Lễ Vượt Qua và Lễ Vượt Qua của Dân Do-thái

13,586 views

Lễ Vượt Qua và Lễ Vượt Qua của Dân Do-thái

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343

Trong dịp Lễ Vượt Qua của năm 2014 sắp đến, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một số điều thú vị trong Thánh Kinh, liên quan đến Lễ Vượt Qua và lịch. Qua đó, chúng ta sẽ thấy được sự lạ lùng trong Lời Chúa và trong chương trình của Ngài dành cho nhân loại.

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại 19 câu đầu tiên của Sáng Thế Ký 1, phân đoạn Thánh Kinh mở đầu của Thánh Kinh, nói về công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

Sáng Thế Ký 1:1-19

1 Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất,

2 thì đất là vô hình và trống không; sự tối tăm ở trên mặt vực. Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước. [Chữ thần được dùng trong câu này để chỉ năng lực của Thiên Chúa. Trái đất lúc bấy giờ là một khối hình cầu được bao phủ bởi nước nhưng không có một hình thể nào và cũng không có gì trên mặt đất khác hơn là nước bao phủ khắp bề mặt của đất. Có thể bấy giờ trái đất được bao phủ bằng một lớp nước đá; vì chưa có sức nóng từ mặt trời sưởi ấm trái đất.]

3 Thiên Chúa phán: Hãy có sự sáng! Thì có sự sáng.

4 Thiên Chúa thấy sự sáng là tốt lành, Ngài phân rẽ sáng ra khỏi tối.

5 Thiên Chúa đặt tên sự sáng là ban ngày, sự tối là ban đêm. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhất. [Buổi tối là thời điểm bắt đầu một đêm, trung bình là vào lúc 6 giờ chiều. Buổi sáng là thời điểm bắt đầu một ngày, trung bình là vào lúc 6 giờ sáng. Một ngày trung bình 24 tiếng đồng hồ, bao gồm một ban đêm và một ban ngày. Ngày mới bắt đầu từ buổi tối, sau khi ngày hiện tại kết thúc.]

6 Thiên Chúa lại phán: Hãy có một khoảng không ở giữa nước và nó hãy phân rẽ nước với nước!

7 Thiên Chúa đã làm nên khoảng không, phân rẽ nước bên dưới khoảng không khỏi nước bên trên khoảng không. Thì có như vậy. [Vào lúc ban đầu, có thể chung quanh trái đất, phía trên bầu khí quyển, là một vòng đai nước đá cho đến khi Cơn Lụt Lớn xảy ra.]

8 Thiên Chúa đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Nhì.

9 Thiên Chúa lại phán: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra! Thì có như vậy.

10 Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại thì Ngài gọi là các biển. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

11 Thiên Chúa lại phán: Đất phải sinh cây cỏ; cỏ kết hạt giống, cây ăn trái kết quả, tùy theo loại mà có hạt giống trong mình trên đất! Thì có như vậy.

12 Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tùy theo loại, cây kết quả có hạt trong mình, tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

13 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Ba.

14 Thiên Chúa lại phán: Hãy có những vì sáng trong khoảng không trên trời, để phân ra ngày với đêm, và để chúng làm những dấu, để định những mùa, những ngày, và những năm; [Danh từ “mùa” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh dùng để chỉ khoảng thời gian được ấn định hoặc kỳ lễ hội. Vì ngày trăng mới là thời điểm được Đức Chúa Trời ấn định và cũng là ngày lễ do Đức Chúa Trời quy định, nên chữ mùa trong Sáng Thế Ký 1:14 còn hàm ý là “tháng”.]

15 lại để chúng làm những vì sáng trong khoảng không trên trời mà soi xuống đất! Thì có như vậy.

16 Thiên Chúa làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban đêm. Ngài cũng làm những ngôi sao.

17 Thiên Chúa đặt chúng trong khoảng không trên trời, để soi sáng đất,

18 để cai trị ban ngày và ban đêm, để phân rẽ sự sáng khỏi sự tối. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.

19 Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Tư.

Chúng ta sẽ đi sâu vào ý nghĩa chi tiết của từng câu Thánh Kinh nêu trên trong loạt bài Chú Giải Sáng Thế Ký. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ chú ý đến những điểm có liên quan đến Lễ Vượt Qua và lịch mà thôi. Qua 19 câu Thánh Kinh nêu trên, chúng ta có thể nhận biết các điểm sau đây:

1. Thiên Chúa đã khởi đầu công cuộc sáng tạo bằng cách tạo ra những hạt vật chất và các lực vận hành trong chúng.

2. Những hạt vật chất ấy kết hợp với nhau, theo các định luật do Thiên Chúa thiết lập, thành những khối tinh vân nhiều vô kể và thành địa cầu với chất nước bao phủ toàn bộ địa cầu.

3. Rồi, bởi lời phán của Ngài mà ánh sáng phát ra từ các khối tinh vân, trong đó có khối tinh vân sẽ ngưng tụ thành mặt trời của thái dương hệ chúng ta.

4. Từ khi Thiên Chúa tạo ra những hạt vật chất cho tới khi ánh sáng phát ra từ các khối tinh vân thì toàn thể vũ trụ vừa được tạo dựng đều ở trong bóng tối. Chúng ta có thể gọi đó là ban đêm. Khi ánh sáng bắt đầu xuất hiện từ các khối tinh vân thì địa cầu được sự soi sáng của khối tinh vân sẽ ngưng tụ thành mặt trời. Thời gian của bất cứ nơi nào trên bề mặt của địa cầu nhận được ánh sáng được gọi là ban ngày cho nơi đó. Thiên Chúa phân biệt sự sáng với sự tối, và Ngài gọi sự sáng là ngày, sự tối là đêm.

5. Ban đêm bắt đầu bằng buổi tối và ban ngày bắt đầu bằng buổi sáng. Ban đêm và ban ngày hợp thành một ngày. Chúng ta cần chú ý đến sự khác biệt giữa “ban ngày” và “ngày”. Trong bốn ngày đầu tiên của tuần lễ sáng tạo, ban ngày là khoảng thời gian mặt đất tại bất cứ nơi nào nhận được ánh sáng của khối tinh vân sẽ ngưng tụ thành mặt trời. Kể từ ngày Thứ Năm trở đi, ban ngày là khoảng thời gian mặt đất tại bất cứ nơi nào nhận được ánh sáng của mặt trời. Khoảng thời gian của ban ngày dài 12 tiếng đồng hồ (Giăng 11:9). Trong khi đó, ngày bao gồm ban đêm lẫn ban ngày và khoảng thời gian của một ngày dài 24 tiếng đồng hồ.

6. Vì sự tối có trước sự sáng nên một ngày bắt đầu với buổi tối và kết thúc khi ban ngày kết thúc.

7. Trong ngày Thứ Nhất của tuần lễ sáng tạo Thiên Chúa đã phân biệt sáng với tối, nhưng trong ngày Thứ Tư thì Ngài tạo ra mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để làm dấu hiệu cho sự phân biệt ngày đêm, dùng làm dấu để định mùa, ngày và năm, và để chiếu sáng trên đất. Chính trong ngày Thứ Tư này các khối tinh vân mới định hình thành các hành tinh.

8. Vì đến ngày Thứ Tư mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao mới được định hình, nên ngày kế tiếp là ngày Thứ Năm trở thành ngày đầu tiên của lịch. Vì vậy, ngày một tháng Một của năm đầu tiên trong lịch sử của loài người là ngày Thứ Năm.

Bây giờ, chúng ta cùng nhau đọc tiếp phân đoạn sau đây của Thánh Kinh, ghi lại lời phán dạy của Thiên Chúa về Lễ Vượt Qua:

Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-8

1 Tại xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng:

2 Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm đối với các ngươi.

3 Các ngươi hãy nói cho toàn hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Vào ngày mười tháng này, họ sẽ bắt cho họ, mỗi người một con chiên con, cho nhà cha của họ, mỗi nhà một con chiên con.

4 Nếu gia đình nào quá ít người cho một chiên con thì hãy chung cùng người lân cận kế nhà mình, theo số các linh hồn, tùy sức ăn mỗi người, mà các ngươi tính số chiên con.

5 Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết,

6 để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.

7 Họ sẽ lấy máu đem bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của những nhà nào ăn thịt nó.

8 Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.

Qua tám câu Thánh Kinh trên chúng ta có thể nhận biết các điểm sau đây:

1. Thiên Chúa chính thức ban lịch cho dân I-sơ-ra-ên. Chúng ta có thể tin rằng, lịch này chính xác như lúc ban đầu, là lúc Thiên Chúa vừa khiến cho các thiên thể định hình để quy định mùa, ngày, và năm.

2. Vì ngày một tháng Một là ngày Thứ Năm nên ngày 14 tháng Một phải là ngày Thứ Tư.

3. Theo sử liệu, dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập (Ê-díp-tô) vào năm 1446 TCN. Lễ Vượt Qua đầu tiên của dân I-sơ-ra-ên tại xứ Ai-cập nhằm ngày Thứ Tư, 25 tháng 3 năm 1446 TCN [1].

4. Theo sử liệu, Đức Chúa Jesus Christ ăn bữa ăn của Lễ Vượt Qua với các môn đồ vào buổi chiều tối mở đầu cho ngày Thứ Tư, 9 tháng 4 năm 27. Sau đó, Ngài bị bắt vào khoảng nửa đêm, bị xử án vào buổi sáng sớm, bị đóng đinh vào buổi trưa, bị chết và được chôn vào buổi chiều cùng ngày [1], [2].

5. Như vậy, ngày 14 tháng Một của Lễ Vượt Qua đầu tiên và của Lễ Vượt Qua mà Đức Chúa Jesus Christ bị giết, đều rơi vào ngày Thứ Tư như ngày 14 tháng Một của tuần lễ sáng tạo. Sự kiện này ấn chứng Đức Chúa Jesus Christ thật sự là “Chiên Con Lễ Vượt Qua” như Thánh Kinh đã xác nhận:

“Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 5:7).

Nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ thấy Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca chỉ dùng từ ngữ “Lễ Vượt Qua”; nhưng trong sách Giăng thì Sứ Đồ Giăng lại ba lần dùng cách nói “Lễ Vượt Qua của dân Do-thái” trong các câu Thánh Kinh dưới đây:

“Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến. Đức Chúa Jesus đi lên thành Giê-ru-sa-lem.” (Giăng 2:13).

“Lễ Vượt Qua, là lễ hội của dân Do-thái đã gần.” (Giăng 6:4).

“Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, có lắm người trong xứ lên thành Giê-ru-sa-lem trước ngày lễ để tẩy uế.” (Giăng 11:55).

Đó là bởi vì dân I-sơ-ra-ên từ thời ấy và mãi cho đến thời nay vẫn giữ Lễ Vượt Qua sai trật với mệnh lệnh của Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi Lễ Vượt Qua là của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:11); nhưng vì dân I-sơ-ra-ên đã giữ Lễ Vượt Qua theo ý riêng, nên Giăng đã gọi đó là “Lễ Vượt Qua của dân Do-thái!” Theo mệnh lệnh của Chúa thì con sinh của Lễ Vượt Qua phải bị giết vào lúc chiều tối của ngày 14 tháng Giêng và thịt nó được ăn ngay trong đêm ấy:

Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5-8

5 Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết,

6 để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.

7 Họ sẽ lấy máu đem bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của những nhà nào ăn thịt nó.

8 Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.

Thế nhưng dân I-sơ-ra-ên thời ấy và mãi đến thời nay [3] giữ Lễ Vượt Qua bằng cách:

  • Giết con sinh vào khoảng thời gian từ trưa ngày 14 cho đến chiều tối ngày 15.

  • Ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua vào tối ngày 15 (Giăng 18:28).

  • Uống rượu nho (chất nước nho lên men) trong bữa ăn Lễ Vượt Qua.

Rất có thể, trong thời gian khoảng 400 năm giữa Tiên Tri Ma-la-chi và Giăng Báp-tít, là khoảng thời gian mà Thiên Chúa im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên, giai cấp Pha-ri-si dấy lên trong thời ấy đã dẫn dắt dân I-sơ-ra-ên sống sai lạc Lời Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau xem bảng đối chiếu dưới đây, để thấy rằng: Trong khi dân I-sơ-ra-ên giữ Lễ Vượt Qua một cách sai lạc thì Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài vẫn giữ Lễ Vượt Qua đúng theo quy định của Thiên Chúa. Vì Đức Chúa Jesus nhập thế làm người không phải để dẹp bỏ luật pháp hay vi phạm luật pháp, mà là để làm cho trọn luật pháp (Ma-thi-ơ 5:17). Nếu Đức Chúa Jesus Christ không giữ Lễ Vượt Qua đúng theo Thánh Kinh, thì Ngài có tội và nếu Ngài có tội thì Ngài không thể cứu chuộc được ai cả.

Thứ Ba
Ngày 13/04/27

Thứ Tư
Ngày 14/04/27
Lễ Vượt Qua

Thứ Năm
Ngày 15/04/27
Lễ Bánh Không Men

Thứ Sáu
Ngày 16/04/27
Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa

Thứ Bảy
Ngày 17/04/27
Ngày Sa-bát cuối tuần

6:00 – 18:00
Ban ngày

Mác 15:42; Lu-ca 23:54; Giăng 19:31 gọi đây là ngày sắm sửa trước ngày Sa-bát (ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men).

Các thầy tế lễ và người Pha-ri-si xin phép Phi-lát cho lính canh xác Chúa (Ma-thi-ơ 27:62-66).

Ngày thứ nhất xác Chúa ở trong mồ.

Ngày thứ nhì xác Chúa ở trong mồ.

Ngày thứ ba xác Chúa ở trong mồ.

6:00 – 12:00

Chúa bị xét xử bởi Tòa Công Luận, bởi Phi-lát và bị đóng đinh trên thập tự giá (Ma-thi-ơ 27:1-2; 11-44; Mác 15:1-32; Lu-ca 22:66 – 23:43; Giăng 18:28 – 19:27).

12:00 – 15:00

Cả xứ trở nên tối tăm từ khoảng 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Chúa tắt hơi vào khoảng 3 giờ chiều. Màn trong Đền Thờ bị xé làm hai (Ma-thi-ơ 27:45-56; Mác 15:33-40; Lu-ca 23:44-49; Giăng 19:28-37).

15:00 – 18:00
Buổi chiều

Xác Chúa được đem xuống khỏi thập tự giá, được tẩm liệm và chôn cất trước 18:00 (Ma-thi-ơ 27:57-61; Mác 15:42-47; Lu-ca 23:50-54; Giăng 19:38-42).

Chúa phục sinh trước 18:00, có lẽ cùng với thời điểm xác Ngài được chôn vào chiều Thứ Tư, để hoàn toàn ứng nghiệm chính lời tiên tri của Ngài: “Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất.” (Ma-thi-ơ 12:40).

18:00 – 21:00
Buổi chiều tối

Sau 18:00 bước sang ngày 14: Ngày Lễ Vượt Qua bắt đầu.

Con sinh Lễ Vượt Qua bị giết (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6).

Men và các chất lên men được mang ra khỏi nhà để chuẩn bị cho Lễ Bánh Không Men (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15).

Chúa và các môn đồ ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua y theo mệnh lệnh trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8. Chúa và các môn đồ uống nước nho, không phải uống rượu nho là chất đã lên men (Ma-thi-ơ 26:17-29; Mác 14:12-25; Lu-ca 22:7-23; Giăng 13:1 – 17:26).

Sau 18:00 bước sang ngày 15: Ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men bắt đầu (Lê-vi Ký 23:6).

Dân Do-thái ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua vào đêm 15 thay vì vào đêm 14, nghịch lại Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8; và họ uống rượu nho là chất nước nho đã lên men, nghịch lại Xuất Ê-díp-tô Ký 12:15.

Giăng 18:28 cho thấy người Do-thái ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua vào đêm 15: “Kế đó, họ giải Đức Chúa Jesus từ Cai-phe đến toà án. Bấy giờ đang còn sớm, và họ không vào trong tòa án, cho khỏi bị ô uế, để họ được ăn Lễ Vượt Qua.”

Sau 18:00 bước sang ngày 16: Ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa bắt đầu (Lê-vi Ký 23:11).

Sau 18:00 bước sang ngày 18: Ngày Thứ Nhất trong tuần lễ mới.

18:00 – 6:00
Ban đêm

Chúa bị bắt, bị xét xử tại nhà Cai-phe, tại Tòa Công Luận (Ma-thi-ơ 26:36-75; Mác 14:32-72; Lu-ca 22:39-65; Giăng 18:1-27).

Đêm thứ nhất xác Chúa ở trong mồ.

Đêm thứ nhì xác Chúa ở trong mồ.

Đêm thứ ba xác Chúa ở trong mồ.

Dân I-sơ-ra-ên là một dân tộc được Chúa chọn để bày tỏ thánh ý của Ngài cho toàn thể nhân loại. Chúa kêu gọi họ trở thành một vương quốc thầy tế lễ, một dân tộc thánh:

“Các ngươi sẽ là một vương quốc thầy tế lễ và một dân thánh cho Ta. Đó là những lời mà ngươi sẽ nói cho con cháu của I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6).

Chúa đã lập ra các tiên tri và các sứ đồ của Ngài giữa vòng dân tộc I-sơ-ra-ên. Họ là dân tộc đầu tiên được Chúa ban truyền Lời của Ngài. Thế nhưng, họ đã không thờ phượng Chúa bằng lẽ thật từ trong Lời Chúa, mà họ chỉ nghe theo những sự dạy dỗ nghịch lại Lời Chúa của những chức sắc trong tôn giáo. Lẽ thật ở ngay trong Thánh Kinh mà họ vẫn đọc mỗi ngày và nghe giảng trong các nhà hội mỗi Sa-bát, thế nhưng, họ vẫn làm sai lệch Lời Chúa từ suốt hơn 2.000 năm nay. Ngày nay trong các giáo hội, giáo phái mang danh Chúa, hàng tỉ người cũng đọc Lời Chúa và nghe giảng Lời Chúa, nhưng họ cũng thờ phượng Chúa cách sai lạc như dân I-sơ-ra-ên.

Nhìn vào lịch sử của loài người chúng ta thấy: Thời Nô-ê, cả thế gian chìm đắm trong tội lỗi, chỉ có gia đình Nô-ê tám người sống đẹp ý Chúa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã nói ra hai lời tiên tri đáng sợ này:

Ma-thi-ơ 24:37-42

37 Trong những ngày của Nô-ê thế nào, khi Con Người đến cũng thế ấy.

38 Vì trong những ngày trước cơn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả cho tới ngày Nô-ê vào trong tàu,

39 và không biết gì hết cho tới khi cơn lụt đến và đem đi hết thảy. Khi Con Người đến cũng như vậy.

40 Lúc ấy, sẽ có hai người ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại;

41 hai người đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại.

42 Vậy, hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết giờ nào Chúa của các ngươi đến.

“Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

“Khi Con Người đến” là khi Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian. Chắc chắn rằng, trong số hơn hai tỉ người mang danh là con dân Chúa sẽ chỉ có một số rất ít thật sự là con dân Chúa, tức là những người giữ vững đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ và các điều răn của Đức Chúa Trời, như Khải Huyền 14:12 đã định nghĩa. Đa số còn lại chỉ là những kẻ nói dối, theo định nghĩa của I Giăng 2:4-6, vì họ đã không giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, không bước đi như Đức Chúa Jesus đã bước đi:

“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.”

Lời kêu gọi đồng thời cũng là lời cảnh cáo của Đức Chúa Jesus Christ đáng cho chúng ta ghi nhớ và làm theo:

Ma-thi-ơ 7:13-23

13 Các ngươi hãy vào trong cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào trong đó.

14 Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.

15 Hãy coi chừng những tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến với các ngươi, nhưng bề trong chúng là những chó sói hay cắn xé.

16 Các ngươi sẽ nhận biết chúng bởi những trái của chúng. Có bao giờ người ta hái những trái nho từ những bụi gai, hay là những trái vả từ những bụi tật lê?

17 Vậy, mỗi cây tốt sinh trái tốt nhưng cây xấu sinh trái xấu.

18 Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây xấu cũng không thể sinh trái tốt.

19 Bất cứ cây nào chẳng sinh trái tốt, thì phải đốn xuống và ném vào lửa.

20 Vậy, các ngươi nhờ những trái của chúng nó mà nhận biết chúng nó.

21 Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.

22 Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao?

23 Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.

“Ta biết những việc làm của ngươi. Rằng ngươi là không lạnh cũng không nóng. Ta ước gì ngươi là lạnh hoặc nóng! Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:15-16).

Mong rằng, quý con dân Chúa sẽ tỉnh thức và dứt khoát bước ra khỏi sự nô lệ thuộc linh bởi những tôn giáo và những giáo sư giả của chúng. Mong rằng, quý con dân Chúa sẽ hoàn toàn thờ phượng Chúa theo Lời Chúa, hầu việc Chúa theo Lời Chúa. Mong rằng, tất cả những ai nghe và đọc bài giảng này sẽ có mặt trong số những người được Chúa cất ra khỏi thế gian trong ngày Chúa đến.

Huỳnh Christian Timothy
05/04/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] 003 Tóm Lược Lịch Sử Loài Người – Kỳ Tận Thế (kytanthe.net)

[2] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=217

[3] Lễ Vượt Qua năm 2014 nhằm Thứ Hai ngày 14/04/2014, tức là ngày 14 tháng Một (tháng Nisan) theo Lịch Thánh Kinh. Như vậy, bữa ăn Lễ Vượt Qua phải được ăn trong khoảng thời gian từ 21:00 – 24:00 của Thứ Ba 13/04/2014. Nhưng người Do-thái lại tổ chức Lễ Vượt Qua từ 18:00 của ngày 14/04/2014, tức là trễ mất một ngày. Tham khảo:

https://www.google.com/search?q=passover+2014&ie=utf-8&oe=utf-8&aq=t&rls=org.mozilla:en-US:official&client=firefox-a&channel=sb

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.