Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL079 Đức Chúa Jesus Phán Trước về Sự Thương Khó của Ngài

92 views

YouTube: https://youtu.be/Pwm_9z_4jr0

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL079 Đức Chúa Jesus Phán Trước
về Sự Thương Khó của Ngài
Điều Kiện để Theo Chúa
Ma-thi-ơ 16:21-28; Mác 8:31-38; 9:1; Lu-ca 9:22-27

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 16:21-28

21 Từ lúc ấy, Đức Chúa Jesus đã bắt đầu tỏ cho các môn đồ của Ngài rằng, Ngài phải đi đến Giê-ru-sa-lem, phải chịu khổ nhiều bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, cùng những thầy thông giáo, bị giết, và được làm cho sống lại vào ngày thứ ba.

22 Phi-e-rơ đã đem Ngài riêng ra, bắt đầu can Ngài rằng: “Nguyện Đức Chúa Trời thương xót Ngài! Hỡi Chúa, sự ấy sẽ không xảy ra cho Ngài!”

23 Nhưng Ngài đã xoay lại, phán với Phi-e-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến những việc của Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến những việc của loài người.”

24 Rồi, Đức Chúa Jesus đã phán với các môn đồ của Ngài: “Bất cứ ai muốn đến theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.

25 Vì nếu bất cứ ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất nó, còn nếu bất cứ ai vì Ta mà mất sự sống của mình thì sẽ tìm được nó.

26 Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất linh hồn của mình? Hay là một người sẽ trao ra gì để chuộc lại linh hồn của mình?

27 Vì Con Người sẽ đến với các thiên sứ của Ngài trong sự vinh quang của Cha Ngài. Khi đó, Ngài sẽ thưởng cho mỗi người, tùy theo những việc làm của người ấy.

28 Thật, Ta nói với các ngươi, có vài người đang đứng đây, họ sẽ không nếm sự chết cho tới khi họ nhìn thấy Con Người đến, trong vương quốc của Ngài.”

Mác 8:31-38

31 Rồi, Ngài đã bắt đầu dạy họ rằng, Con Người phải chịu khổ nhiều, bị các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, và những thầy thông giáo loại ra, bị giết, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.

32 Ngài đã phán lời ấy cách rõ ràng. Phi-e-rơ đã đem Ngài riêng ra, bắt đầu can Ngài.

33 Nhưng Ngài đã xoay lại, nhìn các môn đồ của Ngài. Ngài đã quở Phi-e-rơ rằng: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Vì ngươi chẳng nghĩ đến những việc của Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến những việc của loài người.”

34 Rồi, Ngài đã gọi dân chúng với các môn đồ của Ngài, phán với họ: “Bất cứ ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.

35 Vì nếu ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất nó, còn nếu ai vì cớ Ta và Tin Lành mà mất sự sống của mình thì sẽ cứu được nó.

36 Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất linh hồn của mình?

37 Hay là một người sẽ trao ra gì để chuộc lại linh hồn của mình?

38 Vậy, trong thế hệ gian dâm và tội lỗi này, nếu bất cứ ai hổ thẹn về Ta và những lời của Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi Ngài đến với các thiên sứ thánh, trong sự vinh quang của Cha Ngài.”

Mác 9:1

1 Ngài đã phán với họ: “Thật, Ta nói với các ngươi rằng, có vài người đứng đây, họ sẽ chẳng nếm sự chết, cho tới khi họ đã thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời đến với quyền phép.”

Lu-ca 9:22-27

22 Ngài đã phán rằng: “Con Người phải chịu khổ nhiều, bị các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, và những thầy thông giáo loại ra, bị giết, rồi sẽ được sống lại vào ngày thứ ba.”

23 Rồi, Ngài đã phán với mọi người: “Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.

24 Vì nếu bất cứ ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất nó, còn nếu bất cứ ai vì cớ Ta mà mất sự sống của mình thì sẽ cứu được nó.

25 Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất chính mình hoặc bị bỏ đi?

26 Vì nếu bất cứ ai hổ thẹn về Ta và những lời của Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi Ngài sẽ đến trong sự vinh quang của mình, của Cha, và của các thiên sứ thánh.

27 Ta nói với các ngươi một lẽ thật. Có vài người đang đứng đây, họ sẽ không nếm sự chết cho tới khi họ thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời.”

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus tiên tri về sự thương khó của Ngài và lần thứ nhì Ngài đưa ra điều kiện cho những ai muốn theo Ngài.

Ma-thi-ơ 16:21

21 Từ lúc ấy, Đức Chúa Jesus đã bắt đầu tỏ cho các môn đồ của Ngài rằng, Ngài phải đi đến Giê-ru-sa-lem, phải chịu khổ nhiều bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, cùng những thầy thông giáo, bị giết, và được làm cho sống lại vào ngày thứ ba.

Mác 8:31

31 Rồi, Ngài đã bắt đầu dạy họ rằng, Con Người phải chịu khổ nhiều, bị các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, và những thầy thông giáo loại ra, bị giết, rồi sau ba ngày sẽ sống lại.

Lu-ca 9:22

22 Ngài đã phán rằng: “Con Người phải chịu khổ nhiều, bị các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, và những thầy thông giáo loại ra, bị giết, rồi sẽ được sống lại vào ngày thứ ba.”

Từ lúc ấy” là từ lúc Phi-e-rơ xưng nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống, và Đức Chúa Jesus công bố Ngài sẽ thành lập Hội Thánh của Ngài. Khoảng thời gian từ lúc ấy cho tới khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá là khoảng sáu tháng. Vì thế, Đức Chúa Jesus đã bắt đầu phán trước cho các môn đồ biết về sự thương khó của Ngài. Sau đó, Đức Chúa Jesus đã ba lần nhắc đến sự thương khó của Ngài với các môn đồ, lần cuối là hai ngày trước Lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 26:2).

Nơi mà Đức Chúa Jesus phải chịu thương khó là Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, sau khi hoàn thành việc rao giảng lần cuối tại xứ Ga-li-lê, Đức Chúa Jesus đã lên đường trở về Giê-ru-sa-lem.

Đức Chúa Jesus cho biết, Ngài phải chịu khổ nhiều bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ thượng phẩm, cùng những thầy thông giáo.

Các trưởng lão” là các trưởng lão trong dân I-sơ-ra-ên, thành viên của Tòa Công Luận tại Giê-ru-sa-lem [1]. Tòa Công Luận có tổng cộng 70 trưởng lão dưới quyền chủ tọa của thầy tế lễ thượng phẩm.

Các thầy tế lễ thượng phẩm” được Đức Chúa Jesus nói đến bao gồm thầy tế lễ thượng phẩm đã nghỉ hưu tên là An-ne và thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm tên là Cai-phe.

An-ne làm thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 6 tới năm 15 thì bị chính quyền La-mã phế truất. Dù vậy, ông vẫn giữ một quyền lực lớn trong dân I-sơ-ra-ên và trong Do-thái Giáo, vì ông được nhiều người I-sơ-ra-ên tôn kính.

Cai-phe là con rể của An-ne, làm thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 18 tới năm 36. Nhưng quyền lực vẫn ở trong tay của An-ne. Vì vậy, khi Đức Chúa Jesus bị bắt, quân lính của Đền Thờ đã giải giao Ngài đến nhà của An-ne trước. Sau đó, An-ne mới cho giải Chúa đến nhà của Cai-phe (Giăng 18:12-24).

Những thầy thông giáo” là những người chuyên việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh, phần lớn họ thuộc phái Pha-ri-si.

Cả ba thành phần nắm giữ quyền thế cao nhất trong dân I-sơ-ra-ên đã cùng nhau hiệp mưu giết Đức Chúa Jesus. Vì những lời giảng dạy của Đức Chúa Jesus ngược lại những sự giảng dạy của họ và được dân chúng thán phục. Ngài còn nổi tiếng vì những phép lạ chữa bệnh, đuổi quỷ mà Ngài đã làm ra. Nhưng có lẽ điều khiến cho họ bực tức nhất là sự Ngài đã nhiều lần lên tiếng, chỉ ra sự giả hình của họ, và quở trách họ, trước các đám dân đông.

Mác và Lu-ca đều ghi thêm một chi tiết mà Ma-thi-ơ đã bỏ qua. Đó là Đức Chúa Jesus “bị loại ra” (G593), có nghĩa là bị chối bỏ, không được tiếp nhận.

Ma-thi-ơ và Lu-ca ghi rằng, Đức Chúa Jesus sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Mác ghi rằng, “sau ba ngày sẽ sống lại”. Có thể Ma-thi-ơ và Lu-ca ghi đúng theo lời phán của Đức Chúa Jesus; còn Mác thì có lẽ ghi lại theo sự hiểu của ông hoặc của người thuật chuyện.

Đức Chúa Jesus đã chết vào khoảng 3 giờ chiều trong một ngày Lễ Vượt Qua, là ngày 14 tháng Một, theo Lịch Hê-bơ-rơ. Ngài đã được chôn trước khi mặt trời lặn, khởi đầu cho một ngày mới. Theo Thánh Kinh, một ngày mới bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại. Có lẽ sự chôn cất Chúa đã được hoàn tất vào khoảng 5 giờ chiều, kịp cho mọi người ra về trước khi mặt tri lặn, để chuẩn bị cho ngày hôm sau là ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men.

  • Từ khoảng 5 giờ chiều ngày 14 tới khoảng 5 giờ chiều ngày 15 là tròn một ngày, ngày thứ nhất.

  • Từ khoảng 5 giờ chiều ngày 15 tới khoảng 5 giờ chiều ngày 16 là tròn một ngày, ngày thứ nhì.

  • Từ khoảng 5 giờ chiều ngày 16 tới khoảng 5 giờ chiều ngày 17 là tròn một ngày, ngày thứ ba.

Nếu Đức Chúa Jesus đã sống lại vào khoảng 5 giờ chiều ngày 17 thì có thể nói, sau khi chết trọn ba ngày, Ngài đã sống lại. Ngài cũng đã ở trong lòng đất trọn ba ngày và ba đêm theo lời tiên tri của chính Ngài (Ma-thi-ơ 12:40). Nhưng cũng có thể nói, Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba, sau khi chết. Vì lúc Đức Chúa Jesus sống lại vẫn còn là buổi chiều của ngày thứ ba, sau khi Ngài chết.

Khi so sánh các chi tiết trong Thánh Kinh và sử liệu, chúng ta biết, Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá cho tới chết vào ngày Lễ Vượt Qua 14 tháng Một năm 3787, theo Lịch Hê-bơ-rơ. Ngày đó nhằm Thứ Tư, ngày 9 tháng Tư năm 27, theo Lịch Julian; hoặc Thứ Tư ngày 7 tháng Tư năm 27, theo Lịch Gregorian, là lịch mà chúng ta đang dùng. Đức Chúa Jesus đã sống lại vào buổi chiều Sa-bát 17 tháng Một năm 3787, theo Lịch Hê-bơ-rơ. Ngày đó nhằm Thứ Bảy, ngày 12 tháng Tư năm 27, theo Lịch Julian; hoặc Thứ Bảy, ngày 10 tháng Tư năm 27, theo Lịch Gregorian. Xin đọc bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” trên khu mạng timhieutinlanh.com/thanhoc [2].

Được làm cho sống lại” là được Đức Chúa Trời làm cho sống lại bởi năng lực của Đấng Thần Linh:

Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại, cởi bỏ những đau đớn của sự chết, vì là không thể để Ngài bị nắm giữ bởi nó.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:24).

Trước hết, cho các ngươi, Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại Con của Ngài là Jesus, rồi sai Ngài ban phước cho các ngươi, xoay chuyển mỗi người khỏi những sự gian ác của người ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:26).

Hơn nữa, chúng tôi bị xem là những người làm chứng dối, vì chúng tôi đã làm chứng về Đức Chúa Trời rằng, Ngài đã làm sống lại Đấng Christ, Đấng mà Ngài chẳng làm cho sống lại nếu những người chết không được sống lại.” (I Cô-rinh-tô 15:15).

Nếu Đấng Thần Linh của Đấng làm cho Đức Chúa Jesus sống lại từ trong những kẻ chết, ở trong các anh chị em, thì Đấng làm cho Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong những kẻ chết cũng sẽ nhờ Đấng Thần Linh của Ngài ở trong các anh chị em, khiến cho những thân thể sẽ chết của các anh chị em được sống lại.” (Rô-ma 8:11).

Kể từ khoảnh khắc Đức Chúa Jesus được sống lại thì thân thể xác thịt phục sinh của Ngài hoàn toàn hành động như Thiên Chúa. Nói cách khác, kể từ đó, Thiên Chúa Ngôi Lời luôn thể hiện qua thân thể xác thịt với danh hiệu Chiên Con. Khải Huyền 21 và 22 tiên tri về trời mới đất mới và Vương Quốc Đời Đời đã dùng danh hiệu Chiên Con để gọi Thiên Chúa Ngôi Lời. Danh hiệu đó đời đời nhắc cho muôn loài về tình yêu và sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người, qua sự hy sinh của Thiên Chúa Ngôi Lời.

Ma-thi-ơ 16:22-23

22 Phi-e-rơ đã đem Ngài riêng ra, bắt đầu can Ngài rằng: “Nguyện Đức Chúa Trời thương xót Ngài! Hỡi Chúa, sự ấy sẽ không xảy ra cho Ngài!”

23 Nhưng Ngài đã xoay lại, phán với Phi-e-rơ: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến những việc của Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến những việc của loài người.”

Mác 8:32-33

32 Ngài đã phán lời ấy cách rõ ràng. Phi-e-rơ đã đem Ngài riêng ra, bắt đầu can Ngài.

33 Nhưng Ngài đã xoay lại, nhìn các môn đồ của Ngài. Ngài đã quở Phi-e-rơ rằng: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Vì ngươi chẳng nghĩ đến những việc của Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến những việc của loài người.”

Danh từ “Sa-tan” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh Cựu Ước (H7854) và trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước (G4566) đều có nghĩa là kẻ thù, kẻ chống nghịch. Danh từ này được Thánh Kinh dùng để chỉ một thiên sứ phạm tội, đứng đầu các thiên sứ phạm tội, chống nghịch Thiên Chúa. Riêng một lần duy nhất trong Thánh Kinh Tân Ước, danh từ này được Đức Chúa Jesus xử dụng trong Ma-thi-ơ 16:33 để gọi Phi-e-rơ là kẻ chống nghịch.

Mặc dù Phi-e-rơ khuyên can Đức Chúa Jesus với ý tốt, không muốn cho Chúa phải chịu những sự thương khó, nhưng lời khuyên can của Phi-e-rơ chống nghịch lại ý muốn và việc làm của Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus dùng danh từ “Sa-tan” để gọi Phi-e-rơ, nhấn mạnh tính cách chống nghịch Đức Chúa Trời, với mục đích khiến cho Phi-e-rơ sớm nhận ra sự sai trái của ông.

Đức Chúa Jesus phán rằng, Phi-e-rơ “chẳng nghĩ đến những việc của Đức Chúa Trời, nhưng nghĩ đến những việc của loài người”. Có nghĩa là Phi-e-rơ đã không nghĩ đến sự Đức Chúa Jesus phải chịu khổ và chịu chết, làm sinh tế chuộc tội cho loài người, theo ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời. Nhưng Phi-e-rơ đã mong rằng, Đức Chúa Trời sẽ không để cho Đức Chúa Jesus phải chịu khổ và chịu chết. Như vậy, Phi-e-rơ đã đặt ý riêng của mình trên ý muốn của Đức Chúa Trời. Rất có thể Phi-e-rơ không cố ý làm như vậy nhưng sự hấp tấp hành xử theo cảm xúc đã khiến cho Phi-e-rơ trở thành kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời. Lẽ ra, Phi-e-rơ nên hỏi Đức Chúa Jesus, vì sao Ngài phải gánh chịu sự thương khó, để được Chúa giải thích chi tiết cho ông.

Thực tế, có nhiều lời nói và việc làm dường như là tốt lành nhưng chúng nghịch lại ý muốn và việc làm của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa phải cẩn thận đối chiếu những cảm xúc, ý muốn, sự quyết định của mình với Lời Chúa, để lời nói và việc làm của mình không là sự chống nghịch Đức Chúa Trời.

Ngày nay, có nhiều người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng không chấp nhận những câu Thánh Kinh nào không hợp với cảm xúc và ý muốn của họ. Họ chọn hành động theo ý riêng. Họ trở thành những Sa-tan. Lại có những người diễn giải những câu Thánh Kinh theo ý riêng, không công nhận sự giảng dạy đến từ những người được Chúa ban cho chức vụ giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Họ cũng trở thành những kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời, vì làm cho sai lạc ý nghĩa của Lời Chúa. Họ tự chuốc lấy sự hư mất cho chính họ, như lời đã chép trong II Phi-e-rơ 3:16.

Lời khuyên can của Phi-e-rơ là cớ gây sự vấp phạm cho Đức Chúa Jesus. Vì nếu Đức Chúa Jesus nghe theo lời khuyên can ấy thì Ngài cũng trở thành kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời. Bất cứ lời nói nào của con dân Chúa mà không đúng với các lẽ thật của Thánh Kinh thì đều là cớ gây vấp phạm cho người khác. Và người nói sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu có người phạm tội vì lời nói của mình. Con dân Chúa cẩn thận khi góp ý cho người khác. Đừng góp ý theo cảm xúc hay sự khôn sáng của xác thịt, nhưng phải đối chiếu điều mình muốn góp ý với Lời Chúa.

Ma-thi-ơ 16:24-25

24 Rồi, Đức Chúa Jesus đã phán với các môn đồ của Ngài: “Bất cứ ai muốn đến theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.

25 Vì nếu bất cứ ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất nó, còn nếu bất cứ ai vì Ta mà mất sự sống của mình thì sẽ tìm được nó.

Mác 8:34-35

34 Rồi, Ngài đã gọi dân chúng với các môn đồ của Ngài, phán với họ: “Bất cứ ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá của mình mà theo Ta.

35 Vì nếu ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất nó, còn nếu ai vì cớ Ta và Tin Lành mà mất sự sống của mình thì sẽ cứu được nó.

Lu-ca 9:23-24

23 Rồi, Ngài đã phán với mọi người: “Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.

24 Vì nếu bất cứ ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất nó, còn nếu bất cứ ai vì cớ Ta mà mất sự sống của mình thì sẽ cứu được nó.

Lời khuyên can của Phi-e-rơ là ý riêng của ông, nhằm tránh cho Đức Chúa Jesus sự chịu khổ và chịu chết theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Có lẽ vì vậy mà Đức Chúa Jesus đã nhân cơ hội, một lần nữa phán dạy các môn đồ của Ngài cùng với đoàn dân đông về điều kiện để theo Ngài. Điều kiện đó là sự từ bỏ chính mình để chịu khổ vì Ngài. Đó là điều ắt phải có đối với bất cứ ai muốn theo Đức Chúa Jesus.

Từ bỏ chính mình” có nghĩa là không còn sống cho chính mình nhưng sống cho Chúa, sống theo các điều răn của Thiên Chúa, cho dù phải chịu khổ. Đó là nếp sống đặt Đức Chúa Trời lên trên mọi sự và yêu người khác như chính mình. Khi cần, có thể hy sinh danh tiếng, tài sản, và ngay cả mạng sống để hành xử đúng theo Lời Chúa. Điển hình là người từ bỏ chính mình từ bỏ việc làm kiếm sống không đúng Lời Chúa; dứt bỏ mối quan hệ tình cảm không đúng Lời Chúa; dứt bỏ nếp sống xa hoa, phung phí; dứt bỏ những phong tục mê tín dị đoan, những thói quen xấu, những sự ghiền nghiện.

Vác thập tự giá của mình” có nghĩa là gánh chịu những đau khổ và bất công đến với mình, vì mình sống theo Lời Chúa. Thập tự giá là hình cụ thông dụng được đế quốc La-mã dùng xử tử tội nhân. Thường khi, tội nhân phải tự mình vác thanh ngang của thập tự giá ra pháp trường. Thập tự giá tiêu biểu cho sự sỉ nhục, sự đau khổ, và sự chết. Vác thập tự giá là chấp nhận các sự ấy, cho dù chúng được áp đặt cách bất công.

Lu-ca đã ghi thêm hai chữ “mỗi ngày”. Có thể trong lời phán của Đức Chúa Jesus đã không có hai chữ “mỗi ngày”. Nhưng đó là cách hiểu của người thuật chuyện cho Lu-ca. Sự hiểu đó không sai nghịch với lời phán của Đức Chúa Jesus. Chúng tôi tin rằng, Đức Thánh Linh đã chấp nhận cho Lu-ca viết thêm hai chữ ấy để con dân Chúa hiểu rõ và hiểu đúng lời phán của Đức Chúa Jesus. Thật vậy, đời sống của con dân Chúa là đời sống phải chịu khổ mỗi ngày vì danh Chúa. Vì thế gian luôn bách hại những ai là môn đồ của Đấng Christ.

Ma-thi-ơ 16:25 tương tự như Ma-thi-ơ 10:39. Chúng tôi xin trích dẫn lời chú giải Ma-thi-ơ 10:39 dưới đây:

[Trích:]

Một người “tìm sự sống của mình” là một người tìm đủ cách để bảo tồn mạng sống của mình; từ sự làm việc kiếm sống cho đến sự trốn tránh những sự nguy hiểm, những sự bách hại. Đó chính là bản năng sinh tồn Thiên Chúa ban cho mỗi sinh vật. Không có gì sai khi một người thực hiện bản năng sinh tồn. Nhưng nếu một người vì tìm sự sống mà chối bỏ Chúa, vi phạm các điều răn của Thiên Chúa thì người ấy sẽ mất sự sống của mình, trong đời này lẫn trong đời sau. Sự mất sự sống trong đời này là sự thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn, trở về cùng bụi đất. Sự mất sự sống trong đời sau là sự thân thể xác thịt được phục sinh, tái kết hợp với linh hồn, nhưng sẽ bị đời đời cách xa Thiên Chúa, chịu khổ trong hỏa ngục. Nhưng bất cứ ai yêu Đức Chúa Jesus hơn chính mạng sống của mình, thà chết để giữ vững đức tin trong Đức Chúa Jesus, làm tôn cao danh Chúa, không phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì thân thể xác thịt của người ấy sẽ được sống lại và sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

[Hết trích.]

Các câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta hiểu thế nào là từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Chúa.

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Mỗi con dân Chúa nên học thuộc lòng các câu Thánh Kinh này và thường xuyên suy ngẫm chúng, đối chiếu chúng với ý nghĩ, lời nói, và việc làm của mình.

Ma-thi-ơ 16:26

26 Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất linh hồn của mình? Hay là một người sẽ trao ra gì để chuộc lại linh hồn của mình?

Mác 8:36-37

36 Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất linh hồn của mình?

37 Hay là một người sẽ trao ra gì để chuộc lại linh hồn của mình?

Lu-ca 9:25

25 Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất chính mình hoặc bị bỏ đi?

Trong lần Sa-tan cám dỗ Đức Chúa Jesus, nó đã hứa sẽ ban cho Ngài tất cả các vương quốc trong thế gian, nếu Ngài sấp mình thờ phượng nó (Ma-thi-ơ 4:8-9). Nhưng sự thờ phượng Sa-tan là trọng tội, dẫn đến sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Có ích lợi gì cho một người khi người ấy được cả thế gian trong vài chục năm, rồi chết, và bị hư mất đời đời trong hỏa ngục? Linh hồn là thực thể được Thiên Chúa dựng nên để vui hưởng tình yêu của Ngài. Nhưng linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết, nghĩa là bị đời đời phân rẽ khỏi Thiên Chúa và chịu khổ trong hỏa ngục.

Không có gì mà một người có thể trao ra để chuộc lại linh hồn của mình, tức bản thân mình. Một người chỉ có thể được cứu chuộc bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Nhưng nếu một người chọn vui sống trong tội thì người ấy sẽ không có sự cứu rỗi của Đấng Christ.

Ma-thi-ơ 16:27-28

27 Vì Con Người sẽ đến với các thiên sứ của Ngài trong sự vinh quang của Cha Ngài. Khi đó, Ngài sẽ thưởng cho mỗi người, tùy theo những việc làm của người ấy.

28 Thật, Ta nói với các ngươi, có vài người đang đứng đây, họ sẽ không nếm sự chết cho tới khi họ nhìn thấy Con Người đến trong vương quốc của Ngài.”

Mác 8:38

38 Vậy, trong thế hệ gian dâm và tội lỗi này, nếu bất cứ ai hổ thẹn về Ta và những lời của Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi Ngài đến với các thiên sứ thánh, trong sự vinh quang của Cha Ngài.”

Mác 9:1

1 Ngài đã phán với họ: “Thật, Ta nói với các ngươi rằng, có vài người đứng đây, họ sẽ chẳng nếm sự chết, cho tới khi họ đã thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời đến với quyền phép.”

Lu-ca 9:26-27

26 Vì nếu bất cứ ai hổ thẹn về Ta và những lời của Ta thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi Ngài sẽ đến trong sự vinh quang của mình, của Cha, và của các thiên sứ thánh.

27 Ta nói với các ngươi một lẽ thật. Có vài người đang đứng đây, họ sẽ không nếm sự chết cho tới khi họ thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời.”

Rất nhiều lần Thánh Kinh nói đến sự kiện Đức Chúa Jesus sẽ ban thưởng cho mỗi người thuộc về Ngài, tùy theo những việc làm của họ, ngay trong ngày Ngài đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng tôi hiểu rằng, sự ban thưởng đó được tuyên bố giữa chốn không trung, khi con dân Chúa được cất lên khỏi đất và gặp Đức Chúa Jesus Christ trên những đám mây.

Sự ban thưởng đó trước hết là sự vinh quang được ban cho thân thể xác thịt được phục sinh hoặc được biến hóa của con dân Chúa. Khải Huyền 19:8 gọi đó là sự được mặc lấy trang phục mịn, sạch, và trắng, hàm ý, đó là sự vinh quang ban cho mỗi con dân Chúa tùy theo những việc làm công chính của họ. Mỗi người sẽ có sự vinh quang khác nhau mà chúng tôi hiểu đó là sự xinh đẹp và chói sáng của thân thể xác thịt. Kế tiếp là thẩm quyền cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời được ban cho mỗi người. Thẩm quyền của mỗi người cũng sẽ khác nhau nhưng quyền cai trị của mỗi người sẽ rất lớn. Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời bao gồm cả thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh. Chỉ trong thế giới thuộc thể, vô số hành tinh và ngôi sao đã được Đức Chúa Trời ban cho loài người có lẽ sẽ được giao cho Hội Thánh cai trị (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

Mác và Lu-ca cùng ghi thêm chi tiết về sự ai hổ thẹn về Đấng Christ và những lời phán dạy của Ngài thì Ngài cũng sẽ hổ thẹn về họ. Mác còn ghi thêm lời Đức Chúa Jesus gọi thế hệ lúc bấy giờ là thế hệ gian dâm và tội lỗi, hàm ý, là thế hệ I-sơ-ra-ên ngoại tình thuộc linh, chối bỏ Đức Chúa Trời, qua nếp sống vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

Khi Đức Chúa Jesus đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì Ngài đương nhiên đến trong thân thể xác thịt vinh quang, bất tử của Ngài. Nhưng Ngài cũng đến trong sự vinh quang của Đức Chúa Trời, có nghĩa là sự chói sáng của ngoại cảnh bởi sự vinh quang của Đức Chúa Trời, khi sự vinh quang ấy bao phủ thân thể xác thịt của Đấng Christ và cả không gian. Đồng thời những thiên sứ đi theo Đức Chúa Jesus cũng chiếu sáng sự vinh quang của họ. Khi Hội Thánh được cất lên không trung, mỗi người cũng chiếu sáng sự vinh quang của chính mình.

Chúng tôi nghĩ rằng, trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, dù thế gian không thuộc về Chúa không thể nhìn thấy Chúa, những thiên sứ, và Hội Thánh. Nhưng họ có thể nhìn thấy sự vinh quang bao phủ khắp trời. Có lẽ họ sẽ nhìn thấy bầu trời sáng rực khác thường. Có lẽ hiện tượng lạ lùng đó sẽ là nền tảng để các nhà cầm quyền giải thích sự biến mất của con dân Chúa là do họ bị những người ngoài địa cầu đến, bắt cóc họ.

Ma-thi-ơ ghi rằng, vài người đang đứng với Chúa sẽ không nếm sự chết, cho tới khi họ nhìn thấy Ngài đến trong vương quốc của Ngài. Mác và Lu-ca cùng ghi rằng, vài người đang đứng với Chúa sẽ không nếm sự chết, cho tới khi họ nhìn thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Nếm sự chết” là trải qua sự chết nhưng sẽ được sống lại. Lời này hàm ý, trong khoảnh khắc linh hồn và tâm thần rời khỏi thân thể xác thịt thì một người ý thức được sự chết của thân thể xác thịt. Đối với người không thuộc về Chúa thì có lẽ đó là khoảnh khắc kinh khủng nhất của họ, vì họ nhận thức rằng, họ đã bị hư mất đời đời, không còn cơ hội để tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đối với người thuộc về Chúa thì họ sẽ thấy Đấng Christ đón chào họ, như kinh nghiệm của Chấp Sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55-56).

Vương Quốc của Đức Chúa Trời được ban cho Đức Chúa Jesus Christ nên cũng được gọi là vương quốc của Đấng Christ.

Chúng tôi tin rằng, sự biến hóa thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus cùng với sự hiện diện của Môi-se và Ê-li chính là điều mà Đức Chúa Jesus gọi là sự đến của Ngài trong vương quốc của Ngài, và cũng là sự đến của Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết trong bài học tới.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/09/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/6-toa-cong-luan

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

Karaoke Thánh Ca: “Cầu Xin Chúa Thứ Tha”
https://karaokethanhca.net/cau-xin-chua-thu-tha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.