Chú Giải Giu-đe 8-16
Tội Lỗi và Sự Hư Mất của Những Kẻ Giả Hình
Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzEyNzAzOV9NT2ZWNw
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/9065_chu-giai-thu-giu-de
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzEyNzA3MF9jTWVEag
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Giu-đe 8-16
8 Cũng một thể ấy, những kẻ mộng dâm này làm ô uế xác thịt mình, thật sự khinh dể quyền chủ tể và còn nói phạm những bậc đáng tôn kính. [Mộng dâm = nằm mơ những giấc mơ tà dâm.]
9 Khi Thiên Sứ Trưởng Mi-chen đối nghịch Ma Quỷ để giành xác Môi-se, người chẳng dám dùng lời kết tội nặng nề, mà chỉ nói rằng: Nguyện Chúa phạt ngươi!
10 Nhưng thực tế, những kẻ này nói phạm thượng về những sự chúng nó không biết. Còn những sự chúng nó tự nhiên mà biết, thì chúng nó như những thú vật vô tri, tự làm hư chúng nó trong những sự ấy.
11 Khốn thay cho chúng nó, vì chúng nó đã theo đường của Ca-in; và tham lam muốn nhận thưởng mà chạy theo sự sai lạc của Ba-la-am; và bị hư mất trong sự phản nghịch của Cô-rê. [Sáng Thế Ký 4; Dân Số Ký 16; 22-25; 31.]
12 Những kẻ đó là vết nhơ trong bữa ăn yêu thương của anh chị em, khi chúng nó ăn chung với anh chị em thì chúng nó không biết sợ mà tự phát thức ăn cho chúng nó. Chúng nó như đám mây không nước, bị gió đưa đi đây đi đó, như những cây mùa thu không có trái, hai lần chết, rễ bị nhổ lên; [Từ ngữ: “tự phát thức ăn cho chúng nó” trong nguyên ngữ Hy-lạp là: “tự chăn chiên chính chúng nó!” Câu này hàm ý những kẻ ấy tự chiếm phần hơn và phần tốt cho mình, không tuân theo sự phân phối công chính trong Hội Thánh.]
13 như sóng cuồng của biển, sôi bọt ô uế của chúng; như những vì sao lạc, mà sự mù mịt của sự tối tăm vĩnh cửu đã để dành cho chúng!
14 Đến nỗi Hê-nóc, đời thứ bảy kể từ A-đam, đã nói tiên tri về chúng nó rằng: Kìa, Chúa đến với hàng chục ngàn các thánh của Ngài,
15 để thi hành sự phán xét trên mọi người; và để chỉ tội hết thảy những kẻ không tin kính ở giữa họ, về mọi việc không tin kính mà chúng nó đã phạm, cùng mọi lời nói nghịch mà những tội nhân không tin kính đó đã nói nghịch lại Ngài.
16 Chúng nó là những kẻ hay than trách; những kẻ hay phàn nàn; những kẻ bước theo những sự tham muốn của chúng nó; và miệng của chúng nó nói những lời kiêu căng; và vì lợi mà tôn xưng người ta.
8 Cũng một thể ấy, những kẻ mộng dâm này làm ô uế xác thịt mình, thật sự khinh dể quyền chủ tể và còn nói phạm những bậc đáng tôn kính. [Mộng dâm = nằm mơ những giấc mơ tà dâm.]
Chữ “enypniazomai” G1797 [1], phiên âm /en-úp-ni-át-dô-mai/, được dịch sang tiếng Việt là “mộng dâm”; trong nguyên ngữ Hy-lạp được dùng một cách ẩn dụ, có nghĩa là một giấc mơ mà người nằm mơ bị quyến rũ bởi những hình ảnh gợi dục, khiến cho họ buông mình theo sự tà dâm. Sự buông mình theo sự tà dâm không chỉ có nghĩa là họ phạm tà dâm trong những giấc mộng dâm của họ, mà còn là, những giấc mộng dâm ấy đã khiến cho họ sống một đời sống sa lầy trong sự tà dâm, đến nỗi họ phạm loạn luân, phạm ngoại tình, phạm đồng tính luyến ái, phạm cả sự thỏa mãn sự tà dâm của họ với những đồ vật (những dụng cụ phục vụ tình dục gọi là “sex toys” – đồ chơi tình dục) và với loài thú vật.
Giu-đe gọi những kẻ giả hình trong Hội Thánh là những kẻ mộng dâm vừa theo nghĩa tà dâm thuộc thể lẫn tà dâm thuộc linh. Bởi vì, khi một người tà dâm thuộc thể thì đương nhiên tà dâm thuộc linh, vì đã tôn thờ sự tà dâm. Những kẻ ấy khinh dể quyền chủ tể của Thiên Chúa vì họ hoàn toàn sống theo ý riêng, tự định lấy tiêu chuẩn đạo đức cho chính họ. Để bào chữa và bảo vệ cho nếp sống dâm loạn, tội lỗi của họ, họ vu khống, chụp mũ những ai nói đến tội lỗi của họ và nói hỗn đến các trưởng lão trong Hội Thánh, bao gồm những người giám mục, những người chăn bầy và giảng dạy Lời Chúa.
9 Khi Thiên Sứ Trưởng Mi-chen đối nghịch Ma Quỷ để giành xác Môi-se, người chẳng dám dùng lời kết tội nặng nề, mà chỉ nói rằng: Nguyện Chúa phạt ngươi!
Danh từ Ma Quỷ được dùng trong câu 9 là chỉ về Sa-tan, nên cần được viết hoa. Xin nhắc lại, “ma quỷ” có nghĩa là “kẻ vu khống”; còn Sa-tan có nghĩa là “kẻ chống nghịch”. Vu khống và chống nghịch nói đến ở đây là vu khống Thiên Chúa và con dân Thiên Chúa, chống nghịch Thiên Chúa và con dân Thiên Chúa.
Ngoài Giu-đe câu 9 ra thì trong Thánh Kinh không còn chỗ nào nói đến sự kiện Thiên Sứ Trưởng Mi-chen đối nghịch với Ma Quỷ để giành xác Môi-se. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:6 thì cho biết, sau khi Môi-se qua đời, thì Thiên Chúa chôn xác Môi-se, mà không ai biết chỗ chôn cất. Chúng ta có thể hiểu, Chúa không muốn dân I-sơ-ra-ên biến hài cốt của Môi-se thành thánh vật và thờ phượng nó.
Chúng ta không biết Đức Thánh Linh thần cảm cho Giu-đe biết hay Giu-đe viết theo tài liệu ngoài Thánh Kinh. Có những chi tiết trong Thánh Kinh mà chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, người ghi chép đã được Đức Thánh Linh thần cảm cho biết để ghi chép lại, nếu không, thì không sao biết được các lẽ thật ấy. Điển hình là sự Lu-ca biết được, trong khi Đức Chúa Jesus một mình, cách xa các môn đồ, cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, thì “mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất”:
“Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như những giọt máu lớn rơi xuống đất.” (Lu-ca 22:44).
Không một môn đồ nào ở gần Chúa và tỉnh thức để có thể thấy rõ trong bóng tối của vườn Ghết-sê-ma-nê, mồ hôi của Chúa rơi xuống đất như những giọt máu lớn, mà thuật lại cho Lu-ca. Tương tự như vậy là Sáng Thế Ký toàn đoạn 1 và Giăng 1:1-18.
Một số nhà giải kinh đưa ra các giả thuyết, cho rằng, có thể Giu-đe đã trích lại từ sách ngụy kinh nào đó, vẫn tồn tại trong thời của Giu-đe, được nhiều người biết đến, nhưng không còn lại đến ngày nay, như sách: “Sự Chết của Môi-se”, sách “Thuyết Môi-se Lên Trời”. Hoặc là, Giu-đe đã trích lại từ những lời truyền khẩu của người I-sơ-ra-ên; và tương tự là sự kiện Phao-lô viết về “Gian-nét với Giam-be chống nghịch Môi-se” (II Ti-mô-thê 3:8).
Chúng ta có thể suy luận như sau:
1. Những sách ngụy kinh có thể vừa chép lại một số ý tưởng trong Thánh Kinh Cựu Ước, vừa ghi lại một số lời truyền khẩu của dân I-sơ-ra-ên, vừa ghi lại một số biến cố lịch sử, mà cũng vừa ghi lại những sự tưởng tượng của người viết. Những sách ấy được gọi là ngụy kinh vì chúng không phải là Thánh Kinh nhưng chúng lại chuyên về thuộc linh. (Ngụy là không thật; kinh là Thánh Kinh; ngụy kinh có nghĩa không được kể là Thánh Kinh.)
2. Những lời truyền khẩu của dân I-sơ-ra-ên có những lời thật và những lời không thật.
3. Có thể điều Giu-đe viết trong câu 9 trùng hợp với một chi tiết trong một sách ngụy kinh nào đó hoặc trùng hợp với một lời truyền khẩu nào đó. Nhưng như vậy không có nghĩa là Giu-đe trích từ các nguồn ấy. Bởi vì, thư Giu-đe được Đức Thánh Linh công nhận là Thánh Kinh, là Lời của Đức Chúa Trời, cho nên, điều hợp lý nhất cho chúng ta, là tin rằng, chính Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Giu-đe về mọi lẽ thật ông viết trong thư Giu-đe; bất kể các lẽ thật ấy được hay không được ghi chép trong ngụy kinh, được hay không được truyền khẩu. Những điều được ghi chép trong ngụy kinh hay được truyền khẩu có thể là sự thật và có thể không là sự thật; nhưng tất cả những gì được ghi chép trong Thánh Kinh đều là sự thật.
Giu-đe câu 9 có ý nói rằng, mặc dù Thiên Sứ Trưởng Mi-chen cao trọng hơn Sa-tan nhưng cũng không dám dùng lời kết tội nặng nề đối với Sa-tan. Không dám ở đây không phải là vì sợ, hay vì dưới quyền, mà là vì tự trọng. Chúng ta hãy tưởng tượng ra cảnh một nhân viên cảnh sát bắt giữ một người say rượu, làm mất trật tự công cộng. Trong khi người say rượu chửi bới, nguyền rủa, văng tục với người cảnh sát, thì người cảnh sát vẫn không dám dùng lời thô tục đáp lại, mà chỉ dùng sức mạnh và thẩm quyền để bắt giam người say rượu.
10 Nhưng thực tế, những kẻ này nói phạm thượng về những sự chúng nó không biết. Còn những sự chúng nó tự nhiên mà biết, thì chúng nó như những thú vật vô tri, tự làm hư chúng nó trong những sự ấy.
Ngược lại với lòng tự trọng và môi miệng thánh khiết của những thiên sứ không phạm tội của những con dân chân thật của Chúa, thì ma quỷ cùng những kẻ giả hình chuyên vu khống và phạm thượng. Những điều thiêng liêng cao quý, đặc biệt là những điều thuộc về bản thể, thân vị, và thần tính của Thiên Chúa, chúng nó không biết và không thể biết vì cớ sự ngu dốt của chúng nó, thì chúng nó buông lời phạm thượng. Điển hình là sự chối bỏ thân vị cùng thần tính của Đức Thánh Linh, gọi Đức Thánh Linh là “thần khí” của Đức Chúa Trời; và sự phủ nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, hàm ý Ngài là loài thọ tạo, trong khi Ngài là Đấng Tạo Hóa.
Còn những sự chúng tự nhiên biết, là những chức năng của thân thể xác thịt, thì chúng sống buông thả như loài thú, không còn nhận thức về đạo đức, tự làm ô uế thân thể, và sống một nếp sống tội chồng lên tội, để rồi đi vào chốn hư mất đời đời!
11 Khốn thay cho chúng nó, vì chúng nó đã theo đường của Ca-in; và tham lam muốn nhận thưởng mà chạy theo sự sai lạc của Ba-la-am; và bị hư mất trong sự phản nghịch của Cô-rê. [Sáng Thế Ký 4; Dân Số Ký 16; 22-25; 31.]
Theo đường của Ca-in là theo ý riêng để khoe mình. Ca-in thay vì dâng tế lễ lên Thiên Chúa theo ý của Thiên Chúa, thì đã khoe khoang dâng những sản vật tốt nhất của mình. Sự dâng hiến của Ca-in không nhằm mục đích biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ là khoe khoang thành quả, công lao của mình (Sáng Thế Ký 4). Vì lòng tham lam muốn nhận thưởng mà chạy theo sự sai lạc của Ba-la-am có nghĩa là: Dù đã biết lẽ phải, đã nhận được sự phán dạy của Chúa, nhưng vẫn tìm cách làm nghịch lại ý Chúa để thâu danh, đoạt lợi, hay để thỏa mãn những điều ưa muốn bất chính của xác thịt (Dân Số Ký 22-25; 31). Bị hư mất trong sự phản nghịch của Cô-rê là bị hư mất trong sự phản nghịch những trưởng lão trong Hội Thánh. Cô-rê đã chia phe lập đảng đứng lên kêu gọi một số các quan trưởng trong dân I-sơ-ra-ên chống lại quyền lãnh đạo của Môi-se và A-rôn. Cuối cùng Cô-rê và những kẻ đồng chủ mưu cùng với toàn bộ gia đình, sản nghiệp của họ bị Thiên Chúa chôn sống trong lòng đất. Còn 250 quan trưởng nghe theo họ thì bị lửa của Thiên Chúa thiêu chết (Dân Số Ký 16).
Sống theo ý riêng. Tham lam bội nghịch mạng lệnh của Chúa để trục lợi. Chống nghịch các thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh. Đó là đặc tính của những kẻ giả hình trong Hội Thánh và chúng nó cũng sẽ nhận lãnh hình phạt tương xứng.
12 Những kẻ đó là vết nhơ trong bữa ăn yêu thương của anh chị em, khi chúng nó ăn chung với anh chị em thì chúng nó không biết sợ mà tự phát thức ăn cho chúng nó. Chúng nó như đám mây không nước, bị gió đưa đi đây đi đó, như những cây mùa thu không có trái, hai lần chết, rễ bị nhổ lên; [Từ ngữ: “tự phát thức ăn cho chúng nó” trong nguyên ngữ Hy-lạp là: “tự chăn chiên chính chúng nó!” Câu này hàm ý những kẻ ấy tự chiếm phần hơn và phần tốt cho mình, không tuân theo sự phân phối công chính trong Hội Thánh.]
Từ ngữ vết nhơ được dùng trong câu này là nói đến thái độ, lời nói, hành động vô đạo đức của một người làm tổn hại thanh danh của những người khác. Hội Thánh lúc ban đầu có những bữa ăn chung với nhau, được gọi là bữa ăn yêu thương, vì trong các bữa ăn đó, những người có tiền bỏ ra mua sắm thức ăn, những người không có tiền cùng được ngồi ăn chung với những người có tiền, không có sự phân biệt. Trong những bữa ăn yêu thương ấy, cả Hội Thánh cùng bẻ bánh và uống nước nho để nhớ đến sự chết chuộc tội của Chúa.
Theo thời gian, khi những kẻ giả hình nắm giữ các chức vụ trong Hội Thánh thì họ dọn riêng cho họ những mâm cao cỗ đầy với các thức ăn ngon, còn các anh chị em còn lại trong Hội Thánh thì không có đủ thức ăn hoặc là phải ăn những thức ăn kém phẩm chất.
Từ ngữ: “tự phát thức ăn cho chúng nó” trong nguyên ngữ Hy-lạp là: “tự chăn chiên chính chúng nó!” Câu này hàm ý những kẻ ấy tự chiếm phần hơn và phần tốt cho mình, không tuân theo sự phân phối công chính trong Hội Thánh. Thay vì lo cho chiên của Chúa ăn, thì họ dành lấy thức ăn của chiên. Họ không biết sợ sự đoán phạt của Chúa. Thái độ đó của họ khiến họ trở thành vết nhơ trong các bữa ăn yêu thương của Hội Thánh. Thực tế ngày nay, trong những bữa ăn gọi là “thông công”, nhiều giáo hội cũng có thói quen dọn riêng một bàn ăn cho các “mục sư, truyền đạo”, mà thức ăn nhiều và ngon hơn phần còn lại dành cho con dân Chúa. Khi còn sinh hoạt trong các giáo hội, tôi cũng từng được mời ngồi vào những bàn như vậy, mà theo lời của người mời, là “bàn dành riêng cho hàng giáo phẩm!” Tôi không bao giờ dám ngồi vào những bàn đó.
Tệ trạng “ăn uống” này đã xảy ra ngay trong những ngày đầu Hội Thánh vừa được thành lập (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1); và từng xảy ra trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 11:20-22). Nguyện mỗi chúng ta giữ mình và nhắc lẫn nhau, để cho tại Hội Thánh địa phương của chúng ta không xảy ra tệ trạng này.
Mây là hơi nước bốc lên cao, kết lại thành khối với nhau. Từ ngữ “mây không nước” được dùng để chỉ những đám mây không biến thành mưa để tưới đất. “Những cây mùa thu” là những cây ở vào thời kỳ không ra trái. “Hai lần chết” có ý nói đến lần chết thứ nhất là không có năng lực để ra trái, còn lần chết thứ nhì là không còn nhựa sống trong thân cây. Một cây chết khô như vậy có thể bị gió thổi bật gốc hay là bị người nhổ bỏ. Mây không nước và cây không trái đều là hình ảnh chỉ về những sự thực hữu vô dụng. Những kẻ giả hình trong Hội Thánh cũng vậy.
13 như sóng cuồng của biển, sôi bọt ô uế của chúng; như những vì sao lạc, mà sự mù mịt của sự tối tăm vĩnh cửu đã để dành cho chúng!
Hình ảnh những cơn sóng biển vào mùa biển động sôi trào những bọt sóng được dùng để tiêu biểu cho những thái độ, hành động hung bạo, tuôn tràn những sự ô uế, tội lỗi, có tính phá hoại của những kẻ giả hình. Hình ảnh những vì sao lạc tiêu biểu cho sự vô mục đích của những đời sống không có Chúa; và trong khoảng thời gian ngắn ngủi trong cuộc sống của họ, họ đã chẳng biết nắm lấy cơ hội Chúa ban, để ăn năn và tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời, để rồi cơ hội ấy qua đi, và họ không còn hy vọng. Kết quả là sự tối tăm vĩnh cửu đã được Thiên Chúa định sẵn cho họ.
14 Đến nỗi Hê-nóc, đời thứ bảy kể từ A-đam, đã nói tiên tri về chúng nó rằng: Kìa, Chúa đến với hàng chục ngàn các thánh của Ngài,
15 để thi hành sự phán xét trên mọi người; và để chỉ tội hết thảy những kẻ không tin kính ở giữa họ, về mọi việc không tin kính mà chúng nó đã phạm, cùng mọi lời nói nghịch mà những tội nhân không tin kính đó đã nói nghịch lại Ngài.
Một số nhà giải kinh cho rằng, nội dung của câu 14 và 15 được Giu-đe trích từ sách ngụy kinh gọi là “Sách Lời Tiên Tri của Hê-nóc”. Sách này xuất hiện vào khoảng năm thứ 300 trước Công Nguyên, và phần cuối của sách là phần “Các Ngụ Ngôn” được thêm vào trong những năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Sách này đã được dịch ra tiếng Anh và có thể tìm đọc miễn phí trên mạng [2].
Tuy nhiên, như đã trình bày trong suy luận (3) trên đây, trong phần chú giải câu 9, chúng ta có thể bác bỏ giả thuyết ấy: Bởi vì, thư Giu-đe được Đức Thánh Linh công nhận là Thánh Kinh, là Lời của Đức Chúa Trời, cho nên, điều hợp lý nhất cho chúng ta, là tin rằng, chính Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Giu-đe về mọi lẽ thật ông viết trong thư Giu-đe; bất kể các lẽ thật ấy được hay không được ghi chép trong ngụy kinh, được hay không được truyền khẩu.
Lời tiên tri của Hê-nóc nói đến sự kiện Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh sẽ thi hành công cuộc phán xét mọi tội nhân trong sự phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15). Sự phán xét ấy bao gồm mỗi lời nói phạm thượng, mỗi việc làm nghịch lại thánh ý Thiên Chúa của mỗi tội nhân. Trong đó, chắc chắn là có những lời chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, không công nhận Ngài là Thiên Chúa, và những hành động tìm cách dẫn dụ, lôi kéo nhiều người tin theo tà giáo của những kẻ chối Chúa.
Hê-nóc, đời thứ bảy kể từ A-đam, là con của Giê-rệt, sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, được Thánh Kinh gọi là “cùng đi với Đức Chúa Trời”, và được Thiên Chúa cất ra khỏi thế gian trước Cơn Lụt Lớn (Sáng Thế Ký 5:18-24); khác với Hê-nóc, đời thứ ba kể từ A-đam, là con trai trưởng của Ca-in (Sáng Thế Ký 4:17).
16 Chúng nó là những kẻ hay than trách; những kẻ hay phàn nàn; những kẻ bước theo những sự tham muốn của chúng nó; và miệng của chúng nó nói những lời kiêu căng; và vì lợi mà tôn xưng người ta.
“Hay than trách” là thói quen than thở khi đối diện với nghịch cảnh, với thử thách, không biết vui mừng, tạ ơn Chúa, không biết thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18; Phi-líp 4:11), mà chỉ biết than thân và trách Chúa.
“Hay phàn nàn” là hay đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác.
“Bước theo những sự ham muốn” là sống hoàn toàn theo ý riêng, nghịch lại lời phán truyền của Chúa: “Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không bước đi trong sự thác loạn và say sưa! Không bước đi trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không bước đi trong sự cãi lẫy và ganh tị. Nhưng các anh chị em hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ; chớ làm sự chu cấp cho xác thịt trong sự tham muốn của nó.” (Rô-ma 13:13-14).
“Nói những lời kiêu căng” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là nói ra những lời vượt quá sự thật; tức là dựa trên sự thật để nói dối, nhằm tự đề cao chính mình.
“Vì lợi mà tôn xưng người ta” trong nguyên ngữ Hy-lạp là tỏ vẻ tôn kính, quý mến những người có quyền thế hoặc giàu có nhưng không thật lòng, để lấy lòng họ và mong lợi dụng được họ.
Qua những lời mô tả của Giu-đe, chúng ta nhận thấy những kẻ giả hình trong Hội Thánh là những kẻ không có đức tin thật nên không hề có Đức Thánh Linh ngự trong họ và dẫn dắt họ. Vì thế, họ cứ lầm lạc trong sự ngu dốt với bản tính ưa thích đắm chìm trong tội lỗi của họ. Cho dù họ có che giấu đến đâu thì những sự tội lỗi của họ vẫn lộ ra: tà dâm, chối bỏ quyền tể trị của Chúa, nói hỗn, phạm thượng, sống như thú vật không có lương tri, kiêu ngạo, tham lam, phản nghịch, chuyên quyền (khi có quyền thế trong tay), vô dụng, hay than trách, hay phàn nàn, cứ làm trọn những điều ưa muốn bất chính của xác thịt, nói những lời kiêu căng, có thái độ nịnh bợ… những kẻ như vậy, con dân Chúa cần phải nhận diện và đuổi ra khỏi Hội Thánh, như Lời Chúa đã truyền:
“…Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 5:13).
Kính lạy Cha yêu thương của chúng con. Xin Ngài cứ tiếp tục thánh hóa chúng con bởi Lời Chân Thật của Ngài. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
08/11/2014
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!
[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G1797
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.