Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 24:01-27 Phao-lô Trước Mặt Thống Đốc Phê-lít

1,176 views

YouTube: https://youtu.be/8dcHERblpoc

44054 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 24:1-27
Phao-lô Trước Mặt Thống Đốc Phê-lít

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 24:1-27

1 Sau năm ngày, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia đã đi xuống với các trưởng lão và một nhà diễn thuyết kia, tên là Tẹt-tu-lu. Họ thưa kiện với thống đốc, nghịch lại Phao-lô.

2 Khi người đã được gọi đến, Tẹt-tu-lu bắt đầu tố cáo, nói: Nhờ ngài mà chúng tôi vui hưởng thái bình, và những việc tốt lành đã được làm ra cho dân này bởi sự quan phòng của ngài,

3 chúng tôi luôn nhận được trong mọi nơi, với lòng biết ơn đầy trọn. Thưa ngài Phê-lít đáng kính!

4 Nhưng để khỏi phiền ngài nhiều hơn, tôi xin ngài với sự công tâm của ngài mà nghe chúng tôi nói vài lời.

5 Vì, chúng tôi đã gặp người này, như là đồ ôn dịch và là kẻ xách động sự nổi loạn hết thảy những người Do-thái trong thế gian. Nó cũng là thủ lãnh đảng của những người Na-xa-rét.

6 Nó cũng đã định làm ô uế Đền Thờ, nên chúng tôi đã bắt nó và muốn xét xử theo luật pháp của chúng tôi.

7 Nhưng viên chỉ huy Li-sia đã đến, bắt nó khỏi tay của chúng tôi cách rất hung bạo;

8 truyền lệnh cho các người kiện nó đến trước ngài. Xin chính ngài tự tra hỏi nó thì sẽ biết mọi sự mà chúng tôi kiện cáo nó.

9 Các người Do-thái cũng đã hùa theo, xác quyết các sự đó là như vậy.

10 Phao-lô đã nói, trả lời, sau khi thống đốc đã gật đầu với người: Tôi biết ngài đã là quan án cho dân này từ nhiều năm, nên tôi dạn dĩ mà bênh vực cho chính mình.

11 Ngài có thể biết rằng, chưa quá mười hai ngày đối với tôi, từ khi tôi đi lên tại Giê-ru-sa-lem để thờ phượng.

12 Họ đã chẳng hề gặp tôi trong Đền Thờ tranh cãi với ai, hoặc làm sự xách động đám đông nổi loạn trong nhà hội hay trong thành phố.

13 Họ cũng chẳng có thể trình bày về các sự mà bây giờ họ kiện cáo tôi.

14 Tôi xác nhận với ngài điều này rằng, theo như Đạo mà họ gọi là một đảng, thì tôi phụng sự Đức Chúa Trời của các tổ phụ của tôi, tin những điều được chép theo luật pháp và các tiên tri.

15 Tôi có sự trông cậy nơi Đức Chúa Trời, mà chính họ cũng công nhận, là sẽ có sự sống lại của những kẻ chết, gồm người công chính lẫn người không công chính.

16 Trong sự ấy, tôi rèn tập chính mình cho luôn có tâm thức không đáng trách đối với Đức Chúa Trời và loài người.

17 Sau nhiều năm, tôi đã đến, đem sự cứu trợ cho dân tôi, và dâng của lễ.

18 Trong khi ấy, họ đã gặp tôi làm lễ tinh sạch trong Đền Thờ, chẳng với đám dân đông cũng không với sự mất trật tự, nhưng với mấy người Do-thái kia từ A-si.

19 Những ai cần thì đến trước ngài mà kiện cáo, nếu có bất cứ điều gì nghịch lại tôi.

20 Hay là chính các người này hãy nói, họ đã thấy bất cứ điều ác nào trong tôi, lúc tôi đứng trước Tòa Công Luận;

21 ngoại trừ về một tiếng kêu kia mà tôi đã kêu, đang khi đứng giữa họ. Vì liên quan sự sống lại của những kẻ chết nên tôi bị xét xử bởi ngài, hôm nay.

22 Khi Phê-lít đã nghe các điều ấy và vốn biết rõ về Đạo, thì trì hoãn chúng, nói: Khi nào viên chỉ huy Li-sia xuống, ta sẽ tra xét kỹ các ngươi.

23 Ông cũng truyền cho viên đại đội trưởng giữ Phao-lô, nhưng cho người có sự thong thả, cũng không cấm những người quen của người phục vụ hay đến thăm người.

24 Sau mấy ngày, Phê-lít đã đến với vợ mình, tên Đơ-ru-si, là người Do-thái, cho gọi Phao-lô, và nghe người nói về đức tin trong Đấng Christ.

25 Khi người luận về sự công chính cùng sự tiết độ, và án phạt sẽ đến, thì Phê-lít đã trở nên sợ hãi, đáp lời: Bây giờ, ngươi hãy lui đi! Khi có thời gian ta sẽ gọi ngươi.

26 Ông cũng đã mong rằng, tiền sẽ được trao cho ông từ Phao-lô để ông thả người; nên cũng thường cho gọi người và nói chuyện với người.

27 Phê-lít muốn làm cho dân Do-thái bằng lòng, đã cứ giam Phao-lô. Khi đã tròn hai năm, Bốt-tiu Phê-tu đã thay quyền Phê-lít.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Phao-lô bắt đầu bước vào giai đoạn làm chứng về Đấng Christ cho các bậc cầm quyền chính trị. Trước hết là Thống Đốc Phê-lít, rồi đến Thống Đốc Phê-tu, rồi đến Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị, và sau cùng là Hoàng Đế Nê-rô của đế quốc La-mã. Giai đoạn này kéo dài khoảng bốn năm, với hai năm Phao-lô bị tạm giam trong công đường của Vua Hê-rốt, ở thành Sê-sa-rê; và hai năm bị tạm giam tại gia, ở thành Rô-ma. Trong suốt bốn năm đó, Phao-lô vẫn được tự do rao giảng Tin Lành và Lời Chúa cho những ai đến gặp ông.

Có lẽ Chúa đã dùng thời gian này cho Phao-lô được nghỉ ngơi để sẵn sàng cho cuộc hành trình truyền giáo lần cuối cùng đến xứ Tây-ban-nha, mà vì một lý do gì đó, Lu-ca đã không còn ở bên cạnh ông để ghi chép lại (Rô-ma 15:24, 28).

1 Sau năm ngày, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia đã đi xuống với các trưởng lão và một nhà diễn thuyết kia, tên là Tẹt-tu-lu. Họ thưa kiện với thống đốc, nghịch lại Phao-lô.

Sau năm ngày” là sau khi Phao-lô đã được giải đến Sê-sa-rê được năm ngày.

Đích thân Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia đã cùng các trưởng lão trong Tòa Công Luận từ Giê-ru-sa-lem đi xuống thành Sê-sa-rê. Họ cũng mang theo một nhà diễn thuyết tên là Tẹt-tu-lu. Tên Tẹt-tu-lu có nghĩa là được làm cho cứng rắn gấp ba lần. Danh từ “nhà diễn thuyết” (G4489) vừa có nghĩa là một người giỏi về khoa diễn thuyết, vừa có nghĩa là một người chuyên việc tranh luận về pháp lý, tương đương với các luật sư ngày nay.

Tòa Công Luận đã quyết tâm kiện cáo Phao-lô cho thành có tội trước chính quyền La-mã. Họ đã thuê mướn một nhà chuyên tranh luận về pháp lý người La-mã để cáo tội Phao-lô. Qua lời Tẹt-tu-lu cáo tội Phao-lô, chúng ta có thể thấy, ông ta quả là một nhà hùng biện.

2 Khi người đã được gọi đến, Tẹt-tu-lu bắt đầu tố cáo, nói: Nhờ ngài mà chúng tôi vui hưởng thái bình, và những việc tốt lành đã được làm ra cho dân này bởi sự quan phòng của ngài,

3 chúng tôi luôn nhận được trong mọi nơi, với lòng biết ơn đầy trọn. Thưa ngài Phê-lít đáng kính!

Người đã được gọi đến” chính là Phao-lô. Tẹt-tu-lu đã mở đầu bằng lời tôn vinh công đức của Thống Đốc Phê-lít. Thực tế, Phê-lít là người hung bạo và tham lam, chuyên nhận hối lộ, đã lạm dụng quyền hành, tàn sát dân chúng để cướp của. Vào năm 60, Phê-lít đã bị cách chức, giải về kinh đô Rô-ma để chịu xét xử bởi hoàng đế. Nhưng nhờ thế lực của người anh nên ông đã không bị xử chết.

Chúng ta thấy, Tẹt-tu-lu đã có ý tâng bốc sự tàn sát dân chúng của Phê-lít như là sự dẹp loạn; và còn cho rằng, Phê-lít đã làm ra những sự tốt lành cho dân chúng.

4 Nhưng để khỏi phiền ngài nhiều hơn, tôi xin ngài với sự công tâm của ngài mà nghe chúng tôi nói vài lời.

5 Vì, chúng tôi đã gặp người này, như là đồ ôn dịch và là kẻ xách động sự nổi loạn hết thảy những người Do-thái trong thế gian. Nó cũng là thủ lãnh đảng của những người Na-xa-rét.

6 Nó cũng đã định làm ô uế Đền Thờ, nên chúng tôi đã bắt nó và muốn xét xử theo luật pháp của chúng tôi.

Sau lời tâng bốc thống đốc, Tẹt-tu-lu đã đi ngay vào việc vu khống Phao-lô. Ông ta tố cáo Phao-lô ba tội:

  • Xách động sự nổi loạn hết thảy những người Do-thái trong thế gian.

  • Là thủ lãnh đảng của những người Na-xa-rét.

  • Định làm ô uế Đền Thờ.

Tuy nhiên, Tẹt-tu-lu đã không hề đưa ra nhân chứng hay vật chứng cho ba lời cáo tội của mình.

Trong lời cáo tội thứ nhất, Tẹt-tu-lu dùng cách nói, “hết thảy những người Do-thái trong thế gian” để chỉ về những người I-sơ-ra-ên sống trong lãnh thổ của đế quốc La-mã. Thời ấy, trong đế quốc La-mã, danh từ “thế gian” được đồng hóa với toàn lãnh thổ của đế quốc La-mã. Cách dùng này cũng được Phao-lô sử dụng:

Trước hết, tôi thật vì hết thảy các anh chị em, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, mà cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi về sự đức tin của các anh chị em đã lan truyền khắp cả thế gian.” (Rô-ma 1:8).

Theo như lời cáo tội của Tẹt-tu-lu thì các cuộc dân I-sơ-ra-ên dấy loạn trong khắp lãnh thổ của đế quốc La-mã đều là do Phao-lô xách động. Tuy nhiên, hơn ai hết, Phê-lít biết rõ, mỗi cuộc dấy loạn của dân I-sơ-ra-ên là do ai xách động. Vì quân đội La-mã đã dẹp tan các cuộc dấy loạn ấy và đã xử tử những kẻ xách động.

Trong lời cáo tội thứ nhì, Tẹt-tu-lu đã vu khống Phao-lô là thủ lãnh đảng của những người Na-xa-rét. Danh từ “người Na-xa-rét” ám chỉ Đức Chúa Jesus, theo như bản án đã được Thống Đốc Phi-lát cho gắn trên thập tự giá (Giăng 19:19). Danh từ “đảng của những người Na-xa-rét” dùng để gọi chung những môn đồ của Đức Chúa Jesus, bất kể quê quán của họ ở đâu. Tuy nhiên, là thống đốc của xứ Giu-đê nên Phê-lít biết rõ về nếp sống của những người tin nhận Đấng Christ. Cho tới lúc ấy, dân La-mã xem con dân Chúa như là một giáo phái ra từ Do-thái Giáo. Câu 22 xác nhận, Phê-lít biết rõ về Đạo Chúa, có nghĩa là biết rõ về sự rao giảng và sinh hoạt của con dân Chúa. Và chính vì thế, Phê-lít biết rõ, họ không phải là một đảng phái và cũng không có ai làm thủ lãnh.

Trong lời cáo tội thứ ba, Tẹt-tu-lu đã vu khống Phao-lô định làm ô uế Đền Thờ. Thực tế, nếu Phao-lô có hành động định làm ô uế Đền Thờ thì đã có lính bảo vệ Đền Thờ bắt giữ và giải giao cho Tòa Công Luận xét xử. Việc đó không dính dáng gì đến luật pháp của La-mã.

Tẹt-tu-lu đúng là có tài diễn thuyết, cùng một lúc vu khống Phao-lô ba tội đáng bị xử chết mà nghe qua dường như mỗi tội đều có chứng cớ chắc chắn, không thể chối cãi. Nhưng Tẹt-tu-lu lại hoàn toàn không có nhân chứng hay vật chứng cho lời cáo tội của mình.

7 Nhưng viên chỉ huy Li-sia đã đến, bắt nó khỏi tay của chúng tôi cách rất hung bạo;

8 truyền lệnh cho các người kiện nó đến trước ngài. Xin chính ngài tự tra hỏi nó thì sẽ biết mọi sự mà chúng tôi kiện cáo nó.

Tiếp theo lời cáo tội hùng hồn không có nhân chứng hoặc vật chứng thì Tẹt-tu-lu liên tiếp phạm hai lỗi nghiêm trọng.

Lỗi thứ nhất là cáo buộc viên chỉ huy Li-sia đã dùng vũ lực, cướp Phao-lô ra khỏi tay của đám dân đông Do-thái cách hung bạo. Ông ta không nhớ rằng, Li-sia ở dưới quyền của Thống Đốc Phê-lít và chắc chắn là với bản tính hung bạo, Phê-lít đã truyền cho các sĩ quan quân đội dưới quyền của mình phải trấn áp dân bị trị cách hung bạo để dập tắt ngay những mầm mống dấy loạn. Cáo buộc Li-sia hung bạo chẳng khác nào nói rằng, Phê-lít dung túng cho thuộc hạ hung bạo.

Lỗi thứ nhì là nói như là dạy khôn hay ra lệnh cho Phê-lít, khi bảo Phê-lít tự mình tra hỏi Phao-lô.

Tẹt-tu-lu giỏi hùng biện nhưng thiếu sự khôn sáng.

9 Các người Do-thái cũng đã hùa theo, xác quyết các sự đó là như vậy.

Các người Do-thái” tức là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-na-nia và các trưởng lão của Tòa Công Luận.

Động từ “đã hùa theo” (G4934) có nghĩa là hoàn toàn đứng về phía Tẹt-tu-lu, cùng một ý với ông ta.

Những người làu thông luật pháp của Đức Chúa Trời, là những thành viên của Tòa Công Luận, đã lên tiếng xác nhận ba lời cáo tội của Tẹt-tu-lu, dù không hề có chứng cớ. Chính họ đã vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, khi họ công nhận lời cáo tội mà không có ít nhất là hai chứng nhân làm chứng về sự phạm tội của bị cáo. Họ thật sự là những kẻ giả hình như lời tuyên phán của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ đoạn 23.

10 Phao-lô đã nói, trả lời, sau khi thống đốc đã gật đầu với người: Tôi biết ngài đã là quan án cho dân này từ nhiều năm, nên tôi dạn dĩ mà bênh vực cho chính mình.

Có lẽ sau khi Tẹt-tu-lu nói xong, Phao-lô đã nhìn viên thống đốc, và ông ta đã gật đầu, ra dấu cho Phao-lô lên tiếng. Khác với Tẹt-tu-lu, Phao-lô không tâng bốc Phê-lít. Ông chỉ nói lên sự thật. Đó là Phê-lít trong chức vụ thống đốc đã là quan án cho dân xứ Giu-đê trong nhiều năm. Tính đến lúc ấy là đã sáu năm. Vì sự việc được xét xử bởi quan án cao nhất trong xứ, người biết rõ tình hình chính trị và tôn giáo trong xứ, nên Phao-lô dạn dĩ nói lời bênh vực cho chính mình.

11 Ngài có thể biết rằng, chưa quá mười hai ngày đối với tôi, từ khi tôi đi lên tại Giê-ru-sa-lem để thờ phượng.

Động từ “có thể” (G1410) có nghĩa là có năng lực, có phương tiện, có cách thức… để làm một điều gì đó theo ý muốn.

Ngài có thể biết rằng” có nghĩa là với quyền thế và phương tiện trong tay của một thống đốc thì ngài có thể biết mọi chuyện về tôi mà ngài muốn biết.

Phao-lô không dạy khôn hay ra lệnh cho thống đốc hãy tự mình điều tra để biết về ông, như Tẹt-tu-lu đã làm. Nhưng lời nói của Phao-lô hàm ý, rất có thể thống đốc đã cho điều tra về Phao-lô và đã biết rằng, Phao-lô về đến Giê-ru-sa-lem chưa quá 12 ngày; và đã có những gì xảy ra cho ông.

Phao-lô có tài hùng biện nhưng cũng có sự khôn sáng. Cả hai đều là ân tứ đến từ Thiên Chúa.

12 Họ đã chẳng hề gặp tôi trong Đền Thờ tranh cãi với ai, hoặc làm sự xách động đám đông nổi loạn trong nhà hội hay trong thành phố.

13 Họ cũng chẳng có thể trình bày về các sự mà bây giờ họ kiện cáo tôi.

Lời biện hộ của Phao-lô cũng bao gồm ba điểm:

Thứ nhất, không ai trong đám người đang kiện cáo ông trước Phê-lít đã nhìn thấy ông tranh cãi với ai trong Đền Thờ. Đã không có sự tranh cãi thì làm gì có chuyện Phao-lô định làm ô uế Đền Thờ.

Thứ nhì, không ai đã nhìn thấy ông xách động dân chúng nổi loạn, dù là trong nhà hội hay trên đường phố.

Thứ ba, họ không thể trình bày chi tiết hoặc đưa ra chứng cớ về các điều họ cáo buộc ông: về sự ông xách động dân Do-thái trong khắp đế quốc nổi loạn; về sự ông là thủ lãnh đảng của những người Na-xa-rét; và về sự ông định làm ô uế Đền Thờ.

14 Tôi xác nhận với ngài điều này rằng, theo như Đạo mà họ gọi là một đảng, thì tôi phụng sự Đức Chúa Trời của các tổ phụ của tôi, tin những điều được chép theo luật pháp và các tiên tri.

Phao-lô bắt đầu nói các lẽ thật về ông mà không ai trong những người kiện cáo ông có thể phản bác. Trước hết, Phao-lô xác nhận với Phê-lít rằng, cái mà những kẻ kiện cáo ông và vu khống ông gọi là một “đảng” chẳng qua chỉ là sự ông phụng sự Đức Chúa Trời theo tín ngưỡng của người I-sơ-ra-ên, tin Thánh Kinh của người I-sơ-ra-ên, bao gồm sách luật pháp và các sách tiên tri. Rõ ràng, không ai có thể phản bác được lời xưng nhận này của Phao-lô. Thực tế, như ông đã làm chứng trước Tòa Công Luận, ông đã sống trọn tâm thức tốt trước Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 23:1). Đó là lời tuyên xưng mà chắc chắn không ai trong Tòa Công Luận có thể thật lòng tuyên xưng như vậy.

15 Tôi có sự trông cậy nơi Đức Chúa Trời, mà chính họ cũng công nhận, là sẽ có sự sống lại của những kẻ chết, gồm người công chính lẫn người không công chính.

Kế tiếp, Phao-lô đã nhấn mạnh đến đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời về sự sống lại của những kẻ chết, dù là người công chính hay là người không công chính. Phao-lô cũng nói rõ, những kẻ kiện cáo ông cũng công nhận điều ông tin.

Câu nói này gây khó cho những kẻ kiện cáo ông. Vì nếu trước mặt Phê-lít mà những người Sa-đu-sê tranh cãi với những người Pha-ri-si thì lập tức chứng minh ngay, sự họ kiện cáo Phao-lô chẳng qua chỉ là bất đồng quan điểm Thần học. Và như vậy, Phao-lô không hề phạm pháp dù là theo luật của Do-thái Giáo hay theo luật của La-mã.

Cũng có lẽ câu nói này đã khiến cho sau đó Phê-lít mời Phao-lô đến, nói về Đạo Chúa cho vợ chồng ông nghe.

16 Trong sự ấy, tôi rèn tập chính mình cho luôn có tâm thức không đáng trách đối với Đức Chúa Trời và loài người.

Trong sự ấy” là trong sự Phao-lô trông cậy nơi Đức Chúa Trời về sự sống lại của những kẻ chết. Phao-lô muốn mình sẽ được sống lại như một người công chính nên ông đã rèn tập chính mình để luôn có tâm thức không đáng trách trước Đức Chúa Trời lẫn loài người. Được sống lại như một người công chính có nghĩa là được mãi mãi ở trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Tâm thức không đáng trách là sự nhận thức trong thần trí đúng theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Sự nhận thức ấy làm nền tảng cho mọi ý nghĩ, lời nói, và việc làm của một người, dù là đối với Thiên Chúa hay đối với loài người.

Tâm thức đáng trách là sự nhận thức trong thần trí không đúng theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, khiến cho ý nghĩ, lời nói, và việc làm của một người sai nghịch Lời Chúa.

Kể từ bài giảng này, chúng tôi đã hiệu đính các chữ được dịch là “lương tâm” trong Thánh Kinh Việt Ngữ thành “tâm thức”. Ngoại trừ trong II Sa-mu-ên 24:10 thì được dịch sát nghĩa là “lòng”. Riêng những chỗ Thánh Kinh nói tới “tâm thức tốt” thì để là “lương tâm”.

Trong tiếng Hán Việt, “lương tâm” có nghĩa là tấm lòng lương thiện. Còn trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ được dịch sang tiếng Việt là “lương tâm” (G4893) có nghĩa là sự nhận thức và đánh giá mọi sự theo một tiêu chuẩn về đúng và sai. Chúng tôi nhận thấy, dịch là “tâm thức” tức là sự nhận biết ở trong tâm thần, thì sẽ đúng hơn là “lương tâm”. Vì theo Thánh Kinh, có tâm thức tốt và tâm thức xấu. Nếu dịch là “lương tâm tốt” và “lương tâm xấu” thì không ổn. Vì tấm lòng lương thiện thì đương nhiên là tốt, không thể là xấu.

Tâm thức tốt (lương tâm) là sự nhận thức và đánh giá mọi sự dựa trên tiêu chuẩn đúng và sai của Thiên Chúa. Tiêu chuẩn ấy được chính Thiên Chúa bày tỏ trong thần trí của mỗi người (Rô-ma 1:19) và đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Tâm thức xấu là sự nhận thức và đánh giá mọi sự không theo tiêu chuẩn đúng và sai của Thiên Chúa. Tâm thức xấu nhận thức và đánh giá mọi sự theo tiêu chuẩn do loài người đặt ra. Thí dụ, nhận thức và đánh giá rằng: Không lập bàn thờ để thờ lạy cha mẹ, ông bà, tổ tiên là bất hiếu. Không theo tín ngưỡng của cha mẹ, ông bà mà thờ lạy các thần tượng là bất hiếu.

Sự sống lại của người không công chính, tức là người không sống theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa là sự sống lại để chịu hình phạt đời đời xa cách Thiên Chúa.

Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Xa cách Thiên Chúa là xa cách sự bình an, vui thỏa, hạnh phúc. Hơn thế nữa là đời đời chịu khổ trong hồ lửa, còn gọi là hỏa ngục:

Khải Huyền 20:12-15

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.

Vì sự sống lại của những kẻ chết là điều chắc chắn nên Phao-lô đã gắng sức sao cho mình được sống lại, như một người công chính.

17 Sau nhiều năm, tôi đã đến, đem sự cứu trợ cho dân tôi, và dâng của lễ.

18 Trong khi ấy, họ đã gặp tôi làm lễ tinh sạch trong Đền Thờ, chẳng với đám dân đông cũng không với sự mất trật tự, nhưng với mấy người Do-thái kia từ A-si.

Sau nhiều năm” ý của Phao-lô là sau nhiều năm ông đã xa cách Giê-ru-sa-lem.

Tôi đã đến” có nghĩa là tôi đã về lại Giê-ru-sa-lem.

Phao-lô đã từ Ma-xê-đoan và A-si, về lại Giê-ru-sa-lem, mang theo tiền dâng hiến lên Chúa từ các Hội Thánh trong hai xứ đó để cứu trợ con dân Chúa tại xứ Giu-đê, trong đó có con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Phao-lô cũng nhân cơ hội lên Đền Thờ dâng của lễ. Của lễ được nói ở đây là của lễ về sự kết thúc lời hứa nguyện Na-xi-rê, như chúng ta đã học trong Công Vụ Các Sứ Đồ 21:26.

Phao-lô nói rõ, những người đang kiện cáo ông không hề bắt gặp ông tiếp xúc với đám dân đông trong Đền Thờ hay bắt gặp ông có hành động làm mất trật tự nào. Nhưng ông chỉ đến Đền Thờ cùng lúc với mấy người Do-thái từ A-si. Thực tế, chính những người Do-thái từ A-si này khi thấy Phao-lô thì họ đã chủ động làm mất trật tự, hô hoán, vu khống ông, kêu gọi mọi người bắt lấy ông và đánh đập ông. Chính họ mới là những kẻ làm loạn, đáng bị xét xử.

19 Những ai cần thì đến trước ngài mà kiện cáo, nếu có bất cứ điều gì nghịch lại tôi.

Lời này của Phao-lô có nghĩa là, ngoài những người đang kiện cáo ông mà không có chứng cớ, không thể trình bày cụ thể sự kiện cáo của họ thì bất cứ ai, có bất cứ điều gì nghịch lại ông, cứ đến kiện cáo ông trước thống đốc. Hàm ý, Phao-lô không làm gì phạm pháp và sẵn sàng đối đáp với những ai muốn kiện cáo ông.

20 Hay là chính các người này hãy nói, họ đã thấy bất cứ điều ác nào trong tôi, lúc tôi đứng trước Tòa Công Luận;

Phao-lô lại tiếp tục nói, thách đố những kẻ đang kiện cáo ông rằng, họ hãy nêu ra sự ác nào mà ông đã phạm, khi họ xét xử ông trước Tòa Công Luận. Nói cách khác, họ xét xử ông mà không có một tội danh nào cả. Họ đã không có một chứng cớ nào để bác bỏ lời tuyên xưng của ông: “Tôi vẫn sống trọn tâm thức tốt trước Đức Chúa Trời, cho tới ngày nay.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 23:1). Dĩ nhiên là những kẻ đang kiện cáo ông, từ người mang danh thầy tế lễ thượng phẩm và các trưởng lão của Tòa Công Luận cho đến nhà diễn thuyết Tẹt-tu-lu.

21 ngoại trừ về một tiếng kêu kia mà tôi đã kêu, đang khi đứng giữa họ. Vì liên quan sự sống lại của những kẻ chết nên tôi bị xét xử bởi ngài, hôm nay.

Phao-lô nói đến và nhấn mạnh lý do ông bị đưa ra xét xử bởi Phê-lít là vì đức tin và sự trông cậy của ông nơi Đức Chúa Trời về sự sống lại của những kẻ chết. Chính vì tiếng kêu của ông trước Tòa Công Luận về đức tin ấy mà các thành viên trong Tòa Công Luận đã muốn xé xác ông. Và chính vì vậy mà viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã trú đóng tại Giê-ru-sa-lem đã giải cứu ông khỏi tay họ; và giải giao ông về Sê-sa-rê cho Phê-lít xét xử.

22 Khi Phê-lít đã nghe các điều ấy và vốn biết rõ về Đạo, thì trì hoãn chúng, nói: Khi nào viên chỉ huy Li-sia xuống, ta sẽ tra xét kỹ các ngươi.

Danh từ “Đạo” (G3598) trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là “đường đi”, có nghĩa bóng là giáo lý của một bậc thầy; và cũng có nghĩa là cuộc đời của một người. Ý nghĩa được dùng trong câu này, nhất là khi được gọi là “Đạo Chúa”, thì có nghĩa là những sự giảng dạy và nếp sống của Chúa, giáo lý và hành động của Ngài. Con dân Chúa là những người tin và sống theo Đạo của Chúa chứ không phải tin và sống theo một tôn giáo do loài người đặt ra, như: đạo Tin Lành, đạo Công Giáo…

Phê-lít là người rất tinh nhạy. Khi nghe qua lời biện hộ của Phao-lô, đối chiếu với lá thư của viên chỉ huy tiểu đoàn, thì ông ta biết ngay, Phao-lô là người vô tội. Chẳng những vô tội với luật pháp của La-mã mà cũng vô tội với luật pháp của Do-thái Giáo. Phê-lít biết rõ, con dân Chúa không phải là những người bạo động, làm loạn. Tuy nhiên, để tránh dân Do-thái bất mãn, làm loạn, ông đã thoái thác đúc kết việc xử án bằng cách hứa sẽ tra xét một cách kỹ càng sự việc, khi viên chỉ huy tiểu đoàn đến. Vì viên chỉ huy là một nhân chứng.

23 Ông cũng truyền cho viên đại đội trưởng giữ Phao-lô, nhưng cho người có sự thong thả, cũng không cấm những người quen của người phục vụ hay đến thăm người.

Phê-lít biết Tòa Công Luận của dân Do-thái ghét Phao-lô nên không vội kết thúc cuộc phán xử Phao-lô ngay, dù biết rằng Phao-lô vô tội. Vì ông ta không muốn dân Do-thái có lý do để nổi loạn. Nhưng Phê-lít cũng biết Phao-lô là một công dân La-mã vô tội. Vì thế, dù ra lệnh tạm giam Phao-lô với lý do chờ xét xử nhưng Phê-lít để cho Phao-lô được thong thả. Nghĩa là chỉ cần không đi ra khỏi khu vực tạm giam thì Phao-lô hoàn toàn được tự do sinh hoạt, không bị xiềng xích, không bị tước đi các quyền lợi chính đáng. Chính vì thế mà Phê-lít cho những người thân quen của Phao-lô được tiếp xúc hoặc phục vụ Phao-lô.

24 Sau mấy ngày, Phê-lít đã đến với vợ mình, tên Đơ-ru-si, là người Do-thái, cho gọi Phao-lô, và nghe người nói về đức tin trong Đấng Christ.

25 Khi người luận về sự công chính cùng sự tiết độ, và án phạt sẽ đến, thì Phê-lít đã trở nên sợ hãi, đáp lời: Bây giờ, ngươi hãy lui đi! Khi có thời gian ta sẽ gọi ngươi.

Có lẽ lời nói của Phao-lô về sự sống lại của những kẻ chết, dù là người công chính hay là người không công chính đã khiến cho Phê-lít thắc mắc, nên mấy ngày sau đó, Phê-lít đã cho gọi Phao-lô đến để trò chuyện với Phê-lít và vợ của Phê-lít.

Vào lúc ấy, Đơ-ru-si, em gái của Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba Đệ Nhị, là vợ thứ nhì của Phê-lít. Đơ-ru-si là người I-sơ-ra-ên, đã có chồng là vua của xứ Ê-mi-sa (Emesa), thuộc xứ Si-ri; nhưng Phê-lít đã tìm cách khiến cho Đơ-ru-si ly dị chồng để cưới bà làm vợ.

Khi Phao-lô đến, ông đã nói về tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời và về sự tiết độ loài người nên có. Sự công chính của Đức Chúa Trời là Ngài không bao giờ không hình phạt những kẻ phạm tội, nghịch lại các điều răn và luật pháp của Ngài, trừ khi họ ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Đó là sự cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Phao-lô cũng nói đến án phạt sẽ đến, tức là án phạt trong ngày phán xét chung cuộc cho tất cả những ai cứ sống trong tội, không ăn năn, không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sự tiết độ mà loài người nên có chính là sự tự giữ lấy mình để không nói năng, hành xử quá mức mà Đức Chúa Trời cho phép.

Lời rao giảng của Phao-lô đã khiến cho Phê-lít sợ hãi, vì ông ta là một người hung bạo và gian ác, luôn tìm cách ăn hối lộ; và khi cần thì lập mưu tàn sát dân chúng, gọi họ là phản loạn, để cướp tài sản của họ. Phê-lít đã truyền cho Phao-lô lui đi.

26 Ông cũng đã mong rằng, tiền sẽ được trao cho ông từ Phao-lô để ông thả người; nên cũng thường cho gọi người và nói chuyện với người.

27 Phê-lít muốn làm cho dân Do-thái bằng lòng, đã cứ giam Phao-lô. Khi đã tròn hai năm, Bốt-tiu Phê-tu đã thay quyền Phê-lít.

Ít lâu sau, Phê-lít lại nhiều lần cho gọi Phao-lô đến để trò chuyện và có lẽ đã nhiều lần bóng gió về việc Phao-lô nên hối lộ ông để được ông trả tự do. Tuy nhiên, Phao-lô đã không chịu hối lộ. Vì thế Phê-lít cứ tiếp tục giam lỏng Phao-lô. Vừa mong Phao-lô chán nản sẽ phải hối lộ, lại vừa lấy được lòng dân Do-thái.

Nhưng khi thời điểm của Đức Chúa Trời đến, Ngài đã khiến cho Phê-lít bị cách chức và bị giải giao về kinh đô Rô-ma, chịu hoàng đế xét xử về tội lạm quyền, giết dân, cướp của. Bốt-tiu Phê-tu đã làm thống đốc xứ Giu-đê vào năm 60 và sau khi tra xét vụ án của Phao-lô, đã giải giao Phao-lô về Rô-ma để ông được kêu oan trước hoàng đế La-mã. Đó cũng là cách mà Chúa dùng Phao-lô để giảng cho hoàng đế La-mã lúc bấy giờ là Nê-rô. Nê-rô là người đã tuyên bố Phao-lô vô tội và trả tự do cho ông vào năm 62. Nhưng đến năm 64 thì đã ra lệnh tàn sát rất nhiều con dân Chúa, mở đầu cho cuộc đế quốc La-mã bách hại Hội Thánh lần thứ nhất. Sứ Đồ Phao-lô và Sứ Đồ Phi-e-rơ đã tử Đạo trong cuộc bách hại ấy vào năm 68, trước khi cuộc bách hại kết thúc. Rất có thể Lu-ca, người chép sách Tin Lành Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ cũng đã bị giết tại Rô-ma, vì rao giảng Tin Lành, không bao lâu, sau khi Phao-lô và Phi-e-rơ bị giết.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/07/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Thế Nhân Ơi! Xin Mời”
http://karaokethanhca.net/the-nhan-oi-xin-moi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.