Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL003 Ngôi Lời Hằng Là Sự Sống và Hằng Là Sự Sáng

755 views

YouTube: https://youtu.be/WrK-rPguCjw

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL003 Ngôi Lời Hằng Là Sự Sống và Hằng Là Sự Sáng
Giăng 1:4-5

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giăng 1:4-5

4 Trong Ngài, hằng có sự sống. Sự sống hằng là sự sáng của loài người.

5 Sự sáng chiếu ra trong sự tối tăm và sự tối tăm chẳng thể kiềm chế nó.

Sự sống là một sự mầu nhiệm. Sự sáng cũng là một sự mầu nhiệm. Sự mầu nhiệm là sự mà chúng ta kinh nghiệm nhưng không thể thấu hiểu, là chân lý vượt quá sự hiểu biết thông thường của loài người, cho tới khi Thiên Chúa khai mở thần trí của chúng ta để chúng ta có thể hiểu.

Về sự sống, các nhà khoa học đã đưa ra ít nhất là 123 định nghĩa về sự sống. Vào năm 2011, một nhà di truyền học người Nga, tên là Edward Trifonov, đã đúc kết từ 123 định nghĩa thành một định nghĩa: Sự sống là sự tự sinh sản với các biến thể (life is self‐reproduction with variations). Nhưng có ý kiến phản đối, chỉ ra rằng: Một virus máy tính cũng thực hiện sự tự sinh sản với các biến thể; nhưng nó không có sự sống [1]. Cho tới hiện tại, các nhà khoa học cũng chưa có một định nghĩa thống nhất về sự sống.

Các nhà khoa học cũng thú nhận rằng, khoa học không biết sự sống ra từ đâu, mà chỉ có thể quan sát các đặc tính của những vật thể có sự sống. Theo khoa học, những vật thể có sự sống có bảy đặc tính [2], như sau:

  • Sự có tổ chức (Organization): Các vật sống có tổ chức cao, có nghĩa là chúng chứa các bộ phận chuyên biệt được phối hợp với nhau. Tất cả các cơ thể sống đều được tạo thành từ một hoặc nhiều tế bào. Tế bào là đơn vị cơ bản của sự sống.

  • Sự trao đổi hóa chất (Metabolism): Sự sống phụ thuộc vào một số lượng lớn các phản ứng hóa học đan xen lẫn nhau. Những phản ứng này giúp cho các sinh vật có thể thực hiện công việc, như di chuyển hoặc bắt mồi, phát triển, sinh sản, và duy trì cấu trúc của cơ thể. Các sinh vật phải sử dụng năng lượng và tiêu thụ chất dinh dưỡng để thực hiện các phản ứng hóa học, duy trì sự sống. Tổng số các phản ứng sinh hóa xảy ra trong một sinh vật được gọi là tiến trình trao đổi hóa chất của nó.

  • Sự cân bằng nội môi (Homeostasis): Nội môi có nghĩa là môi trường bên trong. Các sinh vật điều chỉnh môi trường bên trong của chúng để duy trì một phạm vi tương đối hẹp các điều kiện cần thiết cho chức năng của tế bào. Thí dụ: Nhiệt độ cơ thể của chúng ta cần được giữ ở mức tương đối gần 98,6 độ F (37 độ C). Việc duy trì môi trường bên trong ổn định, ngay cả khi đối mặt với sự thay đổi của môi trường bên ngoài, được gọi là cân bằng nội môi.

  • Sự tăng trưởng (Growth): Các sinh vật trải qua tiến trình tăng trưởng có quy định. Các tế bào riêng lẻ trở nên có kích thước lớn hơn, và các sinh vật đa bào tích lũy nhiều tế bào, thông qua tiến trình phân chia tế bào. Bản thân mỗi chúng ta đều khởi đầu là một tế bào đơn lẻ và bây giờ có hàng chục ngàn tỉ tế bào trong cơ thể. Sự tăng trưởng phụ thuộc vào các con đường đồng hóa tạo ra các phân tử lớn, phức tạp, như chất đạm (protein) và DNA (deoxyribonucleic acid). DNA là phân tử mang thông tin di truyền, quy định mọi hoạt động của các sinh vật [3].

  • Sự sinh sản (Reproduction): Các sinh vật có thể tự sinh sản để tạo ra các sinh vật mới. Sinh sản có thể là vô tính, liên quan đến một sinh vật cha mẹ duy nhất, hoặc hữu tính, cần có hai cha mẹ.

  • Sự phản ứng (Response): Các sinh vật có biểu hiện “khó chịu”, nghĩa là chúng phản ứng với các kích thích hoặc những thay đổi trong môi trường của chúng. Thí dụ: mọi người nhanh chóng rút tay ra khỏi ngọn lửa; nhiều cây cối quay về phía mặt trời; và các sinh vật đơn bào có thể di chuyển đến nguồn dinh dưỡng hoặc tránh xa chất hóa học độc hại.

  • Sự tiến hóa (Evolution): Các quần thể sinh vật có thể trải qua sự tiến hóa, nghĩa là cấu tạo di truyền của quần thể có thể thay đổi theo thời gian. Trong một số trường hợp, sự tiến hóa liên quan đến chọn lọc tự nhiên, trong đó có một đặc điểm di truyền, như màu lông sẫm hơn hoặc hình dạng mỏ hẹp hơn, cho phép sinh vật tồn tại và sinh sản tốt hơn trong một môi trường cụ thể. Qua nhiều thế hệ, một đặc điểm di truyền mang lại lợi thế về thể chất có thể ngày càng trở nên phổ biến hơn trong một quần thể, làm cho quần thể đó trở nên phù hợp hơn với môi trường của nó. Tiến trình này được gọi là sự thích nghi.

Tuy nhiên, đó chỉ là các đặc tính của sự sống được các nhà khoa học nhận biết trong khi quan sát những vật sống trong thế giới vật chất. Các nhà khoa học không biết gì về nguồn của sự sống. Nguồn của sự sống chắc chắn là phải có các đặc tính khác. Các nhà khoa học không biết nguồn của sự sống nên không thể quan sát để tìm ra các đặc tính của nguồn sự sống. Ngoài ra, trong thế giới thuộc linh cũng có những vật sống. Nhưng các nhà khoa học hoặc là không tin có thế giới thuộc linh, hoặc là không biết gì về thế giới thuộc linh, nên họ cũng không quan sát được các đặc tính của sự sống trong thế giới thuộc linh.

Về sự sáng, các nhà khoa học chia ra làm hai loại, loại thấy được và loại không thấy được bởi mắt thường của loài người. Sự sáng thấy được là sự sáng phản chiếu trên các vật thể để mắt của chúng ta có thể nhìn thấy các vật thể. Sự sáng không thấy được có thể xuyên qua các vật thể và tác hại đến những sinh vật, như tia X. Khoa học biết rằng, sự sáng là sự di chuyển của những hạt vật chất cơ bản được gọi là “hạt ánh sáng” (photon, /phô-ton/). Hạt ánh sáng phát sinh khi nguyên tử (atom, /á-tum/) bị kích hoạt bởi năng lượng.

Nguyên tử là các hạt vật chất tạo thành các vật thể trong thế giới vật chất. Mỗi nguyên tử có một hoặc nhiều hạt âm điện tử (electron, /ơ-léc-tron/) xoay chung quanh hạt nhân (nucleus, /níu-klia/) của nó theo các quỹ đạo cố định. Tương tự như mặt trăng xoay chung quanh trái đất hoặc các vệ tinh nhân tạo xoay chung quanh trái đất. Mỗi hạt âm điện tử có một quỹ đạo tự nhiên mà nó chiếm giữ. Khi năng lượng được cung cấp cho một nguyên tử, các hạt âm điện tử của nó sẽ di chuyển lên các quỹ đạo cao hơn. Một hạt ánh sáng được tạo ra bất cứ khi nào một hạt âm điện tử ở quỹ đạo cao hơn bình thường rơi trở lại quỹ đạo bình thường của nó. Trong tiến trình chuyển từ năng lượng cao sang năng lượng bình thường, hạt âm điện tử phát ra một hạt ánh sáng, là một gói năng lượng với các đặc điểm rất riêng biệt. Hạt ánh sáng có tần số hoặc màu sắc trùng khớp chính xác với khoảng cách mà hạt âm điện tử rơi [4].

Sự sáng vật chất giúp cho chúng ta nhìn thấy các sự vật mà nhận thức được thế giới quanh chúng ta để có hành động thích hợp cho cuộc sống. Vì thế, sự giúp cho chúng ta hiểu biết về thế giới thuộc linh để sống đẹp lòng Chúa và đem lại ích lợi cao nhất cho chúng ta được Thánh Kinh gọi là sự sáng. Chúng ta hiểu, đó là sự sáng thuộc linh.

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của Giăng 1:4-5 và chúng ta có thể nhận thấy, Giăng 1:4 chính là sự khẳng định về nguồn của sự sống và định nghĩa về sự sống trên phương diện đối với loài người.

Qua Thánh Kinh, chúng ta đã học biết rằng, loài người là thực thể có phần thuộc linh và phần thuộc thể. Nói cách khác, loài người là thực thể thiêng liêng (linh hồn) có hình thể thuộc linh là tâm thần và hình thể vật chất là xác thịt. Vì thế, định nghĩa về sự sống trong Giăng 1:4 áp dụng cho loài người cả về thuộc thể lẫn thuộc linh.

4 Trong Ngài, hằng có sự sống. Sự sống hằng là sự sáng của loài người.

Đại danh từ “Ngài” trong câu 4 chỉ về Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời.

Câu: “Trong Ngài, hằng có sự sống” cho chúng ta biết, nguồn của sự sống là Thiên Chúa Ngôi Lời. Câu này cũng hàm ý, Ngài chính là sự sống. Trong Ngài hằng có sự sống, sự sống ra từ chính Ngài, nên Ngài là sự sống.

Sau khi Ngôi Lời nhập thế làm người, Ngài đã khẳng định, Ngài là sự sống. Chẳng những Ngài là sự sống mà Ngài còn là sự sống lại. Vì chính Ngài, trong thân vị loài người, đã chết và đã sống lại. Ngài có quyền khiến cho bất cứ người nào tin Ngài cũng được sống lại, sau khi chết:

…Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin nơi Ta, dù người ấy đã chết thì cũng sẽ sống.” (Giăng 11:25).

…Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống. Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta.” (Giăng 14:6).

Trong Sáng Thế Ký đoạn 1, chúng ta thấy, qua các lời phán của Thiên Chúa mà mọi vật sống thực hữu. Vì trong Ngài có sự sống, vì Ngài là sự sống nên Ngài đã sáng tạo nên các vật có sự sống.

Về thuộc thể, sự sống mang bảy đặc tính như các nhà khoa học đã nhận biết. Dù vậy, sự sống thuộc thể có nhiều mức độ và hình thức khác nhau, tùy theo từng loài sinh vật Thiên Chúa đã dựng nên.

Về thuộc linh, đối với loài người, sự sống là sự thực hữu mãi mãi trong sự nhận biết Đức Chúa Trời là Thiên Chúa và nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là Đấng mang sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho loài người.

Và đây là sự sống vĩnh cửu, rằng, họ nhìn biết Ngài, Thiên Chúa chân thật duy nhất, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến.” (Giăng 17:3).

Thiên Chúa Ngôi Lời hằng là sự sống nên chính Ngài cũng hằng là sự sáng của loài người. Sự sáng được nói đến ở đây là sự sáng thuộc linh:

…Ta là sự sáng của thế gian. Người theo Ta sẽ chẳng đi trong sự tối tăm nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống.” (Giăng 8:12).

Đang khi Ta ở trong thế gian, Ta là sự sáng của thế gian.” (Giăng 9:5).

Ta là sự sáng đã đến trong thế gian, để ai tin nơi Ta sẽ chẳng ở lại trong sự tối tăm.” (Giăng 12:46).

Sự sống của Thiên Chúa là sự tự hữu hằng hữu của Ngài.

Sự sống của Thiên Chúa cũng chính là sự sáng vì trong sự thực hữu của Thiên Chúa có sự tri thức. Thiên Chúa có sự tri thức về chính mình Ngài và về muôn vật do Ngài dựng nên.

Sự sống của Thiên Chúa hằng là sự sáng của loài người vì sự thực hữu của Thiên Chúa vẫn mãi mãi chiếu ra sự tri thức về Thiên Chúa cho loài người.

Đối với loài người, sự sáng thuộc linh là sự nhận biết Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa; sự tối tăm thuộc linh là sự không nhận biết Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa.

Loài người có sự sáng thuộc linh khi được tương giao với Thiên Chúa. Loài người được tương giao với Thiên Chúa khi thật lòng và hết lòng tin cậy Ngài, vâng phục Ngài. Khi loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa thì loài người bị phân rẽ khỏi sự tương giao với Thiên Chúa. Sự nhận biết về Thiên Chúa của loài người cũng bị cắt đứt. Đó là sự tối tăm thuộc linh.

Thiên Chúa Ngôi Lời trong thân vị loài người, mang tên Jesus và mang danh hiệu Christ, là Đấng giãi bày cho loài người về Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa. Ngài cũng giãi bày cho loài người về tình trạng hư mất của loài người vì đã không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa; về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người; về Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vì thế, Ngài là sự sáng của thế gian. Ai tin những lời giảng dạy của Ngài thì nhận biết Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa. Người ấy sẽ lập tức ăn năn tội và tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Trong người ấy có sự sống và sự sáng từ Thiên Chúa. Vì người ấy được Thiên Chúa tái tạo thành một tạo vật mới.

Về thuộc thể, sự sáng giúp cho sinh vật bảo tồn sự sống qua sự tác động của sự sáng lên các hóa chất trong cơ thể của chúng và giúp phần lớn những loài động vật nhận thức thế giới thuộc thể để hành động. Sự sáng thuộc thể phát ra từ các khối tinh vân (những đám mây hình thành các ngôi sao), từ mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao đều bởi lời phán của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Tất cả chúng đều phản ánh sự vinh quang của Ngài, bày tỏ sự thực hữu và quyền năng của Ngài. Vì Ngài là sự sáng, là nguồn của tri thức. Ngay cả trong trường hợp ánh sáng của mặt trăng là sự phản chiếu ánh sáng của mặt trời thì đó cũng là một hình thức phản ánh gián tiếp vinh quang của Thiên Chúa.

“Các tầng trời thuật lại sự vinh quang của Thiên Chúa. Bầu trời rao truyền công việc của tay Ngài. Ngày lại ngày lời lẽ tuôn tràn. Đêm qua đêm tri thức được bày tỏ. Chẳng tiếng nói, chẳng ngôn ngữ nào mà âm thanh của chúng không được nghe biết đến. [Mọi dân tộc đều nghe và hiểu được sự bày tỏ của các tầng trời về công trình sáng tạo và sự vinh quang của Thiên Chúa trong chính ngôn ngữ của họ. Rô-ma 1:19-20.]” (Thi Thiên 19:1-3).

Mặc dù Giăng 1:4 cho chúng ta biết, Thiên Chúa Ngôi Lời là sự sống và là nguồn của sự sống; là ánh sáng, là nguồn tri thức về Thiên Chúa cho loài người; nhưng chúng ta hiểu rằng, không chỉ riêng thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, mà cả Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời và Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh cũng đều như vậy. Vì đó là đặc tính của Thiên Chúa.

5 Sự sáng chiếu ra trong sự tối tăm và sự tối tăm chẳng thể kiềm chế nó.

Sự tối tăm được nói ở đây là sự tối tăm thuộc linh, là sự không nhận biết về Thiên Chúa hoặc sự chối bỏ sự nhận biết Ngài. Sau khi loài người phạm tội thì sự tương giao giữa loài người với Thiên Chúa bị cắt đứt, còn gọi là sự chết thuộc linh. Sự tối tăm thuộc linh chính là tình trạng của toàn thể loài người, kể từ khi loài người phạm tội. Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, Ngài rao giảng về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho loài người. Lời rao giảng của Ngài là sự sáng chiếu ra trong sự tối tăm. Nói cách khác, tri thức về Thiên Chúa, qua lời giảng của Đấng Christ, được chiếu vào trong thần trí đã bị tội lỗi làm cho tối tăm của loài người.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, động từ “kiềm chế” (G2638) có nghĩa là nắm bắt trong bàn tay để sở hữu, để khống chế, để điều khiển, hoặc để hủy diệt.

Sự sáng chiếu ra trong sự tối tăm và sự tối tăm chẳng thể kiềm chế nó” có nghĩa là sự tối tăm chẳng thể nắm được, chẳng thể bắt được, chẳng thể điều khiển được, chẳng thể dập tắt được sự sáng. Sự hiểu biết về Thiên Chúa và chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được Đức Chúa Jesus rao giảng trong thế gian tội lỗi đang bị sự tối tăm thuộc linh bao phủ. Sự tối tăm này ở trong thần trí của mỗi người nhưng nó không thể kiềm chế được ánh sáng Tin Lành Cứu Rỗi. Cho nên, bất cứ những ai thật sự muốn được thoát ra khỏi sự tối tăm đó, nghe được Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa thì lập tức Tin Lành Cứu Rỗi chiếu sáng họ, giúp cho họ thấy được họ là tội nhân, giúp cho họ thấy được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và giúp cho họ thấy được Đức Chúa Jesus là Cứu Chúa của họ. Khi họ vui lòng tiếp nhận sự cứu rỗi đó của Chúa thì họ tiếp tục được nhìn thấy tất cả những phương diện khác của Đức Chúa Trời qua Lời của Ngài.

Khi sự sáng thuộc thể soi vào trong nơi có sự tối tăm thuộc thể thì giúp cho chúng ta nhìn thấy tất cả những gì trước đây đã bị sự tối tăm che phủ. Tương tự như vậy, khi sự sáng thuộc linh soi vào thần trí của chúng ta, vốn bị sự tối tăm của tội lỗi che phủ, thì nó giúp cho chúng ta nhìn thấy mọi lẽ thật về Thiên Chúa, về loài người, về Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Như vậy, sẽ không bao giờ có chuyện một người không hiểu Tin Lành mà chỉ có: hoặc là hiểu và tin nhận Tin Lành, hoặc là hiểu mà không tin nhận Tin Lành, hoặc là không muốn nghe Tin Lành.

Trước khi Tin Lành được rao giảng thì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời cũng đã được chính Ngài đặt trong thần trí của mỗi người:

Rô-ma 1:18-21

18 Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công chính của những người dùng sự không công chính mà đè nén lẽ thật.

19 Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ

20 những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính còn mãi của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

Riêng đối với dân tộc Việt Nam, khái niệm về “Ông Trời” chính là sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, biết rằng, có một Đấng Cao Siêu Tuyệt Đối ở trên trời, làm ra muôn loài và cầm quyền trên muôn loài. Ông Trời đáng được tôn thờ và biết ơn. Ông Trời cầm quyền thưởng thiện phạt ác. Tục ngữ có câu: “Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”. Vì thế mà người Việt đã lập bàn thờ ở ngoài trời, trước cửa nhà, để thờ Ông Trời, gọi là “bàn thờ Thiên” hoặc “bàn thờ Ông Thiên”. Chữ “Thiên” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “Trời”. Bàn thờ Trời cơ bản được làm bằng gỗ, gồm một cây cột cao khoảng 1,5 m, phía trên đặt một tấm ván hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 0,4 m. Trên bàn thờ lúc nào cũng có một bát hương để cắm hương dâng Trời. Người Việt còn biết thắp ba nén hương thờ phượng Ông Trời vào mỗi buổi chiều tối, sau khi mặt trời lặn, là thời điểm mà theo Thánh Kinh, đã bước sang một ngày mới. Sự thắp hương trên bàn thờ Trời thường kèm theo lời cầu xin sự bình an và ơn phước của Trời. Ba nén hương phải chăng là biểu tượng cho lời cầu nguyện dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa? Thánh Kinh dùng hình ảnh khói hương tiêu biểu cho lời cầu nguyện của con dân Chúa dâng lên Chúa (Khải Huyền 5:8).

Tiếc thay, theo thời gian, dần dần khái niệm về Ông Trời đã bị tiêm nhiễm mê tín dị đoan. Bàn thờ Trời dần dần mất đi nét đơn sơ, trở thành cầu kỳ, cũng có khi trên bàn thờ được thêm vào chén nước lã, chén gạo, và hoa quả. Lời cầu nguyện khi thắp hương cũng được chế tác theo mê tín dị đoan.

Không riêng gì đối với dân Việt mà các dân tộc khác cũng vậy, khái niệm đúng về Thiên Chúa, về Đức Chúa Trời đã dần dần bị ma quỷ pha trộn huyền thoại và mê tín dị đoan vào, khiến cho bị sai lệch.

Trong tình yêu và trong ý chỉ đời đời của Thiên Chúa dành cho loài người, sau khi loài người phạm tội, bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, thì Ngài đã ban ơn cứu rỗi cho loài người. Khi thời điểm tới, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã đến thế gian, mang lấy thân vị loài người, với tên gọi Jesus và danh hiệu Christ để giãi bày lẽ thật về Thiên Chúa, về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho toàn thể loài người; và thi hành công cuộc cứu chuộc loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi. Ngài hằng là sự sống và Ngài hằng là sự sáng của loài người. Ngoài Ngài, loài người không có sự cứu rỗi và cũng không có sự tri thức về Thiên Chúa. Điều quan trọng hơn hết, Ngài còn là sự sống lại và sự sống vĩnh cửu. Nhờ đó, bất cứ người nào tin nhận Tin Lành của Ngài thì sẽ vượt khỏi sự chết mà vào trong sự sống vĩnh cửu, trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời:

Thật sự! Thật sự! Ta nói với các ngươi, ai nghe lời Ta mà tin Đấng đã sai Ta, thì được sự sống vĩnh cửu và sẽ không đến sự phán xét, nhưng vượt khỏi sự chết vào trong sự sống.” (Giăng 5:24).

Chúng ta biết rằng, mình đã vượt khỏi sự chết vào trong sự sống, vì chúng ta yêu các anh chị em cùng Cha của mình. Còn ai chẳng yêu các anh chị em cùng Cha của mình thì ở lại trong sự chết.” (I Giăng 3:14).

Nhờ Lời Hằng Sống của Thiên Chúa mà chúng ta biết, nguồn của sự sống chính là Thiên Chúa, tức là sự tự thực hữu của Thiên Chúa. Sự tự thực hữu của Thiên Chúa chiếu ra sự vinh quang của Ngài, bày tỏ về chính Ngài, nên sự sống cũng chính là sự sáng cho loài người. Đối với loài người, sự sống là sự được sáng tạo bởi Đức Chúa Trời với sự biết và tin nhận Đức Chúa Trời cùng Đức Chúa Jesus Christ. Đối với loài người, sự sáng chính là sự nhận thức về Thiên Chúa và thánh ý của Thiên Chúa, qua sự giãi bày của Đấng Christ.

Cảm tạ Thiên Chúa! Vì tình yêu và ân điển mà Ngài đã ban cho loài người.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/08/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.quantamagazine.org/what-is-life-its-vast-diversity-defies-easy-definition-20210309/

[2] https://www.khanacademy.org/science/biology/intro-to-biology/what-is-biology/a/what-is-life

[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/DNA

[4] https://science.howstuffworks.com/light7.htm

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Là Chúa Yêu Thương”
https://karaokethanhca.net/ngai-la-chua-yeu-thuong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.