Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL073 Đức Chúa Jesus Bước Đi Trên Biển

166 views

YouTube: https://youtu.be/ztXLe7k0VsQ

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL073 Đức Chúa Jesus Bước Đi Trên Biển
Ma-thi-ơ 14:22-33; Mác 6:45-52; Giăng 6:16-21

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 14:22-33

22 Rồi, liền theo đó, Đức Chúa Jesus đã thúc giục các môn đồ bước vào thuyền, đi trước Ngài, qua phía bờ bên kia, trong khi Ngài cho đoàn dân đi.

23 Khi Ngài đã cho đoàn dân đi, Ngài đã đi lên núi một mình để cầu nguyện. Buổi tối đã đến, Ngài đã ở đó một mình.

24 Bấy giờ, thuyền đã ở giữa biển, bị nhồi bởi sóng, vì ngược gió.

25 Vào canh tư trong đêm, Đức Chúa Jesus bước đi trên biển, đã đi đến với họ.

26 Khi các môn đồ đã thấy Ngài bước đi trên biển, họ đã sợ hãi, nói: Ấy là bóng ma. Rồi, họ đã kêu lên, vì sợ.

27 Nhưng Đức Chúa Jesus đã liền phán với họ rằng: Các ngươi hãy yên lòng! Ấy là Ta. Các ngươi đừng sợ!

28 Phi-e-rơ đã đáp lời Ngài rằng: Lạy Chúa! Nếu là Ngài, xin truyền cho tôi đến với Ngài, trên mặt nước.

29 Ngài đã phán: Hãy đến! Phi-e-rơ đã từ thuyền bước xuống. Người đã bước đi trên mặt nước, đến với Đức Chúa Jesus.

30 Khi người đã thấy gió thổi mạnh thì đã sợ hãi, bắt đầu chìm xuống. Người đã kêu rằng: Lạy Chúa! Xin cứu tôi!

31 Tức thì, Đức Chúa Jesus đã giơ tay, nắm lấy người, và đã phán với người: Hỡi kẻ ít đức tin! Ngươi đã nghi ngờ về sự gì?

32 Khi họ đã bước vào thuyền thì gió đã ngừng.

33 Các người trong thuyền đã đến, thờ phượng Ngài, thưa rằng: Ngài thật là Con của Thiên Chúa.

Mác 6:45-52

45 Rồi, liền theo đó, Ngài đã thúc giục các môn đồ của Ngài bước vào thuyền, qua phía bờ bên kia trước, đến thành Bết-sai-đa, trong khi Ngài cho đoàn dân đi.

46 Rời khỏi họ, Ngài đã đi lên núi để cầu nguyện.

47 Buổi tối đã đến, thuyền đã ở giữa biển, còn Ngài đã một mình trên đất.

48 Ngài đã thấy họ vất vả chèo, vì gió ngược. Vào khoảng canh tư của đêm, Ngài bước đi trên biển, và đã muốn vượt qua khỏi họ.

49 Khi họ đã thấy Ngài bước đi trên biển, họ đã ngỡ là bóng ma và đã la lên.

50 Vì ai nấy đã thấy Ngài và đã sợ hãi. Ngài đã liền nói chuyện với họ và phán với họ: Các ngươi hãy yên lòng! Ấy là Ta. Các ngươi đừng sợ!

51 Ngài đã bước lên, vào trong thuyền với họ. Gió đã ngừng. Họ đã vô cùng sửng sốt không thể tả trong họ. Họ đã ngạc nhiên.

52 Vì họ đã chẳng hiểu phép lạ về mấy cái bánh, bởi lòng của họ vốn bị cứng cỏi.

Giăng 6:16-21

16 Khi buổi tối đã đến, các môn đồ của Ngài đã đi xuống nơi bờ biển.

17 Họ đã vào trong thuyền. Họ đã đi qua biển, hướng về thành Ca-bê-na-um. Trời đã tối mà Đức Chúa Jesus chưa đến với họ.

18 Gió lớn đã thổi, khiến biển động.

19 Khi họ đã chèo được vào khoảng hai mươi lăm hay là ba mươi phu-lông, họ thấy Đức Chúa Jesus bước đi trên biển và trở nên gần thuyền thì họ sợ hãi. [Một phu-lông tương đương 185 mét.]

20 Nhưng Ngài phán với họ: Ấy là Ta! Các ngươi đừng sợ!

21 Bấy giờ, họ đã sẵn lòng đón Ngài vào trong thuyền. Tức thì, thuyền đã vào bờ, đến nơi họ đã muốn đi đến.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về phép lạ Đức Chúa Jesus bước đi trên biển. Sự kiện này được Ma-thi-ơ, Mác, và Giăng ghi lại. Nhưng Mác và Giăng đã ghi lại một cách vắn tắt, còn Ma-thi-ơ thì ghi lại với nhiều chi tiết hơn. Ma-thi-ơ đã ghi thêm sự kiện Sứ Đồ Phi-e-rơ xin Đức Chúa Jesus cho ông được bước đi trên nước, đến với Ngài.

Ma-thi-ơ 14:22-23

22 Rồi, liền theo đó, Đức Chúa Jesus đã thúc giục các môn đồ bước vào thuyền, đi trước Ngài, qua phía bờ bên kia, trong khi Ngài cho đoàn dân đi.

23 Khi Ngài đã cho đoàn dân đi, Ngài đã đi lên núi một mình để cầu nguyện. Buổi tối đã đến, Ngài đã ở đó một mình.

Mác 6:45-46

45 Rồi, liền theo đó, Ngài đã thúc giục các môn đồ của Ngài bước vào thuyền, qua phía bờ bên kia trước, đến thành Bết-sai-đa, trong khi Ngài cho đoàn dân đi.

46 Rời khỏi họ, Ngài đã đi lên núi để cầu nguyện.

Giăng 6:16-17

16 Khi buổi tối đã đến, các môn đồ của Ngài đã đi xuống nơi bờ biển.

17 Họ đã vào trong thuyền. Họ đã đi qua biển, hướng về thành Ca-bê-na-um. Trời đã tối mà Đức Chúa Jesus chưa đến với họ.

Liền theo đó” là liền sau khi Đức Chúa Jesus đã làm phép lạ, hóa ra nhiều bánh và cá cho hơn 5.000 người ăn.

Khi buổi tối đã đến” là sau khi mặt trời đã lặn và bước sang một ngày mới. Tính từ “ὄψιος” (opsios) /op’-see-os – óp-xi-ót/ (G3798) tùy theo văn mạch, được dùng để chỉ khoảng thời gian từ 3 giờ chiều tới khi mặt trời lặn, được dịch là “buổi chiều”, hoặc được dùng để chỉ khoảng thời gian ngay sau khi mặt trời lặn cho tới 9 giờ tối, được dịch là “buổi tối”.

Trời đã tối” là đã vào khoảng cuối buổi tối, sắp hết canh một. Canh một là từ 6:00 chiều tới 9:00 tối.

Đức Chúa Jesus chưa đến với họ”, có lẽ các môn đồ đã gắng sức chèo thuyền ngược gió được khoảng 5 km (Giăng 6:19), khi đó, họ đã ngang qua bến thuyền ở Bết-sai-đa mà vẫn không thấy Chúa ở đó chờ họ. Dù vậy, họ vẫn phải gắng sức chèo tiếp về hướng Ca-bê-na-um để cho gió thổi thuyền lui lại, thì có thể cập vào bến ở Bết-sai-đa. Chúng tôi hiểu rằng, cho tới khi đó, các môn đồ vẫn chèo thuyền cập bờ. Sau đó thì có lẽ vì gió thổi ngược theo hướng đông bắc – tây nam, nên thuyền bị trôi ra giữa biển, trước khi Đức Chúa Jesus bước đi trên nước, đến với họ.

Bản đồ vị trí các thành chung quanh Biển Ga-li-lê
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2024/08/CacThanhChungQuanhBienGalile.jpg

Đức Chúa Jesus đã thúc giục các môn đồ xuống thuyền đi qua bờ bên kia trước Ngài, trong khi Ngài cho đoàn dân giải tán. Mác còn ghi thêm chi tiết là “đến thành Bết-sai-đa”. Giăng thì không ghi lại sự Chúa thúc giục các môn đồ, mà chỉ ghi là họ đã xuống nơi bờ biển, vào thuyền, đi qua biển, hướng về thành Ca-bê-na-um. Trong Ma-thi-ơ 14:34 và Mác 6:53 thì lại ghi rằng, khi họ đã ngang qua biển, họ đã vào đến xứ Ghê-nê-xa-rết.

Chúng ta thấy, theo Mác, Đức Chúa Jesus đã truyền cho các môn đồ đi thuyền đến thành Bết-sai-đa. Theo Giăng, các môn đồ đã xuống thuyền, hướng đến thành Ca-bê-na-um. Nhưng theo Ma-thi-ơ và Mác, khi thuyền đến nơi thì lại là xứ Ghê-nê-xa-rết. Như vậy có phải là Thánh Kinh đã tự mâu thuẫn?

Chúng ta có thể hiểu như sau: Đức Chúa Jesus đã truyền cho các môn đồ chèo thuyền qua phía bờ bên kia, tức là từ bờ đông qua bờ tây, nhưng Ngài sẽ gặp họ tại Bết-sai-đa trước. Các môn đồ dự định ghé lại Bết-sai-đa để đón Chúa, nhưng khi bị gió ngược thì họ tiếp tục chèo, nhắm đến Ca-bê-na-um để khi qua khỏi Bết-sai-đa thì thuyền có thể trôi ngược lại vào bờ của Bết-sai-đa. Nghĩa là Đức Chúa Jesus đã muốn các môn đồ đi trước đến Bết-sai-đa, rồi Ngài sẽ gặp họ tại đó để cùng họ đi thuyền sang Ghê-nê-xa-rết, là nơi Ngài định đến. Vì thế, sau khi Ngài lên thuyền, Ngài đã khiến cho gió êm, sóng lặng, và thuyền cập bờ Ghê-nê-xa-rết.

Sau khi các môn đồ xuống thuyền và đoàn dân đã giải tán, thì Đức Chúa Jesus đã một mình lên núi để cầu nguyện. Sự cầu nguyện của Đức Chúa Jesus là sự Ngài thông công với Đức Chúa Trời. Chúng ta thật sự không biết, trong những lần cầu nguyện như vậy, Đức Chúa Jesus đã trò chuyện những gì với Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, từ khi Ngài được 12 tuổi thì Ngài đã nhận biết rõ, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người để thi hành sự cứu chuộc loài người. Ngài phải tạm từ bỏ những đặc tính của Thiên Chúa để mang lấy những đặc tính của loài người, kinh nghiệm cuộc sống khốn khổ của loài người. Tương tự như A-đam và Ê-va khi mới được dựng nên, Ngài hoàn toàn không có bản tính tội. Nhưng Ngài phải đối diện với đủ mọi cám dỗ đến từ ma quỷ lẫn loài người; và Ngài phải giữ lòng tin kính Đức Chúa Trời là trên hết để không sa ngã, như A-đam và Ê-va. Ngài dùng Lời của Đức Chúa Trời để chống trả kẻ cám dỗ. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, sự Đức Chúa Jesus cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong suốt thời gian trước khi Ngài phục sinh cũng chẳng khác gì với sự con dân Chúa khắp nơi cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đó là những lời tôn vinh, cảm tạ; xin được bảo vệ, giữ gìn; xin được thêm ơn, thêm sức, thêm sự khôn sáng để làm tròn mọi việc đã được Đức Chúa Trời giao phó.

Ma-thi-ơ 14:24-25

24 Bấy giờ, thuyền đã ở giữa biển, bị nhồi bởi sóng, vì ngược gió.

25 Vào canh tư trong đêm, Đức Chúa Jesus bước đi trên biển, đã đi đến với họ.

Mác 6:47-48

47 Buổi tối đã đến, thuyền đã ở giữa biển, còn Ngài đã một mình trên đất.

48 Ngài đã thấy họ vất vả chèo, vì gió ngược. Vào khoảng canh tư của đêm, Ngài bước đi trên biển, và đã muốn vượt qua khỏi họ.

Giăng 6:18-19

18 Gió lớn đã thổi, khiến biển động.

19 Khi họ đã chèo được khoảng hai mươi lăm hay là ba mươi phu-lông, họ thấy Đức Chúa Jesus bước đi trên biển và trở nên gần thuyền thì họ sợ hãi. [Một phu-lông tương đương 185 mét.]

Thuyền đã ở giữa biển” có nghĩa là thuyền đã cách xa bờ. Bề rộng của Biển Ga-li-lê từ Bết-sai-đa đến Ghê-nê-xa-rết là vào khoảng 8 km. Có lẽ gió đã thổi thuyền bạt vào khoảng giữa.

Hai mươi lăm hay là ba mươi phu-lông” là khoảng chừng 5 km.

Khoảng canh tư của đêm” là vào khoảng từ 3:00 sáng tới 6:00 sáng. Người I-sơ-ra-ên chia một đêm thành bốn phiên gác, mỗi phiên gác kéo dài ba tiếng. Canh một từ 6:00 chiều tới 9:00 tối; canh hai từ 9:00 tối tới 12:00 khuya; canh ba từ 12:00 khuya tới 3:00 sáng; và canh tư từ 3:00 sáng tới 6:00 sáng.

Có lẽ vào khoảng ba giờ sáng Đức Chúa Jesus đã bước đi trên biển, tiến về hướng chiếc thuyền các môn đồ đang chèo. Ngài đã nhìn thấy họ chèo thuyền cách vất vả, vì gió ngược và sóng lớn.

Ngài bước đi trên biển, và đã muốn vượt qua khỏi họ” có lẽ nói đến sự Đức Chúa Jesus đã đi tới ngang với thuyền, nhưng Ngài đã không dừng lại hoặc đến sát bên. Vẫn còn một khoảng cách xa nên các môn đồ không nhìn ra Ngài và họ đã sợ hãi. Có lẽ Chúa không lên thuyền ngay với họ là để xem họ phản ứng như thế nào.

Ma-thi-ơ 14:26-27

26 Khi các môn đồ đã thấy Ngài bước đi trên biển, họ đã sợ hãi, nói: Ấy là bóng ma. Rồi, họ đã kêu lên, vì sợ.

27 Nhưng Đức Chúa Jesus đã liền phán với họ rằng: Các ngươi hãy yên lòng! Ấy là Ta. Các ngươi đừng sợ!

Mác 6:49-50

49 Khi họ đã thấy Ngài bước đi trên biển, họ đã ngỡ là bóng ma và đã la lên.

50 Vì ai nấy đã thấy Ngài và đã sợ hãi. Ngài đã liền nói chuyện với họ và phán với họ: Các ngươi hãy yên lòng! Ấy là Ta. Các ngươi đừng sợ!

Giăng 6:20

20 Nhưng Ngài phán với họ: Ấy là Ta! Các ngươi đừng sợ!

Trong đêm tối, các môn đồ nhìn thấy có dáng người bước đi trên biển thì tưởng đó là bóng ma, nên họ đã hoảng sợ và la lên. Khi Đức Chúa Jesus thấy họ sợ và la lên như vậy, thì Ngài liền nói chuyện với họ để họ hết sợ. Ngài đã phán với họ: “Các ngươi hãy yên lòng! Ấy là Ta. Các ngươi đừng sợ!”

Danh từ “φάντασμα” (phantasma) /fan’-tas-mah – phan-tát-ma/ (G5326) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để chỉ sự người chết hiện ra, một cách mờ mờ, ảo ảo, được dịch là “bóng ma”. Danh từ này chỉ được dùng hai lần trong hai phân đoạn Thánh Kinh mà chúng ta đang học.

Danh từ “רְפָאִים” (rᵊp̄ā’îm) /raw-faw’ – ra-pha/ (H7496) trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh được dùng để chỉ bóng dáng linh hồn của người chết, được dịch là “âm hồn”. Danh từ này được dùng tám lần trong Thánh Kinh Cựu Ước (Gióp 26:5; Thi Thiên 88:10; Châm Ngôn 2:18; 9:18; 21:16; Ê-sai 14:9; 26:14, 19).

Người I-sơ-ra-ên bị ảnh hưởng mê tín dị đoan từ các dân ngoại nên có người tin vào các hiện tượng đồng bóng, cầu hồn, và bóng ma. Điển hình là câu chuyện Vua Sau-lơ nhờ bà bóng ở Ên-đô-rơ cầu hồn Tiên Tri Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 28). Có thể các môn đồ của Chúa không tin sự cầu hồn hay bóng ma, nhưng trước hiện tượng bất ngờ, tâm trí của họ tự giải thích ngay, bằng những gì họ đã nghe biết trước đây. Vì lý trí cho họ biết, không thể nào có sự kiện loài người đi trên mặt nước.

Ma-thi-ơ 14:28-29

28 Phi-e-rơ đã đáp lời Ngài rằng: Lạy Chúa! Nếu là Ngài, xin truyền cho tôi đến với Ngài, trên mặt nước.

29 Ngài đã phán: Hãy đến! Phi-e-rơ đã từ thuyền bước xuống. Người đã bước đi trên mặt nước, đến với Đức Chúa Jesus.

Sứ Đồ Phi-e-rơ vốn là người bộc trực và mau miệng. Sau khi nghe Chúa phán, ông đã đáp lời Ngài bằng một lời cầu xin. Ông xin Chúa cho ông được đến với Ngài bằng cách bước đi trên mặt nước.

Nếu ghi lại cách đầy đủ sự suy ngẫm về hai câu Thánh Kinh này thì sẽ là một bài khá dài. Chúng tôi chỉ xin đưa ra mấy điều vắn tắt.

  • Phi-e-rơ thật sự có đức tin.

  • Phi-e-rơ đã không để cho sự hiểu biết về những định luật vật lý chi phối đức tin của mình.

  • Phi-e-rơ không ngại cầu xin Chúa theo đức tin.

  • Chúa đã đáp lời cầu xin của Phi-e-rơ.

  • Chúa đã dùng đức tin của Phi-e-rơ để bày tỏ quyền năng của Ngài.

  • Phi-e-rơ đã tin lời phán của Chúa và thể hiện thành hành động.

  • Đức tin thể hiện thành hành động của Phi-e-rơ đã khiến cho ông nhận được điều ông cầu xin Chúa.

  • Có lẽ các môn đồ khác đã rất ngạc nhiên trước lời cầu xin của Phi-e-rơ.

  • Có lẽ họ càng ngạc nhiên hơn, khi nghe Chúa nhận lời cầu xin của Phi-e-rơ.

  • Và sự ngạc nhiên của các môn đồ đã lên đến tột đỉnh, khi họ thấy, Phi-e-rơ đã có thể bước đi trên mặt nước để đến với Chúa.

Từ các điểm trên đây, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học áp dụng cho chính mình. Chúng ta có thật sự có đức tin nơi Chúa hay không? Chúng ta có để cho sự hiểu biết về thế giới vật chất chi phối đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa Toàn Năng? Chúng ta có mạnh dạn dâng trình mọi lời cầu xin bởi đức tin lên Chúa? Chúng ta có thể hiện đức tin của chúng ta thành hành động qua sự vâng phục Chúa, sống theo Lời Chúa, hành động theo tiếng phán của Chúa? Chúng ta đã nhận được những gì từ Chúa, qua những lời cầu xin bởi đức tin của chúng ta? Hãy sống bởi đức tin để những phép lạ Chúa làm qua đời sống của chúng ta làm tôn vinh danh Ngài, và đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi của Ngài.

Ma-thi-ơ 14:30-31

30 Khi người đã thấy gió thổi mạnh thì đã sợ hãi, bắt đầu chìm xuống. Người đã kêu rằng: Lạy Chúa! Xin cứu tôi!

31 Tức thì, Đức Chúa Jesus đã giơ tay, nắm lấy người, và đã phán với người: Hỡi kẻ ít đức tin! Ngươi đã nghi ngờ về sự gì?

Chúng ta không biết, Phi-e-rơ đi trên mặt nước được bao xa, nhưng khi ông thấy gió nổi lên, thổi mạnh thì ông đã sợ hãi, và bắt đầu chìm xuống nước. Phi-e-rơ vốn là dân đánh cá nên đương nhiên ông giỏi về bơi lội. Nhưng trong giây phút ấy, ông đã cất tiếng kêu cầu Chúa, xin Chúa cứu ông. Chúng ta không biết, khi ấy Đức Chúa Jesus cách Phi-e-rơ bao xa. Nhưng Phi-e-rơ vừa kêu cứu thì Chúa đã giơ tay của Ngài ra, nắm lấy ông.

Dù Phi-e-rơ bắt đầu bằng đức tin, nhưng khi có sự thay đổi trong hoàn cảnh thì ông sợ hãi. Sự sợ hãi đến là bởi sự nghi ngờ. Đức tin của Phi-e-rơ tưởng chừng rất mãnh liệt nhưng thật ra đã không đủ. Chúng ta không ngoại trừ Sa-tan đã khiến cho gió thổi ngược, gây sự vất vả cho các môn đồ của Chúa; và cũng chính Sa-tan làm cho gió thổi mạnh hơn, khi Phi-e-rơ đang bước đi trên mặt nước. Gióp 1:19 ghi lại sự kiện Sa-tan dùng cơn gió lớn, thổi sập nhà, giết chết 10 đứa con của Gióp. Vì thế, chúng ta hiểu rằng, Sa-tan vẫn có quyền hành động đối với các hiện tượng thời tiết.

Đức Chúa Jesus đã hỏi Phi-e-rơ, “ngươi đã nghi ngờ về sự gì”, để ông tra xét lại lòng mình. Có phải Phi-e-rơ nghi ngờ rằng, quyền phép của Chúa không thắng được cơn gió lớn? Có phải Phi-e-rơ nghi ngờ rằng, Ngài không phải là Chúa? Có lẽ Phi-e-rơ nghi ngờ chính ông. Ông đã nghi rằng, mình không thể tiếp tục đi trên mặt nước, vì gió to, sóng lớn. Dù sao thì Phi-e-rơ vẫn tin là Chúa cứu được mình, nên ông đã xin Chúa cứu mình. Phi-e-rơ không cậy vào tài bơi lội của ông mà ông cậy vào sự cứu rỗi của Chúa.

Trên bước đường theo Chúa của chúng ta, đã bao lần chúng ta không có đủ đức tin về sự quan phòng của Chúa? Không có đủ đức tin về sự Chúa ban cho chúng ta năng lực để thắng mọi cám dỗ và mọi thử thách?

Ma-thi-ơ 14:32-33

32 Khi họ đã bước vào thuyền thì gió đã ngừng.

33 Các người trong thuyền đã đến, thờ phượng Ngài, thưa rằng: Ngài thật là Con của Thiên Chúa.

Mác 6:51-52

51 Ngài đã bước lên, vào trong thuyền với họ. Gió đã ngừng. Họ đã vô cùng sửng sốt không thể tả trong họ. Họ đã ngạc nhiên.

52 Vì họ đã chẳng hiểu phép lạ về mấy cái bánh, bởi lòng của họ vốn bị cứng cỏi.

Giăng 6:21

21 Bấy giờ, họ đã sẵn lòng đón Ngài vào trong thuyền. Tức thì, thuyền đã vào bờ, đến nơi họ đã muốn đi đến.

Chúng ta không biết, khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Jesus đưa tay ra nắm lấy Phi-e-rơ cho tới khi Ngài và Phi-e-rơ bước vào thuyền là bao lâu, hoặc khoảng cách giữa họ và thuyền là bao xa. Nhưng khi họ đã bước vào thuyền thì gió ngừng, sóng lặng, và thuyền cập bờ.

Cùng một lúc có thể ba phép lạ liên tiếp xảy ra:

  • Phép lạ thứ nhất: trong cơn gió mạnh, sóng lớn, thuyền chao đảo, cho dù có thể đứng trên mặt nước thì sự bước vào thuyền không phải là điều dễ dàng. Chúng tôi nghĩ rằng, bằng phép lạ, Đức Chúa Jesus đã đem Phi-e-rơ từ trên biển lên trên thuyền.

  • Phép lạ thứ nhì: Gió đang thổi mạnh đã ngừng.

  • Phép lạ thứ ba: Thuyền đã vào bờ, đến nơi Đức Chúa Jesus và các môn đồ muốn đến.

Đoạn kết của sự kiện Đức Chúa Jesus bước đi trên biển đã được Ma-thi-ơ, Mác, và Giăng mỗi người ghi chép một chi tiết khác nhau.

  • Ma-thi-ơ ghi: “Các người trong thuyền đã đến, thờ phượng Ngài, thưa rằng: Ngài thật là Con của Thiên Chúa.”

  • Mác ghi: “Họ đã vô cùng sửng sốt không thể tả trong họ. Họ đã ngạc nhiên. Vì họ đã chẳng hiểu phép lạ về mấy cái bánh, bởi lòng của họ vốn cứng cỏi.”

  • Giăng ghi: “Bấy giờ, họ đã sẵn lòng đón Ngài vào trong thuyền. Tức thì, thuyền đã vào bờ, đến nơi họ đã muốn đi đến.”

Ma-thi-ơ viết cho người I-sơ-ra-ên nên ông luôn nhấn mạnh đến sự kiện Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời. Ngài xứng đáng đón nhận sự thờ phượng của loài người.

Tại đây, Ma-thi-ơ dùng cách nói, “Ngài là Con của Thiên Chúa” (θεου υιος ει) thay vì “Ngài là Con của Đức Chúa Trời” (του θεου υιος ει) là để nhấn mạnh đến sự kiện Ngài không có người cha xác thịt là loài người. Thân thể xác thịt của Ngài ra từ Thiên Chúa, bởi ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi sự tự nguyện của Ngôi Lời, là chính Ngài, và bởi quyền phép của Đấng Thần Linh. Lu-ca cũng đã dùng cách gọi “Con của Thiên Chúa” (θεου υιος ει) trong Lu-ca 1:35.

Các người trong thuyền” là các môn đồ của Đức Chúa Jesus, trong đó, có 12 sứ đồ của Ngài. Họ đã đến trước Đức Chúa Jesus và sấp mình thờ phượng Ngài. Đức Chúa Jesus đã tiếp nhận sự thờ phượng của họ, vì Ngài là loài người nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa.

Mác viết cho người La-mã là giống dân chú trọng đến thần thoại và phép lạ, nên ông chú trọng đến các chi tiết về phép lạ và đức tin để giới thiệu Đức Chúa Jesus cho họ.

Mác ghi lại sự các môn đồ của Chúa đã vô cùng sửng sốt không thể tả trong họ, khi họ chứng kiến phép lạ Đức Chúa Jesus bước đi trên biển; phép lạ Đức Chúa Jesus khiến cho Phi-e-rơ cũng có thể bước đi trên biển; phép lạ Đức Chúa Jesus cứu Phi-e-rơ; phép lạ Đức Chúa Jesus đem Phi-e-rơ vào trong thuyền; và phép lạ gió lặng, sóng yên, khi Đức Chúa Jesus và Phi-e-rơ đã vào trong thuyền. Mác giải thích lý do các môn đồ đã vô cùng sửng sốt không thể tả trước các phép lạ của Đức Chúa Jesus là vì họ vốn cứng lòng. Theo Mác, lẽ ra, sau khi các môn đồ chứng kiến phép lạ Đức Chúa Jesus hóa ra nhiều bánh và nhiều cá cho hơn 5.000 người ăn, thì họ nên hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Jesus.

Cứng lòng” có nghĩa là ngoan cố, không chịu thay đổi ý muốn, quan điểm, nếp sống dù đã chứng kiến hay đã được giảng giải lẽ thật, hoặc không có khả năng thông hiểu lẽ thật. Pha-ra-ôn của xứ Ê-díp-tô thời Môi-se là điển hình cho nghĩa thứ nhất. Đối với những người cứ tiếp tục cứng lòng trước lẽ thật như Pha-ra-ôn thì Đức Chúa Trời sẽ làm cho họ cứng lòng càng hơn, để Ngài thể hiện quyền năng và vinh hiển của Ngài, qua sự cứng lòng tỏ tường của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:16). Dân I-sơ-ra-ên nói chung là điển hình cho nghĩa thứ nhì, như đã được Phao-lô nói đến trong II Cô-rinh-tô 3:14. Và đó là trường hợp đã xảy ra cho các môn đồ của Chúa.

Động từ “bị cứng cỏi” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng với thời quá khứ hoàn tất và thụ động cách để chỉ một sự việc thụ động đã xảy ra và đã xong. Có nghĩa là vào lúc đó, lòng của các môn đồ đã bị cứng cỏi, khiến cho họ không hiểu được rằng, Đức Chúa Jesus có năng lực của Thiên Chúa để làm thành những việc chỉ có Thiên Chúa làm được. Những việc vượt khỏi những định luật vật lý của thế giới vật chất. Lý do lòng người bị cứng cỏi theo nghĩa thứ nhất, như Pha-ra-ôn, là vì họ kiêu ngạo, tự mãn, không chấp nhận những gì không đúng ý họ. Lý do lòng người cứng cỏi theo nghĩa thứ nhì, như các môn đồ của Chúa, là vì họ thiếu sự suy ngẫm về lẽ thật.

Chúng tôi nghĩ rằng, Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Mác về sự các môn đồ vốn bị cứng lòng, nên ông đã viết ra như vậy.

Ngày nay, nhiều con dân Chúa vẫn có tấm lòng cứng cỏi theo nghĩa thứ nhất hoặc theo nghĩa thứ nhì, hoặc theo cả hai nghĩa. Vì lòng bị cứng cỏi nên dù xưng nhận mình là con dân Chúa mà họ lại không tiếp nhận hoặc không hiểu lẽ thật về điều răn thứ tư, vì thế, họ đã không tôn thánh ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì lòng bị cứng cỏi nên dù xưng nhận mình là con dân Chúa mà họ lại cố ý làm ra những điều mà họ biết rõ là không đúng với Lời Chúa. Vì lòng bị cứng cỏi nên dù xưng nhận mình là con dân Chúa mà họ lại không chịu từ bỏ các thói hư, tật xấu, như: vẫn tranh cạnh, hơn thua, hoặc lấn áp người khác.

Giăng viết cho toàn thể loài người về lẽ thật Thiên Chúa nhập thế làm người, nên ông nhấn mạnh đến mọi chi tiết chứng tỏ thần tính và nhân tính của Đức Chúa Jesus.

Bấy giờ, họ đã sẵn lòng đón Ngài vào trong thuyền” hàm ý, các môn đồ đã tin rằng, Đức Chúa Jesus không phải là bóng ma mà là Chúa của họ, nên họ sốt sắng đón Ngài. Và theo Ma-thi-ơ thì họ đã thờ phượng Ngài.

Tức thì, thuyền đã vào bờ” hàm ý, sau khi các môn đồ đón Chúa vào thuyền và thờ phượng Ngài, thì thuyền đã cập bến. Đây rõ ràng là một phép lạ. Vì khi sự kiện Đức Chúa Jesus đi trên biển đến với họ thì thuyền đang ở giữa biển. Khoảng cách từ đó vào bờ Ghê-nê-xa-rết ít nhất là 4 km.

Đến nơi họ đã muốn đi đến” hàm ý, nơi thuyền cập bến là nơi Đức Chúa Jesus và các môn đồ đã muốn đi đến. Trong các câu Thánh Kinh tiếp theo đó, do Ma-thi-ơ (14:34) và Mác (6:53) ghi lại thì nơi đó thuộc xứ Ghê-nê-xa-rết. Cho dù xảy ra biến cố gió to, sóng lớn ngược thuyền, rất có thể do ma quỷ gây ra, thì cũng không thay đổi được ý muốn, dự định của Đức Chúa Jesus, không khiến cho các môn đồ của Chúa thất bại trong sự làm theo lời phán dạy của Ngài.

Trên bước đường theo Chúa của chúng ta, chúng ta chỉ cần hết lòng tin cậy nơi Chúa, hoàn toàn phó thác đường lối mình vào trong tay Chúa, sốt sắng làm theo Lời Chúa, thì chính Chúa là Đấng giải quyết mọi nan đề trong đời sống của chúng ta để chúng ta hoàn thành những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10) và đạt đến địa vị, phẩm chất mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta.

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng. Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:8-9).

Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho tới tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20b).

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/08/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Con Quỳ bên Chân Chúa, Lòng Khẩn Xin Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-quy-ben-chan-chua-long-khan-xin-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.