Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 20:01-16 Phao-lô tại Ma-xê-đoan và Hy-lạp

1,056 views

YouTube: https://youtu.be/uTA_gSYhR6I

44047 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 20:1-16
Phao-lô tại Ma-xê-đoan và Hy-lạp

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Ba của Phao-lô
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/04/HanhTrinhTruyenGiao_3.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 20:1-16

1 Khi sự rối loạn yên rồi, Phao-lô đã mời các môn đồ đến, ôm chào họ, lên đường, đi đến xứ Ma-xê-đoan.

2 Người đã trải qua trong các miền ấy, dùng nhiều lời khuyên bảo họ; rồi, đi đến Hy-lạp,

3 ở lại ba tháng. Bởi những người Do-thái đã lập kế hại người, khi người sắp lên tàu đến xứ Si-ri, nên người đã có ý quay lại, ngang qua xứ Ma-xê-đoan.

4 Cùng đi với người đến A-si là Sô-ba-tê quê ở Bê-rê; A-ri-tạc và Xê-cun-đu là người Tê-sa-lô-ni-ca; Gai-út và Ti-mô-thê quê ở Đẹt-bơ; Ti-chi-cơ và Trô-phim quê ở A-si.

5 Những người này đi trước, đợi chúng tôi tại thành Trô-ách.

6 Sau những ngày của Lễ Bánh Không Men, chúng tôi đã xuống thuyền từ thành Phi-líp, trong năm ngày, đi đến với họ tại thành Trô-ách. Chúng tôi đã ở lại đó bảy ngày.

7 Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, khi các môn đồ đang nhóm lại để bẻ bánh, Phao-lô đã giảng cho họ. Người sắp ra đi vào ngày hôm sau nên đã tiếp tục bài giảng cho tới nửa đêm.

8 Có nhiều đèn trong phòng cao, nơi mà họ đang nhóm lại.

9 Có một chàng trẻ kia, tên là Ơ-tích, đã ngồi trên cửa sổ, rơi vào giấc ngủ mê. Vì Phao-lô đã giảng rất dài nên chàng đã rơi vào giấc ngủ, từ tầng lầu thứ ba ngã xuống; lúc được đỡ dậy thì đã chết.

10 Nhưng, Phao-lô đã bước xuống, nghiêng mình trên chàng, ôm lấy chàng mà nói rằng: Các anh chị em chớ bối rối, vì sự sống của người ở trong người.

11 Phao-lô đã trở lên, bẻ bánh và ăn; trò chuyện rất lâu, cho tới sáng mới đi.

12 Họ đã đem chàng trẻ đang sống đi. Họ đã được an ủi không ít.

13 Còn chúng tôi đã đi trước, lên tàu, đi tàu đến thành A-sốt. Tại đó, chúng tôi sẽ đón Phao-lô. Vì người đã sắp xếp như vậy. Người đã muốn đi đường bộ.

14 Khi người đã gặp chúng tôi tại thành A-sốt, chúng tôi đã đem người đi đến thành Mi-ti-len.

15 Từ nơi đó, chúng tôi đã đi đường biển. Ngày hôm sau, chúng tôi đã đến ngang đảo Chi-ô. Ngày kế tiếp, chúng tôi đã đến tại thành Sa-mốt. Ngày kế tiếp nữa, chúng tôi đã đến tại thành Mi-lê.

16 Vì Phao-lô đã quyết định đi tàu ngang qua thành Ê-phê-sô, bởi người không muốn phí thời gian tại A-si. Vì nếu là có thể thì người đi gấp rút để người có thể ở tại thành Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần.

Sau cuộc nổi loạn tại thành Ê-phê-sô, trước khi kết thúc hành trình truyền giáo lần thứ ba và về lại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đã ghé thăm các Hội Thánh trong xứ Ma-xê-đoan và xứ A-chai. Xứ A-chai tức là xứ Hy-lạp.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về các hoạt động của Phao-lô tại Ma-xê-đoan và Hy-lạp, trong thời điểm ấy.

1 Khi sự rối loạn yên rồi, Phao-lô đã mời các môn đồ đến, ôm chào họ, lên đường, đi đến xứ Ma-xê-đoan.

Sự rối loạn được nói đến ở đây là cuộc nổi loạn tại Ê-phê-sô do người thợ bạc tên Đê-mê-triu khích động và được viên thư ký thành phố giải tán, như đã được tường thuật trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:21-41. Có lẽ sau khi tình hình đã trở lại bình thường, Phao-lô mới mời con dân Chúa trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô nhóm hiệp lại để chào từ giã họ. Phao-lô đã chờ cho tới khi tình hình đã bình thường trở lại, ông mới rời khỏi Ê-phê-sô.

Động từ “ôm chào” (G782) được dùng để nói đến sự ôm nhau, chào đón hoặc chia tay. Vào thời ấy, sự ôm chào này bao gồm cả việc hôn lên hai bên má của người được chào. Thánh Kinh gọi đó là cái hôn thánh (Rô-ma 16:16; I Cô-rinh-tô 16:20; II Cô-rinh-tô 13:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:26).

Từ Ê-phê-sô, Phao-lô đã theo đường bộ, đến Trô-ách, rồi đi tàu sang xứ Ma-xê-đoan.

2 Người đã trải qua trong các miền ấy, dùng nhiều lời khuyên bảo họ; rồi, đi đến Hy-lạp,

3 ở lại ba tháng. Bởi những người Do-thái đã lập kế hại người, khi người sắp lên tàu đến xứ Si-ri, nên người đã có ý quay lại, ngang qua xứ Ma-xê-đoan.

Tại Ma-xê-đoan, Phao-lô đã ghé thăm con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, và Bê-rê. Đại danh từ “họ” được dùng trong câu này để chỉ con dân Chúa trong xứ Ma-xê-đoan. Chúng ta không biết Phao-lô đã ở lại Ma-xê-đoan trong bao lâu. Nhưng đây là thời điểm mà ông đã ghi lại trong thư gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, như sau:

Vì khi chúng tôi đã đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt của chúng tôi đã chẳng có sự yên nghỉ. Nhưng chúng tôi bị ép trong mọi sự. Bên ngoài là những cơn chiến trận, bên trong là những sự đáng sợ. Nhưng Đức Chúa Trời, Đấng an ủi những người ngã lòng, đã an ủi chúng tôi trong sự đến của Tít. Mà không chỉ trong sự đến của người nhưng cũng trong sự an ủi mà người đã được an ủi bởi các anh chị em. Người nói cho chúng tôi về sự khao khát của các anh chị em, sự khóc lóc của các anh chị em, lòng sốt sắng của các anh chị em đối với tôi, khiến tôi được vui mừng càng hơn.” (II Cô-rinh-tô 7:5-7).

Phao-lô đã có nhiều lời khuyên bảo dành cho con dân Chúa tại Ma-xê-đoan, trước khi đi tiếp xuống phía nam để vào xứ Hy-lạp. Danh từ “lời khuyên bảo” (G3056) cũng chính là danh từ được dịch là “Ngôi Lời” trong Giăng 1:1, khi có mạo từ xác định (G3588) đứng trước. Hoặc được dịch là “Đạo” với ý nghĩa đường lối của Đức Chúa Trời được rao giảng, như trong Lu-ca 8:12; Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44. Hoặc được dịch là “giáo lý” với nghĩa: những sự giảng dạy về Thiên Chúa và Lời Chúa, như trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1; I Ti-mô-thê 4:6. Nhưng khi dùng không có mạo từ xác định đứng trước, như trong câu này, thì hàm ý, những lời tâm tình, khuyên bảo, làm chứng, chia sẻ, giảng dạy dựa trên Lời Chúa, và ngay cả những sự giảng dạy Lời Chúa. Những trưởng lão có bổn phận luôn dùng nhiều lời khuyên bảo con dân Chúa trong Hội Thánh.

Tại Hy-lạp, Phao-lô đã ở lại ba tháng với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Đây là thời điểm sau khi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã nhận được lá thư II Cô-rinh-tô. Thời điểm người phạm tội tà dâm trong Hội Thánh bị dứt thông công đã ăn năn và được Hội Thánh tiếp nhận trở lại (I Cô-rinh-tô 5:1-5; II Cô-rinh-tô 2:5-8). Thời điểm các giáo sư giả đã bị loại ra khỏi Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 10:2, 12). Thời điểm Hội Thánh đã sốt sắng quyên góp cho sự tiếp trợ con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê, đang ở trong nạn đói kém.

Khi Phao-lô định lên tàu để quay về xứ Si-ri thì ông biết được những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo có âm mưu hại ông. Có thể đây là âm mưu giết Phao-lô trên đường ông từ Cô-rinh-tô ra bến tàu ở Xen-cơ-rê. Đó là một chặng đường dài khoảng 13 km. Hoặc là họ đã sắp xếp, thuê người giết ông trên tàu. Vì thế, Phao-lô đã đổi ý, đi đường bộ, quay lại thành Phi-líp của xứ Ma-xê-đoan; rồi, mới từ Phi-líp đi tàu sang thành Trô-ách của A-si.

Chúng ta học được một điều quan trọng ở đây. Khi Chúa cho chúng ta biết, có những âm mưu hãm hại chúng ta thì chúng ta phải nhanh chóng thay đổi kế hoạch, dự định của mình, để tránh không bị rơi vào âm mưu của những kẻ ác. Ngoài ra, trước những sự bách hại đức tin của chúng ta thì chúng ta cần phải trốn sang địa phương khác, thậm chí, trốn sang quốc gia khác (Ma-thi-ơ 10:23). Thánh Kinh đã ghi lại nhiều trường hợp điển hình, như: Giô-sép và Ma-ri đã đem Đức Chúa Jesus trốn qua xứ Ê-díp-tô khi Đức Chúa Jesus bị Vua Hê-rốt truy giết; Đức Chúa Jesus lánh qua xứ Ga-la-ti khi nghe tin Giăng Báp-tít bị tù; Đức Chúa Jesus lánh khỏi Đền Thờ khi có đám đông muốn ném đá Ngài… Tuy nhiên, cũng có trường hợp Chúa muốn chúng ta phải đối diện với sự bị bách hại, thì Ngài sẽ phán dạy trong thần trí của chúng ta, như trường hợp Phao-lô quyết tâm về lại Giê-ru-sa-lem, dù được nhiều người ngăn cản.

4 Cùng đi với người đến A-si là Sô-ba-tê quê ở Bê-rê; A-ri-tạc và Xê-cun-đu là người Tê-sa-lô-ni-ca; Gai-út và Ti-mô-thê quê ở Đẹt-bơ; Ti-chi-cơ và Trô-phim quê ở A-si.

5 Những người này đi trước, đợi chúng tôi tại thành Trô-ách.

Từ Cô-rinh-tô, đi đường bộ ngược lên hướng bắc, băng qua xứ Ma-xê-đoan để đến thành Phi-líp, trước khi lên tàu về lại thành Trô-ách của cõi A-si, nhóm của Phao-lô có ít nhất là mười người. Bảy người đi trước, còn Phao-lô, Si-la, và Lu-ca đi sau.

Thánh Kinh không nói gì hơn về Sô-ba-tê và Xê-cun-đu ngoài việc nêu tên của họ trong câu này.

A-ri-tạc có được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29, khi bị đám dân nổi loạn bắt cùng với Gai-út và giải đến rạp hát; trong Công Vụ Các Sứ Đồ 27:2, khi ông lên tàu cùng đi với Phao-lô, khi Phao-lô bị giải giao đến thành Rô-ma. Ông cũng được Phao-lô gọi là bạn đồng công trong Phi-lê-môn câu 24 và bạn tù trong Cô-lô-se 4:10.

Chi tiết về Ti-chi-cơ được nói đến trong Ê-phê-sô 6:21-22; Cô-lô-se 4:7; Tít 3:12; II Ti-mô-thê 4:12.

Trô-phim còn được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 21:29 và II Ti-mô-thê 4:20.

6 Sau những ngày của Lễ Bánh Không Men, chúng tôi đã xuống thuyền từ thành Phi-líp, trong năm ngày, đi đến với họ tại thành Trô-ách. Chúng tôi đã ở lại đó bảy ngày.

Theo ý của câu này thì Phao-lô, Si-la, và Lu-ca đã dự Lễ Bánh Không Men tại thành Phi-líp. Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày. Ngày đầu và ngày cuối của lễ đều là ngày nghỉ làm việc và được xem là ngày Sa-bát (Sa-bát có nghĩa là lễ nghỉ ngơi) cho dù có khi hai ngày ấy không rơi vào ngày Thứ Bảy cuối tuần. Ngày cuối cùng của Lễ Bánh Không Men được nói đến trong câu này nhằm Thứ Hai, ngày 01/04/58, theo Lịch Grê-go-ri-an (Gregorian) ngày nay. Như vậy, Phao-lô đã lên tàu tại Phi-líp vào ngày Thứ Ba và đến Trô-ách vào ngày Thứ Bảy, là ngày Sa-bát. Phao-lô và các bạn của ông đã ở lại Trô-ách bảy ngày. Trong ngày Sa-bát thứ nhì, sau khi đặt chân đến Trô-ách, Phao-lô đã nhóm hiệp với Hội Thánh tại đó và giảng cho Hội Thánh.

7 Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, khi các môn đồ đang nhóm lại để bẻ bánh, Phao-lô đã giảng cho họ. Người sắp ra đi vào ngày hôm sau nên đã tiếp tục bài giảng cho tới nửa đêm.

Danh từ “ngày Sa-bát” trong câu này được dùng với hình thức số nhiều để nói đến nhiều ngày Sa-bát.

Mệnh đề “vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” được dùng trong trường hợp này để nói đến ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, sau hai ngày Sa-bát cuối tuần, mà Phao-lô và các bạn của ông lưu lại Trô-ách, cùng với ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men, trước khi Phao-lô và các bạn của ông rời thành Phi-líp.

Ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men khi ấy nhằm Thứ Hai 01/04/58. Ngày Sa-bát cuối tuần thứ nhất nhằm Thứ Bảy 06/04/58, khi Phao-lô và các bạn của ông đến hải cảng của Trô-ách. Ngày Sa-bát cuối tuần thứ nhì, trước khi Phao-lô và các bạn của ông rời Trô-ách, nhằm Thứ Bảy 13/04/58 [1].

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, trong Thánh Kinh Tân Ước còn hai trường hợp khác dùng mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát”.

  • Trường hợp thứ nhất: ngày Thứ Nhất sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần được nói đến trong Ma-thi-ơ 28:1; Mác 16:2; Lu-ca 24:1; Giăng 20:1, 19. Đó là Chủ Nhật 11/04/27. Đức Chúa Jesus đã phục sinh vào chiều ngày Sa-bát Thứ Bảy hôm trước [2], [3].

  • Trường hợp thứ nhì: ngày Thứ Nhất sau mỗi ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần được nói đến trong I Cô-rinh-tô 16:2. Phao-lô dặn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô vào ngày Thứ Nhất sau mỗi ngày Sa-bát, là lúc họ đã đi làm trở lại, thì hãy để dành một phần tiền công của họ. Mục đích là để dâng lên Chúa cho sự tiếp trợ con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê đang bị nạn đói.

Ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men năm 58 nhằm Thứ Hai 01/04/58,
theo Lịch Grê-go-ri-an [4]

Động từ “bẻ bánh” (G2806 G740) được dùng trong Hội Thánh để nói đến nghi thức tưởng nhớ Đức Chúa Jesus, mà chúng ta gọi là “Tiệc Thánh”, thường kèm theo sau bữa ăn tối, như được dùng trong câu này và trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46. Đó là sự con dân Chúa bẻ bánh không men, chia cho nhau ăn; rồi cùng nhau uống nước nho. Bánh không men tiêu biểu cho thân thể vô tội của Chúa đã vì loài người mà vỡ ra. Nước nho tiêu biểu cho máu, là sự sống của Chúa, đã vì loài người mà đổ ra (I Cô-rinh-tô 11:23-32). Nên nhớ là nước nho chứ không phải rượu nho. Khi nói đến bữa ăn tối mà không kèm theo Tiệc Thánh thì không dùng động từ “bẻ bánh”, mà dùng động từ “ăn bữa ăn” (G1172), như trong Lu-ca 17:8; Khải Huyền 3:20. Hội Thánh lúc ban đầu thường dự Tiệc Thánh trong các bữa ăn tối, sau khi đã ăn xong bữa ăn. Ngày nay, chúng ta dự Tiệc Thánh cách tượng trưng trong các buổi nhóm. Nhưng khi có cơ hội thì cũng nên dự Tiệc Thánh sau bữa ăn tối trong gia đình hoặc trong Hội Thánh. Chúng ta có thể “bẻ bánh” bất cứ lúc nào để nhớ đến Chúa.

Mệnh đề “khi các môn đồ đang nhóm lại để bẻ bánh, Phao-lô đã giảng cho họ” có nghĩa là khi các môn đồ cùng nhau dự Tiệc Thánh, sau bữa ăn tối, thì Phao-lô đã giảng cho họ trong buổi nhóm chiều ngày Sa-bát Thứ Bảy kéo dài sang tối ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Cách tính ngày của Thánh Kinh là sau khi mặt trời lặn thì sang ngày mới. Lý do Phao-lô đã kéo dài buổi giảng là vì ông dự định sẽ rời Trô-ách vào hôm sau, tức ngày Thứ Nhất, mà ông lại có quá nhiều điều để giảng cho Hội Thánh. Vì thế, Phao-lô đã giảng từ chiều Sa-bát Thứ Bảy cho tới nửa đêm của ngày Thứ Nhất.

Câu Thánh Kinh này hoàn toàn không nói rằng, các môn đồ có thói quen tổ chức nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, trong tuần. Lý do họ nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất trong trường hợp này là vì buổi nhóm đã kéo dài từ chiều ngày Sa-bát Thứ Bảy sang nửa đêm của ngày Thứ Nhất.

8 Có nhiều đèn trong phòng cao, nơi mà họ đang nhóm lại.

9 Có một chàng trẻ kia, tên là Ơ-tích, đã ngồi trên cửa sổ, rơi vào giấc ngủ mê. Vì Phao-lô đã giảng rất dài nên chàng đã rơi vào giấc ngủ, từ tầng lầu thứ ba ngã xuống; lúc được đỡ dậy thì đã chết.

Buổi nhóm đã diễn ra trong một phòng cao, có nhiều đèn. Một chàng thiếu niên tên là Ơ-tích đã ngồi trên thành cửa sổ để nghe giảng. Nhưng vì bài giảng quá dài, nên chàng đã ngủ mê và ngã từ chỗ ngồi ở tầng lầu thứ ba xuống đất. Chiều cao từ thành cửa sổ của tầng lầu thứ ba xuống mặt đất có lẽ vào khoảng mười mét. Khi được đỡ dậy thì Ơ-tích đã chết.

Chúng ta cần thông cảm cho Ơ-tích, một thiếu niên có lòng sốt sắng nghe Phao-lô giảng Lời Chúa nhưng không thể thức khuya nên đã ngủ mê trong khi nghe giảng. Nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua sự ma quỷ có thể nhúng tay trong trường hợp này để gây ra cái chết của Ơ-tích. Còn gì hả hê cho ma quỷ hơn khi cái chết của Ơ-tích sẽ khiến cho Hội Thánh tại Trô-ách mang tiếng và để lại đau buồn cho các con dân Chúa?

10 Nhưng, Phao-lô đã bước xuống, nghiêng mình trên chàng, ôm lấy chàng mà nói rằng: Các anh chị em chớ bối rối, vì sự sống của người ở trong người.

Phao-lô đã từ phòng cao trên tầng lầu thứ ba, đi xuống chỗ Ơ-tích nằm chết, nghiêng người trên Ơ-tích, ôm lấy chàng. Lập tức, sự sống trở lại trong thân thể của Ơ-tích; và chúng ta có thể tin rằng, bất cứ sự chấn thương nào của Ơ-tích cũng đã nhanh chóng được Đức Chúa Trời chữa lành bằng phép lạ. Phao-lô đã lên tiếng báo cho Hội Thánh biết, sự sống của Ơ-tích ở trong Ơ-tích. Cách nói: “sự sống của người ở trong người” là cách nói: người đang sống.

Nếu thật ma quỷ đã lợi dụng Ơ-tích ngủ mê để gây ra tai nạn chết người, mong gây hại cho Hội Thánh, thì Đức Chúa Trời, trong sự toàn năng và toàn tri của Ngài, đã qua Phao-lô, hóa giải sự phá hoại của ma quỷ và làm tôn cao danh của Ngài. Cùng lúc làm vững lòng con dân Chúa.

11 Phao-lô đã trở lên, bẻ bánh và ăn; trò chuyện rất lâu, cho tới sáng mới đi.

Phao-lô đã trở lên phòng cao, dự Tiệc Thánh; rồi, trò chuyện với con dân Chúa, có nghĩa là tâm tình chứ không còn là giảng dạy nữa, ít ra là suốt năm tiếng, cho tới khi trời sáng. Có nghĩa là Phao-lô và Hội Thánh tại Trô-ách đã cùng nhau thức trắng một đêm. Khi trời sáng cũng là lúc Phao-lô và các bạn của ông từ giã Hội Thánh tại Trô-ách. Các bạn của Phao-lô đã ra bến tàu để đi đường biển đến thành A-sốt, còn Phao-lô thì chọn đi đường bộ.

12 Họ đã đem chàng trẻ đang sống đi. Họ đã được an ủi không ít.

Đại danh từ “họ” được dùng để chỉ con dân Chúa trong Hội Thánh tại Trô-ách.

Danh từ “chàng trẻ” (G3816) giúp cho chúng ta hiểu, Ơ-tích chưa đến tuổi trưởng thành, nghĩa là chưa đến tuổi 20, theo Thánh Kinh.

Cách dùng chữ “chàng trẻ đang sống” hàm ý, Ơ-tích đang sống bình thường, xem như cái chết xảy ra trước đó không ảnh hưởng gì đến Ơ-tích. Có lẽ, vài người trong Hội Thánh đã đưa Ơ-tích về nhà.

Có một chi tiết khá thú vị, đó là tên Ơ-tích có nghĩa là “số phận tốt”. Số phận có nghĩa là phần phước và họa được chia cho một người, một gia đình, hay là một dân tộc. Theo Thánh Kinh là các sự mà Đức Chúa Trời đã định cho một người, một gia đình, hay là một dân tộc, theo ý muốn và sự biết trước của Ngài.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi. Ngài giữ gìn phần đã định cho tôi.” (Thi Thiên 16:5).

Số phận tốt của Ơ-tích là khi còn niên thiếu đã được biết về Chúa và tin nhận Tin Lành; được Chúa dùng để bày tỏ quyền năng và ân điển của Ngài trên Hội Thánh; và được lưu tên trong Thánh Kinh cho tới đời đời.

Hội Thánh tại Trô-ách được an ủi nhiều vì được thoát khỏi một tai họa, được hưởng phép lạ của Đức Chúa Trời, và đức tin được thêm lên.

13 Còn chúng tôi đã đi trước, lên tàu, đi tàu đến thành A-sốt. Tại đó, chúng tôi sẽ đón Phao-lô. Vì người đã sắp xếp như vậy. Người đã muốn đi đường bộ.

Quãng đường bộ từ Trô-ách đến A-sốt vào khoảng 32 km, nếu đi thong thả thì mất khoảng bảy tiếng, xem như là gần trọn một ngày đi đường. Chúng ta không biết vì lý do gì Phao-lô muốn một mình đi đường bộ từ Trô-ách đến A-sốt, thay vì cùng đi tàu với các bạn của mình, nhất là sau một đêm đã thức trắng. Có thể vì Phao-lô muốn tránh đi tàu được lúc nào hay lúc ấy. Nhưng có lẽ vì Phao-lô muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh, một mình, khi ông quyết định một mình đi đường bộ. Có lẽ Phao-lô đã dành khoảng thời gian này để tương giao với Chúa, đồng thời suy ngẫm những gì ông muốn chia sẻ trong bài giảng cuối cùng, tại thành Mi-lê, cho các trưởng lão Ê-phê-sô và chia tay họ. Cũng có thể Phao-lô đã dành thời gian này để một mình suy ngẫm đến sự ông sẽ chịu khổ vì danh Chúa, sau khi về đến Giê-ru-sa-lem.

14 Khi người đã gặp chúng tôi tại thành A-sốt, chúng tôi đã đem người đi đến thành Mi-ti-len.

15 Từ nơi đó, chúng tôi đã đi đường biển. Ngày hôm sau, chúng tôi đã đến ngang đảo Chi-ô. Ngày kế tiếp, chúng tôi đã đến tại thành Sa-mốt. Ngày kế tiếp nữa, chúng tôi đã đến tại thành Mi-lê.

Từ A-sốt đến Mi-ti-len phải đi đường biển, vì thành Mi-ti-len nằm trên đảo Lét-bô (Lesbos). Từ Mi-ti-len, Phao-lô và các bạn của ông tiếp tục đi đường biển suốt một ngày, ngang qua đảo Chi-ô. Ngày kế tiếp thì tàu tạm ngưng ở thành Sa-mốt. Ngày kế tiếp nữa thì tàu ngang qua thành Ê-phê-sô và đến thành Mi-lê. Rất có thể, tàu đã tạm ghé lại bến cảng của Ê-phê-sô để xuống khách và lên khách cùng hàng hóa; nhưng Phao-lô và các bạn của ông đã tiếp tục đi tàu đến thành Mi-lê.

Có lẽ lý do Lu-ca nhắc đến đảo Chi-ô và thành Sa-mốt là vì trên chặng hải trình từ Mi-ti-len đến Mi-lê, tàu đã đi qua quang cảnh rất đẹp dọc bờ biển của các hải đảo.

16 Vì Phao-lô đã quyết định đi tàu ngang qua thành Ê-phê-sô, bởi người không muốn phí thời gian tại A-si. Vì nếu là có thể thì người đi gấp rút để người có thể ở tại thành Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần.

Lý do Phao-lô và các bạn của ông đã không ghé lại Ê-phê-sô là vì Phao-lô muốn đi gấp rút về Giê-ru-sa-lem cho kịp dự Lễ Ngũ Tuần. Lễ Ngũ Tuần là một trong ba lễ hội lớn, mà vào thời Cựu Ước, mọi người nam trong I-sơ-ra-ên đều có bổn phận phải về ra mắt Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16). Trong thời Tân Ước, con dân Chúa không còn bị ràng buộc bởi điều luật đó (Giăng 4:21-23). Nhưng Lễ Ngũ Tuần có một ý nghĩa đặc biệt đối với Hội Thánh. Vì đó là ngày Hội Thánh được thành lập, Đức Thánh Linh được ban cho con dân Chúa và đến, ngự trong thân thể xác thịt của con dân Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Ngoài ra, có lẽ Phao-lô muốn về Giê-ru-sa-lem kịp dự Lễ Ngũ Tuần để có thể được gặp con dân Chúa từ khắp nơi về nhóm hiệp tại Giê-ru-sa-lem, trong thời điểm ấy. Trong số đó sẽ có rất nhiều người mà ông quen biết.

Hội Thánh tại Ê-phê-sô là một Hội Thánh lớn, số con dân Chúa vào lúc ấy có thể lên đến vài ngàn người. Phao-lô lại có các bạn trong giới cầm quyền tại đó. Nếu ghé lại Ê-phê-sô thì Phao-lô sẽ phải tốn nhiều thời gian thăm hỏi rất nhiều người. Vì thế, Phao-lô đã quyết định xuống tàu tại Mi-lê, rồi mời các trưởng lão từ Ê-phê-sô đến Mi-lê để nhóm hiệp với ông.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/05/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://abdicate.net/print.aspx?sdn=1742335

[2] https://abdicate.net/print.aspx?sdn=1731012

[3] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/05/Nam_58.jpg

Karaoke Thánh Ca: “Vì Con”
https://karaokethanhca.net/vi-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.