Chú Giải Rô-ma 01:29-32

5,045 views

Roma_008 Bản Chất của Tội Nhân
(Rô-ma 1:29-32)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

29 Họ đầy dẫy mọi sự không công bình: tà dâm, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa sự ganh tỵ, tội giết người, cãi lẫy, lường gạt, thói tật xấu; là những kẻ gièm chê,

30 hay nói xấu, thù ghét Thiên Chúa; là những kẻ xấc xược, kiêu ngạo; là những kẻ khoe khoang; là những kẻ phát minh ra những sự dữ: không vâng lời cha mẹ,

31 thiếu hiểu biết, phạm giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không đáng tin, không có lòng thương xót.

32 Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời cho những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwNDRf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11608-banchatcuatoinhan
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/a6b02a20bzs895q/11608_ChuGiaiRoma_1_29-32_BanChatCuaToiNhan.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Dẫn Nhập

Mặc dù Rô-ma 1:18-32 nói về tội lỗi của dân ngoại, tức là những dân không trực tiếp nhận lãnh các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời qua chữ viết như dân I-sơ-ra-ên, nhưng sự mô tả về bản chất của tội nhân trong các câu 1:29-32, thì đúng với toàn thể nhân loại trong mọi thời đại. Thật vậy, dù cho một người được sinh ra trong một gia đình tin kính Chúa, lớn lên, sốt sắng và hết lòng trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh, thậm chí, trở thành trưởng lão (bao gồm người chăn, người dạy Lời Chúa) hay giám mục trong Hội Thánh, nhưng nếu vẫn sống trong tội, thì bản chất của người ấy đúng như sự mô tả của Rô-ma 1:29-32.

Có thể, với những người không tin nhận Chúa thì bản chất tội lỗi hiện rõ trong nếp sống của họ, nhưng với những người tự xưng là con dân của Chúa mà vẫn sống trong tội, thì bản chất tội lỗi của họ phần nào được che dấu dưới các hình thức gọi là “hầu việc Chúa,” các bằng cấp thần học, các chức vụ trong Hội Thánh, và nhất là các thái độ, lời nói, cử chỉ giả hình. Thánh Kinh gọi chung những kẻ như vậy là: cỏ lùng, dê, sói đội lốt chiên, kẻ chăn thuê, tôi tớ bất trung, kẻ trộm, giáo sư giả, và tiên tri giả!

Bản Chất của Tội Nhân

  • Họ đầy dẫy mọi sự không công bình: tà dâm, độc ác, tham lam, hung dữ.

  • Họ chan chứa sự ganh tỵ, tội giết người, cãi lẫy, lường gạt, thói tật xấu.

  • Họ là những kẻ gièm chê, hay nói xấu, thù ghét Thiên Chúa.

  • Họ là những kẻ xấc xược, kiêu ngạo.

  • Họ là những kẻ khoe khoang.

  • Họ là những kẻ phát minh ra những sự dữ: không vâng lời cha mẹ, thiếu hiểu biết, phạm giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không đáng tin, không có lòng thương xót.

  • Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời cho những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.

Họ Đầy Dẫy Mọi Sự Không Công Bình

Trước hết, tội nhân là một người đánh mất nhân phẩm mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Nhân phẩm tức là phẩm chất cao quý của loài người, là sự giống như Thiên Chúa trong sự yêu thương, thánh khiết, và công chính, mà Thiên Chúa đã đặt vào trong loài người khi Ngài dựng nên loài người. Để có thể bảo tồn nhân phẩm, loài người cần liên tục kết nối với Thiên Chúa trong tâm thần.

Sự phạm tội của loài người nghịch lại chính Thiên Chúa và sự thánh khiết của Ngài, cho nên, sự thông công giữa loài người và Thiên Chúa bị cắt đứt, dẫn đến sự chết của tâm thần. Tâm thần chết là tâm thần bị phân rẽ với Thiên Chúa, không còn nhận được sự sống từ Thiên Chúa và Thánh Linh của Ngài. Tâm thần chết dẫn đến sự chết của linh hồn. Sự chết của linh hồn là sự băng hoại của nhân phẩm, mọi sự tốt đẹp Thiên Chúa ban cho loài người trở thành biến dạng, hư hoại, sinh ra những ham muốn trái nghịch với Thiên Chúa, dẫn đến muôn vàn tội lỗi. Linh hồn chết dẫn đến sự thể xác không thể làm điều lành mà chỉ có thể làm điều dữ; theo thời gian, thể xác bị tàn tạ, rồi chết, trở về với bụi đất. Sự chết của thể xác chấm dứt sự phạm tội.

Vì thế, trong tội nhân không còn nhân phẩm, tức là những sự yêu thương, công bình, và thánh khiết từ Thiên Chúa, mà chỉ có đầy dẫy mọi sự nghịch lại Thiên Chúa, gọi chung là những sự không công bình. Rô-ma 1:29-32 liệt kê những sự đó.

I Giăng 5:17 chép: “Mọi sự không công bình đều là tội…” Vì thế, Họ đầy dẫy mọi sự không công bình” có nghĩa là: “Họ đầy dẫy tội lỗi.” Có nhiều hình thức tội lỗi khác nhau và mức độ nghiêm trọng của sự phạm tội cũng khác nhau. Hình phạt dành cho tội lỗi sẽ tùy theo mỗi việc làm tội lỗi, và Đức Chúa Trời có những cuốn sách để ghi chép mọi tội lỗi của mỗi người (Khải Huyền 20:12).

Tà Dâm, Độc Ác, Tham Lam, Hung Dữ

Tà dâm bao gồm tà dâm thuộc linh lẫn tà dâm thuộc thể. Khi một người thờ lạy thần tượng thay vì thờ lạy Thiên Chúa thì người ấy phạm tội tà dâm thuộc linh. Đối với những người đã tin nhận Thiên Chúa, được ở trong địa vị con dân của Thiên Chúa, mà thờ lạy thần tượng, thì họ phạm tội ngoại tình thuộc linh. Tà dâm thuộc thể là bất cứ ý nghĩ, lời nói, hành động nào liên quan đến tình dục mà không đúng theo tiêu chuẩn thánh khiết của Lời Chúa.

Điều chúng ta cần để ý ở đây, đó là Phao-lô liệt kê tội tà dâm đứng đầu; vì tội tà dâm thuộc linh là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Trước khi bà Ê-va phạm tội không vâng theo điều răn của Chúa thì bà đã phạm tội tôn thờ chính mình thay vì tôn thờ Thiên Chúa; bà chọn làm theo ý muốn riêng của mình thay vì vâng phục Thiên Chúa. Về phần ông A-đam, có lẽ ông đã phạm tội xem vợ là đáng tôn hơn Chúa trước khi ông phạm tội nghịch lại điều răn của Thiên Chúa.

Tội tà dâm thể hiện bản tính chỉ sống cho mình, làm theo ý thích của mình, bất kể hậu quả, dẫn đến sự độc ác, nghĩa là sẵn sàng làm ra những việc tổn hại đến người khác, miễn sao có thể thỏa mãn được những sự ham muốn của xác thịt mình. Từ ngữ “độc ác” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “vô đạo đức; có tính ác trong ham muốn và mục đích; muốn hãm hại người khác.” Tiếp theo là lòng tham lam, muốn chiếm đoạt những gì mình ưa thích, càng nhiều càng tốt, bằng mọi cách. Sự hung dữ nói lên thái độ và cử chỉ độc ác thể hiện trong cuộc sống của tội nhân.

Ganh Tỵ, Giết Người, Cãi Lẫy, Lường Gạt, Thói Tật Xấu

Từ ngữ chan chứa trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “đầy, không còn chỗ để chứa thêm.” Lòng của người có tội chứa đầy những sự ganh tỵ, tội giết người, cãi lẫy, lường gạt, và thói tật xấu. Ganh tỵ là cảm xúc khó chịu, bực tức, thù ghét, muốn làm hại người nào hơn mình. Giết người vừa có nghĩa đen là tiêu diệt mạng sống của một người, vừa có nghĩa bóng là lòng giận ghét một người. Cãi lẫy là sự tranh luận phát xuất từ lòng độc ác và tham lam. Lường gạt là dùng những sự dối trá để thu lợi từ người khác. Thói tật xấu bao gồm tất cả những thói quen vi phạm tiêu chuẩn yêu thương, công bình, và thánh khiết của Thiên Chúa. Nói chuyện tục tĩu, thô lỗ, chửi thề, nguyền rủa, bêu rếu người khác, ghiền thuốc lá, ghiền rượu, ghiền cờ bạc, ghiền mua vé số, trễ hẹn, lười tắm rửa, lười làm việc, vv… đều là những thói tật xấu.

Gièm Chê, Hay Nói Xấu, Thù Ghét Thiên Chúa

Mỗi tội nhân còn là kẻ gièm chê, hay nói xấu, và thù ghét Thiên Chúa. Gièm chê là một thói xấu phát xuất từ lòng ganh tỵ và độc ác. Từ ngữ “gièm chê” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “lén lút nói những lời không tốt về người khác.” Sự gièm chê có thể dựa trên một sự kiện có thật hoặc hoàn toàn bịa đặt, nhưng mục đích của sự gièm chê là làm giảm đi giá trị của người bị nói. Lời gièm chê hoàn toàn khác với lời khuyên chân thành, dựa trên một sự kiện có thật, để giúp cho người được khuyên không bị kẻ xấu lường gạt. Người có thói gièm chê đương nhiên sẽ trở thành kẻ hay nói xấu. Từ ngữ “nói xấu” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “nói nghịch lại một người hoặc vu khống một người.” Mọi tội nhân đương nhiên là kẻ thù ghét Thiên Chúa, vì: (1) Các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa lên án nếp sống tội lỗi của họ. (2) Chính những hành động làm nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa là những hành động thù ghét Thiên Chúa. (3) Thiên Chúa không ban ơn, cũng không bênh vực họ mà còn phơi bày bản chất tội lỗi của họ và phán xét họ.

Xấc Xược, Kiêu Ngạo, Khoe Khoang

Từ ngữ “xấc xược” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “lời nói, thái độ, cử chỉ hoặc hành động xúc phạm người khác, xem thường người khác.” Từ ngữ “kiêu ngạo” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “tỏ ra mình hơn người khác, khoe khoang vượt mức giá trị thật của mình.” Kẻ xấc xược, và kiêu ngạo thì đương nhiên là hay khoe khoang, vì khoe khoang là cách thức để bày tỏ sự xấc xược và kiêu ngạo. Tuy nhiên, trong nguyên ngữ Hy-lạp từ ngữ “khoe khoang” còn có nghĩa là: “khoe những điều mà thật ra mình không có.”

Là Những Kẻ Phát Minh Ra Những Sự Dữ

Một trong những bản chất đáng sợ nhất của những tội nhân, là lợi dụng sự thông minh Thiên Chúa ban cho loài người để phát minh ra những sự dữ. “Phát minh” bao gồm các nghĩa: “tìm kiếm, khám phá, sáng tạo.” Thật không có gì đáng sợ cho bằng phải sống trong thế giới của những người chỉ biết chuyên tâm để tìm kiếm, khám phá, và sáng tạo ra những sự dữ!

Những điều được liệt kê tiếp theo đó: “không vâng lời cha mẹ, thiếu hiểu biết, phạm giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không đáng tin, không có lòng thương xót,” chính là những phương diện nổi bật trong những phát minh của những tội nhân.

Họ phát minh ra những sự dữ trước hết là để chống nghịch cha mẹ của họ. Trong thực tế của đời sống, có những người mà đối với cái nhìn của xã hội thì họ là những người con hiếu thảo, nhưng thật ra, họ đã phát minh ra những cách tinh tế để không vâng lời cha mẹ. Theo quan điểm của họ thì họ vô cùng khôn ngoan, nhưng trước mặt Chúa họ chỉ là những kẻ thiếu hiểu biết. Chỉ có những kẻ thiếu hiểu biết mới vận dụng sự thông minh Chúa ban để phát minh ra những sự dữ, nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Vì thế, họ đã phạm giao ước giữa Thiên Chúa với loài người và sẵn sàng phạm các giao ước do họ thiết lập với nhau. Điều đó cho thấy họ là những người không có tình nghĩa tự nhiên, tức là, không có sự cảm xúc hợp với tiêu chuẩn yêu thương, công bình, và thánh khiết mà Thiên Chúa đã ban cho khi Ngài dựng nên loài người. Vì thế, họ không đáng tin và họ không có lòng thương xót.

Họ là Những Kẻ Biết Rõ Sự Phán Quyết của Đức Chúa Trời

Mỗi một tội nhân đều biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ phạm những điều được nêu ra trên đây là đáng chết, tức là, họ biết rõ cái giá phải trả cho sự phạm tội. Thế nhưng, họ cứ tiếp tục phạm tội và vui thú với những kẻ cũng phạm tội như họ. Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa.” Nguyên ngữ Hy-lạp chép là: “họ có sự vui thú trong những kẻ làm các sự ấy.” Ưng thuận cho kẻ khác phạm tội khác với vui thú trong sự phạm tội của kẻ khác. Chính vì họ vui thú trong sự phạm tội của kẻ khác mà họ đã bênh vực, khích lệ, giúp đỡ cho kẻ khác phạm tội. Biết bao nhiêu luật pháp đã được ban hành để bênh vực những nếp sống tội, biết bao nhiêu tiền bạc đã được dùng để quảng cáo cho những nếp sống tội! Thị trường giải trí tội lỗi lớn nhất trên thế giới ngày nay là các sản phẩm và dịch vụ khêu gợi tình dục. Riêng tại Mỹ, tổng số thu từ các dịch vụ và sản phẩm của loại “giải trí” này vào khoảng 13 tỷ đô-la một năm.

Kết Luận

Những kẻ chối bỏ sự hiểu biết về Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục quay cuồng trong thú vui của tội lỗi và ngày càng phát minh ra nhiều hình thức phạm tội, phương tiện phạm tội, bởi vì, đó là bản chất của tội nhân. Không ai có thể tự mình thoát ra khỏi quyền lực của tội lỗi. Chỉ có một phương cách duy nhất để thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, là sự chết. Chúng ta có thể chết trong tội lỗi rồi chết đời đời hoặc chúng ta có thể chết trong Đấng Christ để được tái sinh, tức là được dựng nên mới trong Đấng Christ, và được ban cho cơ hội tiếp nhận sự sống đời đời. Để có thể chết trong Đấng Christ và được dựng nên mới, tội nhân phải ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Ăn năn tức là muốn từ bỏ nếp sống tội. Tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ tức là tin rằng Đức Chúa Jesus Christ là con của Đức Chúa Trời, đã nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá để gánh thay án phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại.

Với lòng ăn năn và đức tin chân thành, xưng nhận qua môi miệng, tội nhân lập tức được Đức Thánh Linh làm cho chết đi bản ngã tội lỗi và dựng nên một tâm thần mới, một bản ngã mới. Thánh Kinh gọi đó là sự kiện được sinh ra từ trên cao, được tái sinh. Con người mới đó được dựng nên giống như Đức Chúa Trời trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật; được ban cho năng lực của Đức Chúa Trời, tức là Thánh Linh, để có thể thắng mọi cám dỗ, mọi tội lỗi, và Ma Quỷ, để sống thánh khiết theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa; và được ban cho cơ hội sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, Ngài muốn cho mọi người được cứu ra khỏi bản chất tội lỗi, hậu quả của tội lỗi và được hiểu biết về Ngài. Ngài đã ban cho loài người sự cứu rỗi. Mỗi tội nhân phải tự mình lựa chọn tiếp nhận hoặc chối bỏ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/08/2012

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.