Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL081 Đức Chúa Jesus Chữa Lành Đứa Bé Trai Bị Quỷ Nhập

121 views

YouTube: https://youtu.be/oMLCdUsrhuQ

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL081 Đức Chúa Jesus Chữa Lành
Đứa Bé Trai Bị Quỷ Nhập, lại Phán Trước về Sự Sống Lại và Sự Chết Của Ngài, và Nộp Thuế Đền Thờ
Ma-thi-ơ 17:14-27; Mác 9:14-32; Lu-ca 9:37-45

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 17:14-27

14 Khi họ đã đến gần đoàn dân, một người kia đã đến gần Ngài, quỳ trước Ngài, và thưa:

15 “Lạy Chúa, xin thương xót con trai tôi! Vì nó bị chứng động kinh, chịu đau đớn quá, thường khi ngã vào lửa, và thường khi ngã xuống nước.

16 Tôi đã đem nó đến các môn đồ của Ngài, nhưng họ đã không thể chữa lành nó.”

17 Đức Chúa Jesus đã đáp rằng: “Hỡi thế hệ không tin và băng hoại kia! Ta sẽ ở với các ngươi cho tới khi nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho tới khi nào? Hãy đem nó đến đây cho Ta!”

18 Rồi, Đức Chúa Jesus đã quở trách quỷ. Nó ra khỏi đứa trẻ. Từ giờ đó, đứa trẻ đã được chữa lành.

19 Các môn đồ đã đến với Đức Chúa Jesus và hỏi riêng: “Sao chúng tôi đã không thể đuổi nó?”

20 Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Bởi sự không tin của các ngươi. Vì Ta nói thật với các ngươi, nếu các ngươi có đức tin như một hạt mù-tạt, các ngươi sẽ nói với núi này: Hãy dời đây qua đó, thì nó sẽ dời. Chẳng có sự gì sẽ là không thể cho các ngươi.

21 Nhưng thứ quỷ này không xuất ra, trừ khi bởi sự cầu nguyện và sự kiêng ăn.”

22 Khi họ đang lưu trú trong Ga-li-lê, Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Con Người sẽ bị nộp vào trong tay người ta.

23 Họ sẽ giết Ngài. Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” Họ đã đau buồn lắm.

24 Khi họ đã vào đến Ca-bê-na-um, những người thu hai đơ-ra-mê đã đến, hỏi Phi-e-rơ: “Thầy của ngươi có nộp hai đơ-ra-mê chăng?” [Hai đơ-ra-mê tương đương nửa siếc-lơ bạc tiền thuế Đền Thờ mà mỗi người I-sơ-ra-ên nam từ 20 tuổi trở lên phải nộp hàng năm (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:13). Vào thời của Đức Chúa Jesus, một đơ-ra-mê là một đồng tiền Hy-lạp, tương đương một đơ-ni-ê là một đồng tiền La-mã. Cả hai là công giá lao động bình thường trong một ngày.]

25 Người nói: “Có.” Và khi người đi vào trong nhà, Đức Chúa Jesus hỏi chặn người: “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua của thế gian lấy thuế hàng hóa và thuế thân từ ai? Từ các con trai của họ hay là từ những người ngoài?”

26 Phi-e-rơ thưa với Ngài: “Từ những người ngoài.” Đức Chúa Jesus phán với người: “Vậy thì các con trai được miễn thuế.

27 Nhưng để chúng ta không làm vấp phạm họ, ngươi hãy đi ra biển ném câu, bắt lấy con cá câu lên trước, mở miệng nó ra, ngươi sẽ thấy một đồng bạc. Hãy lấy nó, trao cho họ cho [phần thuế của] Ta và ngươi.”

Mác 9:14-32

14 Khi Ngài đã đến với các môn đồ, Ngài đã thấy đoàn dân rất đông chung quanh họ. Những thầy thông giáo đang tranh luận với họ.

15 Khi cả đoàn dân đã thấy Ngài, họ đã ngạc nhiên, chạy đến, chào Ngài.

16 Ngài đã hỏi những thầy thông giáo: “Các ngươi tranh luận gì với họ?”

17 Một người trong đám đông thưa rằng: “Thưa thầy, tôi đã đem con trai tôi đến Ngài. Nó có linh câm.

18 Bất cứ nơi nào linh ấy nhập vào nó, làm cho nó co giật, thì nó sôi bọt mồm, nghiến răng, rồi mòn mỏi đi. Tôi đã nói với các môn đồ của Ngài để họ đuổi nó ra, nhưng họ đã không thể.”

19 Ngài đã đáp lời người rằng: “Hỡi thế hệ không tin! Ta sẽ ở với các ngươi cho tới khi nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho tới khi nào? Hãy đem nó đến cho Ta.”

20 Họ đã đem nó đến cho Ngài. Khi nó đã thấy Ngài, lập tức tà linh làm cho nó co giật, ngã xuống đất, rồi lăn lóc, sôi bọt mồm.

21 Ngài đã hỏi cha của nó: “Đã bao lâu rồi, từ khi điều này xảy đến cho nó?” Người đã thưa: “Từ khi còn nhỏ.

22 Thường khi quỷ ném nó vào trong lửa và vào trong nước, để giết nó. Nhưng nếu Ngài làm được gì, xin thương xót chúng tôi và giúp chúng tôi.”

23 Đức Chúa Jesus đã phán với người: “Nếu ngươi có thể tin, mọi việc là có thể đối với người tin.”

24 Tức thì cha của đứa trẻ đã kêu lên, với những giọt nước mắt, rằng: “Lạy Chúa! Tôi tin! Xin Ngài giúp cho sự không tin của tôi!”

25 Khi Đức Chúa Jesus đã thấy đoàn dân cùng nhau chạy đến, Ngài đã quở trách tà linh, phán với nó: “Hỡi linh câm và điếc! Ta truyền cho ngươi phải ra khỏi nó và không được nhập vào trong nó nữa.”

26 Quỷ đã la lớn tiếng, vật mạnh nó, xuất ra. Nó đã trở nên như chết, đến nỗi nhiều người nói: “Nó đã chết.”

27 Nhưng Đức Chúa Jesus đã nắm tay nó, nâng nó lên thì nó đứng dậy.

28 Khi Ngài đã đi vào trong nhà, các môn đồ của Ngài đã hỏi riêng Ngài: “Sao chúng tôi đã không thể đuổi nó?”

29 Ngài đã phán với họ: “Thứ quỷ này xuất ra không bởi sự gì, ngoại trừ sự cầu nguyện và sự kiêng ăn.”

30 Họ đã rời khỏi đó, trải qua Ga-li-lê. Ngài đã không muốn cho ai biết.

31 Vì Ngài đã dạy các môn đồ của Ngài, phán với họ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay của người ta. Họ sẽ giết Ngài. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.”

32 Nhưng họ đã không hiểu lời ấy, lại sợ hỏi Ngài.

Lu-ca 9:37-45

37 Đã xảy ra vào ngày hôm sau, khi họ đã xuống khỏi núi, đoàn dân đông đã gặp Ngài.

38 Kìa, một người trong đám đông đã kêu lên rằng: “Thưa thầy, xin Ngài nhìn đến con trai của tôi, vì nó là con một của tôi.

39 Kìa, một linh ám nó. Nó bất chợt kêu la. Quỷ làm cho nó co giật và sôi bọt mồm, làm cho nó bầm dập nhiều, khi xuất khỏi nó.

40 Tôi đã xin các môn đồ của Ngài đuổi nó, nhưng họ đã không thể.”

41 Đức Chúa Jesus đáp rằng: “Hỡi thế hệ không tin và băng hoại! Ta sẽ ở với các ngươi và chịu đựng các ngươi cho tới khi nào? Hãy đem con trai của ngươi lại đây.”

42 Khi nó còn đang đến, quỷ đã ném nó xuống và làm cho nó co giật. Nhưng Đức Chúa Jesus đã quở trách tà linh, chữa lành đứa trẻ, và giao nó cho cha của nó.

43 Mọi người đã sửng sốt về sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời. Trong khi mọi người đang ngạc nhiên về mọi việc mà Đức Chúa Jesus đã làm, Ngài đã phán với các môn đồ của Ngài:

44 “Hãy để các lời này vào trong lỗ tai của các ngươi. Vì Con Người sẽ bị giao vào trong tay của người ta.”

45 Nhưng họ đã không hiểu lời ấy. Nó đã bị che khuất khỏi họ để họ không hiểu nó. Họ đã sợ hỏi Ngài về lời ấy.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Jesus đã chữa lành một đứa bé trai bị quỷ câm và điếc nhập, khiến cho nó bị động kinh; về sự một lần nữa, Đức Chúa Jesus phán trước về sự chết và sự sống lại của Ngài; và về sự Đức Chúa Jesus nộp thuế Đền Thờ.

Mác 9:14-16

14 Khi Ngài đã đến với các môn đồ, Ngài đã thấy đoàn dân rất đông chung quanh họ. Những thầy thông giáo đang tranh luận với họ.

15 Khi cả đoàn dân đã thấy Ngài, họ đã ngạc nhiên, chạy đến, chào Ngài.

16 Ngài đã hỏi những thầy thông giáo: “Các ngươi tranh luận gì với họ?”

Lu-ca 9:37

37 Đã xảy ra vào ngày hôm sau, khi họ đã xuống khỏi núi, đoàn dân đông đã gặp Ngài.

Ngày hôm sau, sau sự kiện hóa hình, Đức Chúa Jesus đã cùng Phi-e-rơ, Giăng, và Gia-cơ xuống núi, gặp lại các môn đồ khác ở dưới chân núi. Khi ấy đã có một đoàn dân đông đang tụ tập chung quanh các môn đồ. Có những thầy thông giáo đang tranh luận với các môn đồ. Rất có thể những thầy thông giáo đang tranh luận với các môn đồ về những lời phán dạy của Đức Chúa Jesus không theo sự hiểu của họ, về các điều luật trong Cựu Ước. Họ là những người sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh, nhưng sự hiểu của họ là theo lý trí của xác thịt, tương tự như sự hiểu Thánh Kinh của những người không thuộc về Chúa ngày nay. Họ không có sự soi dẫn của Đấng Thần Linh mà họ chỉ học và tin vào những sự giảng dạy trong tổ chức tôn giáo mang danh Chúa của họ, trong trường hợp này là Do-thái Giáo. Vì thế, họ không hiểu được những lời phán dạy của Đức Chúa Jesus.

Đoàn dân thấy Chúa thì ngạc nhiên, chạy đến để chào Ngài. Có lẽ đoàn dân đã ngạc nhiên vì họ không ngờ là Chúa từ trên núi xuống, thay vì từ một làng nào gần đó. Đức Chúa Jesus đã lên tiếng hỏi các thầy thông giáo rằng, họ đã tranh luận điều gì với các môn đồ của Ngài. Nhưng họ chưa kịp trả lời thì đã có một người trong đoàn dân đông tiếp cận Chúa và cầu xin Ngài cứu con trai của ông.

Ma-thi-ơ 17:14-16

14 Khi họ đã đến gần đoàn dân, một người kia đã đến gần Ngài, quỳ trước Ngài, và thưa:

15 “Lạy Chúa, xin thương xót con trai tôi! Vì nó bị chứng động kinh, chịu đau đớn quá, thường khi ngã vào lửa, và thường khi ngã xuống nước.

16 Tôi đã đem nó đến các môn đồ của Ngài, nhưng họ đã không thể chữa lành nó.”

Mác 9:17-18

17 Một người trong đám đông thưa rằng: “Thưa thầy, tôi đã đem con trai tôi đến Ngài. Nó có linh câm.

18 Bất cứ nơi nào linh ấy nhập vào nó, làm cho nó co giật, thì nó sôi bọt mồm, nghiến răng, rồi mòn mỏi đi. Tôi đã nói với các môn đồ của Ngài để họ đuổi nó ra, nhưng họ đã không thể.”

Lu-ca 9:38-40

38 Kìa, một người trong đám đông đã kêu lên rằng: “Thưa thầy, xin Ngài nhìn đến con trai của tôi, vì nó là con một của tôi.

39 Kìa, một linh ám nó. Nó bất chợt kêu la. Quỷ làm cho nó co giật và sôi bọt mồm, làm cho nó bầm dập nhiều, khi xuất khỏi nó.

40 Tôi đã xin các môn đồ của Ngài đuổi nó, nhưng họ đã không thể.”

Tổng hợp sự ghi chép của Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca chúng ta có thể hiểu rằng, sự việc đã xảy ra như sau:

Khi Đức Chúa Jesus vừa cất tiếng hỏi những thầy thông giáo thì từ trong đám dân đông đã có một người đàn ông bước đến gần Chúa, quỳ xuống và kêu xin Ngài. Lời kêu xin của ông có thể là:

Thưa thầy, xin Ngài nhìn đến con trai của tôi, vì nó là con một của tôi. Thưa thầy, tôi đã đem con trai tôi đến Ngài. Nó có linh câm ám nó. Nó bất chợt kêu la. Quỷ làm cho nó co giật và sôi bọt mồm, làm cho nó bầm dập nhiều, khi xuất khỏi nó. Lạy Chúa, xin thương xót con trai tôi! Vì nó bị chứng động kinh, chịu đau đớn quá, thường khi ngã vào lửa, và thường khi ngã xuống nước. Bất cứ nơi nào linh ấy nhập vào nó, làm cho nó co giật, thì nó sôi bọt mồm, nghiến răng, rồi mòn mỏi đi. Tôi đã đem nó đến các môn đồ của Ngài. Tôi đã xin các môn đồ của Ngài đuổi nó, nhưng họ đã không thể, họ đã không thể chữa lành nó.”

Ma-thi-ơ là chứng nhân trực tiếp, ông đã chọn ghi lại cách vắn tắt lời cầu xin của người cha. Mác và Lu-ca đã ghi lại theo trí nhớ của các người thuật chuyện cho hai ông.

Danh từ “σεληνιάζομαι” (selēniazomai) /sel-ay-nee-ad’-zom-ahee – xơ-lây-ni-áp-dom-ma/ (G4583) được dịch là “chứng động kinh”, trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “bị tác động bởi mặt trăng”. Thời xưa, người Hy-lạp, người La-mã và các sắc dân ở Trung Đông tin rằng, chứng động kinh xảy ra khi mặt trăng chuyển từ pha này sang pha khác, nhưng nghiêm trọng nhất là vào pha trăng tròn. Các pha của mặt trăng là: trăng non, trăng lưỡi liềm đầu tháng, trăng bán nguyệt đầu tháng, trăng khuyết đầu tháng (hơn nửa mặt trăng được chiếu sáng), trăng tròn, trăng khuyết cuối tháng, trăng bán nguyệt cuối tháng, trăng lưỡi liềm cuối tháng.

Theo y học, chứng động kinh, còn gọi là chứng co giật (tiếng Anh: epilepsy), là sự rối loạn hệ thần kinh trung ương mà nguyên nhân chính là do hoạt động điện trong não bị rối loạn, gây ra các cơn co giật hoặc các hành vi bất thường, cảm giác lạ, và đôi khi mất ý thức. Đây là một tình trạng y tế mãn tính và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Cũng theo y học, nguyên nhân của bệnh động kinh rất đa dạng và không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Tổn thương não do tai nạn hoặc chấn thương.

  • Bệnh nhiễm trùng não như viêm não, viêm màng não.

  • Đột quỵ hoặc các vấn đề về mạch máu não.

  • Yếu tố di truyền hoặc các đột biến gene.

  • Các khối u trong não.

  • Thiếu oxy khi sinh con hoặc các vấn đề về phát triển thần kinh.

Tuy nhiên, Thánh Kinh cho chúng ta biết, chứng động kinh có thể xảy ra là do quỷ nhập. Ngoài các phân đoạn Thánh Kinh chúng ta đang học trong bài này, Ma-thi-ơ 4:24 có đề cập đến sự Đức Chúa Jesus đã chữa lành những người bị chứng kinh phong, tức chứng động kinh. Dĩ nhiên, khoa học không công nhận chứng động kinh do quỷ nhập. Vì khoa học không thể thực nghiệm các vấn đề thuộc linh.

Chúng ta có thể hiểu rằng, chứng động kinh hay kinh phong có thể xảy ra vì các nguyên nhân thuộc thể nhưng cũng có thể xảy ra vì bị quỷ nhập. Tương tự như vậy là hàng trăm chứng bệnh được y khoa ngày nay gọi là “bệnh tâm thần”.

Ma-thi-ơ 17:17

17 Đức Chúa Jesus đã đáp rằng: “Hỡi thế hệ không tin và băng hoại kia! Ta sẽ ở với các ngươi cho tới khi nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho tới khi nào? Hãy đem nó đến đây cho Ta!”

Mác 9:19-21

19 Ngài đã đáp lời người rằng: “Hỡi thế hệ không tin! Ta sẽ ở với các ngươi cho tới khi nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho tới khi nào? Hãy đem nó đến cho Ta.”

20 Họ đã đem nó đến cho Ngài. Khi nó đã thấy Ngài, lập tức tà linh làm cho nó co giật, ngã xuống đất, rồi lăn lóc, sôi bọt mồm.

21 Ngài đã hỏi cha của nó: “Đã bao lâu rồi, từ khi điều này xảy đến cho nó?” Người đã thưa: “Từ khi còn nhỏ.

Lu-ca 9:41-42a

41 Đức Chúa Jesus đáp rằng: “Hỡi thế hệ không tin và băng hoại! Ta sẽ ở với các ngươi và chịu đựng các ngươi cho tới khi nào? Hãy đem con trai của ngươi lại đây.”

42a Khi nó còn đang đến, quỷ đã ném nó xuống và làm cho nó co giật.

Lời phán của Đức Chúa Jesus về “thế hệ không tin và băng hoại” là chỉ chung dân I-sơ-ra-ên vào thời bấy giờ, và cũng bao gồm luôn các môn đồ của Ngài, như lời khẳng định của Ngài trong Ma-thi-ơ 17:20.

Ngày nay, cũng có rất nhiều người xưng mình là môn đồ của Đức Chúa Jesus nhưng trong họ có sự không tin hoàn toàn vào Lời Chúa. Một vài điển hình là:

  • Nhiều người thản nhiên tin theo giáo lý của loài người mà chối bỏ ngày Sa-bát của Thiên Chúa.

  • Nhiều người không tin lời phán của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 6:33 nên họ vẫn bỏ qua sự tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, mà dốc lòng chạy theo sự kiếm tiền.

  • Nhiều người không tin Lời Chúa trong Ma-la-chi 4:1 nên họ vẫn rất kiêu ngạo.

  • Nhiều người không tin sự phán xét của Đức Chúa Jesus như đã được ghi trong Ma-thi-ơ 25:31-46 nên họ không yêu thương, cứu giúp anh chị em cùng Cha.

  • Nhiều người không tin lời dạy của Đức Thánh Linh trong Rô-ma 14:7-8, I Cô-rinh-tô 10:31, và Cô-lô-se 3:23 nên họ vẫn cứ sống cho chính mình.

Thậm chí, nhiều người không tin rằng Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian nên họ vẫn sống trong sự phạm tội, không ăn năn. Họ nhân danh Chúa làm đủ mọi sự nhưng Chúa không hề biết họ, vì họ không sống theo Lời Chúa (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Động từ “διαστρέφω” (diastrephō) /dee-as-tref’-o – đi-a-trép-phô/ (G1294) được dịch là “băng hoại”, trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là bẻ cong, bóp méo lẽ thật; xoay khỏi lẽ thật; làm cho hư hỏng, làm cho sai lệch, làm cho mất phẩm chất.

Lời phán “Ta sẽ ở với các ngươi cho tới khi nào? Ta sẽ chịu đựng các ngươi cho tới khi nào?” hàm ý, cho tới khi nào thì các ngươi mới tin và sống theo lẽ thật? Từ khi Đức Chúa Jesus phán lời ấy cho tới khi Ngài chịu chết chỉ là một khoảng thời gian ngắn, khoảng chừng sáu tháng. Vì thế, lời phán ấy của Chúa còn hàm ý là Ngài xót xa vì biết rằng, Ngài không còn thêm thời gian để dạy dỗ họ.

Đức Chúa Jesus truyền cho người cha đem con trai của mình đến với Ngài. Khi đứa bé vừa thấy Chúa thì tà linh đã làm cho nó co giật, ngã xuống đất, rồi lăn lóc, sôi bọt mồm. Chúa hỏi người cha tình trạng như vậy của đứa bé đã xảy ra từ bao lâu. Ông trả lời là từ khi đứa bé còn nhỏ.

Có thể đứa bé là một thiếu nhi hay một thiếu niên, và nó đã bị quỷ nhập từ khi còn thơ ấu. Sự kiện này cùng với sự kiện được ghi lại trong Ma-thi-ơ 15:21-28 và Mác 7:24-30 khẳng định rằng, trẻ con vẫn có thể bị quỷ nhập.

Chúng ta không biết cụ thể quỷ nhập vào trẻ con như thế nào. Có thể là cha hoặc mẹ của đứa trẻ là người bị quỷ nhập. Quỷ có thể từ cha hay mẹ của đứa bé nhập vào trong đứa bé. Người bị quỷ nhập thường là người có nếp sống thờ lạy thần tượng, mê tín dị đoan, sử dụng bùa phép, hoặc quan hệ tình dục với người bị quỷ nhập.

Nhưng quỷ cũng có thể nhập vào trẻ con nếu chúng được cha mẹ dâng cúng cho thần tượng, cho đeo bùa, uống ngải. Quỷ cũng có thể nhập vào trẻ con khi chúng tham dự vào các hoạt động liên quan ma quỷ, như các buổi lên đồng, cầu hồn, cầu cơ, hoặc lễ hội Halloween. Quỷ cũng có thể nhập vào trẻ con khi chúng bị những kẻ bị quỷ nhập lạm dụng tình dục. Ngày nay, sự ham thích những khu mạng Internet, những phim ảnh, sách truyện, và những trò chơi điện tử (game) ô uế, liên quan ma quỷ, tình dục, bạo lực cũng có thể khiến cho ma quỷ nhập vào trẻ con, khi thần trí của chúng ưa thích và chứa đựng những sự ô uế, tội lỗi. Bậc cha mẹ phải hết sức cẩn thận với con cái trong việc chúng sử dụng điện thoại và máy vi tính trên mạng. Con dân Chúa không nên cho con cái tham dự các hoạt động xã hội hoặc các hoạt động văn nghệ, thể thao ở trường. Tránh tham dự là điều tốt nhất. Vì đó là môi trường xấu của thế gian, đầy dẫy những gương xấu về nếp sống theo thế gian.

Mác 9:22-24

22 Thường khi quỷ ném nó vào trong lửa và vào trong nước, để giết nó. Nhưng nếu Ngài làm được gì, xin thương xót chúng tôi và giúp chúng tôi.”

23 Đức Chúa Jesus đã phán với người: “Nếu ngươi có thể tin, mọi việc là có thể đối với người tin.”

24 Tức thì cha của đứa trẻ đã kêu lên, với những giọt nước mắt, rằng: “Lạy Chúa! Tôi tin! Xin Ngài giúp cho sự không tin của tôi!”

Người cha kể tiếp là thường khi quỷ ném đứa nhỏ vào trong lửa hoặc trong nước để giết nó. Chúng ta hiểu rằng, khi đứa bé đến gần lửa hoặc nước thì quỷ khiến cho nó bị co giật và ngã vào trong lửa hoặc trong nước. Nếu không có ai bên cạnh nhìn thấy để giải cứu, thì đứa bé sẽ chết.

Chắc chắn là người cha đã nghe tiếng đồn về sự chữa bệnh và đuổi quỷ của Đức Chúa Jesus. Khi ông nghe tin Chúa có mặt ở khu vực đó thì ông đã đem con đến với Ngài, hy vọng nó sẽ được chữa lành. Nhưng ông đã không gặp được Chúa mà chỉ gặp các môn đồ của Ngài; và họ đã không thể đuổi quỷ, chữa lành cho con của ông. Giờ đây, dù được gặp Chúa và ông khẩn thiết kêu cầu Ngài, nhưng có lẽ sự hy vọng đã giảm bớt trong ông. Vì thế mà ông nói: “Nhưng nếu Ngài làm được gì, xin thương xót chúng tôi và giúp chúng tôi.” Lẽ ra ông nên nói: “Xin Chúa thương xót chúng tôi và giúp chúng tôi!” So với người đàn bà Ca-na-an thì ông đã không có đức tin mãnh liệt như bà.

Đức Chúa Jesus biết sự thiếu đức tin của ông nên Ngài đã phán với ông: “Nếu ngươi có thể tin, mọi việc là có thể đối với người tin.” Lời phán này của Chúa không chỉ dành riêng cho ông nhưng là lời phán chung cho mọi người trong mọi thời đại. Nếu chúng ta cầu xin phải lẽ với đức tin thì mọi việc chúng ta xin là có thể được ban cho chúng ta.

Lòng sốt sắng khẩn xin của người công chính, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia-cơ 5:16b).

Hê-bơ-rơ đoạn 11 ghi lại các gương đức tin cùng với gương đức tin của người đàn bà Ca-na-an đáng cho chúng ta ghi nhớ và noi theo.

Người cha đã lập tức tiếp nhận lời phán của Đức Chúa Jesus. Ông vừa khóc, vừa kêu lên: “Lạy Chúa! Tôi tin! Xin Ngài giúp cho sự không tin của tôi!”

Tôi tin” có nghĩa là giờ đây, tôi hoàn toàn tin cậy Ngài.

Xin Ngài giúp cho sự không tin của tôi” có nghĩa là trước đó tôi đã có sự không tin, xin Ngài tha thứ, bỏ qua mà ban ơn cho tôi.

Ma-thi-ơ 17:18

18 Rồi, Đức Chúa Jesus đã quở trách quỷ. Nó ra khỏi đứa trẻ. Từ giờ đó, đứa trẻ đã được chữa lành.

Mác 9:25-27

25 Khi Đức Chúa Jesus đã thấy đoàn dân cùng nhau chạy đến, Ngài đã quở trách tà linh, phán với nó: “Hỡi linh câm và điếc! Ta truyền cho ngươi phải ra khỏi nó và không được nhập vào trong nó nữa.”

26 Quỷ đã la lớn tiếng, vật mạnh nó, xuất ra. Nó đã trở nên như chết, đến nỗi nhiều người nói: “Nó đã chết.”

27 Nhưng Đức Chúa Jesus đã nắm tay nó, nâng nó lên thì nó đứng dậy.

Lu-ca 9:42b-43a

42b Nhưng Đức Chúa Jesus đã quở trách tà linh, chữa lành đứa trẻ, và giao nó cho cha của nó.

43a Mọi người đã sửng sốt về sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời.

Chúng ta thấy, Ma-thi-ơ và Lu-ca chỉ ghi tiếp một cách ngắn gọn, trong khi Mác thì ghi lại cách chi tiết hơn. Mác đã ghi lại lời Đức Chúa Jesus quở trách tà linh. Qua lời quở trách của Chúa mà chúng ta biết tà linh nhập vào đứa bé là một tà linh câm và điếc. Không phải tà linh ấy câm và điếc mà là tà linh ấy khiến cho người bị nó nhập trở nên câm và điếc.

Lời phán của Đức Chúa Jesus cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, khi chúng ta nhân danh Chúa đuổi quỷ, chúng ta cũng cần truyền cho chúng không được nhập trở lại vào nạn nhân.

Tà linh vốn hung dữ nên khi nó ra khỏi đứa bé, nó cố ý vật mạnh đứa bé xuống đất, mong giết chết đứa bé. Nhưng cho dù nó có giết chết đứa bé thì Chúa vẫn có năng lực làm cho đứa bé sống lại. Đức Chúa Jesus đã nắm tay đứa bé, đỡ nó dậy, thì nó đã đứng lên. Đứa bé đã được chữa lành hoàn toàn và Chúa đã giao nó vào trong tay của cha nó. Sự chữa lành này bao gồm được chữa lành khỏi quyền lực của tà linh, được chữa lành những bầm dập trên thân thể và cả những nội thương. Dân chúng đã sửng sốt trước sự chữa lành ấy và họ hiểu rằng, đó là ý muốn và uy lực của Đức Chúa Trời đã thể hiện qua Đức Chúa Jesus.

Ma-thi-ơ 17:19-21

19 Các môn đồ đã đến với Đức Chúa Jesus và hỏi riêng: “Sao chúng tôi đã không thể đuổi nó?”

20 Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Bởi sự không tin của các ngươi. Vì Ta nói thật với các ngươi, nếu các ngươi có đức tin như một hạt mù-tạt, các ngươi sẽ nói với núi này: Hãy dời đây qua đó, thì nó sẽ dời. Chẳng có sự gì sẽ là không thể cho các ngươi.

21 Nhưng thứ quỷ này không xuất ra, trừ khi bởi sự cầu nguyện và sự kiêng ăn.”

Mác 9:28-29

28 Khi Ngài đã đi vào trong nhà, các môn đồ của Ngài đã hỏi riêng Ngài: “Sao chúng tôi đã không thể đuổi nó?”

29 Ngài đã phán với họ: “Thứ quỷ này xuất ra không bởi sự gì, ngoại trừ sự cầu nguyện và sự kiêng ăn.”

Sau đó, Đức Chúa Jesus đã vào trong nhà của một ai đó. Rất có thể là nhà của người có đứa con vừa được Ngài chữa lành. Có thể ông đã mời Chúa và các môn đồ đến nhà để ăn trưa. Các môn đồ đã đến hỏi riêng Chúa về lý do tại sao họ đã không đuổi được quỷ đó. Mác chỉ ghi lại phần sau câu trả lời của Chúa nhưng Ma-thi-ơ thì ghi lại cách đầy đủ. Lý do thứ nhất là vì các môn đồ không có đức tin. Lời Đức Chúa Jesus phán rất rõ ràng: “Bởi sự không tin của các ngươi”. Lý do thứ nhì là vì họ cần phải cầu nguyện và kiêng ăn.

Đức Chúa Jesus cũng đã khẳng định rằng, nếu họ có đức tin, dù là rất ít, rất nhỏ như một hạt mù-tạt, là hạt giống hầu như nhỏ nhất trong các loại hạt giống của rau cải, thì họ vẫn có thể thực hiện được nhiều việc lớn. Chúng tôi nghĩ rằng Đức Chúa Jesus phán dạy theo nghĩa đen về sự dời núi, mặc dù chúng ta cũng có thể hiểu theo nghĩa bóng là những nan đề rất lớn trong đời sống của chúng ta. Có nghĩa là nếu trong trường hợp một hòn núi cần phải được dời đi thì các môn đồ của Chúa có đức tin sẽ khiến cho nó bị dời đi. Câu hỏi đặt ra là, nếu chúng ta đối diện với một nan đề thuộc thể thì chúng ta có đủ đức tin để trong danh của Chúa, truyền cho núi phải dời đi hay không? Sự không tin có thể có trong chúng ta là chúng ta không tin rằng, Chúa có thể cho phép mình làm điều đó. Khó mà hiểu và tin được rằng, chúng ta có thể nhân danh Chúa để khiến cho một hòn núi dời đi. Chính sự khó hiểu và khó tin đó bị Chúa gọi là “bởi sự không tin của các ngươi”.

Qua bài học này, chúng ta nên rút ra một bài học về đức tin. Đó là, chỉ cần chúng ta tin rằng, lời cầu xin của chúng ta đẹp ý Chúa và trong danh của Chúa, chúng ta có thể được Ngài ban cho thẩm quyền để tuyên phán những điều vượt ngoài các định luật vật lý, thì Ngài sẽ làm thành cho chúng ta.

Ma-thi-ơ 17:22-23

22 Khi họ đang lưu trú trong Ga-li-lê, Đức Chúa Jesus đã phán với họ: “Con Người sẽ bị nộp vào trong tay người ta.

23 Họ sẽ giết Ngài. Ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” Họ đã đau buồn lắm.

Mác 9:30-32

30 Họ đã rời khỏi đó, trải qua Ga-li-lê. Ngài đã không muốn cho ai biết.

31 Vì Ngài đã dạy các môn đồ của Ngài, phán với họ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay của người ta. Họ sẽ giết Ngài. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.”

32 Nhưng họ đã không hiểu lời ấy, lại sợ hỏi Ngài.

Lu-ca 9:43b-45

43b Trong khi mọi người đang ngạc nhiên về mọi việc mà Đức Chúa Jesus đã làm, Ngài đã phán với các môn đồ của Ngài:

44 “Hãy để các lời này vào trong lỗ tai của các ngươi. Vì Con Người sẽ bị giao vào trong tay của người ta.”

45 Nhưng họ đã không hiểu lời ấy. Nó đã bị che khuất khỏi họ để họ không hiểu nó. Họ đã sợ hỏi Ngài về lời ấy.

So sánh ba ghi chép trên đây, chúng tôi nghĩ rằng, Lu-ca đã ghi lại lời Đức Chúa Jesus phán với các môn đồ về sự Ngài sẽ bị bắt, ngay tại chỗ Đức Chúa Jesus đuổi quỷ, chữa lành cho đứa bé trai. Trước sự trầm trồ của đoàn dân đông, Đức Chúa Jesus đã nhắc lại sự thương khó mà Ngài sẽ gánh chịu để các môn đồ hiểu rằng, cảnh tượng như vậy sẽ không còn kéo dài bao lâu nữa. Tuy nhiên các môn đồ đã không hiểu điều Ngài nói mà lại sợ, không dám hỏi Ngài. Không phải họ không hiểu ý nghĩa lời phán của Chúa. Nhưng họ không hiểu vì sao Chúa bị bắt. Họ cũng không hiểu sự Chúa bị bắt liên quan gì đến sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người.

Chúng ta không biết do đâu Lu-ca ghi rằng: “Nó đã bị che khuất khỏi họ để họ không hiểu nó”. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, chính Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Lu-ca biết như vậy. Không phải Đức Chúa Trời hay Đấng Thần Linh đã che khuất sự hiểu biết của các môn đồ. Nhưng chính sự cứng lòng của họ, sự thiếu đức tin của họ, sự hướng lòng về những việc ở thế gian hơn những việc ở trên trời đã che khuất họ khỏi lẽ thật trong những lời phán dạy của Chúa. Ngày nay, điều ấy cũng xảy ra cho rất nhiều con dân của Chúa. Có nhiều người suốt cuộc đời chưa đọc hết cuốn Thánh Kinh. Có nhiều người không đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày.

Mác đã ghi lại lời Chúa phán về sự Ngài sẽ bị bắt, bị giết, và ngày thứ ba sẽ sống lại trong khi Đức Chúa Jesus và các môn đồ đã rời khỏi nơi đó, trải qua các miền trong xứ Ga-li-lê. Lần này Đức Chúa Jesus đã nói rõ, Ngài sẽ bị bắt, bị giết, và sẽ sống lại. Nhưng các môn đồ cũng vẫn không hiểu. Đức Chúa Jesus cũng không muốn cho dân chúng biết lộ trình của Ngài, có lẽ Ngài muốn có nhiều thời gian với các môn đồ hơn.

Có lẽ Ma-thi-ơ ghi lại cùng lời Chúa phán như Mác đã ghi. Mác ghi là “trải qua Ga-li-lê” còn Ma-thi-ơ thì ghi là “lưu trú trong Ga-li-lê”. Nhưng Ma-thi-ơ ghi thêm về tâm trạng đau buồn của các môn đồ, khi họ nghe nói Chúa sẽ bị bắt và bị giết. Sự kiện ngày thứ ba Chúa sẽ sống lại không an ủi được họ. Vì họ không hiểu làm thế nào sự việc có thể xảy ra như vậy.

Ma-thi-ơ 17:24-27

24 Khi họ đã vào đến Ca-bê-na-um, những người thu hai đơ-ra-mê đã đến, hỏi Phi-e-rơ: “Thầy của ngươi có nộp hai đơ-ra-mê chăng?” [Hai đơ-ra-mê tương đương nửa siếc-lơ bạc tiền thuế Đền Thờ mà mỗi người I-sơ-ra-ên nam từ 20 tuổi trở lên phải nộp hàng năm (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:13). Vào thời của Đức Chúa Jesus, một đơ-ra-mê là một đồng tiền Hy-lạp, tương đương một đơ-ni-ê là một đồng tiền La-mã. Cả hai là công giá lao động bình thường trong một ngày.]

25 Người nói: “Có.” Và khi người đi vào trong nhà, Đức Chúa Jesus hỏi chặn người: “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua của thế gian lấy thuế hàng hóa và thuế thân từ ai? Từ các con trai của họ hay là từ những người ngoài?”

26 Phi-e-rơ thưa với Ngài: “Từ những người ngoài.” Đức Chúa Jesus phán với người: “Vậy thì các con trai được miễn thuế.

27 Nhưng để chúng ta không làm vấp phạm họ, ngươi hãy đi ra biển ném câu, bắt lấy con cá câu lên trước, mở miệng nó ra, ngươi sẽ thấy một đồng bạc. Hãy lấy nó, trao cho họ cho [phần thuế của] Ta và ngươi.”

Từ chân Núi Hẹt-môn về đến thành Ca-bê-na-um là một chặng đường khoảng 70 km. Tại Trung Đông vào thời của Đức Chúa Jesus, một ngày đi đường trung bình là 10 tiếng đồng hồ, với khoảng một tiếng nghỉ trưa khi trời nắng gắt. Khoảng cách đạt được tùy theo thời tiết và địa hình, có thể từ 30 km đến 40 km. Đức Chúa Jesus và các môn đồ phải đi khoảng hai ngày đường từ chân Núi Hẹt-môn về lại thành Ca-bê-na-um. Khi họ vào đến thành thì những người phụ trách thu thuế Đền Thờ đã gặp Phi-e-rơ và hỏi: “Thầy của ngươi có nộp hai đơ-ra-mê chăng?” Câu trả lời của Phi-e-rơ là: “Có.”

Hai đơ-ra-mê là hai đồng tiền Hy-lạp vào thời ấy có giá trị tương đương với nửa siếc-lơ bạc. Những người Lê-vi phụ trách quản trị Đền Thờ giữ việc thu tiền thuế Đền Thờ trên tất cả những người nam I-sơ-ra-ên từ 20 tuổi trở lên, theo điều luật trong Xuất Ê-díp-tô Ký 30:13-15. Tuy nhiên, điều luật ấy không quy định thu thuế mỗi năm. Thực tế, trong suốt thời Cựu Ước, chỉ có hai lần thuế này được trưng thu. Lần thứ nhất do Môi-se thi hành, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 38:25-26. Lần thứ nhì do Vua Đa-vít thi hành, như đã chép trong II Sa-mu-ên 24:1-9 và I Sử Ký 21:1-6. Nhưng lần do Vua Đa-vít thi hành là không hợp pháp, vì do vua làm theo ý riêng, bị Đức Chúa Trời hình phạt.

Trong khoảng thời gian 400 năm Đức Chúa Trời im lặng với dân I-sơ-ra-ên, Do-thái Giáo đã nổi lên và đặt ra nhiều luật lệ không có trong Thánh Kinh hoặc không đúng với Thánh Kinh. Trong đó, có luật mỗi năm những người nam I-sơ-ra-ên từ 20 tuổi trở lên phải nộp nửa siếc-lơ bạc, gọi là thuế Đền Thờ, để dùng vào việc sinh hoạt của Đền Thờ.

Vào thời của Đức Chúa Jesus, mỗi làng và thành của người I-sơ-ra-ên đều có điểm thu thuế Đền Thờ. Những người làm công việc thu thuế Đền Thờ được gọi là “những người thu hai đơ-ra-mê”. Thuế được thu vào khoảng tháng 12 theo Lịch Hê-bơ-rơ, khoảng giữa tháng Hai đến giữa tháng Ba Tây Lịch, trước kỳ Lễ Vượt Qua.

Đức Chúa Jesus nghe câu trả lời của Phi-e-rơ nên khi ông bước vào nhà, Ngài đã hỏi ông một câu hỏi để qua câu trả lời của ông, Ngài khẳng định, Ngài là Con của Đức Chúa Trời.

Câu phán “Vậy thì các con trai được miễn thuế” của Đức Chúa Jesus không chỉ áp dụng cho Ngài là “Con Đầu Lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha” (Rô-ma 8:29), mà là cho cả những ai được gọi là những con trai của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:18), trong đó có Phi-e-rơ. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Jesus và Phi-e-rơ cũng như các môn đồ của Ngài không cần phải đóng thuế Đền Thờ. Tuy nhiên, để tránh gây vấp phạm, Đức Chúa Jesus đã sai Phi-e-rơ ra biển câu cá. Và trong miệng con cá đầu tiên dính câu sẽ có một đồng bạc đủ đóng thuế cho Đức Chúa Jesus và Phi-e-rơ.

Sự vấp phạm mà Đức Chúa Jesus muốn tránh là Ngài không muốn mang tiếng rằng, Ngài và các môn đồ của Ngài không muốn tham dự vào việc đóng góp cho sự chi phí của Đền Thờ. Dù cái gọi là “thuế Đền Thờ” đó không được quy định bởi Đức Chúa Trời trong luật pháp của Ngài, nhưng sự đóng góp cho chi phí của Đền Thờ là một việc nên làm.

Biển được nói đến ở đây tức là Biển Ga-li-lê cách nhà Phi-e-rơ chỉ vài trăm mét. Đồng tiền Phi-e-rơ tìm thấy trong miệng cá là một đồng tiền đúc bằng bạc của Hy-lạp, có giá trị bằng bốn đơ-ra-mê hay một siếc-lơ bạc.

Một câu hỏi được nêu ra là: Tại sao Chúa chỉ làm phép lạ cho Phi-e-rơ kiếm tiền đóng thuế cho Ngài và Phi-e-rơ mà không cho các môn đồ khác? Có người cho rằng, vì Đức Chúa Jesus và Phi-e-rơ là cư dân của thành Ca-bê-na-um nên phải nộp thuế Đền Thờ tại Ca-bê-na-um, các môn đồ khác có trú quán ở các thành khác thì họ sẽ nộp thuế tại trú quán của họ. Nhưng Anh-rê, Giăng và Gia-cơ cũng đều cư trú tại Ca-bê-na-um mà không thấy Chúa cho họ tiền để đóng thuế. Theo chúng tôi thì vì Phi-e-rơ đi nộp thuế cho Chúa nên Ngài cũng lo luôn phần tiền thuế của ông.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/09/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Nguyện Xin Vui Thỏa Luôn Bên Ngài”
https://karaokethanhca.net/nguyen-xin-vui-thoa-luon-ben-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.