YouTube: https://youtu.be/wEopnrEOwyA
Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL105 Câu Chuyện về Một Người Giàu
và Người Ăn Xin Tên La-xa-rơ
Lu-ca 16:19-31
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Lu-ca 16:19-31
19 Có một người giàu kia, đã mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, sống sung sướng mỗi ngày.
20 Lại có một người ăn xin kia, tên là La-xa-rơ, người đã được đặt nằm ngoài cửa của người giàu đó, bị lở loét.
21 Người ước ao được ăn những mẩu vụn từ trên bàn của người giàu rớt xuống. Cũng có những con chó đến, liếm những vết lở loét của người.
22 Đã xảy ra, người ăn xin chết, được đem vào trong lòng của Áp-ra-ham, bởi các thiên sứ. Người giàu cũng đã chết, được chôn cất. {“ở trong lòng…” là một thành ngữ, có nghĩa: rất gần gũi, thân mật với…}
23 Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người giàu ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông.
24 Người đã kêu lên và nói: “Hỡi tổ phụ Áp-ra-ham! Xin thương xót tôi, sai La-xa-rơ để người nhúng ngón tay của người vào nước mà làm cho mát lưỡi của tôi, vì tôi bị khổ trong lửa này.”
25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: “Con ơi, ngươi hãy nhớ lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải chịu những sự dữ. Bây giờ, nó được an ủi, còn ngươi bị khổ hình.
26 Ngoài các sự ấy, có một vực sâu lớn đã được thiết lập giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó, đến với ngươi, sẽ không được, cũng không ai từ đó có thể qua đây, đến với chúng ta.”
27 Người giàu đã thưa: “Vậy, tổ phụ, tôi xin ngài rằng, hãy sai người đến nhà của cha tôi.
28 Vì tôi có năm anh em ruột, để người làm chứng cho họ, kẻo họ cũng đến trong nơi đau đớn này.”
29 Áp-ra-ham bảo người: “Chúng nó có Môi-se và các đấng tiên tri. Hãy để chúng nó nghe họ.”
30 Người giàu đã thưa: “Không, tổ phụ Áp-ra-ham! Nhưng nếu có ai từ những kẻ chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn.”
31 Nhưng ông đã bảo người: “Nếu chúng nó không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì chúng nó cũng sẽ chẳng chịu thuyết phục, cho dù bởi một người sống lại từ những kẻ chết.”
Trước hết, chúng ta cần nhận biết rằng, câu chuyện về một người giàu và người ăn xin tên La-xa-rơ không phải là ngụ ngôn, mà là một câu chuyện có thật. Bởi vì trong 40 ngụ ngôn do Đức Chúa Jesus kể, trong khi Ngài giảng dạy, không một ngụ ngôn nào Ngài nói đến tên của các nhân vật. Lý do các nhân vật trong các ngụ ngôn không có tên là vì chúng không phải là các câu chuyện có thật. Và trong câu chuyện này Đức Chúa Jesus không hề dùng các sự việc thuộc thể để giảng dạy các lẽ thật thuộc linh, như trong các ngụ ngôn. Trong câu chuyện, Đức Chúa Jesus trực tiếp đề cập đến các lẽ thật thuộc linh liên quan đến âm phủ.
Một số nhà giải kinh nghĩ rằng, Đức Chúa Jesus đã dùng một câu chuyện có thật mà dân chúng thời bấy giờ đều biết để giảng dạy một số lẽ thật quan trọng. Đó là câu chuyện người ăn xin tên La-xa-rơ nằm trước cửa nhà một người giàu, sau đó, cả hai cùng qua đời. Dĩ nhiên, dân chúng biết những gì liên quan người giàu và La-xa-rơ, khi họ còn sống. Nhưng dân chúng không thể biết những gì xảy ra cho cả hai trong âm phủ.
Chúng ta cần tin rằng, tất cả các chi tiết về thuộc linh và Thần học trong câu chuyện đều là thật. Đó là sự thực hữu của âm phủ; sự người không thuộc về Chúa chịu khổ trong âm phủ; sự người thuộc về Chúa được an vui sau khi chết; sự sau khi chết, linh hồn vẫn có nhận thức, cảm giác, và cảm xúc…
Câu chuyện về người giàu và La-xa-rơ trong âm phủ được Đức Chúa Jesus kể, sau khi Ngài đã dùng ngụ ngôn về người quản gia bất chính để dạy các môn đồ về sự phải khôn sáng trong sự quản lý tiền bạc, của cải vật chất trong đời này. Câu chuyện được kể để các môn đồ của Chúa biết rõ hậu quả của sự bất chính trong khi quản lý tiền bạc, của cải vật chất được Đức Chúa Trời giao vào trong tay của mỗi người. Nhất là khi sống mà không có lòng thương xót, không yêu người khác như chính mình.
Lu-ca 16:19-21
19 Có một người giàu kia, đã mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, sống sung sướng mỗi ngày.
20 Lại có một người ăn xin kia, tên là La-xa-rơ, người đã được đặt nằm ngoài cửa của người giàu đó, bị lở loét.
21 Người ước ao được ăn những mẩu vụn từ trên bàn của người giàu rớt xuống. Cũng có những chó đến, liếm những vết lở loét của người.
“Người giàu” là người có dư dật tiền bạc, của cải vật chất. Mệnh đề “mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn” hàm ý, ở trong sự xa hoa, sang trọng. Mệnh đề “sống sung sướng mỗi ngày” hàm ý, một cuộc sống mà mỗi ngày đều được thỏa mãn mọi nhu cầu và ý muốn.
“Người ăn xin” là người bần cùng nhất trong xã hội. Tên “La-xa-rơ” có nghĩa là “người được Thiên Chúa giúp”. La-xa-rơ này chắc chắn là khác với La-xa-rơ tại Bê-tha-ni, anh của Ma-thê và Ma-ri, người có gia cảnh khá giả và được Chúa gọi sống lại sau khi chết. Mệnh đề “đã được đặt nằm ngoài cửa của người giàu” hàm ý, có ai đó đã giúp đặt người ăn xin La-xa-rơ nằm ngoài cửa nhà của người giàu để xin ăn. Có lẽ người ấy mong rằng, La-xa-rơ sẽ được sự bố thí từ những người giàu có tới lui với chủ nhà hoặc ít ra cũng sẽ được hưởng những thức ăn thừa từ chủ nhà. Mệnh đề “bị lở loét” hàm ý, ngoài sự thiếu nghèo về vật chất, La-xa-rơ còn không có sức khỏe tốt, thân thể có nhiều vết lở loét do thiếu vệ sinh và dưỡng chất. Đó là điều thường đi chung với sự thiếu nghèo. Tình trạng của La-xa-rơ cho thấy, có lẽ ông đang ở trong những ngày cuối đời, không còn có thể tự mình di chuyển.
Câu “Người ước ao được ăn những mẩu vụn từ trên bàn của người giàu rớt xuống”, cho thấy, La-xa-rơ thậm chí không mong ước được ăn thức ăn thừa của người giàu mà chỉ mong được ăn những mẩu thức ăn vụn rơi xuống sàn nhà, từ bàn ăn của người giàu. Điều đó dường như hàm ý, người giàu không có sự quan tâm, cứu giúp La-xa-rơ. Mệnh đề “những con chó đến, liếm những vết lở loét của người” hàm ý, có những con chó khác nhau thường đến, liếm những vết lở loét trên thân thể của La-xa-rơ. Đây có lẽ là những con chó hoang, vô chủ. Trong khi La-xa-rơ bị xã hội loài người xem thường, bỏ rơi thì những con chó hoang lại đến, làm bạn và liếm các vết lở loét cho ông. Theo y học cổ đại, nước bọt của chó có thể giúp làm sạch vết thương, loại bỏ các mô chết và các vật lạ bám vào vết thương. Dù vậy, theo y học hiện đại, nước bọt của chó cũng có thể gây nhiễm trùng vết thương. Xét về phương diện tâm lý thì có lẽ La-xa-rơ phần nào được an ủi, khi có những con chó đến làm bạn và liếm các vết lở loét trên thân thể của ông.
Lu-ca 16:22
22 Đã xảy ra, người ăn xin chết, được đem vào trong lòng của Áp-ra-ham, bởi các thiên sứ. Người giàu cũng đã chết, được chôn cất. {“ở trong lòng…” là một thành ngữ, có nghĩa: rất gần gũi, thân mật với…}
Mệnh đề: “người ăn xin chết, được đem vào trong lòng của Áp-ra-ham, bởi các thiên sứ” hàm chứa các lẽ thật sau đây:
1. Linh hồn của một người chính là bản ngã đích thực của người ấy. Linh hồn vẫn tồn tại ngoài thân thể xác thịt, sau khi sự chết của thân thể xác thịt xảy ra.
2. Áp-ra-ham đã chết từ nhiều ngàn năm nhưng ông vẫn thực hữu.
3. Linh hồn của những người I-sơ-ra-ên thuộc về Chúa sẽ được hội họp với Áp-ra-ham, tổ phụ của họ.
4. Các thiên sứ có nhiệm vụ đem linh hồn của những người I-sơ-ra-ên thuộc về Chúa đến hội họp với Áp-ra-ham.
5. Người I-sơ-ra-ên thời Đức Chúa Jesus có thói quen nằm tựa bên bàn ăn. Người mà chủ nhà yêu quý nhất được nằm tựa vào lòng của chủ nhà. Hoặc người môn đồ được thầy yêu quý nhất được nằm tựa vào lòng của thầy, như trường hợp Sứ Đồ Giăng nằm tựa vào Đức Chúa Jesus trong bữa ăn Lễ Vượt Qua (Giăng 13:23). Cách nói “đem vào trong lòng của Áp-ra-ham” hàm ý, được Áp-ra-ham tiếp đón cách thân mật.
Theo Thánh Kinh, một người là một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và cùng tâm thần ở trong một thân thể vật chất là xác thịt. Khi sự chết vật chất xảy ra thì tâm thần về cùng Đức Chúa Trời, thân thể xác thịt trở về với bụi đất (Truyền Đạo 12:7), linh hồn thì vào trong âm phủ. Âm phủ là cõi thuộc linh, nơi tạm giam linh hồn của những người chết, chờ ngày được gọi sống lại để chịu sự phán xét. Đó là sự phán xét đã được tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15. Kính mời quý ông bà, anh chị em đọc và nghe loạt bài giảng về loài người đã được chúng tôi đăng trên timhieutinlanh.com [1].
Trước khi Đức Chúa Jesus phục sinh thì linh hồn của những người có đức tin nơi Đức Chúa Trời cũng vào trong âm phủ, sau khi thân thể xác thịt chết. Họ ở cùng phía với Áp-ra-ham, đối lập với nơi người giàu ở. Đức Chúa Jesus gọi đó là Ba-ra-đi, có nghĩa là Vườn Vui Thỏa (Lu-ca 23:43). Những linh hồn ở trong Ba-ra-đi chờ ngày Đức Chúa Jesus phục sinh, đem họ vào trong thiên đàng.
Từ sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh, linh hồn con dân Chúa sau khi qua đời được vào thẳng thiên đàng, ở bên cạnh Đức Chúa Jesus. Linh hồn của những con dân Chúa tử Đạo trong Kỳ Tận Thế sẽ được ở dưới bàn thờ trong thiên đàng (Khải Huyền 6:9).
Khi Chấp Sự Ê-tiên bị dân Do-thái ném đá sắp chết, ông đã nhìn thấy các tầng trời mở ra, và thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời như sẵn sàng tiếp đón ông vào thiên đàng (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:56). Sứ Đồ Phao-lô nói rõ, chết là được đi ở với Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:8; Phi-líp 1:23).
Có lẽ không bao lâu, sau khi La-xa-rơ chết, thì người giàu cũng chết, thân xác được chôn cất. Nhóm chữ “được chôn cất” hàm ý, được chôn cất theo nghi thức cách linh đình và sang trọng, tương xứng với sự giàu có của ông. Nói cách khác, thân thể xác thịt của người giàu dù sống hay chết cũng đều được hưởng những gì mà tiền bạc và của cải vật chất có thể đem lại.
Lu-ca 16:23
23 Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người giàu ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông.
Để có thể hình tưởng ra vị trí của người giàu trong âm phủ, khi ông ngước mắt lên, nhìn thấy Áp-ra-ham và La-xa-rơ, xin quý ông bà, anh chị em hãy đọc bài “Mười Điều Suy Ngẫm về Sự Phán Xét Chung Cuộc” mà chúng tôi đã đăng trên timhieutinlanh.com [2]. Trong bài đó, chúng tôi đã trình bày và minh họa bằng hình ảnh về âm phủ cùng các chi tiết liên quan âm phủ.
Trong âm phủ, người giàu đã ở trong sự đau đớn vì sức nóng từ hồ lửa trong âm phủ. Mặc dù chưa bị phán xét về mỗi việc làm tội lỗi, chưa bị ném vào hồ lửa nhưng người giàu đã ở trong sự đau đớn do sức nóng từ hồ lửa, vì đã ở trong sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Đó là sự hình phạt theo sau đời sống tội lỗi, trước sự hình phạt cuối cùng trong ngày phán xét chung cuộc.
“Vì Đức Chúa Trời đã sai Con của Ngài vào trong thế gian, chẳng phải để định tội thế gian, nhưng để thế gian được cứu nhờ Ngài. Ai tin nơi Ngài thì chẳng bị định tội nhưng ai không tin thì đã bị định tội rồi, vì đã không tin nơi danh Con Một của Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:17-18).
“Ai tin nơi Đức Con thì được sự sống vĩnh cửu, còn ai không tin Đức Con thì sẽ chẳng thấy sự sống, nhưng cơn giận của Đức Chúa Trời ở lại trên người ấy.” (Giăng 3:36).
Cơn giận của Đức Chúa Trời chính là hình phạt của Ngài dành cho những ai chống nghịch Ngài, vi phạm các điều răn của Ngài. Hình phạt ấy bắt đầu với sự chết của thân thể xác thịt trong đời này, tiếp tục với sự đau khổ trong âm phủ sau khi qua đời, và trọn vẹn sau khi tội nhân bị ném vào hồ lửa, vào cuối sự phán xét chung cuộc.
Sự đau khổ của người giàu trong âm phủ và sự ông nhận biết Áp-ra-ham cùng La-xa-rơ cho thấy, linh hồn vẫn nhận thức, vẫn cảm giác, và vẫn cảm xúc, sau khi ra khỏi thân thể xác thịt. Sự nhận thức, cảm giác, và cảm xúc của chúng ta trong giấc mơ giúp cho chúng ta phần nào hiểu được sự nhận thức, cảm giác, và cảm xúc của linh hồn, trong cõi thuộc linh.
Lu-ca 16:24
24 Người đã kêu lên và nói: “Hỡi tổ phụ Áp-ra-ham! Xin thương xót tôi, sai La-xa-rơ để người nhúng ngón tay của người vào nước mà làm cho mát lưỡi của tôi; vì tôi bị khổ trong lửa này.”
Sự kiện người giàu nhận ra Áp-ra-ham là một huyền nhiệm, tương tự như sự ba sứ đồ của Chúa nhận ra Môi-se và Ê-li khi hai ông hiện ra trên Núi Hóa Hình. Chúng ta có thể hiểu rằng, trong cõi thuộc linh, mỗi một người đều sẽ nhận biết nhau mà không cần ai giới thiệu. Sự nhận biết đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời.
Người giàu cũng nhận biết La-xa-rơ nhưng Thánh Kinh không cho thấy ông thể hiện sự hối tiếc, vì đã không có lòng thương xót, cứu giúp La-xa-rơ, khi cả hai còn sống trong thân thể xác thịt.
Sự khát vì hơi nóng của lửa trong hồ lửa khiến cho người giàu kêu xin Áp-ra-ham sai La-xa-rơ nhúng tay vào nước, hứng nước đem cho ông uống. Chi tiết này gợi ra các lẽ thật Thần học như sau:
1. Linh hồn nhận thức, cảm giác, và cảm xúc như khi còn ở trong thân thể xác thịt.
2. Nước trong thế giới thuộc linh cũng có khả năng làm thỏa mãn cơn khát của linh hồn như nước trong thế giới thuộc thể đối với thân thể xác thịt.
3. Như vậy, sự ăn uống trong thế giới thuộc linh cũng đem lại sự vui thỏa cho linh hồn như sự ăn uống trong thế giới thuộc thể đem lại cho thân thể xác thịt.
4. Như vậy, thân thể được phục sinh hoặc được biến hóa của con dân Chúa sẽ uống nước sự sống và ăn trái của cây sự sống, theo cách thân thể xác thịt ăn và uống trong thế giới thuộc thể.
5. Sự đau đớn, thèm khát của linh hồn trong cõi thuộc linh là có thật như sự đau đớn, thèm khát của thân thể xác thịt trong thế giới vật chất.
Sự khốn khổ khi đói khát hay sự vui thỏa khi được ăn uống thức ngon trong giấc mơ giúp cho chúng ta phần nào hiểu được sự cảm nhận của linh hồn, khi không còn ở trong thân thể xác thịt.
Lu-ca 16:25
25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: “Con ơi, ngươi hãy nhớ lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải chịu những sự dữ. Bây giờ, nó được an ủi, còn ngươi bị khổ hình.
Câu trả lời của Áp-ra-ham dành cho người giàu, gọi người ấy là “con” là sự thừa nhận người ấy thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham. Người thuộc dòng của Áp-ra-ham là người ở trong giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập ra với Áp-ra-ham. Người ấy có bổn phận sống theo các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, đã được Đức Chúa Jesus tóm gọn như sau:
“Ngươi sẽ yêu Chúa là Thiên Chúa của ngươi với hết thảy lòng của ngươi, với hết thảy linh hồn của ngươi, và với hết thảy tâm trí của ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn. Và điều răn thứ nhì cũng lớn như nó. Ngươi sẽ yêu người lân cận của ngươi như chính mình.” (Ma-thi-ơ 22:37-39).
Người giàu trong khi còn sống trong thân thể xác thịt đã vui hưởng những sự lành mà tiền bạc và của cải vật chất có thể mang đến, nhưng ông đã không thể hiện tình yêu và lòng thương xót đối với La-xa-rơ. Sau khi thân thể xác thịt chết, người giàu phải chịu khổ trong âm phủ, vì hình phạt của Đức Chúa Trời dành cho những ai vi phạm các điều răn của Ngài.
La-xa-rơ trong khi còn sống trong thân thể xác thịt đã gánh chịu những sự dữ mà Đức Chúa Trời đã cho phép xảy đến trên ông. Những sự dữ ấy bao gồm sự nghèo đói, thiếu thốn, tật bệnh, bị người khác xem thường, không quan tâm cứu giúp. Dù Thánh Kinh không nói rõ nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, trong cảnh khốn khó, nghèo hèn, La-xa-rơ vẫn trọn lòng trung tín, trông cậy Đức Chúa Trời. Vì thế, ông được thuộc về Ngài và được hưởng phước lành, sau sự chết của thân thể xác thịt.
Lu-ca 16:26
26 Ngoài các sự ấy, có một vực sâu lớn đã được thiết lập giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó, đến với ngươi, sẽ không được, cũng không ai từ đó có thể qua đây, đến với chúng ta.”
Từ ngữ “âm phủ” mang hai nghĩa: nghĩa thuộc thể là mồ mả chôn cất xác chết, nghĩa thuộc linh là nơi tạm giam linh hồn của những người chết không có sự cứu rỗi.
Âm phủ thuộc linh không ở trong lòng đất như nhiều người lầm tưởng. Vì sau khi trái đất tan biến, khi trời cũ và đất cũ qua đi, thì âm phủ và hồ lửa trong âm phủ vẫn còn.
Một lần nữa, chúng tôi kính mời quý ông bà, anh chị em đọc và nghe bài giảng “Mười Điều Suy Ngẫm về Sự Phán Xét Chung Cuộc” để có thể hình tưởng ra các khu vực trong âm phủ. Chúng tôi xin trích đăng hình minh họa về âm phủ.
Minh họa về âm phủ thuộc linh
Người minh họa: Phạm Trịnh Minh Anh
https://timhieutinlanh.com/wp-content/uploads/2023/08/AmPhu-ThuocLinh-1920X1080.jpg
Hiện tại, trong hồ lửa chưa có ai. Trong vực sâu không đáy có những thiên sứ phạm tội trước Cơn Lụt Lớn bị giam giữ. Khu vực Ba-ra-đi chỉ tồn tại trước khi Đức Chúa Jesus phục sinh, là nơi tạm trú của những thánh đồ trước thời kỳ Tân Ước. Sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh thì Ngài đã đem các thánh đồ vào thiên đàng (Ê-phê-sô 4:8). Giữa vực sâu không đáy và hồ lửa là khu vực tạm giam những linh hồn không có sự cứu rỗi. Chúng ta không biết điều gì đã xảy ra với Ba-ra-đi, sau khi Đức Chúa Jesus đem linh hồn những thánh đồ vào trong thiên đàng. Có thể nó đã bị cất ra khỏi âm phủ. Cũng có thể nó vẫn còn đó cho mọi linh hồn bị tạm giam nhìn thấy để ấn chứng cho họ về sự phước hạnh của những ai tin kính Đức Chúa Trời.
Lu-ca 16:27-28
27 Người giàu đã thưa: “Vậy, tổ phụ, tôi xin ngài rằng, hãy sai người đến nhà của cha tôi.
28 Vì tôi có năm anh em ruột, để người làm chứng cho họ, kẻo họ cũng đến trong nơi đau đớn này.”
Lời của người giàu thưa với Áp-ra-ham cho thấy, ông biết quan tâm tới những người thân yêu của mình. Ông không muốn năm anh em của ông đang sống sẽ đi vào sự hư mất như ông. Đại danh từ “người” trong câu nói của người giàu là chỉ về La-xa-rơ. Ông xin Áp-ra-ham sai La-xa-rơ đến nhà của gia đình ông để làm chứng cho họ về những gì đang xảy ra cho ông. Điều đó cùng nghĩa với cầu xin cho La-xa-rơ được sống lại. Người giàu đã không xin cho chính mình được sống lại để làm chứng cho các anh em của mình. Có lẽ vì ông biết rằng, ông không xứng đáng và không thể nào có được cơ hội ấy.
Lời cầu xin của người giàu cho thấy, sau khi thân thể xác thịt chết, linh hồn vẫn có nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ, lý luận, ước muốn. Điều này bác bỏ hoàn toàn tà thuyết “Linh Hồn Ngủ” của một số giáo hội mang danh Chúa, mà đứng đầu là Giáo Hội Cơ-đốc Phục Lâm và Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va.
Tà thuyết linh hồn ngủ dạy rằng, sau khi chết, linh hồn loài người ở trong trạng thái vô thức, như “ngủ”, cho tới ngày thân thể xác thịt được phục sinh. Những điểm chính của tà thuyết này bao gồm:
1. Linh hồn của người chết không còn ý thức, không biết gì, không cảm nhận gì; tương tự như bị chìm trong giấc ngủ sâu không mộng mị.
2. Linh hồn của người chết không lập tức vào thiên đàng hay âm phủ.
3. Linh hồn của người chết “ngủ” cho tới khi sự phục sinh xảy ra.
4. Linh hồn của người chết không cảm nhận được thời gian. Với người chết, khoảng thời gian từ lúc chết đến lúc phục sinh sẽ giống như một khoảnh khắc tức thời. Họ “ngủ” rồi “thức dậy” ngay trong ngày phục sinh.
Tà thuyết này phát sinh khi các giáo hội áp dụng cho linh hồn các câu Thánh Kinh nói về trạng thái của thân thể xác thịt sau khi chết.
Lu-ca 16:29-30
29 Áp-ra-ham bảo người: “Chúng nó có Môi-se và các đấng tiên tri. Hãy để chúng nó nghe họ.”
30 Người giàu đã thưa: “Không, tổ phụ Áp-ra-ham! Nhưng nếu có ai từ những kẻ chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn.”
Câu trả lời của Áp-ra-ham đã khẳng định lẽ thật này: nội dung của Thánh Kinh Cựu Ước đủ để hướng dẫn một người sống sao cho đẹp lòng Chúa.
Đức Chúa Jesus đã tóm gọn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, tức là toàn bộ sự giảng dạy của Môi-se và của các tiên tri vào trong lời phán của Ngài, như đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 22:37-39; và Ngài đã khẳng định:
“Hết thảy luật pháp và những lời tiên tri đều được treo trong hai điều răn này.” (Ma-thi-ơ 22:40).
Động từ “treo” hàm ý, được dựa trên một nền tảng vững chắc. Toàn bộ luật pháp và những lời tiên tri đều dựa trên hai điều răn về bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa và đối với nhau.
Luật pháp quy định loài người phải yêu Thiên Chúa và yêu lẫn nhau. Những lời tiên tri báo trước sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến để làm trọn luật pháp, bằng cách thể tình yêu của Ngài đối với Đức Chúa Trời và đối với loài người.
Lời cãi lại Áp-ra-ham của người giàu đã hàm ý, ông cho rằng, Thánh Kinh Cựu Ước không đủ để giúp cho một người thoát khỏi sự chịu khổ trong âm phủ. Người giàu đã không nhận thức rằng, chính La-xa-rơ, một con cháu của Áp-ra-ham như ông, đã không cần ai sống lại từ trong những kẻ chết để giúp La-xa-rơ sống một đời sống trong thế gian, sao cho không bị chịu khổ trong âm phủ, sau khi chết.
Lu-ca 16:31
31 Nhưng ông đã bảo người: “Nếu chúng nó không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì chúng nó cũng sẽ chẳng chịu thuyết phục, cho dù bởi một người sống lại từ những kẻ chết.”
Câu trả lời của Áp-ra-ham đã được minh chứng là thật, qua sự Đức Chúa Jesus phục sinh từ trong những kẻ chết nhưng lời phán dạy của Ngài vẫn không được nhiều người tin nhận. Câu trả lời của Áp-ra-ham cũng hàm ý, nếu một người không tin nhận Thánh Kinh Cựu Ước thì họ cũng sẽ không tin nhận Thánh Kinh Tân Ước. Vì thực tế, Thánh Kinh Tân Ước ghi lại câu chuyện và những lời giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ, một người đã sống lại sau khi chịu chết để hoàn thành sự cứu chuộc loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi.
Ngày nay, nếu một người không tin Thánh Kinh thì cho dù có người sống lại từ những kẻ chết, làm chứng về thiên đàng và âm phủ, thì người ấy cũng sẽ không tin. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, là lẽ thật. Người không tin Thánh Kinh thì không thể có sự cứu rỗi.
Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.
Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
10/05/2025
Ghi Chú
Kính mời quý ông bà, anh chị em tham dự buổi nhóm hiệp trên mạng với chúng tôi vào mỗi Thứ Bảy, lúc 8:00 giờ sáng, ngày và giờ theo Việt Nam, qua Phòng Nhóm “Giang Thanh Kinh” của PalTalk. Khoảng mười phút trước giờ nhóm, quý ông bà, anh chị em có thể bấm vào: https://invite.paltalk.net/20T9JFY9eTb
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/
[2] https://timhieutinlanh.com/muoi-dieu-suy-ngam-ve-su-phan-xet-chung-cuoc/
Karaoke Thánh Ca: “Tình Chúa Đang Chờ”
https://karaokethanhca.net/tinh-chua-dang-cho/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.
Lời Giới Thiệu về Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Bản Dịch Ngôi Lời: