YouTube: https://youtu.be/6jiF_0WaM9I
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL070 Đức Chúa Jesus Về Lại Na-xa-rét
Ma-thi-ơ 13:53-58; Mác 6:1-6
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Ma-thi-ơ 13:53-58
53 Đã xảy ra, khi Đức Chúa Jesus đã kết thúc các ngụ ngôn ấy, Ngài đã rời khỏi đó.
54 Ngài đã đi vào trong quê hương của mình. Ngài đã giảng dạy cho họ trong nhà hội của họ. Bởi đó, họ đã ngạc nhiên và đã nói: Từ đâu mà ra người này, sự khôn sáng này, và những phép lạ này?
55 Chẳng phải người này là con của người thợ mộc sao? Chẳng phải mẹ của người được gọi là Ma-ri sao? Và các em trai của người là Gia-cơ, Giô-sê, Si-môn, và Giu-đe.
56 Chẳng phải hết thảy các em gái của người ở gần chúng ta sao? Vậy, từ đâu người này được mọi sự này?
57 Họ đã bị vấp phạm bởi Ngài. Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Tiên tri thì không thiếu sự tôn kính, trừ khi ở trong xứ của mình và ở trong nhà của mình.
58 Ngài đã không làm nhiều phép lạ tại đó; bởi sự không tin của họ.
Mác 6:1-6
1 Ngài đã đi khỏi đó, vào trong quê hương của mình. Các môn đồ của Ngài theo Ngài.
2 Ngày Sa-bát đang đến, Ngài đã bắt đầu giảng dạy trong nhà hội. Nhiều người nghe đã ngạc nhiên, nói: Từ đâu người này được những sự này? Sự khôn sáng nào đã được ban cho người, đến nỗi những phép lạ như vậy đã được làm ra bởi tay người?
3 Chẳng phải người là thợ mộc, con của Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn sao? Chẳng phải các em gái của người ở đây với chúng ta sao? Họ đã bị vấp phạm bởi Ngài.
4 Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Tiên tri thì không thiếu sự tôn kính, trừ khi ở trong xứ của mình, ở giữa các người thân của mình, và ở trong nhà của mình.
5 Tại đó, Ngài đã không thể làm phép lạ, ngoại trừ đặt tay, chữa lành một vài người bệnh.
6 Ngài đã ngạc nhiên bởi sự không tin của họ. Ngài đã đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus trở lại thành Na-xa-rét, nơi Ngài đã sống tại đó gần 30 năm.
Vào buổi đầu của chức vụ, Đức Chúa Jesus đã giảng dạy tại thành Na-xa-rét như đã chép trong Lu-ca 4:14-30. Nhưng sự giảng dạy của Ngài đã khiến cho dân chúng tại đó tức giận và muốn giết Ngài. Ngài đã tránh khỏi họ và đi đến thành Ca-bê-na-um. Rồi sau đó, Ngài đã rao giảng khắp các thành và các làng của xứ Ga-li-lê. Ma-thi-ơ 13:53-58 và Mác 6:1-6 ghi lại sự kiện Đức Chúa Jesus đã trở về thành Na-xa-rét, sau chuyến rao giảng đó.
Ma-thi-ơ 13:53-54
53 Đã xảy ra, khi Đức Chúa Jesus đã kết thúc các ngụ ngôn ấy, Ngài đã rời khỏi đó.
54 Ngài đã đi vào trong quê hương của mình. Ngài đã giảng dạy cho họ trong nhà hội của họ. Bởi đó, họ đã ngạc nhiên và đã nói: Từ đâu mà ra người này, sự khôn sáng này, và những phép lạ này?
Mác 6:1-2
1 Ngài đã đi khỏi đó, vào trong quê hương của mình. Các môn đồ của Ngài theo Ngài.
2 Ngày Sa-bát đang đến, Ngài đã bắt đầu giảng dạy trong nhà hội. Nhiều người nghe đã ngạc nhiên, nói: Từ đâu người này được những sự này? Sự khôn sáng nào đã được ban cho người, đến nỗi những phép lạ như vậy đã được làm ra bởi tay người?
Nhóm chữ “Ngài đã rời khỏi đó” trong Ma-thi-ơ 13:53 hàm ý, sau khi Đức Chúa Jesus phán dạy các ngụ ngôn cho các môn đồ của Ngài, trong nơi Ngài ở trọ, tại thành Ca-bê-na-um, thì Ngài đã lên đường, về lại Na-xa-rét. Nhóm chữ “Ngài đã đi khỏi đó” trong Mác 6:1 hàm ý, Đức Chúa Jesus đã rời khỏi thành Ca-bê-na-um, để về lại Na-xa-rét. Từ Ca-bê-na-um về lại Na-xa-rét là một hành trình khoảng chừng 60 km.
Dựa vào Mác 6:2 thì chúng ta có thể hiểu rằng, vào buổi chiều Thứ Sáu, trước khi mặt trời lặn để bước sang Ngày Thứ Bảy, thì Đức Chúa Jesus đã có mặt tại Na-xa-rét.
Theo truyền thống, dân I-sơ-ra-ên có buổi nhóm hiệp tại nhà hội hay tại nhà riêng, nếu không có nhà hội, ngay trước khi mặt trời lặn vào mỗi ngày Thứ Sáu. Sự nhóm hiệp này được gọi là “קבלת שבת” /kabbalat shabbat/, có nghĩa là đón nhận hoặc đón mừng ngày Sa-bát. Trong buổi nhóm hiệp, dân I-sơ-ra-ên sẽ bắt đầu đọc những lời cầu nguyện đặc biệt, hát thánh ca, và thắp nến. Sau đó là buổi cầu nguyện, đọc Thi Thiên và các đoạn trong Ngũ Kinh, là năm sách đầu tiên của Cựu Ước. Người I-sơ-ra-ên gọi chung năm sách ấy là “תורה” /torah – tô-ra/, có nghĩa là “luật pháp”. Cuối cùng là bữa ăn thông công với những lời chúc phước được đọc trên bánh mì và rượu nho. Ngày nay, dân I-sơ-ra-ên có đức tin nơi Thiên Chúa vẫn giữ sự nhóm hiệp đón mừng ngày Sa-bát như vậy.
Mác 6:2 hàm ý, Đức Chúa Jesus đã giảng dạy trong một buổi nhóm đón ngày Sa-bát của dân I-sơ-ra-ên, trong nhà hội, tại thành Na-xa-rét.
Thánh Kinh không ghi lại rằng, Đức Chúa Jesus đã làm ra phép lạ trong buổi nhóm ngày hôm ấy. Nhưng những người có mặt trầm trồ trước sự rao giảng của Ngài và trước những tin đồn về những phép lạ mà Ngài đã làm ra. Những tin đồn ấy đã đến Na-xa-rét trước Chúa. Chúng ta cũng không ngoại trừ sự kiện có nhiều người trong đám đông dân chúng đã đi theo Đức Chúa Jesus, từ Ca-bê-na-um đến Na-xa-rét. Và họ đã đồn ra những phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm.
Ma-thi-ơ ghi lại một trong những lời trầm trồ của dân thành Na-xa-rét: “Từ đâu mà ra người này, sự khôn sáng này, và những phép lạ này?” Mác ghi lại một lời trầm trồ khác: “Từ đâu người này được những sự này? Sự khôn sáng nào đã được ban cho người, đến nỗi những phép lạ như vậy đã được làm ra bởi tay người?” Chúng ta hiểu rằng, Ma-thi-ơ và Mác đều ghi lại trung thực lời trầm trồ khác nhau, ra từ những người có mặt trong buổi nhóm.
Lẽ ra, những người buông lời trầm trồ như vậy phải hiểu rằng: Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Thánh Kinh. Ngài ra từ Đức Chúa Trời. Sự khôn sáng và những phép lạ thể hiện qua Ngài là đến từ Thiên Chúa. Trái lại, họ nhắc đến lý lịch của Ngài, như có ý nói, Ngài chỉ là một người tầm thường ở giữa họ, mà sao có thể nói ra những lời khôn sáng và làm ra những phép lạ.
Ma-thi-ơ 13:55-56
55 Chẳng phải người này là con của người thợ mộc sao? Chẳng phải mẹ của người được gọi là Ma-ri sao? Và các em trai của người là Gia-cơ, Giô-sê, Si-môn, và Giu-đe.
56 Chẳng phải hết thảy các em gái của người ở gần chúng ta sao? Vậy, từ đâu người này được mọi sự này?
Mác 6:3
3 Chẳng phải người là thợ mộc, con của Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn sao? Chẳng phải các em gái của người ở đây với chúng ta sao? Họ đã bị vấp phạm bởi Ngài.
Chúng ta lại thấy, Ma-thi-ơ và Mác ghi lại lời nói của những người khác nhau. Người thì nói thế này, người thì nói thế kia. Nhưng ý chính vẫn là: Đức Chúa Jesus là con của một người thợ mộc, và bản thân của Ngài cũng là một thợ mộc. Mẹ của Ngài là Ma-ri. Bốn em trai của Ngài là Gia-cơ, Giô-sê, Si-môn, và Giu-đe. Hết thảy các em gái của Ngài cũng đều sống tại Na-xa-rét.
Thánh Kinh ghi rõ tên bốn người em trai của Đức Chúa Jesus, nhưng không ghi tên các em gái của Ngài. Tính từ “hết thảy” (G3956) trong tiếng Hy-lạp có thể dùng để chỉ từ hai người trở lên nên chúng ta biết ít nhất, Đức Chúa Jesus có hai người em gái.
Về các em trai, Ma-thi-ơ ghi tên Si-môn trước Giu-đe, và có lẽ Ma-thi-ơ đã ghi theo thứ tự từ lớn tới nhỏ; còn Mác thì ghi tên Giu-đe trước Si-môn mà chúng ta không biết lý do. Theo một số truyền thuyết trong Hội Thánh thì Giu-đe là con út của Ma-ri và Giô-sép. Liền trước Giu-đe là hai người con gái nhưng họ không được nêu tên trong Thánh Kinh.
Danh từ “anh em” và “chị em” được Thánh Kinh dùng để gọi các em trai và các em gái của Đức Chúa Jesus là danh từ dùng để gọi “anh em ruột” (G80) và “chị em ruột” (G79). Nguyên nghĩa của hai từ ngữ ấy là anh chị em cùng một tử cung, dùng để gọi anh chị em cùng cha cùng mẹ. Theo nghĩa rộng thì có thể dùng để gọi anh chị em chỉ cùng cha hoặc chỉ cùng mẹ. Nhưng không dùng để gọi anh chị em họ. Danh từ “ἀνέψιος” /anepsios – a-nép-xi-ót/ (G431) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “anh em họ”, được dùng một lần trong Thánh Kinh Tân Ước, khi Phao-lô nói về Ba-na-ba trong Cô-lô-se 4:10. Chúng ta thấy, Thánh Kinh không dùng danh từ này để gọi các em của Chúa. Trong tiếng Hê-bơ-rơ và trong tiếng A-ra-mai không có danh từ “anh em họ” mà chỉ có cách nói, con của cô, cậu, chú, bác. Trong Thánh Kinh không dùng đến danh từ “chị em họ” (ἀνεψιά).
Chúng tôi tin rằng, các em trai và các em gái của Đức Chúa Jesus, đúng theo cách dùng chữ của Thánh Kinh, là các con trai và các con gái của Ma-ri và Giô-sép, được sinh ra sau Đức Chúa Jesus.
Không một chỗ nào trong Thánh Kinh khẳng định bà Ma-ri đồng trinh trọn đời. Trái lại, cách dùng từ ngữ “anh em ruột” và “chị em ruột” để gọi các em trai và các em gái của Đức Chúa Jesus đã hàm ý, sau khi sinh Đức Chúa Jesus, bà Ma-ri đã tiếp tục sinh thêm nhiều người con khác với Giô-sép. Giáo lý dạy rằng, bà Ma-ri đồng trinh trọn đời, của Giáo Hội Công Giáo, là không đúng Thánh Kinh.
Trong Lu-ca 2:41-52 ghi lại câu chuyện khi Đức Chúa Jesus được 12 tuổi, Ma-ri và Giô-sép đã đem Ngài về Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua. Chúng ta không thấy Lu-ca nhắc đến các em của Đức Chúa Jesus. Có thể là các em của Đức Chúa Jesus khi ấy còn quá nhỏ nên được để lại Na-xa-rét cho người quen trông chừng. Khi ấy, có lẽ Gia-cơ chỉ cách Đức Chúa Jesus vài tuổi. Cũng có thể, khi ấy Ma-ri chưa tiếp tục sinh con. Nếu năm Đức Chúa Jesus được 12 tuổi mà Ma-ri chưa tiếp tục sinh con thì khi Đức Chúa Jesus được khoảng 30 tuổi, bắt đầu chức vụ, các em của Ngài vẫn còn trong tuổi thiếu niên, dưới 18 tuổi.
Gia-cơ về sau là trưởng lão và giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Ông cũng là người viết thư Gia-cơ. Trong Ga-la-ti 2:9, Phao-lô gọi ông là “cột trụ” của Hội Thánh. Theo sử liệu của Hội Thánh thì Gia-cơ đã bị những người Pha-ri-si ném đá chết vào năm 62.
Giu-đe là em út trong gia đình. Tên Giu-đe là một hình thức phiên âm của tên Giu-đa. Ông là người viết thư Giu-đe. Theo sử liệu của Hội Thánh thì Giu-đe chết già.
Thánh Kinh không nói gì đến Giô-sê, Si-môn, và các em gái của Đức Chúa Jesus.
Ma-thi-ơ 13:55 cho chúng ta biết, Giô-sép làm nghề thợ mộc. Mác 6:3 cho chúng ta biết, Đức Chúa Jesus cũng làm nghề thợ mộc. Theo phong tục của người I-sơ-ra-ên thì con trai trong gia đình phải học biết một nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. Ngay cả một người Pha-ri-si thuộc gia đình giàu có như Phao-lô mà ông cũng học biết nghề may lều trại. Dân thành Na-xa-rét đã quá quen thuộc với gia đình của Ma-ri và Giô-sép, một gia đình tin kính Chúa nhưng sống đạm bạc bằng nghề thợ mộc. Vì thế, họ xem thường cả gia đình của Đức Chúa Jesus.
Chúng ta không biết Giô-sép qua đời vào lúc nào. Thánh Kinh nhắc đến Giô-sép lần cuối cùng, khi Đức Chúa Jesus được 12 tuổi. Nhưng có lẽ, khi Đức Chúa Jesus bắt đầu thi hành chức vụ thì Giô-sép đã không còn. Điều đó có nghĩa là Gia-cơ phải thay Đức Chúa Jesus để chăm sóc bà Ma-ri và các em.
Ma-thi-ơ 13:57
57 Họ đã bị vấp phạm bởi Ngài. Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Tiên tri thì không thiếu sự tôn kính, trừ khi ở trong xứ của mình và ở trong nhà của mình.
Mác 6:4
4 Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán với họ: Tiên tri thì không thiếu sự tôn kính, trừ khi ở trong xứ của mình, ở giữa các người thân của mình, và ở trong nhà của mình.
Dân thành Na-xa-rét thay vì tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ thì họ lại xem thường Ngài. Họ chỉ ngạc nhiên khi thấy Ngài giảng dạy cách khôn sáng và làm ra nhiều phép lạ.
Tiên tri là người được Đức Chúa Trời dùng để bày tỏ thánh ý của Ngài cho loài người. Vì thế, người làm tiên tri đáng được tôn kính. Đức Chúa Jesus giãi bày về Đức Chúa Trời cho loài người nên Ngài chính là tiên tri của Đức Chúa Trời, và là tiên tri lớn hơn hết trong mọi tiên tri. Ngài giãi bày rõ ràng Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người và chính Ngài đứng ra hoàn thành ơn cứu rỗi ấy, bằng cách hy sinh chính mạng sống của Ngài, trên thập tự giá.
Chính vì sự không tin của dân thành Na-xa-rét mà họ bị vấp phạm bởi Đức Chúa Jesus. Bị vấp phạm có nghĩa là bị rơi vào sự phạm tội. Họ đã bị rơi vào sự phạm tội, khi họ không tin nhận Đức Chúa Jesus.
Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ đã dạy rõ:
“Vì vậy, trong Thánh Kinh có chép rằng: Này, Ta đặt tại Si-ôn một khối đá, một khối đá góc nhà đã được chọn và quý báu. Ai tin Ngài sẽ không bị xấu hổ. [Ê-sai 28:16] Vậy nên, cho các anh chị em là những người đã tin, thì là đá quý; nhưng cho những kẻ không tin, thì khối đá đã bị thợ xây nhà loại ra, trở nên đá góc nhà [Thi Thiên 118:22], là đá gây cho vấp váp, là vầng đá làm cho sa ngã. Họ bị vấp vì Lời, bởi sự không tin, không vâng phục; và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi. [Ê-sai 8:14]” (I Phi-e-rơ 2:6-8).
Thánh Kinh nói đến hai hình thức làm cho người khác vấp phạm.
Thứ nhất là nếp sống tin kính Chúa, vâng phục Chúa của con dân Chúa có thể khiến cho những người không tin Chúa bực tức và bách hại họ. Đó là sự làm cho người khác vấp phạm mà con dân Chúa không chịu trách nhiệm.
Thứ nhì là nếp sống tội lỗi khiến cho người khác phạm tội. Đó là làm cho người khác vấp phạm mà kẻ gây ra sự vấp phạm sẽ bị hình phạt cách nghiêm khắc trong ngày phán xét.
Một số nhà giải kinh cho rằng, câu nói của Đức Chúa Jesus là một câu cách ngôn trong dân I-sơ-ra-ên. Nhưng trong các tài liệu văn chương của I-sơ-ra-ên không hề nói đến một câu cách ngôn như vậy. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng đó là lời phán ra từ Đức Chúa Jesus.
Ma-thi-ơ và Mác đều ghi lại lời phán của Chúa nhưng Mác có ghi thêm một chi tiết: “ở giữa các người thân của mình”. Có thể Mác đã ghi nguyên văn lời phán của Chúa mà ông nghe người khác thuật lại. Còn Ma-thi-ơ thì ghi lại lời phán của Chúa theo trí nhớ của ông. Cho dù Ma-thi-ơ không ghi đầy đủ như Mác thì cũng không vì thế mà làm mất đi ý nghĩa lời phán của Chúa. Hoặc là Mác đã ghi thêm một chi tiết không có trong lời phán của Chúa, mà chỉ là do người thuật chuyện cho Mác nhớ như vậy, thì cũng không làm thay đổi ý nghĩa lời phán của Chúa.
Ma-thi-ơ 13:58
58 Ngài đã không làm nhiều phép lạ tại đó; bởi sự không tin của họ.
Mác 6:5-6
5 Tại đó, Ngài đã không thể làm phép lạ, ngoại trừ đặt tay, chữa lành một vài người bệnh.
6 Ngài đã ngạc nhiên bởi sự không tin của họ. Ngài đã đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Ngay tại Na-xa-rét, nơi Đức Chúa Jesus đã sống và lớn lên tại đó, trong gần 30 năm, mà Ngài đã không thể làm nhiều phép lạ, vì những đồng hương của Ngài đã không tin Ngài. Họ ngạc nhiên trước những lời giảng dạy khôn sáng của Ngài. Họ ngạc nhiên khi nghe về những phép lạ mà Ngài đã làm khắp nơi. Nhưng họ không tin Ngài là tiên tri của Đức Chúa Trời, là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh. Vì thế, Đức Chúa Jesus chỉ đặt tay, chữa lành một vài người bệnh. Có lẽ là mấy người bệnh có mặt trong buổi nhóm. Sau đó, Ngài đã đi đến các làng chung quanh Na-xa-rét để giảng dạy.
Mác ghi rằng, Đức Chúa Jesus đã ngạc nhiên về sự không tin của dân thành Na-xa-rét. Có người thắc mắc, Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa thì Ngài biết tất cả mọi sự, ngay cả những sự trong lòng người. Chẳng phải Ngài đã biết trước sự không tin của dân thành Na-xa-rét sao? Vậy, sao Chúa lại ngạc nhiên? Chúng ta cần phải hiểu rằng, trong thân vị loài người, Đức Chúa Jesus hoàn toàn là một người như chúng ta. Ngài đã từ bỏ những bản tính của Thiên Chúa và trở nên hoàn toàn là người. Ngài bị giới hạn bởi các định luật vật lý như chúng ta. Chỉ những khi Đấng Thần Linh ban cho Ngài sự hiểu biết trong ý tưởng của ai đó thì Ngài mới có sự hiểu biết ấy. Mọi phép lạ Ngài làm cũng là bởi thánh linh mà Đấng Thần Linh ban cho Ngài. Chỉ sau khi Ngài phục sinh thì thân thể xác thịt của Ngài mới có đầy trọn mọi bản tính của Thiên Chúa. Kể từ đó, mọi hành động của Đức Chúa Jesus là hành động của Thiên Chúa, qua thân thể xác thịt loài người của Ngài.
Hội Thánh sẽ được kết hiệp làm một với thân thể phục sinh của Đấng Christ. Đó là điều mầu nhiệm mà chúng ta sẽ được vui hưởng trong một ngày rất gần.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/07/2024
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
Karaoke Thánh Ca: “Cuộc Đời Con Từ Nay”
https://karaokethanhca.net/cuoc-doi-con-tu-nay/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.