YouTube: https://youtu.be/QWbiCH5XOL0
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL064 Đức Chúa Jesus Phán Dạy Những Người Pha-ri-si (1)
Lu-ca 11:37-54
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Lu-ca 11:37-54
37 Trong khi Ngài phán, có một người Pha-ri-si kia đã mời Ngài dùng bữa với người. Ngài đã đi và ngồi vào bàn.
38 Người Pha-ri-si đã ngạc nhiên, thấy Ngài không rửa tay trước bữa ăn.
39 Nhưng Chúa đã phán với người: Hiện tại, các ngươi, những người Pha-ri-si, làm sạch bề ngoài chén và mâm, nhưng bề trong của các ngươi thì đầy sự trộm cướp và ý dữ.
40 Hỡi những kẻ dại! Chẳng phải Đấng đã làm nên bề ngoài cũng làm nên bề trong sao?
41 Nhưng các ngươi hãy ban cho những sự bên trong, làm sự từ thiện, thì kìa, mọi sự là sạch cho các ngươi.
42 Nhưng khốn cho các ngươi, những người Pha-ri-si! Vì các ngươi nộp một phần mười về bạc hà, hồi hương, cùng mọi thứ rau, mà bỏ qua công lý và tình yêu của Đức Chúa Trời. Các sự ấy các ngươi nên làm, mà cũng không bỏ qua các sự kia.
43 Khốn cho các ngươi, những người Pha-ri-si! Vì các ngươi ưa những chỗ ngồi cao nhất trong những nhà hội và những sự chào hỏi trong những chợ.
44 Khốn cho các ngươi, những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, những kẻ giả hình! Vì các ngươi giống như những mả loạn, người ta bước lên trên mà không biết!
45 Một thầy dạy luật kia đáp lời Ngài rằng: Thưa thầy, nói như vậy thì Ngài cũng sỉ nhục chúng tôi.
46 Ngài đã phán: Cũng khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật! Vì các ngươi chất cho người ta những gánh nặng khó mang mà chính các ngươi thì không chạm đến những gánh nặng đó, dù với một ngón tay của các ngươi.
47 Khốn cho các ngươi! Vì các ngươi xây những mồ mả của các tiên tri mà các tổ phụ của các ngươi đã giết họ.
48 Thật, các ngươi làm chứng và ưng thuận những việc làm của các tổ phụ của các ngươi. Vì các tổ phụ của các ngươi thật đã giết họ, còn các ngươi xây mồ mả của họ.
49 Vậy nên, sự khôn sáng của Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ sai các tiên tri và các sứ đồ đến với chúng nó. Chúng nó sẽ giết và bách hại một số trong họ,
50 để cho máu của hết thảy tiên tri đã đổ ra, từ khi đặt nền thế gian, sẽ được đòi lại từ thế hệ này.
51 Từ máu của A-bên cho đến máu của Xa-cha-ri đã bị giết giữa khoảng bàn thờ và Đền Thờ. Thật, Ta nói với các ngươi, chúng sẽ được đòi lại từ thế hệ này.
52 Khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật! Vì các ngươi đã lấy đi chìa khóa của sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không vào và các ngươi đã ngăn cản những người vào.
53 Khi Ngài đã phán những sự này cho họ, những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si đã bắt đầu ép Ngài dữ tợn để Ngài phải nói nhiều điều.
54 Họ đã rình rập Ngài, tìm cách bắt bẻ điều gì ra từ miệng của Ngài để họ có thể cáo tội Ngài.
Trong bài này, chúng ta sẽ học về sự Đức Chúa Jesus phán dạy những người Pha-ri-si lần thứ nhất, như đã được Lu-ca ghi lại trong Lu-ca 11:37-54. Mặc dù nội dung lời phán dạy có nhiều chỗ trùng hợp với sự Đức Chúa Jesus quở trách những người Pha-ri-si được ghi lại trong Ma-thi-ơ 23; nhưng hai sự kiện xảy ra vào hai thời điểm và hai địa điểm khác nhau. Sự kiện này đã xảy ra trong nhà của một người Pha-ri-si, sau khi Đức Chúa Jesus từ chối làm dấu lạ theo yêu cầu của những người Pha-ri-si.
37 Trong khi Ngài phán, có một người Pha-ri-si kia đã mời Ngài dùng bữa với người. Ngài đã đi và ngồi vào bàn.
Người Pha-ri-si mời Đức Chúa Jesus dùng bữa là người có nhà tại Ca-bê-na-um. Có lẽ ông cũng là một trong những người Pha-ri-si muốn xem Ngài làm ra dấu lạ từ trời. Có lẽ ông nghe Chúa phán những lời quở trách nặng cả thế hệ I-sơ-ra-ên vào thời ấy nên có ý mời Ngài về nhà để tiện tra hỏi thêm mà không bị Ngài nói những lời quở trách trước các đám dân đông.
Danh từ “bữa” được dùng trong câu này chỉ về bữa ăn trưa, khoảng 12 giờ. Người I-sơ-ra-ên có hai bữa ăn chính, một vào bữa trưa và một vào buổi chiều tối, khoảng 7 giờ, sau khi mặt trời lặn. Bữa ăn tối có nhiều thức ăn hơn bữa ăn trưa. Những người lao động thường đem theo một ít lương khô để ăn điểm tâm vào buổi sáng.
Đức Chúa Jesus đã nhận lời mời của người Pha-ri-si, đi đến nhà của ông và ngồi vào bàn ăn. Chúng ta có thể hiểu, trong bữa ăn cũng có mặt những người Pha-ri-si khác.
38 Người Pha-ri-si đã ngạc nhiên, thấy Ngài không rửa tay trước bữa ăn.
39 Nhưng Chúa đã phán với người: Hiện tại, các ngươi, những người Pha-ri-si, làm sạch bề ngoài chén và mâm, nhưng bề trong của các ngươi thì đầy sự trộm cướp và ý dữ.
Người Pha-ri-si chủ nhà đã tỏ ra ngạc nhiên, khi thấy Đức Chúa Jesus không rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn, theo phong tục của người I-sơ-ra-ên và cũng là luật của Do-thái Giáo. Dù ông không hỏi Chúa nhưng Chúa biết ý tưởng của ông và Ngài đã phán với ông. Lời phán của Chúa lại là một lời quở trách khác, quở trách trực tiếp những người Pha-ri-si.
“Hiện tại” không có nghĩa là vào thời điểm của bữa ăn mà là vào thời buổi của thế hệ dân I-sơ-ra-ên lúc bấy giờ.
“Làm sạch bề ngoài chén và mâm” là sự những người Pha-ri-si giữ vệ sinh thuộc thể theo phong tục và luật của Do-thái Giáo.
“Nhưng bề trong của các ngươi thì đầy sự trộm cướp và ý dữ” là sự những người Pha-ri-si đã không giữ cho tâm thần và linh hồn của họ được thánh khiết. “Sự trộm cướp” là sự ham muốn chiếm đoạt những gì không thuộc về mình, kể cả chiếm đoạt sự vinh quang của Đức Chúa Trời. “Ý dữ” là những ý tưởng độc ác và gian trá; những ý tưởng giúp cho họ có thể hoàn thành những sự trộm cướp và thỏa mãn những sự ham muốn bất chính.
Thực tế, những gì Đức Chúa Jesus phán về những người Pha-ri-si, được ghi lại trong Thánh Kinh, đều có thể áp dụng cho hầu hết những người mang danh là người hầu việc Chúa trong các giáo hội mang danh Chúa. Ngày nay, có rất nhiều người xưng mình là “bậc đáng tôn kính” (reverend), một từ ngữ chỉ được Thánh Kinh dùng một lần trong Thi Thiên 111:9 để nói về danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu [1]. Thật là lố bịch và phạm thượng Thiên Chúa, khi một người tự xưng mình là “bậc đáng tôn kính”.
40 Hỡi những kẻ dại! Chẳng phải Đấng đã làm nên bề ngoài cũng làm nên bề trong sao?
Đức Chúa Jesus gọi thẳng những người Pha-ri-si là “những kẻ dại”. Kẻ dại là kẻ không có sự khôn sáng, thiếu hiểu biết. Những người Pha-ri-si rất tự hào họ là những người tin kính Thiên Chúa và hiểu biết Lời Chúa. Tất cả họ đều tự biệt riêng đời sống để phụng sự Thiên Chúa [2]. Trong số họ, có những người chuyên việc sao chép và giải thích Thánh Kinh, được gọi là những thầy thông giáo; có những người chuyên dạy các điều răn và luật pháp của Thánh Kinh, được gọi là những thầy dạy luật. Vì thế, chắc chắn họ rất là ngạc nhiên và tức giận, khi nghe Đức Chúa Jesus gọi họ là những kẻ dại. Tuy nhiên, họ thật sự là những kẻ dại. Vì họ chỉ hiểu biết Thánh Kinh bằng lý trí chứ không bằng thần trí. Nghĩa là không có sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa. Vì thế, họ đã không hiểu đúng Lời Chúa, không thể sống theo Lời Chúa. Mọi sự thờ phượng Thiên Chúa của họ chỉ là hình thức thiêng liêng, thánh khiết bên ngoài, như chén và mâm được rửa sạch, như thân hình được tắm gội và xức dầu thơm.
Đức Chúa Jesus nhấn mạnh đến sự kiện, Đức Chúa Trời là Đấng làm nên bề ngoài, tức thân thể xác thịt của họ, cũng là Đấng làm nên bề trong, tức tâm thần và linh hồn của họ. Vì thế, không phải họ chỉ có bổn phận giữ cho bề ngoài của họ được tinh sạch mà họ cũng phải giữ cho bề trong của họ được tinh sạch. Bề ngoài có thể làm cho tinh sạch bằng sự tắm rửa nhưng bề trong phải được làm cho tinh sạch bằng sự suy ngẫm và làm theo Lời Chúa.
41 Nhưng các ngươi hãy ban cho những sự bên trong, làm sự từ thiện, thì kìa, mọi sự là sạch cho các ngươi.
“Những sự bên trong” có thể hiểu là những sự bên trong chén và mâm, tiêu biểu cho của cải, vật chất nhưng cũng có thể hiểu là những sự tốt lành, lòng thương xót bên trong một người mà Đức Chúa Trời đã làm nên trong người ấy. Một người nên chia sớt những gì mình có, với lòng thương xót, cho những ai khó nghèo.
“Sự từ thiện” có nghĩa là hành động ban cho với lòng thương xót để cứu giúp người cần được cứu giúp.
Khi một người sống với lòng thương xót, biết ban cho, thì trong người ấy sẽ không có sự trộm cướp và ý dữ, người ấy được sạch.
42 Nhưng khốn cho các ngươi, những người Pha-ri-si! Vì các ngươi nộp một phần mười về bạc hà, hồi hương, cùng mọi thứ rau, mà bỏ qua công lý và tình yêu của Đức Chúa Trời. Các sự ấy các ngươi nên làm, mà cũng không bỏ qua các sự kia.
Những người Pha-ri-si chỉ phụng sự Thiên Chúa theo hình thức bên ngoài. Họ trung tín nộp phần mười các thứ hoa lợi, mà không sống nếp sống thể hiện công lý và tình yêu của Đức Chúa Trời. Họ nộp phần mười các thứ hoa lợi cho Thiên Chúa nhưng lại trộm cướp của những người nghèo bằng những luật lệ do họ đặt ra. Công lý của Đức Chúa Trời tức là lẽ phải, bao gồm các điều răn và luật pháp. Tình yêu của Đức Chúa Trời là loài người phải yêu lẫn nhau như yêu chính bản thân. Những người Pha-ri-si đã đối xử bất công với những người khác và không biết yêu thương những người khác.
“Các sự ấy các ngươi nên làm” là các sự thể hiện công lý và tình yêu của Đức Chúa Trời. Đó là các sự quan trọng hơn các sự dâng hiến.
“Không bỏ qua các sự kia” là không bỏ qua các sự dâng hiến phần mười hoa lợi lên Đức Chúa Trời.
43 Khốn cho các ngươi, những người Pha-ri-si! Vì các ngươi ưa những chỗ ngồi cao nhất trong những nhà hội và những sự chào hỏi trong những chợ.
44 Khốn cho các ngươi, những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, những kẻ giả hình! Vì các ngươi giống như những mả loạn, người ta bước lên trên mà không biết!
Những người Pha-ri-si không có tính khiêm nhường. Trái lại, họ tỏ ra cách lộ liễu sự họ muốn được nhiều người tôn cao họ. Trong các nhà hội, có chỗ ngồi trang trọng dành cho họ. Trong các nơi công cộng như đường phố và chợ, họ muốn dân chúng nhận biết họ và cất tiếng chào họ cách cung kính.
“Kẻ giả hình” là người tỏ vẻ có đạo đức, có lòng tin kính nhưng nếp sống thực thì không phải như vậy. Trong nguyên ngữ Hy-lạp (G5273) đây là danh từ có nghĩa đen là diễn viên đóng các vai trò khác với người thật của mình; có nghĩa bóng là người đạo đức giả.
“Mả loạn” trong tiếng Việt dùng để chỉ mồ mả bị bỏ hoang, lâu ngày khó mà nhận ra. Có khi bị nói trại thành “mả lạng”. Danh từ này được dùng để dịch từ ngữ “mả” (G3419) và từ ngữ “không lộ ra” (G82) của tiếng Hy-lạp.
Đức Chúa Jesus ví những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si như những mồ mả bị bỏ hoang lâu ngày, không còn nhận ra được nên người ta đạp trên chúng mà không biết. Theo luật trong Cựu Ước, mồ mả là nơi ô uế, người nào đụng đến mồ mả thì bị ô uế, phải làm nghi thức tẩy uế (Dân Số Ký 19:16, 18). Người đạp lên mả loạn không biết mình đã bị ô uế, vì không nhận ra đó là mồ mả. Những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si ô uế bên trong như những mồ mả chứa hài cốt. Họ là ô uế nhưng những người tiếp xúc với họ không nhận ra họ là ô uế. Vì những sự tội lỗi của họ không thể hiện ra bên ngoài cho người ta nhận biết.
45 Một thầy dạy luật kia đáp lời Ngài rằng: Thưa thầy, nói như vậy thì Ngài cũng sỉ nhục chúng tôi.
46 Ngài đã phán: Cũng khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật! Vì các ngươi chất cho người ta những gánh nặng khó mang mà chính các ngươi thì không chạm đến những gánh nặng đó, dù với một ngón tay của các ngươi.
Thật sự, lời phán của Đức Chúa Jesus rất là nặng nề, khó nghe. Chúng ta có thể hình tưởng ra thái độ tức giận của những thầy thông giáo, những thầy dạy luật, và những người Pha-ri-si đang có mặt. Vì thế, một thầy dạy luật đã lên tiếng phản đối, cho rằng Đức Chúa Jesus đang sỉ nhục họ.
Đức Chúa Jesus đã nhân cơ hội, tố cáo luôn những thầy dạy luật. Họ dạy cho dân chúng các điều luật trong Thánh Kinh nhưng cũng dạy cho dân chúng các luật lệ của Do-thái Giáo, do chính những người Pha-ri-si đặt ra. Những luật lệ của Do-thái Giáo bẻ cong Lời Chúa, làm cho Lời Chúa trở thành gánh nặng cho con dân Chúa. Họ buộc dân chúng phải giữ những luật lệ mà chính bản thân họ thì không hề giữ. Đức Chúa Jesus ví những luật lệ vô lý đó như những gánh nặng khó mang. Còn những thầy dạy luật nói riêng và những người Pha-ri-si nói chung thì không hề làm theo, dù chỉ là một phần rất nhỏ.
47 Khốn cho các ngươi! Vì các ngươi xây những mồ mả của các tiên tri mà các tổ phụ của các ngươi đã giết họ.
Đức Chúa Jesus phán tiếp về sự những người Pha-ri-si đứng ra xây mồ mả cho các tiên tri đã từng bị các tổ phụ của họ giết chết. Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại hai trường hợp cụ thể, tiên tri của Chúa bị chính người I-sơ-ra-ên giết:
-
Tiên Tri Xa-cha-ri bị Vua Giô-ách ra lệnh ném đá ngay tại trong hành lang Đền Thờ Thiên Chúa (II Sử Ký 24:20-22).
-
Tiên Tri U-ri bị Vua Giê-hô-gia-kim ra lệnh giết bằng gươm (Giê-rê-mi 26:20-23).
Những người Pha-ri-si có thói quen tu bổ mồ mả của các tiên tri và các tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên. Tại Hếp-rôn, dân I-sơ-ra-ên có một cái hang gọi là “Hang Các Tổ Phụ”, tức là hang đá của cánh đồng Mặc-bê-la được nói đến trong Sáng Thế Ký đoạn 23. Trong hang đá đó là nơi an táng Áp-ra-ham, I-sác, Gia-cốp, Sa-ra, Rê-bê-ca, và Lê-a [3]. Thậm chí, dân I-sơ-ra-ên có lời truyền khẩu cho rằng, hài cốt của A-đam và Ê-va cũng được chôn cất trong hang đá Mặc-bê-la. Mặc dù có lời khác cho rằng họ được chôn tại Gô-gô-tha, nơi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh [4].
48 Thật, các ngươi làm chứng và ưng thuận những việc làm của các tổ phụ của các ngươi. Vì các tổ phụ của các ngươi thật đã giết họ, còn các ngươi xây mồ mả của họ.
Những người Pha-ri-si phô trương rằng, họ tu bổ mồ mả của các tiên tri đã bị giết là để tỏ lòng tôn kính các tiên tri ấy. Nhưng thực tế, việc làm của họ chẳng khác nào họ nhắc cho mọi người nhớ hành động giết các tiên tri của đời trước, tức là họ làm chứng cho sự các tổ phụ của họ đã giết các tiên tri. Và khi làm như vậy, chẳng khác nào họ đồng thuận với sự các tổ phụ họ giết các tiên tri. Có thể ngoài miệng họ nói rằng, nếu là họ thì họ sẽ không giết các tiên tri như các tổ phụ của họ (Ma-thi-ơ 23:30). Nhưng thực tế thì họ sẽ hành động y như các tổ phụ của họ. Không bao lâu sau, chính họ đã nhiều lần tìm cách giết Đức Chúa Jesus, Đấng Tiên Tri lớn hơn hết trong các tiên tri. Và sau cùng, họ đã dự phần trong sự giết chết Ngài.
49 Vậy nên, sự khôn sáng của Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ sai các tiên tri và các sứ đồ đến với chúng nó. Chúng nó sẽ giết và bách hại một số trong họ,
50 để cho máu của hết thảy tiên tri đã đổ ra, từ khi đặt nền thế gian, sẽ được đòi lại từ thế hệ này.
51 Từ máu của A-bên cho đến máu của Xa-cha-ri đã bị giết giữa khoảng bàn thờ và Đền Thờ. Thật, Ta nói với các ngươi, chúng sẽ được đòi lại từ thế hệ này.
Sự khôn sáng của Đức Chúa Trời tức là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, như đã được nói đến trong Châm Ngôn đoạn 8 và đoạn 9. Có nhiều người cho rằng, sự khôn sáng được nói đến trong Châm Ngôn là Thiên Chúa Ngôi Lời. Nhưng thực tế, Thiên Chúa Ngôi Lời là Đấng thực hiện công cuộc sáng tạo với sự hiện diện của Đấng Thần Linh, tức là Sự Khôn Sáng (Châm Ngôn 8:22-30). Danh hiệu “Thần Khôn Sáng” là danh hiệu của Đấng Thần Linh (Ê-sai 11:2).
“Sự khôn sáng của Đức Chúa Trời đã phán” có nghĩa là Đấng Thần Linh đã phán trong thần trí của Đức Chúa Jesus các lời mà Đức Chúa Jesus phán ra sau đó. Trong Ma-thi-ơ 23:34-35, Đức Chúa Jesus đã nhắc lại lời trên đây một cách chi tiết hơn.
Đại danh từ “chúng nó” là chỉ chung thế hệ dân I-sơ-ra-ên vào lúc ấy. Giăng Báp-tít và Đức Chúa Jesus là hai tiên tri vào thời ấy. Ngoài 12 sứ đồ Chúa đã sai đi, về sau còn có các sứ đồ khác, như Phao-lô và Ba-na-ba. Họ cũng đều có giảng cho dân I-sơ-ra-ên.
Theo lời phán của Đức Chúa Jesus thì thế hệ dân I-sơ-ra-ên vào thời của Ngài là thế hệ gánh lấy hình phạt cho tất cả những tội ác của loài người trong sự giết hại những tiên tri của Thiên Chúa.
Chúng ta cần suy ngẫm mấy điều sau đây:
-
Tiên tri của Thiên Chúa là người được Chúa dùng để rao giảng thánh ý của Ngài cho loài người. Áp-ra-ham được chính Đức Chúa Trời gọi là tiên tri (Sáng Thế Ký 20:7). Qua lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta hiểu rằng, A-bên cũng là một tiên tri. Chúng ta có thể hiểu rằng, sự A-bên dâng sinh tế chính là hành động báo trước sự hy sinh của Đấng Christ để cứu chuộc loài người.
-
Hành động giết tiên tri của Thiên Chúa sẽ bị hình phạt.
-
Từ A-bên cho tới Áp-ra-ham chưa có dân I-sơ-ra-ên. Vì dân I-sơ-ra-ên là con cháu đời thứ ba của Áp-ra-ham. Nhưng máu của A-bên vẫn được đòi lại từ dân I-sơ-ra-ên. Chúng tôi hiểu rằng, là vì dân I-sơ-ra-ên đại diện cho muôn dân trên đất.
-
Thế hệ dân I-sơ-ra-ên vào thời của Đức Chúa Jesus là thế hệ giết Đấng Tiên Tri lớn hơn hết trong các tiên tri, là Đức Chúa Jesus. Vì vậy, thế hệ ấy thay cho toàn thể loài người gánh lấy án phạt về sự giết chết các tiên tri của Thiên Chúa, kể từ khi sáng thế. Thực tế, Đức Chúa Trời đã dùng lính La-mã tàn sát dân I-sơ-ra-ên, trong cuộc chiến giữa người La-mã và người I-sơ-ra-ên từ năm 66 tới năm 73. Năm 66 dân I-sơ-ra-ên nổi loạn chống lại người La-mã. Năm 67 quân lính La-mã bắt đầu phản công và tàn sát dân I-sơ-ra-ên. Năm 70 thành Giê-ru-sa-lem thất thủ, cả thành và Đền Thờ Thiên Chúa bị quân lính La-mã phá hủy. Năm 73 những đồn lũy cuối cùng của dân I-sơ-ra-ên bị tiêu diệt. Hàng triệu người I-sơ-ra-ên đã bị giết và dân I-sơ-ra-ên bị cấm, không được ở lại Giê-ru-sa-lem [5].
Ngày nay, mỗi con dân Chúa là một tiên tri của Đức Chúa Trời, rao giảng Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài. Bất cứ ai bách hại con dân Chúa chính là bách hại tiên tri của Thiên Chúa. Nếu họ không kịp thời ăn năn thì trong ngày phán xét chung cuộc, họ sẽ bị xét xử về tội bách hại tiên tri của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có rất nhiều con dân Chúa đã không làm tròn bổn phận tiên tri của mình.
52 Khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật! Vì các ngươi đã lấy đi chìa khóa của sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không vào và các ngươi đã ngăn cản những người vào.
“Chìa khóa của sự hiểu biết” là cách thức suy ngẫm Lời Chúa để nhận biết mọi lẽ thật của Lời Chúa. Những thầy dạy luật là những người dạy cho dân chúng biết Lời Chúa. Họ là những người đọc thông, viết thạo, thường xuyên tiếp cận Lời Chúa. Vì thế, họ phải là những người có sự hiểu biết Lời Chúa. Thế nhưng thay vì có sự hiểu biết chân chính về Lời Chúa bằng cách hết lòng suy ngẫm và cầu xin sự soi sáng từ nơi Chúa, thì họ lại bẻ cong Lời Chúa bởi những giáo lý của Do-thái Giáo.
Sự hiểu biết đúng Lời Chúa và làm theo khiến cho người ta vào được Vương Quốc Trời. Những thầy dạy luật đã không vào Vương Quốc Trời mà còn dạy tà giáo cho những người khác, khiến cho họ cũng không thể vào được Vương Quốc Trời.
53 Khi Ngài đã phán những sự này cho họ, những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si đã bắt đầu ép Ngài dữ tợn để Ngài phải nói nhiều điều.
54 Họ đã rình rập Ngài, tìm cách bắt bẻ điều gì ra từ miệng của Ngài để họ có thể cáo tội Ngài.
Có lẽ Đức Chúa Jesus đã không được ăn chút nào. Vì từ khi Ngài ngồi vào bàn ăn thì Ngài đã phán dạy liên tục cho những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si. Sau khi nghe Chúa phán về những thầy dạy luật thì họ đã bắt đầu dùng lời nói để ép Chúa nói thêm. Họ mong rằng, qua những lời Chúa phán, họ có thể tìm thấy chỗ để bắt lỗi Ngài và lên án Ngài.
Động từ “ép” (G1758) trong câu 53 có nghĩa đen là ràng buộc bằng lời nói; có nghĩa bóng là dùng lời nói để gài bẫy.
Chúng ta có thể thấy, những người Pha-ri-si đang có mặt đã không mở lòng ra tiếp nhận lẽ thật trong lời phán của Đức Chúa Jesus. Hơn ai hết, họ biết rõ con người bên trong của họ. Họ biết rõ lời phán của Chúa là thật. Nhưng họ đã chọn sống theo ý riêng, thỏa mãn sự kiêu ngạo của lòng, thỏa mãn những sự tham muốn của xác thịt và của mắt (I Giăng 2:16), thay vì ăn năn và đến với ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ đã hết sức tìm cách gài bẫy Chúa trong lời nói để có thể buộc tội Ngài và tiêu diệt Ngài. Họ hoàn toàn mang bản tính gian ác của các tổ phụ của họ, sẵn sàng giết chết các tiên tri của Thiên Chúa, khi bị chỉ ra những tội lỗi của họ. Chỉ một số rất ít trong những người Pha-ri-si là tin nhận Tin Lành. Trong đó, có nghị viên Giô-sép của Tòa Công Luận và Giáo Sư Ni-cô-đem, hai người đã xức dầu cho xác Chúa và an táng Ngài.
Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa cũng có vô số những người mang danh là người chăn, người rao giảng Tin Lành, người giảng dạy Lời Chúa, giám mục, trưởng lão, chấp sự nhưng có nếp sống giả hình như những người Pha-ri-si thời xưa. Họ dùng các giáo lý không có trong Thánh Kinh của các giáo hội, dẫn con dân Chúa đi xa lạc lẽ thật của Lời Chúa. Họ xem trọng các điều răn, giáo điều do loài người đặt ra hơn là các điều răn của Thiên Chúa. Sự thờ phượng và phụng sự Chúa của họ chỉ là hình thức bên ngoài, lòng của họ thì đầy dẫy sự trộm cướp và ý dữ. Sự trộm cướp lớn nhất trong họ là sự họ cướp lấy sự vinh quang của danh Thiên Chúa, qua sự họ tự xưng mình là “bậc đáng tôn kính”. Họ khiến con dân Chúa phải cung phụng họ và tôn vinh họ. Ý dữ lớn nhất trong họ là ý nghĩ cho rằng, giáo hội của họ là Hội Thánh của Chúa. Họ dùng những tà giáo trong các giáo hội của họ để ngăn cản nhiều người vào Vương Quốc Trời và đưa nhiều người vào sự hư mất đời đời.
Những con dân chân thật của Chúa, hết lòng tin kính Chúa, trung tín suy ngẫm Lời Chúa sẽ dễ dàng nhận biết sự giả hình của họ và lập tức tránh xa họ.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/05/2024
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://timhieuthanhkinh.com/danh-xung-muc-su-va-reverend/
[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/8-pha-ri-si
[3] https://www.jewishvirtuallibrary.org/tomb-of-the-patriarchs-ma-arat-hamachpelah
[4] https://christianfaithguide.com/where-is-adam-and-eves-grave/
[5] https://josephus.org/warChronologyIntro.htm
Karaoke Thánh Ca: “Jesus Bỗng Đến”
https://karaokethanhca.net/jesus-bong-den/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.