Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21-41 Cuộc Nổi Loạn tại Ê-phê-sô

1,181 views

YouTube: https://youtu.be/zkwAbSBUreE

44046 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21-41
Cuộc Nổi Loạn tại Ê-phê-sô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Ba của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/04/HanhTrinhTruyenGiao_3.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21-41

21 Khi các sự này đã xong, Phao-lô đã định trong tâm thần, người sẽ ngang qua Ma-xê-đoan và A-chai để đi đến thành Giê-ru-sa-lem. Người nói: Khi ta đã ở đó, ta cũng phải thăm thành Rô-ma.

22 Người đã gửi hai người giúp đỡ mình là Ti-mô-thê và Ê-rát đến Ma-xê-đoan, nhưng chính người đã ở lại trong cõi A-si ít lâu.

23 Lúc đó, đã xảy ra sự nổi loạn không nhỏ về Đạo.

24 Vì một người thợ bạc kia, tên là Đê-mê-triu, đã làm những bàn thờ Át-tê-mít bằng bạc, đem lại không ít lợi cho những người thợ. [Át-tê-mít (Artemis) là một nữ tà thần trong thần thoại Hy-lạp, tương đương nữ tà thần Đi-anh (Diana) trong thần thoại La-mã. Một số bản dịch Thánh Kinh dùng tên Đi-anh trong phân đoạn này; nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là Át-tê-mít.]

25 Hắn đã nhóm hiệp họ với những công nhân đồng nghiệp, nói rằng: Hỡi mọi người! Các ngươi biết rằng, bởi việc làm này mà chúng ta có sự giàu có của chúng ta.

26 Các ngươi cũng thấy và nghe rằng, không chỉ tại Ê-phê-sô mà gần suốt hết cõi A-si, tên Phao-lô này đã thuyết phục và làm đổi lòng nhiều người, nói rằng, ấy chẳng là các thần vì được làm bởi tay người.

27 Không chỉ nghề này của chúng ta bị nguy, trở thành vô giá trị; nhưng đền thờ của đại nữ thần Át-tê-mít cũng bị xem không ra gì, và sự uy nghiêm của nàng, mà cả cõi A-si và thế giới thờ kính, sẽ bị đánh hạ.

28 Khi chúng đã nghe, chúng đã trở nên đầy sự tức giận, kêu la rằng: Lớn thay là Át-tê-mít của người Ê-phê-sô!

29 Cả thành đã đầy sự rối loạn. Bắt được Gai-út và A-ri-tạc, các người Ma-xê-đoan, bạn đồng hành của Phao-lô, chúng đã đồng lòng kéo đến rạp hát.

30 Phao-lô đã muốn đến với đám dân chúng, nhưng các môn đồ đã chẳng để cho người.

31 Cũng có mấy người đứng đầu của A-si, là các bạn của người, đã gửi tin đến với người, xin chính người chớ đến rạp hát.

32 Vậy, thực tế, người kêu thế này, kẻ kêu thế kia. Vì sự nhóm hiệp lộn xộn, phần nhiều người không biết vì cớ nào họ nhóm lại.

33 Chúng đã kéo A-léc-xan-đơ ra khỏi đám đông. Những người Do-thái đã đẩy người ra phía trước. A-léc-xan-đơ đã vẫy tay, muốn bào chữa trước đám dân chúng.

34 Khi chúng nhận biết rằng, người là người Do-thái, thì hết thảy đã cùng một tiếng kêu, trong khoảng hai giờ, kêu rằng: Lớn thay là Át-tê-mít của người Ê-phê-sô!

35 Bấy giờ, thư ký của thành phố đã khiến đám dân chúng im lặng, người nói: Hỡi những người Ê-phê-sô! Ai là kẻ chẳng biết rằng, thành của những người Ê-phê-sô là Kẻ Chăm Sóc Đền Thờ của đại nữ thần Át-tê-mít và tượng thần từ trời giáng xuống?

36 Vì các sự đó chẳng thể chối cãi nên các ngươi hãy trở nên yên lặng, đừng làm sự gì vội vã.

37 Vì những người này, mà các ngươi đã kéo đến đây, đã chẳng phạm đến đền thờ cũng chẳng xúc phạm nữ thần của các ngươi.

38 Vậy, thực tế, nếu Đê-mê-triu và các thợ với người có lời nghịch lại ai, thì các chốn công đường rộng mở và có các quan trấn thủ. Hãy để họ kiện cáo nhau.

39 Nếu các ngươi yêu cầu điều gì liên quan các vấn đề khác thì nó sẽ được giải quyết trong hội đồng pháp lý.

40 Vì chúng ta cũng có nguy cơ bị kết tội về sự dấy loạn hôm nay, không có nguyên cớ nào để chúng ta có thể đưa ra lý do cho sự tụ tập này.

41 Người đã nói như vậy thì giải tán đám đông.

Sau khoảng ba năm lưu lại Ê-phê-sô để giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh, Phao-lô đã thu xếp để kết thúc cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba. Ông dự định ghé thăm các Hội Thánh trong xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai trước khi về lại Giê-ru-sa-lem. Các Hội Thánh này đã được thiết lập trong hành trình truyền giáo lần thứ nhì của ông. Tuy nhiên, một cuộc nổi loạn lớn tại thành Ê-phê-sô đã xảy ra, khi một người đứng đầu nghề thợ bạc tên là Đê-mê-triu đã khích động đồng nghiệp, chống lại Phao-lô và các bạn của ông. Lý do là công việc làm bàn thờ cho tà thần Át-tê-mít của họ đã bị giảm sút, vì có nhiều người tin nhận Tin Lành.

21 Khi các sự này đã xong, Phao-lô đã định trong tâm thần, người sẽ ngang qua Ma-xê-đoan và A-chai để đi đến thành Giê-ru-sa-lem. Người nói: Khi ta đã ở đó, ta cũng phải thăm thành Rô-ma.

Khi các sự này đã xong” có nghĩa là khi các sự liên quan đến mục vụ của Phao-lô tại Ê-phê-sô đã kết thúc.

Sau khoảng ba năm lưu lại Ê-phê-sô để giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh, Phao-lô dự định rời Ê-phê-sô để ghé thăm các Hội Thánh trong xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai, trước khi về lại Giê-ru-sa-lem. Đó là các Hội Thánh tại các thành Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê thuộc Ma-xê-đoan; và Cô-rinh-tô thuộc A-chai.

Phao-lô cũng đã tỏ ra cho các bạn của ông biết rằng, sau khi về lại Giê-ru-sa-lem thì ông sẽ đến thăm thành Rô-ma. Nhưng có lẽ Phao-lô chưa biết là mình sẽ đến Rô-ma trong tư cách là một người tù kháng cáo lên hoàng đế La-mã.

Nhóm chữ “đã định trong tâm thần” hàm ý, đây là một sự định ý thuộc về thần trí, nghĩa là một sự định ý theo sự muốn trong tâm thần, không theo sự suy tính của lý trí dựa trên các hoàn cảnh bên ngoài.

22 Người đã gửi hai người giúp đỡ mình là Ti-mô-thê và Ê-rát đến Ma-xê-đoan, nhưng chính người đã ở lại trong cõi A-si ít lâu.

Phao-lô đã gửi Ti-mô-thê và Ê-rát đi trước đến Ma-xê-đoan, còn ông thì vẫn ở lại trong cõi A-si thêm một thời gian, có lẽ khoảng chín tháng.

Ti-mô-thê đã cùng với Phao-lô rao giảng Tin Lành tại Ma-xê-đoan và A-chai trong hành trình truyền giáo thứ nhì của Phao-lô. Ê-rát có lẽ là thủ quỹ của thành Cô-rinh-tô, được Phao-lô nhắc đến trong Rô-ma 16:23, và cũng là người ở lại Cô-rinh-tô, khi Phao-lô bị tù lần thứ nhì tại Rô-ma vào mùa thu năm 67 (II Ti-mô-thê 4:20).

Chúng ta có thể hiểu rằng, Lu-ca dùng cách nói “ở lại trong cõi A-si” hàm ý, Phao-lô đã ở lại trong thành Ê-phê-sô, và từ đó đi sang các thành lân cận để rao giảng Tin Lành.

23 Lúc đó, đã xảy ra sự nổi loạn không nhỏ về Đạo.

24 Vì một người thợ bạc kia, tên là Đê-mê-triu, đã làm những bàn thờ Át-tê-mít bằng bạc, đem lại không ít lợi cho những người thợ. [Át-tê-mít (Artemis) là một nữ tà thần trong thần thoại Hy-lạp, tương đương nữ tà thần Đi-anh (Diana) trong thần thoại La-mã. Một số bản dịch Thánh Kinh dùng tên Đi-anh trong phân đoạn này; nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là Át-tê-mít.]

Danh từ “Đạo” (G3598) được dùng ở đây có nghĩa đen là đường đi, có nghĩa bóng là đường lối của Đức Chúa Trời, giáo lý của Đấng Christ.

Sự nổi loạn xảy ra do người thợ bạc tên là Đê-mê-triu, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, chính Sa-tan đã xúi giục ông, mong rằng, có thể qua đó, tạo ra sự bách hại Hội Thánh.

Đê-mê-triu (G1216) có nghĩa là “thuộc về Thần Nông”. Thần Nông (Ceres) là một tà thần trong văn hóa Hy-lạp. Đê-mê-triu được nói đến ở đây có lẽ khác với Đê-mê-triu được nói đến trong III Giăng câu 12. Nhưng cũng có thể là Đê-mê-triu thợ bạc được nói đến ở đây về sau đã tin nhận Tin Lành.

Át-tê-mít (G735) là nữ tà thần trong thần thoại Hy-lạp, tương đương với nữ tà thần Đi-anh trong thần thoại La-mã. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã phiên âm là Đi-anh, Thánh Kinh Anh ngữ King James Version đã phiên âm là Diana; nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh đã dùng danh từ Át-tê-mít (Artemis).

Theo thần thoại Hy-lạp thì Át-tê-mít là nữ thần của động vật hoang dã, của nghề săn bắn, của thực vật, của sự đồng trinh lẫn sự sinh con. Át-tê-mít rất được những người Hy-lạp bình dân và dân quê tôn sùng. Đền thờ Át-tê-mít tại Ê-phê-sô được bắt đầu xây dựng vào năm 550 TCN, tới năm 430 TCN mới hoàn thành. Năm 356 TCN, ngôi đền bị lửa thiêu hủy vào đêm A-léc-xan-đơ Đại Đế (Alexander) chào đời. Một ngôi đền tương tự được xây lại trên nền ngôi đền cũ. Năm 262, người Goth đã đốt ngôi đền lần thứ hai. Chỉ phần nền và một số phần khác của ngôi đền thứ hai còn tồn tại tới nay. Viện bảo tàng Anh ở Luân Đôn còn lưu một số di tích thuộc ngôi đền thứ hai [1].

25 Hắn đã nhóm hiệp họ với những công nhân đồng nghiệp, nói rằng: Hỡi mọi người! Các ngươi biết rằng, bởi việc làm này mà chúng ta có sự giàu có của chúng ta.

26 Các ngươi cũng thấy và nghe rằng, không chỉ tại Ê-phê-sô mà gần suốt hết cõi A-si, tên Phao-lô này đã thuyết phục và làm đổi lòng nhiều người, nói rằng, ấy chẳng là các thần vì được làm bởi tay người.

Khi Đê-mê-triu thấy có nhiều người tin nhận Tin Lành, bỏ đi sự thờ phượng tà thần, làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của những người làm bàn thờ Át-tê-mít, thì ông đã nhóm hiệp những người thợ cùng nghề với ông để khích động họ chống lại Phao-lô. Đê-mê-triu xác nhận họ được giàu có là nhờ nghề làm bàn thờ Át-tê-mít.

Đê-mê-triu cũng nói lên sự Phao-lô đã giảng Tin Lành trong gần suốt hết cõi A-si, khiến có nhiều người tin nhận và bỏ việc thờ lạy A-tê-mít. Điều quan trọng là Đê-mê-triu còn biết các lời Phao-lô giảng về các hình tượng tà thần.

Thật ra, với lý trí bình thường, một người cũng hiểu được rằng, các hình tượng do tay người làm ra thì làm sao có thể là thần linh có năng lực ban phước hay giáng họa. Chúng tôi vẫn nhớ mãi, lần chúng tôi đi giảng Tin Lành trong khu chợ Phước Lộc Thọ tại California. Chúng tôi bước vào một gian hàng chuyên bán các bàn thờ và hình tượng, đã nghe hai người khách mua hàng nói chuyện với nhau. Người này nói với người kia, đại khái: “Tượng bà Quan Âm này linh thiêng lắm chị ơi. Chị mua về thờ để được phước. Nhưng chị mua tượng ngồi chứ đừng mua tượng đứng. Vì bà Quan Âm ngồi sẽ ở lại trong nhà ban phước cho mình, còn bà Quan Âm đứng thì hay đi ra khỏi nhà để làm phước cho người khác, nên mình ít được phước.” Chúng tôi nhìn vào mặt người nói thì thấy không có nét nói đùa, trái lại nét mặt của bà rất nghiêm túc và thành khẩn. Bà thật sự tin những gì bà nói.

Từ trước khi các hình tượng liên quan đến Phật Giáo và Công Giáo xuất hiện trong thế gian thì Lời Chúa đã khẳng định rằng:

Vì hết thảy những thần của các dân tộc đều là những hình tượng; còn Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã dựng nên các tầng trời.” (Thi Thiên 96:5).

Những hình tượng của các dân ngoại là bạc và vàng, là việc làm của tay loài người. Chúng có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy. Chúng có tai mà không nghe, cũng chẳng có hơi thở trong miệng của chúng. Những kẻ làm ra chúng và bất cứ ai trông cậy chúng đều giống như chúng.” (Thi Thiên 135:15-18).

Mệnh lệnh của Thiên Chúa đối với những kẻ làm ra hình tượng là:

Đáng rủa sả thay kẻ nào làm tượng chạm hay là tượng đúc, là vật gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, công việc bởi tay người thợ, dựng nó lên trong nơi kín nhiệm!…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:15).

Điều răn thứ ba trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, do chính tay của Ngài chép trên bảng đá và được ghi lại trong Thánh Kinh là:

Ngươi sẽ không làm tượng chạm và bất cứ hình dạng nào trong các tầng trời cao, và bất cứ hình dạng nào trong đất thấp, và bất cứ hình dạng nào trong nước dưới đất. Ngươi sẽ không thờ lạy chúng nó. Ngươi sẽ không hầu việc chúng nó. Vì Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư, cho những kẻ ghét Ta; và làm ơn đến nhiều ngàn đời cho những ai yêu Ta và giữ các điều răn của Ta.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4-6).

Ngày nay, trong thế gian có ba loại người thờ hình tượng. Loại thứ nhất không tin nhận cũng không thờ phượng Thiên Chúa mà chỉ thờ phượng hình tượng của những tà thần. Loại thứ nhì vừa thờ phượng hình tượng của những tà thần vừa thờ phượng những hình tượng được gọi là “tượng Chúa”, “tượng của các thánh” được làm ra trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo (Orthodox). Loại thứ ba là những người chỉ thờ phượng những hình tượng được gọi là “tượng Chúa”, “tượng của các thánh” được làm ra trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo.

Một số người Công Giáo và Chính Thống Giáo nói rằng, họ chỉ “tôn kính Chúa và các thánh” qua hình tượng chứ họ không thờ lạy hình tượng. Nhưng khi một người quỳ trước hình tượng, trò chuyện với hình tượng, cầu xin hình tượng ban ơn, giáng phước, hoặc tha tội thì người ấy đã thờ phượng hình tượng, tôn hình tượng lên ngang hàng Thiên Chúa.

Ngoài ra, Lời Chúa cấm không cho loài người làm ra hình tượng của bất cứ loài động vật nào:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:15-19

15 Vậy, các ngươi hãy cẩn thận giữ lấy linh hồn mình, vì các ngươi không thấy một hình dạng nào trong ngày Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi, từ nơi giữa lửa phán với các ngươi, tại Hô-rếp.

16 Kẻo các ngươi làm bại hoại cho mình, và làm một hình chạm nào, hình dạng của tà thần nào, hình thể của người nam hay người nữ,

17 hình thể của con thú nào đi trên đất, hình thể của vật nào có cánh bay trên trời,

18 hình thể của loài côn trùng nào bò trên đất, hình thể của con cá nào ở trong nước dưới đất.

19 Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến rũ, quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.

Ai xưng nhận mình là con dân của Chúa thì phải vâng theo Lời Chúa, không vâng theo những sự giảng dạy nghịch lại Lời Chúa của các giáo hội.

27 Không chỉ nghề này của chúng ta bị nguy, trở thành vô giá trị; nhưng đền thờ của đại nữ thần Át-tê-mít cũng bị xem không ra gì, và sự uy nghiêm của nàng, mà cả cõi A-si và thế giới thờ kính, sẽ bị đánh hạ.

Đê-mê-triu đã khéo léo dùng lời nói để khích động lòng người. Ở trong đời có ba điều dễ khích động lòng người. Đó là: lòng bảo vệ đất nước, lòng bảo vệ tín ngưỡng, và lòng bảo vệ quyền mưu sinh. Trong câu nói của Đê-mê-triu gồm đủ cả ba, theo thứ tự: nghề nghiệp kiếm sống bị hăm dọa, tín ngưỡng tà thần bị xúc phạm, danh dự của thành Ê-phê-sô bị xúc phạm. Chính vì thế mà Đê-mê-triu đã thành công trong việc gây loạn.

28 Khi chúng đã nghe, chúng đã trở nên đầy sự tức giận, kêu la rằng: Lớn thay là Át-tê-mít của người Ê-phê-sô!

Những người đến, nghe Đê-mê-triu nói, đã trở nên đầy sự tức giận. Họ tức giận vì nghĩ rằng, thần linh mà họ thờ phượng và nhờ làm bàn thờ cho thần linh ấy mà họ được giàu có, và cũng nhờ thần linh ấy mà thành phố của họ được nổi tiếng khắp thế giới bấy giờ, bị xúc phạm. Đền thờ Át-tê-mít tại Ê-phê-sô đã được kể là một trong bảy kỳ quan của thế giới vào thời bấy giờ. Vì thế, họ cùng nhau kêu la, tôn vinh thần linh của họ.

29 Cả thành đã đầy sự rối loạn. Bắt được Gai-út và A-ri-tạc, các người Ma-xê-đoan, bạn đồng hành của Phao-lô, chúng đã đồng lòng kéo đến rạp hát.

Sự nổi giận, kêu la của những người sống bằng nghề làm bàn thờ Át-tê-mít đã nhanh chóng lan ra cả thành Ê-phê-sô. Có lẽ phần đông những người tham dự chỉ hiểu lờ mờ rằng, có ai đó đã nói lời xúc phạm nữ thần Át-tê-mít của họ. Đám đông đã bắt Gai-út và A-ri-tạc là hai người Ma-xê-đoan đã theo Phao-lô đến Ê-phê-sô. Gai-út cùng quê với Ti-mô-thê ở thành Đẹt-bơ. A-ri-tạc quê ở thành Tê-sa-lô-ni-ca (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4).

Rạp hát” (G2302) tại Ê-phê-sô là một sân vận động ngoài trời, có chỗ ngồi chung quanh, và có thể chứa đến khoảng 30.000 người. Đó là nơi dùng cho sự biểu diễn văn nghệ; hoặc thi đấu thể thao; thi đấu giữa người và dã thú hay giữa người với nhau; hoặc các cuộc nhóm hiệp công chúng; cũng có khi được dùng làm nơi xử án.

30 Phao-lô đã muốn đến với đám dân chúng, nhưng các môn đồ đã chẳng để cho người.

Phao-lô, theo cá tính, muốn đến gặp đám dân chúng để biện luận, nhưng con dân Chúa tại Ê-phê-sô đã ngăn cản ông. Chúng ta hiểu rằng, phản ứng tự nhiên của một người luôn là theo cá tính của mình. Cá tính là đặc tính riêng của mỗi người. Có cá tính tốt như: điềm đạm, nhu mì, nhẫn nại… Có cá tính xấu như: kiêu ngạo, dễ nóng giận, dối trá… Là con dân Chúa, chúng ta có bổn phận và thẩm quyền Chúa ban để cai trị chính mình, bằng cách phát huy các cá tính tốt và trừ đi các cá tính xấu. Có đôi khi chúng ta muốn phản ứng trước một sự việc theo cá tính tốt của chúng ta, như Phao-lô trong hoàn cảnh được nói đến tại đây, nhưng sự phản ứng đó có thể đem lại kết quả không tốt. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh đã dùng các con dân Chúa tại Ê-phê-sô để ngăn cản Phao-lô; và ông đã nghe theo.

31 Cũng có mấy người đứng đầu của A-si, là các bạn của người, đã gửi tin đến với người, xin chính người chớ đến rạp hát.

Không riêng gì con dân Chúa tại Ê-phê-sô mà có mấy người đứng đầu của cõi A-si, là bạn của Phao-lô, cũng sai người đến nhắn tin cho Phao-lô là đừng đi đến rạp hát, nơi đám đông dân chúng đang nổi loạn.

A-si là một tỉnh trong đế quốc La-mã, tương tự như một tiểu bang trong nước Mỹ ngày nay. Các người đứng đầu của A-si chính là các người có quyền thế. Vì Ê-phê-sô là thủ phủ của A-si nên các người có quyền thế đều làm việc và cư trú tại Ê-phê-sô. Họ được gọi là bạn của Phao-lô có lẽ là vì họ quý mến ông, thường đến nghe ông giảng luận về Thánh Kinh, và biện luận với ông; nhưng họ chưa tin nhận Tin Lành.

32 Vậy, thực tế, người kêu thế này, kẻ kêu thế kia. Vì sự nhóm hiệp lộn xộn, phần nhiều người không biết vì cớ nào họ nhóm lại.

Đám đông càng lúc càng thêm lên nhiều nhưng phần lớn những người tham dự không biết rõ vì sao mà có sự nhóm hiệp như vậy. Có lẽ họ chỉ nghe rằng, nữ thần Át-tê-mít của họ bị xúc phạm, nhưng họ không biết ai đã xúc phạm và xúc phạm như thế nào. Cứ thế, dân thành Ê-phê-sô tụ tập càng lúc càng đông. Mỗi người tự đưa ra các lý do mà họ phỏng đoán.

33 Chúng đã kéo A-léc-xan-đơ ra khỏi đám đông. Những người Do-thái đã đẩy người ra phía trước. A-léc-xan-đơ đã vẫy tay, muốn bào chữa trước đám dân chúng.

Tên A-léc-xan-đơ là một tên Hy-lạp, theo tên của A-léc-xan-đơ Đại Đế của đế quốc Hy-lạp. Thánh Kinh không nói gì nhiều về A-léc-xan-đơ này. Có lẽ ông là một người I-sơ-ra-ên giỏi về biện luận, nên những người I-sơ-ra-ên đưa ông ra trước đám đông dân chúng để ông biện luận rằng, dân I-sơ-ra-ên sống tại Ê-phê-sô không liên quan gì đến Phao-lô.

Thánh Kinh có nhắc đến hai lần khác về A-léc-xan-đơ. Một lần là trong I Ti-mô-thê 1:20, nói về một tín đồ tên A-léc-xan-đơ đã chối bỏ đức tin nên bị Phao-lô dứt thông công. Một lần trong II Ti-mô-thê 4:14, nói đến một người tên A-léc-xan-đơ làm nghề thợ đồng, đã làm nhiều sự dữ cho Phao-lô. Chúng ta thật sự không biết ba trường hợp này có phải là cùng một người hay không. Chúng ta cũng không biết có phải A-léc-xan-đơ được nói đến ở đây chính là một trong hai A-léc-xan-đơ được nói đến trong I và II Ti-mô-thê.

34 Khi chúng nhận biết rằng, người là người Do-thái, thì hết thảy đã cùng một tiếng kêu, trong khoảng hai giờ, kêu rằng: Lớn thay là Át-tê-mít của người Ê-phê-sô!

Khi đám đông nhận biết A-léc-xan-đơ là người I-sơ-ra-ên thì họ đã không để cho ông lên tiếng, mà cùng nhau kêu to, suốt khoảng hai tiếng đồng hồ, tôn vinh tà thần của họ. Có lẽ khi nhận biết A-léc-xan-đơ là người I-sơ-ra-ên thì đám đông không muốn nghe ông nói. Vì họ biết rõ, những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo cũng bác bỏ việc thờ lạy thần tượng. Sự kiện kêu to suốt hai tiếng đồng hồ cũng có thể được hiểu rằng, đã có sự tác động của các tà linh vào trong đám đông dân chúng.

35 Bấy giờ, thư ký của thành phố đã khiến đám dân chúng im lặng, người nói: Hỡi những người Ê-phê-sô! Ai là kẻ chẳng biết rằng, thành của những người Ê-phê-sô là Kẻ Chăm Sóc Đền Thờ của đại nữ thần Át-tê-mít và tượng thần từ trời giáng xuống?

Sau khoảng hai tiếng đồng hồ đám đông dân chúng kêu to, tôn vinh tà thần của họ, thư ký của thành phố đã khiến cho họ im lặng để nghe ông nói. Viên thư ký đã xác nhận rằng, thành Ê-phê-sô được công nhận với biệt danh “Kẻ Chăm Sóc Đền Thờ” của Át-tê-mít, vì đền thờ của Át-tê-mít tại Ê-phê-sô là to lớn và đẹp nhất vào thời bấy giờ. Biệt danh “Kẻ Chăm Sóc Đền Thờ” thường được trao tặng cho một số thành phố vào thời ấy, và được xem là rất vinh dự. Thậm chí còn được đúc trên các đồng tiền địa phương.

Nhóm chữ “tượng thần từ trời giáng xuống” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh chỉ là một danh từ. Danh từ “đi-ô-bê-tết” (G1365) được dùng để chỉ vật từ trời rơi xuống, được viên thư ký thành phố dùng, hàm ý, tượng chạm Át-tê-mít trong đền thờ là từ trời rơi xuống. Thực tế, có một số hình tượng tà thần đã được điêu khắc từ các khối thiên thạch rơi xuống trên đất. Nhưng tượng Át-tê-mít trong đền thờ tại Ê-phê-sô chỉ là một tượng được chạm từ gỗ cây ô-li-ve, nên lời nói của viên thư ký chỉ là nói theo sự tin tưởng của dân Ê-phê-sô về tượng tà thần của họ [2].

36 Vì các sự đó chẳng thể chối cãi nên các ngươi hãy trở nên yên lặng, đừng làm sự gì vội vã.

37 Vì những người này, mà các ngươi đã kéo đến đây, đã chẳng phạm đến đền thờ cũng chẳng xúc phạm nữ thần của các ngươi.

Danh hiệu “Kẻ Chăm Sóc Đền Thờ” thực tế đã được trao tặng cho thành Ê-phê-sô. Truyền thuyết tượng Át-tê-mít trong đền thờ tại Ê-phê-sô là từ trời rơi xuống đã có gần 600 năm, tính đến thời điểm khi ấy. Vì thế, viên thư ký gọi đó là các sự chẳng thể chối cãi. Ông khuyên đám đông đừng bạo loạn, đừng làm ra sự gì thiếu suy nghĩ.

Ông cũng chỉ ra cho họ thấy, mấy người mà họ bắt đến không hề xúc phạm đến đền thờ hay nữ thần của họ. Như vậy, sự nổi loạn của họ là không có lý do.

38 Vậy, thực tế, nếu Đê-mê-triu và các thợ với người có lời nghịch lại ai, thì các chốn công đường rộng mở và có các quan trấn thủ. Hãy để họ kiện cáo nhau.

39 Nếu các ngươi yêu cầu điều gì liên quan các vấn đề khác thì nó sẽ được giải quyết trong hội đồng pháp lý.

Viên thư ký thành phố tiếp tục khuyên bảo đám đông. Ông giả sử như Đê-mê-triu và những người thợ cùng nghề với Đê-mê-triu có điều gì nghịch lại ai, cụ thể là Phao-lô, thì sự việc cần đem ra xét xử nơi công đường. Ý của ông là Đê-mê-triu không có quyền khích động dân chúng nổi loạn, và nếu dân chúng nghe theo Đê-mê-triu mà nổi loạn thì là phạm pháp.

Ông cũng nói rõ, nếu ai có việc gì khác muốn yêu cầu thì cứ theo quy định của luật pháp, đưa lên hội đồng pháp lý của thành phố để được giải quyết. Rõ ràng là sự nhóm hiệp hỗn loạn đang diễn ra sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề gì.

40 Vì chúng ta cũng có nguy cơ bị kết tội về sự dấy loạn hôm nay, không có nguyên cớ nào để chúng ta có thể đưa ra lý do cho sự tụ tập này.

41 Người đã nói như vậy thì giải tán đám đông.

Viên thư ký của thành phố nhấn mạnh đến tính cách bất hợp pháp của sự nổi loạn. Và nếu tình trạng nổi loạn kéo dài thì sẽ khiến cho quân lính La-mã đến, trấn áp. Khi đó sẽ có nhiều người bị tàn sát và bị kết tội, cả thành phố có thể bị mất đi một số đặc quyền, có thể bị quân đội trấn đóng lâu ngày, kiểm soát sinh hoạt của dân chúng.

Lời nói của viên thư ký hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Đám dân đông nhanh chóng nhận thức nguy cơ có thể xảy ra cho họ, nên khi viên thư ký ra lệnh giải tán thì họ đã vâng theo.

Âm mưu quấy phá của ma quỷ và của loài người đối với mục vụ của Phao-lô đã được Đức Chúa Trời hóa giải bằng mấy lời nói khôn sáng của viên thư ký thành phố. Rất có thể ông ta cũng là một trong các người trong giới cầm quyền là bạn của Phao-lô.

Cuộc nổi loạn này cũng đánh dấu cho sự kết thúc mục vụ của Phao-lô tại Ê-phê-sô. Ông đã dành suốt ba năm để rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa tại Ê-phê-sô. Đây là lần dừng chân lâu nhất của Phao-lô trong các hành trình truyền giáo của ông.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/04/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Artemis

[2] https://adsabs.harvard.edu/full/1936PA…..44..514W

Karaoke Thánh Ca: “Jesus! Con Xin”
https://karaokethanhca.net/jesus-con-xin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.