Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL066 Các Ngụ Ngôn về Nước Trời: Cỏ Lùng – Hạt Mù-tạt – Hạt Giống – Men

369 views

YouTube: https://youtu.be/OzDjqqTNd9M

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL066 Các Ngụ Ngôn về Nước Trời:
Cỏ Lùng – Hạt Mù-tạt – Hạt Giống – Men
Ma-thi-ơ 13:24-43; Mác 4:26-34; Lu-ca 13:18-21

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 13:24-43

24 Ngài đã đưa ra cho họ một ngụ ngôn khác, rằng: Vương Quốc Trời được so sánh với một người gieo giống tốt trong ruộng của mình.

25 Nhưng khi người ta ngủ, kẻ thù nghịch của người ấy đã đến, gieo cỏ lùng vào trong giữa lúa mì, rồi đi.

26 Khi lúa mì đã lớn lên và kết hạt thì cỏ lùng cũng đã hiện ra.

27 Các tôi tớ của chủ nhà đã đến, thưa với người: Thưa chủ, chẳng phải ngài đã gieo giống tốt trong ruộng của ngài sao? Vậy, bởi đâu mà có cỏ lùng?

28 Người đã nói với họ: Một người thù nghịch đã làm điều đó. Các tôi tớ đã thưa với người: Vậy, ngài có muốn chúng tôi đi thu thập chúng không?

29 Người đã nói: Không! Kẻo khi các ngươi thu thập những cỏ lùng, các ngươi cũng nhổ lúa mì chung với chúng.

30 Hãy để cho cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Trong thời điểm của mùa gặt, ta sẽ bảo những thợ gặt: Trước hết, các ngươi hãy thu thập cỏ lùng, bó chúng thành từng bó mà đốt chúng. Nhưng hãy gom lúa mì vào trong kho của ta.

31 Ngài đã đưa ra cho họ một ngụ ngôn khác, rằng: Vương Quốc Trời là giống như một hạt giống mù-tạt mà người kia lấy, gieo trong ruộng của mình.

32 Nó thật là nhỏ hơn tất cả các giống khác, nhưng khi đã mọc lên, nó là lớn nhất trong các thứ rau, và trở thành cây, mà những chim trời đến, trú ngụ trong các nhánh của nó.

33 Ngài đã phán một ngụ ngôn khác cho họ: Vương Quốc Trời là giống như men mà một người đàn bà lấy, trộn vào trong ba đấu bột, cho tới khi hết thảy đã lên men.

34 Đức Chúa Jesus đã phán với đoàn dân hết thảy các điều đó trong các ngụ ngôn. Ngài đã chẳng phán với họ mà không dùng ngụ ngôn.

35 Bởi đó, được ứng nghiệm lời đã nói bởi đấng tiên tri, rằng: Ta sẽ mở miệng của Ta trong những ngụ ngôn. Ta sẽ rao bảo các điều được giữ kín nhiệm từ buổi dựng nền của thế gian. [Thi Thiên 78:2]

36 Bấy giờ, Đức Chúa Jesus đã cho đoàn dân ra về, Ngài đã đi vào nhà. Các môn đồ của Ngài đã đến với Ngài, thưa: Xin giải thích cho chúng tôi ngụ ngôn về cỏ lùng trong ruộng.

37 Ngài đã đáp lời họ, rằng: Người đã gieo giống tốt là Con Người.

38 Ruộng là thế gian. Giống tốt, chúng là những con cái của Vương Quốc Trời. Những cỏ lùng là những con cái của Kẻ Dữ.

39 Kẻ thù nghịch đã gieo chúng là Ma Quỷ. Mùa gặt là kỳ tận thế. Những thợ gặt là những thiên sứ.

40 Vậy nên, như những cỏ lùng bị gom lại mà đốt trong lửa thì sự cuối cùng của thế gian này cũng sẽ như vậy.

41 Con Người sẽ sai những thiên sứ của Ngài gom lại mọi sự vấp phạm và những kẻ phạm pháp, đem ra khỏi vương quốc của Ngài.

42 Họ sẽ ném chúng vào trong lò lửa. Tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

43 Khi ấy, những người công chính sẽ chói rạng như mặt trời trong vương quốc của Cha mình. Ai có tai để nghe, hãy nghe!

Mác 4:26-34

26 Ngài đã phán: Vương Quốc của Đức Chúa Trời là như thế này, như khi một người ném hạt giống vào trong đất.

27 Người ngủ và thức dậy, đêm và ngày. Hạt giống cứ nảy chồi, mọc lên, mà người không biết thế nào.

28 Vì đất tự sinh ra hoa lợi, ban đầu là cây, kế đến là nhánh bông, rồi trĩu hạt trong nhánh bông.

29 Khi hạt đã chín, người liền tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã đến.

30 Ngài đã phán: Chúng ta sánh Vương Quốc của Đức Chúa Trời với sự gì? Hay trong ngụ ngôn nào mà chúng ta so sánh nó?

31 Nó giống như một hạt giống mù-tạt mà khi nó được gieo vào trong đất, thì nhỏ hơn hết thảy những hạt giống ở trong đất.

32 Nhưng khi nó đã được gieo, nó mọc lên, trở nên lớn hơn mọi thứ rau, trổ ra các nhánh lớn, đến nỗi những chim trời có thể trú ẩn dưới bóng của nó.

33 Ngài đã giảng Lời cho họ trong nhiều ngụ ngôn như vậy, theo khả năng họ nghe được.

34 Ngài đã không phán với họ mà không dùng ngụ ngôn. Khi ở riêng, Ngài đã giải thích mọi sự cho các môn đồ của mình.

Lu-ca 13:18-21

18 Ngài đã phán: Vương Quốc của Đức Chúa Trời giống như sự gì? Ta sẽ sánh nó với sự gì?

19 Nó là giống như một hạt giống mù-tạt mà một người lấy, ném vào trong vườn của mình. Nó mọc lên, trở thành cây lớn. Những chim trời cư trú trong các nhánh của nó.

20 Ngài đã lại phán: Ta sẽ sánh Vương Quốc của Đức Chúa Trời với sự gì?

21 Nó là giống như men mà một người đàn bà lấy, trộn vào trong ba đấu bột, cho tới khi hết thảy đã lên men.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học các ngụ ngôn cỏ lùng, hạt mù-tạt, sự lớn lên của hạt giống, và sức trương nở của men. Chúng đều là các ngụ ngôn về Vương Quốc Trời mà Đức Chúa Jesus đã phán dạy, liền sau khi Ngài phán dạy ngụ ngôn về người gieo giống. Thời gian và địa điểm Chúa phán dạy vẫn là buổi chiều của một ngày Sa-bát, bên bờ Biển Ga-li-lê, gần thành Ca-bê-na-um.

Chúng tôi nghĩ rằng, có thể Lu-ca ghi lại ngụ ngôn về hạt mù-tạt và men đã được Đức Chúa Jesus phán dạy trong một thời gian và một địa điểm khác. Là lần phán dạy không cùng thời gian và địa điểm Chúa phán dạy được Ma-thi-ơ và Mác ghi lại. Sự Đức Chúa Jesus lặp lại lời phán dạy của Ngài trong nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau là điều bình thường, trong linh vụ của Ngài.

Ma-thi-ơ 13:24-25

24 Ngài đã đưa ra cho họ một ngụ ngôn khác, rằng: Vương Quốc Trời được so sánh với một người gieo giống tốt trong ruộng của mình.

25 Nhưng khi người ta ngủ, kẻ thù nghịch của người ấy đã đến, gieo cỏ lùng vào trong giữa lúa mì, rồi đi.

Đức Chúa Jesus đã tiếp tục dùng một ngụ ngôn khác, liên quan đến việc gieo giống, để dạy một lẽ thật khác về Vương Quốc Trời. Ngài đã dùng hình ảnh của một người chủ ruộng cho gieo giống tốt trong ruộng của mình. Giống tốt là giống sẽ sinh ra hoa lợi cho chủ ruộng. Tuy nhiên, ban đêm, khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù nghịch của chủ ruộng đã lén lút đến, gieo những hạt giống của cỏ lùng vào trong ruộng của người ấy.

Cỏ lùng (G2215) là một loại cỏ có hình dạng gần giống như lúa mì, nên rất khó phân biệt nó với lúa mì, nhưng khi kết hạt thì hạt của nó mang màu đen. Trong hạt của cỏ lùng có độc tố, nếu ăn vào có thể gây chết người.

Mục đích của kẻ thù nghịch chủ ruộng là vừa làm thiệt hại năng suất của ruộng, vì cỏ lùng sẽ lấn áp lúa mì; vừa gây khó cho chủ ruộng trong việc thu hoạch lúa mì, vì phải tốn thời gian và công sức cho việc thu thập cỏ lùng.

Ma-thi-ơ 13:26-27

26 Khi lúa mì đã lớn lên và kết hạt thì cỏ lùng cũng đã hiện ra.

27 Các tôi tớ của chủ nhà đã đến, thưa với người: Thưa chủ, chẳng phải ngài đã gieo giống tốt trong ruộng của ngài sao? Vậy, bởi đâu mà có cỏ lùng?

Chỉ khi cỏ lùng kết hạt thì người ta mới thấy sự khác biệt giữa lúa mì và cỏ lùng. Chỉ khi ấy thì mới có thể nhìn thấy, đồng ruộng đã bị lẫn lộn rất nhiều cỏ lùng. Các tôi tớ của người chủ ruộng đã đến, thưa với chủ, báo cáo sự việc và nêu thắc mắc. Họ đã hỏi: Bởi đâu mà có cỏ lùng trong ruộng?

Ma-thi-ơ 13:28-30

28 Người đã nói với họ: Một người thù nghịch đã làm điều đó. Các tôi tớ đã thưa với người: Vậy, ngài có muốn chúng tôi đi thu thập chúng không?

29 Người đã nói: Không! Kẻo khi các ngươi thu thập những cỏ lùng, các ngươi cũng nhổ lúa mì chung với chúng.

30 Hãy để cho cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Trong thời điểm của mùa gặt, ta sẽ bảo những thợ gặt: Trước hết, các ngươi hãy thu thập cỏ lùng, bó chúng thành từng bó mà đốt chúng. Nhưng hãy gom lúa mì vào trong kho của ta.

Người chủ ruộng nghe các tôi tớ báo cáo thì hiểu ngay sự việc và đã trả lời cho họ rằng, một kẻ thù nghịch của mình đã làm ra chuyện đó. Khi các tôi tớ hỏi người chủ ruộng có muốn họ đi ra, thu thập những bụi cỏ lùng hay không, thì ông đã trả lời là không nên làm như vậy. Vì một lẽ đương nhiên là vào lúc ấy, rễ của cỏ lùng và rễ của lúa mì đã đan quyện lẫn nhau. Nếu nhổ cỏ lùng thì cũng cùng lúc nhổ luôn những bụi lúa mì chung quanh nó. Phương cách tốt nhất là để cho cỏ lùng lẫn lúa mì cứ tiếp tục lớn lên, cho tới mùa gặt. Khi đó, những thợ gặt sẽ làm công việc gặt những bông cỏ lùng trước, gom lại thành từng bó và đốt. Sau đó thì gặt những bông lúa mì và đem vào kho.

Mác 4:26-29

26 Ngài đã phán: Vương Quốc của Đức Chúa Trời là như thế này, như khi một người ném hạt giống vào trong đất.

27 Người ngủ và thức dậy, đêm và ngày. Hạt giống cứ nảy chồi, mọc lên, mà người không biết thế nào.

28 Vì đất tự sinh ra hoa lợi, ban đầu là cây, kế đến là nhánh bông, rồi trĩu hạt trong nhánh bông.

29 Khi hạt đã chín, người liền tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã đến.

Ngụ ngôn về sự lớn lên của hạt giống chỉ được ghi lại bởi Mác. Đức Chúa Jesus đã nói đến sự một người gieo giống xong thì phó thác những hạt giống đã gieo cho quy luật thiên nhiên, để nói đến sự phát triển tự nhiên của Vương Quốc Trời.

Người gieo giống, đi ra, gieo giống vào trong đất mà chúng ta hiểu là gieo những hạt giống lúa mì. Đêm và ngày trôi qua, người ấy sinh hoạt bình thường, không phải làm gì khác cho những hạt giống. Những hạt giống đã tự nảy chồi, lớn lên, dù người gieo giống không biết chúng đã phát triển như thế nào. Vì Thiên Chúa đã định sẵn cho mọi hạt giống ra từ đất, được nuôi dưỡng bởi đất, và lớn lên, kết quả, tùy theo loại (Sáng Thế Ký 1:11-12). Khi những hạt lúa đã chín thì người gieo giống chỉ cần làm công việc tra lưỡi hái để gặt lúa.

Người gieo giống tiêu biểu cho những người rao giảng Lời Chúa. Hạt giống tiêu biểu cho Lời Chúa. Đất tiêu biểu cho những người tiếp nhận Lời Chúa.

Người ngủ và thức dậy, đêm và ngày” tiêu biểu cho những người làm công việc rao giảng Lời Chúa vẫn sinh hoạt bình thường, sau khi rao giảng Lời Chúa.

Hạt giống cứ nảy chồi, mọc lên” tiêu biểu cho sự Lời Chúa phát triển trong lòng những người tiếp nhận Lời Chúa, thánh hóa họ, đổi mới họ.

Mà người không biết thế nào” tiêu biểu cho sự những người rao giảng Lời Chúa không hiểu được Lời Chúa phát triển bên trong những người tiếp nhận Lời như thế nào.

Vì đất tự sinh ra hoa lợi” tiêu biểu cho tấm lòng của những người vui mừng, tiếp nhận Lời Chúa và giữ Lời Chúa thì nhận được kết quả thuộc linh trong đời sống của họ.

Ban đầu là cây, kế đến là nhánh bông” tiêu biểu cho đức tin trở nên trụ cột trong đời sống của những người sống theo Lời Chúa, dẫn đến sự sinh ra nhánh bông, là các đức tính tốt trong họ, như đã liệt kê trong Ga-la-ti 5:22-23:

Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự từ ái, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.”

Trĩu hạt trong nhánh bông” tiêu biểu cho sự các đức tính tốt kết thành những việc lành trong đời sống của con dân Chúa.

Khi hạt đã chín, người liền tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã đến” tiêu biểu cho sự những người rao giảng Lời Chúa nhận được kết quả việc làm của mình, trong ngày Đấng Christ đến, khi họ đã đưa dắt được nhiều người vào Vương Quốc Trời.

Ma-thi-ơ 13:31-32

31 Ngài đã đưa ra cho họ một ngụ ngôn khác, rằng: Vương Quốc Trời là giống như một hạt giống mù-tạt mà người kia lấy, gieo trong ruộng của mình.

32 Nó thật là nhỏ hơn tất cả các giống khác, nhưng khi đã mọc lên, nó là lớn nhất trong các thứ rau, và trở thành cây, mà những chim trời đến, trú ngụ trong các nhánh của nó.

Mác 4:30-32

30 Ngài đã phán: Chúng ta sánh Vương Quốc của Đức Chúa Trời với sự gì? Hay trong ngụ ngôn nào mà chúng ta so sánh nó?

31 Nó giống như một hạt giống mù-tạt mà khi nó được gieo vào trong đất, thì nhỏ hơn hết thảy những hạt giống ở trong đất.

32 Nhưng khi nó đã được gieo, nó mọc lên, trở nên lớn hơn mọi thứ rau, trổ ra các nhánh lớn, đến nỗi những chim trời có thể trú ẩn dưới bóng của nó.

Lu-ca 13:18-19

18 Ngài đã phán: Vương Quốc của Đức Chúa Trời giống như sự gì? Ta sẽ sánh nó với sự gì?

19 Nó là giống như một hạt giống mù-tạt mà một người lấy, ném vào trong vườn của mình. Nó mọc lên, trở thành cây lớn. Những chim trời cư trú trong các nhánh của nó.

Tiếp theo, Đức Chúa Jesus đã dùng ngụ ngôn về hạt giống mù-tạt để nói đến sức mạnh trong sự phát triển của Vương Quốc Trời.

Hạt giống mù-tạt
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2024/05/MustardSeed.jpg

Cây mù-tạt
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2024/05/MustardTree.jpg

Trong một số bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ đã dịch là “hạt cải” nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì nói đến hạt giống của cây mù-tạt (G4615). Vì nó có thân và nhánh cứng, cùng với chiều cao như các loại cây khác.

Nó thật là nhỏ hơn tất cả các giống khác” hoặc “nhỏ hơn hết thảy những hạt giống ở trong đất” không có nghĩa nó là loại hạt giống nhỏ nhất trong tất cả các loại hạt giống ở trong thế gian. Nhưng nó là nhỏ hơn hết trong các loại hạt giống được nông dân gieo trồng trong đất.

Hạt giống của cây mù-tạt tuy có kích thước rất nhỏ so với các loại hạt giống nhưng khi mọc thành cây thì cây mù-tạt lớn hơn hết trong các loại rau. Nó có thể cao đến 7 mét và nhánh lá cũng tỏa rộng tương đương với chiều cao. Mù-tạt là loại cây phát triển rất nhanh. Chỉ khoảng sáu tuần, sau khi nảy mầm, thì rễ của nó đã bám chắc trong đất và nhánh lá đã lan rộng, bắt đầu ra hoa, kết hạt. Lá, trái, và hạt mù-tạt được dùng làm thức ăn và dược thảo.

Quý con dân Chúa có thể xem một đoạn phim về hạt giống và cây mù-tạt tại đây: https://sourceflix.com/the-mustard-tree/

Chúng ta thấy, Ma-thi-ơ ghi là “gieo trong ruộng”, Mác ghi là “gieo vào trong đất”, Lu-ca ghi là “gieo vào vườn”. Một lần nữa, chúng tôi nghĩ rằng, Ma-thi-ơ, một sứ đồ trực tiếp nghe Chúa phán dạy, đã ghi lại trung thực lời phán của Chúa, còn Mác và Lu-ca thì ghi lại theo lời tường thuật của người kể chuyện. Người kể chuyện cho Mác và Lu-ca có thể dùng các từ ngữ khác nhau, nhưng cùng ý nghĩa chính, để thuật lại lời phán của Chúa.

Sự tương phản rất lớn giữa hạt giống và cây mù-tạt trưởng thành tiêu biểu cho sự phát triển rất nhanh và rất mạnh mẽ của Vương Quốc Trời. Từ lời rao giảng của một người bị đóng đinh tới chết trên thập tự giá, Vương Quốc Trời đã được hình thành và liên tục phát triển suốt gần hai ngàn năm qua. Hàng tỉ người đã tuyên xưng đức tin vào Vương Quốc Trời, dù thực tế, không phải tất cả họ đều sống theo đức tin. Hàng chục triệu, thậm chí có thể hàng trăm triệu người đã hy sinh mạng sống của họ và của gia đình họ, vì đức tin vào Vương Quốc Trời.

Những chim trời đến trú ngụ trong các nhánh của cây mù-tạt tiêu biểu cho sự con dân Chúa được cư trú trong Vương Quốc Trời. Mặc dù trong ngụ ngôn về người gieo giống, những chim trời tiêu biểu cho ma quỷ, nhưng những chim trời cũng có thể tiêu biểu cho con dân Chúa. Vì những chim trời là tạo vật của Thiên Chúa, được Đức Chúa Trời chăm sóc chu đáo, đến nỗi, nếu không bởi thánh ý của Ngài thì một con chim sẻ cũng không thể bị rơi xuống đất (Ma-thi-ơ 10:29). Chúng ta thấy, Thánh Kinh dùng hình ảnh của sư tử để tiêu biểu cho Ma Quỷ (I Phi-e-rơ 5:8), nhưng Thánh Kinh cũng dùng hình ảnh của sư tử để tiêu biểu cho Đấng Christ, gọi Ngài là “Sư Tử của Chi Tộc Giu-đa” (Khải Huyền 5:5). Trong ngụ ngôn về hạt giống mù-tạt, không thể nào những chim trời được dùng để tiêu biểu cho ma quỷ. Vì không thể nào Vương Quốc Trời là nơi trú ngụ của ma quỷ. Khi xem xét một ngụ ngôn, chúng ta cần tìm hiểu xem mục đích của ngụ ngôn đó nói về phương diện nào của Vương Quốc Trời, rồi tìm xem các chi tiết nào trong ngụ ngôn làm nổi bật phương diện đó. Ở đây, phương diện lớn mạnh và vững chắc nhanh chóng của Vương Quốc Trời được nói đến. Vì thế, sự kiện những chim trời đến trú ngụ nơi cây mù-tạt trước hết là nhằm nhấn mạnh đến sự to lớn và vững chắc của cây mù-tạt, so với các loại rau khác. Đó là hình ảnh tiêu biểu cho sự to lớn và vững mạnh của Vương Quốc Trời, so với mọi hệ thống triết lý và tôn giáo có ích của loài người. Kế đó, những chim trời cũng có thể được dùng tiêu biểu cho con dân Chúa, được an vui trong sự quan phòng của Chúa, trong Vương Quốc Trời.

Vương Quốc Trời cũng đã ghi đậm dấu ấn của nó trong nền văn hóa của loài người. Thánh Kinh là cuốn sách được in ấn và phổ biến nhiều nhất trong thế gian. Tổng số Thánh Kinh đã được in ra trong khoảng 1.500 năm nay, kể từ ngày máy in được phát minh, đã lên đến khoảng 5 hay 7 tỉ cuốn. Riêng trong thế kỷ 21, trung bình mỗi năm có khoảng 80 triệu cuốn Thánh Kinh được in ra [1]. Trung bình một năm 365 ngày có 31.536.000 giây. Như vậy, cứ mỗi giây, trung bình có 2,5 cuốn Thánh Kinh được in ra. Thánh Kinh cũng là cuốn sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất. Thánh Kinh trọn bộ đã được dịch ra 704 ngôn ngữ. Thánh Kinh Tân Ước đã được dịch ra 1.551 ngôn ngữ. Nhiều phần của Thánh Kinh đã được dịch sang 1.160 ngôn ngữ [2]. Hiện nay, cũng đã có rất nhiều phiên bản điện tử của Thánh Kinh đã được phổ biến trên mạng, được lưu dùng trong những máy điện toán và những điện thoại cầm tay.

Theo các nguồn khác nhau, bao gồm khu mạng Thánh Kinh Gateway (Bible Gateway), một trong những nền tảng trực tuyến phổ biến nhất, có các thống kê sau:

  • Hơn 20 triệu người truy cập vào khu mạng của họ mỗi tháng.

  • Họ có hơn 100 triệu lượt xem mỗi tháng.

  • Khu mạng của họ được truy cập từ hơn 200 quốc gia và lãnh thổ.

YouVersion, một ứng dụng Thánh Kinh phổ biến, đã báo cáo rằng, họ có hàng triệu người dùng truy cập hàng ngày. Theo thống kê vào năm 2021, kể từ khi ứng dụng YouVersion được phát hành vào năm 2008, đã có hơn 400 triệu lượt cài đặt ứng dụng trên những loại điện thoại cầm tay.

Theo báo cáo năm 2020 của Hiệp Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ, người Mỹ trung bình dùng khoảng 10-15 phút mỗi ngày đọc Thánh Kinh. Tức là vào khoảng 1 tới 2 giờ mỗi tuần.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Barna, một tổ chức nghiên cứu về Cơ-đốc Giáo, họ đã tìm thấy:

  • 44% người lớn thuộc dân Mỹ đọc Thánh Kinh ít nhất một tuần một lần.

  • 22% đọc Thánh Kinh mỗi ngày.

Riêng khu mạng Thánh Kinh trên mạng của Hội Thánh Việt Nam, được mở ra từ ngày 09/02/2022, tới nay đã có trên 166.000 lượt truy cập.

Cảm tạ Chúa vì Ngài cũng đã ban cho Hội Thánh của Ngài giữa lòng dân tộc Việt Nam có linh vụ cùng nhau đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Ma-thi-ơ 13:33

33 Ngài đã phán một ngụ ngôn khác cho họ: Vương Quốc Trời là giống như men mà một người đàn bà lấy, trộn vào trong ba đấu bột, cho tới khi hết thảy đã lên men.

Lu-ca 13:20-21

20 Ngài đã lại phán: Ta sẽ sánh Vương Quốc của Đức Chúa Trời với sự gì?

21 Nó là giống như men mà một người đàn bà lấy, trộn vào trong ba đấu bột, cho tới khi hết thảy đã lên men.

Tiếp theo, Đức Chúa Jesus đã so sánh Vương Quốc Trời với sự lên men của bột, khi bột được trộn men vào.

Mặc dù vài chỗ khác trong Thánh Kinh dùng men để tiêu biểu cho sự lây lan của tội lỗi, như trong: Ma-thi-ơ 16:6, 11; Lu-ca 12:1; và I Cô-rinh-tô 5:7. Nhưng trong ngụ ngôn này, Đức Chúa Jesus dùng đặc tính khiến cho bột thay đổi của men để nói về sự biến đổi mạnh mẽ của Vương Quốc Trời, trong đời sống của những ai tin nhận Ngài.

Người đàn bà” là người phụ trách việc nấu nướng, làm bánh, lo việc ăn uống của gia đình, tiêu biểu cho những người quản lý Lời của Đức Chúa Trời, là các sứ đồ, những người rao giảng Tin Lành, và những người giảng dạy Lời Chúa chăm lo cho đời sống thuộc linh của con dân Chúa.

Men” là giáo lý, là sự giảng dạy của Đấng Christ, ngược lại với giáo lý của những người Pha-ri-si và những người Sa-đu-sê, là những tà giáo, tương đương với những giáo lý không đúng Thánh Kinh của các giáo hội mang danh Chúa ngày nay.

Bột” là đời sống của mỗi con dân Chúa được dâng lên Chúa.

Ba đấu bột” là phần bột đủ dùng để làm bánh dư ăn cho một gia đình lớn, có nhiều người, tiêu biểu cho sự Vương Quốc Trời được dư dật và đầy trọn công dân của nó. Chúng ta không biết cụ thể dân số của Vương Quốc Trời là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là sẽ có nhiều và đầy trọn, theo thánh ý của Đức Chúa Trời.

Trộn men vào bột là đưa Lời Chúa, đưa giáo lý của Đấng Christ vào đời sống của con dân Chúa, qua công tác giảng dạy, để họ được lớn lên trong sự hiểu biết Lời Chúa, được vững mạnh trong đức tin, và trở nên có ích cho nhiều người.

Lời Chúa có năng lực tái sinh và thánh hóa, làm biến đổi nên tốt những ai thật lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài.

Này là sự an ủi của tôi trong cơn hoạn nạn của tôi: Ấy là Lời của Ngài làm cho tôi được sống lại.” (Thi Thiên 119:50).

Xin Ngài thánh hóa họ bằng Lẽ Thật của Ngài. Lời Ngài là Lẽ Thật.” (Giăng 17:17).

Các anh chị em đã làm sạch linh hồn mình trong sự vâng phục lẽ thật bởi tâm thần, trong tình yêu thương anh chị em cách chân thật. Hãy yêu lẫn nhau với tấm lòng tinh sạch, sốt sắng đã được tái sinh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hay hư nát, bởi Lời Hằng Sống và còn lại cho tới vĩnh cửu của Thiên Chúa. (I Phi-e-rơ 1:22-23).

Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của Lẽ Thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.” (Gia-cơ 1:18).

Mỗi con dân Chúa có bổn phận đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo. Đó là mệnh lệnh của Chúa, như đã chép trong Giô-suê 1:8. Thực tế, đời sống của những con dân Chúa không trung tín và sốt sắng suy ngẫm Lời Chúa, ăn nuốt Lời Chúa mỗi ngày để cẩn thận làm theo thì luôn là bất an, hay vấp phạm, và tệ hơn nữa là dần dần lui đi trong đức tin. Họ không khác gì những người suy dinh dưỡng và cuối cùng là bị chết đói giữa một kho thực phẩm. Vì họ từ chối ăn những thức ăn đã sắm sẵn cho họ.

Ma-thi-ơ 13:34-35

34 Đức Chúa Jesus đã phán với đoàn dân hết thảy các điều đó trong các ngụ ngôn. Ngài đã chẳng phán với họ mà không dùng ngụ ngôn.

35 Bởi đó, được ứng nghiệm lời đã nói bởi đấng tiên tri, rằng: Ta sẽ mở miệng của Ta trong những ngụ ngôn. Ta sẽ rao bảo các điều được giữ kín nhiệm từ buổi dựng nền của thế gian. [Thi Thiên 78:2]

Mác 4:33-34

33 Ngài đã giảng Lời cho họ trong nhiều ngụ ngôn như vậy, theo khả năng họ nghe được.

34 Ngài đã không phán với họ mà không dùng ngụ ngôn. Khi ở riêng, Ngài đã giải thích mọi sự cho các môn đồ của mình.

Trong khi học về ngụ ngôn người gieo giống, chúng ta đã hiểu rằng, mục đích của sự Đức Chúa Jesus rao giảng về Vương Quốc Trời trong ngụ ngôn là chỉ để cho những ai có lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và Vương Quốc Trời có thể hiểu và tiếp nhận mà thôi [3]. Đức Chúa Jesus đã trích dẫn lời trong Ê-sai 6:9-10 mà chính Ngài, trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, đã tiên tri về sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên. Giờ đây, Ma-thi-ơ đã trích dẫn một lời tiên tri của A-sáp, trong Thi Thiên, để chứng minh, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ, và Ngài đã làm ứng nghiệm các lời tiên tri. Ma-thi-ơ đã không trích dẫn nguyên văn của lời tiên tri, nhưng trích dẫn ý. Nguyên văn của Thi Thiên 78:2 là:

Ta sẽ mở miệng của ta trong ngụ ngôn. Ta sẽ tuôn tràn các câu đố của thuở xưa.”

Các câu đố” cùng nghĩa với “các điều được giữ kín nhiệm”.

Thuở xưa” cùng nghĩa với “từ buổi dựng nền của thế gian”.

Các câu đố của thuở xưa” hay “các điều được giữ kín nhiệm từ buổi dựng nền của thế gian” chính là Vương Quốc Trời, Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời, Hội Thánh, sự tận thế, và sự phán xét chung cuộc.

Ma-thi-ơ 13:36-39

36 Bấy giờ, Đức Chúa Jesus đã cho đoàn dân ra về, Ngài đã đi vào nhà. Các môn đồ của Ngài đã đến với Ngài, thưa: Xin giải thích cho chúng tôi ngụ ngôn về cỏ lùng trong ruộng.

37 Ngài đã đáp lời họ, rằng: Người đã gieo giống tốt là Con Người.

38 Ruộng là thế gian. Giống tốt, chúng là những con cái của Vương Quốc Trời. Những cỏ lùng là những con cái của Kẻ Dữ.

39 Kẻ thù nghịch đã gieo chúng là Ma Quỷ. Mùa gặt là kỳ tận thế. Những thợ gặt là những thiên sứ.

Sau khi phán dạy ngụ ngôn về men, Đức Chúa Jesus đã cho đoàn dân đông ra về. Có lẽ khi ấy trời đã xế chiều, mọi người cần ăn uống và nghỉ ngơi. Đức Chúa Jesus đã trở về lại nhà trọ của Ngài. Có lẽ là nhà của Sứ Đồ Phi-e-rơ. Các môn đồ của Chúa vẫn đi theo Ngài. Sau khi vào nhà, họ đã đến với Ngài, xin Ngài giải thích cho họ ngụ ngôn về cỏ lùng trong ruộng.

Đức Chúa Jesus đã giải thích cho các môn đồ của Ngài một cách rõ ràng:

  • Người gieo giống tốt là Đức Chúa Jesus, với danh xưng “Con Người”. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là: “Con của Loài Người”. Danh xưng này do chính Đức Chúa Jesus tự xưng, để nhấn mạnh thân vị loài người của Ngài. Đức Chúa Jesus hoàn toàn là một người được sinh ra bởi loài người, theo dòng giống của một người nữ. Nhưng Ngài cũng là Con của Đức Chúa Trời vì Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Chi tiết về sự Thiên Chúa Ngôi Lời tự trở nên xác thịt và thuộc dòng giống của người nữ như thế nào đã được chúng tôi trình bày trong bài giảng “Ngôi Lời Đã Tự Trở Nên Xác Thịt” và đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [4].

  • Ruộng là thế gian, tức là thế giới vật chất, nơi loài người sinh sống. Một số người đã sai lầm khi cho rằng, ruộng là Hội Thánh.

  • Giống tốt là con dân chân thật của Chúa, là bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa. Đức Chúa Jesus đã qua Hội Thánh, gieo Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, mạc khải Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời cho bất cứ ai có tấm lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài. Con dân chân thật của Chúa được Đức Chúa Jesus liên tục gieo vào trong thế gian suốt gần hai ngàn năm nay. Họ đã trưởng thành và kết quả bội thu, sẵn sàng cho mùa gặt thuộc linh đầu mùa, trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, và cho mùa gặt thuộc linh cuối mùa, vào cuối Kỳ Tận Thế, khi Đấng Christ tái lâm trên đất.

  • Cỏ lùng là những người mạo nhận là môn đồ của Chúa. Họ không hề thật lòng tin Chúa nhưng họ có thể nói rất hay về Chúa. Hầu hết những người trong các giáo hội mang danh Chúa là những người không thật lòng tin Chúa. Họ lạm dụng danh Chúa để trục lợi. Nói theo người thế gian là họ “mượn Đạo tạo đời”. Nếp sống không theo Lời Chúa của họ chính là bông trái thuộc linh giúp cho những ai thật lòng tin Chúa nhận biết, họ là cỏ lùng. Họ được ma quỷ gieo vào trong thế gian vừa để lôi kéo nhiều người xa khỏi lẽ thật của Lời Chúa, vừa để khiến cho danh Chúa bị người thế gian chê cười, Hội Thánh bị nghi ngờ, vì nếp sống giả hình của họ. Họ là con cái của Kẻ Dữ, tức là con cái của Sa-tan (Giăng 8:44).

  • Ma Quỷ là kẻ thù nghịch Thiên Chúa và con dân Chúa. Ma Quỷ dùng những kẻ mạo nhận là con dân Chúa để vừa dối gạt, dẫn dắt nhiều người đi vào tà giáo, vừa bách hại con dân chân thật của Chúa. Thực tế, Ma Quỷ đã dùng Giáo Hội Công Giáo La-mã giết chết khoảng từ 50 đến 150 triệu con dân Chúa, thiêu đốt Thánh Kinh và những người giữ Thánh Kinh, trong suốt gần một ngàn năm của “Thời Kỳ Hôn Ám” (The Dark Age, 590 – 1517) [5], [6].

  • Mùa gặt là Kỳ Tận Thế, là sự Đức Chúa Trời hình phạt toàn thế gian trong suốt bảy năm với những thiên tai, dịch bệnh, đói kém, chiến họa, và sự bách hại của những tà linh cùng chính quyền toàn cầu của AntiChrist.

  • Những thợ gặt là những thiên sứ cùng giáng lâm trên đất với Đức Chúa Jesus Christ, vào cuối Kỳ Tận Thế.

Ma-thi-ơ 13:40-43

40 Vậy nên, như những cỏ lùng bị gom lại mà đốt trong lửa thì sự cuối cùng của thế gian này cũng sẽ như vậy.

41 Con Người sẽ sai những thiên sứ của Ngài gom lại mọi sự vấp phạm và những kẻ phạm pháp, đem ra khỏi vương quốc của Ngài.

42 Họ sẽ ném chúng vào trong lò lửa. Tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

43 Khi ấy, những người công chính sẽ chói rạng như mặt trời trong vương quốc của Cha mình. Ai có tai để nghe, hãy nghe!

Mọi sự vấp phạm” là mọi sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa, mọi sự mà Thánh Kinh gọi là tội lỗi.

Đức Chúa Jesus gọi những kẻ giả mạo môn đồ của Ngài là những kẻ phạm pháp. Phạm pháp là vi phạm luật pháp. Luật pháp được nói đến ở đây là luật pháp của Đức Chúa Trời, bao gồm tất cả các điều răn và mệnh lệnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Các điều răn bao gồm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh [7]. Phạm pháp là không làm những gì luật pháp yêu cầu làm hoặc làm những gì luật pháp cấm làm. Điển hình là:

  • Không tôn thánh ngày Sa-bát là vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.

  • Không yêu thương, cứu giúp anh chị em cùng Cha là vi phạm Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ.

  • Ăn của cúng thần tượng hoặc ăn huyết là vi phạm Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh.

Có một điều quan trọng mà chúng ta cần luôn ghi nhớ. Đó là Đức Chúa Jesus Christ là một với mỗi một người trong Hội Thánh. Vì thế, những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ nhưng không có tình yêu đối với anh chị em cùng Cha thì cũng sẽ bị án phạt chung với Ma Quỷ. Những gì một người làm hoặc không làm cho anh chị em cùng Cha của mình cũng là làm hoặc không làm cho Đấng Christ. Xem thường, áp bức, lợi dụng anh chị em cùng Cha của mình chính là xem thường, áp bức, lợi dụng Đức Chúa Jesus Christ. Không cứu giúp, không tiếp trợ, không thăm viếng, không an ủi anh chị em cùng Cha chính là không cứu giúp, không tiếp trợ, không thăm viếng, không an ủi Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 25:31-46).

Một người không giữ chính thân mình được tinh sạch dù về thuộc thể hay về thuộc linh, thì người ấy cũng đã không giữ cho Đấng Christ được tinh sạch. Không giữ gìn, chăm sóc thân thể của chính mình cũng là không giữ gìn, không chăm sóc thân thể của Đấng Christ. Chỉ khi nào một người ý thức mình với Đấng Christ là một và sống theo sự nhận thức ấy thì người ấy mới kinh nghiệm trọn vẹn sự ở trong Đấng Christ và sự Đấng Christ ở trong người ấy. Đời sống của người ấy sẽ luôn là bình an và đắc thắng, đầy dẫy sự vui mừng của sự được hiệp một với Đấng Christ.

Cỏ lùng bị những thợ gặt gom lại, đem ra khỏi cánh đồng và đốt trong lửa vào mùa gặt như thế nào thì những kẻ giả mạo môn đồ của Đấng Christ trong thế gian cũng sẽ bị những thiên sứ gom lại, đem ra khỏi Vương Quốc Trời để ném vào trong lò lửa, tức hỏa ngục, như thế ấy. Mọi tội lỗi, tức là mọi sự ô uế không đúng theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cũng sẽ bị ném vào hỏa ngục.

Chúng ta đã biết, tất cả những ai không ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sẽ bị Đấng Christ phán xét từng việc làm của họ, trong ngày phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15). Sau khi bị phán xét thì họ sẽ chịu khổ đời đời trong hỏa ngục. Nhưng dường như Ma-thi-ơ 13:40-42 hàm ý, vào cuối Kỳ Tận Thế, tất cả những kẻ giả mạo môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ đang khi còn sống trong thân thể xác thịt thì sẽ bị những thiên sứ ném vào hỏa ngục. Đó là trường hợp sẽ xảy ra cho AntiChrist và Tiên Tri Giả của nó (Khải Huyền 19:20). Như vậy, AntiChrist, Tiên Tri Giả của nó, tất cả những kẻ giả mạo môn đồ của Đấng Christ, và những người tin Chúa trong Kỳ Tận Thế nhưng không có lòng thương xót đều sẽ bị quăng sống vào trong hỏa ngục.

Chúng tôi hiểu rằng, ngay sau khi sự phán xét những người tin Chúa trong Kỳ Tận Thế, như đã được Đức Chúa Jesus tiên tri trong Ma-thi-ơ 25:31-46, thì những người bị giết vì danh Chúa trong Kỳ Tận Thế sẽ được sống lại (Khải Huyền 20:4). Có lẽ đó cũng là lúc những thánh đồ đã chết trước thời Tân Ước cũng được sống lại. Riêng con dân Chúa trong Hội Thánh thì đã được sống lại hoặc đã được biến hóa, trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước Kỳ Tận Thế không bao lâu. Sự sống lại của con dân Chúa trong Hội Thánh, của những thánh đồ trong Kỳ Tận Thế, của những thánh đồ trước thời Tân Ước đều thuộc về sự sống lại thứ nhất. Sự sống lại thứ nhì là sự sống lại của những người không có sự cứu rỗi để chịu sự phán xét chung cuộc, sau khi thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm kết thúc.

Ngay sau khi con dân Chúa trong Kỳ Tận Thế và trong các thời trước thời Tân Ước được sống lại thì Vương Quốc Ngàn Năm được thành lập. Khi ấy, con dân Chúa trong mọi thời đại sẽ được rực rỡ trong sự vinh quang, cùng nhau bước vào Vương Quốc Ngàn Năm. Họ là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời, được vui sống trong vương quốc của Ngài. Đó là lúc muôn vật được phục hồi rất là tốt lành, như buổi đầu sáng thế. Chúng tôi hiểu rằng, những người tin nhận Chúa trong Kỳ Tận Thế sẽ tiếp tục sinh sôi, nảy nở trong suốt thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm. Loài người tiếp tục phát triển để chuẩn bị cho thời kỳ Vương Quốc Đời Đời, trong trời mới đất mới.

Đức Chúa Jesus đã kết thúc lời giải thích về ngụ ngôn cỏ lùng của Ngài bằng một lời kêu gọi quen thuộc: “Ai có tai để nghe, hãy nghe!”

Những ai có tấm lòng lắng nghe và suy ngẫm lẽ thật của Thiên Chúa thì hãy lắng nghe và suy ngẫm Lời đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Cũng hãy lắng nghe và suy ngẫm sự giảng dạy Lời Chúa từ những tôi tớ chân thật của Đấng Christ. Con dân chân thật của Chúa luôn cảm nhận được sự dạy dỗ từ Đức Thánh Linh và phước hạnh từ Ba Ngôi Thiên Chúa, trong khi suy ngẫm Lời Chúa. Con dân chân thật của Chúa luôn cảm nhận sự vui mừng và bình an từ Ba Ngôi Thiên Chúa, trong khi làm theo Lời Chúa. Con dân chân thật của Chúa được Đức Thánh Linh xác nhận trong lòng họ, ai là những tôi tớ chân thật của Đấng Christ, rao giảng Lời cách trung thực và đầy ơn của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa đã luôn đồng hành với Hội Thánh và ban cho Hội Thánh Lời Hằng Sống để bảo vệ và chăn dắt Hội Thánh.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/05/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.guinnessworldrecords.com/world-records/best-selling-book-of-non-fiction

[2] https://www.biblica.com/resources/bible-faqs/how-many-different-languages-has-the-bible-been-translated-into/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl065-cac-ngu-ngon-ve-nuoc-troi-nguoi-gieo-giong/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl004-ngoi-loi-da-tu-tro-nen-xac-thit/

[5] “Estimates of the Number Killed by the Papacy”: https://od.lk/f/MV8zMDk1MDExMTZf

[6] https://web.archive.org/web/20200516225324/https://www.thirdmill.org/newfiles/jac_arnold/CH.Arnold.RMT.1.html

[7] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Duy Thuộc Riêng Chúa”
https://karaokethanhca.net/duy-thuoc-rieng-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.