YouTube: https://youtu.be/tATwQFbgyj8
Chú Giải I Cô-rinh-tô 14:1-25
Ơn Nói Tiên Tri và Ơn Nói Các Ngôn Ngữ
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
- MediaFire: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
- Amazon Drive: Bấm vào đây
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
I Cô-rinh-tô 14:1-25
1 Hãy theo đuổi tình yêu nhưng hãy khao khát những sự thiêng liêng! Mà tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri.
2 Vì người nào nói một ngôn ngữ khác thì không phải nói với loài người, nhưng nói với Đức Chúa Trời. Vì chẳng có ai nghe hiểu khi người ấy nói những sự mầu nhiệm trong thần trí.
3 Nhưng người nói tiên tri thì nói với loài người, để gây dựng, khích lệ, và an ủi.
4 Người nói một ngôn ngữ khác tự gây dựng chính mình. Nhưng người nói tiên tri thì gây dựng Hội Thánh.
5 Tôi mong cho các anh chị em đều nói được các ngôn ngữ, nhưng tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri. Vì người nói tiên tri là trọng hơn người nói các ngôn ngữ; trừ khi người ấy giải nghĩa để cho Hội Thánh được sự gây dựng.
6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nếu tôi đến với các anh chị em, nói các thứ ngôn ngữ, thì tôi sẽ giúp ích gì cho các anh chị em? Trừ khi tôi nói với các anh chị em hoặc là trong sự mạc khải, hoặc là trong sự hiểu biết, hoặc là trong lời tiên tri, hoặc là trong giáo lý?
7 Ngay cả những vật không có sự sống phát ra tiếng, hoặc ống tiêu hoặc hạc cầm, trừ khi chúng phát ra các âm thanh khác biệt, thì làm thế nào nhận biết được ống tiêu hay là hạc cầm?
8 Và nếu kèn phát ra một âm thanh không xác định, thì ai sẽ chuẩn bị mà ra trận?
9 Các anh chị em cũng vậy, trừ khi các anh chị em nói bởi một ngôn ngữ những lời hiểu được thì làm sao người nghe biết được những gì đã nói? Vì các anh chị em sẽ chỉ nói vào trong không khí. [Hàm ý: lời nói không đi vào trong sự nhận thức của người nghe, vì người nghe không hiểu.]
10 Có rất nhiều thứ tiếng trong thế gian mà không thứ nào không có ý nghĩa.
11 Vậy, nếu tôi chẳng biết ý nghĩa của tiếng nói nào, tôi sẽ là người man rợ đối với người nói, và người nói là người man rợ đối với tôi.
12 Và như vậy, hỡi các anh chị em! Vì các anh chị em sốt sắng về sự thiêng liêng thì các anh chị em hãy tìm kiếm, để các anh chị em vượt trội về sự gây dựng Hội Thánh.
13 Bởi đó, người nói một ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, để người ấy có thể thông giải.
14 Vì nếu tôi cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi thì không được kết quả.
15 Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết. Tôi sẽ hát bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ hát bằng sự hiểu biết.
16 Vì khi các anh chị em cầu phước bằng tâm thần, thì người thuộc hạng bình dân làm sao nói a-men với lời tạ ơn của các anh chị em? Bởi người ấy chẳng hiểu các anh chị em nói gì.
17 Thật! Các anh chị em nói lời cảm tạ cách tốt lành nhưng người khác chẳng được gây dựng.
18 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, vì tôi nói nhiều ngôn ngữ hơn hết thảy các anh chị em.
19 Nhưng trong Hội Thánh, tôi thà nói năm lời với sự hiểu biết của tôi mà tôi cũng có thể dạy cho những người khác, hơn là nói mười ngàn lời trong một ngôn ngữ khác.
20 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chớ như trẻ con trong sự thông biết! Về sự độc ác thà như trẻ con; còn về sự thông biết hãy như người lớn.
21 Trong luật pháp có chép: Chúa phán, bởi các thứ tiếng và với các môi miệng khác, Ta sẽ phán với dân này. Dù vậy, chúng nó sẽ chẳng nghe Ta. [Ê-sai 28:11-12]
22 Thế thì, các ngôn ngữ là một dấu chẳng phải cho những người tin nhưng cho những kẻ không tin; còn sự nói tiên tri chẳng phải cho những kẻ không tin nhưng cho những người tin.
23 Vậy nên, nếu cả Hội Thánh nhóm hiệp trong một nơi và mọi người đều nói các ngôn ngữ khác, mà có những người bình dân hoặc những người không tin vào nghe, thì họ sẽ chẳng nói rằng, các anh chị em là điên cuồng sao?
24 Nhưng nếu hết thảy đều nói tiên tri mà có một người không tin hoặc người bình dân vào nghe, thì người ấy bị bắt phục bởi mọi người, người ấy bị phán xét bởi mọi người.
25 Như vậy, những sự kín giấu trong lòng người ấy được tỏ ra và bởi đó người ấy sấp mặt xuống đất. Người ấy sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời, tuyên bố rằng, thật có Đức Chúa Trời ở giữa các anh chị em.
Một trong những sự lừa gạt lớn nhất mà Sa-tan làm ra trong lịch sử của Hội Thánh là sự dựng nên phong trào nói tiếng lạ, đặt tay té ngã, vào đầu thế kỷ 20. Phong trào này đề cao sự lắp bắp những âm thanh vô nghĩa cùng với sự té ngã bất tỉnh như là hình thức thể hiện sự được báp-tem bằng thánh linh và được đầy dẫy thánh linh. Chúng tôi đã trình bày cách chi tiết về phong trào này trong cuốn sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã”. Quý ông bà anh chị em có thể tải xuống phiên bản sách điện tử từ trang “Sách và Thánh Kinh Điện Tử Miễn Phí” của khu mạng timhieutinlanh.com [1]. Tất cả những tổ chức tôn giáo thuộc phong trào nói tiếng lạ và đặt tay té ngã đều là công cụ của Sa-tan, mạo nhận là Hội Thánh của Chúa.
Thực tế, Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 14:1-25 đã dạy cho con dân Chúa biết rằng, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ của loài người là thấp nhất trong các ân tứ, vì chỉ giúp ích riêng cho người được ân tứ đó. Còn ân tứ nói tiên tri là ân tứ cao trọng hơn hết, vì giúp ích cho cả Hội Thánh. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 14:1-25 giúp cho con dân Chúa thấy rõ, sự giảng dạy của phong trào nói tiếng lạ và đặt tay té ngã là không đúng Thánh Kinh, là bẻ cong Lời Chúa, là tà giáo.
1 Hãy theo đuổi tình yêu nhưng hãy khao khát những sự thiêng liêng! Mà tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri.
Tình yêu là sự ban cho lớn nhất từ Thiên Chúa. Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phao-lô dạy cho con dân Chúa về sự cao trọng của tình yêu và chín đặc tính của tình yêu, như chúng ta đã học trong I Cô-rinh-tô đoạn 13.
Đức Thánh Linh muốn chúng ta theo đuổi tình yêu nhưng đồng thời cũng khao khát những sự thiêng liêng.
Động từ “theo đuổi” (G1377) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là nhanh chóng chạy theo đàng sau để đuổi bắt một người hay một vật; cũng có nghĩa là sốt sắng hành động để đạt được mục đích. “Theo đuổi tình yêu” có nghĩa là sốt sắng thể hiện các đặc tính của tình yêu trong đời sống để trở nên một người thật sự biết yêu. Trên là yêu Thiên Chúa, dưới là yêu mọi người.
Động từ “khao khát” (G2206) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là yêu thích cách nóng cháy. Dựa vào văn mạch từ I Cô-rinh-tô 12:1, “khao khát những sự thiêng liêng” có nghĩa là yêu thích cách nóng cháy các ân tứ của Đấng Thần Linh.
“Mà tốt hơn hết” hàm ý, mà ân tứ tốt hơn hết trong các ân tứ. Phao-lô xác định, ân tứ tốt hơn hết trong các ân tứ là ân tứ nói tiên tri. Tiếp theo đó, từ câu 2 đến câu 25, Phao-lô giải thích vì sao ân tứ nói tiên tri cao trọng hơn ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ.
2 Vì người nào nói một ngôn ngữ khác thì không phải nói với loài người, nhưng nói với Đức Chúa Trời. Vì chẳng có ai nghe hiểu khi người ấy nói những sự mầu nhiệm trong thần trí.
Ngôn ngữ khác là một trong các ngôn ngữ của loài người, không phải là ngôn ngữ của thiên sứ, lại càng không phải là những âm thanh lắp bắp vô nghĩa. Dựa vào các chi tiết được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2, chúng ta biết rằng, lần đầu tiên ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ được ban cho Hội Thánh, thì có nhiều ngôn ngữ được các môn đồ của Chúa nói để tôn vinh Đức Chúa Trời. Vào lúc đó, dân nói các ngôn ngữ ấy, từ các nơi, đang tụ về Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Ngũ Tuần, và họ nghe hiểu được các môn đồ của Chúa tôn vinh Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ bản xứ của họ. Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4-11 ghi rõ:
4 Hết thảy họ đều được đầy dẫy thánh linh, khởi sự nói các ngôn ngữ khác, theo như Đấng Thần Linh ban cho họ nói.
5 Có những người Do-thái trú tại Giê-ru-sa-lem, là những người tin kính từ các dân thiên hạ đến.
6 Lúc tiếng ấy vang ra, đám đông cùng đến và sững sờ, vì mỗi người đều nghe họ nói tiếng của chính mình.
7 Hết thảy đều kinh ngạc, lấy làm lạ, nói với nhau: Kìa! Không phải hết thảy những người đang nói đó là những người Ga-li-lê sao?
8 Sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng của chúng ta, trong nơi chúng ta được sinh ra?
9 Người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, những cư dân tại Mê-sô-bô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-ba-đốc, Bông, A-si,
10 Phi-ri-gi, Bam-phi-ly, Ê-díp-tô, các phần của Li-by gần Sy-ren, những ngoại kiều từ Rô-ma đến, những người Do-thái và những người theo Do-thái Giáo,
11 người Cơ-rết và Ả-rập. Chúng ta nghe họ nói trong ngôn ngữ của chúng ta về những sự cao trọng của Đức Chúa Trời.
Chúng ta thấy, Lời Chúa liệt kê rõ ràng, trong ngày Hội Thánh được thành lập tại Giê-ru-sa-lem, Đấng Thần Linh đã ban cho con dân Chúa ân tứ để nói 14 ngôn ngữ khác nhau.
Dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ 2:5, chúng ta hiểu rằng, những người từ các nơi trong đế quốc La-mã, về dự Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem, là những người I-sơ-ra-ên tin kính Chúa. Theo luật pháp Cựu Ước, mỗi năm ba lần, đàn ông I-sơ-ra-ên từ khắp nơi phải về Giê-ru-sa-lem để dự các ngày lễ hội: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần (còn gọi là Lễ Các Tuần Lễ), và Lễ Lều Trại.
“Mọi người nam trong các ngươi, mỗi năm ba lần, phải ra mắt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, tại nơi mà Ngài sẽ chọn: trong Lễ Bánh Không Men, trong Lễ Các Tuần Lễ, và trong Lễ Lều Trại. Chúng chẳng nên tay không ra mắt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16).
Vì sự tản lạc của dân I-sơ-ra-ên đến các vùng đất của những dân tộc khác nhau trong suốt khoảng thời gian chừng 400 năm, nên ngôn ngữ chính của những người I-sơ-ra-ên tha hương là ngôn ngữ của dân bản xứ, nơi mà họ lưu lạc đến. Bởi các môn đồ của Chúa tôn vinh Đức Chúa Trời trong các ngôn ngữ theo tiếng mẹ đẻ của họ cùng với bài giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ, mà ngay trong ngày Hội Thánh được thành lập, đã có khoảng 3.000 người tin nhận Tin Lành và được Đức Thánh Linh thêm vào Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41). Khi khoảng 3.000 người đó quay về nơi cư trú của họ, họ đã góp phần trong việc mang Tin Lành đến nhiều nơi trên đế quốc La-mã.
Về sau, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ vẫn được ban cho một số con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương, nhưng mục đích đã khác với lần đầu tiên ân tứ ấy được ban cho Hội Thánh. Sau ngày Hội Thánh được thành lập, những người được ban cho ân tứ nói một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ là những người cần một dấu hiệu ấn chứng rằng, người ấy đã thuộc về Hội Thánh của Chúa và đã nhận được một trong những sự ban cho của Đấng Thần Linh. Chúng ta sẽ bàn đến lý do vì sao có người trong Hội Thánh cần được ban cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ khi tìm hiểu ý nghĩa của câu 4.
Ân tứ nói ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ không bao gồm ân tứ hiểu được ngôn ngữ ấy. Vì thế mà trong câu 13, Phao-lô khuyên người được ân tứ nói ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, xin cho có được ân tứ thông giải ngôn ngữ mà mình nói.
Chính vì người được ban cho ân tứ nói ngôn ngữ khác và những người nghe người ấy nói đều không hiểu ngôn ngữ người ấy nói, nên sự người ấy nói ngôn ngữ khác là sự người ấy nói với Đức Chúa Trời để tôn vinh Ngài.
“Những sự mầu nhiệm trong thần trí” hàm ý, những sự cao trọng về Đức Chúa Trời được tỏ ra trong thần trí của người được ban cho ân tứ nói các ngôn ngữ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:11).
3 Nhưng người nói tiên tri thì nói với loài người, để gây dựng, khích lệ, và an ủi.
Người nói tiên tri là nói với loài người, vì người ấy đang thay cho Đức Chúa Trời truyền ý muốn của Đức Chúa Trời cho loài người. Như chúng ta đã học biết, người nói tiên tri là người nói ra những gì mà Đức Chúa Trời muốn cho người ấy nói với một hay nhiều người khác. Người nói tiên tri có thể nói những sự do chính Đức Chúa Trời mạc khải riêng cho người ấy qua giấc mơ, qua khải tượng, qua lời phán, hoặc nói những gì đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Mục đích của sự nói tiên tri có thể là cảnh báo về một sự việc sắp xảy ra để con dân Chúa sẵn sàng ứng phó; hoặc cáo trách một người, một dân tộc, hoặc một Hội Thánh địa phương phạm tội và kêu gọi ăn năn. Mục đích của sự nói tiên tri cũng có thể là để khích lệ con dân Chúa trong sự chịu khổ vì danh Chúa. Chính vì thế mà người nói tiên tri thì nói trong ngôn ngữ mà người nói và người nghe cùng hiểu. Chính vì thế mà ân tứ nói tiên tri là một ân tứ đem lại ích lợi chung cho cả Hội Thánh; và cũng là ân tứ đem lại ích lợi cho Hội Thánh trên nhiều phương diện.
4 Người nói một ngôn ngữ khác tự gây dựng chính mình. Nhưng người nói tiên tri thì gây dựng Hội Thánh.
Chúng ta có thể hiểu như sau, Đấng Thần Linh nhận biết trong mỗi Hội Thánh địa phương, vào thời điểm nào, người nào được ban cho ân tứ nào, thì sẽ có ích lợi nhất cho Hội Thánh tại địa phương ấy. Vì thế Đấng Thần Linh ban phát ân tứ riêng cho mỗi người trong từng Hội Thánh địa phương theo ý của Ngài (I Cô-rinh-tô 12:7, 11). Có những người còn yếu đuối trong đức tin, chưa thể tích cực dự phần trong các mục vụ của Hội Thánh, nên Đấng Thần Linh đã không ban cho họ các ân tứ phục vụ, mà chỉ ban cho họ ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ, để họ tự gây dựng chính mình trước. Khi họ đã lớn mạnh trong đức tin thì Đấng Thần Linh sẽ ban cho họ các ân tứ phục vụ, để họ dự phần trong việc gây dựng Hội Thánh. Vì thế, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ là ân tứ thấp nhất trong các ân tứ. Trong khi đó, ân tứ nói tiên tri, giúp ích nhiều cho Hội Thánh, là ân tứ cao trọng hơn.
Vào thời của Phao-lô, Hội Thánh chưa có Thánh Kinh Tân Ước, vì thế, người tin Chúa chưa có đủ Lời Chúa để gây dựng đức tin như chúng ta ngày nay. Nhiều người cần được sự yên tâm rằng, mình đã được cứu chuộc, mình đã thuộc về Hội Thánh của Chúa. Vì thế, Đấng Thần Linh đã ban cho họ ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ, như Ngài đã ban cho các môn đồ của Chúa tại Giê-ru-sa-lem, trong ngày Hội Thánh được thành lập, để họ biết rằng, họ đã thuộc về Hội Thánh. Còn đối với những người có đức tin mạnh mẽ, thì Đấng Thần Linh ban cho họ các ân tứ khác để phục vụ Hội Thánh.
Ngày nay, chúng ta đã có trọn vẹn Thánh Kinh, từ Cựu Ước đến Tân Ước, giúp cho chúng ta hiểu rõ và vững tin vào sự cứu chuộc, vững tin địa vị của mình trong Hội Thánh, nên ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ không cần thiết phải ban cho chúng ta. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp Đấng Thần Linh ban ân tứ nói các ngôn ngữ và ân tứ thông giải các ngôn ngữ cho một số người trong mục vụ rao giảng Tin Lành. Trong các trường hợp đó, những người rao giảng Tin Lành có thể rao giảng Tin Lành bằng một ngôn ngữ họ chưa hề biết cho dân tộc nói thứ ngôn ngữ ấy. Họ cũng được ban cho ân tứ thông giải ngôn ngữ ấy, để họ có thể hiểu những gì mà người thuộc dân tộc ấy nói với họ.
5 Tôi mong cho các anh chị em đều nói được các ngôn ngữ, nhưng tốt hơn hết là các anh chị em nói tiên tri. Vì người nói tiên tri là trọng hơn người nói các ngôn ngữ; trừ khi người ấy giải nghĩa để cho Hội Thánh được sự gây dựng.
Ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ là một ân tứ cần thiết để ấn chứng cho những người thiếu Lời Chúa vào thời của Phao-lô về sự họ đã được cứu chuộc, họ đã thuộc về Hội Thánh. Vì thế, Phao-lô mong cho ai nấy trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cũng đều nhận được ân tứ ấy. Nhưng ông càng mong cho họ được ân tứ cao trọng hơn, là ân tứ nói tiên tri.
Người nói tiên tri là trọng hơn người nói các ngôn ngữ vì những lời của người nói tiên tri được Hội Thánh nghe và hiểu, gây dựng cho Hội Thánh. Trong khi đó, Hội Thánh không hiểu những lời của người nói các ngôn ngữ, nên những lời ấy không gây dựng cho Hội Thánh. Nhưng nếu người nói các ngôn ngữ có thể thông giải cho Hội Thánh hiểu điều mình nói, thì sự nói các ngôn ngữ của người ấy cũng sẽ có ích lợi cho Hội Thánh, như những lời của người nói tiên tri. Vì giúp cho Hội Thánh hiểu những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.
6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nếu tôi đến với các anh chị em, nói các thứ ngôn ngữ, thì tôi sẽ giúp ích gì cho các anh chị em? Trừ khi tôi nói với các anh chị em hoặc là trong sự mạc khải, hoặc là trong sự hiểu biết, hoặc là trong lời tiên tri, hoặc là trong giáo lý?
Phao-lô đưa ra một thí dụ rất thực tế. Ông hỏi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô rằng, nếu ông đến với họ và nói với họ bằng các ngôn ngữ mà họ không thể hiểu, thì điều đó có ích lợi gì cho họ. Rõ ràng là chỉ khi Phao-lô nói những gì họ hiểu được thì mới có ích lợi cho họ. Phao-lô đưa ra một số các trường hợp mà lời nói của ông đem lại ích lợi cho người nghe. Đó là khi ông nói cho họ về những sự Đức Chúa Trời mạc khải cho ông, tức là những sự Đức Chúa Trời tỏ cho ông biết trong chiêm bao, trong khải tượng, hoặc trong sự phán dạy trong thần trí của ông. Đó là khi ông nói cho họ về những sự hiểu biết của ông khi ông suy ngẫm Lời Chúa và suy ngẫm về Chúa. Đó là khi ông nói cho họ về những sự sắp xảy ra cho Hội Thánh. Danh từ “lời tiên tri” trong câu này được hiểu theo nghĩa hẹp là lời báo trước về những gì sắp xảy ra. Đó là khi ông nói cho họ về những lẽ thật trong Lời Chúa, gọi chung là giáo lý hoặc sự dạy dỗ của Thánh Kinh.
7 Ngay cả những vật không có sự sống phát ra tiếng, hoặc ống tiêu hoặc hạc cầm, trừ khi chúng phát ra các âm thanh khác biệt, thì làm thế nào nhận biết được ống tiêu hay là hạc cầm?
8 Và nếu kèn phát ra một âm thanh không xác định, thì ai sẽ chuẩn bị mà ra trận?
Ống tiêu và hạc cầm là hai loại nhạc cụ phát ra âm thanh khác biệt mà người nghe có thể nhận biết âm thanh nào là do thổi vào ống tiêu, âm thanh nào là do khảy vào hạc cầm.
Kèn thường được dùng để phát hiệu lệnh tiến quân hoặc lui quân trong chiến trận. Nếu người thổi kèn thổi ra âm thanh không đúng như đã quy định thì quân lính không biết phải hành động như thế nào.
Ngay cả những vật dụng không có sự sống mà còn có những quy định về sự phát ra âm thanh của chúng để giúp ích cho loài người, thì huống gì con dân Chúa là những người có sự sống và là sự sống mới trong Đấng Christ? Vì thế, tiếng nói của con dân Chúa cũng phải đem lại ích lợi cho người nghe.
9 Các anh chị em cũng vậy, trừ khi các anh chị em nói bởi một ngôn ngữ những lời hiểu được, thì làm sao người nghe biết được những gì đã nói? Vì các anh chị em sẽ chỉ nói vào trong không khí. [Hàm ý: lời nói không đi vào trong sự nhận thức của người nghe, vì người nghe không hiểu.]
Khi con dân Chúa nói cho loài người nghe thì con dân Chúa phải nói bằng một ngôn ngữ với những lời mà người nghe có thể hiểu được. Nếu không, người nghe sẽ chẳng hiểu được những gì mà con dân Chúa nói. Và như vậy thật là vô ích, vì chỉ là nói vào khoảng không chứ không nói được vào trong tâm trí của người nghe.
10 Có rất nhiều thứ tiếng trong thế gian mà không thứ nào không có ý nghĩa.
11 Vậy, nếu tôi chẳng biết ý nghĩa của tiếng nói nào, tôi sẽ là người man rợ đối với người nói, và người nói là người man rợ đối với tôi.
Câu 10 một lần nữa giúp cho chúng ta hiểu, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ hay nói một ngôn ngữ khác chính là ân tứ nói các loại ngôn ngữ của loài người. Chắc chắn không phải là ân tứ nói tiếng của các thiên sứ, vì tiếng của các thiên sứ không thuộc về thế gian. Chắc chắn không phải là những âm thanh lắp bắp vô nghĩa của những người nói tiếng lạ. Vì các ngôn ngữ trong thế gian đều có ý nghĩa.
Mặc dù các ngôn ngữ trong thế gian đều có ý nghĩa nhưng đối với người không hiểu ý nghĩa của một ngôn ngữ nào đó, thì người ấy sẽ xem người nói ngôn ngữ ấy như là người thuộc một dân tộc man rợ, kém văn minh. Ngược lại, người nói ngôn ngữ ấy cũng xem người nghe mà không hiểu ngôn ngữ của mình là người man rợ, kém văn minh. Đây là tâm lý tự tôn sai lầm của mỗi dân tộc. Hầu như dân tộc nào cũng xem dân tộc mình là cao trọng hơn các dân tộc khác.
12 Và như vậy, hỡi các anh chị em! Vì các anh chị em sốt sắng về sự thiêng liêng thì các anh chị em hãy tìm kiếm, để các anh chị em vượt trội về sự gây dựng Hội Thánh.
“Sự thiêng liêng”, theo văn mạch từ I Cô-rinh-tô 12:1, chính là các ân tứ của Đấng Thần Linh.
Động từ “tìm kiếm” (G2212) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là tìm kiếm để gặp được, hoặc là nhắm vào một mục đích để đạt được.
Động từ “vượt trội” (G4052) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là vượt quá số lượng đã định, hoặc là được trang bị cách dư dật.
Phao-lô khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô rằng, với tinh thần sốt sắng về các ân tứ của Đấng Thần Linh, họ hãy gắng sức theo đuổi mục đích của các ân tứ để họ được trang bị cách dư dật trong công cuộc gây dựng Hội Thánh, để họ đạt được kết quả dư dật trong sự giúp ích Hội Thánh.
13 Bởi đó, người nói một ngôn ngữ khác hãy cầu nguyện, để người ấy có thể thông giải.
Chính vì tìm kiếm để vượt trội trong các ân tứ của Đấng Thần Linh mà người được ban cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ nên cầu xin để được ban cho ân tứ thông giải. Vì có ân tứ thông giải thì mới khiến cho ân tứ nói các ngôn ngữ trở thành ích lợi chung cho cả Hội Thánh.
Thánh Kinh không giải thích vì sao có sự phân biệt ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ với ân tứ thông giải các nhánh ngôn ngữ. Nhưng có thể là để những người đức tin còn yếu, được ban cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ không lâm vấp sự kiêu ngạo, vì họ phải nhờ vào những người được ân tứ thông giải, giúp họ hiểu những gì họ nói.
Mặc dù các ân tứ được Đấng Thần Linh tùy ý ban cho mỗi người trong Hội Thánh, chứ không phải ban cho theo sự cầu xin, nhưng riêng về ân tứ thông giải các nhánh ngôn ngữ thì người đã có ân tứ nói, có thể cầu xin. Vì chính Đức Thánh Linh dẫn dắt Phao-lô viết ra lời khuyên trong câu 13; và vì ân tứ thông giải làm cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ được trở nên trọn vẹn, có ích cho Hội Thánh.
14 Vì nếu tôi cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, thì tâm thần tôi cầu nguyện, nhưng sự hiểu biết của tôi thì không được kết quả.
Lời tâm tình của Phao-lô khẳng định rằng, trong khi ông cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác, bởi sự ban cho của Đấng Thần Linh, thì ông cầu nguyện theo sự tâm thần ông được tác động nhưng ông không hiểu điều ông cầu xin. Và như vậy, không có ích lợi gì cho sự hiểu biết của ông.
15 Vậy thì sao? Tôi sẽ cầu nguyện bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ cầu nguyện bằng sự hiểu biết. Tôi sẽ hát bằng tâm thần nhưng tôi cũng sẽ hát bằng sự hiểu biết.
Phao-lô chọn cầu nguyện và tôn vinh Chúa bằng ngôn ngữ nào mà tâm thần lẫn thể xác của ông đều nhận thức được.
Chúng ta cần nhớ lại, trong ngày Hội Thánh được thành lập, lần đầu tiên ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ được ban cho con dân Chúa thì họ đã nói những lời tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không phải họ cầu nguyện hay hát tôn vinh Chúa. Có thể, có những lúc Phao-lô được thần cảm để nói những lời tôn vinh Đức Chúa Trời trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, trước những người hiểu các ngôn ngữ ấy. Vì ông được ân tứ nói nhiều ngôn ngữ, như ông đã khẳng định trong câu 18. Nhưng Phao-lô chọn cầu nguyện và hát tôn vinh Chúa bằng các ngôn ngữ mà ông có thể hiểu được.
16 Vì khi các anh chị em cầu phước bằng tâm thần, thì người thuộc hạng bình dân làm sao nói a-men với lời tạ ơn của các anh chị em? Bởi người ấy chẳng hiểu các anh chị em nói gì.
17 Thật! Các anh chị em nói lời cảm tạ cách tốt lành nhưng người khác chẳng được gây dựng.
Động từ “εὐλογέω” (G2127), phiên âm quốc tế: “eulogeō“, phiên âm tiếng Việt: “du-lô-gheo”, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh bao gồm các nghĩa sau đây: tôn vinh Chúa; nói lời dâng hiến một vật gì đó lên Chúa; xin Chúa ban phước cho thức ăn hay vật dụng nào đó; Chúa ban phước; được Chúa ban phước. Nghĩa dùng trong câu 16, theo văn mạch là lời cầu xin Chúa ban phước.
“Cầu phước bằng tâm thần” theo văn mạch có nghĩa là cầu nguyện xin Chúa ban phước trong một ngôn ngữ khác, không ai hiểu.
“Người thuộc hạng bình dân” là người ít học thức và ít kiến thức.
Nếu ai đó trong Hội Thánh dâng lời cầu nguyện xin Chúa ban phước cho một điều gì, thí dụ, cho thức ăn đang bày ra trước Hội Thánh, mà lại cầu nguyện trong một ngôn ngữ mà người nghe không hiểu được, thì làm sao người nghe có thể cùng hiệp ý với người cầu nguyện.
Vì sự cầu nguyện trong một ngôn ngữ khác là sự ban cho của Đấng Thần Linh nên lời cầu nguyện ấy là tốt lành. Nhưng sự tốt lành ấy không gây dựng Hội Thánh.
18 Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời của tôi, vì tôi nói nhiều ngôn ngữ hơn hết thảy các anh chị em.
Sự nói nhiều ngôn ngữ của Phao-lô có thể là do ông học biết nhiều ngôn ngữ cùng với ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ Đấng Thần Linh ban cho ông. Với một người có học như Phao-lô, ít ra ông biết đến ba thứ tiếng: A-ra-mai, Hy-lạp, và La-tinh. Tiếng A-ra-mai là tiếng nói của người I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem thời bấy giờ. Tiếng Hy-lạp là ngôn ngữ thông dụng thời bấy giờ, gần giống như tiếng Anh ngày nay. Tiếng La-tinh là ngôn ngữ chính của đế quốc La-mã.
Chúng ta cũng nên hiểu rằng, mặc dù Phao-lô được ban cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ nhưng không phải vì ông yếu đức tin, cần được ấn chứng về sự ông đã được cứu chuộc và đã thuộc về Hội Thánh của Chúa, như những người mới tin Chúa khác. Ông là người có đức tin nơi Thiên Chúa, có học thức về Thánh Kinh Cựu Ước, và là thành viên trong Tòa Công Luận. Ông được Đức Chúa Jesus trực tiếp quở trách về sự ông bách hại Hội Thánh, trực tiếp rao giảng Tin Lành cho ông và kêu gọi ông làm sứ đồ. Có lẽ, lý do ông được ban cho ân tứ nói các nhánh ngoại ngữ là để các sứ đồ khác nhận biết rằng, ông thực sự là sứ đồ của Chúa và rao giảng Tin Lành của Chúa.
19 Nhưng trong Hội Thánh, tôi thà nói năm lời với sự hiểu biết của tôi mà tôi cũng có thể dạy cho những người khác, hơn là nói mười ngàn lời trong một ngôn ngữ khác.
Qua sự so sánh của Phao-lô trong câu này cùng với nội dung của câu 4 và câu 5 cho chúng ta thấy, sự nói các nhánh ngoại ngữ theo ơn Chúa ban hoàn toàn không có ích lợi gì cho Hội Thánh, nếu không có người thông giải. Vì đó chỉ là ơn ban để giúp gây dựng riêng cho người nói. Mười ngàn lời nói mà Hội Thánh không hiểu thì chẳng thể nào bằng năm lời nói mà Hội Thánh hiểu.
20 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chớ như trẻ con trong sự thông biết! Về sự độc ác thà như trẻ con; còn về sự thông biết hãy như người lớn.
Con dân Chúa cần trở nên như trẻ con trong sự đơn sơ tin nhận Chúa (Ma-thi-ơ 19:14; Mác 10:14; Lu-ca 18:16); trong sự độc ác.
“Về sự độc ác thà như trẻ con” có nghĩa là thiếu sự hiểu biết để làm ra điều ác.
Nhưng về sự thông biết thì con dân Chúa cần phải có nhận thức như người đã trưởng thành, nếu không sẽ bị diệt (Ô-sê 4:6).
21 Trong luật pháp có chép: Chúa phán, bởi các thứ tiếng và với các môi miệng khác, Ta sẽ phán với dân này. Dù vậy, chúng nó sẽ chẳng nghe Ta. [Ê-sai 28:11-12]
22 Thế thì, các ngôn ngữ là một dấu chẳng phải cho những người tin nhưng cho những kẻ không tin; còn sự nói tiên tri chẳng phải cho những kẻ không tin nhưng cho những người tin.
Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, nhắc lại cho con dân Chúa biết rằng, vì sự vô tín của chi phái Ép-ra-im trong dân I-sơ-ra-ên mà Ngài đã hình phạt họ, khiến họ lưu lạc đến lãnh thổ của các dân tộc khác. Ngài đã phán với họ qua môi miệng và ngôn ngữ của các dân tộc ấy. Và dĩ nhiên là họ cần có người thông giải để có thể hiểu được những gì mà các dân tộc khác nói. Điều đó cho thấy, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ được ban cho những người yếu đức tin để gây dựng đức tin cho họ. Đồng thời ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ cũng được dùng làm dấu hiệu cho những người chưa tin nhận Đấng Christ để họ nhận biết rằng, Đấng Christ là Đấng Cứu Rỗi đến từ Đức Chúa Trời, như trường hợp đã xảy ra trong ngày Hội Thánh được thành lập.
Trong thời Tân Ước, sự nói tiên tri là dành riêng cho những người đã tin nhận Đấng Christ, những người đã vững tin nơi sự cứu rỗi của Ngài, để gây dựng họ.
23 Vậy nên, nếu cả Hội Thánh nhóm hiệp trong một nơi và mọi người đều nói các ngôn ngữ khác, mà có những người bình dân hoặc những người không tin vào nghe, thì họ sẽ chẳng nói rằng, các anh chị em là điên cuồng sao?
Nếu trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh mà ai nấy đều nói các ngôn ngữ khác với ngôn ngữ địa phương, thì những người ít học thức, ít kiến thức, hoặc những người chưa tin Chúa nhìn thấy, sẽ xem như đó là sự nhóm hiệp của những người điên cuồng, ồn ào, mất trật tự. Đó là hình ảnh chính xác về các buổi nhóm hiệp của những người theo tà giáo nói tiếng lạ. Họ thật sự bị điên cuồng bởi sự các tà linh điều khiển tâm trí và thân thể xác thịt của họ.
24 Nhưng nếu hết thảy đều nói tiên tri mà có một người không tin hoặc người bình dân vào nghe, thì người ấy bị bắt phục bởi mọi người, người ấy bị phán xét bởi mọi người.
Nếu trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh mà ai nấy đều nói Lời Chúa trong ngôn ngữ địa phương, khiến cho bất cứ ai tham dự cũng nghe hiểu, thì lẽ thật của Lời Chúa sẽ bắt phục người nghe.
Nếu người nghe là người chưa tin Chúa thì người ấy sẽ bị Lời Chúa chỉ ra những tội lỗi của người ấy, tức là lời nói của mọi người lên án những việc làm sai trái của người ấy. Đồng thời, mở ra cho người ấy cơ hội để ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ.
25 Như vậy, những sự kín giấu trong lòng người ấy được tỏ ra và bởi đó người ấy sấp mặt xuống đất. Người ấy sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời, tuyên bố rằng, thật có Đức Chúa Trời ở giữa các anh chị em.
“Những sự kín giấu trong lòng người ấy được tỏ ra” có nghĩa là những tội lỗi người ấy phạm một cách kín giấu, được Lời Chúa chỉ ra cách rõ ràng. Thí dụ, Lời Chúa giúp cho một người phạm tội tà dâm trong tư tưởng nhận biết rằng, những sự suy nghĩ tà dâm của mình là tội lỗi. Hoặc là Lời Chúa giúp cho một người nhận thức rằng, sự giận ghét ai đó, sự không tha thứ cho kẻ thù là tội lỗi. Nếu đó là người có lòng tìm kiếm sự cứu rỗi, thì người ấy sẽ đầu phục Lời Chúa, ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa.
“Sấp mặt xuống đất” là hành động thờ phượng của các dân tộc vùng Trung Đông và Tiểu Á. Đó là hành động hoặc là quỳ mọp sát đất, mặt úp xuống đất; hoặc là nằm dài ra đất, mặt úp xuống đất.
Người bị Lời Chúa bắt phục được Đức Thánh Linh khiến cho người ấy nhận biết lẽ thật và nhận biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong buổi nhóm của Hội Thánh. Và cũng chính Đức Thánh Linh sẽ thần cảm người ấy tuyên xưng đức tin.
Chúng ta đã học về chín ân tứ do Đấng Thần Linh ban cho Hội Thánh, như đã được ghi chép trong I Cô-rinh-tô 12:1-11 [2]. Qua Lời Chúa, chúng ta biết ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ cần phải có ân tứ thông giải các nhánh ngôn ngữ hỗ trợ. Chúng ta cũng biết, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ là ân tứ thấp nhất trong các ân tứ, vì chỉ gây dựng cho người nói. Trong khi đó, ân tứ nói tiên tri là cao trọng hơn hết, vì giúp ích rất nhiều cho cả Hội Thánh.
Cũng qua Lời Chúa, chúng ta nhận biết rằng, những sự giảng dạy của phong trào nói tiếng lạ, đặt tay té ngã, hoàn toàn sai nghịch Lời Chúa, là tà giáo, là công cụ của Sa-tan để lường gạt những ai chỉ muốn tìm kiếm dấu kỳ, phép lạ mà không thật lòng ăn năn tội, không tìm kiếm sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/06/2020
Ghi Chú
[1] https://timhieutinlanh.com/tin-lanh-van-pham/
[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-1201-11-cac-an-tu-cua-dang-than-linh/
Karaoke Thánh Ca: “Chúa Jesus”
https://karaokethanhca.net/chua-jesus/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/
- Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
- Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net