Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL082 Sự Cao Trọng Thật và Các Sự Dạy Dỗ Khác

337 views

YouTube: https://youtu.be/BwYeP3WZVKI

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL082 Sự Cao Trọng Thật và Các Sự Dạy Dỗ Khác
Ma-thi-ơ 18:1-14; Mác 9:33-50; Lu-ca 9:46-50

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 18:1-14

1 Trong giờ đó, các môn đồ đã đến với Đức Chúa Jesus, và hỏi: “Vậy, ai là lớn hơn trong Vương Quốc Trời?”

2 Đức Chúa Jesus đã gọi một đứa trẻ và đã đặt nó ở giữa họ.

3 Ngài đã phán: “Thật! Ta nói với các ngươi, trừ khi các ngươi được đổi lại và trở nên như đứa trẻ, các ngươi sẽ không vào trong Vương Quốc Trời.

4 Vậy, bất cứ ai tự mình khiêm nhường như đứa trẻ này, người ấy sẽ là lớn hơn trong Vương Quốc Trời.

5 Nếu bất cứ ai tiếp nhận một đứa trẻ như thế này trong danh Ta, là tiếp nhận Ta.

6 Nhưng bất cứ ai làm cho bị vấp phạm một trong những đứa trẻ đang tin nơi Ta này, thì tốt hơn cho kẻ ấy để một cối đá do lừa kéo bị buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống đáy biển.

7 Khốn cho thế gian bởi những sự gây nên sự phạm tội! Vì những sự gây nên sự phạm tội là phải đến; nhưng khốn cho nó, người mà sự gây nên sự phạm tội đến bởi nó.

8 Nếu tay của ngươi hay chân của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi. Vì là tốt hơn cho ngươi què hay cụt nhưng vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa vĩnh hằng.

9 Nếu con mắt của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó ra và ném khỏi ngươi. Vì là tốt hơn cho ngươi một mắt nhưng vào trong sự sống, còn hơn có hai mắt mà bị ném vào trong lửa của hỏa ngục.

10 Hãy coi chừng! Đừng khinh dể một trong những đứa nhỏ này. Vì Ta bảo các ngươi rằng, trong các tầng trời, các thiên sứ của chúng nó thường xuyên thấy mặt Cha của Ta, Đấng ở trong các tầng trời.

11 Vì Con Người đã đến, cứu sự đã mất.

12 Các ngươi nghĩ sao? Nếu người kia có một trăm con chiên, một trong chúng bị lạc, người chẳng để lại chín mươi chín con, đi vào trong núi mà kiếm con bị lạc sao?

13 Nếu là người kiếm được nó, thật, Ta nói với các ngươi rằng, người vui mừng về nó hơn về chín mươi chín con đã không bị lạc.

14 Cũng vậy, không phải là ý muốn của Cha các ngươi, Đấng ở trong các tầng trời, rằng, một trong những đứa nhỏ này bị hư mất.”

Mác 9:33-50

33 Ngài đã vào đến Ca-bê-na-um, đang ở trong nhà, Ngài đã hỏi họ: “Trên đường, các ngươi đã bàn luận gì với nhau?”

34 Nhưng họ đã làm thinh. Vì trên đường họ đã bàn luận với nhau, ai lớn hơn.

35 Ngài đã ngồi, gọi Nhóm Mười Hai mà bảo họ: “Nếu ai muốn trở nên đầu sẽ là cuối của mọi người và là tôi tớ của mọi người.”

36 Ngài đã đem một đứa trẻ đặt nó ở giữa họ, rồi bồng nó trên tay, Ngài đã bảo họ:

37 “Nếu bất cứ ai tiếp nhận một đứa trẻ như thế này trong danh Ta, là tiếp nhận Ta. Bất cứ ai tiếp nhận Ta thì không chỉ tiếp nhận Ta, nhưng cũng tiếp nhận Đấng đã sai Ta.”

38 Giăng đã đáp lời Ngài, rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi từng thấy có người đuổi quỷ trong danh Ngài, người ấy không theo chúng ta. Chúng tôi đã cấm người, vì người không theo chúng ta.”

39 Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán: “Đừng cấm người! Vì là không ai sẽ làm phép lạ trong danh Ta mà có thể liền đó nói xấu Ta.

40 Vì ai không là nghịch lại các ngươi thì vì các ngươi.

41 Vì bất cứ ai sẽ cho các ngươi uống một chén nước trong danh Ta, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, Ta bảo các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.

42 Nhưng bất cứ ai làm cho bị vấp phạm một trong những đứa trẻ đang tin nơi Ta, thì tốt hơn cho kẻ ấy nếu cối đá được buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống biển.

43 Nếu tay của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó! Vì là tốt cho ngươi cụt tay nhưng đi vào sự sống, còn hơn có hai tay mà đi vào hỏa ngục, vào lửa chẳng tắt.

44 Nơi sâu bọ của chúng chẳng chết và lửa chẳng tắt.

45 Nếu chân của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó! Vì là tốt cho ngươi què nhưng vào trong sự sống, còn hơn có hai chân mà bị ném vào hỏa ngục, vào lửa chẳng tắt.

46 Nơi sâu bọ của chúng chẳng chết và lửa chẳng tắt.

47 Nếu mắt của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó. Vì là tốt cho ngươi một mắt nhưng đi vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời, còn hơn có hai mắt mà bị quăng vào lửa của hỏa ngục.

48 Nơi sâu bọ của chúng chẳng chết và lửa chẳng tắt.

49 Vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa. Mỗi của lễ sẽ được muối với muối.

50 Muối thì tốt, nhưng nếu muối bị mất mặn, các ngươi sẽ nêm nó vào đâu? Hãy có muối trong các ngươi và sống hòa thuận với nhau.

Lu-ca 9:46-50

46 Đã nổi lên một cuộc biện luận giữa họ, rằng, ai trong họ sẽ là lớn hơn.

47 Đức Chúa Jesus biết ý tưởng của lòng họ. Ngài đã đem một đứa trẻ đặt nó gần Ngài.

48 Ngài đã bảo họ: “Nếu bất cứ ai tiếp nhận đứa trẻ này trong danh Ta, là tiếp nhận Ta. Bất cứ ai tiếp nhận Ta, là tiếp nhận Đấng đã sai Ta. Vì người nào là hèn mọn trong hết thảy các ngươi, người ấy sẽ là lớn.”

49 Giăng đã đáp lời rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi từng thấy có người đuổi quỷ nhân danh Ngài. Chúng tôi đã cấm người, vì người không theo chúng ta.”

50 Đức Chúa Jesus đã phán với người: “Đừng cấm! Vì ai không là nghịch lại chúng ta thì vì chúng ta.”

Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau học về một số điều Đức Chúa Jesus đã dạy cho các môn đồ của Ngài, sau khi Ngài và họ đã từ Núi Hóa Hình về lại nhà trọ của Ngài ở Ca-bê-na-um. Chúng tôi nghĩ đó là nhà của Phi-e-rơ.

Ma-thi-ơ 18:1

1 Trong giờ đó, các môn đồ đã đến với Đức Chúa Jesus, và hỏi: “Vậy, ai là lớn hơn trong Vương Quốc Trời?”

Mác 9:33-35

33 Ngài đã vào đến Ca-bê-na-um, đang ở trong nhà, Ngài đã hỏi họ: “Trên đường, các ngươi đã bàn luận gì với nhau?”

34 Nhưng họ đã làm thinh. Vì trên đường họ đã bàn luận với nhau, ai lớn hơn.

35 Ngài đã ngồi, gọi Nhóm Mười Hai mà bảo họ: “Nếu ai muốn trở nên đầu sẽ là cuối của mọi người và là tôi tớ của mọi người.”

Lu-ca 9:46

46 Đã nổi lên một cuộc biện luận giữa họ, rằng, ai trong họ sẽ là lớn hơn.

Sau khi từ Núi Hóa Hình về đến Ca-bê-na-um, bước vào nhà, Đức Chúa Jesus đã hỏi Phi-e-rơ về việc đóng thuế Đền Thờ, như chúng ta đã học trong bài trước. Kế đó, Đức Chúa Jesus đã hỏi các môn đồ rằng, trên đường đi, họ đã bàn luận với nhau điều gì. Các môn đồ đã làm thinh trước câu hỏi của Chúa. Vì họ thấy khó mà trả lời, khi trên đường đi, họ đã bàn luận với nhau về sự trong số họ, ai sẽ là người lớn hơn, hàm ý, ai sẽ là người đứng đầu các môn đồ của Chúa.

Đức Chúa Jesus đã ngồi xuống, gọi mười hai sứ đồ đến và bảo họ: “Nếu ai muốn trở nên đầu sẽ là cuối của mọi người và là tôi tớ của mọi người.”

Trở nên đầu” theo ý muốn của các môn đồ là đứng đầu trong Vương Quốc Trời.

Cuối của mọi người” là đứng hàng thấp nhất trong tất cả mọi người.

Là tôi tớ của mọi người” là ở trong địa vị phục vụ mọi người.

Lời phán của Chúa không có nghĩa là muốn trở nên đầu thì phải hạ mình, khiêm nhường, phục vụ mọi người. Nhưng đó là lời cảnh cáo cho những ai có tham vọng, muốn trở thành người đứng đầu trong vương quốc hay trong Hội Thánh của Ngài. Người có tham vọng ấy sẽ bị Đức Chúa Trời đánh hạ, khiến cho trở nên thấp nhất trong mọi người và phục vụ mọi người. Đức Chúa Jesus không nêu lên phương cách cần phải thực hiện để trở nên người đứng đầu theo ý muốn riêng, mà là Ngài cảnh cáo những ai có ý muốn đứng đầu thì sẽ bị trở thành cuối của mọi người và là tôi tớ của mọi người.

Người có ý muốn đứng đầu người khác là người xem mình trọng hơn người khác, muốn mọi người thán phục mình, nghe theo mình. Đó không phải là bản tính của con dân Chúa. Con dân Chúa là người học theo Chúa trong sự nhu mì và khiêm nhường. Họ yêu kính Chúa hơn tất cả mọi sự, hơn tất cả mọi người. Họ vui thỏa trong sự sống theo Lời Chúa, yêu anh chị em của mình hơn chính mình, sốt sắng phục vụ mọi người như phụng sự Chúa. Họ không có ý muốn đứng đầu anh chị em của mình. Nếu Chúa đặt cho họ đứng đầu thì đó là ý muốn và sự lựa chọn của Chúa.

Sau khi nghe Chúa phán như vậy, các môn đồ đã đến gần, hỏi Chúa: “Vậy, ai là lớn hơn trong Vương Quốc Trời?”

Qua lời phán của Chúa, các môn đồ hiểu rằng, sự được lớn hơn trong Vương Quốc Trời không phải do một người muốn thì được. Nhưng họ vẫn muốn biết ai sẽ là người lớn hơn, nên họ đã trực tiếp hỏi Chúa. Có thể họ muốn biết người ấy là ai để so sánh xem người ấy hơn mình hoặc khác mình những gì. Con dân Chúa không nên có tinh thần so sánh hơn thua với nhau.

Thực tế, như về sau Đức Chúa Jesus đã ban khải tượng cho Giăng, cả mười hai sứ đồ của Chúa đều có địa vị cao trọng ngang nhau. Tên của họ được ghi trên mười hai nền của thành thánh Giê-ru-sa-lem từ thiên đàng giáng xuống đất mới, trong Vương Quốc Đời Đời (Khải Huyền 21:14). Rất có thể tên của Sứ Đồ Phao-lô được thay thế cho tên của Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Vì Phao-lô được chính Đức Chúa Jesus kêu gọi vào chức vụ sứ đồ.

Ma-thi-ơ 18:2-5

2 Đức Chúa Jesus đã gọi một đứa trẻ và đã đặt nó ở giữa họ.

3 Ngài đã phán: “Thật! Ta nói với các ngươi, trừ khi các ngươi được đổi lại và trở nên như đứa trẻ, các ngươi sẽ không vào trong Vương Quốc Trời.

4 Vậy, bất cứ ai tự mình khiêm nhường như đứa trẻ này, người ấy sẽ là lớn hơn trong Vương Quốc Trời.

5 Nếu bất cứ ai tiếp nhận một đứa trẻ như thế này trong danh Ta, là tiếp nhận Ta.

Mác 9:36-37

36 Ngài đã đem một đứa trẻ đặt nó ở giữa họ, rồi bồng nó trên tay, Ngài đã bảo họ:

37 “Nếu bất cứ ai tiếp nhận một đứa trẻ như thế này trong danh Ta, là tiếp nhận Ta. Bất cứ ai tiếp nhận Ta thì không chỉ tiếp nhận Ta, nhưng cũng tiếp nhận Đấng đã sai Ta.”

Lu-ca 9:47-48

47 Đức Chúa Jesus biết ý tưởng của lòng họ. Ngài đã đem một đứa trẻ đặt nó gần Ngài.

48 Ngài đã bảo họ: “Nếu bất cứ ai tiếp nhận đứa trẻ này trong danh Ta, là tiếp nhận Ta. Bất cứ ai tiếp nhận Ta, là tiếp nhận Đấng đã sai Ta. Vì người nào là hèn mọn trong hết thảy các ngươi, người ấy sẽ là lớn.”

Đức Chúa Jesus biết nỗi thắc mắc trong lòng của các môn đồ nên đã đem một đứa trẻ đặt giữa họ, rồi Ngài bồng nó lên, có lẽ để các môn đồ chú ý vào đứa trẻ. Ngài phán: “Thật! Ta nói với các ngươi, trừ khi các ngươi được đổi lại và trở nên như đứa trẻ, các ngươi sẽ không vào trong Vương Quốc Trời.”

Điều quan trọng không phải là sự lớn hay nhỏ trong Vương Quốc Trời, mà là sự được vào trong Vương Quốc Trời. Một người muốn được vào trong Vương Quốc Trời thì phải ăn năn sự phạm tội của mình, tức là sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Khi một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy được Thiên Chúa dựng nên mới, khiến cho người ấy “được đổi lại và trở nên như đứa trẻ”.

Sự “được đổi lại và trở nên như đứa trẻ” không có nghĩa là thân thể xác thịt được biến hóa trở lại như đứa trẻ. Cũng không phải là sự mỗi người có thể tự làm. Nhưng đó là sự được Thiên Chúa dựng nên mới, trở thành một người không có ý muốn phạm tội, như một đứa trẻ con không có ý thức về sự phạm tội.

Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

Tiếp theo sự được đổi mới do Thiên Chúa làm ra để được vào trong Vương Quốc Trời, một người phải tự mình khiêm nhường như đứa trẻ không có ý thức về sự phạm tội, thì người ấy mới được kể là lớn trong Vương Quốc Trời.

Thực tế, nhiều người ngoài miệng xưng nhận là môn đồ của Đấng Christ nhưng đời sống vẫn vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Điều răn bị họ cố ý vi phạm nhiều nhất là điều răn thứ tư. Đó là điều răn phải tôn thánh ngày Sa-bát của Thiên Chúa, là ngày Thứ Bảy mỗi cuối tuần. Sự vi phạm được bao che bằng các lời quỷ biện do các giáo hội mang danh Chúa giảng dạy [1].

Thực tế, nhiều người ngoài miệng xưng nhận là môn đồ của Đấng Christ nhưng vẫn kiêu ngạo, xem mình là đáng tôn trọng hơn những người khác. Họ đã không học hiểu mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus và của Đức Thánh Linh:

Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì các ngươi sẽ tìm thấy sự yên nghỉ cho linh hồn của các ngươi.” (Ma-thi-ơ 11:29).

Chớ làm điều gì vì cạnh tranh hoặc vì hư vinh, nhưng mỗi người hãy khiêm nhường, tôn trọng người khác hơn chính mình.” (Phi-líp 2:3).

Ngày nay, vẫn có rất nhiều người như Đi-ô-trép xưa kia, có tham vọng đứng đầu trong Hội Thánh, nên họ đã nhân danh Chúa làm ra không biết bao nhiêu là việc gian ác (III Giăng câu 9).

Một đứa trẻ vô tư, không có ý thức phạm tội thì không hề kiêu ngạo, không hề muốn làm lớn. So với các môn đồ của Chúa thì đứa trẻ dường như là thấp hèn nhất. Tuy nhiên, chính sự vô tư, không có ý thức phạm tội của nó lại là tiêu chuẩn được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.

Ngay trong đời này, ai tiếp nhận một đứa trẻ như vậy, trong danh của Đức Chúa Jesus cũng chính là tiếp nhận Đức Chúa Jesus. Mà tiếp nhận Đức Chúa Jesus cũng là tiếp nhận Đức Chúa Trời, Đấng đã sai Ngài vào trong thế gian, thi hành ơn cứu chuộc loài người.

Tiếp nhận một đứa trẻ trong danh của Đức Chúa Jesus vừa có nghĩa đen là tiếp nhận nó như Chúa tiếp nhận nó, vừa có nghĩa là tiếp nhận, học theo sự khiêm nhường và sự tinh sạch đối với tội lỗi của nó. Khi đó, người ấy đã vâng phục và làm theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus, cùng nghĩa với sự tiếp nhận Ngài. Một người tiếp nhận Đức Chúa Jesus chính là người cũng tiếp nhận Đức Chúa Trời, vì tin rằng, Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian, thi hành ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người.

Những người khiêm nhường, sống theo Lời Chúa là những người được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời, cho dù họ không có ý muốn đó.

Mác 9:38-40

38 Giăng đã đáp lời Ngài, rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi từng thấy có người đuổi quỷ trong danh Ngài, người ấy không theo chúng ta. Chúng tôi đã cấm người, vì người không theo chúng ta.”

39 Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán: “Đừng cấm người! Vì là không ai sẽ làm phép lạ trong danh Ta mà có thể liền đó nói xấu Ta.

40 Vì ai không là nghịch lại các ngươi thì vì các ngươi.

Lu-ca 9:49-50

49 Giăng đã đáp lời rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi từng thấy có người đuổi quỷ nhân danh Ngài. Chúng tôi đã cấm người, vì người không theo chúng ta.”

50 Đức Chúa Jesus đã phán với người: “Đừng cấm! Vì ai không là nghịch lại chúng ta thì vì chúng ta.”

Sứ Đồ Giăng nêu lên sự kiện về một người không đi theo Đức Chúa Jesus nhưng đã nhân danh Chúa để đuổi quỷ. Giăng và các bạn của ông đã ngăn cấm người ấy làm như vậy. Nhưng Đức Chúa Jesus đã bảo các môn đồ của Ngài, đừng cấm những ai làm như vậy, cho dù họ không đi theo Chúa.

Người nhân danh Chúa đuổi quỷ phải là người tin vào danh của Ngài. Và chắc chắn là người ấy không thể nói xấu về Ngài hoặc nghịch lại Ngài cùng các môn đồ của Ngài. Có thể người ấy vì hoàn cảnh gia đình, không thể đi theo Đức Chúa Jesus về hình thức bên ngoài, như các môn đồ của Ngài. Nhưng người ấy có đức tin nơi Đức Chúa Jesus, theo Chúa trong lòng, và mạnh dạn trong đức tin, dùng danh Chúa để đuổi quỷ.

Mác ghi: “Vì ai không là nghịch lại các ngươi thì vì các ngươi.”

Lu-ca ghi: “Vì ai không là nghịch lại chúng ta thì vì chúng ta.”

Mác dùng đại danh từ “các ngươi” còn Lu-ca thì dùng đại danh từ “chúng ta”. Có lẽ người thuật chuyện cho Mác đã thuật đúng lời phán của Chúa, còn người thuật chuyện cho Lu-ca đã thuật lại hơi khác một chút. Dù vậy, sự khác biệt đó không làm sai lạc ý nghĩa Đức Chúa Jesus dạy cho các môn đồ.

Bất cứ ai không chống nghịch chúng ta về đức tin của chúng ta, về sự rao giảng Tin Lành của chúng ta thì người ấy đã tạo sự thuận lợi cho chúng ta rồi vậy. Huống hồ gì người ấy nói về đức tin của chúng ta hoặc lặp lại sự rao giảng của chúng ta, cho dù người ấy không công khai tin nhận Chúa.

Mác 9:41

41 Vì bất cứ ai sẽ cho các ngươi uống một chén nước trong danh Ta, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, Ta bảo các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.

Một người không tin Chúa nhưng đối đãi tốt với con dân Chúa thì chính Chúa sẽ ban thưởng cho người ấy. Sự ban thưởng sẽ xảy ra ngay trong đời này, qua sự Chúa ban phước cho họ về vật chất và thêm lên cơ hội cho họ hiểu biết để tin nhận Tin Lành. Nếu họ vẫn không tin nhận Tin Lành thì họ sẽ bị hư mất. Chúng tôi nghĩ rằng, rất có thể trong ngày phán xét chung cuộc, những việc làm lành không khoe khoang, không trục lợi của những người không tin Chúa có thể giúp giảm đi phần nào các án phạt của họ. Vì Chúa sẽ phán xét mỗi việc làm của họ.

Ma-thi-ơ 18:6

6 Nhưng bất cứ ai làm cho bị vấp phạm một trong những đứa trẻ đang tin nơi Ta này, thì tốt hơn cho kẻ ấy để một cối đá do lừa kéo bị buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống đáy biển.

Mác 9:42

42 Nhưng bất cứ ai làm cho bị vấp phạm một trong những đứa trẻ đang tin nơi Ta, thì tốt hơn cho kẻ ấy nếu cối đá được buộc vào cổ của nó và nó bị ném xuống biển.

Làm cho một đứa trẻ đang tin nơi Chúa bị vấp phạm có nghĩa là khiến cho nó phạm tội; hoặc khiến cho nó mất đức tin nơi Chúa; hoặc cư xử bất công đối với nó, khiến cho nó bị thương tổn, bị khốn khổ.

Các bậc ông bà, cha mẹ cần suy ngẫm nhiều về lời phán này của Đức Chúa Jesus. Vì ông bà, cha mẹ có trách nhiệm trước Chúa đối với linh hồn của con cháu, là cơ nghiệp Đức Chúa Trời giao vào trong tay chúng ta. Chúng ta có thể làm cho con cháu của mình bị vấp phạm bằng cách để mặc cho chúng nó bị lây nhiễm những điều hư xấu trong xã hội; bằng cách không nghiêm khắc kỷ luật chúng bằng roi đòn, theo mệnh lệnh của Chúa, để cho chúng trở nên hư hỏng.

Một trong những sự làm cho con cháu vấp phạm lớn nhất là sự bỏ qua sự không vâng phục và hỗn hào của chúng. Đó là tội đáng chết theo Lời Chúa. Sự không nghiêm khắc kiểm soát sự dùng điện thoại và máy vi tính của con cháu, để chúng tiếp cận các khu mạng tà dâm, bạo lực, mê tín dị đoan, băng đảng côn đồ cũng chính là làm cho chúng vấp phạm. Ngoài ra, có lẽ sự làm cho con cháu vấp phạm thường xuyên xảy ra chính là thói hư, tật xấu của bậc ông bà, cha mẹ.

Khi trẻ con phạm tội mà không sớm ăn năn, xưng tội với Chúa và từ bỏ, thì ma quỷ sẽ nhân cơ hội để cám dỗ và xúi giục chúng phạm tội càng hơn.

Ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian đã gần. Bậc ông bà, cha mẹ cần nghiêm khắc chăn dắt con cháu của mình đúng theo Lời Chúa để chúng không bị bỏ lại, chịu khốn khổ trong bảy năm đại nạn. Hãy yêu con cháu theo Lời Chúa, đừng yêu theo cảm xúc xác thịt mà chiều chuộng những sự sai trái của chúng, làm cho chúng bị khốn khổ, rồi bị hư mất. Hãy dạy cho con cháu của mình “đừng làm theo đời này” (Rô-ma 12:2). Chính bản thân mình cũng đừng làm theo đời này mà tạo gương xấu cho con cháu.

Là những người được Chúa giao cho thức canh về linh hồn của con cháu, quý ông bà, anh chị em sẽ phải trả lời trước Chúa về sự hư mất của con cháu mình.

Ma-thi-ơ 18:7

7 Khốn cho thế gian bởi những sự gây nên sự phạm tội! Vì những sự gây nên sự phạm tội là phải đến; nhưng khốn cho nó, người mà sự gây nên sự phạm tội đến bởi nó.

Khốn cho thế gian” là “khốn khổ, đau buồn cho thế gian”. Lý do là vì trong thế gian có những sự gây nên sự phạm tội. Đức Chúa Trời cho phép những sự gây nên sự phạm tội xảy ra để loài người thi hành sự tự do lựa chọn của mình. Chọn sống theo Lời Chúa để được hạnh phúc đời đời bên Chúa, hay chọn sống nghịch Lời Chúa để bị đau khổ đời đời trong sự xa cách Chúa.

Ngay trong buổi đầu sáng thế, tổ phụ và tổ mẫu của loài người là A-đam và Ê-va đã có sự tự do lựa chọn vâng theo Lời Chúa hay không vâng theo Lời Chúa. Sa-tan đã qua một con rắn, nói dối, cám dỗ họ không vâng theo Lời Chúa, và họ đã chọn không vâng theo Lời Chúa. Từ đó, tội lỗi vào trong thế gian. Mọi sự đau khổ và sự chết là hậu quả của sự phạm tội cũng vào trong thế gian. Từ đó, loài người bị quyền lực của tội lỗi trói buộc, khiến họ cứ phạm tội, gây ra những sự bất công và những sự đau khổ cho chính mình và người khác.

Sự gây nên sự phạm tội có thể đến bởi một lời nói dối của ai đó; bởi một hành động bất công của ai đó; bởi lòng tham hoặc lòng kiêu ngạo của ai đó; bởi sự giả hình của ai đó; bởi hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, v.v.. Nhưng có lẽ nhiều nhất là bởi sự vô trách nhiệm của bậc ông bà, cha mẹ, là những người có bổn phận canh giữ con cháu, như canh giữ con ngươi của mắt mình.

Người nào gây cho người khác phạm tội thì người ấy sẽ chịu hình phạt rất nặng từ Thiên Chúa. Chúng tôi hiểu rằng, người gây cho người khác phạm tội cũng sẽ chịu trách nhiệm về sự phạm tội của người phạm tội.

Ma-thi-ơ 18:8

8 Nếu tay của ngươi hay chân của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi. Vì là tốt hơn cho ngươi què hay cụt nhưng vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa vĩnh hằng.

Mác 9:43-46

43 Nếu tay của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó! Vì là tốt cho ngươi cụt tay nhưng đi vào sự sống, còn hơn có hai tay mà đi vào hỏa ngục, vào lửa chẳng tắt.

44 Nơi sâu bọ của chúng chẳng chết và lửa chẳng tắt.

45 Nếu chân của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó! Vì là tốt cho ngươi què nhưng vào trong sự sống, còn hơn có hai chân mà bị ném vào hỏa ngục, vào lửa chẳng tắt.

46 Nơi sâu bọ của chúng chẳng chết và lửa chẳng tắt.

Trong Ma-thi-ơ 5:29-30 cũng ghi lại lời phán dạy tương tự về sự mắt và tay khiến cho một người phạm tội.

Thường là một người tự mình phạm tội bởi sự thỏa mãn cách bất chính những sự ham muốn của xác thịt. Xác thịt có những sự ham muốn chính đáng của nó, vì Đức Chúa Trời đã dựng nên xác thịt có những nhu cầu ấy, như: đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, và sự ham muốn được thỏa mãn thú vui của tình dục. Nhưng nếu thỏa mãn sự ăn, sự uống bằng cách ăn cắp hoặc cướp đoạt thức ăn, thức uống của người khác và thỏa mãn thú vui của tình dục bằng sự tà dâm, thì đó là sự thỏa mãn cách bất chính những sự ham muốn của xác thịt, là phạm tội, tức là phạm vào các điều răn của Đức Chúa Trời.

Tay có thể phạm tội ăn cắp, cướp đoạt tài sản của người khác hoặc hành hung người khác. Chân có thể đi đến những nơi ô uế, tội lỗi. Vì thế sự chặt tay hay chặt chân được Đức Chúa Jesus nói đến ở đây là theo nghĩa đen. Nghĩa là nếu tay và chân cứ khiến cho một người phạm tội thì thà rằng, chặt bỏ chúng để không còn phạm tội nữa.

Què hay cụt nhưng vào trong sự sống” có nghĩa là khiến cho thân thể xác thịt bị què chân hay cụt tay trong đời này để không phạm tội, thì trong đời sau sẽ được vào trong sự sống vĩnh cửu. Trong sự sống vĩnh cửu đó, thân thể xác thịt được phục sinh hay được biến hóa sẽ trọn vẹn và vinh quang.

Bị ném vào trong lửa vĩnh hằng” cùng nghĩa với “bị ném vào hỏa ngục, vào lửa chẳng tắt”. Đó là hình phạt đời đời dành cho những ai cứ sống trong tội, không ăn năn, không từ bỏ sự phạm tội. Hỏa ngục chính là hồ lửa trong âm phủ [2].

Trong hỏa ngục, sâu bọ trên thân thể xác thịt của những tội nhân sẽ không hề chết, như thân thể của họ cũng sẽ không hề chết trong lửa chẳng bao giờ tắt. Đức Chúa Jesus đã trích dẫn lời tiên tri trong Ê-sai 66:24. Thật khó cho chúng ta hình tưởng ra cảnh tượng thân thể của những tội nhân bị đốt trong lửa của hỏa ngục mà không cháy tan, và cứ ngày đêm bị những sâu bọ gặm nhấm. Sự kiện bụi gai bị đốt trong lửa mà không tàn, như đã được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2, giúp cho chúng ta hiểu rằng, sự thân thể xác thịt bị đốt trong hỏa ngục mà không cháy thành tro là có thể.

Ma-thi-ơ 18:9

9 Nếu con mắt của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó ra và ném khỏi ngươi. Vì là tốt hơn cho ngươi một mắt nhưng vào trong sự sống, còn hơn có hai mắt mà bị ném vào trong lửa của hỏa ngục.

Mác 9:47-48

47 Nếu mắt của ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó. Vì là tốt cho ngươi một mắt nhưng đi vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời, còn hơn có hai mắt mà bị quăng vào lửa của hỏa ngục.

48 Nơi sâu bọ của chúng chẳng chết và lửa chẳng tắt.

Con mắt có thể khiến cho người ta phạm tội kiêu ngạo, tham lam, và tà dâm. Sự móc bỏ một con mắt có thể khiến cho một người luôn ghi nhớ, không còn dùng ánh mắt của mình để phạm tội. Hành động đó cũng nói lên sự quyết tâm không muốn tiếp tục phạm tội của người ấy.

Chúng ta cần hiểu rằng, không phải sự chặt tay, chặt chân, hay móc mắt khiến cho một người được vào Vương Quốc Trời. Nhưng đó là phương cách có thể giúp cho người ấy ngưng phạm tội để ăn năn và tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Một số người cho rằng, lời phán dạy của Đức Chúa Jesus về sự chặt tay, chặt chân, hay móc mắt không thể hiểu theo nghĩa đen. Nhưng chúng tôi tin rằng, Đức Chúa Jesus dùng nghĩa đen cho lời phán của Ngài, khi Ngài nhấn mạnh sự kiện thà một tay, một chân, hay một mắt mà được vào trong sự sống.

Vào trong sự sống” và “vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời” có cùng một nghĩa với nhau. Vì chỉ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời mới có sự sống.

Mác 9:49-50

49 Vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa. Mỗi của lễ sẽ được muối với muối.

50 Muối thì tốt, nhưng nếu muối bị mất mặn, các ngươi sẽ nêm nó vào đâu? Hãy có muối trong các ngươi và sống hòa thuận với nhau.”

Trong hỏa ngục, mỗi người sẽ bị muối bằng lửa. Đó là sự báp-tem trong lửa mà Giăng Báp-tít đã rao giảng, như được ghi lại trong Lu-ca 3:16, dành cho những ai không tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì được Đức Chúa Jesus báp-tem trong thánh linh.

Thân thể của con dân Chúa là của lễ sống và thánh, như bánh không men trong của lễ chay, được dâng lên Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1). Mỗi của lễ dâng lên Đức Chúa Trời được rắc muối. Vì muối là dấu hiệu về sự giao ước của Thiên Chúa, như đã chép trong Lê-vi Ký 2:13. Chất mặn của muối sát trùng, tăng hương vị, và giữ cho thực phẩm được tươi lâu. Vì thế, muối tiêu biểu cho sự tinh sạch, thánh khiết, và bền vững trong quan hệ giữa Đức Chúa Trời và những ai vâng phục Ngài. Muối cũng tiêu biểu cho nếp sống thánh khiết và lòng trung tín, vâng phục của con dân Chúa.

Muối bị mất mặn thì không thể dùng để nêm thức ăn hay rắc trên của lễ được. Con dân Chúa mất đi tính cách thánh khiết và trung tín thì không thể thuộc về Chúa. Con dân Chúa phải có nếp sống thánh khiết, có lòng vâng phục trung tín, và yêu thương lẫn nhau để sống hòa thuận với nhau. Sống hòa thuận với nhau thì sẽ không có sự bàn luận, tranh cãi xem ai là lớn hơn trong Vương Quốc Trời. Nhưng luôn hạ mình, phục vụ lẫn nhau.

Ma-thi-ơ 18:10-11

10 Hãy coi chừng! Đừng khinh dể một trong những đứa nhỏ này. Vì Ta bảo các ngươi rằng, trong các tầng trời, các thiên sứ của chúng nó thường xuyên thấy mặt Cha của Ta, Đấng ở trong các tầng trời.

11 Vì Con Người đã đến, cứu sự đã mất.

Hãy coi chừng” là một trong các lời cảnh giác Đức Chúa Jesus thường dùng.

Khinh dể” (G2706) là xem thường, không coi trọng. Dù là một đứa trẻ thơ thì chúng cũng là loài thọ tạo được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa, đáng được tôn trọng. Thực tế, một đứa trẻ thơ có giá trị hơn một người lớn. Vì nó chưa tự mình phạm tội. Chính Đức Chúa Jesus đã phán, Vương Quốc Trời thuộc về những ai giống như con trẻ (Ma-thi-ơ 19:14; Mác 10:14; Lu-ca 18:16). Một lần nữa, con dân chân thật của Chúa cần ghi nhớ và thực hành Lời Chúa trong Phi-líp 2:3. Đó là hãy khiêm nhường và tôn trọng người khác hơn chính mình, cho dù người khác ấy chỉ là một đứa trẻ. Chính Đức Chúa Jesus đã đặt giá trị của trẻ con trong Hội Thánh ngang hàng với Ngài, khi Ngài phán, bất cứ ai tiếp nhận một đứa trẻ đang tin Chúa trong danh Ngài là tiếp nhận chính Ngài.

Qua lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta hiểu rằng, mỗi đứa trẻ tin nhận Chúa đều có thiên sứ của Đức Chúa Trời bảo vệ nó. Hê-bơ-rơ 1:14 cho chúng ta biết, các thiên sứ là các thần linh phụng sự được Đức Chúa Trời sai vào trong sự phục vụ những người sẽ hưởng cơ nghiệp của sự cứu rỗi, tức là mỗi một con dân Chúa.

Các thiên sứ thường xuyên mặt đối mặt với Đức Chúa Trời, được chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Chúa Trời. Đó là điều mà một ngày không còn lâu nữa, chúng ta sẽ được kinh nghiệm, khi Đấng Christ đem chúng ta vào thiên đàng.

Danh từ “Con Người” là danh tự xưng của Đức Chúa Jesus, để khẳng định thân vị loài người của Ngài. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để thi hành sự chết chuộc tội cho loài người.

Sự đã mất” trước hết là toàn thể loài người đã bị hư mất vì sự phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Kế tiếp là sự băng hoại của tầng trời thuộc thể và đất, cùng muôn vật trong chúng, vì hậu quả sự phạm tội của các thiên sứ và loài người. Cái chết của Đức Chúa Jesus Christ giúp chuộc tội cho loài người và phục hồi muôn vật, ngoại trừ các thiên sứ phạm tội và những người không ăn năn tội, không tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài.

Những con trẻ tin Chúa cũng đã được mua chuộc bằng máu thánh khiết, cao quý của Đức Chúa Jesus Christ; bởi đó, chúng đã được nâng lên địa vị cao quý với Ngài. Vì thế, không ai có quyền khinh dể chúng.

Ma-thi-ơ 18:12-14

12 Các ngươi nghĩ sao? Nếu người kia có một trăm con chiên, một trong chúng bị lạc, người chẳng để lại chín mươi chín con, đi vào trong núi mà kiếm con bị lạc sao?

13 Nếu là người kiếm được nó, thật, Ta nói với các ngươi rằng, người vui mừng về nó hơn về chín mươi chín con đã không bị lạc.

14 Cũng vậy, không phải là ý muốn của Cha các ngươi, Đấng ở trong các tầng trời, rằng, một trong những đứa nhỏ này bị hư mất.”

Đức Chúa Jesus phán với các môn đồ ngụ ngôn về một con chiên bị lạc. Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng, Đức Chúa Jesus tự ví Ngài là người chăn chiên và những ai tin nhận Ngài được ví là những con chiên của Ngài. Ngụ ngôn về con chiên bị lạc không nói về những người không tin Chúa, cũng không nói về những người sau khi tin Chúa nhưng vẫn còn sống trong tội.

Một người sau khi tin Chúa vẫn có thể bị lạc khỏi đường lối của Chúa vì thiếu hiểu biết, vì sơ ý, hoặc vì yếu đuối nhất thời. Trong hoàn cảnh đó, người ấy biết lo sợ, hối hận, và kêu cầu Chúa để được Ngài giải cứu, đưa trở về chuồng chiên của Ngài là Hội Thánh. Một con dân Chúa bị lầm lạc nhưng được Chúa cứu về là sự đáng vui mừng hơn là sự vui mừng về những con dân Chúa không bị lầm lạc.

Ý muốn của Đức Chúa Trời là muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4). Vì thế Ngài không muốn bất cứ ai đã được cứu mà lại bị lạc, dẫn đến sự bị hư mất, nhất là những con trẻ trong Hội Thánh.

Tất cả trẻ con trong Hội Thánh bị hư mất đều là bởi sự tắc trách của ông bà, cha mẹ. Con dân Chúa có bổn phận nuôi dạy, kỷ luật con cháu mình theo Lời Chúa, cho tới khi chúng đủ 20 tuổi. Từ tuổi 20 trở lên, chúng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự chọn sống trong tội của chúng.

Đức Chúa Jesus tìm và cứu những con dân Chúa bị lạc qua sự Ngài dùng những người chăn rao giảng Lời Chúa, dùng các trưởng lão khuyên dạy, dùng bất cứ ai trong Hội Thánh để nhắc nhở người bị lạc, là người đang có nếp sống không đúng Lời Chúa. Con dân Chúa nào không làm tròn bổn phận nuôi dạy, kỷ luật con cháu mình theo Lời Chúa thì cũng là người bị lạc. Trong thần trí những người bị lạc, Đức Thánh Linh tác động để họ hiểu những lời rao giảng, khuyên dạy, nhắc nhở; và chính Ngài kêu gọi họ ăn năn.

Có những sự không phải là phạm tội nhưng không có ích lợi, không làm tôn vinh danh Chúa, mà chỉ thỏa mãn ý thích của chúng ta và có thể làm gương xấu cho người khác thì chúng ta không làm. Như xưa kia, Sứ Đồ Phao-lô sẽ không ăn thịt nếu sự ăn thịt đó khiến cho người khác bị vấp phạm.

Có những sự chúng ta không cho phép con cháu của mình làm, vì dù những sự ấy không phải là phạm tội nhưng chúng dẫn đến môi trường phạm tội, có thể làm cho con cháu của chúng ta bị lạc. Trong thời đại của chúng ta, việc cho con cháu dùng điện thoại thông minh không phải là phạm tội. Nhưng nếu chúng ta không kiểm soát sự dùng điện thoại của chúng để chúng tiếp cận các khu mạng tà dâm, mê tín dị đoan, thờ lạy ma quỷ thì những sự tiếp cận đó sẽ khiến chúng bị lạc, dẫn đến sự bị hư mất. Tương tự như vậy là sự cho chúng giao tiếp với bạn bè xấu, không tin Chúa, đua đòi theo các khuynh hướng, sở thích, thời trang không lành mạnh. Tương tự như vậy là sự cho chúng tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội của những người không tin Chúa, trong trường học và trong cộng đồng.

Chúng tôi xin mượn lời này trong Khải Huyền để kết thúc bài học của chúng ta: “Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh.”

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/10/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Xin vào khu mạng https://timhieutinlanh.com/biengiao/ và đọc các bài viết về ngày Sa-bát, từ trên xuống dưới, như được liệt kê trong Mục Lục.

[2] Xin đọc bài này để biết thêm chi tiết về âm phủ và hỏa ngục:
https://timhieutinlanh.com/muoi-dieu-suy-ngam-ve-su-phan-xet-chung-cuoc/

Karaoke Thánh Ca: “Kể Từ Nay”
https://karaokethanhca.net/ke-tu-nay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.