Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL083 Cách Giải Quyết Sự Phạm Tội Trong Hội Thánh

93 views

YouTube: https://youtu.be/VoVcIreQXfY

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL083 Cách Giải Quyết Sự Phạm Tội Trong Hội Thánh
Ngụ Ngôn về Người Đầy Tớ Không Có Lòng Thương Xót
Ma-thi-ơ 18:15-35

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 18:15-35

15 “Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, hãy đi, quở trách người, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình.

16 Nhưng nếu người không nghe, hãy đem với ngươi một hoặc hai người nữa, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15]

17 Nếu người không chịu nghe họ, hãy thông báo cho Hội Thánh. Nếu người không chịu nghe Hội Thánh, hãy xem người như người ngoại và kẻ thu thuế.

18 Thật, Ta bảo các ngươi, nếu bất cứ điều gì các ngươi sẽ buộc trên đất, nó sẽ bị buộc trên trời; và nếu bất cứ điều gì các ngươi sẽ mở trên đất, nó sẽ được mở trên trời.

19 Thật, Ta lại bảo các ngươi rằng, nếu hai người trong các ngươi sẽ thuận nhau trên đất về bất cứ điều gì mà họ cầu xin, nó sẽ được làm cho họ bởi Cha của Ta, Đấng ở trong các tầng trời.

20 Vì nơi nào hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, nơi đó, Ta ở trong giữa họ.”

21 Phi-e-rơ đã đến gần Ngài, nói: “Thưa Chúa, nếu anh chị em cùng Cha của tôi phạm tội nghịch lại tôi, thì tôi sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần?”

22 Đức Chúa Jesus phán với người: “Ta không bảo ngươi đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

23 Bởi đó, Vương Quốc Trời giống như một người, một vua kia, muốn tính sổ với những đầy tớ của mình.

24 Khi người đã bắt đầu soát sổ, một người thiếu nợ mười ngàn ta-lâng đã được mang đến người.

25 Người ấy đã chẳng có gì để trả. Chủ của người ấy truyền cho người bị bán cùng vợ con của người và hết thảy những gì người có, để trả nợ.

26 Vậy, người đầy tớ sấp mình, nài xin người rằng: “Thưa chủ, xin hãy khoan nhẫn với tôi, thì tôi sẽ trả hết.” [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]

27 Người chủ của người đầy tớ ấy đã động lòng thương xót, thả người, và tha nợ cho người.

28 Nhưng người đầy tớ ấy đã đi ra, đã gặp một người trong những bạn cùng làm đầy tớ của mình, là kẻ thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì bắt giữ người, bóp cổ, nói: “Hãy trả nợ cho ta điều ngươi thiếu!”

29 Người bạn cùng làm đầy tớ của người đã sấp mình xuống nơi chân của người, nói: “Xin hãy khoan nhẫn với tôi, thì tôi sẽ trả hết cho anh.”

30 Nhưng người đã chẳng muốn, nên đã đi, ném người ấy vào tù, cho tới khi người ấy trả hết nợ.

31 Những bạn cùng làm đầy tớ của người đã thấy sự việc xảy ra, họ đã rất buồn lòng. Họ đã đến và thuật lại cho chủ của họ về mọi sự đã xảy ra.

32 Khi đó, chủ của người đã gọi người, bảo người: “Hỡi đầy tớ độc ác! Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta.

33 Chẳng phải ngươi cũng nên có lòng thương xót bạn cùng làm đầy tớ của ngươi, như ta đã thương xót ngươi sao?”

34 Chủ của người đã nổi giận, đã trao người cho kẻ giữ ngục, cho tới khi người trả hết nợ.

35 Cha của Ta trên trời cũng sẽ làm như vậy với các ngươi, nếu từ trong lòng các ngươi không tha thứ mỗi anh chị em của mình những lỗi lầm của họ.”

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về cách giải quyết sự phạm tội trong Hội Thánh, theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus và ngụ ngôn về người đầy tớ không có lòng thương xót.

Ma-thi-ơ 18:15-16

15 “Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, hãy đi, quở trách người, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình.

16 Nhưng nếu người không nghe, hãy đem với ngươi một hoặc hai người nữa, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15]

Hành động “phạm tội nghịch lại ngươi” trước hết có nghĩa là làm ra một điều gì đó không đúng Lời Chúa, gây cho chúng ta bị xúc phạm hoặc bị thiệt hại. Sự hành động không đúng Lời Chúa thường xảy ra giữa con dân Chúa với nhau là các sự: nói xấu, vu khống, nghi ngờ sự dữ, nói dối, ganh tị, lấn áp, lạm dụng, khinh dể, v.v.. Nhưng sự “phạm tội nghịch lại ngươi” cũng chính là mỗi sự phạm tội của bất cứ ai trong Hội Thánh, dù không trực tiếp xúc phạm hoặc làm thiệt hại cho chúng ta nhưng sự phạm tội của người ấy làm xấu danh Chúa, danh Hội Thánh, và khiến cho Hội Thánh bị Chúa quở trách. Thí dụ, lấy trộm hàng trong siêu thị; nói dối với chủ trong chỗ làm; lén lút vào xem các khu mạng khiêu dâm, v.v..

Vì thế, không phải chỉ khi sự phạm tội của anh chị em trong Chúa trực tiếp tác hại chúng ta thì chúng ta mới lên tiếng quở trách, mà là bất cứ khi nào chúng ta thấy anh chị em của mình phạm tội, thì chúng ta có bổn phận quở trách người phạm tội.

Mệnh lệnh “Hãy đi” hàm ý, chúng ta phải chủ động giúp anh chị em của mình giải quyết việc phạm tội của người ấy. Sự phạm tội cần phải được giải quyết tức thì, như giải quyết sự ngộ độc, sự bị rắn cắn. Chắc chắn không ai lỡ bị chất a-xít dính vào tay mà không lập tức rửa tay ngay. Vì chậm trễ, a-xít có thể làm cho da thịt bị cháy đến tận xương. Tội lỗi dẫn đến sự chết. Vì thế, tội lỗi cần phải được giải quyết ngay, khi phát hiện.

Động từ “quở trách” (G1651) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có các nghĩa như sau [1]:

I. Kết án, bác bỏ, chứng minh là sai

1. Thường kèm theo gợi ý về sự hổ thẹn của người bị kết án

2. Bằng cách thuyết phục, đưa ra ánh sáng, vạch trần cho thấy lẽ thật

II. Tìm ra lỗi, chỉnh sửa

1. Bằng lời nói

a) Khiển trách nghiêm khắc, quở trách, nhắc nhở

b) Đòi chịu trách nhiệm, chỉ ra lỗi lầm, yêu cầu giải thích

2. Bằng hành động

a) Răn dạy, trừng phạt

Chúng tôi hiểu rằng, nghĩa được dùng trong lời phán của Chúa là bằng lời nói chúng ta quở trách, nhắc nhở người phạm tội về sự phạm tội của người ấy. Quở trách tức là thẳng thắn nói cho người ấy biết, người ấy đã hành động sai nghịch Lời Chúa. Nhắc nhở là nhắc cho người ấy biết, con dân Chúa phải sống theo Lời Chúa và khi lỡ phạm tội thì phải lập tức ăn năn. Lu-ca 17:3 ghi lại lời Đức Chúa Jesus phán dạy các môn đồ phải quở trách người phạm tội và tha thứ người biết ăn năn.

Bước đầu của sự giải quyết sự phạm tội trong Hội Thánh là chỉ giữa chúng ta và người phạm tội. Ngoại trừ nếu đó là sự công khai phạm tội giữa Hội Thánh thì cần được công khai quở trách giữa Hội Thánh, như Sứ Đồ Phao-lô đã quở trách Sứ Đồ Phi-e-rơ trước Hội Thánh tại An-ti-ốt (Ga-la-ti 2:11-14).

Nếu người phạm tội ăn năn thì người ấy được Chúa tha thứ và chúng ta không bị mất đi một anh chị em. Nhưng nếu người phạm tội không ăn năn thì chúng ta phải mời thêm một hoặc hai người trong Hội Thánh cùng đi với chúng ta, đến gặp người phạm tội một lần nữa để kêu gọi người ấy ăn năn. Chúng ta và một hoặc hai người đi cùng chúng ta sẽ là chứng nhân cho sự người ấy ăn năn hoặc không ăn năn.

Ma-thi-ơ 18:17

17 Nếu người không chịu nghe họ, hãy thông báo cho Hội Thánh. Nếu người không chịu nghe Hội Thánh, hãy xem người như người ngoại và kẻ thu thuế.

Nếu người phạm tội vẫn không chịu ăn năn thì chúng ta có bổn phận thông báo cho Hội Thánh, mà trước hết là thông báo cho các trưởng lão để các trưởng lão đưa sự việc ra trước Hội Thánh. Nếu sự việc đã được đưa ra trước Hội Thánh mà người phạm tội vẫn không ăn năn thì Hội Thánh phải xem người ấy như người không tin Chúa và là người cần phải tránh xa. Tức là Hội Thánh phải dứt thông công người ấy.

Xem “như người ngoại” là xem như người không có đức tin nơi Chúa, không còn thuộc về Hội Thánh.

Xem như “kẻ thu thuế” là xem như người cố ý sống trong tội, chống nghịch Hội Thánh, cần phải tránh xa. Vào thời của Đức Chúa Jesus, những người giữ việc thu thuế cho chính quyền La-mã bị dân I-sơ-ra-ên xem khinh, không giao tiếp, và tránh xa, trừ khi phải tiếp xúc để nộp thuế. Vì những người thu thuế vào thời ấy lạm dụng quyền thế của người La-mã ban cho họ để bóc lột dân I-sơ-ra-ên.

Đối với người cứng lòng, không ăn năn tội, chúng ta cần phải tránh xa để không bị họ tác động và ảnh hưởng đến chúng ta, cũng tránh để cho người đời hiểu lầm rằng, họ vẫn còn là người ở trong Hội Thánh. Lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 6:14-18 dạy chúng ta phải phân rẽ khỏi những người như vậy.

Tuy nhiên, con dân Chúa không nên có lòng giận, ghét người bị dứt thông công. Lời Chúa dạy:

Trong lòng ngươi, ngươi sẽ không ghét anh em của ngươi. Ngươi hãy nghiêm khắc quở trách người lân cận của ngươi, và đừng mang tội vì người ấy.” (Lê-vi Ký 19:17).

Trong các hoàn cảnh khẩn cấp họ cần sự cứu giúp thì chúng ta vẫn cứu giúp họ.

Ma-thi-ơ 18:18

18 Thật, Ta bảo các ngươi, nếu bất cứ điều gì các ngươi sẽ buộc trên đất, nó sẽ bị buộc trên trời; và nếu bất cứ điều gì các ngươi sẽ mở trên đất, nó sẽ được mở trên trời.

Bất cứ điều gì các ngươi sẽ buộc trên đất”“bất cứ điều gì các ngươi sẽ mở trên đất” vừa nói đến sự không công bố hay công bố một lẽ thật nào đó của Thánh Kinh, vừa nói đến sự tha tội và sự cầm giữ tội. Riêng trong lời phán này của Đức Chúa Jesus thì có nghĩa là sự tha tội và sự cầm giữ tội, tương tự như lời phán của Ngài được Sứ Đồ Giăng ghi lại:

Những tội lỗi nào của bất cứ những ai được các ngươi tha cho, chúng được tha cho họ. Những tội lỗi nào của bất cứ những ai bị các ngươi cầm giữ, chúng đã bị cầm giữ.” (Giăng 20:23).

Đối với những người phạm tội mà không ăn năn thì Hội Thánh có quyền và có bổn phận công bố sự phạm tội của họ, dứt thông công họ (I Cô-rinh-tô 5:13). Đối với những người đã bị dứt thông công mà về sau thật lòng ăn năn, thì Hội Thánh có quyền tha thứ và tiếp nhận họ trở lại vào trong Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 2:5-11).

Ma-thi-ơ 18:18 và Giăng 20:23 khẳng định, quyền tha tội và buộc tội là thuộc về Hội Thánh, không thuộc riêng về những người có chức vụ Chúa ban trong Hội Thánh.

Ma-thi-ơ 18:19-20

19 Thật, Ta lại bảo các ngươi rằng, nếu hai người trong các ngươi sẽ thuận nhau trên đất về bất cứ điều gì mà họ cầu xin, nó sẽ được làm cho họ bởi Cha của Ta, Đấng ở trong các tầng trời.

20 Vì nơi nào hai hay ba người nhóm hiệp trong danh Ta, nơi đó, Ta ở trong giữa họ.”

Sự hiệp thông cần có từ hai người trở lên. Sự hiệp thông vốn cần phải có cho loài người ngay từ buổi đầu sáng thế, khi Thiên Chúa phán rằng: “Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm cho nó một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng Thế Ký 2:18). Sự hiệp thông đem lại niềm vui, sự an ủi, sự khích lệ, sự gia tăng năng lực làm việc và chiến đấu cho loài người.

Làm thế nào một người rượt đuổi một ngàn và hai người xua đi mười ngàn, nếu như không vì Vầng Đá của chúng đã bán chúng, và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu giao nộp chúng?” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:30).

Hai người hơn một, vì họ được công giá tốt cho việc làm của họ. Vì nếu họ ngã, một người sẽ đỡ bạn của mình lên. Khốn cho kẻ ở một mình. Khi nó ngã, không có người thứ nhì đỡ nó lên.” (Truyền Đạo 4:9-10).

Khi một người bị người khác thắng, hai người có thể chống cự nó. Một sợi dây bện ba không bị đứt cách nhanh chóng.” (Truyền Đạo 4:12).

Hai người thuận nhau trên đất về bất cứ điều gì mà họ cầu xin” có nghĩa là hai người đang sống trong thế gian thật lòng tin nhận Chúa và sống theo Lời Chúa, cùng đồng ý với nhau về một điều gì đó mà họ muốn Đức Chúa Trời làm ra cho họ. Dĩ nhiên, điều họ muốn phải là điều không sai nghịch Lời Chúa.

Ngày nay, rất nhiều con dân Chúa đã không cùng nhau hiệp ý cầu xin Đức Chúa Trời những điều họ cần. Vì thế, họ đã không kinh nghiệm sự ban cho rời rộng của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của họ.

Lời phán của Đức Chúa Jesus được ghi lại trong Ma-thi-ơ 18:20 hàm ý, bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào có hai người nhóm hiệp trong danh của Ngài thì Ngài sẽ hiện diện giữa sự nhóm hiệp của họ. Đó chính là sự nhóm hiệp của Hội Thánh. Hội Thánh không phải là một tòa nhà hay bất cứ chỗ nào con dân Chúa chọn làm chỗ nhóm hiệp. Hội Thánh không phải là một tổ chức tôn giáo. Nhưng Hội Thánh chính là sự nhóm hiệp của từ hai người trở lên, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, sự nhóm hiệp của một đôi vợ chồng, của một người mẹ và một đứa con, của một chủ và một tớ, của bất cứ hai người nào trong danh Chúa, nếu họ là người thật lòng tin Chúa và sống theo Lời Chúa, chính là sự nhóm hiệp của Hội Thánh, và họ là Hội Thánh.

Ma-thi-ơ 18:21-22

21 Phi-e-rơ đã đến gần Ngài, nói: “Thưa Chúa, nếu anh chị em cùng Cha của tôi phạm tội nghịch lại tôi, thì tôi sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần?”

22 Đức Chúa Jesus phán với người: “Ta không bảo ngươi đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

Vì Đức Chúa Jesus đang dạy các môn đồ cách giải quyết sự phạm tội trong Hội Thánh nên Sứ Đồ Phi-e-rơ đã hỏi Ngài một điều rất thực tế. Đó là ông sẽ tha cho người anh chị em phạm tội nghịch lại ông bao nhiêu lần, có phải là đến bảy lần chăng? Phi-e-rơ hiểu con số bảy theo nghĩa đen. Nếu con số bảy được hiểu theo nghĩa bóng, có nghĩa là sự trọn vẹn trong thuộc linh, thì tha thứ cho người khác đến bảy lần có nghĩa là hoàn toàn tha thứ một cách không giới hạn số lần.

Câu trả lời của Đức Chúa Jesus cũng không nên hiểu theo nghĩa đen là 490 lần. Nhưng nên hiểu theo nghĩa bóng, có nghĩa là tha thứ tuyệt đối, không giới hạn số lần. Bảy mươi là mười lần của bảy. Nghĩa bóng của số mười là sự trọn vẹn về số lượng. “Bảy mươi lần bảy” là một thành ngữ có từ xa xưa, hàm ý, tuyệt đối không giới hạn số lần. Trong Sáng Thế Ký 4:24 ghi lại lời của Lê-méc, con cháu đời thứ năm của Ca-in, về sự nếu Ca-in được báo thù bảy lần thì Lê-méc sẽ được báo thù bảy mươi lần bảy.

Sự con dân Chúa tha thứ một người đến “bảy mươi lần bảy” có nghĩa là lúc nào họ cũng sẵn lòng tha thứ. Sẵn lòng tha thứ có nghĩa là đã có ý tha thứ từ trước khi sự phạm tội xảy ra. Đó là điều Đức Chúa Trời đối với loài người, và những ai đã được tái sinh thì giống như Đức Chúa Trời về phương diện sẵn lòng tha thứ. Thực tế, khi chúng ta thật sự yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình thì chúng ta luôn sẵn lòng tha thứ cho họ. Tuy nhiên, sự tha thứ chỉ được ban cho khi người phạm tội biết ăn năn.

Khi xét về sự Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta về sự phạm tội của chúng ta thì rõ ràng là Ngài đã và vẫn tha thứ cho chúng ta hơn 490 lần. Sự tha thứ của Đức Chúa Trời là vô giới hạn, nếu chúng ta thật lòng ăn năn và xưng tội với Ngài. Ê-sai 1:16-18 nói về sự từ ái và thương xót vô giới hạn của Đức Chúa Trời đối với những ai thật lòng ăn năn tội.

Ma-thi-ơ 18:23-25

23 Bởi đó, Vương Quốc Trời giống như một người, một vua kia, muốn tính sổ với những đầy tớ của mình.

24 Khi người đã bắt đầu soát sổ, một người thiếu nợ mười ngàn ta-lâng đã được mang đến người.

25 Người ấy đã chẳng có gì để trả. Chủ của người ấy truyền cho người bị bán cùng vợ con của người và hết thảy những gì người có, để trả nợ.

Tiếp liền theo lời phán dạy các môn đồ về sự tha thứ vô giới hạn cho người phạm tội nghịch lại mình, Đức Chúa Jesus đã phán dạy họ ngụ ngôn về một người đầy tớ không có lòng thương xót đối với bạn cùng làm việc của mình. Ngụ ngôn ấy thuật lại câu chuyện một người là vua, xem xét sổ sách ghi chép các khoản nợ của những đầy tớ. Vua thấy có một người đầy tớ thiếu vua mười ngàn ta-lâng nên đã cho giải người ấy đến để hỏi về việc trả nợ. Tuy nhiên, người đầy tớ ấy đã không thể trả nợ. Vì thế, người ấy cùng với vợ con và bất cứ tài sản nào còn trong tay người ấy đều bị đem bán để trả nợ. Có nghĩa là chẳng những người đầy tớ ấy mất hết những gì đang có trong tay mà bản thân và vợ con còn bị bán làm nô lệ.

Một ta-lâng là một đơn vị đo khối lượng, xuất phát từ Ai-cập, chuyên dùng để đo lường các kim loại quý như: vàng, bạc, đồng. Cũng có khi ta-lâng được dùng để đo lường chì và sắt. Ta-lâng được nói đến trong ngụ ngôn có lẽ là ta-lâng bạc. Một ta-lâng bạc tương đương 75 cân Anh hoặc 34 kg. Vào thời của Đức Chúa Jesus, một ta-lâng bạc tương đương 6.000 đơ-ni-ê. Một đơ-ni-ê là công giá một ngày lao động bình thường. Vậy, một ta-lâng bạc tương đương tiền lương công nhật của 6.000 ngày, hoặc tiền lương công nhật của 20 năm, nếu mỗi năm làm việc 300 ngày. Mười ngàn ta-lâng bạc tương đương tiền lương công nhật của 200.000 năm. Điều đó hàm ý, số nợ quá lớn, không thể trả được.

Vào thời của Đức Chúa Jesus, giá bán một nô lệ nam là từ 500 đến 2.000 đơ-ni-ê, tùy theo thời điểm, tuổi tác, sức khỏe, năng khiếu; một nô lệ nữ là từ 300 đến 1.500 đơ-ni-ê; và một nô lệ trẻ con là từ 200 đến 500 đơ-ni-ê. Như vậy, cho dù người đầy tớ và vợ con bị bán làm nô lệ thì số tiền thu được để trả nợ cũng không là bao nhiêu, so với số nợ.

Ma-thi-ơ 18:26-27

26 Vậy, người đầy tớ sấp mình, nài xin người rằng: “Thưa chủ, xin hãy khoan nhẫn với tôi, thì tôi sẽ trả hết.” [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]

27 Người chủ của người đầy tớ ấy đã động lòng thương xót, thả người, và tha nợ cho người.

Khi nghe nói rằng, mình cùng với vợ con và tài sản của mình sẽ bị bán để trả nợ, người đầy tớ đã sấp mình xuống trước người chủ, nài xin sự khoan nhẫn của người chủ, xin chủ cho thêm người ấy thời gian để trả nợ. Đó chỉ là lời cầu xin trong cơn tuyệt vọng để tránh thảm họa cho bản thân và gia đình. Thực tế, khi một người đã không có gì để trả nợ thì khó mà có thể trả được một số nợ quá lớn như vậy. Tuy nhiên, người chủ đã động lòng thương xót, trả tự do cho người đầy tớ và tha nợ cho.

Vào đầu ngụ ngôn, Đức Chúa Jesus cho biết một người là vua xem xét sổ sách ghi chép các khoản nợ của những đầy tớ. Nhưng sau đó không còn nhắc đến địa vị vua mà chỉ dùng cách gọi “chủ” để nhấn mạnh đến mối quan hệ thực tế chủ và tớ của chủ nợ và người thiếu nợ. Chúng ta không biết vì lý do gì mà người đầy tớ đã thiếu một số tiền lớn như vậy. Có thể người đầy tớ đó phụ trách công việc kinh doanh cho nhà vua nhưng đã liên tiếp thất bại trong việc kinh doanh, dẫn đến sự mất đi số tiền vốn rất lớn.

Ta-lâng trong Thánh Kinh còn được ví như những sự Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài, và họ có bổn phận làm lợi cho Ngài. Những ta-lâng Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài bao gồm: thời gian, sức khỏe, sự khôn sáng, tài năng, địa vị, danh tiếng, và tiền bạc, của cải vật chất. Ngoài ra, con cháu cũng là ta-lâng Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài, và có lẽ chúng là ta-lâng quý nhất, được gọi là cơ nghiệp bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà ra, là phần thưởng từ Ngài (Thi Thiên 127:3).

Ma-thi-ơ 18:28-30

28 Nhưng người đầy tớ ấy đã đi ra, đã gặp một người trong những bạn cùng làm đầy tớ của mình, là kẻ thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì bắt giữ người, bóp cổ, nói: “Hãy trả nợ cho ta điều ngươi thiếu!”

29 Người bạn cùng làm đầy tớ của người đã sấp mình xuống nơi chân của người, nói: “Xin hãy khoan nhẫn với tôi, thì tôi sẽ trả hết cho anh.”

30 Nhưng người đã chẳng muốn, nên đã đi, ném người ấy vào tù, cho tới khi người ấy trả hết nợ.

Trong sự vui mừng lớn vì được chủ trả tự do và tha cho số nợ lớn, người đầy tớ đã ra về. Nhưng khi người ấy gặp một bạn cùng làm đầy tớ phục vụ vua như mình, là người thiếu mình chỉ có 100 đơ-ni-ê, thì lại hung hăng bóp cổ bạn, bắt bạn phải trả nợ cho mình. Người bạn cũng sấp mình xuống và cầu xin sự khoan nhẫn, như người ấy đã cầu xin với chủ. Nhưng người ấy đã không có lòng thương xót, đã bắt bạn của mình, ném vào tù, cho tới khi bạn trả hết nợ cho mình.

Lẽ ra, người ấy nên vui mừng, chia xẻ sự thương xót của chủ dành cho mình với bạn của mình. Lẽ ra, người ấy báo tin vui của mình cho bạn và tuyên bố tha nợ cho bạn, như mình đã được chủ tha nợ.

Ma-thi-ơ 18:31-33

31 Những bạn cùng làm đầy tớ của người đã thấy sự việc xảy ra, họ đã rất buồn lòng. Họ đã đến và thuật lại cho chủ của họ về mọi sự đã xảy ra.

32 Khi đó, chủ của người đã gọi người, bảo người: “Hỡi đầy tớ độc ác! Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta.

33 Chẳng phải ngươi cũng nên có lòng thương xót bạn cùng làm đầy tớ của ngươi, như ta đã thương xót ngươi sao?”

Những bạn cùng làm đầy tớ khác của người ấy nhìn thấy sự việc xảy ra như vậy đã rất buồn lòng, nên họ đã đến, gặp chủ và thuật lại mọi sự đã xảy ra. Chủ đã cho gọi người đầy tớ ấy đến, quở trách về sự người ấy đã không có lòng thương xót đối với bạn của mình, như chủ đã có lòng thương xót đối với người ấy.

Mỗi một người cần có lòng thương xót đối với người khác như Đức Chúa Trời đã thương xót mình. Cho dù trong đời này một người thiếu nợ chúng ta đến mức độ nào cũng không bằng chúng ta thiếu nợ Đức Chúa Trời, vì chúng ta đã không sống đúng theo Lời Chúa, không làm tôn vinh danh Chúa, như mục đích của sự Chúa dựng nên chúng ta và ban cho chúng ta những ta-lâng. Nếu chúng ta đã nhận sự tha thứ trọn vẹn của Đức Chúa Trời về sự chúng ta nghịch lại Ngài thì chúng ta cũng phải tha thứ trọn vẹn cho những người nghịch lại chúng ta. Để tha thứ cho chúng ta, Đức Chúa Trời đã hy sinh Con của Ngài là Đức Chúa Jesus Christ. Để tha thứ cho bất cứ ai nghịch lại chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh một số điều gì đó thuộc về chúng ta.

Ma-thi-ơ 18:34-35

34 Chủ của người đã nổi giận, đã trao người cho kẻ giữ ngục, cho tới khi người trả hết nợ.

35 Cha của Ta trên trời cũng sẽ làm như vậy với các ngươi, nếu từ trong lòng các ngươi không tha thứ mỗi anh chị em của mình những lỗi lầm của họ.”

Dĩ nhiên là người đầy tớ không có lòng thương xót đã không thể trả lời câu hỏi của chủ. Kết quả của sự không có lòng thương xót đã khiến cho người đầy tớ ấy bị bỏ tù cho đến hết đời. Vì không thể nào người ấy có thể trả hết số nợ cho chủ.

Đức Chúa Jesus kết luận rằng, Đức Chúa Trời cũng sẽ không tha thứ cho những ai không có lòng tha thứ cho mỗi anh chị em của mình. Sự tha thứ phải xuất phát từ trong lòng, nghĩa là bởi sự yêu thương, cảm thông, và thương xót. Đó cũng là tâm ý muốn làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình (Ma-thi-ơ 7:12).

Nhiều người ngoài miệng nói tha thứ nhưng trong lòng không có sự tha thứ, vẫn có sự giận ghét. Mà sự giận ghét anh chị em trong Chúa bị kể ngang bằng với tội giết người (I Giăng 3:15).

Người không được Đức Chúa Trời tha thứ là người phải chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/10/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.blueletterbible.org/lexicon/g1651/kjv/tr/0-1/

Karaoke Thánh Ca: “Xin Đến bên Con”
https://karaokethanhca.net/xin-den-ben-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.