YouTube: https://youtu.be/6b_aFeHS2BA
Chú Giải II Cô-rinh-tô 12:1-10
Khải Tượng và Cái Dằm Xóc của Phao-lô
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
- MediaFire: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
II Cô-rinh-tô 12:1-10
1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.
2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]
5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.
6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.
7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.
8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.
10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
Danh từ “khải tượng” được dùng trong Thần học có nghĩa là những vật thể hoặc những biến cố được nhìn thấy trong thần trí. Nhìn thấy trong thần trí có nghĩa là thấy và nhận thức không bằng thân thể xác thịt, nhưng bằng thân thể thiêng liêng là tâm thần. Sự thấy và nhận thức ấy tương tự như sự thấy và nhận thức trong giấc mơ. Nhưng giấc mơ xảy ra khi chúng ta đang ngủ say, còn khải tượng thì xảy ra khi chúng ta đang thức. Những vật thể hoặc những biến cố trong khải tượng có thể là thuộc thể, tức thuộc về thế giới vật chất, mà cũng có thể là thuộc linh, tức thuộc về thế giới thiêng liêng. Những vật thể hoặc những biến cố đó có thể ở trong quá khứ, hoặc trong hiện tại, hoặc trong tương lai.
Thánh Kinh có ghi lại nhiều khải tượng của con dân Chúa từ thời Áp-ra-ham. Quý ông bà anh chị em có thể tra tìm chữ “khải tượng” trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và chữ “sự hiện thấy” trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, để đọc về những khải tượng ấy.
Vào thời Tân Ước, trong vòng các sứ đồ của Chúa, có ít nhất là ba người được Chúa ban cho các khải tượng.
Người thứ nhất là Sứ Đồ Phi-e-rơ với khải tượng về sự các loài thú không tinh sạch đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:11-16). Khải tượng ấy tiêu biểu cho sự kiện đã đến thời kỳ Đức Chúa Trời tiếp nhận các dân ngoại vào trong Hội Thánh của Ngài. Người I-sơ-ra-ên có niềm tin và thói quen xem bất cứ dân tộc nào không phải là dân I-sơ-ra-ên đều là ô uế. Ý nghĩa của sự ô uế này là sự phân biệt các dân khác với dân I-sơ-ra-ên là dân đã được Đức Chúa Trời thánh hóa. Vì Ngài chọn qua dân I-sơ-ra-ên, Ngài sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài cho toàn thể nhân loại. Dân I-sơ-ra-ên được Thánh Kinh gọi là “dân thánh” [1]. Họ là dân thánh vì họ được Đức Chúa Trời biệt riêng họ ra cho mục đích đã định của Ngài và cho phép họ được hiểu biết Ngài, thờ phượng Ngài, cầu xin Ngài; chứ không phải vì họ tốt lành hơn các dân tộc khác.
Khải tượng của Phi-e-rơ giúp cho ông và mọi người hiểu rằng, thời kỳ Đức Chúa Trời kêu gọi mọi người trong mọi dân tộc vào trong Hội Thánh của Ngài đã bắt đầu. Những ai đáp lại lời kêu gọi của Ngài, thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Ngài thì được nhập vào trong Hội Thánh, bất kể họ thuộc dân tộc nào. Chính vì thế mà Phi-e-rơ đã viết:
“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).
Người thứ nhì là Sứ Đồ Giăng với các khải tượng về Kỳ Tận Thế, như đã được ông ghi chép trong sách Khải Huyền [2].
Người thứ ba là Sứ Đồ Phao-lô với ít nhất là bốn lần ông được thấy khải tượng:
- Lần thứ nhất là khi ông chưa là sứ đồ và còn là kẻ nghịch thù Hội Thánh. Trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Đa-mách để bách hại Hội Thánh, thì ông đã thấy khải tượng về sự vinh quang của Đức Chúa Jesus và nghe Chúa phán, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-9; 26:11-19.
- Lần thứ nhì là khải tượng về thiên đàng như đã được ông ghi lại trong II Cô-rinh-tô 12:1-10 mà chúng ta cùng nhau học trong bài này.
- Lần thứ ba là khải tượng về người Ma-xê-đoan kêu cứu với ông, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:9.
- Lần thứ tư là khải tượng về sự Chúa phán bảo ông, cứ mạnh dạn rao giảng Tin Lành tại Cô-rinh-tô, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 18:9.
Khải tượng có thể đến từ Chúa mà cũng có thể đến từ các tà linh. Điển hình cho sự khải tượng đến từ tà linh là trường hợp những người ngồi thiền, thấy được những sự mà họ cho là những cảnh trời và các thần linh; trường hợp những người nói tiếng lạ ngày nào cũng thấy những sự mà họ cho là khải tượng đến từ Chúa. Qua Thánh Kinh, chúng ta hiểu rằng, khải tượng chân thật đến từ Chúa chỉ được ban cho những ai thuộc về Ngài, nhất là những người hết lòng vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài, dù trong thời Cựu Ước hay trong thời Tân Ước. Và các khải tượng đến từ Chúa là để ấn chứng chức vụ của một người; hoặc ấn chứng một sự kiện trong chương trình chung của Đức Chúa Trời đối với một dân tộc, đối với các quốc gia, hoặc đối với Hội Thánh của Ngài. Sự kiện những người nói tiếng lạ suốt ngày nói tiếng lạ và thấy khải tượng chỉ là hiện tượng họ bị tà linh xâm nhập, lừa gạt họ; tương tự như những người ngồi thiền bị tà linh lừa gạt, cho họ thấy những khải tượng về các thần linh và các cảnh trời, theo những gì được mô tả trong giáo lý của Phật Giáo và Ấn Giáo.
Những giấc mơ và khải tượng Chúa ban cho con dân Chúa có thể là chỉ dành riêng cho người được ban cho; có thể là để người ấy chia sẻ lại với người khác. Nếu không có sự phán bảo của Chúa về sự chia sẻ giấc mơ và khải tượng cho người khác, thì người có giấc mơ hoặc khải tượng chỉ nên giữ riêng cho chính mình.
Danh từ “sự mạc khải” có nghĩa đen là sự mở ra, như sự vén màn trên sân khấu, phơi bày cho thấy những gì trước đó bị tấm màn che giấu. “Mạc” là tấm màn dùng để bao phủ hoặc che giấu những gì không muốn cho thấy. “Khải” là mở ra hoặc vén lên. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “sự mạc khải” (G602) cũng chính là tên sách Khải Huyền. Các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ dùng chữ “khải huyền” với ý nghĩa: những sự mầu nhiệm được mở ra cho thấy.
Chúa ban cho con dân của Ngài được thấy các khải tượng và Chúa mạc khải cho họ hiểu những gì họ thấy. Trong trường hợp của Phi-e-rơ và Giăng cũng như của các tiên tri thời Cựu Ước thì chúng ta thấy, họ hiểu và ghi lại sự hiểu của họ về các khải tượng trong Thánh Kinh. Ngoại trừ một trường hợp của Tiên Tri Đa-ni-ên, được ghi lại trong Đa-ni-ên đoạn 12. Vì khải tượng đó được để dành cho con dân Chúa trong những ngày cuối cùng. Sứ Đồ Phao-lô cũng không được phép ghi lại những sự ông đã nghe, đã thấy, và đã hiểu trong khải tượng về thiên đàng, mặc dù ông được phép nhắc đến. Thánh Kinh không cho chúng ta biết vì sao Chúa ban cho Phao-lô khải tượng mà lại không cho ông chia sẻ chi tiết với Hội Thánh. Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, Chúa đã ban cho ông vinh dự được thấy khải tượng về thiên đàng để an ủi và khích lệ ông trong sự ông trung tín, chịu khổ, gắng sức làm tròn chức vụ Chúa đã giao phó.
1 Khoe mình thật chẳng làm thuận lợi gì cho tôi. Nhưng tôi sẽ đề cập tới các khải tượng và các sự mạc khải của Chúa.
Động từ “làm thuận lợi” (G4851) có nghĩa là đem lại những gì có ích lợi và thuận tiện cho cuộc sống. Phao-lô nhận biết rằng, sự khoe mình không hề đem lại điều gì thuận lợi cho người khoe. Đối với người khoe mình trong Chúa thì đó là sự tôn vinh Chúa, sự tỏ ra quyền phép và năng lực của Chúa thể hiện trong đời sống của mình, không phải để tìm kiếm danh tiếng hay quyền lợi cho mình. Đối với người khoe mình để tự tôn cao mình, mong được sự thán phục của người khác, thì người ấy phạm tội kiêu ngạo, mà phạm tội thì chẳng thuận lợi gì theo cái nhìn của Thánh Kinh. Tuy nhiên, trong trường hợp của Phao-lô vào thời điểm bấy giờ thì ông buộc phải khoe mình trong Chúa.
Thứ nhất, Phao-lô cần khoe về những gian khổ trong chức vụ sứ đồ để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hiểu thế nào là một sứ đồ chân thật của Chúa; để họ có dữ kiện so sánh sứ đồ thật của Chúa với những người đang mạo danh sứ đồ của Chúa, làm băng hoại Hội Thánh của Chúa tại Cô-rinh-tô.
Thứ nhì, Phao-lô cần khoe về khải tượng Chúa ban cho ông để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được thêm vững tin về những lời giảng dạy của ông, tin rằng, đó là những lời giảng dạy đến từ Chúa; và được khích lệ với sự phước hạnh mà họ sẽ vui hưởng trong thiên đàng, nếu họ đứng vững trong đức tin.
Phao-lô đề cập tới các khải tượng, là các sự Chúa cho ông nhìn thấy bởi tâm thần, và đề cập tới các sự mạc khải của Chúa, là các sự Chúa khiến cho ông hiểu trong thần trí về các khải tượng ấy.
2 Tôi đã biết một người trong Đấng Christ mười bốn năm trước. Hoặc trong thân thể, tôi đã chẳng biết; hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết; có Đức Chúa Trời đã biết; người ấy đã được đem lên tới tầng trời thứ ba.
Có lẽ Phao-lô không dùng cách nói tự xưng trực tiếp nhưng dùng cách nói gián tiếp về mình là vì ông muốn làm giảm nhẹ đi sự khoe mình. Đây cũng là cách mà Sứ Đồ Giăng nói về mình, khi nhắc đến sự ông được Chúa yêu (Giăng 13:23; 19:26; 21:20). Chúng ta có thể học cách nói khiêm nhường này, khi nhắc tới các đặc ân Chúa ban cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta làm chứng lại sự Chúa cứu chuộc mình thì không nên dùng cách nói này. Vì như vậy có vẻ như chúng ta muốn làm giảm đi sự nghiêm trọng của quá khứ tội lỗi của mình.
Phao-lô viết thư II Cô-rinh-tô vào khoảng cuối mùa thu năm 57. Vậy, mười bốn năm trước là vào khoảng năm 44. Thánh Kinh không nói rõ Phao-lô có khải tượng này trong trường hợp nào, nhưng vào năm 44, trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, Phao-lô đã bị dân Do-thái ném đá gần chết tại thành Lít-trơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:19). Rất có thể trong thời điểm ấy, Phao-lô đã được thấy khải tượng về thiên đàng. Nói cách khác, có thể khi đó, Phao-lô đã chết đi và sống lại, và trong khi tạm chết thì ông được Chúa đưa vào trong thiên đàng.
Ngày nay, thuật ngữ y khoa gọi đó là: kinh nghiệm cận tử, tức kinh nghiệm kề cận sự chết. Trong khi nói đến kinh nghiệm cận tử, chúng tôi cũng muốn chia sẻ điều này với quý ông bà anh chị em. Hầu hết những câu chuyện do những người có kinh nghiệm cận tử thuật lại, được phổ biến trên mạng hoặc được in thành sách đều là sự lừa dối của ma quỷ. Vì chúng không đúng với các lẽ thật của Thánh Kinh. Kể cả kinh nghiệm cận tử của những người xưng nhận họ là môn đồ của Đấng Christ, hoặc là người giảng dạy Lời Chúa.
Vào thời điểm thư II Cô-rinh-tô được viết thì mười bốn năm đã trôi qua, kể từ khi Phao-lô thấy khải tượng, nhưng ông vẫn không biết chắc là ông đã được lên tới thiên đàng trong thân thể xác thịt hay ngoài thân thể xác thịt. Theo lý trí thì ông biết thân thể xác thịt không thể vào thiên đàng, vì nó là vật chất. Nhưng theo nhận thức thì ông thấy mình vẫn có một thân thể khi đang ở trong thiên đàng. Chúng ta có thể hiểu, Phao-lô đang ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần, khi ông được Chúa đưa vào thiên đàng. Điều này giúp cho chúng ta hiểu rằng, thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần cũng có hình dáng giống như thân thể xác thịt của chúng ta. Trường hợp Phao-lô được đem vào thiên đàng cũng giống như trường hợp hơn 50 năm sau đó, Sứ Đồ Giăng được đem vào thiên đàng (Khải Huyền 4:1-2). Nhưng Giăng ý thức rõ là ông vào thiên đàng trong thần linh, tức là trong trạng thái thuộc linh, mọi sự ông nhìn thấy và nhận thức là do thần trí của tâm thần.
Thánh Kinh gọi bầu khí quyển bao bọc chung quanh trái đất là khoảng không (Sáng Thế Ký 1:6-7). Và như vậy, đó là tầng trời thứ nhất, tính từ mặt đất. Qua khỏi bầu khí quyển là khoảng không gian bao la của vũ trụ, tức là tầng trời thứ nhì. Cả hai tầng trời này đều thuộc về thế giới vật chất. Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Phao-lô dùng thuật ngữ “tầng trời thứ ba” để gọi nơi Đức Chúa Trời ngự trong thế giới thuộc linh. Thực tế, mỗi khi nói tới nơi ngự của Đức Chúa Trời thì Thánh Kinh đều dùng danh từ “trời” mà một số Thánh Kinh Việt Ngữ thường dịch là “thiên đàng”. Danh từ “thiên đàng” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là dinh thự to lớn ở trên trời. Vì thế, “thiên đàng” hàm ý là nơi ngự của Đức Chúa Trời, là thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời.
3 Và tôi đã biết người ấy; hoặc trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi đã chẳng biết, nhưng Đức Chúa Trời đã biết;
4 đã được đem lên tới chốn Ba-ra-đi như thế nào; và đã nghe những lời không thể nói; những lời không người nào được phép nói. [Ba-ra-đi có nghĩa là Vườn Vui Thỏa.]
Phao-lô nhấn mạnh tới sự kiện ông không nhận thức ông đã được vào thiên đàng trong thân thể xác thịt hay ngoài thân thể xác thịt, là vì kinh nghiệm ấy quá sống động đối với ông, rất thực đối với ông.
Phao-lô dùng danh từ Ba-ra-đi để gọi thiên đàng. Danh từ này ra từ tiếng Ba-tư (I-ran ngày nay), là chữ theo nghĩa đen dùng để chỉ một khu vườn lớn và xinh đẹp, có tường thành vây quanh, có thú rừng được thả bên trong, dành riêng cho việc săn bắn của bậc vua chúa, hoặc những người cao sang quyền quý. Danh từ này còn được dùng với nghĩa: khu vườn khoái lạc; có thể dịch sang tiếng Hán Việt là “lạc viên” (Khải Huyền 2:7). Danh từ này cũng được chính Đức Chúa Jesus dùng để gọi nơi linh hồn của những con dân Chúa trước thời Tân Ước an nghỉ trong âm phủ, chờ ngày Chúa hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại và đem họ vào thiên đàng (Lu-ca 23:43). Như vậy, Ba-ra-đi không chỉ dành riêng để gọi thiên đàng mà có thể dùng để gọi bất cứ nơi nào có sự vui thỏa trọn vẹn trong Chúa. Bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước sang tiếng Hy-lạp đầu tiên là Bản Dịch Bảy Mươi [3] đã dùng danh từ Ba-ra-đi để dịch danh từ Ê-đen.
Phao-lô không những được Chúa cho thấy cảnh thiên đàng mà còn được cho nghe những lời phán. Những lời ấy ông dù hiểu được nhưng không thể nói được; như một người có thể nghe và hiểu một ngoại ngữ nhưng không nói được ngoại ngữ ấy. Và Phao-lô hay bất cứ người nào khác không được phép lập lại những lời ông đã nghe trong thiên đàng. Những lời Phao-lô đã nghe có thể là những lời Chúa phán trực tiếp với ông hoặc gián tiếp qua các thiên sứ. Chúng ta không thể nào biết nội dung của những lời mà Phao-lô đã nghe, nhưng chắc chắn những lời ấy đã an ủi và khích lệ Phao-lô trong mục vụ rất nhiều; cũng như đã đem lại sự vui thỏa tuyệt vời trong sự hiểu biết cho Phao-lô.
5 Về người ấy, tôi sẽ khoe; nhưng về chính mình tôi, tôi sẽ không khoe, ngoại trừ trong những sự đau yếu của tôi.
Ý của Phao-lô là ông sẵn lòng khoe về sự ông được Chúa ban cho đặc ân, đem ông vào thiên đàng, trong lúc ông vẫn còn đang sống trong thân thể xác thịt, để ông được thấy thiên đàng và được nghe những lời mầu nhiệm. Tức là khoe về sự vinh dự Chúa đã ban cho ông. Nhưng ông không muốn khoe về bản thân của mình. Nếu có khoe về bản thân thì ông chỉ khoe rằng, mình yếu đuối, không ra gì. Yếu đuối về thuộc thể lẫn yếu đuối về thuộc linh. Yếu đuối về thuộc thể vì bệnh tật. Yếu đuối về thuộc linh vì khó tự mình kiềm chế sự kiêu ngạo, đến nỗi Chúa phải dùng sự đau yếu của thân thể xác thịt để giúp ông kiềm chế sự kiêu ngạo của tâm thần.
Tội lỗi đầu tiên của loài người thể hiện thành hành động là tội không vâng phục Thiên Chúa. Nhưng nguồn gốc dẫn tới sự phạm tội không vâng phục là tội kiêu ngạo trong tâm thần, khi loài người muốn bằng Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy, sự kiêu ngạo là nguồn gốc của mọi thứ tội lỗi trong loài người lẫn trong các thiên sứ.
6 Vì dẫu cho tôi muốn khoe, tôi sẽ không là ngu dại, vì tôi sẽ nói sự thật. Nhưng tôi tránh không khoe, kẻo có ai nghĩ cho tôi vượt quá sự người ấy thấy nơi tôi hoặc nghe điều ra từ tôi.
Khi Phao-lô khoe mình về bản thân thì ông cũng sẽ không khoe cách ngu dại để tôn cao bản thân như những kẻ không thuộc về Chúa. Mà ông sẽ nói lên sự thật về con người yếu đuối của mình đã được Chúa ban ơn và dùng như thế nào, để làm ra những việc công bình của Ngài. Dù vậy, ông tránh không khoe mình, trừ ra trường hợp buộc phải khoe vì ích lợi của con dân Chúa. Phao-lô e ngại rằng, có thể vì sự khoe mình trong Chúa của ông mà khiến cho có người tôn sùng ông, đánh giá ông theo đặc ân Chúa ban cho ông, thay vì đánh giá ông theo lời nói và việc làm của ông. Đánh giá đúng Phao-lô hay bất cứ một người hầu việc Chúa trong chức vụ nào là đánh giá theo lời nói và việc làm của họ. Phao-lô và những người hầu việc Chúa trong chức vụ ấy có giảng dạy, khuyên bảo, nói theo Lời Chúa hay không? Và họ có sống theo Lời Chúa hay không? Giá trị thật của một người là do lời nói và việc làm của người ấy, không do các đặc ân Chúa ban cho người ấy.
7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo.
Sự cao trọng lớn của các khải tượng về thiên đàng là sự mầu nhiệm, thiêng liêng, thánh khiết, và vinh quang của những gì mà Phao-lô đã được thấy và nghe trong thiên đàng.
“Cái dằm xóc” (G4647) theo nghĩa đen có thể là một mũi gai hay một mảnh gỗ rất nhỏ, đâm vào thịt. Theo nghĩa bóng được dùng ở đây là một chứng bệnh thuộc thể nào đó, không nghiêm trọng nhưng rất phiền phức. Một số nhà giải kinh dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-9; Ga-la-ti 4:13-15; 6:11 mà suy luận rằng, sau khi nhìn thấy sự vinh quang của Chúa từ trời, Phao-lô bị chứng đau mắt kinh niên, khiến cho ông thường bị chảy nước mắt và nhìn không rõ. Vì thế, dù Phao-lô là người có học nhưng ông vẫn nhờ người khác giúp ông viết các lá thư gửi cho các Hội Thánh. Ông chỉ ký tên vào cuối thư. Còn khi ông phải tự mình viết, như khi viết thư Ga-la-ti, thì chữ trong thư rất lớn:
“Hãy xem! Chữ lớn là dường nào! Tôi đã viết cho các anh chị em bởi chính tay của tôi.” (Ga-la-ti 6:11).
Khi chúng ta đọc Ga-la-ti 4:13-15 thì chúng ta thấy, dường như sự suy luận cho rằng, Phao-lô bị đau mắt là hợp lý.
Ga-la-ti 4:13-15
13 Các anh chị em biết rằng, trong sự đau yếu của xác thịt mà tôi đã giảng Tin Lành cho các anh chị em lần thứ nhất.
14 Sự thử thách của tôi ở trong xác thịt của tôi, nhưng các anh chị em đã không khinh miệt cũng không chối bỏ tôi. Mà tiếp nhận tôi như một thiên sứ của Thiên Chúa, như Đấng Christ Jesus.
15 Vậy thì sự phước hạnh của các anh chị em là gì? Vì tôi làm chứng cho các anh chị em rằng, nếu có thể được, thì các anh chị em cũng móc con mắt mà cho tôi.
Nhưng cũng có thể Phao-lô đã mượn ý một câu tục ngữ Hy-lạp: “Yêu ai đó hơn chính đôi mắt của mình”, để nói tới tình yêu của con dân Chúa tại Ga-la-ti dành cho ông, chứ không có ý nói đến chứng đau mắt. Hơn nữa, nếu xét theo văn mạch thì sự kiện “cái dằm xóc” phải xảy ra sau khi ông được cất lên thiên đàng. Trong khi đó, sự ông nhìn thấy sự vinh quang của Chúa và bị mù trong ba ngày đã xảy ra trước đó 11 năm, vào năm 33. Cũng có thể là Phao-lô bị chứng sốt rét kinh niên hay một chứng bệnh kinh niên nào khác.
Những gì chúng ta suy luận cách hợp lý nhưng không có sự khẳng định của Thánh Kinh thì chúng ta không nên biến chúng thành giáo lý. Sự kiện Phao-lô không nói rõ “cái dằm xóc” của ông là gì giúp cho chúng ta hiểu điều này, Đức Thánh Linh muốn con dân Chúa trong mọi thời đại học biết rằng, có những sự nghịch ý chúng ta nhưng Chúa cho phép xảy ra là vì sự ích lợi cho chúng ta. Câu chuyện Chúa cho phép Sa-tan tấn công Gióp, câu chuyện Chúa cho phép Sa-tan tấn công Phao-lô, an ủi và khích lệ chúng ta khi chúng ta bị đau yếu, khốn khó mà phần lớn do ma quỷ gây ra; nhưng Chúa chỉ ban thêm sức cho chúng ta chịu đựng, chứ Ngài không mở đường cho chúng ta ra khỏi. Chúng ta hãy bám chặt vào sự chân thật của Lời Chúa để chấp nhận mọi “cái dằm xóc” trong đời sống của chúng ta:
“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).
Dựa vào kinh nghiệm của Phao-lô, dựa vào Lời Chúa trong Rô-ma 8:28 và I Cô-rinh-tô 10:13, chúng ta tin rằng, khi chúng ta gặp đau yếu, hoạn nạn mà Chúa không chữa lành hoặc không mở đường cho chúng ta ra khỏi, thì đó là vì sự đau yếu hoặc hoạn nạn đó là cần thiết xảy ra cho chúng ta; và Chúa đã ban cho chúng ta có sức để chịu đựng. Vậy, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và vững tin nơi Ngài; xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu ý nghĩa của sự đau yếu hoặc hoạn nạn mà Chúa muốn chúng ta kiên trì chịu đựng.
Phao-lô gọi sự đau yếu trong xác thịt của ông là phương tiện Sa-tan dùng để tấn công ông, nhưng chính Chúa cho phép điều ấy xảy ra để giữ cho Phao-lô không kiêu ngạo. Phao-lô nhân cách hóa sự đau yếu trong xác thịt của ông thành người đại diện cho Sa-tan để đánh phá ông. Động từ “đánh” (G2852) được dùng trong câu này có nghĩa đen là đánh bằng cú đấm của nắm tay; nghĩa bóng là đối xử cách hung bạo.
Chúng ta thấy, một người như Phao-lô mà Chúa còn cho phép bệnh tật xảy ra để giữ cho ông không kiêu ngạo thì chúng ta cần phải cẩn thận xét mình về sự kiêu ngạo. Người nào vẫn còn khó chịu hoặc buồn giận khi có người chỉ ra sự thiếu sót, lầm lỗi của mình thì người ấy có lòng tự ái không đúng. Lòng tự ái không đúng sẽ dẫn đến sự kiêu ngạo. Người nào vẫn còn ham thích được người khác tung hô mình thì người ấy vẫn còn lòng kiêu ngạo. Và sự kiêu ngạo là nguồn gốc của mọi tội lỗi khác.
Chúng ta cũng cần phân biệt sự vui mừng vì làm ra những việc lành trong Chúa, được khen ngợi, khác với sự cố ý làm điều gì đó để được khen, được tôn cao.
8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi.
9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.
“Về sự ấy” là về sự đau yếu trong xác thịt của Phao-lô. Phao-lô đã ba lần cầu xin Chúa cất nó ra khỏi ông. Chúng ta không biết rõ, Chúa im lặng trong hai lần cầu xin trước của Phao-lô và chỉ đáp trả sau lần cầu xin thứ ba của ông; hay là mỗi lần Phao-lô cầu xin thì Chúa đều đáp trả cùng một câu; và sau ba lần thì Phao-lô không cầu xin nữa.
Ân điển của Chúa là bất cứ sự ban cho nào từ Chúa bởi sự từ ái và sự thương xót của Ngài. Ân điển của Chúa ban cho Phao-lô trong trường hợp này là sức chịu đựng của thân thể xác thịt và sức nhẫn nại của thần trí, giúp cho ông kiên trì chịu đựng mọi đau đớn, khó khăn do tật bệnh đem tới.
Động từ “nên trọn vẹn” (G5048) có nghĩa là làm cho hoàn thành; làm cho trở nên trọn vẹn; làm cho đạt được mục đích.
Sức mạnh của Chúa nên trọn vẹn trong sự đau yếu của xác thịt có nghĩa là:
- Sức mạnh của Chúa là đầy đủ, trọn vẹn trong sự giúp cho xác thịt của chúng ta chịu đựng mọi sự đau yếu do bệnh tật gây ra.
- Sức mạnh của Chúa thể hiện cách trọn vẹn qua chúng ta khi chúng ta ở trong sự đau yếu của bệnh tật mà vẫn hoàn thành những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.
- Sức mạnh của Chúa khiến cho chúng ta dù yếu đuối nhưng được trở nên trọn vẹn, khi chúng ta đắc thắng mọi cám dỗ.
Chính vì thế mà Phao-lô vui lòng, chịu đựng sự đau yếu của xác thịt bằng ân điển của Chúa, để cho sức mạnh của Chúa tiếp tục làm thành mục đích của nó trong đời sống của ông, giúp cho ông: chịu đựng sự đau yếu, tật bệnh của xác thịt; làm thành mọi bổn phận của ông; và đắc thắng mọi cám dỗ trong cuộc sống, nhất là cám dỗ của sự kiêu ngạo.
Ý nghĩa của sự Phao-lô khoe mình trong những sự đau yếu của ông, bao gồm sự yếu đuối tự nhiên của xác thịt lẫn sự đau yếu vì tật bệnh, là khoe về ân điển của Chúa, khoe về sức mạnh toàn năng của Chúa thể hiện trong ông và qua ông.
10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
“Vậy nên” có nghĩa là vì tôi nhận thức được lời phán của Chúa.
Phao-lô nói: “Tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ”, không có nghĩa là ông thỏa lòng vì bị lâm vào tình trạng bị đau yếu, bị sỉ nhục, bị túng thiếu, bị bách hại, bị khốn khó vì Đấng Christ. Nhưng ông thỏa lòng vì trong tất cả những sự đó, Chúa đã không từ bỏ ông, mà ban ân điển cho ông, ban sức toàn năng của Ngài cho ông, để Ngài làm trọn những sự tốt lành Ngài đã định sẵn cho ông; và để ông làm trọn những sự tốt lành Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông.
“Những sự đau yếu vì Đấng Christ” bao gồm sự yếu đuối vì sức lực suy tàn theo thời gian và sự đau yếu vì bệnh tật, trong khi sống theo Lời Chúa và phụng sự Chúa.
“Những sự sỉ nhục vì Đấng Christ” bao gồm tất cả những sự khinh chê, mắng chửi, đánh đập, kỳ thị vì đức tin nơi Chúa.
“Những sự túng thiếu vì Đấng Christ” bao gồm tất cả những sự vì sống theo Lời Chúa mà không phạm tội trong khi làm việc kiếm sống; vì hy sinh, cứu giúp người cần cứu giúp; vì bị ma quỷ tấn công vào tài sản, vào nghề nghiệp, vào phương tiện kiếm sống để cám dỗ chúng ta phạm tội.
“Những sự bách hại vì Đấng Christ” bao gồm tất cả những sự thù nghịch, chống đối, làm khổ, đối xử bất công… đến từ người thân, đến từ nhà cầm quyền và tất cả những người không thuộc về Chúa khác; kể cả những sự đánh phá của các tà linh.
“Những sự khốn khó vì Đấng Christ” bao gồm tất cả những sự chịu khổ vì Đấng Christ không thuộc về sự đau yếu, sự sỉ nhục, sự túng thiếu, và sự bách hại.
“Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ” có nghĩa là khi Phao-lô nhận thức sự yếu đuối của bản thân và công nhận là mình yếu đuối, thì khi ấy sức toàn năng của Chúa tuôn đổ trên ông, khiến cho ông trở nên mạnh mẽ, làm được mọi sự trong thánh ý của Chúa. Và cũng chính vì ý thức sự yếu đuối của mình, ý thức sức toàn năng của Chúa hành động qua mình mà mình mới có thể làm được mọi sự, nên Phao-lô không khoe khoang để tìm kiếm sự khen ngợi cho bản thân. Vì điều ông có thể khoe chỉ là khoe sự yếu đuối của mình và khoe về ân điển của Chúa mà thôi.
Cảm tạ Chúa! Chúng ta được sinh ra trong thời kỳ của Hội Thánh và được tháp nhập vào trong Hội Thánh của Chúa. Chúng ta đang sống trong thời kỳ gọi là “những ngày sau rốt” đã được tiên tri trong Giô-ên 2:28-32 và được Sứ Đồ Phi-e-rơ công nhận đã ứng nghiệm cho Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:16-21). Những người trẻ sẽ thấy những khải tượng. Những người già sẽ mơ những giấc mơ. Những người phụng sự Chúa, cả nam lẫn nữ, sẽ nói tiên tri bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh.
Nhưng có thấy những khải tượng, có mơ những giấc mơ đến từ Chúa hay không là tùy thuộc vào sự con dân Chúa có hết lòng sống theo Lời Chúa hay không.
Mỗi con dân Chúa, dù nam hay nữ cũng đều là người phụng sự Chúa trong chức vụ thầy tế lễ. Thầy tế lễ ngoài nhiệm vụ dâng của tế lễ lên Chúa còn có nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa, mà sự rao truyền Lời Chúa là một hình thức của sự nói tiên tri. Ngày nay, khi chúng ta rao giảng Tin Lành, khi chúng ta nói về sự đến của Đấng Christ, nói về Kỳ Tận Thế là chúng ta đang nói tiên tri. Nhưng chúng ta nói tiên tri cách vô thức như con vẹt nói tiếng người hay chúng ta nói trong sự Đức Thánh Linh thần cảm chúng ta?
Ngày của Chúa đã rất gần. Mỗi người hãy tự xét lấy đời sống của mình, xem mình có sẵn sàng cho sự đến của Chúa hay chưa. Hãy tận dụng thời gian còn lại để hoàn thành những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi chúng ta.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/01/2021
Ghi Chú
Các định nghĩa từ ngữ từ Thánh Kinh trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh: https://thewordtoyou.net/dictionary/
[1] Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6; Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6; 14:2, 21; 26:19; 28:9.
[3] https://thewordtoyou.net/dictionary/b%E1%BA%A3n%20d%E1%BB%8Bch%2070
Karaoke Thánh Ca: “Con An Vui Trong Tình Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-an-vui-trongtinh-ngai/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
- Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
- Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.