Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 06:01-07 Hội Thánh Thiết Lập Chức Vụ Chấp Sự

1,767 views

YouTube: https://youtu.be/7fIDvnx-Zwc

44016 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1-7
Hội Thánh Thiết Lập Chức Vụ Chấp Sự
 

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1-7

1 Trong những ngày đó, những môn đồ đã thêm lên. Đã xảy ra sự lầm bầm của những người Hê-lê-nít nghịch lại những người Hê-bơ-rơ, vì những quả phụ của họ đã bị bỏ bê trong sự phục vụ thức ăn hàng ngày.

2 Mười hai sứ đồ đã gọi đám đông những môn đồ nhóm lại mà nói: Đó không phải là lý do khiến chúng ta bỏ Lời của Đức Chúa Trời để phục vụ các bàn ăn.

3 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy tìm trong các anh chị em bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng, để chúng ta sẽ giao cho việc này.

4 Còn chúng ta thì sẽ tiếp tục sự cầu nguyện và sự phục vụ Lời.

5 Lời nói ấy đã khiến cả hội chúng đẹp lòng. Họ đã chọn Ê-tiên, là người đầy đức tin và thánh linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na, và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo Do-thái Giáo.

6 Họ đã đặt các người ấy trước các sứ đồ. Các sứ đồ đã cầu nguyện và đặt tay lên các người ấy.

7 Lời của Đức Chúa Trời đã gia tăng. Số những môn đồ đã được thêm rất nhiều trong Giê-ru-sa-lem. Cũng có đám đông lớn các thầy tế lễ đã vâng phục đức tin.

Chúng ta đã biết rằng, các chức vụ trong Hội Thánh được Đức Chúa Trời thiết lập; được Đức Chúa Jesus Christ ban cho một số người trong Hội Thánh; và những người ấy được Đức Thánh Linh ban cho thẩm quyền, năng lực, cùng các ân tứ để hoàn thành chức vụ.

Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy.” (Ê-phê-sô 4:11).

Nhưng chức vụ chấp sự là do Hội Thánh thiết lập, qua sự hướng dẫn của các sứ đồ. Dù vậy, phẩm chất của người được chọn làm chấp sự cũng giống như phẩm chất của các giám mục. Chúng ta có thể xem Công Vụ Các Sứ Đồ 6:3 và I Ti-mô-thê 3:8-13 là tiêu chuẩn Đức Thánh Linh đưa ra để Hội Thánh lựa chọn chấp sự.

Từ ngữ “chấp sự” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là: thi hành công tác. Chấp là làm theo, là thực hiện. Sự là công tác được giao phó. Người chấp sự là người làm công việc được Hội Thánh giao cho. Trong nguyên tác Hy-lạp, động từ “διακονέω” /đi-a-kô-neo/ (G1247), có nghĩa là: hầu bàn ăn hoặc phục vụ người khác, chăm lo cho nhu cầu của người khác.

Chức vụ chấp sự được lập ra trong Hội Thánh ban đầu tại Giê-ru-sa-lem là để có một số người chuyên trách việc phân phối thức ăn hàng ngày trong Hội Thánh. Nhưng việc phân phối thức ăn chỉ là một trong các việc làm của người chấp sự. Nói chung, chấp sự là người giúp phân phối các nhu cầu vật chất cho con dân Chúa trong Hội Thánh.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về nguyên cớ và cách thức chọn người làm chấp sự trong Hội Thánh.

1 Trong những ngày đó, những môn đồ đã thêm lên. Đã xảy ra sự lầm bầm của những người Hê-lê-nít nghịch lại những người Hê-bơ-rơ, vì những quả phụ của họ đã bị bỏ bê trong sự phục vụ thức ăn hàng ngày.

Trong những ngày đó” là trong những ngày các sứ đồ của Chúa cứ dạn dĩ, giảng dạy Lời Chúa và rao giảng Tin Lành trong Đền Thờ, trong các nhà riêng của con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem; bất chấp sự ngăn cấm của Tòa Công Luận. Số người được thêm vào Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trong lúc đó có thể đã lên đến cả chục ngàn người. Mọi sự đều là mới mẻ đối với Hội Thánh. Chính bản thân của Hội Thánh cũng là mới mẻ. Vì thế, không thể tránh được những sự thiếu sót xảy ra. Chúa cho phép những sự thiếu sót xảy ra để con dân Chúa học tập và ý thức được bổn phận, trách nhiệm đối với bản thân, đối với nhau, và đối với Chúa.

Riêng về việc phân phối thức ăn hàng ngày trong Hội Thánh, cho tới thời điểm đó, chưa hề có một sự tổ chức chính thức. Có thể những người có khả năng làm thức ăn đã đem thức ăn đến các điểm nhóm hiệp của Hội Thánh. Có thể ai đó đã được phân công đi mua thức ăn, đem đến các điểm nhóm hiệp của Hội Thánh. Nhưng không có ai là người chính thức đứng ra chịu trách nhiệm.

Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem lúc đó, bao gồm những người I-sơ-ra-ên sống tại Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận, cùng những người I-sơ-ra-ên từ các tỉnh khác trong đế quốc La-mã về dự Lễ Ngũ Tuần. Những người từ các tỉnh xa ấy đã tin nhận Tin Lành, vẫn còn lưu lại Giê-ru-sa-lem để nhóm hiệp, thờ phượng Chúa và học Lời Chúa. Những người I-sơ-ra-ên sống tại Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận thì nói tiếng A-ra-mai, và được gọi là người Hê-bơ-rơ. Vì khi ấy, tiếng A-ra-mai là ngôn ngữ chính của con cháu Áp-ra-ham sống tại Ca-na-an. Những người I-sơ-ra-ên sống ngoài lãnh thổ Ca-na-an thì nói tiếng Hy-lạp, và được gọi là người Hê-lê-nít. Danh từ Hê-lê-nít có nghĩa là người nói tiếng Hy-lạp.

Có lẽ một phần vì sự chưa có sự tổ chức phân công trong Hội Thánh, một phần vì sự bất đồng ngôn ngữ mà những con dân Chúa là những quả phụ nói tiếng Hy-lạp đã không được chăm sóc chu đáo trong sự ăn uống. Vì thế, con dân Chúa người Hê-lê-nít đã thầm lên tiếng than phiền với nhau.

Động từ “lầm bầm” (G1112) có nghĩa là thầm lén than phiền, không công khai đặt vấn đề.

Các sứ đồ nghe được sự than phiền này nên đã đứng ra, giải quyết vấn đề.

2 Mười hai sứ đồ đã gọi đám đông những môn đồ nhóm lại mà nói: Đó không phải là lý do khiến chúng ta bỏ Lời của Đức Chúa Trời để phục vụ các bàn ăn.

Cả mười hai sứ đồ đã triệu tập toàn thể Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem nhóm hiệp để đưa ra cách thức giải quyết nan đề đầu tiên trong Hội Thánh. Mặc dù các sứ đồ là các trưởng lão lãnh đạo Hội Thánh, nhưng họ không thể dùng thời gian chăm lo thuộc linh cho con dân Chúa để giải quyết các nhu cầu thuộc thể của con dân Chúa. Sự chăm sóc thuộc linh và thuộc thể đều là việc làm toàn thời gian.

Bỏ Lời của Đức Chúa Trời” là bỏ việc suy ngẫm và giảng dạy Thánh Kinh cho Hội Thánh lẫn cho người chưa biết Chúa. Đối với người chưa biết Chúa là rao giảng Tin Lành.

Phục vụ các bàn ăn” là lo việc phân phối thức ăn trong Hội Thánh.

Công việc rao giảng Lời Chúa cần có thời gian cầu nguyện, suy ngẫm, cùng với thời gian giảng dạy.

Công việc phục vụ các bàn ăn cũng cần có thời gian quản lý tài nguyên, mua sắm thức ăn, chế biến thức ăn, và phân phối thức ăn.

Sự thiếu sót trong sự phân phát thức ăn cho các quả phụ người Hê-lê-nít thời ấy không phải là lý do để các sứ đồ bỏ qua việc suy ngẫm, giảng dạy Lời Chúa mà phụ trách việc phân phối thức ăn trong Hội Thánh sao cho chu toàn. Sự phục vụ thức ăn thuộc linh quan trọng hơn nhiều so với sự phục vụ thức ăn thuộc thể. Sự phục vụ thức ăn thuộc linh chu toàn dẫn đến sự sống đời đời cho người được phục vụ. Sự phục vụ thức ăn thuộc thể chu toàn chỉ có thể nuôi sống thân thể xác thịt của người được phục vụ trong một thời gian.

Chúng ta cũng học được điều này, những người được Chúa ban cho các chức vụ rao giảng Lời Chúa đã không nên phụ trách các việc phục vụ thuộc thể con dân Chúa trong Hội Thánh, thì lại càng không nên tốn thời gian cho những việc làm phục vụ công ích xã hội. Họ đã được Chúa kêu gọi và ban cho chức vụ, biệt riêng cho sự giảng dạy Lời Chúa và rao giảng Tin Lành. Họ phải làm tròn thiên chức trước Chúa, trước Hội Thánh, và trước thế gian.

3 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy tìm trong các anh chị em bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng, để chúng ta sẽ giao cho việc này.

Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem lúc ấy đã lên đến trên 5.000 người. Có thể đã đến khoảng 10.000 người. Chúng ta có thể hiểu rằng, ngoài sự từng nhóm nhỏ nhóm hiệp tại nhà riêng của mỗi con dân Chúa và cùng ăn chung bữa tối với nhau, còn có sự nhiều người mỗi ngày nhóm hiệp tại Đền Thờ; và sau đó, đã kéo về nơi cư trú của các sứ đồ để cùng ăn tối với nhau. Thời bấy giờ, bữa ăn tối của con dân Chúa bao gồm Tiệc Thánh, là nghi thức để nói lên đức tin của Hội Thánh trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ và cũng là nghi thức tiêu biểu cho sự thông công, hiệp một của Hội Thánh.

Nơi cư trú của các sứ đồ trước đó đã có thể chứa khoảng 120 người, nhưng sau khi Hội Thánh được thành lập thì có lẽ số người thường xuyên nhóm hiệp đã thêm lên nhiều. Chúng ta không biết con số cụ thể là bao nhiêu. Có lẽ vấn đề về phân phát thức ăn đã xảy ra tại đó, khi con dân Chúa đến từ các nơi xa, chỉ biết nói tiếng Hy-lạp, có khuynh hướng tập trung tại nơi cư trú của các sứ đồ. Bảy chấp sự là đủ để phụ trách việc ăn uống cho vài trăm người. Tuy nhiên, con số bảy cũng tượng trưng cho sự trọn vẹn về thuộc linh, như: bảy ngày sáng tạo, bảy chân đèn, chân đèn bảy ngọn, bảy Hội Thánh địa phương vùng Tiểu Á…

Dù các chấp sự được giao cho việc phục vụ bàn ăn, nhưng điều kiện tuyển chọn là: có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng.

Người có tiếng tốt là được nhiều người công nhận về nếp sống công chính. Người đầy dẫy thánh linh là người thật sự không còn hướng về thế gian mà chỉ hướng về Chúa và những sự thuộc về Chúa. Người đầy dẫy sự khôn sáng là người được Đức Thánh Linh dẫn dắt.

Nếu việc phục vụ bàn ăn trong Hội Thánh đòi hỏi một người phải có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng thì thử hỏi, còn có bao nhiêu việc khác trong Hội Thánh cũng đòi hỏi người phụ trách có cùng một phẩm chất? Thực tế, Lời Chúa trong I Ti-mô-thê 3:8-13 [1] đã ghi ra chi tiết về các phẩm chất của một chấp sự mà khi so sánh với phẩm chất của một giám mục (I Ti-mô-thê 3:1-7) thì không có sự khác xa.

I Ti-mô-thê 3:8-13

8 Những chấp sự cũng phải đáng tôn trọng, không nói hai lời, không ghiền rượu, không tham lợi,

9 giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin trong một lương tâm thanh sạch.

10 Những người ấy cũng phải chịu thử nghiệm trước, rồi họ mới phục vụ cách không chỗ trách được.

11 Những phụ nữ cũng vậy, đáng tôn trọng, không vu khống, không say rượu, trung tín trong mọi sự.

12 Những chấp sự là những người chồng của một vợ, khéo cai trị con cái và nhà riêng của họ.

13 Vì ai khéo phục vụ thì đạt được cho mình sự cao trọng, và lòng dạn dĩ lớn trong đức tin, là sự ở trong Đấng Christ Jesus.

Qua Lời Chúa, chúng ta thấy, phẩm chất của người phục vụ thuộc thể và phẩm chất của người phục vụ thuộc linh là giống nhau. Hay nói cách khác, nếp sống thuộc thể và thuộc linh của con dân Chúa đều phải dựa trên cùng một phẩm chất, đó là đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng để luôn đem lại tiếng tốt cho con dân Chúa trong mọi nơi, trong mọi lúc, làm tôn vinh Thiên Chúa.

4 Còn chúng ta thì sẽ tiếp tục sự cầu nguyện và sự phục vụ Lời.

Câu này tóm gọn bổn phận của các sứ đồ, đó là cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa.

Sự cầu nguyện của các sứ đồ, ngoài cầu nguyện tôn vinh, cảm tạ Chúa, và dâng trình những nhu cầu, nan đề của mình lên Chúa, còn là cầu nguyện cho Hội Thánh và cầu nguyện cho mục vụ rao giảng Tin Lành. Nhưng trên hết là sự tương giao riêng tư của mỗi sứ đồ với Chúa, sự mỗi sứ đồ tâm sự với Chúa và lắng nghe sự phán dạy từ Chúa.

Danh từ “Lời” trong câu này có mạo từ xác định đứng trước, có thể dịch là “Ngôi Lời” để nói rằng, các sứ đồ phục vụ Thiên Chúa Ngôi Lời. Chúng ta có thể hiểu rằng, “phục vụ Lời” vừa là phục vụ Thiên Chúa Ngôi Lời vừa là phục vụ mọi lời giảng dạy của Ngài.

Trong thực tế, các sứ đồ cầu nguyện và phục vụ Lời trong chức vụ sứ đồ của họ; nhưng mỗi con dân Chúa cũng cầu nguyện và phục vụ Lời trong chức vụ thầy tế lễ của mỗi người. Mỗi con dân Chúa cần dâng lời cầu nguyện tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa; dâng lời cầu nguyện về các nhu cầu và nan đề của mình; dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh và cho mục vụ rao giảng Tin Lành. Mỗi con dân Chúa cần có sự tương giao riêng với Chúa trong sự tâm tình với Chúa và lắng nghe tiếng Chúa. Mỗi con dân Chúa phục vụ Chúa bằng cách sống theo Lời Chúa, làm tôn vinh danh Chúa; rao giảng về Chúa cho người chưa biết Chúa; và yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình. Bất cứ những gì chúng ta làm cho anh chị em cùng Cha là chúng ta làm cho Đấng Christ; và bất cứ điều phải lẽ nào chúng ta từ chối làm cho các anh chị em cùng Cha là chúng ta từ chối làm cho Đấng Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46).

5 Lời nói ấy đã khiến cả hội chúng đẹp lòng. Họ đã chọn Ê-tiên, là người đầy đức tin và thánh linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na, và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo Do-thái Giáo.

Cả hội chúng đẹp lòng” là tất cả những người có mặt, dù là người cư trú tại Giê-ru-sa-lem hay người đến từ các nơi xa, đều chấp nhận lời nói của các sứ đồ là phải lẽ.

Câu này không hàm ý chỉ có mỗi Ê-tiên là người đầy đức tin và thánh linh. Ngữ pháp Hy-lạp của câu này hàm ý, các người còn lại cũng đầy đức tin và thánh linh. Câu văn có thể dịch như sau: “Lời nói ấy đã khiến cả hội chúng đẹp lòng. Họ đã chọn Ê-tiên, là người đầy đức tin và thánh linh, cũng như Phi-líp, cũng như Bô-cô-rơ, cũng như Ni-ca-no, cũng như Ti-môn, cũng như Ba-mê-na, cũng như Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo Do-thái Giáo.”

Dựa theo tên của bảy người được chọn làm chấp sự, chúng ta có thể hiểu rằng, cả bảy người đều là người nói tiếng Hy-lạp, vì tên của họ là tên trong tiếng Hy-lạp. Hội Thánh đã chọn ra bảy người nói tiếng Hy-lạp làm chấp sự để bảo đảm sự sơ sót vì trở ngại ngôn ngữ, trong sự phục vụ đối với những người I-sơ-ra-ên chỉ biết nói tiếng Hy-lạp, sẽ không xảy ra.

Riêng Ni-cô-la được ghi rõ là “người An-ti-ốt mới theo Do-thái Giáo” có lẽ là vì ông là người I-sơ-ra-ên được sinh ra và lớn lên tại An-ti-ốt; nhưng không thờ phượng Đức Chúa Trời từ khi còn thơ ấu, mà chỉ mới tin nhận và thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách thức của Do-thái Giáo không bao lâu. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, Ni-cô-la đến Giê-ru-sa-lem để tham dự Lễ Ngũ Tuần (còn gọi là Lễ Các Tuần Lễ) là một trong ba kỳ lễ hội mà Đức Chúa Trời đã truyền cho dân I-sơ-ra-ên từ khắp nơi phải về Giê-ru-sa-lem để tham dự (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:23; Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16).

Cũng có thể, Ni-cô-la là người Hy-lạp và đã chọn tin nhận Đức Chúa Trời của dân I-sơ-ra-ên, chịu làm lễ cắt bì để nhập tịch I-sơ-ra-ên. Lời Chúa cho phép một người không phải I-sơ-ra-ên được nhập tịch I-sơ-ra-ên và thờ phượng Đức Chúa Trời:

Khi một khách ngoại bang kiều ngụ với ngươi, muốn giữ Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì mọi người nam của người ấy phải chịu cắt bì; rồi người ấy đến gần, giữ lễ, và trở nên người bản xứ của đất. Nhưng bất cứ ai không chịu cắt bì thì chẳng được ăn.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:48).

Các con của người dân ngoại kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát không làm ô uế nó, và giữ lời giao ước của Ta, thì Ta sẽ đem họ đến núi thánh của Ta, và làm cho họ được vui mừng trong nhà cầu nguyện của Ta. Các của lễ thiêu và các sinh tế của họ sẽ được nhận lấy trên bàn thờ của Ta; vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc. Chúa, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng thu thập dân tan lạc của I-sơ-ra-ên, phán: Ta sẽ thu thập các dân khác cùng nó, cùng những người đã được thu thập của nó.” (Ê-sai 56:6-8).

Dù là người mới tin nhận và thờ phượng Chúa và cũng mới tin nhận Tin Lành, nhưng Ni-cô-la đã được những người quen biết ông công nhận ông là người có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng. Chúng ta cũng có thể tin rằng, chính Đức Thánh Linh đã ấn chứng như vậy, trong thần trí của những người chọn Ni-cô-la vào chức vụ chấp sự.

Một số nhà giải kinh cho rằng, về sau, Chấp Sự Ni-cô-la đã đem tà giáo vào Hội Thánh tại Ê-phê-sô [2] và Hội Thánh tại Bẹt-găm [3]. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào trong Thánh Kinh hay trong lịch sử Hội Thánh xác nhận điều ấy. Nhóm chữ “bọn Ni-cô-la” hay “giáo lý của Ni-cô-la” có thể là phong trào tà giáo trong Hội Thánh vào cuối thế kỷ thứ nhất, không liên quan gì đến Chấp Sự Ni-cô-la.

6 Họ đã đặt các người ấy trước các sứ đồ. Các sứ đồ đã cầu nguyện và đặt tay lên các người ấy.

Sau khi chọn ra bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng, Hội Thánh đã đặt bảy người ấy trước các sứ đồ. Các sứ đồ đã cầu nguyện cảm tạ Chúa và dâng họ lên Chúa. Sự đặt tay của các sứ đồ trên họ bày tỏ rằng, các sứ đồ công nhận quyết định của Hội Thánh, công nhận chức vụ của họ, và chúc phước cho họ. Xin đọc thêm về ý nghĩa của sự đặt tay trong bài giảng “Chú Giải I Ti-mô-thê 05:17-25” [4].

7 Lời của Đức Chúa Trời đã gia tăng. Số những môn đồ đã được thêm rất nhiều trong Giê-ru-sa-lem. Cũng có đám đông lớn các thầy tế lễ đã vâng phục đức tin.

Nhóm chữ “Lời của Đức Chúa Trời” được dùng trong câu này để chỉ mọi lời rao giảng về Tin Lành. Sự rao giảng Tin Lành ngày càng gia tăng vì số người tin nhận ngày càng nhiều; và những người tin nhận đã trực tiếp rao giảng Tin Lành mà họ đã tin nhận. Cho tới thời điểm ấy, Tin Lành chỉ mới được rao giảng tại Giê-ru-sa-lem. Vì thế, số người tin nhận đa số là cư dân của thành Giê-ru-sa-lem; kế tiếp là những người I-sơ-ra-ên có lòng tin kính Chúa từ các tỉnh thành trong đế quốc La-mã, về dự Lễ Hội Ngũ Tuần trước đó, vẫn còn lưu lại Giê-ru-sa-lem. Sau khi được chứng kiến những dấu kỳ, phép lạ, được nghe các sứ đồ rao giảng, được nghe lời chứng từ những người đã tin, thì những người I-sơ-ra-ên từ các nơi viễn xứ này đã tin nhận Tin Lành. Họ chính là lực lượng đem Tin Lành đến tận các vùng xa xôi trên lãnh thổ của đế quốc La-mã, sau khi họ đã về lại nơi cư trú của họ.

Điều đặc biệt là trong số những người tin nhận Tin Lành tại Giê-ru-sa-lem đã có nhiều người vốn là thầy tế lễ. Họ có thể vốn thuộc phái Sa-đu-sê hoặc thuộc phái Pha-ri-si; nhưng giờ đây, họ đã trở thành những môn đồ của Đấng Christ.

Nhóm chữ “vâng phục đức tin” có nghĩa là chấp nhận và sống theo những gì đã tin mà Chúa đã bày tỏ cho họ qua các lời rao giảng của các sứ đồ, được đối chiếu với Lời Chúa. Vâng phục đức tin tức là thể hiện đức tin thành hành động mà Thánh Kinh gọi là đức tin có việc làm (Gia-cơ 2:17-26).

Nguyện rằng, mỗi một chúng ta luôn đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng, luôn vâng phục đức tin để đời sống của chúng ta làm tôn cao danh Chúa và làm gương sáng cho mọi người, trong mọi nơi, trong mọi lúc.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/07/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-3_1-16/

[2] https://kytanthe.net/024-e-phe-so-hoi-thanh-da-bo-tinh-yeu-ban-dau/

[3] https://kytanthe.net/026-chu-giai-sach-khai-huyen-212-17/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-5_17-25/

Karaoke Thánh Ca: “Tình Chúa Muôn Lời Không Nói Hết”
https://karaokethanhca.net/tinh-chua-muon-loi-khong-noi-het/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.