Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL013 Đức Chúa Jesus Được Cắt Bì…

806 views

YouTube: https://youtu.be/p6YOsp-PlKA

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL013 Đức Chúa Jesus Được Cắt Bì
và Được Dâng Trình lên Đức Chúa Trời –
Si-mê-ôn Tôn Vinh Thiên Chúa
và Nữ Tiên Tri An-ne Nói về Đức Chúa Jesus
Lu-ca 2:21-38

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 2:21-38

21 Khi đã trọn tám ngày để cắt bì con trẻ, tên của Ngài đã được đặt là Jesus, là tên đã được đặt bởi thiên sứ, trước khi Ngài được thai dựng trong lòng mẹ.

22 Khi đã trọn những ngày tẩy uế của họ, theo luật pháp Môi-se, họ đã đem Ngài đến Giê-ru-sa-lem để trình dâng lên Chúa;

23 như đã chép trong luật pháp của Chúa rằng, mỗi con trai đầu lòng sẽ được gọi là thánh cho Chúa.

24 Cũng dâng một sinh tế như đã được phán trong luật pháp của Chúa: Một cặp chim cu hoặc hai chim bồ câu con.

25 Kìa! Trong thành Giê-ru-sa-lem có một người, tên của người là Si-mê-ôn. Người ấy là công chính và tin kính, đang trông đợi sự an ủi của I-sơ-ra-ên; và thánh linh đã ở trên người.

26 Người đã được phán bảo bởi Đức Thánh Linh rằng, người sẽ không thấy sự chết, trước khi người thấy Đấng Christ của Chúa.

27 Người đã bởi Đấng Thần Linh, vào trong Đền Thờ, lúc cha mẹ đem con trẻ Jesus đến để làm cho Ngài, theo thông lệ của luật pháp.

28 Người đã bồng Ngài trên tay mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời rằng:

29 Lạy Chúa! Bây giờ, xin cho tôi tớ của Chúa ra đi trong sự bình an, theo như lời phán của Ngài.

30 Vì mắt của tôi đã thấy sự cứu rỗi của Ngài,

31 mà Ngài đã sắm sẵn trước mặt của muôn dân.

32 Là ánh sáng để chiếu sáng các dân ngoại và là sự vinh quang của dân Ngài, là dân I-sơ-ra-ên.

33 Giô-sép và mẹ của Ngài đã ngạc nhiên về các lời đã nói của người.

34 Si-mê-ôn đã chúc phước cho họ và nói với Ma-ri, mẹ của Ngài: Kìa, con trẻ này đã định cho sự vấp ngã và sự dấy lên của nhiều người trong I-sơ-ra-ên và định cho một dấu bị nói nghịch.

35 Còn ngươi, một thanh gươm sẽ đâm thấu linh hồn của ngươi để những tư tưởng từ nhiều tấm lòng sẽ được bày tỏ.

36 Lại có An-ne, một nữ tiên tri, con gái của Pha-nu-ên, thuộc chi phái A-se, bà đã cao tuổi lắm. Từ khi đồng trinh bà đã ở với chồng bảy năm.

37 Bà đã là góa phụ khoảng tám mươi bốn năm. Bà đã chẳng ra khỏi Đền Thờ; phụng sự với những sự kiêng ăn và những sự khẩn xin ngày và đêm.

38 Cùng lúc ấy, bà cũng đã đến đó, cảm tạ Chúa; và nói về Ngài với hết thảy những ai đang trông đợi sự cứu rỗi, tại Giê-ru-sa-lem.

Phân đoạn Thánh Kinh mà chúng ta cùng nhau học trong bài này ghi lại các sự việc đã xảy ra cho Đức Chúa Jesus, kể từ đầu tuần lễ thứ nhì cho tới khoảng 40 ngày, sau ngày Đức Chúa Jesus được sinh ra. Các sự việc ấy bao gồm sự Đức Chúa Jesus được cắt bì, được đặt tên, được đem đến Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem để dâng trình lên Đức Chúa Trời; các lời tiên tri của Si-mê-ôn và lời rao giảng của nữ Tiên Tri An-ne về Đức Chúa Jesus.

21 Khi đã trọn tám ngày để cắt bì con trẻ, tên của Ngài đã được đặt là Jesus, là tên đã được đặt bởi thiên sứ, trước khi Ngài được thai dựng trong lòng mẹ.

Sự cắt bì là sự cắt bỏ lớp da bọc chung quanh đầu bộ phận sinh dục của người nam. Luật về sự cắt bì cho mỗi con trai trong dân I-sơ-ra-ên đã được ghi lại trong Lê-vi Ký 12:2-3. Theo đó, bất kể là được sinh ra vào ngày nào, mỗi bé trai trong dân I-sơ-ra-ên phải được cắt bì vào ngày thứ tám, sau khi được sinh ra. Cho dù ngày thứ tám đó rơi vào ngày Sa-bát thì việc cắt bì vẫn được tiến hành.

Tuy nhiên, sự cắt bì trong dân I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời truyền cho Áp-ra-ham, tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên, khi Ngài kết ước với ông hơn 400 năm trước đó, như đã được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 17. Vào lúc đó, Áp-ra-ham đã được 99 tuổi. Thiên Chúa đã hiện ra với Áp-ra-ham, phán rằng, Ngài sẽ lập giao ước với ông và ban cho dòng dõi của ông được thêm lên rất nhiều. Ngài đã đổi tên của ông từ Áp-ram, có nghĩa là cha cao quý, thành Áp-ra-ham, có nghĩa là cha của nhiều dân tộc. Vì Ngài đã đặt ông làm cha của nhiều dân tộc. Ngài hứa sẽ ban toàn bộ vùng đất Ca-na-an cho dòng dõi của ông. Dấu hiệu của sự giao ước là mỗi người nam trong gia tộc của ông, kể cả các nô lệ nam được mua về, đều phải chịu cắt bì. Mỗi trẻ trai phải được cắt bì vào ngày thứ tám, sau khi ra đời.

Sự kiện Đức Chúa Jesus chịu cắt bì vào ngày thứ tám theo luật pháp của Thiên Chúa vừa tỏ ra, Ngài thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham; vừa tỏ ra, Ngài đã được sinh ra dưới luật pháp của Thiên Chúa và giữ đúng luật pháp (Ga-la-ti 4:4).

Mặc dù Thánh Kinh không đưa ra lý do vì sao phải cắt bì vào ngày thứ tám nhưng ngày nay, kiến thức y khoa cho chúng ta biết, vào ngày thứ tám sau khi sinh, sức miễn nhiễm trong đứa trẻ được gia tăng từ sữa mẹ. Ngoài ra, hai chất giúp làm cho đông máu là Vitamin K và Prothrombin /prô-róm-bin/ có nhiều nhất trong cơ thể của đứa trẻ vào ngày thứ tám, sau khi sinh. Vitamin K chỉ bắt đầu xuất hiện trong cơ thể từ ngày thứ năm tới ngày thứ bảy, sau khi sinh. Chất Prothrombin xuất hiện cao nhất, đến 110%, vào ngày thứ tám, sau khi sinh. Nếu không có hai chất này trong cơ thể, đứa trẻ được cắt bì có thể bị chảy máu không ngừng, cho đến chết [1], [2]. Vì thế, chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Chúa Trời biết thời điểm nào là tốt nhất cho sự cắt bì một đứa trẻ; và Ngài đã quy định thời điểm đó.

Giao ước Đức Chúa Trời lập ra với Áp-ra-ham có ý nghĩa thuộc linh về giao ước mà Đức Chúa Trời sẽ lập ra với toàn thể loài người, qua Đức Chúa Jesus, tức là giao ước mới (Ma-thi-ơ 26:28; Lu-ca 22:20). Trong giao ước mới, sự chết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá là giá chuộc tội cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài và hết lòng muốn sống một đời sống mới, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Xét về phương diện y học thì sự cắt bì giúp ích cho việc giữ vệ sinh bộ phận sinh dục của người nam. Vì lớp da bao chung quanh đầu bộ phận sinh dục của người nam thường khiến cho các chất nhờn và tạp chất tích tụ dưới nó, dễ gây hôi hám và nhiễm trùng, nên cần được cắt bỏ. Đối với một số người thì lớp da này có thể được kéo về phía sau để rửa ráy bộ phận sinh dục, nên sự cắt bì để giữ vệ sinh cho bộ phận sinh dục là không cần thiết. Xét về ý nghĩa thuộc linh thì có nhiều câu Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự cắt bì tiêu biểu cho sự cắt bỏ bản tính phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa, vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Sự cắt bì tiêu biểu cho sự con dân Chúa sẽ được thánh hóa bởi máu chuộc tội của Đấng Christ và bởi thánh linh của Thiên Chúa.

Vậy, hãy cắt bì lòng của các ngươi và đừng cứng cổ nữa!” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:16).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này, ngày đến, bấy giờ, Ta sẽ phạt mọi kẻ chịu cắt bì mà lòng chưa cắt bì…” (Giê-rê-mi 9:25).

Vậy, nếu kẻ chưa chịu cắt bì giữ các việc làm công chính của luật pháp thì sự chưa chịu cắt bì đó chẳng kể như đã chịu sao? Người vốn không chịu cắt bì mà làm trọn luật pháp sẽ kết tội ngươi, là kẻ dù có chữ của luật pháp và phép cắt bì, lại phạm luật pháp.” (Rô-ma 2:26-27).

Vì người nào chỉ là người Do-thái bề ngoài thì không phải là người Do-thái. Sự cắt bì trong xác thịt bề ngoài cũng không phải là sự cắt bì. Nhưng người mà bề trong là người Do-thái và sự cắt bì của tấm lòng, trong tâm thần, không theo chữ nghĩa, thì sự khen ngợi của người ấy chẳng đến từ loài người nhưng đến từ Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 2:28-29).

Sự chịu cắt bì chẳng là gì, sự không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

Vì trong Đức Chúa Jesus Christ, điều có giá trị, không phải là sự chịu cắt bì hoặc sự không chịu cắt bì, nhưng là đức tin được tác động bởi tình yêu.” (Ga-la-ti 5:6).

Vì trong Đấng Christ Jesus, điều có năng lực chẳng phải sự chịu cắt bì hay là sự chẳng chịu cắt bì, mà là sự dựng nên mới.” (Ga-la-ti 6:15).

Vì chúng ta là những người chịu cắt bì thật, là những người phụng sự Thiên Chúa trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ Jesus, và không nương cậy trong xác thịt.” (Phi-líp 3:3).

Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:11).

Dân I-sơ-ra-ên thường cắt bì cho các bé trai vào buổi sáng sớm ngày thứ tám, sau khi sinh. Thường thì người cha phụ trách sự cắt bì nhưng cũng có khi người mẹ làm, như trong trường hợp vợ của Môi-se. Cha mẹ của đứa trẻ cũng có thể nhờ một người chuyên môn về sự cắt bì ở tại địa phương. Ngay sau khi cắt bì thì đứa bé được đặt tên. Thường thì người mẹ có vinh dự đặt tên cho con của mình. Trong trường hợp của Đức Chúa Jesus, theo Ma-thi-ơ 1:21, 25 thì Giô-sép đã đặt tên cho Ngài. Nhưng thực tế, tên Jesus đã được thiên sứ Gáp-ri-ên phán truyền từ trước khi Ngài được thai dựng trong lòng trinh nữ Ma-ri (Lu-ca 1:31).

22 Khi đã trọn những ngày tẩy uế của họ, theo luật pháp Môi-se, họ đã đem Ngài đến Giê-ru-sa-lem để trình dâng lên Chúa;

23 như đã chép trong luật pháp của Chúa rằng, mỗi con trai đầu lòng sẽ được gọi là thánh cho Chúa.

Theo luật pháp về sự sinh con được chép trong Lê-vi Ký đoạn 12 thì Ma-ri phải chịu ô uế bảy ngày và sau đó phải trải qua 33 ngày tẩy uế, trước khi được kể là tinh sạch. Trong suốt thời gian 40 ngày đó, Ma-ri không được phép đụng vào các vật thánh, các thức ăn thánh, không được đến Đền Thờ. Sự ô uế được nói đến ở đây không phải là sự ô uế về thuộc linh, vì phạm tội, mà là sự ô uế thuộc thể, do thân thể bị ra máu và các chất dịch, sức khỏe bị yếu kém, có thể lây lan bệnh truyền nhiễm. Sự tẩy uế được nói đến ở đây là sự nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian để cơ thể được bình phục và tắm rửa trong nước.

Trọn những ngày tẩy uế của họ” là đã đủ 40 ngày gia đình Giô-sép và Ma-ri tuân giữ theo luật pháp về sự sinh con. Ma-ri đã được nghỉ ngơi trọn vẹn, sau khi sinh con.

Giô-sép và Ma-ri đã đem hài nhi Jesus đến Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem để trình dâng lên Đức Chúa Trời, vì Ngài là con đầu lòng của Ma-ri. Sự trình dâng này được quy định trong luật pháp của Thiên Chúa, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 13:2.

Được gọi là thánh cho Chúa” có nghĩa là được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời.

Lý do các con trai đầu lòng và các con đực đầu lòng trong bầy gia súc của dân I-sơ-ra-ên phải được biệt riêng, dâng lên Đức Chúa Trời là vì đó là dấu hiệu về sự cứu chuộc Đức Chúa Trời sẽ làm ra cho dân I-sơ-ra-ên, từ thuộc thể đến thuộc linh. Dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời gọi là con đầu lòng của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:22). Vì trong muôn dân, Đức Chúa Trời đã chọn dân I-sơ-ra-ên trước. Về thuộc thể, Đức Chúa Trời giết tất cả các con đầu lòng trong xứ Ê-díp-tô để dân I-sơ-ra-ên được tha ra khỏi ách nô lệ của dân Ê-díp-tô. Về thuộc linh, Đức Chúa Trời sẽ hy sinh mạng sống Con Đầu Lòng của Ngài là Đức Chúa Jesus để chuộc tội cho họ, cứu họ ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi.

24 Cũng dâng một sinh tế như đã được phán trong luật pháp của Chúa: Một cặp chim cu hoặc hai chim bồ câu con.

Sự dâng hiến này cho thấy, Giô-sép và Ma-ri không giàu có. Theo luật pháp của Thiên Chúa, như đã chép trong Lê-vi Ký đoạn 12, thì người mẹ sau khi xong các ngày tẩy uế sẽ dâng lên Thiên Chúa một của lễ, bao gồm một chiên con một tuổi và một bồ câu con hoặc một chim cu con. Nhưng người nào không có thể dâng chiên con thì có thể dâng hai chim cu hoặc hai chim bồ câu con.

Đức Chúa Jesus đã được sinh ra trong một gia đình nghèo. Từ khi được sinh ra, Ngài đã trải qua nếp sống khó nghèo. Vì thế, khó nghèo không phải là hậu quả của sự phạm tội, như một số giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần giảng dạy. Trái lại, sự ham muốn giàu có dẫn đến sự phạm tội, và hậu quả là một người có thể bị hư mất. Lời Chúa dạy rõ, con dân Chúa chỉ cần có đủ ăn, đủ mặc thì phải thỏa lòng. Con dân Chúa không được ham muốn sự giàu có. Vì ham muốn sự giàu có sẽ khiến cho người ta phạm tội:

I Ti-mô-thê 6:6-10

6 Nhưng sự tin kính cùng sự thỏa lòng là một lợi lớn.

7 Vì chúng ta chẳng đem điều gì vào trong thế gian; và chắc chắn chúng ta sẽ không thể đem điều gì ra khỏi.

8 Như vậy, được có thức ăn, thức mặc thì chúng ta phải thỏa lòng.

9 Còn những kẻ muốn được giàu có thì rơi vào sự cám dỗ và bẫy rập, rơi vào nhiều sự ngu dại cùng những sự tham muốn có hại, là những sự làm cho loài người bị đắm chìm vào trong sự hủy diệt và sự hư mất.

10 Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn.

Các hình thức cờ bạc, bao gồm việc mua vé số, mua lô đề, cá cược thể thao… đều xuất phát từ lòng ham muốn được giàu có. Có một số người nghĩ rằng, nếu họ mua vé số và trúng số thì họ sẽ dùng số tiền đó cho các mục vụ của Hội Thánh. Nhưng nếu đó là điều Chúa muốn thì Ngài có thể khiến cho có một tờ vé số có số trúng bay đến trước mặt họ. Chúa đã không cần dùng một cửa hàng đầy bánh và cá để nuôi ăn trên năm ngàn người. Ngài chỉ cần năm cái bánh và hai con cá, từ một đứa bé trai (Giăng 6:9). Là con dân Chúa, chúng ta chỉ cần dâng hiến những gì đang có trong tay cho các mục vụ của Hội Thánh. Chính Chúa sẽ khiến cho những gì chúng ta dâng hiến trở thành có đủ cho các mục vụ.

25 Kìa! Trong thành Giê-ru-sa-lem có một người, tên của người là Si-mê-ôn. Người ấy là công chính và tin kính, đang trông đợi sự an ủi của I-sơ-ra-ên; và thánh linh đã ở trên người.

Chúng ta không biết gì nhiều về Si-mê-ôn được nói đến ở đây. Theo cách nói của Thánh Kinh thì ông không phải là người có danh tiếng trong Do-thái Giáo mà chỉ là một người vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa vì tin kính Thiên Chúa. Người có lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa được Thánh Kinh gọi là người công chính và tin kính. Ngoài ra, Si-mê-ôn hiểu và tin lời hứa về Đấng Christ trong Thánh Kinh, tức là lời hứa đem lại sự an ủi cho dân I-sơ-ra-ên. Ông đã có lòng trông đợi sự đến của Đấng Christ. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông thánh linh của Ngài. Mặc dù trước thời kỳ của Hội Thánh, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh không ngự vào thân thể của con dân Chúa, nhưng Ngài vẫn ban thánh linh trên những ai có lòng tin kính Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai dùng.

26 Người đã được phán bảo bởi Đức Thánh Linh rằng, người sẽ không thấy sự chết, trước khi người thấy Đấng Christ của Chúa.

Chúng ta không biết Si-mê-ôn đã được Đức Thánh Linh phán bảo vào lúc nào, nhưng có lẽ vào lúc ông đã cao tuổi. Lúc mà ông đã nghĩ rằng, ông có thể qua đời bất kỳ lúc nào. Chúng ta có thể hiểu rằng, vì Si-mê-ôn là người công chính, có lòng trông đợi Đấng Christ, và Đấng Christ chắc chắn sẽ được sinh ra vào thời của ông, nên Đức Thánh Linh đã phán bảo ông về sự ông sẽ được thấy Đấng Christ, trước khi ông thấy sự chết.

Ngày nay, chúng ta đang ở trong thời kỳ Đấng Christ có thể trở lại bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Nếu chúng ta là công chính và tin kính, có lòng trông đợi Đấng Christ thì chúng ta có thể được Đức Thánh Linh phán bảo rằng, chúng ta sẽ không trải qua sự chết mà sẽ được biến hóa, trong ngày Đấng Christ đến.

27 Người đã bởi Đấng Thần Linh, vào trong Đền Thờ, lúc cha mẹ đem con trẻ Jesus đến để làm cho Ngài, theo thông lệ của luật pháp.

28 Người đã bồng Ngài trên tay mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời rằng:

29 Lạy Chúa! Bây giờ, xin cho tôi tớ của Chúa ra đi trong sự bình an, theo như lời phán của Ngài.

Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã tác động Si-mê-ôn để ông đến Đền Thờ, vào lúc Giô-sép và Ma-ri đem Đức Chúa Jesus đến Đền Thờ để dâng trình lên Đức Chúa Trời đứa con trai đầu lòng của Ma-ri. Lúc ấy, có thể là ngày thứ 41, sau khi Đức Chúa Jesus được sinh ra.

Nếu Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào đêm đầu tiên của Lễ Lều Trại, nhằm Thứ Năm, ngày 08/10/7 TCN thì ngày Đức Chúa Jesus được cắt bì nhằm Thứ Năm, ngày 15/10/7 TCN. Còn ngày Đức Chúa Jesus được dâng trình lên Đức Chúa Trời tại Đền Thờ có thể nhằm Thứ Ba, ngày 17/11/7 TCN [3], [4].

Si-mê-ôn đã bồng hài nhi Jesus trên tay, cất lời tôn vinh Đức Chúa Trời. Trong câu mở đầu lời tôn vinh của ông, Si-mê-ôn đã dùng cách nói “Lạy Chúa” để gọi Thiên Chúa. Câu 26 cho biết, Đức Thánh Linh đã phán bảo với ông, câu 29 cho thấy, Si-mê-ôn đã dùng danh từ Chúa để gọi Đức Thánh Linh. Nhưng từ câu 30 đến câu 32 thì danh từ Chúa (trong câu 29) được dùng để chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa.

30 Vì mắt của tôi đã thấy sự cứu rỗi của Ngài,

31 mà Ngài đã sắm sẵn trước mặt của muôn dân.

32 Là ánh sáng để chiếu sáng các dân ngoại và là sự vinh quang của dân Ngài, là dân I-sơ-ra-ên.

Sự cứu rỗi loài người đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời chịu nhập thế làm người, dâng mạng sống làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh giúp cho loài người hiểu và tin nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Khi Si-mê-ôn nhìn thấy Đức Chúa Jesus thì cũng là lúc ông nhìn thấy sự cứu rỗi của Thiên Chúa đã đến với loài người. Sự cứu rỗi ấy đã được Ba Ngôi Thiên Chúa sắm sẵn trước mặt của muôn dân. Cho tới thời điểm lúc bấy giờ, dân I-sơ-ra-ên vẫn là một dân thuộc về Thiên Chúa. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người đến, qua dân I-sơ-ra-ên làm cho dân I-sơ-ra-ên được vinh quang.

Vì ngươi là một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6).

Các ngươi thờ phượng sự các ngươi không biết. Chúng ta biết sự chúng ta thờ phượng. Vì sự cứu rỗi là từ dân Do-thái.” (Giăng 4:22).

Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là sự vinh quang của Thiên Chúa, qua dân I-sơ-ra-ên, chiếu sáng trên các dân ngoại (Ê-sai 60:1-3). Đó chính là sự ứng nghiệm về lời phán của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, rằng: Trong dòng dõi của ngươi, các dân tộc trên đất đều sẽ được phước (Sáng Thế Ký 22:18).

33 Giô-sép và mẹ của Ngài đã ngạc nhiên về các lời đã nói của người.

34 Si-mê-ôn đã chúc phước cho họ và nói với Ma-ri, mẹ của Ngài: Kìa, con trẻ này đã định cho sự vấp ngã và sự dấy lên của nhiều người trong I-sơ-ra-ên và định cho một dấu bị nói nghịch.

35 Còn ngươi, một thanh gươm sẽ đâm thấu linh hồn của ngươi để những tư tưởng từ nhiều tấm lòng sẽ được bày tỏ.

Trước các lời Si-mê-ôn tôn vinh Đức Chúa Trời, cả Giô-sép và Ma-ri đều lấy làm lạ. Tiếp theo, Si-mê-ôn đã chúc phước cho Giô-sép và Ma-ri. Rồi, Si-mê-ôn đã nói với Ma-ri ba điều sau đây:

  • Đức Chúa Jesus đã được định cho sự vấp ngã và sự dấy lên của nhiều người trong I-sơ-ra-ên. Động từ “định” (G2749) có nghĩa đen là đặt nằm xuống hoặc cố định một vật gì tại một vị trí; có nghĩa bóng là được chỉ định bởi Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus đã được Thiên Chúa chỉ định vừa làm nguyên cớ cho sự vấp ngã, vừa làm nguyên cớ cho sự dấy lên của nhiều người trong I-sơ-ra-ên. Những người bị vấp ngã đa số là các thầy tế lễ, các thầy thông giáo, các trưởng lão trong hai phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê của Do-thái Giáo. Những người được dấy lên là những người tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ.

  • Đức Chúa Jesus đã được định cho một dấu bị nói nghịch. Đức Chúa Trời đã định cho Đức Chúa Jesus trở thành dấu hiệu tiêu biểu cho sự Thiên Chúa bị loài người chống nghịch. Sự chống nghịch đó trước tiên thể hiện bằng lời nói. Sự nói nghịch đó vẫn kéo dài cho đến tận cuối Kỳ Tận Thế.

  • Một thanh gươm sẽ đâm thấu linh hồn của Ma-ri để những tư tưởng từ nhiều tấm lòng sẽ được bày tỏ. Thành ngữ “Thanh gươm đâm thấu linh hồn” được dùng để chỉ sự đau đớn tột cùng trong cảm xúc. Sự chết của Đức Chúa Jesus trên thập tự giá chính là thanh gươm đâm thấu linh hồn của Ma-ri. Cũng bởi sự chết của Đức Chúa Jesus mà những tư tưởng từ nhiều tấm lòng sẽ được bày tỏ. Các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo đã chế nhạo Ngài: Nó đã cứu những kẻ khác mà không thể cứu mình! (Ma-thi-ơ 27:42; Mác 15:31). Một trong hai tên trộm cướp bị đóng đinh cùng lúc với Đức Chúa Jesus đã nói: Người này không làm điều gì sai! (Lu-ca 23:41). Viên đại đội trưởng và quân lính thi hành sự đóng đinh Đức Chúa Jesus đã thốt lên: Người này là Con Trời! Thật, người này là người công chính! (Ma-thi-ơ 27:54; Mác 15:39; Lu-ca 23:47).

Sự chết của Đức Chúa Jesus cho tới ngày nay vẫn còn là nguyên cớ để những tư tưởng từ nhiều tấm lòng sẽ được bày tỏ. Gần hai ngàn năm qua, hàng chục triệu người đã tuyên xưng Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi của họ, tuyên xưng đức tin của họ vào sự chết chuộc tội của Ngài; sẵn sàng hy sinh mạng sống để giữ vững đức tin và lời tuyên xưng của họ. Nhưng cũng có hàng tỉ người chê cười Đức Chúa Jesus, nói nghịch Ngài, bách hại đức tin của những ai tin nhận Ngài. Điều tệ hơn thế là có những người từng tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Jesus nhưng sau khi phạm tội, bị đuổi ra khỏi Hội Thánh, thì quay lại, bách hại Hội Thánh.

36 Lại có An-ne, một nữ tiên tri, con gái của Pha-nu-ên, thuộc chi phái A-se, bà đã cao tuổi lắm. Từ khi đồng trinh bà đã ở với chồng bảy năm.

37 Bà đã là góa phụ khoảng tám mươi bốn năm. Bà đã chẳng ra khỏi Đền Thờ; phụng sự với những sự kiêng ăn và những sự khẩn xin ngày và đêm.

Tên An-ne (G451) có nghĩa là ân điển, giống như tên mẹ của Sa-mu-ên (H2584). Chúng ta biết, Ma-la-chi là tiên tri cuối cùng, phán truyền lời của Đức Chúa Trời cho dân I-sơ-ra-ên, trước khi Đức Chúa Trời hoàn toàn im lặng với dân I-sơ-ra-ên trong khoảng 400 năm. Qua Lu-ca, Đức Thánh Linh cho chúng ta biết, vào thời điểm Đức Chúa Jesus được sinh ra, tại Đền Thờ Thiên Chúa có một nữ tiên tri.

Tên Pha-nu-ên (G5323) được phiên âm từ tên Phê-ni-ên (H6439) trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là: mặt của Thiên Chúa. Chúng ta không biết gì nhiều về An-ne và Pha-nu-ên. An-ne được gọi là nữ tiên tri có lẽ do bà chuyên lo việc giảng dạy Lời Chúa cho các phụ nữ đến thờ phượng Thiên Chúa tại Đền Thờ. Chi phái A-se là một trong mười chi phái thuộc vương quốc I-sơ-ra-ên đã bị tan lạc, khi đế quốc A-si-ri tiêu diệt vương quốc I-sơ-ra-ên vào năm 722 TCN.

Nếu An-ne kết hôn năm 18 tuổi, sống với chồng bảy năm, chồng qua đời đã 84 năm thì lúc bà gặp Đức Chúa Jesus trong Đền Thờ, bà đã được 109 tuổi.

Danh từ “Đền Thờ” (G2411) để chỉ Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem vừa được dùng để chỉ cấu trúc chính của Đền Thờ, bao gồm hành lang, Nơi Thánh, và Nơi Rất Thánh; vừa được dùng để chỉ cả khu vực Đền Thờ, bao gồm các kiến trúc chung quanh Đền Thờ. Mệnh đề “chẳng ra khỏi Đền Thờ” có nghĩa là chẳng ra khỏi khu vực của Đền Thờ. Có thể An-ne có một chỗ cư trú trong khuôn viên Đền Thờ để bà có thể ngày đêm phụng sự Thiên Chúa, qua sự kiêng ăn và cầu nguyện.

Chúng ta có thể hiểu rằng, có lẽ sau khi chồng qua đời thì An-ne đã dâng mình, phụng sự Thiên Chúa tại Đền Thờ. Có thể bà đã hứa nguyện làm người Na-xi-rê suốt đời (Dân Số Ký 6:1-21). Nếu vậy, lúc bà gặp Đức Chúa Jesus thì đã 84 năm bà ngày đêm phụng sự Thiên Chúa, qua sự kiêng ăn và cầu nguyện tại Đền Thờ.

Động từ “kiêng ăn” (G3521) có thể nói về sự kiêng các thức ăn của người Na-xi-rê; hoặc nói về sự kiêng ăn hai bữa trong ngày Sa-bát (Lu-ca 18:12) và sự kiêng ăn vào ngày Thứ Hai và Thứ Năm của những người Pha-ri-si, vào thời ấy.

Động từ “khẩn xin” (G1162) được dùng để nói đến sự tha thiết cầu xin một điều gì đó với Đức Chúa Trời, trong sự cầu nguyện. Rất có thể An-ne đã ngày đêm khẩn xin sự đến của Đấng Christ.

38 Cùng lúc ấy, bà cũng đã đến đó, cảm tạ Chúa; và nói về Ngài với hết thảy những ai đang trông đợi sự cứu rỗi, tại Giê-ru-sa-lem.

Cùng lúc ấy” là cùng lúc Si-mê-ôn đang bồng Đức Chúa Jesus trên tay, nói tiên tri về Đức Chúa Jesus và chúc phước cho Giô-sép, Ma-ri. Có lẽ sự việc đã xảy ra trong khu vực hành lang của Đền Thờ dành cho phụ nữ, sau khi một thầy tế lễ đã hoàn tất nghi thức dâng của lễ cho Ma-ri và trình dâng Đức Chúa Jesus, trong hành lang của các thầy tế lễ, nơi có bàn thờ dâng của lễ thiêu.

Đã đến đó” là đến chỗ Si-mê-ôn đang bồng Đức Chúa Jesus và chúc phước cho Giô-sép, Ma-ri.

Có lẽ An-ne đã dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời về sự Ngài đã đáp lời cầu xin của bà, đã ban Đấng Cứu Rỗi và cho bà được nhìn thấy Ngài. Là một tiên tri, An-ne biết rõ lời hứa về Đấng Christ và mục vụ của Đấng Christ. Kể từ giây phút đó, An-ne đã nói về Đấng Christ cho hết thảy những ai có mặt tại Giê-ru-sa-lem, mà có lòng trông cậy sự cứu rỗi từ Đấng Christ.

Trong chương trình cứu rỗi loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã tự mình từ bỏ địa vị Thiên Chúa để nhập thế làm người, chịu chết, gánh thay hậu quả của sự phạm tội cho loài người. Ngài đã được sinh ra trong một gia đình khó nghèo, trải qua khoảng 30 năm, kinh nghiệm cuộc sống của một người không có quốc gia, giữa một dân tộc bị thống trị bởi một dân tộc khác. Ngài đã làm việc kiếm sống, chăm sóc cho mẹ và các em của mình. Ngài cũng phải đối diện những sự cám dỗ như bất cứ một người nào, nhưng Ngài không hề phạm tội (Hê-bơ-rơ 4:15). Ngài không phạm tội không phải vì Ngài có thần tính; vì Ngài không dùng năng lực của thần tính khi Ngài mang thân vị loài người. Nhưng Ngài đã thắng mọi cám dỗ vì lòng tin kính Đức Chúa Trời, sống theo Lời của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 119:11). Khi thời điểm đến, Ngài đã hiến dâng mạng sống của mình làm của lễ chuộc tội cho loài người. Qua đó, chúng ta thấy được sự mầu nhiệm, sự công chính, và sự trọn vẹn của chương trình cứu rỗi loài người, từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/11/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.theverdict.co.za/reason-1—eighth-day-best-for-circumcision.html

[2] https://bibleapologetics.org/circumcision-why-the-eight-day/

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-sinh-cua-duc-chua-jesus/

[4] https://abdicate.net/print.aspx?sdn=1719187

Karaoke Thánh Ca: “Xin Luôn Thuộc Chúa Thôi”
https://karaokethanhca.net/xin-luon-thuoc-chua-thoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.