Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL062 Đức Chúa Jesus Chữa Lành Người Bị Quỷ Ám – Tội Phạm đến Đấng Thần Linh

378 views

YouTube: https://youtu.be/luUAnb65Ai4

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL062 Đức Chúa Jesus Chữa Lành Người Bị Quỷ Ám –
Tội Phạm đến Đấng Thần Linh
Ma-thi-ơ 12:15-37; Mác 3:20-30; Lu-ca 11:14-23

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 12:15-37

15 Nhưng Đức Chúa Jesus đã biết. Ngài ra khỏi đó. Có nhiều đám đông theo Ngài, và Ngài chữa lành hết thảy.

16 Ngài đã nghiêm cấm họ, rằng họ đừng làm cho Ngài được tỏ ra;

17 để được ứng nghiệm lời đã nói bởi Tiên Tri Ê-sai, rằng:

18 Này, tôi tớ của Ta, Người Ta đã chọn, Người yêu dấu của Ta. Trong Người, linh hồn Ta vui thỏa. Ta sẽ đặt Đấng Thần Linh của Ta trên Người. Người sẽ đem công lý đến các dân tộc.

19 Người sẽ chẳng tranh cãi, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe tiếng của Người trong những đường phố.

20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã bị chà đạp, chẳng tắt tim đèn gần tàn, cho tới khi Người khiến cho công lý vào trong sự đắc thắng.

21 Các dân ngoại sẽ trông cậy trong danh Người. [Ê-sai 42:1-4]

22 Bấy giờ, một người bị quỷ ám, mù và câm, được đem đến Ngài. Ngài đã chữa lành người. Vì vậy, người mù và câm đã nói và đã thấy.

23 Hết thảy dân chúng đã ngạc nhiên và nói: Có phải người này là con cháu của Đa-vít?

24 Nhưng những người Pha-ri-si nghe vậy, thì đã nói: Người này không đuổi những quỷ trừ khi bởi Bê-ên-xê-bun, kẻ cầm đầu của những quỷ.

25 Đức Chúa Jesus đã biết những ý tưởng của họ, Ngài đã phán với họ: Một vương quốc chia xé, nghịch lại chính nó thì bị phá hoang. Một thành hay một nhà chia xé, nghịch lại chính nó thì sẽ không đứng vững.

26 Nếu Sa-tan đuổi Sa-tan, nó tự chia xé, nghịch lại chính nó. Vậy thì làm sao vương quốc của nó đứng vững?

27 Nếu Ta bởi Bê-ên-xê-bun đuổi những quỷ thì con cháu của các ngươi bởi ai đuổi chúng? Bởi đó, chúng nó sẽ là những thẩm phán của các ngươi.

28 Nếu Ta bởi thần quyền của Thiên Chúa đuổi những quỷ thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trên các ngươi.

29 Hay là thế nào một người có thể vào trong nhà của một người mạnh sức để cướp tài vật của người ấy, trừ khi, trước hết trói người mạnh sức, rồi mới cướp nhà của người?

30 Ai không theo Ta thì nghịch lại Ta. Ai không hiệp lại với Ta thì tan lạc.

31 Bởi đó, Ta bảo các ngươi, hết thảy tội lỗi và lời phạm thượng sẽ được tha thứ cho loài người. Nhưng lời phạm thượng Đấng Thần Linh thì sẽ chẳng được tha cho loài người.

32 Bất cứ ai nói lời nghịch lại Con Người kẻ ấy sẽ được tha. Nhưng bất cứ ai nói nghịch lại Đức Thánh Linh kẻ ấy sẽ chẳng được tha, dù trong đời này hay trong đời sẽ đến.

33 Hoặc là khiến cho cây tốt thì trái của nó tốt. Hoặc là khiến cho cây xấu thì trái của nó xấu. Vì cây được biết bởi trái của nó.

34 Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.

35 Người lành do sự dồn chứa sự lành của lòng phát ra những sự lành. Còn người dữ do sự dồn chứa sự dữ phát ra những sự dữ.

36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào mà loài người sẽ nói, họ sẽ khai trình về chúng, trong ngày phán xét.

37 Vì bởi những lời nói của ngươi, ngươi sẽ được xưng công chính. Cũng bởi những lời nói của ngươi, ngươi sẽ bị phán tội.

Mác 3:20-30

20 Đám đông lại cùng nhau kéo đến, đến nỗi ngay cả ăn thức ăn họ cũng đã không thể ăn.

21 Những người thân quen của Ngài nghe vậy, họ đã đến để cầm giữ Ngài. Vì họ đã nói, Ngài đã mất trí khôn.

22 Những thầy thông giáo đã xuống từ Giê-ru-sa-lem, nói: Người có Bê-ên-xê-bun, và bởi kẻ cầm đầu của những quỷ người đuổi những quỷ.

23 Ngài đã gọi họ và phán với họ trong các ngụ ngôn: Làm sao Sa-tan có thể đuổi Sa-tan?

24 Nếu một vương quốc tự chia xé, nghịch lại chính nó thì vương quốc ấy không thể đứng vững.

25 Nếu một nhà tự chia xé, nghịch lại chính nó thì nhà ấy không thể đứng vững.

26 Nếu Sa-tan dấy lên, nghịch lại chính nó, tự chia xé, nó không thể đứng vững, nhưng có sự kết thúc.

27 Chẳng ai có thể vào trong nhà của một người mạnh sức, cướp lấy tài vật của người, trừ khi, trước hết trói người mạnh sức, rồi mới cướp nhà của người.

28 Thật, Ta nói với các ngươi, mọi tội lỗi sẽ được tha cho con cháu của loài người, cả những lời phạm thượng mà họ sẽ nói phạm thượng.

29 Nhưng ai nói phạm thượng, nghịch lại Đức Thánh Linh thì chẳng có sự tha thứ cho tới vĩnh cửu, nhưng kẻ ấy ở trong sự hình phạt vĩnh cửu.

30 Vì họ bảo, Ngài có tà linh.

Lu-ca 11:14-23

14 Ngài đã đuổi quỷ. Đó là quỷ câm. Đã xảy ra, khi quỷ ra khỏi, người câm đã nói. Dân chúng đã ngạc nhiên.

15 Nhưng vài kẻ trong họ nói: Người đuổi những quỷ bởi Bê-ên-xê-bun, kẻ cầm đầu của những quỷ.

16 Những kẻ khác thử Ngài, đã yêu cầu Ngài một dấu lạ từ trời.

17 Ngài biết những ý tưởng của họ. Ngài đã phán với họ: Một vương quốc tự chia xé, nghịch lại chính nó thì bị phá hoang. Một nhà nghịch lại một nhà thì bị sụp đổ.

18 Nếu Sa-tan tự chia xé, nghịch lại chính nó thì làm sao vương quốc của nó đứng vững? Vì các ngươi nói, Ta đuổi những quỷ bởi Bê-ên-xê-bun.

19 Nếu Ta bởi Bê-ên-xê-bun đuổi những quỷ thì con cháu của các ngươi nhờ ai đuổi chúng? Bởi đó, chính con cháu của các ngươi sẽ là những thẩm phán của các ngươi.

20 Nếu Ta bởi ngón tay của Thiên Chúa đuổi những quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trên các ngươi.

21 Khi một người mạnh sức đã được vũ trang canh giữ chỗ ở của mình, thì tài vật của người ở trong sự bình an.

22 Nhưng khi người mạnh hơn người đến và thắng người, thì lấy đi khí giới mà người đã trông cậy nơi nó, và phân phát chiến lợi phẩm của mình.

23 Ai không theo Ta thì nghịch lại Ta. Ai không hiệp lại với Ta thì tan lạc.

Trong bài học này, ngoài việc chúng ta học về sự Đức Chúa Jesus chữa lành cho một người bị quỷ ám, chúng ta còn học về một giáo lý rất là quan trọng. Đó là tội nói phạm Đức Thánh Linh sẽ không bao giờ được tha thứ.

Ma-thi-ơ 12:15

15 Nhưng Đức Chúa Jesus đã biết. Ngài ra khỏi đó. Có nhiều đám đông theo Ngài, và Ngài chữa lành hết thảy.

Sau khi Đức Chúa Jesus đã chữa lành cho một người bị chứng teo tay, ngay trong nhà hội của thành Ca-bê-na-um, vào một ngày Sa-bát, thì những người Pha-ri-si đã cùng nhau hội ý, tìm cách giết Ngài.

Lý do họ phải hội ý, tìm cách giết Chúa là vì họ thấy, Chúa đã giảng dạy và hành động nghịch lại các truyền thống Do-thái Giáo của họ. Điển hình là nghịch lại các luật lệ về ngày Sa-bát không có trong Thánh Kinh. Đó là các luật lệ đã được Do-thái Giáo đặt ra, trong khoảng thời gian 400 năm Đức Chúa Trời im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên. Khoảng thời gian đó kéo dài từ sau khi Tiên Tri Ma-la-chi qua đời (vào khoảng năm 425 TCN) cho tới khi Tiên Tri Giăng Báp-tít xuất hiện (vào năm 25). Ngoài ra, lý do những người Pha-ri-si muốn giết Chúa còn là sự Đức Chúa Jesus đã được rất nhiều dân chúng tin theo. Mặc dù sự dân chúng tin theo Đức Chúa Jesus là tin rằng, Ngài có quyền phép chữa bệnh, đuổi quỷ, chứ số đông trong họ chưa tin những sự giảng dạy của Ngài. Những người Pha-ri-si nhận thấy, sức ảnh hưởng của họ trên dân I-sơ-ra-ên bị đe dọa, những sự dạy dỗ của Do-thái Giáo bị thách thức, bởi Đức Chúa Jesus. Họ phải nhóm hiệp với nhau, tìm cách buộc tội Chúa và lên án chết Ngài để bảo vệ Do-thái Giáo và quyền lực của họ trên dân I-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Jesus biết được thâm ý của những người Pha-ri-si đó nên Ngài đã rời khỏi nhà hội. Sự Đức Chúa Jesus biết thâm ý của những người Pha-ri-si là sự Ngài được thần cảm bởi Đấng Thần Linh. Chúng ta cần ghi nhớ, trong thân vị loài người, Đức Chúa Jesus không hề dùng năng lực của Thiên Chúa, vì Ngài đã từ bỏ sự vinh quang và quyền phép của Thiên Chúa để hoàn toàn trở nên một người. Tất cả những sự khôn sáng và năng lực làm phép lạ của Đức Chúa Jesus đều đến từ sự ban cho thánh linh của Đấng Thần Linh. Và đó là sự ban cho vô giới hạn (Giăng 3:34). Vì thế, dù ở trong thân vị loài người, khi cần, Đức Chúa Jesus vẫn có thể làm ra những việc mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm.

Các đám dân đông đến từ nhiều nơi, khắp xứ Ca-na-an và vùng phía đông sông Giô-đanh vẫn đi theo Đức Chúa Jesus. Một trong những lý do chính khiến cho các đám dân đông theo Ngài là vì tất cả những người có tật bệnh hoặc bị quỷ ám đều được Ngài chữa lành. Ngoài ra, họ còn được nghe những sự giảng dạy về Thiên Chúa mà chưa bao giờ có ai giảng dạy như vậy.

Ma-thi-ơ 12:16-18

16 Ngài đã nghiêm cấm họ, rằng họ đừng làm cho Ngài được tỏ ra;

17 để được ứng nghiệm lời đã nói bởi Tiên Tri Ê-sai, rằng:

18 Này, tôi tớ của Ta, Người Ta đã chọn, Người yêu dấu của Ta. Trong Người, linh hồn Ta vui thỏa. Ta sẽ đặt Đấng Thần Linh của Ta trên Người. Người sẽ đem công lý đến các dân tộc.

Đức Chúa Jesus đã nghiêm cấm các đám dân đông, rằng họ “đừng làm cho Ngài được tỏ ra”, có nghĩa là họ đừng loan truyền về sự Ngài đã làm ra những phép lạ trên họ. Đức Chúa Jesus không muốn thêm lên sự ganh ghét trong những người Pha-ri-si của Do-thái Giáo, làm ảnh hưởng bất lợi đến linh vụ của Ngài. Đức Chúa Jesus không muốn được nổi tiếng. Ngài không đến thế gian để tự tôn cao mình mà là để dẫn loài người đến với ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Dân I-sơ-ra-ên mong đợi một Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ, xuất hiện để đánh hạ nhà cầm quyền La-mã, khôi phục đất nước I-sơ-ra-ên, khiến I-sơ-ra-ên được thanh bình và thịnh vượng. Nhưng Đức Chúa Jesus lại là người tránh những sự nổi tiếng, tránh xa những kẻ thù nghịch Ngài, và Ngài không có lời kêu gọi chống La-mã, khôi phục I-sơ-ra-ên. Chính vì thế mà Ngài đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai trong Ê-sai 42:1-4.

Ngài là một người phụng sự Đức Chúa Trời, được gọi là tôi tớ của Đức Chúa Trời, do chính Đức Chúa Trời chọn ra. Ngài được Đức Chúa Trời yêu và Ngài làm cho Đức Chúa Trời được vui thỏa. Đức Chúa Trời ban cho Ngài Đức Thánh Linh không giới hạn để Ngài có thể làm ra những việc chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm. Ngài là Đấng chiếu sáng công lý, tức là lẽ phải và sự công chính của Thiên Chúa cho mọi dân tộc. Lẽ phải và sự công chính đó là lợi ích và quyền mà Thiên Chúa ban cho loài người, khiến loài người được sống an vui, hạnh phúc trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Mà trong đó, nổi bật nhất là ơn cứu rỗi loài người, sau khi loài người phạm tội.

Ma-thi-ơ 12:19-21

19 Người sẽ chẳng tranh cãi, chẳng kêu la, và chẳng ai nghe tiếng của Người trong những đường phố.

20 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã bị chà đạp, chẳng tắt tim đèn gần tàn, cho tới khi Người khiến cho công lý vào trong sự đắc thắng.

21 Các dân ngoại sẽ trông cậy trong danh Người. [Ê-sai 42:1-4]

Đấng Christ chỉ rao truyền lẽ thật nên Ngài không tranh cãi. Đấng Christ chẳng kêu la như những người muốn tìm kiếm sự chú ý và sự tôn cao, giữa công chúng, trên những đường phố.

Đấng Christ có lòng thương xót. Ngài ban cơ hội cho loài người yếu đuối, cận kề sự chết đời đời, đang sống khốn khó ngay trong cuộc đời này. Họ đang gánh lấy hậu quả của tội lỗi là những sự đau đớn, tật bệnh, và sự chết của thân thể xác thịt, giữa một thế gian đầy dẫy những sự bất công. Họ như cây sậy bị chà đạp, dập nát. Họ như đèn đã cạn dầu, tim đèn sắp tắt. Đấng Christ đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến với họ, khiến cho họ có cơ hội được tha tội, được làm cho sạch tội, được tái sinh, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Họ chỉ cần thật lòng ăn năn tội và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đấng Christ khiến cho công lý vào trong sự đắc thắng khi Vương Quốc Đời Đời được thiết lập trong trời mới đất mới cho những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tại đó, Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt của loài người. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng sẽ không còn đau đớn nữa (Khải Huyền 21:4).

Mặc dù Đấng Christ được hứa cho dân I-sơ-ra-ên, Ngài được sinh ra trong dân I-sơ-ra-ên, linh vụ của Ngài ưu tiên cho dân I-sơ-ra-ên, nhưng sự chết chuộc tội của Ngài là cho toàn thể loài người. Bất cứ ai cũng có thể tin Ngài, kêu cầu danh Ngài, và được cứu. Vì dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người để họ nhờ đó mà được cứu (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Ma-thi-ơ 12:22-23

22 Bấy giờ, một người bị quỷ ám, mù và câm, được đem đến Ngài. Ngài đã chữa lành người. Vì vậy, người mù và câm đã nói và đã thấy.

23 Hết thảy dân chúng đã ngạc nhiên và nói: Có phải người này là con cháu của Đa-vít?

Lu-ca 11:14

14 Ngài đã đuổi quỷ. Đó là quỷ câm. Đã xảy ra, khi quỷ ra khỏi, người câm đã nói. Dân chúng đã ngạc nhiên.

Có lẽ Đức Chúa Jesus đã chữa lành người bị quỷ ám, khiến cho người ấy bị mù và câm, sau khi Ngài đã về đến nơi trọ của Ngài, tại thành Ca-bê-na-um. Có lẽ tiếng đồn về sự Chúa chữa lành mọi tật bệnh và đuổi mọi thứ quỷ đã khiến cho người nhà của người bị quỷ ám đã đem người ấy đến với Chúa.

Ma-thi-ơ ghi rõ là một người bị quỷ ám, mù và câm. Lu-ca thì chỉ ghi: Ngài đã đuổi quỷ. Đó là quỷ câm. Một lần nữa, chúng ta hiểu rằng, Ma-thi-ơ là sứ đồ trực tiếp có mặt bên cạnh Chúa nên ông đã ghi lại cách chi tiết hơn Lu-ca. Lu-ca chỉ ghi lại chi tiết nào ông được nghe kể lại. Điều quan trọng là qua phép lạ đuổi quỷ này của Đức Chúa Jesus, chúng ta học được rằng, quỷ có thể khiến cho một người vừa mù, vừa câm. Có lẽ quỷ đã khiến cho người ấy không thể mở mắt để nhìn và không thể cử động lưỡi để nói. Khi quỷ bị đuổi ra khỏi người ấy thì người ấy có thể nói và thấy trở lại.

Các đám dân đông nhìn thấy phép lạ Đức Chúa Jesus làm đã trầm trồ và hỏi nhau: Có phải người này là con cháu của Đa-vít? Câu hỏi ấy hàm ý, có phải Ngài là Đấng Christ đã được hứa trong Ê-sai 9:6-7.

Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An. Sự thêm lên của quyền cai trị và sự bình an không ngừng trên ngai của Đa-vít và trên vương quốc của Ngài, để vững lập nó và bảo tồn nó trong sự chính trực và công chính, từ nay cho tới đời đời. Sự sốt sắng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân sẽ làm nên sự ấy.”

Nói cách khác, trước những phép lạ Đức Chúa Jesus làm ra, dân I-sơ-ra-ên nhớ đến lời tiên tri về Đấng Christ, rằng Ngài sẽ ra từ dòng dõi của Vua Đa-vít. Vì thế, họ đã tự hỏi cũng như hỏi lẫn nhau, có phải Ngài là Đấng Christ. Nhiều người trong họ biết rõ, cha mẹ của Ngài thuộc dòng Vua Đa-vít.

Mác 3:20-21

20 Đám đông lại cùng nhau kéo đến, đến nỗi ngay cả ăn thức ăn họ cũng đã không thể ăn.

21 Những người thân quen của Ngài nghe vậy, họ đã đến để cầm giữ Ngài. Vì họ đã nói, Ngài đã mất trí khôn.

Dù Đức Chúa Jesus không muốn nhưng tiếng đồn về những phép lạ Ngài làm ra đã ngày càng lan rộng. Vì thế, càng có thêm nhiều đám đông tìm đến Ngài. Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã trở nên bận rộn, đến nỗi không thể dùng bữa.

Những người thân quen của Đức Chúa Jesus bao gồm người nhà và hàng xóm của Ngài tại thành Na-xa-rét. Những người đã quen biết Ngài trong gần 30 năm. Họ quan tâm đến Ngài nên khi nghe tin Ngài rao giảng những lời và làm ra những hành động nghịch lại các truyền thống của Do-thái Giáo thì họ nghĩ rằng, Ngài đã bị mất trí. Họ đã từ Na-xa-rét, đến Ca-bê-na-um để cầm giữ Ngài, e Ngài làm ra những sự nguy hiểm cho bản thân và cho người khác.

Qua sự kiện này, chúng ta thấy, loài người quen với truyền thống và bị nô lệ bởi truyền thống, cho dù truyền thống không phải là lẽ thật. Những gì nghịch lại truyền thống, cho dù là lẽ thật, cũng sẽ bị người thế gian xem là điên cuồng. Sứ Đồ Phao-lô cũng từng bị Thống Đốc Phê-tu cho là điên cuồng, khi ông làm chứng và rao giảng Tin Lành cho Vua Ạc-ríp-ba và Thống Đốc Phê-tu (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:24). Ngày nay, nhiều người xưng mình là con dân Chúa, thậm chí là những người rao giảng Lời Chúa, nhưng sẵn sàng gọi những ai vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là điên cuồng hoặc theo tà giáo.

Ma-thi-ơ 12:24

24 Nhưng những người Pha-ri-si nghe vậy, thì đã nói: Người này không đuổi những quỷ trừ khi bởi Bê-ên-xê-bun, kẻ cầm đầu của những quỷ.

Mác 3:22

22 Những thầy thông giáo đã xuống từ Giê-ru-sa-lem, nói: Người có Bê-ên-xê-bun, và bởi kẻ cầm đầu của những quỷ người đuổi những quỷ.

Lu-ca 11:15

15 Nhưng vài kẻ trong họ nói: Người đuổi những quỷ bởi Bê-ên-xê-bun, kẻ cầm đầu của những quỷ.

Ma-thi-ơ gọi chung những người theo Do-thái Giáo chống nghịch Chúa là những người Pha-ri-si. Mác gọi họ là những thầy thông giáo đã xuống từ Giê-ru-sa-lem. Lu-ca nói chung chung là vài kẻ trong họ, tức trong các đám đông. Thực tế, trong các đám đông có vài kẻ là thầy thông giáo, thuộc phái Pha-ri-si, không ưa Đức Chúa Jesus và cùng nhau vu khống Ngài. Có lẽ, các lời vu khống của họ do Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca ghi lại đều là nguyên văn, tùy theo người nói. Họ khẳng định:

  • Đức Chúa Jesus chỉ có thể đuổi quỷ nhờ vào quyền lực của Bê-ên-xê-bun, một danh xưng được dùng cho Sa-tan, kẻ cầm đầu những tà linh.

  • Đức Chúa Jesus có Bê-ên-xê-bun, nghĩa là Bê-ên-xê-bun nhập vào thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus để làm ra hành động đuổi quỷ.

Chúng ta đã học về ý nghĩa của Bê-ên-xê-bun, khi chúng ta học Ma-thi-ơ 10:25. Danh từ “Bê-ên-xê-bun” (G954) được phiên âm từ một danh từ ghép trong tiếng Hê-bơ-rơ (H1176). Đó là “ba-anh” (H1168) có nghĩa là: chúa, chủ; và “giê-hu” (H2070) có nghĩa là: ruồi. Vậy, “Ba-anh-giê-hu” trong tiếng Hê-bơ-rơ hay “Bê-ên-xê-bun” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “Chúa Ruồi”. Danh từ này được các giống dân Ca-na-an dùng để gọi tà thần có năng lực xua đuổi ruồi cho họ, theo tín ngưỡng của họ. Những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo thì cho rằng, Bê-ên-xê-bun là chúa quỷ, tức Sa-tan.

Thực tế, trong thế gian xưa nay có những người làm nghề đuổi quỷ, cho dù là thuộc dân tộc nào. Tiếng Việt gọi họ là những thầy phù thủy, hoặc những thầy bùa, thầy pháp. Họ nhân danh một tà linh nào đó để làm ra sự đuổi quỷ nhưng chưa bao giờ có bằng chứng những người bị quỷ nhập có thể được chữa lành bởi những người đuổi quỷ ấy. Tà linh vẫn ở cùng người bị chúng ám nhập cho tới khi người ấy qua đời.

Ma-thi-ơ 12:25-26

25 Đức Chúa Jesus đã biết những ý tưởng của họ, Ngài đã phán với họ: Một vương quốc chia xé, nghịch lại chính nó thì bị phá hoang. Một thành hay một nhà chia xé, nghịch lại chính nó thì sẽ không đứng vững.

26 Nếu Sa-tan đuổi Sa-tan, nó tự chia xé, nghịch lại chính nó. Vậy thì làm sao vương quốc của nó đứng vững?

Mác 3:23-26

23 Ngài đã gọi họ và phán với họ trong các ngụ ngôn: Làm sao Sa-tan có thể đuổi Sa-tan?

24 Nếu một vương quốc tự chia xé, nghịch lại chính nó thì vương quốc ấy không thể đứng vững.

25 Nếu một nhà tự chia xé, nghịch lại chính nó thì nhà ấy không thể đứng vững.

26 Nếu Sa-tan dấy lên, nghịch lại chính nó, tự chia xé, nó không thể đứng vững, nhưng có sự kết thúc.

Lu-ca 11:16-18

16 Những kẻ khác thử Ngài, đã yêu cầu Ngài một dấu lạ từ trời.

17 Ngài biết những ý tưởng của họ. Ngài đã phán với họ: Một vương quốc tự chia xé, nghịch lại chính nó thì bị phá hoang. Một nhà nghịch lại một nhà thì bị sụp đổ.

18 Nếu Sa-tan tự chia xé, nghịch lại chính nó thì làm sao vương quốc của nó đứng vững? Vì các ngươi nói, Ta đuổi những quỷ bởi Bê-ên-xê-bun.

Trong khi những người Pha-ri-si vu khống Chúa thì lại có những người muốn thử Chúa, yêu cầu Ngài làm ra một dấu lạ từ trời. Có nghĩa là họ xin Ngài khiến cho một thiên tượng bất thường xảy ra. Chúng ta không thấy Chúa đáp trả yêu cầu ấy, nhưng Ngài gọi những người Pha-ri-si vu khống Ngài và dùng ngụ ngôn mà phán với họ. Ngài nói rõ, một vương quốc, một thành, hay một nhà tự chia xé, nghịch lại chính nó thì bị phá hoang, bị sụp đổ. Nếu Sa-tan đuổi Sa-tan, tự chia xé, nghịch lại chính nó thì vương quốc của nó sẽ không thể đứng vững. Vì thế, sự họ vu khống Ngài đuổi quỷ bởi Bê-ên-xê-bun là vô lý.

Ma-thi-ơ 12:27-28

27 Nếu Ta bởi Bê-ên-xê-bun đuổi những quỷ thì con cháu của các ngươi bởi ai đuổi chúng? Bởi đó, chúng nó sẽ là những thẩm phán của các ngươi.

28 Nếu Ta bởi thần quyền của Thiên Chúa đuổi những quỷ thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trên các ngươi.

Lu-ca 11:19-20

19 Nếu Ta bởi Bê-ên-xê-bun đuổi những quỷ thì con cháu của các ngươi nhờ ai đuổi chúng? Bởi đó, chính con cháu của các ngươi sẽ là những thẩm phán của các ngươi.

20 Nếu Ta bởi ngón tay của Thiên Chúa đuổi những quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trên các ngươi.

Đức Chúa Jesus hỏi họ, nếu Ngài bởi Bê-ên-xê-bun đuổi quỷ thì con cháu của họ nhờ ai mà đuổi quỷ. Nói cách khác, trong dân I-sơ-ra-ên vẫn có những người nhân danh Đức Chúa Trời để đuổi quỷ. Những người ấy thuộc Do-thái Giáo. Nếu một người chỉ có thể nhờ Bê-ên-xê-bun để đuổi quỷ thì chẳng phải những người Do-thái Giáo ấy cũng nhờ Bê-ên-xê-bun mà đuổi quỷ sao?

Đức Chúa Jesus đã đặt cho họ một câu hỏi khiến cho họ không thể trả lời và chỉ ra sự cực kỳ vô lý của họ. Dù họ vu khống Đức Chúa Jesus nhưng lời vu khống của họ lại có tác động đến con cháu của họ, những người nhân danh Đức Chúa Trời để đuổi quỷ. Vì thế, chính con cháu của họ sẽ là những người lên án họ, trong ngày phán xét.

Bởi thần quyền của Thiên Chúa” và “bởi ngón tay của Thiên Chúa” là cách nói để bày tỏ việc làm của một người là bởi thánh linh của Thiên Chúa. Thánh linh của Thiên Chúa là năng lực, uy quyền, và sự sống đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hiểu rằng, nguyên văn lời phán của Đức Chúa Jesus có thể như sau: Nếu Ta bởi thần quyền của Thiên Chúa đuổi những quỷ, nếu Ta bởi ngón tay của Thiên Chúa đuổi những quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trên các ngươi.

Đức Chúa Jesus thật đã bởi thánh linh của Thiên Chúa đuổi những quỷ. Vì thế, Vương Quốc của Đức Chúa Trời thật sự đã đến trên dân I-sơ-ra-ên vào thời bấy giờ. Đó là giai đoạn thứ nhất của vương quốc, được tỏ ra trong lòng của bất cứ ai tin nhận Đấng Christ (Lu-ca 17:20-21).

Ma-thi-ơ 12:29-30

29 Hay là thế nào một người có thể vào trong nhà của một người mạnh sức để cướp tài vật của người ấy, trừ khi, trước hết trói người mạnh sức, rồi mới cướp nhà của người?

30 Ai không theo Ta thì nghịch lại Ta. Ai không hiệp lại với Ta thì tan lạc.

Mác 3:27

27 Chẳng ai có thể vào trong nhà của một người mạnh sức, cướp lấy tài vật của người, trừ khi, trước hết trói người mạnh sức, rồi mới cướp nhà của người.

Lu-ca 11:21-23

21 Khi một người mạnh sức đã được vũ trang canh giữ chỗ ở của mình, thì tài vật của người ở trong sự bình an.

22 Nhưng khi người mạnh hơn người đến và thắng người, thì lấy đi khí giới mà người đã trông cậy nơi nó, và phân phát chiến lợi phẩm của mình.

23 Ai không theo Ta thì nghịch lại Ta. Ai không hiệp lại với Ta thì tan lạc.

Đức Chúa Jesus tiếp tục dùng ngụ ngôn phán với những người Pha-ri-si chống nghịch Ngài. Ma-thi-ơ và Mác không ghi lại chi tiết mà Lu-ca đã ghi trong Lu-ca 11:21.

Người mạnh sức đã được vũ trang là Sa-tan, nhà, chỗ ở, hay vương quốc của Sa-tan là thế gian. Vũ khí của Sa-tan là quyền lực của tội lỗi và sự chết. Tài vật của Sa-tan là loài người phạm tội đang sống trong thế gian, bị Sa-tan bắt phục.

Người mạnh hơn là Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Jesus đã cất đi quyền lực của tội lỗi và sự chết, để bất cứ ai tin nhận Ngài thì được thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi và sự chết đời đời trong hỏa ngục. Chiến lợi phẩm là linh hồn của những người tin nhận Đấng Christ, được phân phát vào trong các địa vị trong Vương Quốc Trời.

Sa-tan và những tà linh, tức là những thiên sứ phạm tội, gọi chung là ma quỷ, đương nhiên không theo Thiên Chúa, không theo Đức Chúa Jesus Christ và là những kẻ nghịch lại Đấng Christ. Về phía loài người, tất cả những người nào không tin nhận Đấng Christ thì không theo Ngài, không được kết hiệp với Ngài, và bị tan lạc. Sự tan lạc này là sự phân rẽ khỏi Thiên Chúa, đắm chìm vào tội lỗi trong đời này và đi vào sự chết đời đời nơi hỏa ngục trong đời sau.

Ma-thi-ơ 12:31-32

31 Bởi đó, Ta bảo các ngươi, hết thảy tội lỗi và lời phạm thượng sẽ được tha thứ cho loài người. Nhưng lời phạm thượng Đấng Thần Linh thì sẽ chẳng được tha cho loài người.

32 Bất cứ ai nói lời nghịch lại Con Người kẻ ấy sẽ được tha. Nhưng bất cứ ai nói nghịch lại Đức Thánh Linh kẻ ấy sẽ chẳng được tha, dù trong đời này hay trong đời sẽ đến.

Mác 3:28-30

28 Thật, Ta nói với các ngươi, mọi tội lỗi sẽ được tha cho con cháu của loài người, cả những lời phạm thượng mà họ sẽ nói phạm thượng.

29 Nhưng ai nói phạm thượng, nghịch lại Đức Thánh Linh thì chẳng có sự tha thứ cho tới vĩnh cửu, nhưng kẻ ấy ở trong sự hình phạt vĩnh cửu.

30 Vì họ bảo, Ngài có tà linh.

Lời phán tiếp theo của Đức Chúa Jesus cho thấy, Ngài xem lời những người Pha-ri-si vu khống Ngài là những lời phạm thượng Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Chúng ta để ý, thấy Đức Chúa Jesus vừa dùng cách gọi “Đấng Thần Linh” để chỉ sự hành động của Đấng Thần Linh bên ngoài thân thể xác thịt của loài người, vừa dùng cách gọi “Đức Thánh Linh” để chỉ sự hành động của Đấng Thần Linh bên trong thân thể xác thịt của loài người.

Đức Chúa Jesus khẳng định, hết thảy những tội lỗi, bao gồm mọi lời phạm thượng, kể cả những lời phạm thượng Đức Chúa Jesus Christ đều sẽ được tha thứ cho loài người và con cháu của họ. Sự tha thứ này dựa trên sự ăn năn thật lòng của những người phạm tội và sự chết chuộc tội cho loài người của Đấng Christ. Nhưng tội phạm thượng, nói lời nghịch lại Đấng Thần Linh, dù là về hành động của Ngài bên ngoài hay bên trong thân thể của loài người đều sẽ mãi mãi không được tha thứ.

Khi những người Pha-ri-si vu khống Đức Chúa Jesus, nói rằng, Ngài có Bê-ên-xê-bun thì họ vừa phạm thượng Đức Chúa Jesus, vừa phạm thượng Đấng Thần Linh. Vì nói như vậy là họ ngang nhiên gọi Đấng Thần Linh là tà linh Bê-ên-xê-bun.

Họ nghe Đức Chúa Jesus giảng, nhìn thấy những việc làm của Ngài, trong thần trí họ nhận biết như Giáo Sư Ni-cô-đem của họ đã từng nhận biết: “Ngài là giáo sư đến từ Đức Chúa Trời. Vì không ai có thể làm những dấu lạ mà Ngài làm, trừ khi Đức Chúa Trời ở với người ấy” (Giăng 3:2). Thế nhưng vì sự ganh tị và tự ái, họ đã vu khống Đức Chúa Jesus và xúc phạm Đấng Thần Linh. Họ ganh tị với Đức Chúa Jesus vì Ngài làm được những phép lạ, được nhiều người I-sơ-ra-ên phán phục và đi theo Ngài, thậm chí, có những người tin Ngài là Đấng Christ, như những môn đồ của Ngài. Họ tự ái vì Ngài giảng dạy và hành động nghịch lại truyền thống Do-thái Giáo do họ giảng dạy. Điển hình là các luật lệ về ngày Sa-bát của Do-thái Giáo không có trong Thánh Kinh và không đúng với Thánh Kinh. Họ không chỉ vu khống Ngài mà họ còn tìm cách giết Ngài. Lòng họ đã quyết đi vào trong sự tận cùng của sự hư mất. Vì thế, họ không thể ăn năn và cũng không còn được ban cho cơ hội ăn năn. Tình trạng của họ là sự cứng lòng như sự cứng lòng của Pha-ra-ôn thời Môi-se, như sự cứng lòng của những người sau khi tin nhận Tin Lành lại quay về sống trong tội đã được nói đến trong Hê-bơ-rơ 6:1-8 và 10:26-31.

Những người không thể ăn năn, không được ban cho cơ hội ăn năn thì đương nhiên là ở trong hình phạt vĩnh cửu. Đó là đời đời bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa và chịu khổ trong hỏa ngục. Điểm chung của những người không thể ăn năn là họ chọn sống nếp sống theo ý của họ. Họ tự đặt họ làm Thiên Chúa của họ. Họ bỏ qua tất cả mọi cơ hội ăn năn Thiên Chúa ban cho họ. Mỗi một lần trong tâm thức của họ có sự cáo trách chính là một lần họ được ban cho cơ hội ăn năn. Tới thời điểm Đức Chúa Trời đã định, họ không còn có cơ hội để ăn năn mà chỉ còn chờ đợi sự phán xét chung cuộc.

Ma-thi-ơ 12:33-34

33 Hoặc là khiến cho cây tốt thì trái của nó tốt. Hoặc là khiến cho cây xấu thì trái của nó xấu. Vì cây được biết bởi trái của nó.

34 Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.

Lời phán của Đức Chúa Jesus trong câu 33 hàm ý, một người chọn sống tốt thì sẽ có nếp sống tốt, một người chọn sống xấu thì sẽ có nếp sống xấu. Nhìn vào nếp sống của một người thì biết được người ấy tốt hay xấu.

Nhìn vào những lời phán dạy và những việc làm của Đức Chúa Jesus thì đương nhiên biết rằng, Ngài là người tốt, Ngài chính là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh. Nhìn vào những lời vu khống và những việc làm của những người Pha-ri-si chống nghịch Đức Chúa Jesus thì đương nhiên biết rằng, họ là những người xấu.

Đức Chúa Jesus gọi họ là những dòng dõi của những rắn độc, có nghĩa là cha mẹ của họ cũng là những kẻ xấu. Giăng Báp-tít cũng từng gọi những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê đến nghe ông giảng là “những dòng dõi của những rắn độc”. Thánh Kinh dùng con rắn tiêu biểu cho Sa-tan. Gọi một người là dòng dõi của rắn độc cũng có nghĩa gọi người ấy là con cái của Ma Quỷ, như Đức Chúa Jesus đã trực tiếp gọi những người Pha-ri-si và những thầy thông giáo (Giăng 8:44).

Người xấu không thể làm ra việc tốt và cũng không thể nói ra những lời tốt, vì trong họ không có sự gì tốt.

Ma-thi-ơ 12:35-37

35 Người lành do sự dồn chứa sự lành của lòng phát ra những sự lành. Còn người dữ do sự dồn chứa sự dữ phát ra những sự dữ.

36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào mà loài người sẽ nói, họ sẽ khai trình về chúng, trong ngày phán xét.

37 Vì bởi những lời nói của ngươi, ngươi sẽ được xưng công chính. Cũng bởi những lời nói của ngươi, ngươi sẽ bị phán tội.

Những khao khát, ưa thích chất chứa trong lòng của một người khiến cho người ấy nói ra ngoài miệng. Khi chúng ta nghe những người trong thế gian trò chuyện, chúng ta biết lòng họ đầy dẫy những gì. Khi chúng ta đọc Thi Thiên 119, chúng ta nhận thấy, sự tin kính Thiên Chúa và yêu quý Lời Chúa, khao khát được sống trong Chúa đầy dẫy trong lòng của tác giả.

Sự lành được dồn chứa trong lòng của một người là do người ấy hết lòng tìm kiếm Thiên Chúa và vâng phục Ngài, trung tín suy ngẫm Lời Hằng Sống của Ngài và làm theo. Vì thế lời nói và việc làm của họ chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa. Họ là muối của đất, là sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-14). Họ khiến cho thế gian được biết đến Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của Ngài. Họ xoa dịu những đau khổ và bất công trong thế gian, cho dù thường khi họ phải gánh chịu những đau khổ và bất công ấy.

Sự dữ được dồn chứa trong lòng của một người là do người ấy chỉ biết tìm kiếm những sự làm thỏa mãn lòng kiêu ngạo của mình và những sự tham muốn của xác thịt, cho dù có phải làm thiệt hại những người khác. Lời nói và việc làm của họ là dối trá và gian ác. Họ dự phần trong sự gây ra những đau khổ và bất công trong thế gian.

Tất cả những người không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều sẽ phải chịu sự phán xét công chính về mỗi tội lỗi của mình, trong ngày phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15). Ngay cả mỗi lời nói vô ích của họ cũng sẽ được ghi chép lại trong sách của Thiên Chúa và được mang ra phán xử. Lời nói vô ích là lời nói không đem lại sự giúp ích cho người nghe, không làm tôn vinh Thiên Chúa. Nếu những lời nói vô ích còn bị phán xét thì những lời nói dữ đem lại sự thiệt hại cho người nghe và người được nói đến, nhất là những lời xúc phạm Thiên Chúa, sẽ càng đáng bị phán xét càng hơn.

Đối với con dân Chúa, vấn đề không phải là biết kiềm giữ môi miệng mình để không phát ra lời nói dữ hoặc lời nói vô ích, mà là chọn và tìm kiếm những sự tốt lành để chất chứa trong lòng mình. Chỉ có một cách duy nhất để làm điều đó là trung tín thực hiện Giô-suê 1:8 mỗi ngày, để được Lời Hằng Sống của Thiên Chúa thánh hóa chúng ta [1], [2], [3], [4].

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/04/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.thanhkinhvietngu.net/suy-ngam-loi-chua/

[2] https://threesixteenfamily.com/suyngamloichua/

[3] https://t.me/+iKZahqDUf4cyOTQ5

[4] https://t.me/thanhkinhhangngay

Karaoke Thánh Ca: “Bởi Ngài Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/boi-ngai-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.