Chú Giải Ga-la-ti 01:13-24 Ý Nghĩa Sự Đức Chúa Trời Mạc Khải Đấng Christ Trong Phao-lô

5,542 views


YouTube: https://youtu.be/zT1ZAc4C2hQ

904802 Chú Giải Ga-la-ti 1:13-24
Ý Nghĩa Sự Đức Chúa Trời

Mạc Khải Đấng Christ Trong Phao-lô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 1:13-24

13 Các anh chị em đã nghe về cách ăn ở của tôi trước kia trong Do-thái Giáo, rằng tôi đã bách hại và tàn phá Hội Thánh của Đức Chúa Trời quá chừng.

14 Tôi tấn tới trong Do-thái Giáo hơn nhiều người cùng tuổi, cùng nước với tôi. Tôi là người sốt sắng quá mức về các truyền thống của các tổ phụ tôi.

15 Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài,

16 để mạc khải Con của Ngài trong tôi, để cho tôi giảng về Con ấy trong các dân ngoại, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu,

17 tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem, đến với những sứ đồ trước tôi, nhưng tôi đi qua xứ A-ra-bi rồi trở về thành Đa-mách.

18 Rồi, sau ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem, để gặp mặt trao đổi với Phi-e-rơ, và ở với anh ấy mười lăm ngày.

19 Nhưng tôi không gặp một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là em của Chúa.

20 Này! Những điều tôi viết cho các anh chị em, trước Đức Chúa Trời, tôi không dối trá!

21 Sau đó, tôi đi qua các miền thuộc xứ Si-ri và xứ Si-li-si.

22 Nhưng tôi là người lạ mặt trong các Hội Thánh tại xứ Giu-đê, là các hội ở trong Đấng Christ.

23 Họ chỉ nghe rằng: Người đã bách hại chúng ta trước kia, nay đang giảng về đức tin mà người ấy từng tàn phá.

24 Và họ tôn vinh Đức Chúa Trời qua tôi.

Trong 12 sứ đồ ban đầu của Đức Chúa Jesus Christ, có ba người nổi bật nhất, thường xuyên gần gũi bên Ngài là: Phi-e-rơ, Gia-cơ, và em của Gia-cơ là Giăng. Họ là ba người cùng có mặt với Chúa trên núi hóa hình, và cũng là ba người gần Chúa nhất trong đêm cuối cùng, trước khi Chúa bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Cũng trong 12 sứ đồ ban đầu của Chúa, có ba người có địa vị đặc biệt:

  • Phi-e-rơ được Đức Chúa Trời thần cảm cho biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống; và ông là người đầu tiên được Đức Chúa Jesus Christ giao cho chức vụ chăn bầy.
  • Giăng, em của Gia-cơ, là người nhận sự mạc khải từ Đức Chúa Jesus Christ về tình trạng của Hội Thánh, diễn tiến của sự tận thế, sự thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm, sự phán xét chung cuộc, và sự thiết lập Vương Quốc Đời Đời.
  • Giu-đa Ích-ca-ri-ốt được giao nhiệm vụ quản lý tiền bạc, là tài sản vật chất, cho mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng đã trở thành kẻ phản Chúa và đứa con của sự hư mất.

Riêng về Sứ Đồ Phao-lô thì ông là người đầu tiên được Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi vào chức vụ sứ đồ, sau khi Ngài đã hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại và đã về lại thiên đàng. Có thể nói, xét về phần chức vụ thì:

  • Phi-e-rơ là anh cả và Phao-lô là em út. Phi-e-rơ được Đức Chúa Trời thần cảm để nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống; còn Phao-lô thì được Đức Chúa Trời mạc khải về Đấng Christ trong ông, và được Đức Chúa Jesus Christ mạc khải về Tin Lành của Ngài.
  • Giăng được Đức Chúa Jesus Christ mạc khải về thế giới và chương trình của Đức Chúa Trời trong tương lai. Phao-lô được Đức Chúa Jesus Christ mạc khải về nền tảng của Hội Thánh là nhà của Đức Chúa Trời trên đất trong thời hiện tại, và được cất lên tầng trời thứ ba để nhìn thấy nhà của Đức Chúa Trời trong thiên đàng, cũng chính là nhà trong tương lai của Hội Thánh.
  • Giu-đa Ích-ca-ri-ốt quản lý tài sản vật chất cho mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ còn Phao-lô quản lý tài sản thuộc linh. Tài sản thuộc linh ấy tức là sự mạc khải về Đấng Christ và Tin Lành của Ngài, đã được ông phân phát ra cho con dân Chúa trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh, qua những lời rao giảng trực tiếp của ông và qua các thư tín mà Đức Thánh Linh đã cảm động cho ông viết ra.

Vì thế, Sứ Đồ Phao-lô đã trở thành một người có địa vị vô cùng quan trọng và đặc biệt trong các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Ông đã từ cuối trở nên đầu, từ bé nhỏ, vì là người tàn sát Hội Thánh của Chúa, đã trở nên to lớn vô cùng, vì là người đứng đầu trong công cuộc gây dựng và bảo vệ Hội Thánh của Chúa, qua năm hành trình truyền giáo và qua các thư tín của ông [1]. Điều thú vị là tên Phao-lô có nghĩa là nhỏ bé hoặc ít ỏi.

Chúng ta cần phân biệt sự kiện Đức Chúa Trời mạc khải về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô với sự kiện Đức Chúa Jesus Christ mạc khải Tin Lành của Ngài cho ông.

Ga-la-ti 1:13-24 ghi lại lời tự thuật của Phao-lô về sự ông được Đức Chúa Trời biệt riêng từ trong lòng mẹ, kêu gọi ông đến với ân điển của Ngài, mạc khải Đức Chúa Jesus Christ trong ông, để ông giảng về Đức Chúa Jesus Christ cho mọi dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên.

Trước hết, Phao-lô nói về quá khứ của ông trước khi ông nhận biết Đức Chúa Jesus Christ. Kế tiếp, Phao-lô nói về sự Đức Chúa Trời mạc khải Đức Chúa Jesus Christ trong ông. Sau cùng, ông nói về mục vụ giảng Tin Lành của ông giữa vòng dân ngoại, là mục vụ mà ông trực tiếp nhận từ Thiên Chúa, chứ không qua một tổ chức giáo hội nào, không qua một người nào, kể cả các sứ đồ trước ông.

13 Các anh chị em đã nghe về cách ăn ở của tôi trước kia trong Do-thái Giáo, rằng tôi đã bách hại và tàn phá Hội Thánh của Đức Chúa Trời quá chừng.

14 Tôi tấn tới trong Do-thái Giáo hơn nhiều người cùng tuổi, cùng nước với tôi. Tôi là người sốt sắng quá mức về các truyền thống của các tổ phụ tôi.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng, Do-thái Giáo là một tôn giáo thờ phượng Đức Chúa Trời do chính Đức Chúa Trời sáng lập giữa vòng dân tộc I-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không hề sáng lập Do-thái Giáo, mà nó là một tổ chức tôn giáo do những người Pha-ri-si sáng lập trong khoảng thời gian chừng 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Đó là khoảng thời gian sau khi Tiên Tri Ma-la-chi qua đời, cho đến khi Tiên Tri Giăng Báp-tít xuất hiện, làm công việc dọn đường cho Đấng Christ. Do-thái Giáo là sự biến sự thờ phượng Đức Chúa Trời thành nghi thức tôn giáo, chỉ có bề ngoài nhưng không có sự thờ phượng thật trong tâm thần. Tương tự như vậy là tất cả các giáo hội mang danh Chúa ngày nay.

Đức Chúa Trời ban hành các điều răn và luật pháp của Ngài cho loài người qua dân I-sơ-ra-ên, để loài người nói chung và dân I-sơ-ra-ên nói riêng, biết cách thờ phượng Đức Chúa Trời, biết cách sống theo tiêu chuẩn của Ngài, và biết cách nhận sự tha tội từ Ngài. Đức Chúa Trời không tạo ra một Do-thái Giáo với các hình thức lễ nghi rườm rà bên ngoài với những gánh nặng về luật lệ, và với một giai cấp lãnh đạo cướp lấy sự vinh quang của Đức Chúa Trời trong khi bóc lột con dân của Ngài. Khi chúng ta đọc sách Ma-la-chi, sách cuối cùng trong Thánh Kinh Cựu Ước, thì chúng ta thấy rõ sự thối nát, giả hình của Do-thái Giáo.

Phao-lô đã được sinh ra và lớn lên trong Do-thái Giáo. Bản thân ông là một người thuộc giới Pha-ri-si, một giai cấp lãnh đạo trong Do-thái Giáo. Những người trong giai cấp ấy tự xưng là biệt riêng trọn cuộc đời chỉ để phụng sự Thiên Chúa qua các chức vụ thầy tế lễ, chức vụ chăm sóc Đền Thờ Thiên Chúa, chức vụ sao chép Thánh Kinh và giảng dạy Thánh Kinh. Mặc dù có nhiều kẻ giả hình trong giới Pha-ri-si, như Đức Chúa Jesus Christ đã công khai lên án họ trong Ma-thi-ơ 23, nhưng vào thời của Đức Chúa Jesus cũng có một số người thật lòng sống cho Thiên Chúa, như Ni-cô-đem và Ga-ma-li-ên, hai trong các giáo sư giảng dạy Lời Chúa trong Do-thái Giáo; như Giô-sép, một nghị viên của Tòa Công Luận; và như Phao-lô, lúc ấy mang tên là Sau-lơ và cũng là một nghị viên của Tòa Công Luận.

Tòa Công Luận là tòa án tối cao của dân I-sơ-ra-ên, xét xử các tiên tri giả, các thầy tế lễ phạm lỗi, các chi phái trong I-sơ-ra-ên phạm tội thờ thần tượng; kiểm soát việc thi hành các nghi thức của Do-thái Giáo. Chính Tòa Công Luận đã lên án Đức Chúa Jesus Christ là tiên tri giả; lên án Sứ Đồ Phi-e-rơ, Sứ Đồ Giăng, và Chấp Sự Ê-tiên là các giáo sư giả. Sau-lơ, tên của Phao-lô trước khi ông gặp Chúa, là một nhân chứng trong việc dân chúng ném đá Chấp Sự Ê-tiên. Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 8 ghi lại sự hung hãn của Sau-lơ trong việc tàn sát Hội Thánh của Chúa. Tuy nhiên, ông sốt sắng trong việc bách hại Hội Thánh vì ông lầm tưởng rằng, làm như vậy là bảo vệ các điều răn của Đức Chúa Trời, là những điều chính bản thân ông vâng giữ cách trọn vẹn theo hình thức mà không ai có thể trách được (Phi-líp 3:6). Nói cách khác, Sau-lơ là một người thật lòng yêu kính Chúa, sốt sắng bảo vệ sự thánh khiết của Chúa giữa lòng dân tộc I-sơ-ra-ên; nhưng ông đã sai lầm, vì không nhận biết Đức Chúa Jesus Christ chính là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh, nên ông đã phạm tội trọng bách hại Hội Thánh của Chúa.

Sự sốt sắng của Phao-lô có thể được mô tả bằng Lời Chúa trong Thi Thiên 69:9, cũng là lời mô tả sự tức giận của Đức Chúa Jesus Christ, khi Ngài nhìn thấy Do-thái Giáo làm ô uế Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem:

“Vì sự sốt sắng về nhà của Ngài đã ăn nuốt tôi…”

Sau-lơ đã tấn tới trong Do-thái Giáo hơn nhiều người cùng tuổi với ông, giữa lòng dân tộc I-sơ-ra-ên. Chúng ta không biết, khi Sau-lơ gặp Chúa trên đường đi Đa-mách để bách hại Hội Thánh của Chúa, thì ông được bao nhiêu tuổi. Nhưng chắc phải là trên 40, vì đó là tuổi tối thiểu để có thể trở thành một nghị viên của Tòa Công Luận.

Ngày nay, trong các tổ chức giáo hội mang danh Chúa, từ Công Giáo đến Chính Thống Giáo và các hệ phái Tin Lành, cũng có những người thật sự tin cậy Chúa, sốt sắng trong đức tin, nhưng thiếu hiểu biết về Lời Chúa mà phạm tội, nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Họ cũng nhân danh Chúa mà bắt bớ những con dân chân thật của Chúa, những người hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa. Nguyện Chúa thương xót, tỉnh thức họ bởi lẽ thật của Lời Ngài.

15 Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài,

16 để mạc khải Con của Ngài trong tôi, để cho tôi giảng về Con ấy trong các dân ngoại, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu,

Câu 15 trên đây là một câu quan trọng, nhắc cho chúng ta biết rằng, mọi sự Đức Chúa Trời làm là bởi ý chí tự do của Ngài. Ngài làm vì Ngài đẹp lòng để làm như vậy. Từ ngữ “đẹp lòng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: vui thích, thỏa mãn về một sự tốt lành. Đức Chúa Trời tức là Thiên Chúa Đức Cha đã vui thích, thỏa mãn trong sự biệt riêng Phao-lô từ trong lòng mẹ, vì đó là một việc tốt lành theo sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Ngài. Bởi ơn thương xót vô bờ bến của Ngài mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi Phao-lô đến với lẽ thật của Ngài, đến với sự sống đời đời, đến với sứ mạng Ngài đã dành riêng cho ông, đến với tất cả những việc tốt lành Ngài đã sắm sẵn trước cho ông, để ông bước đi trong chúng. Và điều quan trọng là Ngài đã mạc khải trong ông về Con của Ngài là Đức Chúa Jesus, để ông rao giảng về Con ấy trong các dân ngoại.

Mỗi một người trong chúng ta đây, cũng đều được Đức Chúa Trời đẹp lòng mà biệt riêng chúng ta từ trong lòng mẹ, gọi chúng ta bởi ân điển của Ngài, để trở nên những con trai và con gái của Ngài, rao truyền sự chết của Đấng Christ vì tội lỗi của nhân loại, cho đến khi Đấng Christ đem chúng ta ra khỏi thế gian.

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời. Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:3-4).

Vậy, chúng ta hãy ghi nhớ và sống trọn những ngày tháng còn lại của đời mình với lòng biết ơn, thuận phục Đức Chúa Trời.

Trong khi Sứ Đồ Phi-e-rơ được Đức Chúa Trời thần cảm để nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống (Ma-thi-ơ 16:16-17), thì Sứ Đồ Phao-lô được Đức Chúa Trời mạc khải Đấng Christ trong ông. Tức là Phao-lô được Đức Chúa Trời cất hết bất cứ sự gì trước đó đã che giấu về con người của Đức Chúa Jesus trong thần trí của ông, đặc biệt là lòng sốt sắng trung thành với Do-thái Giáo, để ông được thấy rõ cách trọn vẹn thần tính, nhân tính của Đức Chúa Jesus, và mục vụ Christ của Ngài qua các chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua.

Trong khi Phi-e-rơ được thần cảm để tuyên xưng Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống, nhưng lại không hiểu gì về thần tính và mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ, đến nỗi liền sau đó, Phi-e-rơ đã lên tiếng can ngăn Đức Chúa Jesus, xin Ngài đừng đi lên thành Giê-ru-sa-lem để tránh bị dân I-sơ-ra-ên bắt giết (Ma-thi-ơ 16:22). Thì Phao-lô được mạc khải để nhận biết rõ bản thể của Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa trong xác thịt loài người; nhận biết rõ ý nghĩa của sự chết, sự sống lại, sự tái lâm, kết quả ơn cứu chuộc của Ngài ban cho nhân loại, sự hiệp một của Ngài với Hội Thánh, và sự cai trị của Ngài trên muôn loài.

Khi Sứ Đồ Giăng ghi lại sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ, bởi thiên sứ của Ngài tỏ ra cho ông, như ông đã chép trong sách Khải Huyền, thì ông viết là:

“Sự mạc khải của Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài để tỏ ra cho các tôi tớ Ngài những điều sắp phải xảy đến; Ngài đã sai thiên sứ Ngài tỏ ra cho tôi tớ Ngài là Giăng…” (Khải Huyền 1:1).

Nhưng khi Sứ Đồ Phao-lô ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời mạc khải về Đức Chúa Jesus Christ cho ông, thì ông ghi là:

“Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài, để mạc khải Con của Ngài trong tôi…” (Ga-la-ti 1:15-16).

Sự mạc khải đến với Giăng là bởi sự thiên sứ tỏ ra cho ông nhìn thấy những hình ảnh, nghe thấy những âm thanh của những sự sẽ xảy đến trong tương lai. Khi nhìn thấy và nghe thấy những sự ấy, Giăng phải vận dụng thần trí của mình để hiểu và nhớ. Tuy nhiên, có những điều ông không hiểu được và ông phải hỏi các thiên sứ hoặc phải do một nhân vật trong khải tượng của ông giải thích cho ông hiểu.

Sự mạc khải của Đức Chúa Trời cho Phao-lô là ở trong ông. Có nghĩa là, từ trong thần trí của Phao-lô, ông nhận thức cách rõ ràng và đầy đủ tất cả những gì cần biết về Đấng gọi là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống.

Phao-lô không chỉ biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống như Phi-e-rơ biết, mà ông còn hiểu rất rõ về bản thể và mục vụ của Đấng Christ. Phao-lô không nhìn thấy và nghe về Đấng Christ qua khải tượng, rồi suy luận để hiểu, như cách Giăng nhận và hiểu về các khải tượng trong sách Khải Huyền, nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho ông sự hiểu biết đầy trọn về Đấng Christ ngay lập tức trong thần trí của ông. Sự hiểu biết đầy trọn ấy được ông tóm gọn trong mấy lời sau đây:

“Phải! Thật vậy! Tôi cũng xem mọi sự như là sự lỗ, vì sự hiểu biết siêu việt về Đấng Christ Jesus, Chúa của tôi. Tôi vì Ngài mà chịu bỏ mọi sự, kể chúng như phân, để tôi được Đấng Christ, và được tìm thấy ở trong Ngài, không phải bởi có sự công chính của tôi, là sự ra từ luật pháp, nhưng sự công chính bởi tin nơi Đấng Christ, là sự công chính ra từ Đức Chúa Trời bởi đức tin; để tôi được biết Ngài, quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công trong sự thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài…” (Phi-líp 3:8-10).

Phao-lô không chỉ có sự hiểu biết đầy trọn về Đấng Christ mà ông còn trở nên một với Ngài, vì thế, ông đã viết:

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Và ông giảng dạy cho con dân Chúa:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Mục đích của sự Đấng Christ đã chết, đã sống lại, và sống là để Ngài làm Chúa những kẻ chết lẫn những người sống.” (Rô-ma 14:7-9).

Chúng ta, là những con dân chân thật của Chúa, phải hết lòng theo gương của Phao-lô, để chúng ta cũng kinh nghiệm được sự hiểu biết đầy trọn về Đấng Christ và nên một với Ngài. Phao-lô đã bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh mà kêu gọi chúng ta:

“Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

Có bảy lẽ thật quan trọng về bản thể và mục vụ của Đấng Christ mà Đức Chúa Trời đã mạc khải trong Phao-lô:

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô nên ông nhận biết Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa trong xác thịt loài người; và ông đã công bố qua bảy lời sau đây:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh chị em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

“Các tổ phụ thuộc về dân ấy, và theo phần xác thịt Đấng Christ ra từ dân ấy, là Đấng trên hết mọi sự, là Thiên Chúa được tôn vinh cho đến vĩnh cửu. A-men!” (Rô-ma 9:5).

“Vì các anh chị em biết rõ điều này: kẻ làm đĩ đực, hoặc kẻ ô uế, hoặc kẻ tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không được dự phần kế nghiệp Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 5:5).

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.” (Phi-líp 2:6).

“Vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. [Thể trạng = bản thể và bản tính.]” (Cô-lô-se 2:9).

“Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra trong các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.” (I Ti-mô-thê 3:16).

“Chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ…” (Tít 2:13).

Các lời công bố ấy của Phao-lô đã được Sứ Đồ Giăng và người em cùng mẹ với Đức Chúa Jesus là Giu-đe, làm hai nhân chứng, xác nhận như sau:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Bởi Ngài, muôn vật đã có. Ngoài Ngài, không một vật đã có nào thực hữu.” (Giăng 1:1-3).

“Ngôi Lời đã tự trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta, đầy dẫy ân điển và lẽ thật. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài, sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha.” (Giăng 1:14).

“Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.” (I Giăng 5:20).

“Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, chúng nó là những kẻ đã bị định cho án phạt từ trước, là những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác. Chúng nó chối Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất và là Chúa của chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.” (Giu-đe câu 4).

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô, nên ông nhận biết sự chết của Đức Chúa Jesus Christ là nền tảng và trung tâm điểm của ơn cứu rỗi, vì thế, ông công bố ông chỉ biết và rao giảng về Đức Chúa Jesus Christ và sự chết của Ngài:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Khi tôi đến với các anh chị em, tôi đã không đến với sự cao xa của bài diễn văn hay là sự khôn sáng để công bố cho các anh chị em lời chứng của Đức Chúa Trời. Vì ở giữa các anh chị em, tôi đã quyết định rằng, tôi chẳng biết sự gì ngoài Đức Chúa Jesus Christ, và Ngài đã bị đóng đinh trên cây thập tự.” (I Cô-rinh-tô 2:1-2).

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô nên ông nhận biết ý nghĩa sâu nhiệm về mối tương quan giữa sự chết của Đức Chúa Jesus Christ với sự chết bản ngã tội lỗi của loài người:

“Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta sẽ cứ ở trong tội lỗi để cho ân điển được thêm lên chăng? Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết đối với tội lỗi, sao còn sống trong tội lỗi nữa? Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao?” (Rô-ma 6:1-3).

“Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi một cách công chính.” (Rô-ma 6:6-7).

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô nên ông nhận biết ý nghĩa sâu nhiệm về mối tương quan giữa sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ với sự sống lại trong bản ngã mới của những ai bằng lòng chết đi bản ngã cũ tội lỗi trong Ngài:

“Vậy, chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi được báp-tem vào trong sự chết, để cho Đấng Christ bởi sự vinh quang của Đức Cha được sống lại từ trong những kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới của đời sống thế ấy. Vì nếu chúng ta được tháp làm một với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được tháp làm một với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài.” (Rô-ma 6:4-5).

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

“Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

“Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô nên ông nhận biết ý nghĩa sâu nhiệm về mối tương quan hiệp một giữa Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh:

“…Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và Ngài là Đấng Giải Cứu của thân thể.” (Ê-phê-sô 5:23).

“Vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài, của thịt Ngài, và của xương Ngài.” (Ê-phê-sô 5:30).

“Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, y theo sự tác động của năng lực mà Ngài bắt muôn vật phục chính Ngài.” (Phi-líp 3:21).

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô nên ông nhận biết sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế; và nhận biết có sự sống lại và sự biến hóa thân thể xác thịt của con dân Chúa trong ngày Chúa hiện ra:

“Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa. Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa. Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.” (I Cô-rinh-tô 15:51-53).

I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18

13 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi chẳng muốn các anh chị em không biết về phần những người đã ngủ, để cho các anh chị em chớ buồn rầu như những người khác là những người không có sự trông cậy.

14 Vì nếu chúng ta tin rằng, Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những người ngủ trong Đức Chúa Jesus đến với Ngài.

15 Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà nói với các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho tới kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.

16 Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước.

17 Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.

18 Thế thì, các anh chị em hãy dùng những lời ấy mà khích lệ nhau.

  1. Bởi sự mạc khải của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ trong Phao-lô nên ông nhận biết tình yêu tuyệt đối của Đức Chúa Trời và của Đức Chúa Jesus Christ dành cho những ai thuộc về Thiên Chúa:

“Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8).

“Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì hết thảy chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32).

Rô-ma 8:35-39

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? Có phải sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc gươm giáo chăng?

36 Như có chép: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày. Chúng tôi bị xem như chiên để làm thịt. [Thi Thiên 44:22]

37 Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta hơn cả những người thắng trận.

38 Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến,

39 chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời. Đến nỗi, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng ấy từ trước khi lập nền thế gian, để chúng ta được nên thánh và không chỗ trách được, trước Ngài, trong tình yêu.” (Ê-phê-sô 1:3-4).

Chúng ta có thể nói, toàn bộ sự giảng dạy của Phao-lô về Tin Lành và Đấng Christ đều xoay quanh bảy lẽ thật quan trọng nêu trên.

Sau khi Phao-lô nhận được sự mạc khải của Đức Chúa Trời trong ông thì ông không “bàn với thịt và máu”. Thành ngữ “Bàn với thịt và máu” vừa có ý nghĩa tự lý luận với chính mình trong tâm trí của xác thịt, vừa có nghĩa tham khảo ý kiến người khác về một điều gì đó.

17 tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem, đến với những sứ đồ trước tôi, nhưng tôi đi qua xứ A-ra-bi rồi trở về thành Đa-mách.

Phao-lô cũng không đến Giê-ru-sa-lem để tham khảo ý kiến của những người được Chúa gọi làm sứ đồ trước ông, nhưng ông lập tức đi qua xứ A-ra-bi. Dựa vào Ê-sai đoạn 21 thì xứ A-ra-bi được nói đến ở đây có lẽ là vùng sa mạc của bán đảo Si-na-i, thuộc nước Ai-cập ngày nay. Chúng ta không có chi tiết nào khác trong Thánh Kinh hoặc trong sử liệu của Hội Thánh để biết vào lúc nào Phao-lô đến xứ A-ra-bi, ở lại bao lâu, và làm gì trong thời gian ở đó. Rất có thể, Phao-lô đã dành toàn thời gian ở tại A-ra-bi để suy nghiệm về bản thể và mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã mạc khải cho ông, suy nghiệm về Tin Lành mà Đức Chúa Jesus Christ đã mạc khải cho ông.

Về bản thể thì Đức Chúa Jesus Christ vừa là người vừa là Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người. Về mục vụ thì là tất cả những gì Đức Chúa Jesus Christ đã và sẽ làm ra cho Hội Thánh. Về Tin Lành thì là tình yêu và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà một người chỉ có thể nhận được bởi lòng ăn năn tội và đức tin.

18 Rồi, sau ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem, để gặp mặt trao đổi với Phi-e-rơ, và ở với anh ấy mười lăm ngày.

19 Nhưng tôi không gặp một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là em của Chúa.

Có thể Phao-lô từ sa mạc A-ra-bi trở về thành Đa-mách, và tiếp tục giảng Tin Lành tại đó thêm một thời gian ba năm, trước khi ông về lại Giê-ru-sa-lem để gặp Sứ Đồ Phi-e-rơ. Nhưng phần lớn là Phao-lô đã ở tại A-ra-bi trong ba năm, rồi mới trở về thành Đa-mách trước khi đến Giê-ru-sa-lem. Theo văn phạm tiếng Hy-lạp thì mệnh đề: “Rồi, sau ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem” có thể hiểu là ba năm sau khi Phao-lô đã về lại Đa-mách hoặc ba năm sau khi ông qua xứ A-ra-bi.

Khi Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem thì ông chỉ gặp Sứ Đồ Phi-e-rơ và một người em cùng mẹ của Chúa là Gia-cơ. Ông ở lại với Phi-e-rơ 15 ngày. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, động từ “gặp” được dùng trong câu 19 có nghĩa là thấy mặt, nhưng động từ “gặp” được dùng trong câu 18 là một động từ chỉ được dùng có một lần trong Tân Ước. Ý nghĩa của nó là: gặp tận mặt để trao đổi ý kiến, để làm quen và xem xét một người, để phỏng vấn hoặc tra hỏi về một sự việc, để tìm hiểu, học hỏi, để thảo luận với.

Phao-lô chọn dùng động từ mang nghĩa “gặp tận mặt để trao đổi” hàm ý: trong 15 ngày ở với Phi-e-rơ, Phao-lô đã trao đổi với Phi-e-rơ về hai sự mạc khải mà ông đã nhận từ Đức Chúa Trời và từ Đức Chúa Jesus Christ, đồng thời ông học từ Phi-e-rơ những kinh nghiệm trực tiếp của Phi-e-rơ về Đức Chúa Jesus Christ, khi Ngài còn đi lại trên đất. Có lẽ, Phi-e-rơ đã học được từ Phao-lô cách sâu nhiệm hơn về bản thể của Đức Chúa Jesus Christ, về mục vụ và Tin Lành của Ngài. Trong II Phi-e-rơ 3:16, Phi-e-rơ công nhận rằng, trong sự giảng dạy của Phao-lô có những chỗ khó hiểu đối với những ai không chuyên tâm tìm kiếm lẽ thật của Lời Chúa.

20 Này! Những điều tôi viết cho các anh chị em, trước Đức Chúa Trời, tôi không dối trá!

Phao-lô trân trọng và nghiêm khắc viết cho các Hội Thánh tại Ga-la-ti, nói riêng, và toàn thể Hội Thánh Chúa trong mọi thời đại, nói chung, được biết rằng, trước Đức Chúa Trời, những điều ông viết ra trong Ga-la-ti 1:1-19 đều là chân thật. Tức là:

  • Ông được Đức Chúa Trời mạc khải trong ông về Đức Chúa Jesus Christ.
  • Ông được Đức Chúa Jesus Christ trực tiếp mạc khải cho ông về Tin Lành, chứ không do một ai khác rao truyền cho ông.
  • Chức vụ sứ đồ của ông là bởi ý muốn của Đức Chúa Trời và bởi sự giao phó của Đức Chúa Jesus Christ chứ không bởi một người nào.

Vì thế, đừng ai nghi ngờ về những lời rao giảng và thẩm quyền giảng dạy của ông.

21 Sau đó, tôi đi qua các miền thuộc xứ Si-ri và xứ Si-li-si.

“Sau đó” là sau khi Phao-lô gặp Phi-e-rơ và Gia-cơ tại Giê-ru-sa-lem. Trong thời gian Phao-lô ở lại Giê-ru-sa-lem, ông cũng thông công với con dân Chúa tại đó, rao giảng cho những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp và tranh luận với họ. Nhưng họ tìm cách giết ông nên Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã đưa ông đến thành Sê-sa-rê, tức thành Sê-sa-rê Phi-líp thuộc xứ Si-ri, và gửi ông về lại quê hương của ông là Tạt-sơ thuộc xứ Si-li-si (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:26-30).

22 Nhưng tôi là người lạ mặt trong các Hội Thánh tại xứ Giu-đê, là các hội ở trong Đấng Christ.

23 Họ chỉ nghe rằng: Người đã bách hại chúng ta trước kia, nay đang giảng về đức tin mà người ấy từng tàn phá.

Lần đầu tiên, Phao-lô quay về Giê-ru-sa-lem, sau khi ông được báp-tem vào trong Hội Thánh, các môn đồ của Chúa tại Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận không biết mặt ông. Họ chỉ nghe biết rằng, ông vốn là một người bách hại Hội Thánh của Chúa một cách tàn khốc, nhưng nay đã bị Chúa bắt phục, trở thành người rao giảng Tin Lành. Vì thế, họ nghi ngờ và sợ ông. Ba-na-ba đã đưa ông đến với Phi-e-rơ và Gia-cơ, làm chứng lại sự Chúa đã bắt phục Phao-lô như thế nào, và Phao-lô đã tích cực rao giảng Tin Lành như thế nào giữa vòng dân ngoại. Chúng ta nhận thấy: Chúa dùng con dân Chúa ấn chứng cho nhau.

Sau đó, con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem thông công với Phao-lô và ông không bỏ qua cơ hội giảng Tin Lành cho những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp, tại Giê-ru-sa-lem.

24 Và họ tôn vinh Đức Chúa Trời qua tôi.

Con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận được nghe biết sự kiện Chúa bắt phục Phao-lô, và được nghe ông giảng Tin Lành, thì họ nhận biết Đức Chúa Trời thật đã biến đổi Phao-lô và dùng ông cho công việc của nhà Ngài. Họ vui mừng tôn vinh Đức Chúa Trời. Câu: “Và họ tôn vinh Đức Chúa Trời qua tôi” có nghĩa là, con dân Chúa nhìn thấy việc làm của Đức Chúa Trời trên đời sống của Phao-lô và qua đời sống của ông, thì họ vui mừng tôn vinh Chúa.

Chúng ta hãy sống sao cho người khác nhìn thấy mọi sự Đức Chúa Trời đã làm ra trên đời sống của chúng ta và qua đời sống của chúng ta, để họ tôn vinh Ngài. Đó là một mệnh lệnh của Chúa:

“Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16).

Sự Đức Chúa Trời làm ra trên đời sống của chúng ta là sự Ngài làm cho bản thân chúng ta. Sự Đức Chúa Trời làm qua đời sống của chúng ta là sự Ngài qua chúng ta mà làm cho người khác. Chúng ta cũng hãy tập thói quen vui mừng, tôn vinh, và cảm tạ Chúa khi nhìn thấy việc Chúa làm ra trên đời sống hoặc qua đời sống của các anh chị em cùng Cha của chúng ta.

Nguyện mỗi một chúng ta đều nhận được sự hiểu biết đầy trọn về Đấng Christ, như Đức Chúa Trời đã mạc khải trong Phao-lô và được ông giảng dạy cho Hội Thánh. Nguyện mỗi một chúng ta được kinh nghiệm đầy trọn sự ngọt ngào, thắm thiết tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Nguyện mỗi một chúng ta thật sự kinh nghiệm sự hiệp một với Đấng Christ, để chúng ta không vì chính mình mà sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong chúng ta, và chúng ta sống cho Ngài, chết vì Ngài. Nguyện mỗi chúng ta luôn thuộc về Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/02/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Xem tiểu sử của Phao-lô tại đây: https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-phan-gioi-thieu/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.