Khẩn Xin, Cầu Nguyện, Hiệp Nguyện, Tạ Ơn cho Mọi Người

7,565 views

Khẩn Xin, Cầu Nguyện, Hiệp Nguyện, Tạ Ơn cho Mọi Người

Huỳnh Christian Timothy
Ngày Cầu Nguyện cho Việt Nam
01/01/2014

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Ti-mô-thê 2:1-4

1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người:

2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.

3 Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

Ta khuyên rằng: Phao-lô khuyên Ti-mô-thê. Đức Thánh Linh khuyên chúng ta.

Sau khi nhắc cho Ti-mô-thê nhớ tình trạng các giáo sư giả đang lũng đoạn Hội Thánh của Chúa tại Ê-phê-sô và cảm tạ Chúa về sự thương xót của Ngài đối với ông, Phao-lô khuyên Ti-mô-thê hãy đứng vững trong đức tin mà đánh trận tốt lành. Đánh trận ở đây là đánh trận với các giáo sư giả và thế lực của Sa-tan ở đàng sau các giáo sư giả ấy. Đánh trận để bảo vệ chính bản thân mình và bầy chiên của Chúa.


Sự đánh trận này không chỉ dành riêng cho những người chăn bầy hay các trưởng lão, mà là dành cho mỗi con dân Chúa. Mỗi con dân Chúa phải sát cánh với người chăn và các trưởng lão để bảo vệ Hội Thánh, chống lại mọi mưu kế của Ma Quỷ.

Riêng những người chăn và trưởng lão trong Hội Thánh thì có trách nhiệm nặng nề hơn, vì phải chăm sóc cả bầy chiên, mà sau này phải khai trình trước Chúa về linh hồn của mỗi con chiên Chúa đã lập mình làm người chăn dắt (Hê-bơ-rơ 13:17).

Trước hết: Vì Phao-lô kêu gọi Ti-mô-thê đánh trận (I Ti-mô-thê 1:18), cho nên, “trước hết” có nghĩa là: trước khi giao chiến với kẻ thù! Phao-lô muốn rằng, trước khi Ti-mô-thê giao chiến với kẻ thù, thì Ti-mô-thê cần phải làm mấy điều sau đây:

  • Làm những sự khẩn xin cho mọi người.

  • Làm những sự cầu nguyện cho mọi người.

  • Làm những sự hiệp nguyện cho mọi người.

  • Làm những sự tạ ơn cho mọi người.

Làm những sự khẩn xin cho mọi người: Từ ngữ “khẩn xin” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là: một sự cần phải có; còn nghĩa bóng là: lời thỉnh cầu, lời van xin. Trong Tân Ước, từ ngữ này luôn được dùng để nói đến sự thỉnh cầu, van xin Đức Chúa Trời về một nhu cầu nào đó, bao gồm thuộc thể lẫn thuộc linh.

Làm những sự khẩn xin cho mọi người có nghĩa là dâng lên Đức Chúa Trời những nhu cầu của mọi người. Nhu cầu là điều gì đó không thể thiếu trong đời sống. Về vật chất, loài người cần có cơm ăn, quần áo mặc, nhà ở, công việc làm, sức khoẻ, và tự do chính trị. Về thuộc linh, loài người cần được cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, cần được hiểu biết lẽ thật về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài dành cho loài người.

Như vậy, ngoài việc khẩn xin cách tổng quát các nhu cầu thông thường như Đức Chúa Jesus Christ đã dạy chúng ta trong bài cầu nguyện chung, chúng ta cũng cần ý thức về các nhu cầu cụ thể của những người mà chúng ta dâng lời khẩn xin Đức Chúa Trời thay cho họ.

Làm những sự cầu nguyện cho mọi người: Từ ngữ “cầu nguyện” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là thưa chuyện với Đức Chúa Trời. Con dân Chúa ở trong địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời, gọi Ngài là Cha, thì đương nhiên có đặc quyền được tương giao, trò chuyện với Ngài. Cầu nguyện không nhất thiết phải kèm theo sự khẩn xin. Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời cũng giống như chúng ta tâm tình với cha phần xác của mình. Nghĩa là, chúng ta thưa với Chúa những vui buồn trong cuộc sống, những cảm xúc, những suy tư, những thắc mắc của chúng ta…

Làm những sự cầu nguyện cho mọi người là thay cho mọi người để thưa chuyện với Chúa về những buồn vui trong cuộc sống của họ, về những gì xảy ra trong đời sống của họ, để bày tỏ sự quan tâm của chúng ta đến họ và bày tỏ tình cảm của chúng ta dành cho họ. Hãy tưởng tượng, chúng ta và các anh chị em đi du lịch xa nhà. Chúng ta gọi điện thoại về nhà cho cha mình, để kể lại từng chặng hành trình trong chuyến du lịch, và chúng ta kể cho cha nghe những gì xảy đến cho mỗi anh chị em của chúng ta. Cũng vậy, chúng ta có thể thưa với Chúa trong giờ cầu nguyện về những gì xảy ra cho mọi người trong Hội Thánh địa phương và trong Hội Thánh chung khắp nơi. Dĩ nhiên, không phải nhờ chúng ta khai trình mà Đức Chúa Trời mới biết những gì đã xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm sự cầu nguyện cho mọi người để chúng ta có cơ hội bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với mọi người trước Chúa, trước các thiên sứ và trước cả ma quỷ.

Chính khi chúng ta làm những sự cầu nguyện cho mọi người mà chúng ta ý thức được càng hơn tình yêu của chúng ta dành cho họ, và cũng là cách mà chúng ta thể hiện tình yêu của chúng ta dành cho họ. Tình yêu của chúng ta đối với những người chúng ta làm những sự cầu nguyện cho họ sẽ càng mặn nồng hơn.

Làm những sự hiệp nguyện cho mọi người: Từ ngữ “hiệp nguyện” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ có nghĩa đen là họp mặt để trao đổi bằng lời nói. Danh từ này chỉ được dùng hai lần trong Tân Ước: I Ti-mô-thê 2:1 và I Ti-mô-thê 4:5. Chúng ta có thể hiệp nhau khẩn xin cho một người hay nhiều người về những nhu cầu, nan đề của họ.

Khi anh chị em trong Chúa phạm tội, chúng ta nên làm những sự hiệp nguyện cho họ thay vì ngồi lại: trách móc, lên án, bêu rếu thói hư, tật xấu, tội lỗi của họ. Chúng ta chỉ có thể thật lòng hiệp nguyện cho người phạm tội, khi chúng ta đau buồn về sự phạm tội của họ như là chính chúng ta phạm tội! Hãy nghĩ đến sự kiện Đức Chúa Jesus Christ đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta trước khi Ngài kêu gọi chúng ta ăn năn tội! Vậy, chúng ta hãy trước hết hiệp nguyện cho người anh chị em nào đang phạm tội, rồi chúng ta mới đến gặp họ và khuyên họ ăn năn. Tình yêu chân thật trong Chúa khiến cho chúng ta đau cái nỗi đau phạm tội của người có tội trong Hội Thánh.

Làm những sự tạ ơn cho mọi người: Thay cho mọi người để tạ ơn Đức Chúa Trời về những ơn phước Ngài đã ban cho họ, và tạ ơn Ngài đã cho chúng ta có cơ hội khẩn xin, cầu nguyện, và hiệp nguyện cho họ.

Khi chúng ta nghe biết anh chị em nào của chúng ta nhận lãnh được bất cứ một ơn phước nào của Chúa, thì chúng ta vui mừng, dâng lên Chúa lời cảm tạ, như là Chúa đã ban ơn phước ấy cho chính chúng ta. Có như vậy, chúng ta mới kinh nghiệm được rằng, tất cả các ơn phước và sự vinh quang Chúa ban cho bất cứ một người nào trong Hội Thánh, cũng là ban cho chúng ta. Thật vậy, Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 12:26-27 dạy rõ:

“Và, nếu một chi thể đau đớn thì hết thảy các chi thể cùng đau đớn; nếu một chi thể được tôn trọng thì hết thảy các chi thể cùng vui mừng. Các anh chị em là thân của Đấng Christ, và là các chi thể của từng phần.”

Khi chúng ta làm sự tạ ơn cho mọi người thì cái tinh thần ganh tị, hơn thua, cạnh tranh, kiêu ngạo sẽ không thể lên tiếng để cám dỗ chúng ta phạm tội. Trái lại, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự vui thỏa trong Chúa như sự vui thỏa của người anh chị em được Chúa ban ơn.

Cho các vua: Tức là, khẩn xin, cầu nguyện, kêu van, tạ ơn cho người đứng đầu trong quốc gia, bao gồm các chức vụ: vua, chủ tịch nhà nước, tổng thống. Người đời thường lên tiếng oán trách, nguyền rủa những người lãnh đạo quốc gia mà độc tài, hà khắc, và tìm cách chống nghịch chính quyền. Nhưng Lời Chúa dạy chúng ta phải vâng phục và cầu thay cho các vua, các bậc cầm quyền. Vì:

“Lòng của vua ở trong tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.” (Châm Ngôn 21:1).

Cho nên, những lời khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, tạ ơn của con dân Chúa dành cho các nhà lãnh đạo quốc gia, chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp. Nếu không, Chúa không bảo chúng ta hãy làm như vậy.

Cho hết thảy các bậc cầm quyền: Tức là khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, tạ ơn cho tất cả mọi người cầm quyền trong xã hội, bao gồm: chính quyền của quốc gia, thẩm quyền trong chỗ làm việc, trong trường học, các bậc cầm quyền trong gia đình, và các trưởng lão trong Hội Thánh.

Mặc dầu các vua và các bậc cầm quyền cũng đã được bao gồm trong “mọi người”; nhưng Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã gọi đích danh hai giai cấp này, để cho chúng ta thấy sự quan trọng của việc cầu thay cho người lãnh đạo và chính quyền của một quốc gia. Trong Rô-ma 13:1, Phao-lô đã khẳng định: “Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.” Vì thế, con dân Chúa đương nhiên có bổn phận cầu thay cho các bậc cầm quyền. Cầu thay cho các bậc cầm quyền là nhu cầu của chính chúng ta, vì mỗi ngày, cuộc sống của chúng ta bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính quyền của quốc gia, bởi các bậc tôn trưởng trong gia đình, và bởi các trưởng lão trong Hội Thánh.

Để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật: Nhờ chúng ta luôn khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, tạ ơn cho mọi người, mà chúng ta được sống an vui trong Lời Chúa.

Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu chúng ta: Hành động khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, và tạ ơn cho mọi người, là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa trong số những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn trước để cho chúng ta làm theo, sau khi chúng ta được Ngài giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi và sự hư mất đời đời (Ê-phê-sô 2:10). Sự lành đó sẽ giúp cho: nhiều người “được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật”; y theo ý muốn của Thiên Chúa.

Trong ngày đầu năm mới 2014 này, chúng ta hãy cùng nhau hiệp ý, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta, mà dâng lên Cha ở trên trời của chúng ta là Đức Chúa Trời: các sự khẩn xin, cầu nguyện, hiệp nguyện, và tạ ơn cho mọi người:

  • Cho những người nhà của chúng ta chưa tin Chúa.

  • Cho các bậc cầm quyền trên đất nước của chúng ta và chính quyền ngay trong địa phương thôn, làng, quận, huyện, thành phố mà chúng ta đang cư trú.

  • Cho các bậc cầm quyền trong chỗ làm, trong gia đình.

  • Cho các trưởng lão trong Hội Thánh địa phương. Cho các anh chị em trong Hội Thánh địa phương.

  • Cho Hội Thánh Việt Nam và cho Hội Thánh chung bao gồm mọi dân tộc.

  • Cho dân tộc I-sơ-ra-ên sớm tin nhận Đức Chúa Jesus Christ.

  • Cho mọi dân tộc trong đó có dân tộc Việt Nam của chúng ta sớm tin nhận Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Huỳnh Christian Timothy
01/01/2014

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.