Roma_042 Phao-lô, Sứ Đồ của Các Dân Ngoại
(Rô-ma 15:14-21)
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Chính mình tôi cũng tin chắc rằng, các anh chị em có đầy sự ngay lành, được đổ đầy mọi sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.
15 Dù vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi đã viết cho các anh chị em cách rất dạn dĩ, phần nào như nhắc các anh chị em, bằng ân điển đã ban cho tôi bởi Đức Chúa Trời,
16 cho tôi làm người phụng sự của Đức Chúa Jesus Christ giữa các dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin Lành của Đức Chúa Trời, để sự dâng các dân ngoại làm của lễ được chấp nhận, được thánh hóa trong thánh linh.
17 Vậy, tôi có sự khoe mình trong Đức Chúa Jesus Christ trước Đức Chúa Trời.
18 Vì tôi sẽ chẳng dám nói bất cứ sự gì khác hơn những sự mà Đấng Christ đã làm qua tôi, cho sự vâng phục của các dân ngoại bởi lời nói và việc làm,
19 trong năng lực của những dấu kỳ và những phép lạ, trong năng lực của thần trí của Thiên Chúa. Vậy nên, từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-li-ri, tôi đã {giảng} đầy trọn Tin Lành của Đấng Christ.
20 Bởi đó, tôi lấy làm vinh dự mà giảng Tin Lành nơi nào danh Đấng Christ chưa được gọi, để cho tôi không xây dựng trên nền của người khác,
21 như có chép: Những ai chưa được nghe nói về Ngài thì họ sẽ thấy {Ngài}; những ai chưa nghe thì sẽ hiểu.
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNjk0MTc5Njhf/11642_ChuGiaiRoma_15_14-21PhaoLoSuDoCuaCacDanNgoai.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11642_chugiairoma_15_14-21_phaolosudocuacacdanngoai
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/1v4klbbe20a0app/11642_ChuGiaiRoma_15_14-21PhaoLoSuDoCuaCacDanNgoai.mp3/file
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Ngày Chúa đến đã quá gần. Kính xin quý con dân Chúa tích cực bằng mọi phương tiện, mọi cách phổ biến bài giảng này đến tất cả những con dân Chúa mình quen biết, để dự phần trong việc gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh, giúp nhau sống đúng theo Lời Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Xin cám ơn quý con dân Chúa. (Xin đọc bài này: http://www.timhieutinlanh.net/trach-nhiem-cua-con-dan-chua-khi-pho-bien-hoac-khong-pho-bien-mot-bai-giang/).
Thánh Kinh cho chúng ta biết, trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại trên thập tự giá, thì Ngài đã chọn ra mười hai người I-sơ-ra-ên để làm sứ đồ của Ngài, và sai họ đi đến các thành của người I-sơ-ra-ên mà giảng Tin Lành. Sau đó, Đức Chúa Jesus Christ lại chọn ra 70 người trong số các môn đồ của Ngài, sai họ đi giảng Tin Lành trong các thành của dân I-sơ-ra-ên mà Ngài sẽ đến (Ma-thi-ơ 10; Lu-ca 9-10). Trong suốt thời gian Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành của Vương Quốc Trời, Ngài chỉ rao giảng cho người I-sơ-ra-ên. Các sứ đồ và các môn đồ của Ngài cũng chỉ được sai đến với những người I-sơ-ra-ên. Ma-thi-ơ đã ghi rõ mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, như sau:
“Mười hai người ấy Đức Chúa Jesus sai đi, và truyền cho họ rằng: Đừng đi đến đường của các dân ngoại, cũng đừng vào trong thành của dân Sa-ma-ri; nhưng thà đi đến với những con chiên lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên.” (Ma-thi-ơ 10:5-6).
Nhưng sau khi Đức Chúa Jesus Christ sống lại thì Ngài truyền cho các môn đồ của Ngài, bao gồm mười một sứ đồ, rằng, hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người (Mác 16:15). Và rồi chính Đức Chúa Jesus Christ đã kêu gọi và chọn Phao-lô làm sứ đồ giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên và các dân ngoại. Chúng ta cần phân biệt điều này: Mệnh lệnh chung của Đức Chúa Jesus Christ dành cho tất cả các môn đồ của Ngài là hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người; nhưng Ngài chỉ lập một mình Phao-lô làm sứ đồ giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên lẫn các dân ngoại. Ngoài Phao-lô, chúng ta không thấy Thánh Kinh ghi lại ai khác là người được Đức Chúa Jesus Christ ban cho chức vụ làm sứ đồ cho các dân ngoại.
Trước khi Phao-lô được Đức Chúa Jesus Christ gọi làm sứ đồ thì ông là người theo Do-thái Giáo cách nóng cháy, và sốt sắng trong việc bách hại Hội Thánh của Chúa. Trong chuyến đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành Đa-mách để làm công việc bách hại Hội Thánh, thì Phao-lô đã được Đức Chúa Jesus Christ bắt phục, trở thành sứ đồ của Ngài. Câu chuyện Phao-lô trở thành sứ đồ của Đấng Christ được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 9. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã sai một môn đồ của Ngài tại thành Đa-mách, tên là A-na-nia, đến gặp Phao-lô để chữa lành đôi mắt bị mù của Phao-lô, (vì trên đường đến Đa-mách ông đã nhìn thấy sự vinh quang của Đấng Christ), và làm báp-tem cho ông. Chúa phán, Ngài đã chọn Phao-lô làm một đồ dùng của Ngài, để đem danh Ngài rao truyền trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15). Kể từ đó, trong khoảng 30 năm còn lại của đời mình, Phao-lô đã sốt sắng và trung tín làm tròn chức vụ sứ đồ của ông. Phần lớn mục vụ của ông là giữa vòng các dân ngoại. Ngày nay, Tin Lành qua các thư của ông viết, vẫn còn được giảng cho dân I-sơ-ra-ên lẫn các dân ngoại. Thực tế, chúng ta đang học về thư Rô-ma do Phao-lô viết cho con dân Chúa tại Hội Thánh Rô-ma cách nay gần hai ngàn năm, là chúng ta đang học về nhiều phương diện khác nhau trong Tin Lành. Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Phao-lô viết ra những điều sâu nhiệm của Tin Lành, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ:
“Đấng Thần Linh, Đấng Thần Lẽ Thật, khi Ngài đến, thì Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài sẽ không nói tự mình, nhưng nói mọi điều Ngài đã nghe, và Ngài sẽ giãi bày cho các ngươi những sự sẽ đến.” (Giăng 16:13).
Trong Rô-ma 15:14-21, Phao-lô đã khẳng định với con dân Chúa tại thành Rô-ma, ông là sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, phụng sự Ngài giữa các dân ngoại. Những lời này của Phao-lô rất là quan trọng; vì là lời khẳng định thẩm quyền Đức Chúa Jesus Christ ban cho Phao-lô trên con dân Chúa giữa vòng các dân ngoại nói chung, và trên Hội Thánh tại Rô-ma nói riêng. Mặc dù Hội Thánh tại Rô-ma được thành lập trước khi Phao-lô đến đó giảng Tin Lành, nhưng quyền sứ đồ của Phao-lô vẫn có trên Hội Thánh tại Rô-ma để giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa tại Rô-ma cũng như tất cả con dân Chúa giữa vòng các dân ngoại, ở bất cứ nơi nào; vì ông là sứ đồ của các dân ngoại. Lá thư Rô-ma là một loạt những bài giảng về những lẽ thật rất là quan trọng, cần thiết cho con dân Chúa thuộc các dân ngoại. Hội Thánh tại Rô-ma có bổn phận tiếp nhận những sự dạy dỗ trong thư Rô-ma như là sự dạy dỗ đến từ chính Đấng Christ, dành cho con dân Chúa giữa vòng các dân ngoại.
Không riêng gì Hội Thánh tại Rô-ma thời bấy giờ, mà tất cả các Hội Thánh địa phương giữa vòng các dân ngoại từ thời Phao-lô cho tới ngày Đấng Christ đến, đều có bổn phận công nhận thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô và tiếp nhận những sự dạy dỗ trong thư Rô-ma và tất cả các thư khác của ông. Cả các Hội Thánh địa phương giữa những người I-sơ-ra-ên (như Hội Thánh ban đầu tại Giê-ru-sa-lem) cũng phải tiếp nhận những lẽ thật trong thư Rô-ma và tất cả các thư khác của ông, vì Phao-lô cũng là sứ đồ cho dân I-sơ-ra-ên.
Gần hai ngàn năm đã trôi qua, Hội Thánh chung đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm trước những cơn bách hại từ Sa-tan và từ những người không tin Chúa. Nhưng Hội Thánh vẫn lớn mạnh và đứng vững trong ân điển của Chúa, phần lớn là nhờ vào các lá thư của Sứ Đồ Phao-lô. Trong những ngày cuối cùng này, Sa-tan đang dấy lên tà giáo phủ nhận Tin Lành do Sứ Đồ Phao-lô rao giảng, đặc biệt là trong một số nhóm thuộc phong trào Cội Nguồn Hê-bơ-rơ (Hebrew Roots movement). Họ gọi Phao-lô là giáo sư giả, không chấp nhận các thư do Phao-lô viết, cũng không chấp nhận sách Công Vụ Các Sứ Đồ do Lu-ca viết. Họ gọi mỉa Lu-ca là đệ tử của Phao-lô. Càng ngày chúng ta càng thấy sự bội Đạo lớn xảy ra dưới nhiều hình thức, làm dấu hiệu cho biết rằng, ngày Đấng Christ trở lại đã quá gần (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3).
Là con dân chân thật của Thiên Chúa, chúng ta phải tin rằng, Đức Thánh Linh đã dùng Rô-ma 15:14-21 để khẳng định với Hội Thánh những gì Sứ Đồ Phao-lô viết ra là bởi thẩm quyền của Đấng Christ, bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, và theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
14 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Chính mình tôi cũng tin chắc rằng, các anh chị em có đầy sự ngay lành, được đổ đầy mọi sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.
Trong phần mở đầu thư Rô-ma, Phao-lô đã viết:
“Trước hết, tôi thật vì hết thảy các anh chị em, nhờ Đức Chúa Jesus Christ, mà cảm tạ Đức Chúa Trời tôi về sự đức tin của các anh chị em đã lan truyền khắp cả thế gian.” (Rô-ma 1:8).
Động từ “lan truyền” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là được bàn tán đến. Thành ngữ: “khắp cả thế gian” trong nền văn hóa La-mã và Hy-lạp thời bấy giờ, theo nghĩa hẹp không có nghĩa là khắp nơi trên địa cầu mà chỉ có nghĩa là khắp lãnh thổ của Đế Quốc La-mã. Đức tin của con dân Chúa tại Rô-ma vào thời Phao-lô đã được bàn tán khắp lãnh thổ của Đế Quốc La-mã thời bấy giờ, bao gồm phần lớn Châu Âu, một phần Châu Á, và một phần Châu Phi. Khi Phao-lô nghe biết những lời bàn tán về đức tin của con dân Chúa tại Rô-ma thì bản thân ông cũng tin chắc về những lời bàn tán ấy. Qua Rô-ma 15:14 mà chúng ta hiểu rằng, đức tin của con dân Chúa tại Rô-ma đã thể hiện cho người khác thấy rằng, họ có đầy sự ngay lành, được đổ đầy mọi sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.
Đầy sự ngay lành là từ trong tấm lòng cho đến nếp sống có đầy dẫy sự ngay thẳng và tốt đẹp giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24). Mọi sự hiểu biết không có nghĩa là mọi kiến thức và học thức của thế gian, mà là tất cả những sự cần biết về Thiên Chúa và nếp sống đẹp lòng Thiên Chúa. Được đổ đầy mọi sự hiểu biết là được Đức Thánh Linh ban cho đầy dẫy tri thức trong tâm thần đã được dựng nên mới (Cô-lô-se 3:10). Chính vì có đầy sự ngay lành và được đổ đầy tri thức mà con dân Chúa tại Rô-ma có khả năng khuyên bảo lẫn nhau.
15 Dù vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi đã viết cho các anh chị em cách rất dạn dĩ, phần nào như nhắc các anh chị em, bằng ân điển đã ban cho tôi bởi Đức Chúa Trời,
Có đầy sự ngay lành, được đổ đầy mọi sự hiểu biết, và có khả năng khuyên bảo lẫn nhau cũng chính là tiêu chuẩn và dấu hiệu của con dân chân thật của Chúa, đã trưởng thành trong đức tin. Vào lúc Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Rô-ma (khoảng cuối năm 57) thì con dân Chúa tại đó chưa được sự giảng dạy của bất cứ một sứ đồ nào và họ chỉ có Thánh Kinh Cựu Ước. Thế nhưng họ có sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa và nếp sống mới trong Đấng Christ, đến nỗi, Phao-lô cho rằng những giáo lý ông viết trong thư Rô-ma như là một sự nhắc lại cho họ những gì mà họ đã biết. Ngày nay, chúng ta tin rằng, thư Rô-ma được Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô viết, có nghĩa là chúng ta cũng tin rằng, Đức Thánh Linh đã tỏ cho Phao-lô biết về sự tri thức của con dân Chúa tại Rô-ma.
Phao-lô không ngại khi ông viết ra những điều mà ông tin chắc rằng, con dân Chúa tại Rô-ma đã hiểu biết. Ông nhân danh ân điển Đức Chúa Trời đã ban cho ông để dạn dĩ nhắc lại cho họ sự tri thức mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Ân điển ấy là ơn phước được làm sứ đồ cho Đức Chúa Jesus Christ. Nói cách khác, Phao-lô nhân danh là sứ đồ của Đấng Christ và dùng thẩm quyền sứ đồ cho dân ngoại của ông để viết thư Rô-ma, nhằm nhắc lại cho con dân Chúa tại Rô-ma những điều mà Đức Thánh Linh đã dạy cho họ trực tiếp trong khi họ suy ngẫm Lời Chúa, hoặc đã dạy cho họ cách gián tiếp trong khi họ nghe các trưởng lão và người chăn trong Hội Thánh giảng dạy. Thư Rô-ma nhằm ấn chứng rằng, sự hiểu biết của họ thật sự đến từ Thiên Chúa.
16 cho tôi làm người phụng sự của Đức Chúa Jesus Christ giữa các dân ngoại, làm chức tế lễ của Tin Lành của Đức Chúa Trời, để sự dâng các dân ngoại làm của lễ được chấp nhận, được thánh hóa trong thánh linh.
Người phụng sự Đức Chúa Jesus Christ giữa các dân ngoại là người chuyên lo việc rao giảng về Đấng Christ cho các dân ngoại, qua chức vụ sứ đồ. Tất cả môn đồ của Đấng Christ đều có bổn phận rao giảng Tin Lành, nhưng riêng Phao-lô được ban cho chức vụ sứ đồ của Đấng Christ giữa các dân ngoại. Kính mời quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại bài giảng về chức vụ sứ đồ đã được đăng trên www.timhieuthanhkinh.com [1].
Động từ “làm chức tế lễ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là làm công việc của một thầy tế lễ. Công việc của thầy tế lễ trong thời Cựu Ước là chăm sóc Đền Thờ của Thiên Chúa, dâng các của lễ lên Thiên Chúa, và cầu thay cho con dân của Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước, Đền Thờ của Thiên Chúa còn là thân thể xác thịt của con dân Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16), và mỗi con dân Chúa đều là một thầy tế lễ phụng sự Thiên Chúa (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6; 5:10). Mỗi con dân Chúa có nhiệm vụ dâng chính mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1); dâng các của lễ khác là những lời tôn vinh danh Thiên Chúa, các việc lành, và sự thông công với nhau lên Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:15-16); và cầu thay cho nhau (Ê-phê-sô 6:18).
Riêng trong Rô-ma 15:16, Sứ Đồ Phao-lô nói đến “làm chức tế lễ của Tin Lành của Đức Chúa Trời” giữa các dân ngoại, với ý nghĩa: Làm công việc rao giảng Tin Lành giữa các dân ngoại và dâng lên Đức Chúa Trời những người dân ngoại đã tin nhận Tin Lành, như là những của lễ.
Chúng ta nên nhớ, dân I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời chọn làm cơ nghiệp của Ngài, họ đã trở thành một dân thánh của Thiên Chúa:
“Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự giao ước Ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ là quý báu cho Ta, vì cả trái đất thuộc về Ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho Ta. Những lời này ngươi sẽ nói lại cùng con cái I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6).
“Vì ngươi {là} một dân thánh cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã chọn ngươi từ muôn dân trên mặt đất, để làm một dân quý báu cho Ngài.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6).
Trong thời Tân Ước, dân I-sơ-ra-ên cũng cần tin nhận Tin Lành, nhưng theo Cựu Ước, họ đã thuộc về Đức Chúa Trời; nghĩa là dân I-sơ-ra-ên đã bởi giao ước của Đức Chúa Trời mà thuộc về Đức Chúa Trời, trước khi Tin Lành được rao giảng cho họ. Nhưng các dân ngoại thì chưa thuộc về Đức Chúa Trời bao giờ, cho nên, khi một người dân ngoại tin Chúa, thì họ trở thành một của lễ được dâng lên Đức Chúa Trời. Họ được Đức Chúa Trời chấp nhận và được Đức Thánh Linh thánh hóa bằng sự dựng nên mới tâm thần của họ và đổ đầy trong họ thánh linh của Thiên Chúa.
17 Vậy, tôi có sự khoe mình trong Đức Chúa Jesus Christ trước Đức Chúa Trời.
Sự vinh quang có nghĩa là sự sáng chói, đẹp đẽ, và tốt lành. Sự vinh hiển là sự phát ra sự vinh quang. Danh từ “sự khoe mình” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vừa có nghĩa là sự vinh hiển, vừa có nghĩa là sự phơi bày những sự tốt đẹp của chính mình. Phao-lô có sự tốt đẹp trong Đấng Christ để phơi bày, vì ông là sứ đồ của Đấng Christ và ông đã trung tín trong chức vụ.
Sự khoe mình trong Đức Chúa Jesus Christ là sự khoe mình phải lẽ, như Phao-lô đã viết cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô:
“Bởi Ngài mà các anh chị em ở trong Đấng Christ Jesus, Đấng ra từ Thiên Chúa đã được làm thành sự khôn sáng, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta; để cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.” (I Cô-rinh-tô 1:30-31).
Lời ấy do Phao-lô trích dẫn từ Tiên Tri Giê-rê-mi:
“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như thế này: Người khôn chớ khoe sự khôn của mình, người mạnh chớ khoe sự mạnh của mình, người giàu chớ khoe sự giàu của mình. Nhưng ai khoe, hãy khoe như thế này, rằng người ấy thông sáng và biết rằng, Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm ra sự thương xót, sự phán xét, và sự công chính trên đất; vì Ta thỏa lòng trong các sự ấy. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán.” (Giê-rê-mi 9:23-24).
Người khoe mình trong Chúa không nói mình khôn sáng, hoặc mạnh sức, hoặc giàu có… nên mình làm được việc này, việc nọ… mà nói rằng, nhờ Đấng Christ mà tôi làm được điều này hay điều nọ với tấm lòng thật sự biết ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Chính Phao-lô cũng đã khẳng định:
“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).
Sự khoe mình trong Chúa làm tôn vinh Thiên Chúa, giúp người khác hiểu biết công việc của Thiên Chúa làm ra qua con dân của Ngài, đồng thời giúp cho người khoe mình luôn nhớ mọi sự mình có và mình làm được đều là sự ban cho của Thiên Chúa. Trong thực tế, có những người ngoài miệng thì nói “nhờ Chúa”, nhưng trong lòng thì kiêu ngạo, cho là mình hay, mình giỏi, mình khôn sáng… và muốn người khác khen mình. Đó là sự khiêm nhường giả hình!
Khen người khác và được người khác khen một cách phải lẽ trong Chúa là sự khích lệ người khác và được người khác khích lệ. Sự khen và được khen đó phải là thành thật và quy sự vinh quang lên Thiên Chúa. Ngay trong Rô-ma 1:8 và 15:14 là lời Phao-lô khen và khích lệ con dân Chúa tại Rô-ma. Lời khen không thật lòng là lời nói dối, là sự áp dụng tâm lý học của thế gian để lấy lòng người khác. Người nói dối không phải là con cái của Thiên Chúa mà là con cái của ma quỷ (Giăng 8:44; I Giăng 3:10).
18 Vì tôi sẽ chẳng dám nói bất cứ sự gì khác hơn những sự mà Đấng Christ đã làm qua tôi, cho sự vâng phục của các dân ngoại bởi lời nói và việc làm,
19 trong năng lực của những dấu kỳ và những phép lạ, trong năng lực của thần trí của Thiên Chúa. Vậy nên, từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-li-ri, tôi đã {giảng} đầy trọn Tin Lành của Đấng Christ.
Câu 18 hàm ý toàn bộ các giáo lý mà Phao-lô trình bày trong thư Rô-ma là những sự mà Đấng Christ đã mạc khải cho ông và hành động qua ông, để dẫn các dân ngoại đến sự vâng phục Thiên Chúa. Nhưng không riêng thư Rô-ma, mà tất cả các thư do Phao-lô viết, tất cả các lời do Phao-lô rao giảng cũng đều là sự Đấng Christ mạc khải cho ông và hành động qua ông. Các dân ngoại qua lời rao giảng và nếp sống của Phao-lô mà biết đến Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục Thiên Chúa là tin nhận Tin Lành của Ngài.
Lời giảng và việc làm của Phao-lô được hỗ trợ bởi sức mạnh của những dấu kỳ và phép lạ Đức Chúa Trời làm ra qua ông, bởi sức mạnh của những ý tưởng của Thiên Chúa. Trong các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, Phao-lô là sứ đồ làm ra nhiều phép lạ nhất trong danh của Ngài. Lu-ca đã ghi rằng:
“Đức Chúa Trời lại làm những phép lạ khác thường qua tay của Phao-lô; đến nỗi người ta lấy những chiếc khăn và những tấm vải choàng đã chạm vào mình ông mà đặt trên những người đau yếu, thì các chứng bệnh ra khỏi họ và các tà linh lìa xa họ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:11-12).
Phao-lô cũng là sứ đồ suốt hai năm, mỗi ngày thảo luận về Lời Chúa với các môn đồ của Chúa người I-sơ-ra-ên lẫn người thuộc các dân ngoại trong một trường học của một người tên là Ti-ra-nu, tại thành Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:9-10). Có thể nói, đó là trường Thánh Kinh và thần học đầu tiên trong lịch sử của Hội Thánh; và phương pháp giảng dạy là thảo luận. Sự thảo luận này là trong sức mạnh của thần trí của Thiên Chúa. Thần trí của Thiên Chúa tức là những ý tưởng của Ngài.
Chữ “vậy nên” trong câu 19 có nghĩa là: Vì Phao-lô chỉ một lòng rao giảng những gì Đấng Christ đã mạc khải cho ông và hành động qua ông, cho nên…
Giảng đầy trọn Tin Lành của Đấng Christ bao gồm:
-
Giảng trọn vẹn bảy phương diện của Tin Lành: Thiên Chúa có thật. Tội lỗi là sự không vâng phục Thiên Chúa. Hậu quả của tội lỗi là sự chết đời đời. Thiên Chúa hình phạt kẻ phạm tội. Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người. Sự được cứu rỗi ra khỏi hình phạt của tội lỗi là ơn ban cho của Thiên Chúa. Người muốn nhận sự cứu rỗi phải thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.
-
Giảng khắp những nơi người rao giảng đặt chân đến. Trong trường hợp của Phao-lô là từ thành Giê-ru-sa-lem và các miền xung quanh cho đến xứ I-li-ri.
Trong câu 16 Phao-lô dùng cách nói “Tin Lành của Đức Chúa Trời” để nhấn mạnh đến sự cứu rỗi được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Trong câu 19 Phao-lô dùng cách nói “Tin Lành của Đấng Christ” để nhấn mạnh đến sự cứu rỗi được thực hiện bởi Đức Chúa Jesus Christ. Trong Rô-ma 1:1, Phao-lô dùng cách nói “Tin Lành của Thiên Chúa” để hàm ý: Tin Lành được ban cho bởi Đức Chúa Trời, được thực hiện bởi Đức Chúa Jesus Christ, và được kết quả bởi năng lực của Đức Thánh Linh.
20 Bởi đó, tôi lấy làm vinh dự mà giảng Tin Lành nơi nào danh Đấng Christ chưa được gọi, để cho tôi không xây dựng trên nền của người khác,
“Bởi đó” là bởi sự kiện Phao-lô được Đức Chúa Trời ban ơn cho làm sứ đồ của Đấng Christ cho các dân ngoại, như đã nói trong hai câu 15 và 16. Động từ “lấy làm vinh dự” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vừa có nghĩa là lấy làm vinh dự, vừa có nghĩa là gắng sức để đạt mục đích. Có thể được hiểu rằng, vì lòng tự trọng mà gắng sức làm tròn bổn phận. Nơi mà danh của Đấng Christ chưa được gọi chính là nơi mà Đấng Christ và Tin Lành của Ngài chưa được rao giảng. Phao-lô vì lòng tự trọng mà gắng sức rao giảng Tin Lành ở những nơi chưa có ai rao giảng, thay vì rao giảng trên vùng đất mà Đức Chúa Trời đã giao phó công việc giảng Tin Lành cho người khác. Dù vậy, khi cần thiết, Phao-lô vẫn giảng Tin Lành ở nơi mà Tin Lành đã được rao giảng, như trường hợp ông giảng Tin Lành tại thành Giê-ru-sa-lem, là nơi mà các sứ đồ khác đã và đang rao giảng (Ga-la-ti 2:1-2). Trong Rô-ma 11:13, Phao-lô đã khẳng định, ông luôn tôn trọng chức vụ làm sứ đồ của Đấng Christ cho các dân ngoại của mình.
21 như có chép: Những ai chưa được nghe nói về Ngài thì họ sẽ thấy {Ngài}; những ai chưa nghe thì sẽ hiểu. [Ê-sai 52:15]
Phao-lô trích dẫn lời tiên tri của Ê-sai trong Ê-sai 52:15: “điều chưa được nói họ sẽ thấy và điều họ chưa nghe họ sẽ hiểu”. Các dân ngoại chưa bao giờ được nghe nói về Đấng Christ, nay qua sự rao giảng Tin Lành của Phao-lô mà họ được “thấy” Ngài bằng con mắt thuộc linh, bởi đức tin. Động từ “thấy” được dùng theo nghĩa bóng là sự nhận thức và hiểu rõ. Các dân ngoại chưa bao giờ được nghe giảng Tin Lành, nhưng nay khi được nghe Phao-lô giảng thì họ hiểu.
Chúng ta đã biết, Đức Chúa Jesus Christ chọn ra mười hai người làm sứ đồ của Ngài, nhưng một trong mười hai người là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã phản Ngài. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh và thăng thiên thì Sứ Đồ Phi-e-rơ nhóm họp khoảng 120 môn đồ của Chúa để bắt thăm, chọn ra một người vào chức vụ sứ đồ, thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Ma-thia là người trúng thăm và được bổ sung vào hàng ngũ các sứ đồ. Sự kiện này được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 1:15-26. Tuy nhiên, rất có thể Ma-thia không phải là sứ đồ có tên trên một trong 12 cửa thành của thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời (Khải Huyền 21:14), mà phần lớn là Phao-lô; vì Phao-lô là sứ đồ do chính Đức Chúa Jesus Christ gọi và chọn như mười một sứ đồ khác.
Điều quan trọng là: Phao-lô thật sự “làm sứ đồ, chẳng phải từ loài người, cũng không bởi một người nào, mà là bởi Đức Chúa Jesus Christ và bởi Thiên Chúa Đức Cha, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại”, như ông đã khẳng định trong Ga-la-ti 1:1. Phủ nhận chức vụ và thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô cũng chính là phủ nhận Tin Lành do Phao-lô rao giảng, phủ nhận Lời Chúa do Đức Thánh Linh thần cảm Phao-lô viết ra.
Nguyện Lời Chúa cứ tiếp tục thánh hóa chúng ta bằng cách đem lại cho chúng ta sự khôn sáng, sự bình an, và sự vui thỏa trong Đấng Christ. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/08/2018
Chú Thích
A. Karaoke Thánh Ca: “Chính Chúa Là Tình Yêu”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/chinh-chua-la-tinh-yeu/
B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
[1] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-03-cac-chuc-vu-chuc-vu-su-do/