngươi đã làm đầy dẫy Giê-ru-sa-lem giáo lý của các ngươi, muốn đem máu của người ấy đổ trên chúng ta.

29 Nhưng Phi-e-rơ và các sứ đồ đã trả lời rằng: Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người.

30 Đức Chúa Trời của các tổ phụ chúng ta đã làm sống lại Đức Chúa Jesus; Đấng mà các ông đã tra tay, treo trên cây gỗ;

31 Đấng mà Đức Chúa Trời đã tôn cao bên phải Ngài; Đấng Lãnh Đạo và Đấng Giải Cứu, ban sự ăn năn và sự tha thứ những tội lỗi cho dân I-sơ-ra-ên.

32 Chúng ta là những chứng nhân của Ngài về những việc ấy, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho những ai vâng phục Ngài.

33 Khi chúng đã nghe, chúng trở nên giận hoảng và bàn mưu giết họ.

34 Nhưng một người trong Tòa Công Luận, thuộc phái Pha-ri-si, tên Ga-ma-li-ên, là giáo sư luật, có danh tiếng với hết thảy dân chúng, đã đứng lên, truyền đem các sứ đồ ra ngoài một lát.

35 Rồi, người đã nói với chúng: Hỡi các người I-sơ-ra-ên, hãy tự mình cẩn thận về điều các ngươi định làm cho các người này.

36 Vì trước những ngày này, Thêu-đa đã dấy lên, xưng mình là ai đó, mà một số khoảng bốn trăm người đã theo hắn. Hắn đã bị giết. Hết thảy những kẻ nào tin theo hắn đều đã bị giải tán và trở nên hư không.

37 Sau đó, Giu-đa, người Ga-li-lê, đã dấy lên, trong những ngày lập sổ dân, kéo đi nhiều người theo hắn. Hắn cũng đã chết. Hết thảy những kẻ nào tin theo hắn đều đã bị tan lạc.

38 Nay, ta bảo các ngươi: Hãy lánh xa những người ấy, để mặc họ. Vì nếu mưu luận hoặc việc làm này là bởi loài người, nó sẽ bị lật đổ.

39 Nhưng nếu là bởi Thiên Chúa thì các ngươi không thể lật đổ nó, mà các ngươi lại bị tìm thấy chống nghịch Thiên Chúa.

40 Chúng đã đồng ý với ông và gọi các sứ đồ vào, đánh đòn họ, ra lệnh họ không được nói trong danh của Đức Chúa Jesus; rồi thả họ.

41 Vậy, thực tế, họ đã rời khỏi sự hiện diện của Tòa Công Luận, vui mừng bởi họ được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh của Ngài.

42 Ngày nào cũng vậy, trong Đền Thờ và suốt mỗi nhà, họ không ngừng giảng dạy và rao giảng Tin Lành: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy, vào buổi ban đầu của Hội Thánh, có rất nhiều dấu kỳ và phép lạ đã được Chúa làm ra trong Hội Thánh, qua các sứ đồ. Những dấu kỳ và phép lạ ấy vừa là sự ban phước của Chúa trên những ai tin vào danh của Đấng Christ, vừa là sự Chúa ấn chứng cho người thế gian rằng, mọi lời giảng dạy của các sứ đồ là chân thật và đến từ Chúa.

Dấu kỳ và phép lạ là điều Chúa luôn làm ra trong Hội Thánh, nếu Hội Thánh thật lòng tin cậy Chúa và hết lòng sống theo Lời Chúa. Một số người cho rằng, dấu kỳ và phép lạ chỉ xảy ra trong thời kỳ mười hai sứ đồ ban đầu còn sống trên đất; sau khi các sứ đồ ấy qua đời thì dấu kỳ và phép lạ không còn xảy ra trong Hội Thánh. Nhưng lời Đấng Christ phán, được ghi lại trong sách Mác, cho chúng ta thấy, dấu kỳ và phép lạ được ban cho tất cả những ai tin nhận Tin Lành, không riêng ban cho các sứ đồ. Chỉ cần một người thật lòng tin nhận Tin Lành thì dấu kỳ và phép lạ sẽ được Chúa làm ra, qua họ. Thực tế, mỗi con dân chân thật của Chúa đều kinh nghiệm được dấu kỳ và phép lạ Chúa thường xuyên làm ra trong đời sống của chính họ.

Mác 16:15-18

15 Ngài phán với họ: Hãy đi đến khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người!

16 Ai tin và chịu báp-tem sẽ được cứu rỗi; nhưng ai chẳng tin sẽ bị định tội.

17 Và những dấu kỳ này sẽ theo họ, những người tin: Trong danh Ta, họ sẽ trừ những quỷ. Họ sẽ nói những ngôn ngữ mới.

18 Họ sẽ bắt những rắn và nếu họ uống chất độc gì, nó sẽ chẳng hại họ. Họ sẽ đặt tay trên những kẻ bệnh thì chúng sẽ được lành.

Ngày nay, chúng ta ít thấy dấu kỳ và phép lạ xảy ra trong Hội Thánh. Có thể là vì chúng ta “không có đức tin”, như trường hợp đã xảy ra cho các sứ đồ của Chúa, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 17:20. Không có đức tin được nói đến ở đây là không có đức tin Chúa có thể làm dấu kỳ và phép lạ qua mình. Cũng có thể là vì chúng ta không thật lòng ăn năn tội, không thật lòng từ bỏ tội, vẫn ham thích tội nên Chúa không hành động qua chúng ta. Nhiều người tuy không làm ra hành động phạm tội, nhưng trong lòng vẫn ưa thích sự phạm tội, lý trí vẫn suy nghĩ đến những thú vui của tội lỗi. Ngoài ra, trong trường hợp cầu nguyện cho những người bị bệnh, xin được Chúa chữa lành, có thể chúng ta đã không theo đúng sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh, đã được ghi lại trong Gia-cơ 5:14-16.

14 Trong các anh chị em có ai đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão của Hội Thánh đến, để họ cầu nguyện cho người, nhân danh Chúa mà xức dầu cho người.

15 Và sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người dậy; nếu người đã phạm tội, những tội ấy cũng sẽ được tha.

16 Vậy, hãy xưng những lỗi lầm của các anh chị em cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, để cho các anh chị em được lành bệnh. Lòng sốt sắng khẩn xin của người công chính, thật có linh nghiệm nhiều.

Trong bài học này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự kiện Chúa đã làm ra nhiều dấu kỳ và phép lạ trong Hội Thánh lúc ban đầu; và học về lòng dạn dĩ của các sứ đồ, khi họ đối diện với sự bách hại của Do-thái Giáo.

12 Có nhiều dấu kỳ và phép lạ đã được làm ra trong dân chúng bởi tay của các sứ đồ. Hết thảy họ đã đồng lòng, hiệp ý, dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn.

Dấu kỳ là hiện tượng siêu nhiên, phép lạ là hành động siêu nhiên. Dấu kỳ và phép lạ do Chúa làm ra qua con dân của Ngài vừa để ban phước cho những ai tin danh của Đấng Christ vừa để ấn chứng lời rao giảng của con dân Chúa là lẽ thật. Hội Thánh lúc ban đầu tại Giê-ru-sa-lem đã được đầy ơn Chúa với các sứ đồ đầy dẫy đức tin và hết lòng rao giảng Tin Lành. Các sứ đồ đã tận mắt chứng kiến các lần hiện ra của Đấng Christ, sau khi Ngài phục sinh; và tận mắt chứng kiến Ngài thăng thiên nên đức tin của họ vào Đấng Christ là trọn vẹn và tuyệt đối. Bởi đức tin và lòng sốt sắng tuyệt đối của các sứ đồ mà Chúa đã làm ra nhiều dấu kỳ và phép lạ qua họ, giữa vòng dân chúng tại Giê-ru-sa-lem. Sự kiện đó đã làm tôn vinh danh Chúa và đem lại ơn phước cho nhiều người.

Hết thảy họ” là hết thảy các sứ đồ.

Cùng một lòng là cùng một tâm tình yêu kính Chúa, yêu lẫn nhau, và yêu những người chưa được cứu. Hiệp một ý là cùng chung đức tin, cùng chung sự hiểu biết về Chúa, và cùng quyết tâm rao giảng Tin Lành.

Các sứ đồ đã chọn nhóm hiệp dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn vì đó là khu vực rộng, chứa được đông người, và cũng là nơi những người đến Đền Thờ phải đi ngang qua trước. Họ nhóm hiệp tại đó để rao giảng Tin Lành.

13 Số còn lại chẳng ai dám nhập với họ; còn dân chúng thì tôn kính họ.

Số còn lại” là số người còn lại trong Hội Thánh. Những người còn lại trong Hội Thánh đã ý thức rằng, các sứ đồ có tiếng gọi đặc biệt của Chúa để làm công việc rao giảng Tin Lành. Vì thế, khi các sứ đồ nhóm hiệp để rao giảng Tin Lành, tại dưới Hiên Cửa của Sa-lô-môn, trong khuôn viên của Đền Thờ, thì không ai khác dám nhập vào với họ để cùng rao giảng với họ. Mặc dù mỗi con dân Chúa đều có bổn phận rao giảng Tin Lành, nhưng có những nơi và những lúc Tin Lành được rao giảng bởi những người được Chúa ban cho chức vụ rao giảng trong Hội Thánh, thì những người không có chức vụ rao giảng trong Hội Thánh phải nhường cho họ.

Dân chúng, dù chưa tin nhận Tin Lành, đã tỏ lòng tôn kính các sứ đồ, có lẽ là vì được chứng kiến những dấu kỳ và phép lạ Chúa làm qua các sứ đồ. Hơn nữa, lời rao giảng của các sứ đồ đã giúp họ hiểu rõ, ý nghĩa của các phân đoạn Thánh Kinh trong Cựu Ước.

14 Những người tin đã được thêm vào Chúa càng hơn. Có những đám đông cả nam lẫn nữ;

15 đến nỗi người ta đã đem những người bệnh để dọc theo các đường phố, đặt nằm trên những giường nhỏ hoặc trên những tấm đệm, để ít ra bóng của Phi-e-rơ, khi ông đi ngang qua, cũng che được vài người trong số họ.

Thánh Kinh đã không ghi lại có thêm bao nhiêu người tin nhận Tin Lành, sau khi số người được thêm vào Hội Thánh đã vào khoảng 5.000 người. Nhưng chắc chắn số người tin nhận Tin Lành mỗi ngày rất nhiều, với từng đám đông những người nam và những người nữ.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:47 dùng cách nói: “Chúa thêm những người được cứu vào Hội Thánh”. Nhưng Công Vụ Các Sứ Đồ 5:14 lại dùng cách nói: “Những người tin đã được thêm vào Chúa”. Qua đó, chúng ta thấy, được thêm vào Hội Thánh chính là được thêm vào Chúa. Vì Hội Thánh là thân thể của Chúa (I Cô-rinh-tô 12:27; Ê-phê-sô 1:23; Cô-lô-se 1:18, 24).

Có lẽ mỗi ngày những tín đồ mới đã nhóm hiệp đông kín trong khuôn viên Đền Thờ, dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn, để nghe các sứ đồ giảng dạy, đến nỗi dân chúng không thể đưa những người bệnh vào đó. Vì thế, dân chúng đã đem những người bệnh để dọc theo các đường phố, là các con đường mà các sứ đồ từ nơi cư trú đi đến Đền Thờ. Lý do là họ mong rằng, khi Phi-e-rơ đi ngang qua, bóng của ông có thể che lên người bệnh và giúp người bệnh được chữa lành.

Tên Phi-e-rơ được nói riêng ở đây vì ông là người đã truyền cho người què đứng dậy, khiến người ấy được chữa lành. Vì thế, dân chúng tin rằng, Phi-e-rơ được đầy ơn của Thiên Chúa trong sự chữa lành các tật bệnh. Họ mong rằng, những người thân bị bệnh của họ cũng sẽ được Chúa chữa lành qua Phi-e-rơ.

Trong Thánh Kinh, sách Thi Thiên nói đến “bóng cánh” của Thiên Chúa (Thi Thiên 17:8; 36:7; 57:1; 63:7), tiêu biểu cho sự che chở, chu cấp, và chữa lành đến từ Thiên Chúa. Bóng cánh của Thiên Chúa đối nghịch với “bóng của sự chết” được nói đến nhiều lần trong sách Gióp. Có lẽ vì thế mà dân I-sơ-ra-ên nghĩ rằng, bóng của người được ơn của Thiên Chúa trong sự chữa lành tật bệnh nếu che phủ lên người bệnh cũng có thể giúp chữa lành.

Giường nhỏ” là giường cá nhân, vừa đủ cho một người nằm, thường được người giàu dùng để tựa người trong bữa ăn.

Tấm đệm” là một tấm nệm nhồi rơm hay cỏ, người nghèo thường dùng lót chỗ nằm.

Cả những người giàu và những người nghèo bị bệnh đều được đưa ra đường phố để cầu sự chữa lành đến từ Chúa, qua Phi-e-rơ.

16 Có đám đông từ các thành lân cận cũng đã kéo đến Giê-ru-sa-lem, đem theo những người bệnh và những kẻ bị khuấy hại bởi các tà linh. Hết thảy họ đều đã được chữa lành.

Không những dân chúng tại thành Giê-ru-sa-lem tìm đến Phi-e-rơ mà dân chúng từ các vùng phụ cận nghe tin, cũng đã kéo nhau đến Giê-ru-sa-lem, đem theo họ những người bệnh và cả những người bị quỷ ám. Và Lời Chúa đã khẳng định rằng: Hết thảy họ đều đã được chữa lành.

Chúng ta không biết số người bị bệnh và bị quỷ ám được chữa lành vào những ngày ấy là bao nhiêu, nhưng có thể lên đến hàng ngàn hay hàng chục ngàn người. Đây là trường hợp đặc biệt về dấu kỳ và phép lạ Chúa đã làm ra, qua Phi-e-rơ, để làm cho vững lập Lời Chúa được rao giảng bởi các sứ đồ trong những ngày đầu (Mác 16:20), khi Hội Thánh mới được thành lập.

17 Bấy giờ, thầy tế lễ thượng phẩm và hết thảy những kẻ hiệp với người, là phái Sa-đu-sê, đều đã đứng dậy, đầy lòng ganh tị.

Động từ “đứng dậy” có nghĩa là sẵn sàng để hành động. Thầy tế lễ thượng phẩm lúc ấy là An-ne. Những kẻ hiệp với thầy tế lễ thượng phẩm là bà con, bạn bè của ông ta, và các thầy tế lễ thuộc phái Sa-đu-sê.

Họ đầy lòng ganh tị vì sự nổi tiếng của các sứ đồ, về ân tứ chữa bệnh, đuổi quỷ của các sứ đồ.

18 Chúng đã tra tay của chúng trên các sứ đồ và bỏ họ trong phòng giam chung.

Động từ “tra tay” (G1911) dùng trong câu này có nghĩa xấu là nắm bắt hoặc làm hại. Chúng ta có thể hiểu là cả 12 sứ đồ của Chúa đang rao giảng dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn, trong khuôn viên Đền Thờ, đều bị bắt và giam trong phòng giam chung.

Danh từ “phòng giam chung” (G1219 G5048) được dùng để gọi chỗ tạm thời giam giữ các thường phạm, trước khi họ bị đưa ra xét xử trước Tòa Công Luận. Đây là phòng giam dành cho những người vi phạm các luật lệ của Do-thái Giáo, không phải nơi giam những người vi phạm luật pháp của đế quốc La-mã.

19 Nhưng vào ban đêm, thiên sứ của Chúa đã mở các cửa nhà tù và đem họ ra, nói:

20 Hãy đi! Đứng nói trong Đền Thờ cho dân chúng hết thảy những Lời của Sự Sống này. [Nói về sự sống trong Đấng Christ]

Danh từ “nhà tù” (G5438) được dùng để gọi bất cứ nơi nào dùng để giam giữ người.

Các cửa nhà tù” hàm ý phòng tạm giam chung có nhiều ngăn khác nhau, mỗi ngăn có cửa riêng. Có lẽ 12 sứ đồ đã bị giam trong nhiều ngăn khác nhau của phòng tạm giam.

Chúa đã sai thiên sứ mở các cửa nhà tù cho tất cả các sứ đồ ra khỏi, và truyền cho họ đứng nói trong Đền Thờ cho dân chúng về những Lời của Sự Sống.

Đứng nói trong Đền Thờ” hàm ý, đứng dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn để rao giảng như trước giờ.

Lời của Sự Sống này” là Lời Chúa về Tin Lành của Ngài, mang đến sự sống lại và sự sống cho bất cứ ai tin nhận.

Lời của Sự Sống này” còn là chính bản thân của Đấng Christ. Vì Ngài là Ngôi Lời mà cũng là sự sống lại và sự sống.

Đức Chúa Jesus phán với bà: Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta, dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống.” (Giăng 11:25).

Thiên sứ đã truyền cho các sứ đồ rao giảng về chính Đấng Christ và mọi lời phán dạy của Ngài.

21 Đã nghe vậy, vào sáng sớm, họ vào bên trong Đền Thờ và giảng dạy. Nhưng thầy tế lễ thượng phẩm và những kẻ hiệp với người đã đến, gọi buổi nhóm họp của Tòa Công Luận cùng hết thảy nghị viên của con dân I-sơ-ra-ên; sai người vào phòng giam, bắt giải họ.

Chúng ta hiểu rằng, sau khi được thiên sứ mở các cửa nhà tù, trả tự do cho họ, các sứ đồ đã về nơi cư trú để ngủ, nghỉ. Sáng sớm hôm sau, họ đã vào trong Đền Thờ để tiếp tục sự rao giảng của họ.

Vừa lúc đó, thầy tế lễ thượng phẩm và phe nhóm của ông ta cũng đã đến nơi nhóm hiệp của Tòa Công Luận, trong khuôn viên Đền Thờ, triệu tập buổi xét xử các sứ đồ, với sự có mặt hết thảy nghị viên của Tòa Công Luận. Thầy tế lễ thượng phẩm đã ra lệnh bắt giải các sứ đồ đến trước Tòa Công Luận.

22 Các viên chức đã đến và không tìm thấy họ trong nhà tù. Chúng đã trở lại và báo cáo,

23 nói: Chúng tôi thật đã tìm thấy phòng giam đóng kĩ với mọi biện pháp an toàn. Những lính canh đã đứng trước các cửa. Nhưng khi mở ra, chúng tôi đã chẳng tìm thấy một người nào bên trong.

Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra cho những lính canh, khi thiên sứ mở các cửa nhà tù cho các sứ đồ ra về. Nhưng cho tới sáng, khi các viên chức do thầy tế lễ thượng phẩm sai đến nhà tù, giải giao các sứ đồ đến Tòa Công Luận, thì những lính canh vẫn đứng gác nghiêm chỉnh, trước các cửa.

Mọi biện pháp an toàn” có nghĩa là các cửa nhà tù được khóa lại và có lính canh giữ. Nhưng khi các cửa nhà tù được mở ra thì không có một người nào bị nhốt bên trong.

Chúng ta không biết trong số lính của Đền Thờ giữ phần canh gác phòng giam chung ngày hôm đó, có người nào khoảng hai tháng trước đã từng canh gác ngôi mộ của Đấng Christ hay không. Nếu có, nhân sự việc lạ lùng đang xảy ra, chắc họ đã nhớ lại sự kiện thiên sứ sáng láng hiện ra, lăn đi tảng đá chặn mộ huyệt của Đấng Christ; và sau đó, họ nghe tin Ngài đã sống lại.

24 Khi viên đội trưởng lính của Đền Thờ cùng các thầy tế lễ thượng phẩm đã nghe các lời ấy, chúng bối rối về các lời ấy, không biết sẽ xảy ra điều gì.

Trong câu này, chúng ta thấy danh từ “thầy tế lễ thượng phẩm” được dùng với số nhiều, có nghĩa là cha vợ của An-ne, vốn là thầy tế lễ thượng phẩm trước An-ne, cũng đã có mặt trong buổi họp. Mọi người đang có mặt trong Tòa Công Luận đều bối rối trước sự các sứ đồ bỗng dưng biến mất khỏi nhà tù được canh gác cẩn mật. Họ không biết sự việc sẽ diễn biến như thế nào.

25 Nhưng có người đã đến, báo với chúng rằng: Kìa, những người mà các ông đã bỏ trong tù, đang đứng trong Đền Thờ và giảng dạy dân chúng.

Trong khi họ đang bối rối không biết phải làm gì thì đã có người đến báo tin cho họ là các sứ đồ đang đứng rao giảng trong khuôn viên của Đền Thờ. Chúng ta không biết người báo tin là ai, có thể là một trong những người lính canh đã mãn phiên gác. Nhưng người ấy biết rõ, các sứ đồ đã bị nhốt tù đêm qua để đem ra xét xử trước Tòa Công Luận sáng nay. Thế mà sáng sớm, người ấy đã thấy các sứ đồ đứng giảng dạy dân chúng, thay vì chịu sự xét xử trong Tòa Công Luận, nên người ấy đã đến báo tin cho Tòa Công Luận.

26 Khi đó, viên đội trưởng hiệp với các viên chức đã đi, bắt giải họ; nhưng không dùng cách hung bạo, vì chúng sợ dân chúng, kẻo chúng bị ném đá.

Viên đội trưởng lính của Đền Thờ đã cùng các viên chức dưới quyền, đi bắt các sứ đồ, giải đến trước Tòa Công Luận. Nhưng họ không dám đối xử cách hung bạo với các sứ đồ, vì các sứ đồ đang được dân chúng tôn kính. Dân chúng xem các sứ đồ là những người đầy ơn Chúa, đang rao giảng Lời Chúa, và đang chữa lành bất cứ ai bị bệnh tật hoặc bị quỷ ám. Vì thế, nếu ai đối xử bất kính với các sứ đồ thì sẽ bị dân chúng ném đá.

27 Khi chúng đã bắt giải họ, chúng đặt họ trong Tòa Công Luận. Thầy tế lễ thượng phẩm đã hỏi họ,

28 rằng: Chẳng phải chúng ta đã truyền lệnh cấm các ngươi không được giảng dạy trong danh ấy sao? Mà kìa, các ngươi đã làm đầy dẫy Giê-ru-sa-lem giáo lý của các ngươi, muốn đem máu của người ấy đổ trên chúng ta.

Lệnh truyền cấm các sứ đồ giảng dạy trong danh ấy là cấm giảng dạy trong danh của Đấng Christ. Lệnh ấy đã được truyền cho các sứ đồ khi Tòa Công Luận tra hỏi Phi-e-rơ và Giăng về việc người bị què từ trong bụng mẹ đã hơn 40 tuổi, được chữa lành bằng phép lạ.

Mệnh đề “muốn đem máu của người ấy đổ trên chúng ta” có nghĩa là muốn đem trách nhiệm về cái chết của Đấng Christ trút lên những người cầm đầu Do-thái Giáo, từ thầy tế lễ thượng phẩm đến các thầy tế lễ và các thầy thông giáo; từ viên đội trưởng lính của Đền Thờ đến các tên lính dưới quyền của ông ta; và tất cả những người về cùng phe với họ, lớn tiếng kêu gào, đòi đóng đinh Đấng Christ trên thập tự giá.

29 Nhưng Phi-e-rơ và các sứ đồ đã trả lời rằng: Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người.

Phi-e-rơ và các sứ đồ đã thản nhiên trả lời Tòa Công Luận: Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người.

Đây cũng là câu trả lời mà Chúa muốn mỗi con dân Chúa khảng khái trả lời, trước mọi thế lực cầm quyền bách hại đức tin của họ, trước mọi sự van nài của những người thân yêu, muốn họ chối bỏ đức tin nơi Chúa.

Ngoài ra, chúng ta cũng rút ra được một sự ứng dụng thực tế: Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là chiều theo những ham muốn của xác thịt.

30 Đức Chúa Trời của các tổ phụ chúng ta đã làm sống lại Đức Chúa Jesus; Đấng mà các ông đã tra tay, treo trên cây gỗ;

31 Đấng mà Đức Chúa Trời đã tôn cao bên phải Ngài; Đấng Lãnh Đạo và Đấng Giải Cứu, ban sự ăn năn và sự tha thứ những tội lỗi cho dân I-sơ-ra-ên.

Mệnh đề “Đức Chúa Trời của các tổ phụ chúng ta” được dùng để xác định rằng, Đức Chúa Trời mà các sứ đồ đang rao giảng là Đức Chúa Trời được ghi chép trong Thánh Kinh, là Đức Chúa Trời mà những người Do-thái Giáo tôn thờ.

Nếu Đức Chúa Trời đã làm sống lại Đức Chúa Jesus mà những người theo Do-thái Giáo đã giết thì Đức Chúa Jesus chính là người của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jesus chẳng những là người của Đức Chúa Trời mà còn là người được Đức Chúa Trời tôn lên địa vị cao quý nhất, là được ngự bên phải Đức Chúa Trời.

Danh xưng “Đấng Lãnh Đạo và Đấng Giải Cứu” là ý nghĩa chức vụ của danh xưng “Đấng Mê-si-a” trong tiếng Hê-bơ-rơ và danh xưng “Đấng Christ” trong tiếng Hy-lạp. Người I-sơ-ra-ên hiểu rằng, Đấng Mê-si-a được hứa trong Thánh Kinh là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu để làm vua của dân I-sơ-ra-ên và giải cứu dân I-sơ-ra-ên khỏi sự thống trị của mọi kẻ thù. Nhưng họ không hề hiểu rằng, Đấng ấy cũng được tôn cao ngang bằng với Đức Chúa Trời. Họ tưởng rằng, Đấng ấy sẽ như là Môi-se, Giô-suê, hoặc Đa-vít.

Họ cũng không hề hiểu rằng, Đấng ấy lại có thẩm quyền và năng lực ban sự ăn năn và ban sự tha thứ những tội lỗi cho dân I-sơ-ra-ên. Vì đối với họ, chỉ Thiên Chúa mới có quyền ban sự ăn năn và sự tha thứ. Đó là vì họ không hiểu rằng, chính Thiên Chúa đã giáng thế làm người để làm Đấng Lãnh Đạo và Đấng Giải Cứu họ cùng muôn dân trên đất.

Sự ăn năn là quyết định của mỗi người nhưng để có thể ăn năn thì mỗi người cần được Chúa ban cho sự cáo trách và cơ hội ăn năn. Trước khi một người ăn năn tội và tin nhận Tin Lành thì người ấy nhận biết mình phạm tội, muốn ăn năn, tức muốn từ bỏ tội, nhưng không thể tự mình làm được; cho tới khi sự thương xót của Chúa bao phủ người ấy và Ngài khiến cho người ấy có năng lực để ăn năn và xưng tội với Ngài. Vì thế mà chúng ta hiểu rằng, chúng ta được cứu là nhờ ân điển và bởi đức tin, chứ không bởi năng lực của chính mình. Ân điển và đức tin đều là sự ban cho của Chúa. Ân điển là sự Đức Chúa Trời thương xót chúng ta và sẵn sàng cứu rỗi chúng ta, theo sức toàn năng của Ngài. Đức tin là sự Đức Chúa Trời giúp cho chúng ta hiểu được sự thực hữu của Ngài, hiểu được chúng ta đã phạm tội nghịch lại Ngài, và hiểu được tình yêu của Ngài đối với chúng ta.

32 Chúng ta là những chứng nhân của Ngài về những việc ấy, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho những ai vâng phục Ngài.

Chứng nhân của Ngài về những việc ấy” là người đã nghe, đã thấy, đã hiểu về Đấng Christ như đã được nói đến trong câu 30, 31; và sẵn sàng thuật lại cho mọi người.

Đức Thánh Linh cũng là chứng nhân của Đấng Christ. Đức Thánh Linh được Đức Chúa Trời ban cho những ai vâng phục Đức Chúa Trời thể hiện bằng sự tin nhận Tin Lành. Tin nhận Tin Lành là thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin cậy nơi sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Đức Thánh Linh ngự trong thân thể xác thịt của những ai vâng phục Đức Chúa Trời và dẫn họ vào trong mọi lẽ thật, để họ thờ phượng Đức Chúa Trời bằng thần trí, tức là sự hiểu biết trong tâm thần và bằng lẽ thật, tức là Lời Chúa, là Thánh Kinh. Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho những người vâng phục Đức Chúa Trời về Đấng Christ trong tâm thần của họ; và cũng làm chứng cho họ rằng, họ đã thuộc về Đức Chúa Trời.

Người nào nói mình tin nhận Tin Lành nhưng không sống theo Lời Chúa, không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì người ấy không nhận được Đức Thánh Linh.

33 Khi chúng đã nghe, chúng trở nên giận hoảng và bàn mưu giết họ.

Sau khi mọi người trong Tòa Công Luận nghe những lời Phi-e-rơ và các sứ đồ giãi bày thì họ trở nên giận hoảng và muốn giết chết các sứ đồ.

Động từ “giận hoảng” (G1282) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là bị cưa làm hai; có nghĩa bóng là vừa sợ vừa giận.

Chúng ta thấy, những kẻ cầm quyền trong Tòa Công Luận chỉ muốn giết chết những ai nghịch lại ý muốn của họ. Trước đó, họ đã muốn giết Đức Chúa Jesus; giờ đây, họ muốn giết các sứ đồ của Ngài; về sau, họ muốn giết tất cả những ai tin nhận Đấng Christ. Trong tâm trí của họ không có sự nhận thức lẽ thật đang được các sứ đồ rao giảng cho họ.

34 Nhưng một người trong Tòa Công Luận, thuộc phái Pha-ri-si, tên Ga-ma-li-ên, là giáo sư luật, có danh tiếng với hết thảy dân chúng, đã đứng lên, truyền đem các sứ đồ ra ngoài một lát.

Mặc dù đa số người trong Tòa Công Luận thuộc phái Sa-đu-sê nhưng có một người thuộc phái Pha-ri-si, là một giáo sư giảng dạy luật pháp của Thánh Kinh, lừng danh thời bấy giờ, tên Ga-ma-li-ên. Ông cũng chính là thầy dạy của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:3). Có lẽ vì ông là người thật lòng nghiên cứu Thánh Kinh nên phần nào hiểu được những gì các sứ đồ nói. Khi Ga-ma-li-ên nhận thấy những người trong Tòa Công Luận bàn mưu để giết các sứ đồ thì ông lên tiếng, truyền đem các sứ đồ ra khỏi phòng họp, để ông có thể can gián hành động sát nhân diệt khẩu của Tòa Công Luận.

35 Rồi, người đã nói với chúng: Hỡi các người I-sơ-ra-ên, hãy tự mình cẩn thận về điều các ngươi định làm cho các người này.

Trước hết, Ga-ma-li-ên gọi các thành viên trong Tòa Công Luận là “các người I-sơ-ra-ên”. Mục đích của ông là nhắc nhở họ về địa vị con dân của Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ, qua giao ước với các tổ phụ của họ. Vì thế, họ cần cẩn thận về điều mà họ định làm cho các người nhân danh Đức Chúa Trời giảng dạy và làm ra các dấu kỳ, phép lạ.

36 Vì trước những ngày này, Thêu-đa đã dấy lên, xưng mình là ai đó, mà một số khoảng bốn trăm người đã theo hắn. Hắn đã bị giết. Hết thảy những kẻ nào tin theo hắn đều đã bị giải tán và trở nên hư không.

37 Sau đó, Giu-đa, người Ga-li-lê, đã dấy lên, trong những ngày lập sổ dân, kéo đi nhiều người theo hắn. Hắn cũng đã chết. Hết thảy những kẻ nào tin theo hắn đều đã bị tan lạc.

Kế tiếp, Ga-ma-li-ên nêu lên hai sự kiện lịch sử cận đại vào thời ấy để chứng minh: điều gì không đến bởi Đức Chúa Trời thì không thể đứng vững.

Sự kiện thứ nhất là cuộc nổi lên của Thêu-đa. Chúng ta không biết gì về Thêu-đa được nói đến ở đây. Vào thời ấy, khắp xứ Giu-đê có hàng ngàn cuộc nổi loạn, trong suốt thế kỷ thứ nhất. Có thể Thêu-đa là một trong những người xưng mình là Đấng Mê-si-a của dân I-sơ-ra-ên, chiêu dụ được khoảng bốn trăm người theo hắn, nhưng đã bị nhà cầm quyền La-mã đánh diệt. Dù lịch sử của La-mã lẫn của I-sơ-ra-ên không ghi lại sự kiện này nhưng Ga-ma-li-ên đã nhắc đến trong Tòa Công Luận thì đó phải là một sự kiện mà dân I-sơ-ra-ên thời ấy đều biết rõ. Về sau, vào khoảng năm 44, đã có một Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một tiên tri, kêu gọi hàng ngàn người I-sơ-ra-ên mang tài sản theo hắn đến bờ sông Giô-đanh, hắn sẽ khiến nước sông rẽ ra để mọi người đi qua trên đất khô. Nhưng thống đốc xứ Giu-đê thời bấy giờ đã đem quân đánh giết. Thêu-đa bị chém đầu. Nhưng lúc Ga-ma-li-ên đang nói về Thêu-đa là năm 27. Vì thế, Thêu-đa được Ga-ma-li-ên nói đến khác với Thêu-đa được ghi lại trong lịch sử.

Sự kiện thứ nhì là cuộc nổi loạn của Giu-đa, chống lại nhà cầm quyền La-mã, chống lại việc đóng thuế cho đế quốc La-mã. Cuộc nổi loạn này đã xảy ra vào thời điểm Qui-ri-ni-u làm thống đốc xứ Si-ri, đến xứ Giu-đê, vừa được sáp nhập vào Si-ri, và ra lệnh lập sổ dân để thu thuế vào năm 6. Lần lập sổ dân này khác với lần được ghi lại trong Lu-ca 2:2, là lần xảy ra vào năm 7 TCN, năm Đấng Christ được sinh ra [1]. Quân đội La-mã cũng đã dập tắt cuộc nổi loạn của Giu-đa.

38 Nay, ta bảo các ngươi: Hãy lánh xa những người ấy, để mặc họ. Vì nếu mưu luận hoặc việc làm này là bởi loài người, nó sẽ bị lật đổ.

39 Nhưng nếu là bởi Thiên Chúa thì các ngươi không thể lật đổ nó, mà các ngươi lại bị tìm thấy chống nghịch Thiên Chúa.

Sau khi viện dẫn hai sự kiện lịch sử để chứng minh cho lý luận của mình, Ga-ma-li-ên đã kêu gọi Tòa Công Luận hãy để yên các sứ đồ và tránh xa họ. Lý luận của Ga-ma-li-ên rất hợp lý: Nếu việc các sứ đồ rao giảng về Đấng Christ và làm các dấu kỳ, các phép lạ là đến từ loài người thì họ sẽ bị lật đổ. Nhưng nếu là việc bởi Thiên Chúa thì ai chống nghịch họ tức là chống nghịch Thiên Chúa.

Bị tìm thấy chống nghịch Thiên Chúa” vừa có nghĩa là bị Thiên Chúa phán xét và tìm thấy đã phạm tội chống nghịch Thiên Chúa; vừa có nghĩa là bị lịch sử ghi là đã phạm tội chống nghịch Thiên Chúa.

40 Chúng đã đồng ý với ông và gọi các sứ đồ vào, đánh đòn họ, ra lệnh họ không được nói trong danh của Đức Chúa Jesus; rồi thả họ.

Tòa Công Luận đã đồng ý với Ga-ma-li-ên là không tìm cách giết chết các sứ đồ nữa, nhưng vẫn đánh đòn các sứ đồ và tiếp tục ra lệnh cho họ không được nói gì trong danh của Đức Chúa Jesus.

Hành động đánh đòn các sứ đồ của Tòa Công Luận vẫn là phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Về sau, khi một nghị viên trong Tòa Công Luận là Sau-lơ theo đuổi, đánh đập và nhốt tù con dân Chúa, đã bị chính Đức Chúa Jesus phán hỏi là: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?

Bách hại con dân Chúa trong Hội Thánh là bách hại chính Chúa, vì Hội Thánh là thân thể của Chúa, mỗi con dân Chúa là một chi thể của Ngài. Đó là sự huyền nhiệm mà hiện nay chúng ta chưa hiểu thấu.

41 Vậy, thực tế, họ đã rời khỏi sự hiện diện của Tòa Công Luận, vui mừng bởi họ được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh của Ngài.

Theo luật của Do-thái Giáo thì mỗi lần đánh đòn ai họ sẽ chỉ đánh đến 39 roi để tránh sự lỡ đếm nhầm mà đánh quá 40 roi; vi phạm luật pháp, như đã chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:3. Chúng ta có thể tin rằng, với lòng ganh tị muốn giết người, Tòa Công Luận hẳn đã cho đánh đòn các sứ đồ, mỗi người đến 39 roi. Bị đánh đòn là bị hạ nhục, bị kể là phạm nhân. Dù vậy, các sứ đồ đã vui mừng khi họ bị đánh đòn vì danh Chúa. Họ tin rằng, Chúa cho phép họ bị làm nhục vì danh Ngài, là bởi vì Chúa đã thấy họ xứng đáng để chịu nhục vì danh Ngài.

Người xứng đáng chịu nhục vì danh Chúa là người có đức tin trọn vẹn nơi Chúa, yêu Chúa trên mọi sự, sẵn sàng chịu khổ, chịu chết vì Chúa.

Trong thực tế đời sống, mỗi khi chúng ta bị bách hại vì danh Chúa, dù là từ những người thân trong gia đình, từ bạn bè, hay từ nhà cầm quyền, chúng ta đều nên vui mừng, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta cơ hội chịu khổ vì danh Ngài. Chúng ta cần ghi nhớ các lời sau đây để lòng được sự an ủi lớn mỗi khi bị bách hại vì danh Chúa.

Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài…” (Phi-líp 1:29).

Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, hãy lấy các đấng tiên tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm gương về sự chịu khổ và nhẫn nại.” (Gia-cơ 5:10).

Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, nhưng hãy vì thế mà tôn vinh Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 4:16).

Nhưng Đức Chúa Trời của mọi ơn đã gọi các anh chị em đến sự vinh quang vĩnh cửu của Ngài bởi Đấng Christ Jesus, thì sau khi các anh chị em tạm chịu khổ, sẽ làm cho các anh chị em trọn vẹn, vững vàng, được thêm sức, và vững lập.” (I Phi-e-rơ 5:10).

Ngoài ra, sự chịu khổ vì danh Chúa cũng bao gồm sự bị ma quỷ tấn công để thử thách đức tin của chúng ta, như trường hợp đã xảy ra cho ông Gióp. Vì thế, cho dù có tán gia, bại sản, người nhà qua đời hoặc ruồng bỏ chúng ta, thân thể bị bệnh tật hành hạ… thì chúng ta cũng hãy hết lòng phó thác mọi sự trong tay Chúa. Hãy nói như Gióp đã nói: Dù Ngài sẽ giết ta, ta vẫn sẽ tin cậy Ngài! (Gióp 13:15).

42 Ngày nào cũng vậy, trong Đền Thờ và suốt mỗi nhà, họ không ngừng giảng dạy và rao giảng Tin Lành: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

Mỗi ngày, các sứ đồ vẫn vào trong Đền Thờ hoặc đến các nhà riêng của con dân Chúa, giảng dạy Lời Chúa cho người đã tin Chúa và rao giảng Tin Lành cho người chưa tin Chúa. Mục đích của sự giảng dạy và rao giảng là một. Đó là công bố: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức là “Đấng Lãnh Đạo và Đấng Giải Cứu” mà Đức Chúa Trời đã hứa trong Thánh Kinh.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/07/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-sinh-cua-duc-chua-jesus/

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Gần bên Chúa Luôn”
https://karaokethanhca.net/con-xin-gan-ben-chua-luon/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.