Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 03:01-10 Phép Lạ Chữa Lành Người Què

2,920 views

YouTube: https://youtu.be/TGG7lhlRM0Y

44008 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-10
Phép Lạ Chữa Lành Người Què

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-10

1 Phi-e-rơ và Giăng đã cùng nhau đi lên Đền Thờ, vào giờ cầu nguyện, nhằm giờ thứ chín. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ chín bắt đầu vào khoảng 2 giờ chiều.]

2 Có một người kia đã bị què từ trong lòng mẹ. Mỗi ngày, người ấy được người ta đem đặt tại cửa của Đền Thờ, gọi là Cửa Đẹp, để cầu xin sự bố thí từ những người vào trong Đền Thờ.

3 Người ấy thấy Phi-e-rơ và Giăng sắp đi vào trong Đền Thờ, đã xin nhận sự bố thí.

4 Phi-e-rơ với Giăng nhìn chăm vào người, và đã nói: Hãy nhìn vào chúng ta.

5 Người ấy đã nhìn họ, mong đợi sẽ nhận được điều gì từ họ.

6 Nhưng Phi-e-rơ đã nói: Ta chẳng có vàng và bạc, nhưng điều ta có thì ta cho ngươi. Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét, hãy trỗi dậy và bước đi!

7 Người nắm tay phải của người ấy, đỡ dậy. Tức thì đôi bàn chân và đôi mắt cá của người ấy được mạnh mẽ.

8 Người ấy đã nhảy lên, đứng và bước đi; rồi vào trong Đền Thờ với họ; vừa đi, vừa nhảy, vừa tôn vinh Đức Chúa Trời.

9 Hết thảy dân chúng đã thấy người ấy bước đi và tôn vinh Đức Chúa Trời.

10 Họ đã biết rằng, ấy là người đã ngồi để xin sự bố thí tại Cửa Đẹp của Đền Thờ. Họ đầy sự bỡ ngỡ và sững sờ về việc đã xảy ra cho người ấy.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về một người bị què từ trong bụng mẹ đã được chữa lành bằng phép lạ, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, bởi lời công bố của Sứ Đồ Phi-e-rơ. Trước đây, Phi-e-rơ cũng như các sứ đồ khác của Chúa đã thực hiện nhiều phép lạ trong sự đuổi quỷ và chữa lành các chứng bệnh tật cho dân chúng, trong khi họ rao giảng Tin Lành về Nước Trời (Ma-thi-ơ 10:1; Mác 6:13; Lu-ca 9:1). Từ khi Hội Thánh được thành lập, các sứ đồ cũng đã làm ra nhiều dấu kỳ và phép lạ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:43). Nhưng phép lạ chữa lành cho người què được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-10 là phép lạ đầu tiên được ghi chép là đã thực hiện bởi lời công bố trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Kể từ khi Đấng Christ hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại, không riêng gì việc thi hành phép lạ mà bất cứ việc gì con dân Chúa trong Hội Thánh làm cũng nên làm trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Con dân Chúa suy nghĩ trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, nói trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, và làm trong danh của Đức Chúa Jesus Christ vì con dân Chúa thuộc về Ngài, mỗi người là một chi thể của thân Ngài. Chỉ có ở trong Đấng Christ một người mới thuộc về Đức Chúa Trời. Bởi hành động trong danh của Đấng Christ mà một người thể hiện rằng, mình thuộc về Đấng Christ, là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời, hành động theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, hành động vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

1 Phi-e-rơ và Giăng đã cùng nhau đi lên Đền Thờ, vào giờ cầu nguyện, nhằm giờ thứ chín. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ chín bắt đầu vào khoảng 2 giờ chiều.]

Phi-e-rơ và Giăng dường như là đôi bạn thân, từ trước khi được Chúa gọi họ theo Ngài. Cả hai đều là người xứ Ga-li-lê, cùng làm nghề đánh cá trên biển Ga-li-lê. Em trai của Phi-e-rơ là Anh-rê, anh trai của Giăng là Gia-cơ cũng đều là sứ đồ. Có lẽ Phi-e-rơ và Giăng cùng lứa tuổi với nhau nên họ thân nhau. Qua các ghi chép trong Thánh Kinh, chúng ta thấy, Phi-e-rơ và Giăng thường đi chung với nhau.

  • Phi-e-rơ và Giăng là hai sứ đồ phụ trách việc tìm chỗ để Chúa và các sứ đồ của Ngài ăn bữa tối của Lễ Vượt Qua (Lu-ca 22:8).

  • Sau khi Đức Chúa Jesus bị bắt, Phi-e-rơ và Giăng đi theo Chúa, vào sân của thầy tế lễ thượng phẩm. Giăng được gọi là người môn đồ có quen biết thầy tế lễ thượng phẩm (Giăng 18:15).

  • Sau khi Đức Chúa Jesus sống lại, Phi-e-rơ và Giăng cùng chạy đến nơi chôn cất Chúa. Giăng được gọi là “người Đức Chúa Jesus yêu” (Giăng 20:2-4).

  • Phi-e-rơ và Giăng cùng nhau lên Đền Thờ để cầu nguyện, chữa lành một người què từ trong lòng mẹ đã hơn 40 năm (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1). Sau đó, họ cùng bị các thầy tế lễ bắt lại để xét hỏi về việc người què được chữa lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:3).

  • Phi-e-rơ và Giăng cùng nhau đến xứ Sa-ma-ri, khi hay tin dân Sa-ma-ri cũng đã tin nhận Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14).

Người I-sơ-ra-ên có thói quen mỗi ngày cầu nguyện với Đức Chúa Trời ba lần. Theo Thi Thiên 55:17, đó là buổi cầu nguyện buổi chiều, buổi sáng, và buổi trưa:

Buổi chiều, buổi sáng, và buổi trưa, tôi sẽ kêu cầu; và Ngài sẽ nghe tiếng của tôi.” (Thi Thiên 55:17).

Giờ cầu nguyện buổi chiều nhằm vào giờ thứ chín theo cách tính giờ của dân I-sơ-ra-ên, là thời điểm dân I-sơ-ra-ên dâng tế lễ buổi chiều, tương đương với 2 giờ chiều của chúng ta (Thi Thiên 141:2). Phi-e-rơ và Giăng lên Đền Thờ để cầu nguyện chứ không tham dự sự dâng tế lễ. Vì trong thời Tân Ước, sự dâng sinh tế ngày hai lần lên Đức Chúa Trời đã được thay thế bằng sự con dân Chúa dâng chính thân thể của mình, làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1).

Giờ cầu nguyện buổi sáng nhằm vào giờ thứ ba theo cách tính giờ của dân I-sơ-ra-ên, là thời điểm dân I-sơ-ra-ên dâng tế lễ buổi sáng, tương đương với 8 giờ sáng của chúng ta. Trong ngày Hội Thánh được thành lập, con dân Chúa đã nhóm hiệp cầu nguyện vào giờ cầu nguyện buổi sáng (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:15).

Giờ cầu nguyện buổi trưa nhằm vào giờ thứ sáu theo cách tính giờ của dân I-sơ-ra-ên, tương đương với 11 giờ trưa của chúng ta. Phi-e-rơ đã cầu nguyện vào buổi trưa khi ông được Đức Chúa Trời ban cho khải tượng về sự các loài thú không tinh sạch đã được Ngài làm cho tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9).

Thánh Kinh không hề đưa ra quy định rằng, mỗi ngày con dân Chúa phải cầu nguyện ba lần. Nhưng các thánh đồ thời Cựu Ước đã có thói quen này mà Tiên Tri Đa-ni-ên là một điển hình (Đa-ni-ên 6:10). Là con dân Chúa trong Hội Thánh chúng ta không cần cầu nguyện theo giờ giấc ngày ba lần như dân I-sơ-ra-ên, nhưng chúng ta có thể đến với Chúa và trò chuyện với Ba Ngôi Thiên Chúa bất kỳ lúc nào. Đức Thánh Linh khuyên con dân Chúa “cầu nguyện không thôi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Có nghĩa là tâm thần của chúng ta luôn hướng về Thiên Chúa, luôn tương giao với Ba Ngôi Thiên Chúa trong thần trí của mình. Dù vậy, chúng ta cũng nên có thói quen biệt riêng giờ cầu nguyện với Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời của chúng ta, như trước khi ngủ và sau khi thức dậy.

2 Có một người kia đã bị què từ trong lòng mẹ. Mỗi ngày, người ấy được người ta đem đặt tại cửa của Đền Thờ, gọi là Cửa Đẹp, để cầu xin sự bố thí từ những người vào trong Đền Thờ.

Bị què từ trong lòng mẹ” có nghĩa là đã bị tật bệnh ngay khi còn là một bào thai. Qua Thánh Kinh, chúng ta đã hiểu rằng, tật bệnh và sự chết vào trong thế gian là hậu quả của sự loài người phạm tội. Sự phạm tội bắt nguồn từ A-đam và Ê-va, tổ phụ và tổ mẫu của loài người, nên từ đó, tất cả mọi người được sinh ra đều mang bản tính thích phạm tội. Cũng kể từ đó, loài người bị thiếu hụt sự vinh quang của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23) nên hình thể xác thịt của loài người bị băng hoại, có nhiều khiếm khuyết. Đó là chưa kể ngay từ khi còn là bào thai, con cái đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nếp sống ô uế, tội lỗi của cha mẹ. Những người ghiền nghiện rượu, các chất ma túy, hoặc hoang dâm phóng túng về tình dục, mang bệnh truyền nhiễm qua sự giao hợp tình dục có thể lưu lại tác hại nghiêm trọng trên thân thể của con cái, khi chúng còn là bào thai. Ngoài ra, môi trường sống bị nhiễm độc bởi các hoá chất độc hại hoặc bởi các loại thuốc, các liệu pháp trị bệnh cũng có thể làm cho bào thai bị tật bệnh.

Loài người ý thức rằng, sự phạm tội của ông bà, cha mẹ có thể gây tác hại đến con cháu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ con bị tật bệnh từ trong lòng mẹ không do lỗi của ông bà, cha mẹ, mà là do Đức Chúa Trời cho phép tật bệnh xảy ra, để sự người ấy được chữa lành làm tôn vinh Ngài, hoặc sự tật bệnh bẩm sinh của người ấy là sự thử thách dành cho cha mẹ của người ấy và chính người ấy:

Ngài đi qua, thấy một người bị mù từ khi được sinh ra. Các môn đồ của Ngài đã hỏi Ngài rằng: Ra-bi! Ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ của người, mà người đã được sinh ra bị mù? Đức Chúa Jesus đáp: Chẳng phải người này đã phạm tội cũng chẳng phải cha mẹ của người; nhưng để cho những việc của Đức Chúa Trời có thể được tỏ ra trong người.” (Giăng 9:1-3).

Vấn đề là chúng ta có hoàn toàn nương cậy nơi Chúa khi bản thân mình bị tật bệnh hoặc khi mình có con cháu bị tật bệnh, hay không. Cuộc đời này vô cùng ngắn ngủi nhưng Vương Quốc của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời. Nếu chúng ta đứng vững trong đức tin, khi đối diện với mọi cảnh ngộ Chúa cho phép xảy đến với chúng ta, thì chắc chắn sẽ có một ngày chúng ta được vui hưởng hạnh phúc đời đời trong Vương Quốc Trời.

Tôi nghe một tiếng lớn từ trời, phán: Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ là dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ. Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:3-4).

Chúng ta cần hiểu rằng, lời phán của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Giăng 9:3 không hề hàm ý, Đức Chúa Trời cố ý làm cho một người bị mù từ trong bụng mẹ để hoàn thành ý định của Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời đã cho phép, thay vì cất đi, hậu quả của tội lỗi từ tổ phụ loài người xảy ra trên thân thể của người ấy, để khi Đức Chúa Jesus chữa lành cho người ấy, thì sự vinh quang của Đức Chúa Trời được thể hiện và khiến cho có nhiều người tin nhận sứ điệp của Đức Chúa Jesus. Trong số những người tin nhận có chính bản thân người bị mù và cha mẹ của người ấy.

Đức Chúa Trời không bao giờ làm ra một điều xấu nào để dẫn đến điều tốt. Tùy theo ý định và mục đích của Ngài, Đức Chúa Trời có thể cho phép điều xấu xảy ra theo luật nhân quả; hoặc có khi Ngài không cho phép điều xấu nào đó xảy ra. Và khi một điều xấu đã xảy ra thì Đức Chúa Trời vẫn có quyền làm cho nó trở nên tốt. Mọi sự nằm trong quyền tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Nhân dịp nói đến luật nhân quả chúng ta cũng cần hiểu rằng, luật nhân quả do chính Thiên Chúa đặt ra. Luật nhân quả không ra từ Phật Giáo. Khoảng 500 năm trước khi có Phật Giáo, Vua Sa-lô-môn, người được Thiên Chúa ban cho sự khôn sáng hơn mọi người khác, đã biết rằng, Đức Chúa Trời là Đấng báo trả cho mỗi người tùy việc họ làm và tùy tấm lòng của họ (I Các Vua 8:39).

Mỗi ngày, có lẽ người nhà hoặc bạn bè của người què đã khiêng người ấy đến Cửa Đẹp của Đền Thờ, để người ấy xin của bố thí từ những người đến viếng Đền Thờ. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 4:22 thì người què, khi được chữa lành, đã hơn bốn mươi tuổi. Điều ấy có nghĩa là không chỉ dân chúng cư trú tại Giê-ru-sa-lem mà dân I-sơ-ra-ên từ khắp nơi, mỗi năm ba lần, về dự ba đại lễ tại Giê-ru-sa-lem, đều biết người què này, trong rất nhiều năm. Có thể chính Đức Chúa Jesus cũng đã nhiều lần nhìn thấy người này, nhưng Ngài đã chọn không chữa lành cho ông ta. Và như vậy, chúng ta hiểu rằng, Chúa làm việc theo thời điểm của Ngài. Có nhiều khi chúng ta phải chịu khổ thêm một thời gian, trước khi Chúa giải cứu chúng ta.

Theo Ma-thi-ơ 21:14, khi Đức Chúa Jesus vào Đền Thờ lần cuối, trước khi Ngài bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá, có những người què và người mù theo Ngài vào Đền Thờ và được Ngài chữa lành. Sự việc này chỉ xảy ra chưa đầy hai tháng trước. Câu hỏi đặt ra là tại sao người què hơn 40 năm này đã không có mặt trong số những người què và người mù theo Chúa vào Đền Thờ để được chữa lành. Chúng ta không có câu trả lời trong Thánh Kinh. Vậy, mỗi người có thể tự mình suy ngẫm.

Về vị trí của Cửa Đẹp thì các nhà giải kinh không đồng ý với nhau. Có người cho rằng, Cửa Đẹp là cửa được đánh số 1 trong hình minh họa dưới đây. Đó vừa là cửa phía đông của thành cổ Giê-ru-sa-lem mà cũng vừa là cửa dẫn vào Đền Thờ. Nghĩa là bức tường thành phía đông vừa là tường của thành Giê-ru-sa-lem, vừa là tường của Đền Thờ. Qua khỏi cửa đó thì ngang qua Mái Hiên của Sa-lô-môn và vào đến hành lang dành cho dân ngoại. Có người cho rằng, Cửa Đẹp là cửa được đánh số 2 trong hình minh họa dưới đây. Đó là cửa dẫn từ hành lang dành cho dân ngoại vào hành lang dành cho những đàn bà trong dân I-sơ-ra-ên. Có người cho rằng, Cửa Đẹp là cửa được đánh số 3 trong hình minh họa dưới đây. Đó là cửa dẫn từ hành lang dành cho những đàn bà trong dân I-sơ-ra-ên vào trong hành lang dành cho những đàn ông trong dân I-sơ-ra-ên.

Tuy nhiên, theo văn mạch từ câu 2 đến câu 11 thì chúng ta thấy, nhận định cho rằng, Cửa Đẹp là cửa được đánh dấu số 1 là hợp lý nhất. Vì câu 8 cho chúng ta biết, người què được chữa lành cùng đi vào trong Đền Thờ với Phi-e-rơ và Giăng. Có nghĩa là người ấy cùng Phi-e-rơ và Giăng bước qua Cửa Đẹp để vào trong khuôn viên của Đền Thờ. Câu 11 cho chúng ta biết, người què được chữa lành đang ở với Phi-e-rơ và Giăng tại Mái Hiên của Sa-lô-môn, khi đám đông chạy đến với họ. Có nghĩa là một phần đám đông từ bên ngoài Cửa Đẹp nhìn thấy phép lạ xảy ra, đã chạy theo họ vào bên trong khuôn viên của Đền Thờ. Cùng lúc ấy một số người khác đã ở bên trong khuôn viên của Đền Thờ, nghe tiếng ồn tại Cửa Đẹp, xoay lại nhìn, thấy người què mà họ quen mặt đang vừa đi, vừa nhảy, vừa tôn vinh Đức Chúa Trời thì họ cùng nhau chạy về phía Cửa Đẹp, tại Mái Hiên của Sa-lô-môn, để xem.

Nếu cho rằng, Cửa Đẹp ở vị trí được đánh dấu số 2 hay số 3 trong hình dưới đây thì không thể giải thích, tại sao người què được chữa lành cùng với Phi-e-rơ và Giăng đi vào Đền Thờ qua cửa tại một trong hai vị trí đó mà họ vẫn còn ở tại Mái Hiên của Sa-lô-môn.

Hình minh họa trên đây là hình chụp khu kiểu mẫu minh họa cổ thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ nên không chính xác thể hiện Cửa Đẹp. Hình chụp dưới đây cho thấy Cửa Đẹp trong thực tế ngày nay.

Cửa Đẹp (Beautiful Gate), tức Cửa Đông (Eastern Gate), còn gọi là Cửa Vàng (Golden Gate), trong tiếng Hê-bơ-rơ được gọi là Cửa Thương Xót (Gate of Mercy – Sha’ar Haachamim) [1]. Gọi là Cửa Đẹp vì sự trang trí bên trong vòm cửa rất đẹp, đẹp hơn tất cả các vòm cửa khác tại Giê-ru-sa-lem. Gọi là Cửa Đông vì cửa ở về phía đông của thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ. Gọi là Cửa Vàng là do khi Thánh Kinh Tân Ước trong nguyên ngữ Hy-lạp được dịch sang tiếng La-tinh, người dịch đã phiên âm tính từ “oraia” /ô-rê-a/ (có nghĩa là đẹp) sang âm thanh tương tự trong tiếng La-tinh “aurea” /au-rê-a/ (có nghĩa là vàng). Gọi là Cửa Thương Xót vì dân I-sơ-ra-ên tin rằng, ngày Đấng Christ đến, Ngài sẽ phán xét dân I-sơ-ra-ên tại bên ngoài cửa thành phía đông, và họ mong đợi được ở trong sự thương xót của Ngài. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, dân I-sơ-ra-ên không tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Thánh Kinh Cựu Ước. Danh từ Mê-si-a trong tiếng Hê-bơ-rơ của Cựu Ước cùng nghĩa với danh từ Christ trong tiếng Hy-lạp của Tân Ước. Cả hai đều có nghĩa: Đấng Được Xức Dầu. Dân I-sơ-ra-ên vẫn đang mong chờ Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ, theo sự hiểu và đức tin của họ vào Cựu Ước. Xin tham khảo: Thi Thiên 2:2; Đa-ni-ên 9:25-26; Giăng 1:41; 4:25.

Vào năm 810, Cửa Đông đã bị dân Hồi Giáo Ả-rập cho xây, bít kín. Lý do là để Đấng Christ của dân I-sơ-ra-ên không thể tiến vào thành Giê-ru-sa-lem qua Cửa Đông, theo lời tiên tri trong Thánh Kinh (Xa-cha-ri 14). Khu đất phía trước Cửa Đông còn bị dân Hồi Giáo Ả-rập biến thành nghĩa trang, chôn cất các xác chết của họ, với ý định làm cho vùng đất đó bị ô uế để Đấng Christ không thể đi ngang qua.

Chúng ta có thể tin rằng, một ngày rất gần đây, đền thờ của Hồi Giáo sẽ bị đánh sập, có thể là do một cơn động đất, có thể là do các đầu đạn của quân khủng bố Hồi Giáo bắn nhầm. Mà cũng có thể là do dân I-sơ-ra-ên phá hủy, sau khi chiến thắng cuộc chiến theo Thi Thiên 83. Khu nghĩa trang của dân Hồi Giáo sẽ bị dẹp sạch và một của lễ tẩy uế sẽ được các thầy tế lễ I-sơ-ra-ên dâng lên để tẩy uế khu đất ấy. Dân I-sơ-ra-ên sẽ tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa, bao gồm Cửa Đông.

3 Người ấy thấy Phi-e-rơ và Giăng sắp đi vào trong Đền Thờ, đã xin nhận sự bố thí.

4 Phi-e-rơ với Giăng nhìn chăm vào người, và đã nói: Hãy nhìn vào chúng ta.

5 Người ấy đã nhìn họ, mong đợi sẽ nhận được điều gì từ họ.

Theo thói quen, khi người què nhìn thấy Phi-e-rơ và Giăng sắp bước qua cửa để vào trong Đền Thờ thì người ấy đã lên tiếng xin được hai người bố thí. Theo ngữ pháp Hy-lạp trong câu 4 thì Phi-e-rơ nhìn chăm vào người ấy, Giăng cũng nhìn, rồi Phi-e-rơ bảo người ấy, hãy nhìn vào ông và Giăng. Chúng ta có thể tin rằng, sự nhìn chăm của Phi-e-rơ và Giăng vào người què là do sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Nghĩa là Đức Thánh Linh giục lòng hai ông dừng bước để nhìn vào người què, kêu gọi người ấy chú ý vào hai ông để nhận sự chữa lành, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ.

Người què đã nhìn vào Phi-e-rơ và Giăng với sự mong đợi sẽ nhận được điều gì từ họ. Nhưng ông ta đã không thể nào ngờ, sẽ nhận được điều lớn nhất trong đời ông, là sự chữa lành.

Trên bước đường theo Chúa của chúng ta, chúng ta cần nhìn vào Chúa để nhận lãnh những điều lớn nhất, ích lợi nhất mà Chúa đã sẵn lòng ban cho chúng ta. Đừng chỉ mong nhận được các nhu cầu vật chất từ nơi Chúa, mà hãy khao khát các nhu cầu thuộc linh. Hãy khao khát được gần Chúa càng hơn, được hiểu biết Chúa và Lời Chúa càng hơn, được vui thỏa trong Chúa càng hơn, được đầy dẫy năng lực và sự khôn sáng để phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh càng hơn.

6 Nhưng Phi-e-rơ đã nói: Ta chẳng có vàng và bạc, nhưng điều ta có thì ta cho ngươi. Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét, hãy trỗi dậy và bước đi!

Phi-e-rơ không phải là người giàu có, nhất là từ khi ông bỏ nghề đánh cá để đi theo Chúa. Và ngay cả khi con dân Chúa trong Hội Thánh lúc ban đầu bán tài sản để chu cấp cho những người có nhu cầu trong Hội Thánh thì Phi-e-rơ cũng không lạm dụng nguồn tài lực ấy. Nhưng Phi-e-rơ giàu có trong ân điển và thánh linh của Thiên Chúa. Phi-e-rơ sẵn lòng ban phát tài sản thuộc linh cho những người có nhu cầu.

Lời công bố của Phi-e-rơ: “Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét, hãy trỗi dậy và bước đi” giúp cho chúng ta hiểu rằng, trong thần trí của Phi-e-rơ, ông nhận biết, Đức Chúa Jesus đã sẵn sàng chữa lành cho người què. Bởi đức tin, Phi-e-rơ công bố sự nhận biết ấy.

Phi-e-rơ dùng danh xưng “Jesus ở Na-xa-rét” để xác định Jesus mà ông nói đến là Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá và đã sống lại. Vì trên tấm bảng ghi tội của Đức Chúa Jesus, Tổng Đốc Phi-lát đã cho viết hàng chữ: “Jesus, Người Na-xa-rét, Vua của Dân Do-thái” bằng tiếng Hê-bơ-rơ là ngôn ngữ gốc của dân I-sơ-ra-ên, và bằng hai ngôn ngữ thông dụng thời bấy giờ là tiếng La-tinh và tiếng Hy-lạp (Giăng 19:19-20).

Lời công bố của Phi-e-rơ là một mệnh lệnh được ban truyền trong danh của Đấng Christ. Mệnh lệnh ấy đã phá tan sự cầm buộc của tật bệnh trên thân thể của người què.

7 Người nắm tay phải của người ấy, đỡ dậy. Tức thì đôi bàn chân và đôi mắt cá của người ấy được mạnh mẽ.

Hành động nắm lấy tay phải của người què, đỡ người ấy dậy của Phi-e-rơ thể hiện sự quan tâm và khích lệ của Phi-e-rơ đối với người ấy. Hành động đó cũng tiêu biểu cho sự Đức Chúa Trời quan tâm và khích lệ chúng ta, khi Ngài tha thứ tội lỗi của chúng ta, phục hồi sức khỏe thuộc linh của chúng ta, bằng sự ban Đức Thánh Linh cho chúng ta.

Tức thì đôi bàn chân và đôi mắt cá của người ấy được mạnh mẽ” nói rõ sự chữa lành là một phép lạ, không thể chối cãi. Một người bị què từ trong lòng mẹ hơn 40 năm mà có thể được chữa lành ngay bởi lời công bố của Phi-e-rơ, không cần thời gian hồi phục. Chi tiết này cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, người ấy bị què vì đôi bàn chân và đôi mắt cá bị yếu, không thể chịu đựng sức nặng của toàn thân.

8 Người ấy đã nhảy lên, đứng và bước đi; rồi vào trong Đền Thờ với họ; vừa đi, vừa nhảy, vừa tôn vinh Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể tin rằng, người què cảm nhận có sự thay đổi nơi đôi bàn chân và đôi mắt cá của mình nên đã nhảy lên; và nhận ra mình có thể đứng, có thể bước đi. Thực tế, sự người què từ trong lòng mẹ hơn 40 năm được chữa lành là một phép lạ đôi; nghĩa là có hai phép lạ xảy ra cùng một lúc. Phép lạ thứ nhất là đôi chân của người ấy được chữa lành khỏi sự khuyết tật. Phép lạ thứ nhì là người ấy không cần tập đi mà có thể bước đi ngay.

Chúng ta hoàn toàn không biết gì về đức tin của người què được chữa lành; nhưng việc làm đầu tiên của người ấy sau khi được chữa lành là cùng với Phi-e-rơ và Giăng đi vào trong Đền Thờ. Người ấy vừa đi, vừa nhảy, vừa tôn vinh Đức Chúa Trời. Vào thời buổi đó, luật của Đền Thờ do giới Pha-ri-si quy định đã nghiêm cấm những người có thân thể bị tật nguyền đi vào bên trong khuôn viên Đền Thờ; họ chỉ có thể ăn xin bên ngoài vách bao bọc khuôn viên Đền Thờ. Ngày hôm đó, lần đầu tiên trong hơn 40 năm của cuộc đời, người què được chữa lành đã vừa đi, vừa nhảy, vừa tôn vinh Đức Chúa Trời, tiến vào trong Đền Thờ. Quý ông bà anh chị em hãy dành thời gian suy ngẫm về tâm trạng và hành động của người què vừa được chữa lành; rồi so sánh với tâm trạng và hành động của mình, khi mới tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được chữa lành chứng bệnh thuộc linh đang đưa mình vào sự hư mất đời đời.

9 Hết thảy dân chúng đã thấy người ấy bước đi và tôn vinh Đức Chúa Trời.

Hết thảy dân chúng” là hết thảy những người I-sơ-ra-ên và có thể một số người dân ngoại đang có mặt từ bên ngoài đến bên trong Đền Thờ. Có thể, khi Phi-e-rơ truyền cho người què trỗi dậy và bước đi thì chỉ có một số người gần đó chứng kiến. Nhưng khi người ấy vừa đi, vừa nhảy, vừa tôn vinh Đức Chúa Trời, đi từ Cửa Đẹp, xuyên qua dưới Mái Hiên của Sa-lô-môn thì mọi người đều nghe và thấy.

10 Họ đã biết rằng, ấy là người đã ngồi để xin sự bố thí tại Cửa Đẹp của Đền Thờ. Họ đầy sự bỡ ngỡ và sững sờ về việc đã xảy ra cho người ấy.

Hết thảy những người nghe người ấy tôn vinh Đức Chúa Trời và nhìn thấy người ấy vừa đi, vừa nhảy đều nhận ra, “ấy là người đã ngồi để xin sự bố thí tại Cửa Đẹp của Đền Thờ” trong gần 40 năm qua. Lẽ tự nhiên là họ đều “đầy sự bỡ ngỡ và sững sờ về việc đã xảy ra cho người ấy”. Bỡ ngỡ là không kịp nhận thức đầy đủ để đánh giá sự việc. Sững sờ là sự ngạc nhiên quá lớn, không biết phải phản ứng như thế nào.

Dấu kỳ là hiện tượng siêu nhiên. Phép lạ là việc làm siêu nhiên. Dấu kỳ và phép lạ luôn khiến cho người chứng kiến bỡ ngỡ và sững sờ. Điều quan trọng là sau giây phút bỡ ngỡ và sững sờ thì một người cần hiểu và phản ứng như thế nào; có biết phân biệt dấu kỳ và phép lạ đến từ Chúa với dấu kỳ và phép lạ đến từ tà linh, hay không. Vì dấu kỳ và phép lạ là điều mà ma quỷ và tôi tớ của chúng cũng có thể làm ra. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã cảnh báo về sự trong những ngày cuối cùng, sẽ có nhiều Christ giả và tiên tri giả xuất hiện, dùng dấu kỳ và phép lạ để lừa gạt nhiều người, kể cả những người được chọn cũng có thể bị gạt.

Vì những Christ giả và những tiên tri giả sẽ nổi lên. Chúng sẽ làm ra những dấu kỳ và những phép lạ lớn, đến nỗi, nếu được thì chúng cũng sẽ dẫn lạc lối những người được chọn.” (Ma-thi-ơ 24:24).

Trong Phong Trào Ân Tứ Ngũ Tuần, nói tiếng lạ, đặt tay té ngã có nhiều dấu kỳ và phép lạ xảy ra; nhưng chúng không đến từ Thiên Chúa mà đến từ các tà linh. Ấn chứng rõ ràng nhất là những người làm ra các dấu kỳ, phép lạ ấy cùng với những người nhận lãnh các dấu kỳ, phép lạ ấy không hề có nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa. Các giáo lý họ giảng dạy và tin nhận bao gồm nhiều tà giáo, là những điều không có trong Thánh Kinh hoặc là những diễn giải sai trật Thánh Kinh [2].

Xét về phương diện thuộc linh, sau khi một người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì người ấy được Đức Chúa Trời chữa lành thuộc linh, nếp sống của người ấy biến đổi hoàn toàn. Nếp sống của người ấy trở thành sự tôn vinh Thiên Chúa mà những người khác đều nhìn biết. Nhưng cũng có một số người hiểu biết ý nghĩa sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, ngoài miệng xưng nhận đức tin vào Tin Lành, mà trong lòng thì chưa từ bỏ sự kiêu ngạo là điều đứng đầu và phát sinh ra các tội lỗi khác. Những người như vậy chỉ muốn mượn danh Chúa để tạo sự vinh quang cho chính mình, muốn được mọi người thán phục mình. Điển hình trong Thánh Kinh là vợ chồng A-na-nia, Sa-phi-ra và thuật sĩ Si-môn. Điển hình trong thế gian ngày nay là những người trong Phong Trào Ân Tứ Ngũ Tuần. Những người như vậy chẳng những không làm tôn vinh Thiên Chúa mà còn làm cho danh Chúa bị người không tin Chúa xúc phạm.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/05/2021

Ghi Chú

[1] http://pray4zion.org/GateofMercy.html

[2] https://od.lk/d/NV8xNDIxODIyNzFf/SuThatVeHienTuongNoiTiengLaDatTayTeNga.pdf

Karaoke Thánh Ca: “Tôn Vinh Ba Ngôi Thiên Chúa”
https://karaokethanhca.net/ton-vinh-ba-ngoi-thien-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.