YouTube: https://youtu.be/gIE4Rp-WiGs
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL101 Đức Chúa Jesus Chữa Lành
Người Có Chứng Thủy Thũng,
Ngụ Ngôn về Cách Chọn Chỗ Ngồi Trong Tiệc Cưới,
Ngụ Ngôn về Những Kẻ Từ Chối Đại Tiệc
Lu-ca 14:1-24
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Lu-ca 14:1-24
1 Đã xảy ra, Ngài đã đi vào trong nhà của một trong các người đứng đầu những người Pha-ri-si để dùng bữa ngày Sa-bát. Họ đã canh chừng Ngài.
2 Và kìa, ở trước mặt Ngài, có một người kia có chứng thủy thũng. [Thủy thũng = chứng thân thể bị sưng phù vì chứa nhiều nước.]
3 Đức Chúa Jesus đã cất tiếng phán với những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si rằng: “Có hợp pháp chữa bệnh trong ngày Sa-bát không?”
4 Họ đã im lặng. Ngài đã nắm lấy người bệnh, đã chữa lành người, rồi đã cho người đi.
5 Kế đó, Ngài đã phán với họ rằng: “Ai trong các ngươi, có con lừa hay con bò ngã xuống hố trong ngày Sa-bát mà không lập tức kéo nó lên?”
6 Họ đã không thể phản bác Ngài về các sự ấy.
7 Ngài đã kể một ngụ ngôn cho những kẻ được mời, phán với họ về cách họ đã lựa các chỗ ngồi thượng hạng:
8 “Khi ngươi được ai mời dự tiệc cưới, chớ ngồi xuống trong chỗ thượng hạng, kẻo có ai tôn trọng hơn ngươi đã được người mời.
9 Người đã mời ngươi và người ấy sẽ đến, nói với ngươi: “Hãy nhường chỗ cho người này!” Thì ngươi bắt đầu với sự xấu hổ, xuống chỗ thấp nhất.
10 Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi và ngồi trong chỗ thấp nhất để khi người đã mời ngươi đến, bảo ngươi: “Hỡi bạn, xin đi lên chỗ cao hơn!” Thì ngươi sẽ có sự kính trọng, trước những người chung bàn với ngươi.
11 Bởi vì ai tự nhấc mình lên, sẽ bị hạ xuống. Ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhấc lên.”
12 Ngài cũng đã phán với người đã mời Ngài: “Khi ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời những bằng hữu của ngươi, những anh chị em của ngươi, những người thân của ngươi, hoặc những láng giềng giàu, kẻo họ cũng mời lại ngươi mà đáp trả cho ngươi chăng.
13 Nhưng khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những người khó nghèo, tàn tật, què, mù…
14 Thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể đáp trả cho ngươi. Vì ngươi sẽ được đáp trả trong sự sống lại của những người công chính.”
15 Một người kia ngồi chung bàn với Ngài đã nghe các lời đó, thì đã thưa Ngài: “Phước cho người sẽ được ăn bánh trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời!”
16 Ngài đã bảo người: “Có người kia đã dọn tiệc lớn và mời nhiều người.
17 Tới giờ ăn, người đã sai đầy tớ của mình nói với những kẻ đã được mời rằng: “Hãy đến, vì mọi sự giờ đã sẵn rồi!”
18 Nhưng hết thảy họ đồng một lòng bắt đầu từ chối. Người thứ nhất đã bảo người: “Tôi có mua một miếng ruộng, tôi cần phải đi xem nó. Tôi xin ngươi cho tôi được miễn đến.”
19 Kẻ khác đã nói: “Tôi có mua năm cặp bò, tôi đi thử chúng. Tôi xin ngươi cho tôi được miễn đến.”
20 Kẻ khác đã nói: “Tôi mới cưới vợ. Vậy nên tôi không thể đến.”
21 Người đầy tớ đã trở về và trình các việc đó cho chủ của mình. Thì chủ nhà đã nổi giận, bảo đầy tớ của mình: “Hãy đi mau vào trong các đường và các lối đi của thành phố. Hãy đem những người khó nghèo, tàn tật, què, mù vào đây.”
22 Người đầy tớ đã thưa: “Thưa chủ, việc đã xong như ngài đã truyền, nhưng vẫn còn chỗ.”
23 Chủ đã bảo với đầy tớ: “Hãy đi vào các đường cái và dọc các hàng rào, ép mời người vào, cho nhà của ta được đầy.
24 Vì ta bảo các ngươi rằng, không ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của ta.””
Trong bài này, chúng ta sẽ học về sự Đức Chúa Jesus lại một lần nữa chữa bệnh trong ngày Sa-bát và Ngài đã chữa bệnh ngay trong nhà của một trong các người đứng đầu những người Pha-ri-si. Chúng ta cũng học cách chọn chỗ ngồi khi được mời dự tiệc; học về sự nên đãi ăn những người khó nghèo trong xã hội; và học về ngụ ngôn đại tiệc.
Lu-ca 14:1-2
1 Đã xảy ra, Ngài đã đi vào trong nhà của một trong các người đứng đầu những người Pha-ri-si để dùng bữa ngày Sa-bát. Họ đã canh chừng Ngài.
2 Và kìa, ở trước mặt Ngài, có một người kia có chứng thủy thũng. [Thủy thũng = chứng thân thể bị sưng phù vì chứa nhiều nước.]
Vào thời điểm sự việc xảy ra, Đức Chúa Jesus đã ra khỏi xứ Sa-ma-ri và đã vào đến xứ Giu-đê. Ngài đang trên đường hướng về Thành Giê-ri-cô. Có lẽ sau khi Ngài đã dừng chân, ghé lại giảng dạy trong nhà hội địa phương vào một ngày Sa-bát, thì một người đứng đầu những người Pha-ri-si tại đó đã mời Ngài về nhà của người ấy để dùng bữa.
Có lẽ đó là bữa ăn trưa Sa-bát, một bữa ăn quan trọng có nhiều khách mời. Bữa ăn này không chỉ là thời gian để ăn uống mà còn là dịp để giao tiếp xã hội, thảo luận về luật pháp và truyền thống, đồng thời thể hiện địa vị xã hội thông qua việc mời khách và sắp xếp chỗ ngồi. Trong văn hóa Do-thái, bữa ăn Sa-bát không chỉ đơn thuần là bữa ăn lớn về số lượng thức ăn, mà còn là bữa ăn quan trọng về mặt tâm linh và xã hội, được chuẩn bị và ăn với sự trang trọng đặc biệt.
Danh từ “người đứng đầu những người Pha-ri-si” có thể được dùng để gọi người cai nhà hội hoặc thành viên của Tòa Công Luận địa phương.
Có lẽ người đứng đầu những người Pha-ri-si đã mời Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài vào nhà dùng bữa trong ngày Sa-bát để được nghe Ngài giảng dạy và cũng để thử Ngài. Những người Pha-ri-si tại đó có ý muốn tìm hiểu xem, có phải những gì họ nghe đồn về Ngài là thật, như sự Ngài chữa bệnh và đuổi quỷ trong ngày Sa-bát.
“Họ canh chừng Ngài” có nghĩa là những người Pha-ri-si canh chừng Đức Chúa Jesus, xem Ngài sẽ làm gì, khi họ đặt một người có chứng thủy thũng trước mặt Ngài.
Chứng thủy thũng là tình trạng tích tụ dịch bất thường trong các mô cơ thể, gây sưng tấy. Dịch bao gồm nước và các chất hòa tan trong máu. Đây là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Triệu chứng điển hình là sưng phù da, thấy rõ ở chân, tay, mặt, hoặc bụng. Da căng bóng, ấn vào để lại vết lõm, đau, cứng khớp, khó vận động.
Lu-ca 14:3-4
3 Đức Chúa Jesus đã cất tiếng phán với những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si rằng: “Có hợp pháp chữa bệnh trong ngày Sa-bát không?”
4 Họ đã im lặng. Ngài đã nắm lấy người bệnh, đã chữa lành người, rồi đã cho người đi.
Trong bữa ăn do một người trong các người đứng đầu những người Pha-ri-si khoản đãi thì đương nhiên có nhiều người Pha-ri-si và thầy dạy luật tham dự. Thầy dạy luật là người phụ trách dạy Thánh Kinh trong các nhà hội của Do-thái Giáo. Họ đều là những người “canh chừng” phản ứng của Đức Chúa Jesus trước người có chứng thủy thũng.
Họ đều tin rằng, Đức Chúa Jesus có năng lực làm phép lạ, chữa bệnh, đuổi quỷ. Nhưng họ muốn biết chắc có phải Đức Chúa Jesus chữa bệnh trong ngày Sa-bát, như tiếng đồn mà họ đã nghe. Theo Do-thái Giáo thì trong ngày Sa-bát không được chữa bệnh, trừ khi có nguy hiểm đến mạng sống. Tuy nhiên, không một chỗ nào trong Thánh Kinh Cựu Ước cấm sự chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Chính vì thế mà họ đã không thể đáp trả câu hỏi của Đức Chúa Jesus: “Có hợp pháp chữa bệnh trong ngày Sa-bát không?”
“Hợp pháp” là đúng với luật pháp của Đức Chúa Trời như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Vì không có chỗ nào trong Thánh Kinh cấm chữa bệnh trong ngày Sa-bát nên đương nhiên sự chữa bệnh trong ngày Sa-bát không nghịch lại luật pháp của Đức Chúa Trời. Câu hỏi của Đức Chúa Jesus đã khiến cho những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật phải im lặng, khi Ngài chữa lành cho người có chứng thủy thũng. Nếu họ muốn phản đối việc chữa bệnh trong ngày Sa-bát thì họ phải trưng dẫn lệnh cấm trong Thánh Kinh.
Lu-ca 14:5-6
5 Kế đó, Ngài đã phán với họ rằng: “Ai trong các ngươi, có con lừa hay con bò ngã xuống hố trong ngày Sa-bát mà không lập tức kéo nó lên?”
6 Họ đã không thể phản bác Ngài về các sự ấy.
Sau khi chữa lành người có chứng thủy thũng và cho người ấy ra về, Đức Chúa Jesus đã tiếp tục nêu lên trường hợp những người theo Do-thái Giáo sẽ vội vàng kéo lừa hay bò của họ ra khỏi hố, nếu chúng ngã xuống hố trong ngày Sa-bát. Nếu trong ngày Sa-bát gia súc được cứu giúp mà loài người không được chữa lành bệnh thì đó là một điều luật vô lý, đặt giá trị của loài gia súc trên loài người.
Một lần nữa, những người Pha-ri-si và những thầy dạy luật đã không thể phản biện lời phán của Đức Chúa Jesus. Họ đã không thể bênh vực cho luật lệ bất hợp lý, do tôn giáo của họ đặt ra.
Điều lạ lùng là những người theo Do-thái Giáo không quan tâm đến sự Đức Chúa Jesus giảng dạy, chữa bệnh, đuổi quỷ để thể hiện Ngài là Đấng Christ. Nhưng họ chỉ quan tâm đến việc Ngài không vâng giữ các luật lệ vô lý và giả hình, do loài người đặt ra. Sự tin và thờ phượng Đức Chúa Trời của họ chỉ là thực hành các nghi thức tôn giáo, theo thói quen và theo các luật lệ của loài người.
Lu-ca 14:7-9
7 Ngài đã kể một ngụ ngôn cho những kẻ được mời, phán với họ về cách họ đã lựa các chỗ ngồi thượng hạng:
8 “Khi ngươi được ai mời dự tiệc cưới, chớ ngồi xuống trong chỗ thượng hạng, kẻo có ai tôn trọng hơn ngươi đã được người mời.
9 Người đã mời ngươi và người ấy sẽ đến, nói với ngươi: “Hãy nhường chỗ cho người này!” Thì ngươi bắt đầu với sự xấu hổ, xuống chỗ thấp nhất.
Vì là đang trong một bữa tiệc nên Đức Chúa Jesus có cơ hội nhìn thấy những người được mời tự lựa chỗ thượng hạng để ngồi. Ngài đã giảng dạy cho họ một ngụ ngôn về phép lịch sự, lòng tự trọng, và tính khiêm nhường của một người được mời dự tiệc.
Theo phong tục của các dân Trung Đông vào thời của Đức Chúa Jesus, trong tiệc cưới và các bữa tiệc trang trọng, chỗ ngồi được sắp xếp theo thứ bậc và địa vị xã hội. “Chỗ ngồi thượng hạng” thường là vị trí gần chủ nhà hoặc người có danh tiếng nhất; và thường là ở trung tâm bàn tiệc hoặc đầu bàn.
Những người có danh tiếng bao gồm những thầy dạy luật, những người giàu có, hoặc các nhân vật quan trọng khác trong xã hội; có thể là quan chức trong chính quyền địa phương.
Việc tự chọn chỗ ngồi danh dự mà không được chủ nhà chỉ định có thể dẫn đến sự xấu hổ nếu người đó bị yêu cầu nhường chỗ cho một người khác quan trọng hơn. Việc một người tự chọn chỗ ngồi danh dự cũng thể hiện tính kiêu ngạo, háo danh, và thô lỗ của người ấy.
Chúng ta cần nhớ rằng, trong bữa tiệc có nhiều thầy dạy luật. Có lẽ họ đã tranh nhau ngồi vào các chỗ danh dự. Đức Chúa Jesus đã lên tiếng dạy dỗ họ như một vị thầy dạy dỗ những học trò không ngoan, thiếu hiểu biết, nhưng đầy lòng tranh cạnh, háo thắng.
Lu-ca 14:10-11
10 Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi và ngồi trong chỗ thấp nhất để khi người đã mời ngươi đến, bảo ngươi: “Hỡi bạn, xin đi lên chỗ cao hơn!” Thì ngươi sẽ có sự kính trọng trước những người chung bàn với ngươi.
11 Bởi vì ai tự nhấc mình lên, sẽ bị hạ xuống. Ai tự hạ mình xuống, sẽ được nhấc lên.”
Hành động tự mình chọn chỗ ngồi thấp nhất khi được mời dự tiệc vừa thể hiện sự khiêm nhường, hạ mình, vừa thể hiện sự khôn sáng của một người biết tự trọng và biết xem người khác là tôn trọng hơn chính mình (Phi-líp 2:3). Hành động đó phải là thật lòng, không là sự giả vờ khiêm nhường để được chủ nhà nâng cao mình lên, khi mời mình ngồi vào chỗ danh dự.
Con dân Chúa phải luôn thật lòng hạ mình, khiêm nhường, xem người khác là tôn trọng hơn mình. Nếu được người khác tôn cao mình cách phải lẽ thì con dân Chúa cũng tiếp nhận cách khiêm nhường, bằng lời cảm tạ Chúa và cám ơn người tôn trọng mình. Được tôn cao cách phải lẽ là được tôn trọng đúng với địa vị, chức vụ, thẩm quyền, hoặc năng lực.
Mỗi con dân Chúa cần học thuộc lòng Lu-ca 14:11 và thực hành.
Tự nhấc mình lên thể hiện qua sự:
- khoe khoang về khả năng, thành tích hoặc địa vị của mình;
- tìm kiếm sự công nhận và ca ngợi từ người khác;
- đặt mình vào vị trí cao hơn những người chung quanh;
- cho rằng mình xứng đáng với đặc quyền và sự tôn trọng nhiều hơn người khác;
- tranh giành danh vọng và địa vị;
- luôn muốn nổi bật và được chú ý.
Tự hạ mình xuống thể hiện qua sự:
- nhận biết đúng đắn về giá trị và giới hạn của bản thân;
- sẵn lòng phục vụ người khác mà không đòi hỏi được công nhận;
- đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của bản thân;
- không khoe khoang về thành tích hay khả năng;
- nhìn nhận những điểm mạnh của người khác;
- sẵn sàng học hỏi từ mọi người.
Tự hạ mình xuống không phải là sự giả hình. Sự khiêm nhường thật xuất phát từ tấm lòng chân thành; không mong đợi sự đền đáp hay khen ngợi; nhận biết đúng về mình trước Chúa và người khác; thể hiện qua hành động phục vụ có tình yêu thương. Trong khi đó, sự giả hình chỉ là hành vi bên ngoài nhằm tạo ấn tượng tốt, không thật lòng; mục đích là để người khác nghĩ mình khiêm nhường và ca ngợi mình; có sự tính toán để cuối cùng được tôn cao.
Lu-ca 14:12-14
12 Ngài cũng đã phán với người đã mời Ngài: “Khi ngươi đãi bữa trưa hoặc bữa tối, đừng mời những bằng hữu của ngươi, những anh chị em của ngươi, những người thân của ngươi, hoặc những láng giềng giàu, kẻo họ cũng mời lại ngươi mà đáp trả cho ngươi chăng.
13 Nhưng khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những người khó nghèo, tàn tật, què, mù…
14 Thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể đáp trả cho ngươi. Vì ngươi sẽ được đáp trả trong sự sống lại của những người công chính.”
Đức Chúa Jesus cũng không quên có lời giảng dạy dành cho chủ nhà. Ngài khuyên ông nên đãi ăn những người có hoàn cảnh khó khăn, thấp kém trong xã hội.
Trong khi sự đãi ăn giữa những người giàu có, quyền thế chỉ là sự giao tiếp qua lại với nhau, không ai thiếu ai thì sự người có khả năng tài chính đãi ăn những người khó nghèo sẽ khiến cho những người được đãi ăn không có phương tiện đáp trả. Dù vậy, chính Đức Chúa Trời sẽ ban phước trong đời này và đáp trả trong đời sau cho những ai có lòng đãi ăn những người khó nghèo. Sự ban phước của Đức Chúa Trời trong đời này là sự bình an và thịnh vượng. Sự đáp trả của Đức Chúa Trời trong đời sau chính là sự ban thưởng cho những việc lành được làm ra trong đời này.
Câu phán “Vì ngươi sẽ được đáp trả trong sự sống lại của những người công chính” hàm ý, nếu người chủ nhà là người có nếp sống đẹp lòng Đức Chúa Trời thì người ấy là người công chính và sẽ được ban thưởng cho sự làm lành trong đời sau. Nếp sống đẹp lòng Đức Chúa Trời là vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và yêu người khác như chính mình.
“Sự sống lại của những người công chính” còn gọi là sự sống lại lần thứ nhất, sẽ xảy ra trong ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là ngày Đấng Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước Kỳ Tận Thế. Giai đoạn thứ nhì là vào giữa Kỳ Tận Thế, khi hai chứng nhân của Đức Chúa Trời được sống lại, trên đường phố của Giê-ru-sa-lem. Giai đoạn thứ ba là sau khi Đấng Christ tái lâm trên đất, vào cuối Kỳ Tận Thế, gọi những thánh đồ đã chết trong Kỳ Tận Thế và những thánh đồ đã chết trước thời kỳ Hội Thánh sống lại.
Lu-ca 14:15-17
15 Một người kia ngồi chung bàn với Ngài đã nghe các lời đó, thì đã thưa Ngài: “Phước cho người sẽ được ăn bánh trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời!”
16 Ngài đã bảo người: “Có người kia đã dọn tiệc lớn và mời nhiều người.
17 Tới giờ ăn, người đã sai đầy tớ của mình nói với những kẻ đã được mời rằng: “Hãy đến, vì mọi sự giờ đã sẵn rồi!”
Câu nói của một người khách ngồi chung bàn với Đức Chúa Jesus thể hiện đức tin của ông về Vương Quốc Trời; thể hiện sự ông tin nhận giáo lý về sự sống lại của những người công chính; và thể hiện sự ông hiểu được ý nghĩa thuộc linh trong lời phán của Chúa.
Đức Chúa Jesus đã nhân cơ hội đáp lời ông, dạy tiếp một ngụ ngôn khác, nói về sự có những kẻ từ chối dự một đại tiệc, nhưng ngụ ý về sự có những kẻ từ chối vào trong Vương Quốc Trời. Ngụ ngôn này là phiên bản nhẹ nhàng hơn ngụ ngôn về những kẻ từ chối dự một tiệc cưới cũng do Đức Chúa Jesus kể, được Ma-thi-ơ ghi lại trong Ma-thi-ơ 22:1-14.
Bữa tiệc lớn tiêu biểu cho Tin Lành Cứu Rỗi. Người dọn tiệc tiêu biểu cho Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi cho một số người đã được Ngài chọn trước, điển hình là dân I-sơ-ra-ên. Người đầy tớ tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ, Đấng rao giảng Tin Lành và hoàn thành sự cứu rỗi.
Khi thời điểm tới, Đức Chúa Jesus Christ đã rao giảng Tin Lành cho dân I-sơ-ra-ên là dân được chọn của Đức Chúa Trời, nhưng nhiều người trong họ không tiếp nhận sự mời gọi của Đấng Christ.
Lu-ca 14:18-20
18 Nhưng hết thảy họ đồng một lòng bắt đầu từ chối. Người thứ nhất đã bảo người: “Tôi có mua một miếng ruộng, tôi cần phải đi xem nó. Tôi xin ngươi cho tôi được miễn đến.”
19 Kẻ khác đã nói: “Tôi có mua năm cặp bò, tôi đi thử chúng. Tôi xin ngươi cho tôi được miễn đến.”
20 Kẻ khác đã nói: “Tôi mới cưới vợ. Vậy nên tôi không thể đến.”
Mệnh đề “Nhưng hết thảy họ đồng một lòng bắt đầu từ chối”, nhấn mạnh đến sự dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ một cách tập thể. Cho tới khi Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, chỉ có khoảng 120 môn đồ trung tín theo Ngài.
Người thứ nhất đưa ra lý do bận rộn việc thu thập và sở hữu tài sản để từ chối dự tiệc. Người này tiêu biểu cho những người đưa ra lý do bận rộn làm giàu để không tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Người thứ nhì đưa ra lý do bận rộn làm việc với tài sản để từ chối dự tiệc. Người này tiêu biểu cho những người đưa ra lý do bận rộn kiếm sống để không tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Người thứ ba đưa ra lý do bận rộn vui thú nếp sống gia đình, vì mới cưới vợ để từ chối dự tiệc. Người này tiêu biểu cho những người đưa ra lý do bận rộn với các thú vui trong đời sống để không tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Cả ba loại người từ chối tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều đặt sai ưu tiên trong đời sống. Người thì ưu tiên làm giàu, người thì ưu tiên kiếm sống, người thì ưu tiên hưởng thụ các thú vui. Sự ưu tiên trong đời sống của một người phải là sự tìm kiếm “Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33).
Lu-ca 14:21-22
21 Người đầy tớ đã trở về và trình các việc đó cho chủ của mình. Thì chủ nhà đã nổi giận, bảo đầy tớ của mình: “Hãy đi mau vào trong các đường và các lối đi của thành phố. Hãy đem những người khó nghèo, tàn tật, què, mù vào đây.”
22 Người đầy tớ đã thưa: “Thưa chủ, việc đã xong như ngài đã truyền, nhưng vẫn còn chỗ.”
“Những người khó nghèo, tàn tật, què, mù” tiêu biểu cho tình trạng thuộc linh của những người thuộc các dân tộc khác, không phải dân I-sơ-ra-ên. Họ khó nghèo thuộc linh vì họ không được Đức Chúa Trời ban phước cho họ như dân I-sơ-ra-ên. Họ tàn tật thuộc linh vì họ không được Đức Chúa Trời quan phòng như dân I-sơ-ra-ên. Họ què thuộc linh vì họ không có sự soi dẫn của Lời Chúa cho từng bước đi trong đời sống. Họ mù thuộc linh vì họ không được nhìn thấy Thiên Chúa và sự vinh quang của Ngài trong tâm thần và trong đời sống của họ.
Vô số người trong các dân không phải là dân I-sơ-ra-ên sẽ tiếp nhận Tin Lành. Trong Hội Thánh của Chúa, dân I-sơ-ra-ên sẽ chỉ là số ít. Ngay cả trong Kỳ Tận Thế, số người tin nhận Tin Lành thuộc các dân tộc khác cũng sẽ nhiều hơn là dân I-sơ-ra-ên.
Ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người là bao la, không bờ bến. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì lập tức người ấy nhận được ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vương Quốc Trời luôn có dư chỗ cho toàn thể loài người.
Lu-ca 14:23-24
23 Chủ đã bảo với đầy tớ: “Hãy đi vào các đường cái và dọc các hàng rào, ép mời người vào, cho nhà của ta được đầy.
24 Vì ta bảo các ngươi rằng, không ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của ta.”
“Hãy đi vào các đường cái và dọc các hàng rào” có nghĩa là hãy đi đến tận những nơi xa xôi và hẻo lánh. “Các đường cái” nối liền các làng mạc, thành phố với nhau, có những người du hành trên chúng. “Các hàng rào” là các ranh giới giữa các phần đất, thường có người làm việc gần bên.
Câu phán “Hãy đi vào các đường cái và dọc các hàng rào, ép mời người vào, cho nhà của ta được đầy” có nghĩa là hãy đi xa và đi rộng, nỗ lực rao giảng Tin Lành để bất cứ ai cũng được nghe Tin Lành. Hãy tha thiết mời gọi mọi người tin nhận Tin Lành, không bỏ sót một ai. Hãy làm cho Vương Quốc Trời được đầy dẫy những người được cứu.
Có nhiều người mặc cảm về tình trạng thuộc linh của họ, tự nghĩ rằng, họ không xứng đáng để hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Những người như vậy cần được khích lệ, giảng giải rõ ràng về ơn cứu rỗi và sự thương xót của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Động từ “ép mời” (G315) có ý nghĩa dùng sức mạnh để ép buộc hoặc dùng lời nói để thúc giục. Theo văn mạch thì ý nghĩa dùng lời nói để thúc giục được dùng trong câu phán của Đức Chúa Jesus. Vì nếu là dùng sức mạnh để ép buộc thì ba người đầu tiên trong ngụ ngôn đã không thể từ chối dự tiệc.
“Những kẻ đã được mời” mà viện cớ từ chối dự tiệc tiêu biểu cho những người đã được nghe rao giảng Tin Lành mà vẫn không chịu tin nhận Tin Lành. Những lý do được họ đưa ra để từ chối tin nhận Tin Lành có thể được tóm gọn thành ba loại:
- Vì bận rộn làm giàu.
- Vì bận rộn kiếm sống.
- Vì bận rộn với những thú vui và bổn phận trong cuộc sống.
Loại thứ ba bao gồm những người là con trưởng nam trong gia tộc, phải giữ gìn truyền thống và bổn phận tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ trong gia tộc; những người là vợ phải theo tôn giáo và tín ngưỡng của chồng; cùng những người bận rộn với quan điểm và triết lý sống đa thần hay vô thần của họ.
Người không được nếm bữa tiệc có nghĩa là người không được ban cho quyền dự phần sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời. Điều đó có nghĩa là người ấy sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/03/2025
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Xin Cứ Luôn Dựa Nương nơi Chính Ngài”:
https://karaokethanhca.net/doi-con-xin-cu-luon-dua-nuong-noi-chinh-ngai/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc đó là chú thích của người dịch.