Chú Giải I Phi-e-rơ 04:07-11 Sẵn Sàng cho Ngày Chúa Đến

7,330 views


YouTube: https://youtu.be/TGP2Iol8-sA

906016 Chú Giải I Phi-e-rơ 4:7-11
Sẵn Sàng cho Ngày Chúa Đến

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/listen/xwtnojox13b4uil/906016_I_Phiero_4_7-11.mp3
OpenDrive: https://od.lk/s/MV8xMjM4MTkzOTRf/906016_I_Phiero_4_7-11.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/906016-i-phiero-4-7-11?in=huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-phi-e-ro-i-ii

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: 906016_I-Phiero_4_7-11 (mediafire.com)
OpenDrive: 906016_I-Phiero_4_7-11.pdf – OpenDrive (od.lk)

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe:

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe:

I Phi-e-rơ 4:7-11

7 Sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Vậy, các anh chị em hãy có tâm trí sáng suốt mà cầu nguyện.

8 Trên hết mọi sự, hãy có tình yêu nóng cháy trong vòng các anh chị em; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.

9 Hãy tiếp đãi lẫn nhau, chớ có than phiền.

10 Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.

11 Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép cho tới đời đời, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.

Chúng ta thật sự đang sống trong những ngày cuối cùng của mọi thời đại. Điều mà Thánh Kinh gọi là sự trông cậy hạnh phúc, tức là sự Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đón Hội Thánh vào thiên đàng với Ngài, là điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào (Tít 2:13). Có thể nói, mặc dù lời tiên tri về sự đến của Chúa dành cho Hội Thánh và sự tái lâm của Chúa để tiêu diệt vương quốc của Sa-tan đã được chính Ngài phán truyền từ gần hai ngàn năm qua, nhưng chưa bao giờ con dân Chúa có thể cảm nhận được cách mạnh mẽ về sự đến của Chúa như hiện tại. Bởi vì những biến chuyển thời sự trên thế giới hằng ngày đã khiến cho con dân Chúa thấy rõ, mình đang ở vào trong thời điểm Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh đi với Ngài và ở với Ngài mãi mãi. Vì thế, con dân Chúa ngày nay cần phải tỉnh thức, dọn mình để sẵn sàng ra đi với Chúa. I Phi-e-rơ 4:7-11 dạy cho chúng ta biết phải sống như thế nào, trong khi chờ đợi Chúa trở lại.

Trước khi cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của I Phi-e-rơ 4:7-11, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại ba điều quan trọng sau đây:

  • Hai cuộc Thế Giới Đại Chiến (28/07/1914 – 11/11/1918 và 01/09/1939 – 02/09/1945), sự tái lập quốc của I-sơ-ra-ên (14/05/1948), sự dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn chiếm lại chủ quyền trên thành thánh Giê-ru-sa-lem (07/06/1967), tất cả những cuộc chiến tranh xảy ra từ đó cho đến nay cùng sự gia tăng số lần các cơn động đất, đói kém, dịch bệnh… đã ứng nghiệm rõ ràng lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ về tình hình thế giới ngay trước thời điểm Ngài trở lại, như đã được ghi chép trong Ma-thi-ơ 24:4-14; Mác 13:5-13; Lu-ca 21:8-19. Xin đọc các bài: Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 1, Phần 2, và Phần 3 trên khu mạng www.kytanthe.net [1], [2], [3].
  • Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi Ngài phán xét toàn thế gian trong bảy năm đại nạn. Nếu ngụ ngôn về cây vả trong Ma-thi-ơ 24:32-42; Mác 13:28-37; Lu-ca 21:27-36 thật sự hàm ý, từ khi dân I-sơ-ra-ên chiếm lại chủ quyền thành thánh Giê-ru-sa-lem cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất sẽ là khoảng thời gian tương đương với thời gian của một dòng dõi, và một dòng dõi là 70 hoặc 80 năm theo định nghĩa của Thi Thiên 90:10, thì:

(1) Thời điểm Đức Chúa Jesus Christ sẽ tái lâm trên đất sau bảy năm đại nạn không quá 70 hoặc 80 năm, kể từ ngày 07/06/1967.

(2) Thời điểm Đức Chúa Jesus Christ sẽ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước bảy năm đại nạn không quá 63 hoặc 73 năm, kể từ ngày 07/06/1967. Nói cách khác, Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, nhưng sẽ không quá tháng Sáu của năm 2030 hoặc năm 2040. Chúng ta không thể biết ngày giờ Chúa đến, nhưng chúng ta biết rõ mùa Chúa đến, và chúng ta đang ở ngay trong mùa Chúa đến. Hãy ghi nhớ lời này của Chúa:

“…Các ngươi thật có thể phân biệt sắc trời mà các ngươi không thể phân biệt những dấu hiệu của các thời kỳ sao?” (Ma-thi-ơ 16:3).

  • Không ai biết trước mình sẽ còn sống trong thân thể này đến lúc nào. Cái chết đến với một người trong bất kỳ thời điểm nào, có thể ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ hoặc cho đến khi đã quá 100 tuổi. Vì thế, vấn đề không phải là Chúa đến lúc nào, mà là, chúng ta có luôn sẵn sàng để gặp Chúa bất kỳ lúc nào hay không. Nếu Chúa chưa đến, nhưng chúng ta vì một lý do gì qua đời ngay trong ngày hôm nay, thì ngày hôm nay chúng ta được bước vào trong thiên đàng, chờ ngày Chúa làm cho thân thể xác thịt của chúng ta sống lại trong vinh quang, hay chúng ta phải vào trong âm phủ chờ ngày thân thể xác thịt sống lại để ra trước tòa phán xét? Sự nhận thức về ngày Chúa đến đã gần khiến cho chúng ta được an ủi vì sự trông cậy hạnh phúc của chúng ta đã dường như ở trước cửa và tích cực làm cho xong những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta, chứ không phải để chúng ta phủi bỏ mọi việc, ngồi chờ Chúa đến. Dù chúng ta biết chắc ngày mai Chúa đến, thì ngày hôm nay chúng ta vẫn gắng sức hoàn thành công việc của chúng ta.

I Phi-e-rơ 4:7-11 nhắc cho chúng ta về nếp sống trong khi chờ đợi Chúa đến.

7 Sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Vậy, các anh chị em hãy có tâm trí sáng suốt mà cầu nguyện.

“Sự cuối cùng của muôn vật đã gần”. Danh từ “sự cuối cùng” được dùng trong câu này không phải để nói về Kỳ Tận Thế, mà là nói đến sự trời cũ đất cũ sẽ qua đi sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Chính Sứ Đồ Phi-e-rơ đã tiên tri về sự cuối cùng của muôn vật như sau:

“Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

Và trong Khải Huyền 21:1, Sứ Đồ Giăng đã xác nhận lời tiên tri của Phi-e-rơ qua khải tượng mà Giăng được Đức Chúa Jesus Christ ban cho:

“Rồi, tôi thấy trời mới và đất mới vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã qua rồi. Biển không còn nữa.”

Đó cũng là lúc mọi sự được trọn (Ma-thi-ơ 5:18).

Từ ngữ “đã gần” được dùng trong câu này cách nay gần hai ngàn năm, để nói đến sự kiện trời đất sẽ bị hủy diệt khoảng hơn ba ngàn năm sau đó. Có lẽ theo quan điểm của chúng ta thì khoảng thời gian hơn ba ngàn năm không gần chút nào, nhưng nếu chúng ta nhìn theo cái nhìn của Thiên Chúa thì ba ngàn năm chỉ như ba ngày, và nếu ba ngày nữa trời đất sẽ nổ tung thì quả thật là sự hủy diệt của trời đất “đã gần”:

“Hỡi những người yêu dấu! Đừng quên điều này, với Chúa, một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày.” (II Phi-e-rơ 3:8).

Vì thế, cuộc đời vài mươi năm của chúng ta rất là ngắn ngủi, chỉ như là hơi nước thoáng qua trong chương trình đời đời của Thiên Chúa. Hãy vui mừng vì không còn bao lâu nữa chúng ta sẽ ra khỏi sự đau khổ ngắn ngủi, tạm bợ, để đi vào hạnh phúc đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy tỉnh thức mà cầu nguyện suốt tháng ngày còn lại trong cuộc đời của chúng ta.

Tỉnh thức có nghĩa là không yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian, không chạy theo những điều tạm bợ trong thế gian, nhưng hướng lòng về những sự thuộc về Chúa, về địa vị và cơ nghiệp ở trên trời mà Chúa đã hứa ban cho chúng ta, sốt sắng hoàn thành những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10). Trong sự tỉnh thức đó, chúng ta phải luôn luôn thông công với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Sự cầu nguyện là sự trò chuyện với Chúa, là chúng ta thưa với Chúa và Chúa phán với chúng ta. Sự cầu nguyện không phải chỉ là một lời cảm tạ và dâng trình các nhu cầu của chúng ta lên Chúa, mà còn là lắng nghe Chúa phán với chúng ta, hoặc là qua Thánh Kinh hoặc là qua tiếng phán trực tiếp của Ngài. Chính sự thông công mật thiết với Chúa mỗi ngày thêm sự khôn sáng, thông sáng cho chúng ta, thêm sự hiểu biết Lời Chúa cho chúng ta, thêm sức mạnh cho chúng ta đắc thắng mọi thử thách và cám dỗ, thêm niềm vui cho chúng ta đang khi chịu khổ vì danh Chúa, và quan trọng hơn tất cả, thêm nóng cháy, thêm tha thiết tình yêu của chúng ta đối với Chúa.

Không phải đến khi chúng ta vào trong thiên đàng thì mới có thể kinh nghiệm được sự thông công mật thiết với Thiên Chúa, mà là ngay khi chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này. Ngay hiện tại, chúng ta ở trong ân điển của Thiên Chúa, thể hiện qua Đức Con, ở trong tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện qua Đức Cha, và ở trong sự thông công với Thiên Chúa, thể hiện qua Đức Thánh Linh (II Cô-rinh-tô 13:14).

8 Trên hết mọi sự, hãy có tình yêu nóng cháy trong vòng các anh chị em; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.

“Trên hết mọi sự” ở đây có nghĩa là trên cả việc chúng ta thờ phượng Thiên Chúa và thông công với Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta không có tình yêu nóng cháy đối với nhau thì chúng ta đang sống trong tội, mà một người đang sống trong tội thì không thể nào thờ phượng Thiên Chúa hay là được thông công với Thiên Chúa. Nên nhớ, đây là lời dành riêng cho những ai đã là con dân Chúa, tức là những người đã được cứu ra khỏi tội lỗi, được dựng nên mới, được ban cho đầy dẫy thánh linh, được đổ đầy tình yêu của Thiên Chúa để có thể yêu như Thiên Chúa yêu; và được ban cho điều răn mới:

“…Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).

Từ ngữ “nóng cháy” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là: “căng rộng ra, kéo dài ra”; còn nghĩa bóng là: “cố ý; sốt sắng; nồng nhiệt; tha thiết; chăm chỉ”. Vì tình yêu chân thật đối với các anh chị em trong Chúa mà chúng ta thường khi phải “căng cho rộng, kéo cho dài” lòng khoan nhẫn trước những sự bất công, thiệt hại họ gây ra cho chúng ta. Khoan nhẫn tức là khoan dung và nhẫn nại, là sẵn lòng tha thứ và chịu đựng. Nhưng khoan nhẫn không bao giờ có nghĩa là im lặng trước sự sai trái. Chúng ta sẵn lòng tha thứ và chịu đựng những bất công, thiệt hại do các anh chị em của chúng ta gây ra cho chúng ta, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nói lên sự sai trái của họ để họ sớm nhận biết và ăn năn. Thường khi, nói lên sự sai trái, tội lỗi của người khác lại càng khiến cho họ ghét chúng ta càng hơn, nhưng đó là cái giá phải trả để sống một nếp sống yêu thương, công chính, và thánh khiết.

Vì yêu thương, không muốn cho người anh chị em của mình tiếp tục phạm tội mà chúng ta phải lên tiếng ngay lập tức. Vì công chính mà chúng ta không thể nào im lặng khi nhìn thấy một con dân Chúa phạm tội, dẫn đến sự giày đạp máu thánh của Đấng Christ. Vì thánh khiết mà chúng ta không để cho mình phạm tội hèn nhát, không dám hy sinh nói lên lẽ thật để cứu người anh chị em của mình ra khỏi sự phạm tội.

Chính nhờ chúng ta yêu thương, sẵn sàng chịu thiệt hại để nói lên lẽ phải mà chúng ta cứu được người anh chị em của mình ra khỏi sự sai trái tội lỗi, khiến cho sự phạm tội của người ấy chấm dứt ngay. Đó là ý nghĩa của câu: “vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi”. Chứ không phải vì yêu mà tư vị, bênh vực trái lẽ những kẻ có tội, tìm cách làm nhẹ đi hoặc giấu đi sự phạm tội của họ. Tội lỗi phải được xưng nhận đầy đủ và thật lòng, để được Đức Chúa Trời tha thứ và Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội.

Bổn phận của chúng ta là yêu thương; và yêu thương là chịu đựng, tha thứ lẫn nhau, nhưng phải nói lên sự sai trái, tội lỗi của các anh chị em mình. Đức Thánh Linh sẽ dùng lời nói chân thật của chúng ta làm chứng cớ buộc tội người không chịu ăn năn.

Đã là con dân Chúa, có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể, nếu chúng ta sai thì Đức Thánh Linh nhắc trong tâm trí chúng ta, nhưng nếu chúng ta vẫn vì tự ái hay kiêu ngạo mà không lập tức ăn năn, thì Đức Thánh Linh sẽ dùng các anh chị em của chúng ta lên tiếng, nhắc chúng ta. Khi đó các anh chị em của chúng ta làm công việc của một tiên tri và trở thành chứng nhân cho sự phạm tội của chúng ta. Nếu chúng ta vẫn không ăn năn, thì Chúa sẽ cắt bỏ chúng ta. Nếu anh chị em nào thấy chúng ta sai mà không lên tiếng thì họ cũng vì hèn nhát hay tư vị mà phạm tội, và như vậy, chúng ta lại phạm thêm tội khiến cho anh chị em của mình vấp phạm.

9 Hãy tiếp đãi lẫn nhau, chớ có than phiền.

Động từ “tiếp đãi” được dùng trong câu này không chỉ có nghĩa là tiếp như tiếp khách, mà còn là đón nhận, cư xử lẫn nhau như một thành viên trong gia đình. Đối với người lớn tuổi thì chúng ta đón nhận, cư xử như cha mẹ của mình. Đối với người bằng tuổi thì chúng ta đón nhận và cư xử như anh chị em của mình. Đối với người nhỏ tuổi thì chúng ta đón nhận và cư xử như con cháu của mình. Đừng bao giờ xem các anh chị em trong Chúa là khách, mà hãy xem họ như một phần thân thể của mình; và luôn nhớ rằng, những gì chúng ta làm ra hay không làm ra cho họ là chúng ta làm hay không làm cho Chúa (Ma-thi-ơ 25:31-46). Trong sự đón nhận lẫn nhau, nhiều khi chúng ta phải chia xẻ hoặc nhường nhịn nhiều điều cho các anh chị em trong Chúa. Hãy chia xẻ hoặc nhường nhịn trong niềm vui, vì có dịp thể hiện tình yêu đối với các anh chị em của mình, vì được cơ hội làm điều lành như làm cho chính Chúa. Mà thật vậy, Chúa dạy chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải hết lòng mà làm như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho loài người (Cô-lô-se 3:23). Chớ có than phiền. Lời than phiền chứng tỏ chúng ta làm vì bổn phận chứ không phải vì tình yêu.

10 Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.

Là con dân Chúa, mỗi người đều nhận được một hay nhiều ân tứ từ Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 12). Chúng ta phải tận dụng từng ân tứ Chúa ban cho chúng ta để phục vụ lẫn nhau, làm lợi cho nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Nếu chúng ta không tận dụng ơn Chúa ban để giúp lẫn nhau thì chúng ta sẽ bị Chúa phán xét như người đầy tớ trong ngụ ngôn về các nén bạc (Lu-ca 19:22-23) và người đầy tớ trong ngụ ngôn về các ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:24-30).

Mỗi chúng ta là một người giữ chức vụ quản lý những gì Chúa đã ban cho chúng ta: thời gian, sức khỏe, địa vị, danh tiếng, quyền thế, của cải, sự khôn sáng… Chúng ta phải thực hiện tốt công việc quản lý của mình:

  • Phân phát các ơn Chúa ban cho mọi người theo thánh ý của Chúa, không theo ý riêng của chúng ta:

“Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

  • Ưu tiên cho các anh chị em cùng đức tin:

“Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:10).

  • Hết lòng thi hành bổn phận của mình như đang phục vụ Chúa:

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Hãy nhớ, một ngày kia mỗi người chúng ta đều phải khai trình trước Chúa về những gì Chúa đã giao vào trong tay của chúng ta! Sẽ có những người bị Chúa gọi là “đầy tớ gian ác”!

11 Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép cho tới đời đời, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.

Trong Bản Dịch Truyền Thống, câu này được dịch như sau:

“Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.”

Tuy nhiên, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh không phải là “giảng luận” mà là “nói”, không phải là “làm chức gì” mà là “phục vụ”. Cách dịch như trong Bản Dịch Truyền Thống khiến cho chúng ta hiểu lầm là câu này Chúa dạy riêng cho những người rao giảng Lời Chúa và những người có chức vụ trong Hội Thánh. Thật ra, đây là câu áp dụng chung cho mỗi một con dân Chúa, vì chúng ta đều nói và đều phục vụ.

Dù lời của chúng ta không phải là Lời của Thiên Chúa nhưng vì chúng ta “đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24), nên lời nói của chúng ta cũng phải chân thật, đầy ơn, giúp ích cho người nghe như Lời của Thiên Chúa.

“Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

Trong khi chúng ta dùng các ơn Chúa ban cho chúng ta để phục vụ thì chúng ta hãy phục vụ sao cho mọi người nhìn thấy là chúng ta đang phục vụ bằng năng lực của Chúa, không phải bằng sức riêng của chúng ta. Nghĩa là, người ngoài nhìn thấy sự phục vụ của chúng ta không phải vì chúng ta rán sức của mình mà là thấy rõ sức toàn năng của Đức Chúa Trời tuôn đổ trong chúng ta qua sự phục vụ của chúng ta; và họ dâng lời tôn vinh Đức Chúa Trời.

Có những người biết rõ những gì mình có là đến từ Chúa và họ sốt sắng phục vụ mọi người bằng năng lực Chúa ban; nhưng họ lại làm ra vẻ là họ phải rán hết sức của họ để làm ơn cho người khác, với mục đích là được người khác khen ngợi mình, biết ơn mình. Làm như vậy, họ đã phục vụ như bằng sức riêng, và đã chiếm đoạt sự vinh quang vốn thuộc về Đức Chúa Trời. Các anh chị em hãy cẩn thận giữ mình. Một chút men làm dậy cả đống bột. Một chút khoe mình trong sự kiêu ngạo, nếu không ăn năn kịp thời, sẽ đốt cháy cả đời mình trong hỏa ngục!

Cuối cùng, chúng ta hãy nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Trung Bảo duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Vì chỉ một mình Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là loài người để kết hiệp loài người với Thiên Chúa. Chúng ta ở trong Đức Chúa Jesus Christ là chúng ta ở trong Thiên Chúa. Đức Thánh Linh ở trong chúng ta là Thiên Chúa ở trong chúng ta.

Vì thế, mọi ơn của Đức Chúa Trời chúng ta đều nhận được qua Đức Chúa Jesus Christ, bởi sự vận hành của Đức Thánh Linh; và mọi sự thờ phượng Đức Chúa Trời, phục vụ Đức Chúa Trời của chúng ta cũng đều qua Đức Chúa Jesus Christ, bởi năng lực của Đức Thánh Linh, mà đến với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là thân vị Thiên Chúa tiêu biểu cho Ba Ngôi Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/11/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] 007 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 1 – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

[2] 008 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 2 – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

[3] 009 Lời Tiên Tri của Đức Chúa Jesus Christ – Phần 3 – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.