Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL071 Sự Chết của Giăng Báp-tít và Sự Hoang Mang của Vua Hê-rốt

167 views

YouTube: https://youtu.be/5-HR-4CKyM0

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL071 Sự Chết của Giăng Báp-tít
và Sự Hoang Mang của Vua Hê-rốt
Ma-thi-ơ 14:1-12; Mác 6:14-29; Lu-ca 9:7-9

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 14:1-12

1 Vào thời đó, Hê-rốt, một trong bốn tiểu vương, đã nghe tiếng đồn về Đức Chúa Jesus. [Hê-rốt được gọi là “một trong bốn tiểu vương” vì ông cai trị một phần tư của một lãnh thổ. Lãnh thổ đó vốn là vương quốc Giu-đa. Thuật ngữ “τετράρχης” /tetraarchēs – tê-rá-khết/ (G5076) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là người cai trị một phần tư lãnh thổ.]

2 Ông đã nói với những tôi tớ của mình: Đây là Giăng Báp-tít. Người đã sống lại từ những kẻ chết; bởi đó, những phép lạ đã được tỏ ra bởi người.

3 Vì Hê-rốt đã bắt Giăng, trói người, và bỏ vào tù, vì cớ Hê-rô-đia, vợ của Phi-líp, em ruột của ông.

4 Vì Giăng đã nói với ông: Ấy là không hợp pháp cho ngươi có nàng.

5 Ông đã muốn giết người, nhưng sợ dân chúng, vì họ đã xem người là một tiên tri.

6 Đến ngày mừng sinh nhật của Hê-rốt, con gái của Hê-rô-đia đã nhảy múa giữa họ, làm vui lòng Hê-rốt.

7 Vì thế, ông đã hứa với lời thề, cho nàng bất cứ điều gì nàng xin.

8 Nàng đã bị mẹ của nàng xúi giục nên đã nói: Hãy cho tôi tại đây, cái đầu của Giăng Báp-tít, trên mâm.

9 Vua đã buồn rầu; nhưng bởi lời thề và những người dự tiệc, ông đã truyền rằng, sự ấy được ban cho nàng.

10 Ông đã sai người chém Giăng trong tù.

11 Đầu của người đã được đem đến trên mâm và được trao cho cô gái. Nàng đã đem đến cho mẹ của nàng.

12 Những môn đồ của người đã đến. Họ đã lấy xác và đã chôn nó. Họ đã đi và đã báo tin cho Đức Chúa Jesus.

Mác 6:14-29

14 Vua Hê-rốt đã nghe về Ngài. Vì danh của Ngài đã trở nên lừng lẫy. Ông đã nói: Ấy là Giăng Báp-tít đã sống lại từ những kẻ chết; bởi đó, những phép lạ đã được tỏ ra bởi người.

15 Những người khác đã nói: Ấy là Ê-li. Những người khác đã nói: Ấy là một tiên tri, hoặc như một trong các tiên tri.

16 Nhưng Hê-rốt đã nghe vậy, thì nói: Đây là Giăng, người mà ta đã chém đầu. Người đã sống lại từ những kẻ chết.

17 Vì chính Hê-rốt đã sai người bắt Giăng và trói người trong tù; bởi cớ Hê-rô-đia, vợ của Phi-líp, em ruột của ông, mà ông đã cưới nàng.

18 Vì Giăng đã nói với Hê-rốt: Ấy là không hợp pháp cho ngươi có vợ của em ruột ngươi.

19 Hê-rô-đia đã giận ghét người, muốn giết người, nhưng bà không thể.

20 Vì Hê-rốt sợ Giăng, ông biết người là một người công chính và thánh. Ông vẫn trông chừng người. Ông đã nghe người, ông vốn đã làm nhiều việc, ông vốn đã vui lòng nghe người.

21 Ngày thuận tiện đã đến, khi Hê-rốt, vào dịp sinh nhật của mình, đã đãi tiệc các quan lớn của mình, các sĩ quan cao cấp trong quân đội, cùng các bậc tôn trưởng trong xứ Ga-li-lê.

22 Chính con gái của Hê-rô-đia đã đến, đã nhảy múa, đã làm vui lòng Hê-rốt và những người dự tiệc. Vua đã nói với cô gái: Hãy xin ta bất cứ điều gì ngươi muốn! Ta sẽ cho ngươi.

23 Ông đã thề với nàng: Bất cứ ngươi xin ta điều gì, ta sẽ cho ngươi, ngay cả phân nửa vương quốc của ta.

24 Nàng đã đi và nói với mẹ của nàng: Con sẽ xin điều gì? Bà đã nói: Cái đầu của Giăng Báp-tít.

25 Tức thì, nàng vội trở vào nơi vua và xin rằng: Tôi muốn rằng, ngài cho tôi ngay cái đầu của Giăng Báp-tít, trên mâm.

26 Vua đã rất buồn rầu; nhưng bởi lời thề và những người dự tiệc, ông đã không muốn từ chối nàng.

27 Vua liền sai lính thị vệ, truyền rằng, đầu của người phải được mang đến. Lính ấy đã đi, đã chém người trong tù.

28 Lính ấy đã đem đầu của người trên mâm, trao cho cô gái. Cô gái đã trao nó cho mẹ của mình.

29 Những môn đồ của người đã nghe tin. Họ đã đến, lấy xác của người, và đã đặt nó trong mồ.

Lu-ca 9:7-9

7 Bấy giờ, Hê rốt, một trong bốn tiểu vương, đã nghe hết thảy những sự đã làm bởi Ngài thì hoang mang. Một số người này nói rằng: Giăng đã sống lại từ những kẻ chết. [Hê-rốt được gọi là “một trong bốn tiểu vương” vì ông cai trị một phần tư của một lãnh thổ. Lãnh thổ đó vốn là vương quốc Giu-đa. Thuật ngữ “τετράρχης” /tetraarchēs – tê-rá-khết/ (G5076) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là người cai trị một phần tư lãnh thổ.]

8 Một số người kia nói rằng: Ê-li đã hiện ra. Những người khác nói rằng: Một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại.

9 Nhưng Hê-rốt đã nói: Ta đã chém đầu Giăng. Người này là ai, mà ta nghe những việc như vậy? Ông đã muốn gặp Ngài.

Trong bài này, chúng ta học về sự chết của Giăng Báp-tít và sự hoang mang của Vua Hê-rốt, sau khi ông đã nghe những tin đồn về Đức Chúa Jesus.

Ma-thi-ơ 14:1

1 Vào thời đó, Hê-rốt, một trong bốn tiểu vương, đã nghe tiếng đồn về Đức Chúa Jesus.

Mác 6:14a

14 Vua Hê-rốt đã nghe về Ngài. Vì danh của Ngài đã trở nên lừng lẫy.

Lu-ca 9:7a

7 Bấy giờ, Hê rốt, một trong bốn tiểu vương, đã nghe hết thảy những sự đã làm bởi Ngài thì hoang mang.

Theo lời ghi chú trong Ma-thi-ơ 14:1 và Lu-ca 9:7, chúng ta thấy, Vua Hê-rốt được gọi là “một trong bốn tiểu vương”, vì ông cai trị một phần tư của một lãnh thổ. Lãnh thổ đó vốn là vương quốc Giu-đa. Thuật ngữ “τετράρχης” /tetraarchēs – tê-rá-khết/ (G5076) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là người cai trị một phần tư lãnh thổ.

Vào năm 63 TCN, đế quốc La-mã đã chiếm đóng vùng Trung Đông và vương quốc Giu-đa trở thành một tỉnh của La-mã. Vào năm 37 TCN, đế quốc La-mã phong cho Hê-rốt Đại Đế làm vua của xứ Giu-đê, bao gồm lãnh thổ của vương quốc Giu-đa. Ông là người ra lệnh tàn sát trẻ con ở Bết-lê-hem và các vùng phụ cận, khi hay tin Đức Chúa Jesus ra đời. Sau khi Hê-rốt Đại Đế qua đời vào năm 4 TCN thì đế quốc La-mã phân chia xứ Giu-đê thành bốn khu vực, giao cho các con trai và một em gái của ông cai trị:

  • A-chê-la-u: cai trị Giu-đê, Sa-ma-ri, và Ê-đôm từ năm 4 TCN tới năm 6 thì bị La-mã truất quyền cai trị vì kém tài. Từ đó, Giu-đê, Sa-ma-ri, và Ê-đôm trở thành một tỉnh của La-mã, dưới quyền cai trị của một thống đốc. Thống Đốc Bôn-xơ Phi-lát là người cai trị tỉnh này từ năm 26 tới năm 36. A-chê-la-u được gọi là “ἐθνάρχης” /ethnarchēs – ết-na-khết/ (G1481), có nghĩa là: “người cai trị một dân tộc”.

  • Hê-rốt An-ti-ba: cai trị Ga-li-lê và Perea /pê-rê-a/ từ năm 4 TCN tới năm 39 thì bị La-mã truất phế. Lãnh thổ do ông cai trị được sát nhập vào tỉnh Syria của La-mã. Ông được gọi là “τετράρχης” /tetraarchēs – tê-rá-khết/ (G5076), có nghĩa là: người cai trị một phần tư lãnh thổ, hoặc: một trong bốn tiểu vương.

  • Phi-líp: cai trị các vùng phía đông của Sông Giô-đanh, bao gồm Iturea /i-tu-rê-a/ và Trachonitis /tra-cô-nai-tíc/ từ năm 4 TCN tới năm 34 thì qua đời. Lãnh thổ do ông cai trị được sát nhập vào tỉnh Syria của La-mã. Ông cũng được gọi là “một trong bốn tiểu vương” (τετράρχης).

  • Sa-lô-mê I (em gái của Hê-rốt Đại Đế), cai trị một khu vực nhỏ bao gồm các thành phố Jamnia /giam-ni-a/, Azotus /a-dô-tớt/, và Phasaelis /phay-dê-li/ từ năm 4 TCN tới năm 10 thì bà qua đời. Lãnh thổ do bà cai trị được sát nhập vào tỉnh Giu-đê của La-mã.

Thời điểm xảy ra câu chuyện mà chúng ta đang học có lẽ vào khoảng đầu năm 26, trước kỳ Lễ Vượt Qua và trước khi Đức Chúa Jesus làm phép lạ hóa bánh ra lần thứ nhất. Khi đó, Đức Chúa Jesus đã thi hành linh vụ của Ngài hơn một năm. Tiếng đồn về sự giảng dạy và những phép lạ Đức Chúa Jesus làm đã truyền đi khắp nơi trong các xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, Ga-li-lê, Đê-ca-bô-lơ và các vùng lân cận. Thành Giê-ru-sa-lem là nơi dân I-sơ-ra-ên từ khắp nơi, hàng năm kéo về tham dự ba kỳ lễ hội: Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, và Lễ Lều Tạm. Vì thế, sự giảng dạy cùng các phép lạ Đức Chúa Jesus làm ra tại Giê-ru-sa-lem còn được loan truyền đến tận những vùng xa, trong đế quốc La-mã.

Khi Vua Hê-rốt An-ti-ba nghe những lời đồn về sự giảng dạy và các phép lạ Đức Chúa Jesus làm ra, ông đã hoang mang. Từ ngữ “διαπορέω” /diaporeō – đi-áp-ba-rế-ô/ (G1280), được dịch là “hoang mang”, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là không biết phải nhận định như thế nào.

Ma-thi-ơ 14:2

2 Ông đã nói với những tôi tớ của mình: Đây là Giăng Báp-tít. Người đã sống lại từ những kẻ chết; bởi đó, những phép lạ đã được tỏ ra bởi người.

Mác 6:14b-16

14 …Ông đã nói: Ấy là Giăng Báp-tít đã sống lại từ những kẻ chết; bởi đó, những phép lạ đã được tỏ ra bởi người.

15 Những người khác đã nói: Ấy là Ê-li. Những người khác đã nói: Ấy là một tiên tri, hoặc như một trong các tiên tri.

16 Nhưng Hê-rốt đã nghe vậy, thì nói: Đây là Giăng, người mà ta đã chém đầu. Người đã sống lại từ những kẻ chết.

Lu-ca 9:7b-9

7 …Một số người này nói rằng: Giăng đã sống lại từ những kẻ chết.

8 Một số người kia nói rằng: Ê-li đã hiện ra. Những người khác nói rằng: Một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại.

9 Nhưng Hê-rốt đã nói: Ta đã chém đầu Giăng. Người này là ai, mà ta nghe những việc như vậy? Ông đã muốn gặp Ngài.

Ma-thi-ơ và Mác cùng ghi rằng, Vua Hê-rốt cho rằng, Đức Chúa Jesus chính là Giăng Báp-tít đã sống lại. Thậm chí, Mác còn ghi rõ là khi Vua Hê-rốt nghe những người khác nói, Đức Chúa Jesus là Tiên Tri Ê-li hoặc một trong các tiên tri khác, thì ông đã lặp lại nhận định của ông: “Đây là Giăng, người mà ta đã chém đầu. Người đã sống lại từ những kẻ chết” (câu 16).

Riêng Lu-ca thì ghi rằng, nhiều người cho rằng, Đức Chúa Jesus là Giăng Báp-tít đã sống lại, hoặc là Tiên Tri Ê-li, hoặc là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại. Và ông ghi rằng, Vua Hê-rốt đã hoang mang, không biết nhận định như thế nào, nên vua đã nói: “Ta đã chém đầu Giăng. Người này là ai, mà ta nghe những việc như vậy?” Đồng thời, vua cũng muốn gặp Đức Chúa Jesus.

Chúng tôi hiểu rằng, Lu-ca đã ghi chép phản ứng ban đầu của Vua Hê-rốt. Lu-ca có quen biết một số người trong triều đình, có lẽ vì ông là một bác sĩ và từng chữa bệnh cho gia đình của họ. Vì thế, ông đã được họ thuật lại phản ứng của Hê-rốt, khi vua mới nghe tin đồn về Đức Chúa Jesus. Ma-thi-ơ chỉ ghi lại ý chính về phản ứng sau cùng của Vua Hê-rốt. Mác đã ghi chi tiết hơn về sự sau khi Hê-rốt nhận định Đức Chúa Jesus là Giăng Báp-tít đã sống lại, thì vua cũng bác bỏ các nhận định khác từ những người khác.

Lý do Vua Hê-rốt nghĩ rằng, Đức Chúa Jesus là Giăng Báp-tít đã sống lại là vì ông từng nghe Giăng Báp-tít giảng và làm theo một số lời dạy của Giăng Báp-tít. Ông nhận biết Giăng Báp-tít là một người công chính và là một người thánh (câu 20) nên ông dễ dàng tin rằng, Đức Chúa Jesus chính là Giăng Báp-tít đã sống lại.

Ma-thi-ơ 14:3-4

3 Vì Hê-rốt đã bắt Giăng, trói người, và bỏ vào tù, vì cớ Hê-rô-đia, vợ của Phi-líp, em ruột của ông.

4 Vì Giăng đã nói với ông: Ấy là không hợp pháp cho ngươi có nàng.

Mác 6:17-18

17 Vì chính Hê-rốt đã sai người bắt Giăng và trói người trong tù; bởi cớ Hê-rô-đia, vợ của Phi-líp, em ruột của ông, mà ông đã cưới nàng.

18 Vì Giăng đã nói với Hê-rốt: Ấy là không hợp pháp cho ngươi có vợ của em ruột ngươi.

Trước đó, khi Giăng Báp-tít can ngăn Vua Hê-rốt về việc vua lấy em dâu làm vợ thì vua đã sai người bắt giam Giăng vào tù.

Động từ “trói” được dùng để chỉ chung sự thân thể bị ràng buộc, mất tự do, mà ở đây có thể hiểu là Giăng Báp-tít đã bị xiềng xích trong tù.

Động từ “có” hàm ý, kết hôn. Tương tự như được dùng trong I Cô-rinh-tô 5:1, nói về sự một người “có vợ của cha mình”, được dịch là “lấy vợ của cha mình”.

Theo sử liệu thì có một lần, trên đường Vua Hê-rốt đến kinh đô La-mã, ông đã ghé thăm em mình là Vua Phi-líp. Trong lần ghé thăm đó, ông và vợ của Phi-líp đã phải lòng nhau, nên ông đã ly dị vợ của mình và Hê-rô-đia đã ly dị chồng của mình để hai người kết hôn với nhau. Sự ly dị và kết hôn đó đúng theo luật pháp La-mã nhưng không đúng với luật pháp của Thiên Chúa. Vì thế, Vua Hê-rốt và Hê-rô-đia cùng phạm tội ngoại tình, trước Chúa. Giăng Báp-tít đã trực tiếp chỉ tội vua.

Vua Hê-rốt biết Giăng Báp-tít được nhiều người tin theo nên ông không muốn lời nói của Giăng Báp-tít khích động nhiều người chống ông. Vì thế, ông đã cho bắt nhốt Giăng Báp-tít.

Ma-thi-ơ 14:5

5 Ông đã muốn giết người, nhưng sợ dân chúng, vì họ đã xem người là một tiên tri.

Mác 6:19-20

19 Hê-rô-đia đã giận ghét người, muốn giết người, nhưng bà không thể.

20 Vì Hê-rốt sợ Giăng, ông biết người là một người công chính và thánh. Ông vẫn trông chừng người. Ông đã nghe người, ông vốn đã làm nhiều việc, ông vốn đã vui lòng nghe người.

Ma-thi-ơ ghi rằng, Vua Hê-rốt muốn giết Giăng Báp-tít. Mác ghi rằng, Vua Hê-rốt sợ Giăng Báp-tít và vẫn trông chừng ông. Động từ “trông chừng” hàm ý canh giữ để bảo vệ. Chúng ta có thể hiểu rằng, Vua Hê-rốt có ý muốn giết Giăng Báp-tít nhưng sợ dân chúng. Mặt khác, Vua Hê-rốt cho canh giữ Giăng Báp-tít cách nghiêm khắc để ông không bị Hê-rô-đia ám hại. Vua Hê-rốt sợ Giăng Báp-tít vì đã được nghe Giăng Báp-tít giảng, nhận biết Giăng Báp-tít là một người có nếp sống công chính và thánh khiết. Thậm chí, vua đã từng vui lòng nghe Giăng Báp-tít giảng dạy và làm theo nhiều điều Giăng Báp-tít giảng. Nhưng khi Giăng Báp-tít nói đến tội ngoại tình của vua, thì ông không vui và không nghe theo.

Trong cuộc đời này cũng có rất nhiều người giống như Vua Hê-rốt. Họ nghe giảng Lời Chúa và vui lòng làm theo nhiều điều Chúa dạy. Nhưng khi đụng đến sự họ ưa thích nhất mà sự ấy không đẹp lòng Chúa, thì họ không thể từ bỏ nó để trọn vẹn theo Chúa.

Ma-thi-ơ 14:6-7

6 Đến ngày mừng sinh nhật của Hê-rốt, con gái của Hê-rô-đia đã nhảy múa giữa họ, làm vui lòng Hê-rốt.

7 Vì thế, ông đã hứa với lời thề, cho nàng bất cứ điều gì nàng xin.

Mác 6:21-23

21 Ngày thuận tiện đã đến, khi Hê-rốt, vào dịp sinh nhật của mình, đã đãi tiệc các quan lớn của mình, các sĩ quan cao cấp trong quân đội, cùng các bậc tôn trưởng trong xứ Ga-li-lê.

22 Chính con gái của Hê-rô-đia đã đến, đã nhảy múa, đã làm vui lòng Hê-rốt và những người dự tiệc. Vua đã nói với cô gái: Hãy xin ta bất cứ điều gì ngươi muốn! Ta sẽ cho ngươi.

23 Ông đã thề với nàng: Bất cứ ngươi xin ta điều gì, ta sẽ cho ngươi, ngay cả phân nửa vương quốc của ta.

Ma-thi-ơ chỉ ghi vắn tắt ý chính của sự việc. Mác thì ghi chi tiết hơn.

Ngày thuận tiện đã đến” là ngày thuận tiện cho Hê-rô-đia thi hành ý muốn giết Giăng Báp-tít.

Đó là ngày mừng sinh nhật của Hê-rốt An-ti-ba. Vua đã cho mở tiệc tiếp đãi các nhân vật quan trọng đối với vua, bao gồm các quan lớn trong triều đình của ông, các sĩ quan cao cấp trong quân đội La-mã, là những người thống lĩnh một ngàn lính, cùng các thân hào, nhân sĩ trong xứ Ga-li-lê.

Con gái của Hê-rô-đia là con gái của bà với chồng trước là Vua Phi-líp. Chúng ta không biết con gái của Hê-rô-đia khi đó đã được bao nhiêu tuổi, nhưng theo cách dùng chữ của Thánh Kinh, gọi là “cô gái” (G2877), thì có lẽ đó là một thiếu nữ dưới 20 tuổi. Cô gái có tài nhảy múa và sự nhảy múa đó đã làm vui lòng Vua Hê-rốt cùng những khách dự tiệc.

Trong phút bốc đồng, Vua Hê-rốt đã cao hứng, hứa cùng cô gái với lời thề rằng: “Bất cứ ngươi xin ta điều gì, ta sẽ cho ngươi, ngay cả phân nửa vương quốc của ta”.

Lời hứa bốc đồng của Vua Hê-rốt khiến cho chúng ta nhớ đến lời hứa của Giép-thê với Thiên Chúa:

Giép-thê hứa một lời hứa với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu rằng: Nếu Ngài phó con cháu của Am-môn vào tay tôi, thì bất cứ vật gì đi ra từ các cửa nhà tôi để gặp tôi, khi tôi trở về trong sự bình an từ con cháu của Am-môn, nó sẽ thuộc về Thiên Chúa và tôi sẽ dâng nó lên làm của lễ thiêu.” (Các Quan Xét 11:30-31).

Khi Giép-thê thắng trận trở về thì đứa con gái của ông đã đi ra, mừng đón ông. Giép-thê đã phải giữ lời hứa của mình.

Chúng ta không ngoại trừ sự kiện ma quỷ có thể xúi giục loài người nói ra những lời hứa bốc đồng. Rồi nó khích động sự kiêu ngạo của loài người để người nói lời bốc đồng phải làm theo lời hứa của mình. Là con dân Chúa, chúng ta cần làm theo Lời Chúa là “mau nghe, chậm nói” để lời nói của mình luôn đúng với Lời Chúa:

Vậy, các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, mỗi người hãy mau nghe mà chậm nói, chậm giận.” (Gia-cơ 1:19).

Lời hứa đem một nửa vương quốc tặng cho một cô gái nhảy múa làm vui lòng mình của Vua Hê-rốt khiến cho chúng ta nhớ đến lời hứa của Vua A-suê-ru với bà Ê-xơ-tê. Đó cũng là lời hứa ban cho một nửa vương quốc (Ê-xơ-tê 5:3; 7:2). Vua Hê-rốt vì yêu một điệu múa còn Vua A-suê-ru vì yêu vợ mà sẵn sàng cho đi một nửa vương quốc.

Ma-thi-ơ 14:8-10

8 Nàng đã bị mẹ của nàng xúi giục nên đã nói: Hãy cho tôi tại đây, cái đầu của Giăng Báp-tít, trên mâm.

9 Vua đã buồn rầu; nhưng bởi lời thề và những người dự tiệc, ông đã truyền rằng, sự ấy được ban cho nàng.

10 Ông đã sai người chém Giăng trong tù.

Mác 6:24-27

24 Nàng đã đi và nói với mẹ của nàng: Con sẽ xin điều gì? Bà đã nói: Cái đầu của Giăng Báp-tít.

25 Tức thì, nàng vội trở vào nơi vua và xin rằng: Tôi muốn rằng, ngài cho tôi ngay cái đầu của Giăng Báp-tít, trên mâm.

26 Vua đã rất buồn rầu; nhưng bởi lời thề và những người dự tiệc, ông đã không muốn từ chối nàng.

27 Vua liền sai lính thị vệ, truyền rằng, đầu của người phải được mang đến. Lính ấy đã đi, đã chém người trong tù.

Ma-thi-ơ vẫn tiếp tục ghi một cách vắn tắt và Mác vẫn ghi một cách chi tiết. Con gái của Hê-rô-đia đã đi ra, gặp mẹ, và hỏi bà là nên cầu xin điều gì. Hê-rô-đia đã nắm lấy cơ hội, bảo con gái xin cái đầu của Giăng Báp-tít. Con gái của Hê-rô-đia rất vâng lời mẹ. Ngay sau khi nghe mẹ nói, cô đã vội trở vào ngay để đưa ra lời cầu xin với vua. Chúng ta thấy, không có một sự thắc mắc hay bàn cãi nào mà cô con gái lập tức làm theo ý muốn của mẹ.

Có nhiều khi, con cái của những người không tin Chúa lại vâng phục cha mẹ hơn là con cái của con dân Chúa. Sự con cái của con dân Chúa không vâng phục cha mẹ là do lỗi cha mẹ đã không nghiêm khắc dạy con theo Lời Chúa, ngay từ khi chúng còn thơ ấu. Mỗi một bậc cha mẹ trong Chúa đều có bổn phận và trách nhiệm về những đứa con của mình. Nếu chúng bị hư mất thì trước hết là vì sự tự do lựa chọn của chúng. Nhưng nếu cha mẹ không nghiêm khắc dạy dỗ chúng, không kỷ luật chúng bằng đòn roi theo lời Chúa dạy, thì cha mẹ sẽ có phần trách nhiệm trong sự hư mất của chúng.

Bậc làm cha mẹ nên học thuộc lòng các câu Thánh Kinh sau đây: Châm Ngôn 13:24; 22:15; 23:13-14; 29:15. Và cũng luôn ghi nhớ rằng, lời dạy của Chúa vượt trên luật pháp của loài người.

Khi nghe con gái của Hê-rô-đia xin cái đầu của Giăng Báp-tít thì Vua Hê-rốt đã rất buồn rầu. Vì ông vẫn sợ việc giết Giăng Báp-tít sẽ gây ra bất lợi cho ông. Nhưng lòng kiêu ngạo đã khiến cho ông chiều theo lời xin của cô gái. Ông đã sai một lính thị vệ của ông đi vào nhà tù, chém đầu của Giăng Báp-tít.

Ma-thi-ơ 14:11-12

11 Đầu của người đã được đem đến trên mâm và được trao cho cô gái. Nàng đã đem đến cho mẹ của nàng.

12 Những môn đồ của người đã đến. Họ đã lấy xác và đã chôn nó. Họ đã đi và đã báo tin cho Đức Chúa Jesus.

Mác 6:28-29

28 Lính ấy đã đem đầu của người trên mâm, trao cho cô gái. Cô gái đã trao nó cho mẹ của mình.

29 Những môn đồ của người đã nghe tin. Họ đã đến, lấy xác của người, và đã đặt nó trong mồ.

Người lính thị vệ đã vào trong nhà tù, chém đầu của Giăng Báp-tít, đặt trên một cái mâm và đem đến, trao cho con gái của Hê-rô-đia. Cô gái đã trao nó lại cho mẹ.

Khi những môn đồ của Giăng Báp-tít hay tin, thì họ đã đến, nhận xác của ông và chôn cất nó. Chúng ta không rõ họ có được nhận đầu của Giăng Báp-tít hay không? Hay là Hê-rô-đia đã làm gì với nó. Sau khi chôn cất Giăng Báp-tít, những môn đồ của ông đã đến, báo tin cho Đức Chúa Jesus.

Có một vấn đề bên lề của bài học này. Đó là nhiều người và đặc biệt là Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va đã dùng sự kiện Pha-ra-ôn cho treo cổ quan thượng thiện, trong ngày mừng sinh nhật của Pha-ra-ôn (Sáng Thế Ký 40:20-22), và Vua Hê-rốt cho chém đầu Giăng Báp-tít, trong dịp mừng sinh nhật của vua, để dạy rằng, con dân Chúa không nên tổ chức mừng sinh nhật.

Sự kiện Pha-ra-ôn và Vua Hê-rốt giết người trong ngày mừng sinh nhật của mình không có nghĩa sự mừng sinh nhật là điều tội lỗi. Thánh Kinh không cấm con dân Chúa mừng sinh nhật. Thánh Kinh dạy rằng:

Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà ra. Bông trái của tử cung là phần thưởng từ Ngài.” (Thi Thiên 127:3).

Vì thế, ngày mà cơ nghiệp bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, phần thưởng từ Ngài, đến với con dân Chúa là một ngày vui mừng, trọng đại.

Con dân Chúa nên vui mừng kỷ niệm sinh nhật của mình vì đó là ngày mà Đức Chúa Trời đã định cho mình được ra đời, được trở nên cơ nghiệp của Ngài. Con dân Chúa cũng nên chúc mừng sinh nhật cho nhau. Vì đó là một trong ba thời điểm phước hạnh nhất, trong suốt cuộc đời của mỗi con dân Chúa thuộc thời kỳ Hội Thánh. Ba thời điểm đó là:

  • Ngày được sinh ra làm người.

  • Ngày tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

  • Ngày được Đấng Christ cất ra khỏi thế gian này.

Tuy nhiên, chúng ta không nên cầu kỳ, phí phạm, trong sự mừng sinh nhật.

Chúc mừng sinh nhật nhau cũng là cơ hội chúc phước cho nhau và khích lệ nhau. Con dân Chúa ở cùng địa phương có thể gặp mặt, ăn uống, thông công với nhau. Bất cứ sự gì đem lại ích lợi, gây dựng nhau, làm tôn vinh danh Chúa thì con dân Chúa được phép làm.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/07/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Xin Chúa Đừng Để Con Xa Ngài”
https://karaokethanhca.net/xin-chua-dung-de-con-xa-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.