Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh
Huỳnh Christian Timothy
Từ ngữ báp-tem trong nguyên ngữ Hy-lạp (Greek) của Thánh Kinh là: βαπτίζω được chuyển ngữ thành baptizō với ký hiệu phát âm bap-tid’-zo và được dịch thành baptism trong Anh ngữ. Từ ngữ báp-tem chỉ được dùng trong phần Tân Ước của Thánh Kinh với tổng số 80 lần bao gồm các hình thức danh từ và động từ. Nguyên nghĩa của báp-tem là ngâm, nhúng hoàn toàn một vật vào trong một chất lỏng. Trong văn hóa Hy-lạp: Ngành nhuộm dùng từ ngữ báp-tem chỉ việc nhúng một khúc vải vào trong chậu thuốc nhuộm để thay đổi màu sắc của khúc vải. Ngành y dùng từ ngữ báp-tem để chỉ việc nhúng, ngâm tay hay chân vào trong một dung dịch thuốc để chữa bệnh. Trong các nghi thức tôn giáo, từ ngữ báp-tem được dùng để chỉ việc trầm mình trong nước, thanh tẩy thân thể, dọn mình ra mắt thần linh. Tuy nhiên, khi được dùng trong Thánh Kinh, từ ngữ báp-tem mang lấy những ý nghĩa riêng biệt, độc đáo.
Chữ “phép” với ý nghĩa: “nghi thức, phương cách”, được dùng kèm với từ ngữ báp-tem trong Thánh Kinh Việt ngữ như là một danh từ ghép giúp phân biệt hình thức danh từ và động từ của từ ngữ báp-tem (phép báp-tem = danh từ; báp-tem = động từ). Đây không phải là sự “thêm” vào Lời Chúa mà là sự ứng dụng mẹo luật văn phạm Việt ngữ trong khi dịch. Trong phạm vi bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa các phép báp-tem được đề cập trong Thánh Kinh.
Thánh Kinh đề cập bảy loại phép báp-tem:
- Phép báp-tem trong đám mây và trong biển của dân I-sơ-ra-ên.
- Phép báp-tem ăn năn tội của dân I-sơ-ra-ên còn gọi là phép báp-tem của Giăng Báp-tít.
- Phép báp-tem nhận chức vụ của Đức Chúa Jesus.
- Phép báp-tem vào trong sự thương khó của Đấng Christ.
- Phép báp-tem bằng thánh linh trong buổi đầu thành lập Hội Thánh.
- Phép báp-tem bằng nước và thánh linh trong Danh Thiên Chúa Ba Ngôi của môn đồ Đấng Christ.
- Phép báp-tem bằng lửa dành cho những người ở ngoài Đấng Christ.
1. Phép báp-tem trong đám mây và trong biển của dân I-sơ-ra-ên
I Cô-rinh-tô 10:1-4
1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết rằng; hết thảy các tổ phụ của chúng tôi đã ở dưới đám mây và hết thảy đã đi ngang qua biển.
2 Hết thảy họ, trong mây và trong biển, đã được báp-tem vào trong Môi-se.
3 Hết thảy họ đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng.
4 Hết thảy họ đã uống cùng một thức uống thiêng liêng. Vì họ đã uống từ một vầng đá thiêng liêng theo với họ. Vầng đá ấy là Đấng Christ.
Theo nguyên ngữ Hy-lạp, mệnh đề: “trong mây và trong biển, đã được báp-tem vào trong Môi-se”, nghĩa là: Dân I-sơ-ra-ên được nhúng trong mây và trong biển để trở nên một với Môi-se.
Quan hệ giữa Môi-se với dân I-sơ-ra-ên là hình bóng cho quan hệ giữa Đấng Christ và những người tin nhận Ngài. Phép báp-tem trong mây và trong biển của dân I-sơ-ra-ên là hình bóng cho phép báp-tem trong thánh linh và trong nước của tín đồ Đấng Christ:
-
Môi-se là hình bóng của Đấng Christ. Dân I-sơ-ra-ên là hình bóng của những người tin nhận Đấng Christ. Xứ Ai-cập là hình bóng của thế gian tội lỗi. Pha-ra-ôn là hình bóng của Sa-tan thống trị thế gian. Môi-se giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi đời nô lệ của xứ Ai-cập và tay Pha-ra-ôn là hình bóng Đấng Christ giải phóng những ai tin nhận Ngài ra khỏi đời nô-lệ của tội lỗi và quyền lực của Sa-tan.
-
Đi dưới đám mây (Dân Số Ký 10:34) là hình bóng của sự được báp-tem bằng thánh linh: Một đời sống mới đầy dẫy ân điển và quyền năng của Đức Chúa Trời. Đi ngang qua biển là hình bóng của sự được báp-tem bằng nước (I Phi-e-rơ 3:20-21): Một đời sống cũ đã hoàn toàn chết đi và được phục sinh.
-
Dân I-sơ-ra-ên ăn thức ăn thiêng liêng và uống thức uống thiêng liêng là hình bóng tín đồ Đấng Christ nhận lãnh thân thể và huyết của Đấng Christ trong đời sống mới. Thân thể Đấng Christ là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa vì Đấng Christ chính là Ngôi Lời. Huyết của Đấng Christ là sự sống đời đời của Thiên Chúa vì Đấng Christ chính là sự sống lại và sự sống (Giăng 11:25).
-
Dân I-sơ-ra-ên được báp-tem vào trong Môi-se để trở nên một với Môi-se là thủ lãnh Đức Chúa Trời đã lập nên cho họ và họ vâng phục các điều răn của Đức Chúa Trời do Môi-se truyền cho họ. Tín đồ Đấng Christ được báp-tem vào trong Đấng Christ để trở nên một với Ngài và vâng phục các điều răn của Ngài (Ê-phê-sô 5:23-24).
Thánh Kinh đề cập đến điều răn của Đấng Christ như sau:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy.” (Giăng 13:34).
“Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì giữ gìn các điều răn Ta.” (Giăng 14:15).
“Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ chúng, ấy là người yêu Ta. Người nào yêu Ta sẽ được yêu bởi Cha Ta và Ta sẽ yêu người, và tỏ chính mình Ta cho người.” (Giăng 14:21).
“Nếu các ngươi cứ vâng giữ các điều răn của Ta, các ngươi sẽ cứ ở trong tình yêu của Ta; cũng như Ta đã vâng giữ các điều răn của Cha Ta, và Ta cứ ở trong tình yêu của Ngài.” (Giăng 15:10).
“Đây là điều răn của Ta, rằng: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau như Ta đã yêu các ngươi.” (Giăng 15:12).
“Những điều này Ta truyền cho các ngươi, để các ngươi yêu lẫn nhau.” (Giăng 15:17).
2. Phép báp-tem ăn năn tội của dân I-sơ-ra-ên còn gọi là phép báp-tem của Giăng Báp-tít
“Ông đi qua tất cả các miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội…” (Lu-ca 3:3).
“Trước khi Đức Chúa Jesus chưa đến, Giăng đã giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn cho cả dân I-sơ-ra-ên.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:24).
“Phao-lô nói rằng: Giăng đã làm phép báp-tem về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đấng Christ Jesus.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:4).
Phép báp-tem mà những người I-sơ-ra-ên nghe lời rao giảng của Giăng Báp-tít, thật lòng ăn năn tội, đến cùng ông và các môn đồ của ông để chịu dưới sông Giô-đanh là sự thanh tẩy thân thể trong dòng nước để thể hiện sự quyết tâm muốn được thanh tẩy tấm lòng và đời sống tội lỗi. Phép báp-tem này chuẩn bị tấm lòng của những người biết ăn năn tội, muốn nhận được sự cứu rỗi sẽ đến từ Đấng Christ. Sự thanh tẩy bên trong chỉ có thể được thực hiện bởi quyền năng của Đức Chúa Trời sau khi một người ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ.
Tất cả những người chịu phép báp-tem ăn năn tội của Giăng Báp-tít đều phải tin nhận sự cứu rỗi trong Đấng Christ thì mới nhận được sự tha tội và làm cho sạch tội rồi sau đó là nhận thánh linh, tức quyền năng và sự sống của Thiên Chúa:
“Đã nghe vậy, họ bị chạm trong lòng và đã nói với Phi-e-rơ cùng các sứ đồ còn lại rằng: Hỡi các người, hỡi các anh em, chúng tôi phải làm gì? Phi-e-rơ đã nói với họ: Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa là cho các ngươi và con cái của các ngươi, và cho hết thảy những người tận nơi xa, là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ gọi đến với Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-39).
Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1-7 ghi lại câu chuyện các tín đồ tại thành Ê-phê-sô từng chịu phép báp-tem của Giăng Báp-tít đã chịu phép báp-tem lần nữa trong danh Đấng Christ.
3. Phép báp-tem nhận chức vụ của Đức Chúa Jesus
Ma-thi-ơ 3:13-17
13 Thế rồi Đức Chúa Jesus từ xứ Ga-li-lê đến với Giăng tại sông Giô-đanh, để chịu báp-tem bởi ông.
14 Tuy nhiên, Giăng từ chối Ngài, thưa rằng: Tôi cần phải chịu báp-tem bởi Ngài, sao Ngài lại đến với tôi?
15 Nhưng Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Bây giờ cứ làm đi, vì như vậy mà chúng ta làm trọn mọi sự công chính. Ông chiều ý Ngài.
16 Chịu báp-tem xong, Đức Chúa Jesus liền ra khỏi nước. Kìa, các tầng trời mở ra trên Ngài, Ngài thấy Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu, đậu trên Ngài.
17 Kìa, có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta! Trong Ngài, Ta thỏa lòng!
Trong khi Giăng Báp-tít đang làm phép báp-tem ăn năn tội cho dân I-sơ-ra-ên thì Đức Chúa Jesus đến cùng ông để được ông làm báp-tem. Điều này khiến cho Giăng Báp-tít ngỡ ngàng, vì ông nhận thức Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế đã được hứa trong Thánh Kinh. Ngài là Đấng vô tội và là Đấng phải chịu hy sinh như một chiên con dùng làm sinh tế dâng lên Đức Chúa Trời để cất tội lỗi của thế gian (Giăng 1:29). Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus yêu cầu Giăng Báp-tít cứ làm báp-tem cho Ngài và dạy rằng đó là một việc công chính nên làm. Chính lời phán của Đức Chúa Jesus cho chúng ta biết phép báp-tem Ngài chịu bởi Giăng Báp-tít không phải là phép báp-tem ăn năn tội mà là phép báp-tem của sự công chính. Điều đó có nghĩa gì?
Hình ảnh Đức Chúa Jesus trầm mình dưới dòng nước của sông Giô-đanh tiêu biểu cho sự Ngài chết thay cho tội lỗi của toàn thể nhân loại dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Cha. Đức Thánh Linh nhắc cho chúng ta nhớ sự tương quan giữa phép báp-tem bằng nước trong Đấng Christ và sự Đức Chúa Trời đoán phạt thế gian tội lỗi trong Cơn Nước Lụt (I Phi-e-rơ 3:20-21).
Hình ảnh Đức Chúa Jesus ra khỏi nước tiêu biểu cho sự phục sinh vinh hiển sau khi chết của Ngài. Sự chết không có quyền trên Ngài. Ngài đắc thắng và cầm quyền trên sự chết (Khải Huyền 1:18).
Hình ảnh Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu giáng đậu trên Đức Chúa Jesus tiêu biểu cho sự Đức Chúa Cha ban cho thần quyền tức thánh linh vô giới hạn (Giăng 3:34) trên con người xác thịt Jesus để Ngài thi hành công vụ của đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua; là ấn chứng Ngài là Đấng được xức dầu, tức Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh.
(Mê-si-a là tiếng Hê-bơ-rơ, Christ là tiếng Hy-lạp, cả hai đều có nghĩa: “Đấng được xức dầu”, nghĩa là được Đức Chúa Trời kêu gọi, biệt riêng, ban cho thánh linh để thi hành sứ mạng cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus được xức dầu để: (1) “giãi bày về Thiên Chúa” (Giăng 1:18) tức làm tiên tri, (2) dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta (Hê-bơ-rơ 9:11-12) tức làm thầy tế lễ thượng phẩm, và (3) làm Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa (Khải Huyền 17:14; 19:16) để cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời).
Vì thế, phép báp-tem Đức Chúa Jesus chịu tại sông Giô-đanh là phép báp-tem vào trong chức vụ, vào trong thần quyền. Phép báp-tem đó không phải chỉ là phép báp-tem bằng nước mà còn là phép báp-tem bằng thánh linh mà Đức Chúa Cha đã làm trên con người xác thịt Jesus để Ngài trở thành “Đấng Christ”. Một người phải có đầy dẫy thần quyền thì mới có thể thi hành chức vụ Đức Chúa Trời giao phó. Trọng điểm trong các chức vụ của Đức Chúa Jesus là sự dâng mạng sống mình làm của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại, nhờ đó nhân loại được Đức Chúa Trời tha tội. Sự hy sinh của Đức Chúa Jesus khiến những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài được tha tội là một sự công chính (thỏa mãn sự đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời) cần phải làm để nhân loại được cứu rỗi. Công chính vì tội lỗi bị đoán phạt. Công chính vì Đức Chúa Jesus đã gánh thay hình phạt cho nhân loại thì bất kỳ ai tin nhận sự chết thay của Ngài đều nhận được sự công bố sạch tội trước mặt Đức Chúa Trời.
4. Phép báp-tem vào trong sự thương khó của Đấng Christ
Mác 10:35-40
35 Bấy giờ, Gia-cơ và Giăng, hai con trai Xê-bê-đê, đến gần Ngài mà thưa rằng: Lạy thầy, chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin.
36 Ngài hỏi rằng: Các ngươi muốn Ta làm gì cho?
37 Thưa rằng: Khi Ngài được vinh quang, xin cho chúng tôi một ngồi bên phải, một bên trái.
38 Nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng: Các ngươi không biết điều mình xin. Các ngươi có uống được chén Ta uống, và chịu được phép báp-tem Ta chịu chăng?
39 Thưa rằng: Được. Đức Chúa Jesus phán rằng: Các ngươi sẽ uống chén Ta uống, và sẽ chịu phép báp-tem Ta chịu;
40 nhưng về việc ngồi bên phải và bên trái Ta thì không phải tự Ta cho được: ấy là thuộc về người nào mà điều đó đã dành cho.
“Có một phép báp-tem mà Ta phải chịu, Ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!” (Lu-ca 12:50).
Chén mà Đức Chúa Jesus uống là chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng xuống trên nhân loại tội lỗi (Giăng 18:11; Ê-sai 53:10; Thi Thiên 75:8), nói cách khác, Ngài tiếp nhận sự đoán phạt của Đức Chúa Trời thay cho nhân loại. Phép báp-tem đi kèm theo chén thịnh nộ đó là phép báp-tem vào trong sự thương khó, sự chết. Thánh Kinh dùng hình ảnh của lửa và nước để gọi những sự đau thương, hoạn nạn (Thi Thiên 66:12; 69:1-2). Đức Chúa Jesus gọi sự kiện Ngài bước vào sự thương khó, sự chết trong tư cách là một tội nhân thay cho tất cả tội nhân bằng từ ngữ báp-tem, tức là bị nhúng chìm hoàn toàn vào trong tội lỗi và hậu quả của tội lỗi.
Đức Chúa Jesus đã vì nhân loại mà chịu khổ và chịu chết. Đức Chúa Trời muốn và kêu gọi chúng ta cũng sẵn lòng chịu khổ, chịu chết vì Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Trời đã ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể làm được điều đó: “Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài, có cùng một cuộc tranh đấu như các anh chị em đã thấy trong tôi và hiện nay còn nghe nói có trong tôi.” (Phi-líp 1:29-30). Không một tín đồ chân thật nào của Đấng Christ mà không chịu khổ vì Ngài. Sự chịu khổ đó được Phao-lô dùng chính đời sống đi theo Chúa và hầu việc Chúa của ông để minh họa cho các thánh đồ tại Phi-líp và khích lệ Ti-mô-thê (II Ti-mô-thê 2:3). Sự chịu khổ đó được Phao-lô nhắc nhở cho các thánh đồ tại thành Lít-trơ, thành I-cô-ni và thành An-ti-ốt (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:22). Sự chịu khổ đó được chính Đức Chúa Jesus Christ mời gọi những ai muốn theo Ngài: “Rồi, Ngài phán với hết thảy mọi người: Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23). Sự chịu khổ đó là nguồn của sự phước hạnh và khen thưởng thiên thượng (Ma-thi-ơ 5:11-12; I Phi-e-rơ 4:13).
5. Phép báp-tem bằng thánh linh trong buổi đầu thành lập Hội Thánh
“Ta thật báp-tem các ngươi bằng nước vào trong sự ăn năn, nhưng Đấng đến sau ta mạnh hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài; Ngài sẽ làm báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.” (Ma-thi-ơ 3:11).
“Ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh.” (Mác 1:8).
“… Giăng cất tiếng nói với mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.” (Lu-ca 3:16).
“Ta vốn chẳng biết Ngài nhưng Đấng đã sai ta làm báp-tem bằng nước, chính Đấng ấy, phán với ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Đấng Thần Linh ngự xuống, đậu trên Ngài, ấy là Đấng làm báp-tem bằng thánh linh.” (Giăng 1:33).
“Vì Giăng thật đã làm báp-tem trong nước, nhưng không còn bao nhiêu những ngày này nữa, các ngươi sẽ được báp-tem trong thánh linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5).
“Ta nhớ lại lời Chúa đã truyền rằng: Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước; nhưng các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng thánh linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:16).
Trước hết, chúng ta cần phân biệt hai danh từ: Đức Thánh Linh và thánh linh. Đức Thánh Linh là một thân vị trong ba thân vị của Thiên Chúa. Thánh linh là sự sống và quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện và ban cho bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta có Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong thân thể mình và chúng ta được đầy dẫy thánh linh, tức đầy dẫy sự sống và quyền năng của Thiên Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ thánh linh đi một mình được dùng để chỉ về sự sống và quyền năng của Thiên Chúa; danh từ thánh linh có mạo từ đi kèm được dùng để chỉ về Đức Thánh Linh, Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh Việt ngữ, nhiều chỗ hai danh từ Đức Thánh Linh và thánh linh bị dùng lẫn lộn làm cho câu văn bị tối nghĩa. Thí dụ:
Ma-thi-ơ 3:16 “Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jesus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy thánh linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài.” Trong nguyên ngữ là “Ngài thấy Đức Thánh Linh...“
Ê-phê-sô 5:18 “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.“ Trong nguyên ngữ là “đầy dẫy thánh linh.”
Như vậy, Đức Chúa Jesus là Đấng làm báp-tem bằng thánh linh chứ không phải làm báp-tem bằng Đức Thánh Linh cho những ai tin nhận Ngài. Một người chỉ có thể có Đức Thánh Linh và đầy dẫy thánh linh chứ không thể đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Phép báp-tem bằng nước mà Giăng Báp-tít làm cho dân I-sơ-ra-ên là để cho họ thể hiện lòng ăn năn. Phép báp-tem bằng thánh linh do Đấng Christ làm cho những người tin nhận Ngài là để cho họ nhận lãnh quyền năng của Thiên Chúa, (tức sự ban cho thánh linh, tức “được Đức Chúa Trời xức dầu”). Thánh Kinh khẳng định, chính Đấng Christ làm báp-tem bằng thánh linh cho tín đồ của Ngài. Người được báp-tem bằng thánh linh thì được Đức Thánh Linh giáng trên và ngự trong thân thể mình (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8; 8:16; 10:44; 11:15; 19:6; I Cô-rinh-tô 6:19; Ga-la-ti 4:6).
Kế tiếp, chúng ta cần nhận thức rằng: Phép báp-tem bằng thánh linh được Đấng Christ làm chung cho cả Hội Thánh không phải làm riêng cho từng cá nhân (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-10). Kể từ đó, hễ bất kỳ ai tin nhận Đấng Christ thì liền được kết hợp vào trong Hội Thánh của Chúa. Một khi đã được kết hợp vào trong Hội Thánh của Chúa thì đương nhiên ở trong thân thể của Đấng Christ, đương nhiên được nhúng vào trong thánh linh của Chúa, đương nhiên được Đức Thánh Linh ngự vào trong thân thể mà không cần phải cầu xin Chúa làm báp-tem bằng thánh linh. Sự kiện Đấng Christ làm báp-tem bằng thánh linh cho Hội Thánh được Thánh Kinh ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-10. Hội Thánh được thành lập khi Đức Thánh Linh giáng lâm, ngự vào lòng những người tin nhận Đấng Christ. Hội Thánh được thành lập từ trong dân I-sơ-ra-ên. Hội Thánh được Đấng Christ báp-tem bằng thánh linh một cách tập thể trong ngày được thành lập. Kể từ đó trở đi, bất cứ ai tin nhận Đấng Christ, nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh để chịu báp-tem thì liền được tiếp nhận Đức Thánh Linh và thánh linh. Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng ghi lại những trường hợp đặc biệt sau đây:
a) Trường hợp những tín đồ không chịu phép báp-tem trong danh Đức Thánh Linh:
-
Những tín đồ tại thành Sa-ma-ri (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:14-17). Những người này không nhận phép báp-tem trong danh Đức Thánh Linh cho nên Phi-e-rơ và Giăng đã từ thành Giê-ru-sa-lem đến, cầu nguyện cho họ được nhận lãnh thánh linh: “Các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem đã nghe rằng, dân Sa-ma-ri đã nhận lấy Lời của Đức Chúa Trời, thì đã sai Phi-e-rơ và Giăng đến với họ. Các người ấy đã đi xuống, cầu nguyện cho họ để họ có thể nhận thánh linh. Vì thánh linh chưa giáng trên dù chỉ một người trong họ. Họ đã chịu báp-tem chỉ vào trong danh của Đức Chúa Jesus. Rồi, [Phi-e-rơ và Giăng] đặt tay trên họ, thì họ đã nhận thánh linh.“
Đây là một điểm quan trọng chúng ta cần ghi nhớ: Khi một người đã thật lòng tin nhận Chúa thì chúng ta phải lập tức làm phép báp-tem trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa cho người ấy để họ được nhận lãnh thánh linh của Chúa. Mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus truyền cho chúng ta được ghi rõ trong Ma-thi-ơ 28:18-20 là: (1) Hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta (2) Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh (3) dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Ngài không bảo chúng ta “dạy giáo lý căn bản và khảo hạch xong mới làm báp-tem cho tân tín hữu.”
-
Những tín đồ tại thành Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1-7). Khoảng 12 tín đồ tại thành Ê-phê-sô dù đã tin nhận Đấng Christ nhưng chưa hề nghe biết gì về việc nhận lãnh thánh linh. Họ chỉ mới chịu phép báp-tem ăn năn tội của Giăng Báp-tít. Sau khi được Sứ Đồ Phao-lô giảng giải, họ đã làm báp-tem trở lại trong danh Đấng Christ và sau khi Phao-lô đặt tay cho họ thì họ được nhận lãnh thánh linh: “Trong khi A-bô-lô ở thành Cô-rinh-tô, Phao-lô đã đi khắp những miền trên, rồi xuống thành Ê-phê-sô, gặp một vài môn đồ ở đó. Người hỏi rằng: Từ khi anh em tin, có nhận được thánh linh không? Họ trả lời rằng: Chúng tôi chưa nghe có thánh linh nào. Người lại hỏi: Vậy thì anh em đã chịu phép báp-tem nào? Trả lời rằng: Phép báp-tem của Giăng. Phao-lô nói rằng: Giăng đã làm phép báp-tem về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đấng Christ Jesus. Chúng nghe bấy nhiêu lời, thì chịu phép báp-tem vào trong danh Đức Chúa Jesus. Sau khi Phao-lô đã đặt tay lên, thì có Đức Thánh Linh giáng trên chúng, cho nói các ngôn ngữ và lời tiên tri. Cộng hết thảy độ mười hai người.“
b) Trường hợp những tín đồ gốc dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44-48): Những tín đồ gốc dân ngoại được Đấng Christ báp-tem bằng thánh linh trước khi họ chịu báp-tem bằng nước, để chứng minh với các tín đồ gốc I-sơ-ra-ên rằng, người ngoại chỉ cần chân thành ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ thì được ban cho quyền trở nên con cái của Đức Chúa Trời và nhận lãnh thánh linh của Ngài y như người I-sơ-ra ên. Hành động duy nhất tín đồ người ngoại cần phải làm sau khi tin nhận Chúa để được Chúa tiếp nhận vào trong Hội Thánh của Ngài là vâng lời Ngài, chịu phép báp-tem (Mác 16:16) trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh rồi học Đạo, (tức học những điều Chúa đã truyền, được ghi lại trong Thánh Kinh).
Sự đặt tay của các sứ đồ trên các tân tín hữu tại Sa-ma-ri và Ê-phê-sô không phải là hành động “làm báp-tem bằng thánh linh” vì chỉ có Đấng Christ là Đấng làm báp-tem bằng thánh linh. Sự đặt tay đó thể hiện cho sự tiếp nhận, dìu dắt các tân tín hữu vào trong Hội Thánh của Đấng Christ một cách trọn vẹn. Sự đặt tay đó thể hiện sự thông công giữa các sứ đồ và các tân tín hữu. Trong sự thông công đó, họ trở nên một trong Đấng Christ và nhờ đó các tân tín hữu nhận được Đức Thánh Linh cùng thánh linh của Ngài. Nói cách khác, các tân tín hữu được kết nối vào Hội Thánh thì sự sống và năng lực của Hội Thánh tuôn chảy qua họ.
Ngày hôm nay, chúng ta có thể tin rằng không còn trường hợp có người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ mà không biết đến việc nhận chịu phép báp-tem trong danh Ba Ngôi Thiên Chúa, để rồi phải nhờ ai đó đặt tay cầu nguyện cho để được báp-tem bằng thánh linh và đầy dẫy thánh linh. Tất cả những hành động được gọi là “tìm kiếm sự báp-tem bằng thánh linh”, nhờ ai đó “đặt tay” để được “đầy dẫy thánh linh” là những trò lường gạt thuộc linh đến từ Sa-tan.
Đầy dẫy thánh linh là một mệnh lệnh (Ê-phê-sô 5:18). Đức Thánh Linh ra lệnh cho chúng ta không được say rượu và phải được đổ đầy với linh của Ngài. Ngài ra lệnh cho chúng ta đổ đầy linh của Ngài vì Ngài đã bước vào đời sống của chúng ta, ngự trong thân thể của chúng ta (I Cô-rinh-tô 6:19), ban cho chúng ta các ân tứ và năng lực của Đức Chúa Trời tùy theo ý Ngài – không phải tùy theo ý chúng ta (I Cô-rinh-tô 12:11). Phần của chúng ta là mở lòng ra đón nhận cho thật đầy dẫy chứ chúng ta không cần phải van xin, nài nỉ, kêu gào hoặc tìm kiếm. Chúng ta chỉ có thể đầy dẫy thánh linh của Chúa khi chúng ta không còn “yêu thế gian và những vật ở thế gian” (I Giăng 2:15). Một tấm lòng “yêu thế gian và những vật ở thế gian” là một tấm lòng đang say men của cuộc đời không thể nào đầy dẫy thánh linh của Chúa.
Trong Thánh Kinh chỉ có một lần duy nhất Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ của Ngài rằng: “Vậy nếu các ngươi là xấu, còn biết cho con cái mình những vật tốt, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban thánh linh cho những người xin Ngài sao?” (Lu-ca 11:13). Đây là trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm, các môn đồ cần có quyền năng của Đức Thánh Linh để sống đạo và giảng đạo thì có thể cầu xin. Nhưng sau khi Đức Thánh Linh đã giáng lâm, thánh linh đã được ban cho Hội Thánh và ngự trong thân thể của người tin Chúa thì người tin Chúa không cần phải tìm kiếm hay cầu xin nữa, mà chỉ cần mở lòng ra đón nhận một cách đầy dẫy. Thánh Kinh khẳng định:
-
Lời hứa của Đấng Christ về việc Đức Chúa Trời sẽ ban Đức Thánh Linh và thánh linh cho những ai tin nhận Đấng Christ:
“Ai tin nơi Ta thì những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy, như Thánh Kinh đã nói. (Ngài phán điều này về Đấng Thần Linh mà những ai tin nơi Ngài sẽ nhận lấy, vì bấy giờ chưa có thánh linh được ban cho, bởi Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển.)” (Giăng 7:38-39).
-
Lời chứng của Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô cho thấy lời hứa của Đấng Christ đã được thực hiện:
“Bởi vì chúng ta, hoặc người Do-thái, hoặc người Hy-lạp, hoặc nô lệ, hoặc tự chủ, đều đã trong một linh, chịu báp-tem vào trong một thân; và hết thảy được uống trong một linh.” (I Cô-rinh-tô 12:13).
6. Phép báp-tem bằng nước và thánh linh trong danh Ba NgôiThiên Chúa
Ngày hôm nay Hội Thánh của Chúa đã được vững lập, Lời của Chúa đã được đúc kết trong Thánh Kinh. Sinh hoạt của Hội Thánh Đấng Christ chỉ gồm tóm lại trong lệnh truyền sau đây của Đấng Christ (những điều gì không nằm trong mệnh lệnh sau đây không thuộc về sinh hoạt của Hội Thánh):
“Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta. Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:18-20).
Đó là: (1) Giảng Đạo. (2) Làm báp-tem cho người tin nhận Chúa trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. (3) Dạy cho người tin nhận Chúa vâng giữ tất cả những điều Chúa đã truyền cho chúng ta, (tức là dạy cho họ sống Đạo và giảng Đạo theo Thánh Kinh, trong đó bao gồm sự tìm kiếm Chúa, suy ngẫm Lời Chúa, thờ phượng Chúa, tôn vinh Chúa, giúp người, làm điều lành, rao giảng sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến, và trung tín với Chúa cho đến chết.)
Ngoài phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ phán truyền Hội Thánh không thể tin nhận một phép báp-tem nào khác. Về sau, Đức Thánh Linh đã lập lại và nhấn mạnh qua Sứ Đồ Phao-lô: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem” (Ê-phê-sô 4:5). Nếu chúng ta tìm kiếm hoặc chạy theo một phép báp-tem nào khác với phép báp-tem mà Đức Chúa Jesus đã truyền thì chúng ta đã có hơn một phép báp-tem, có hơn một đức tin, và đương nhiên có hơn một Chúa, cho dù, phép báp-tem đó có được ngụy trang bằng danh xưng “phép báp-tem bằng thánh linh!” Tôi nhắc lại: Thánh Kinh không hề dạy chúng ta tìm kiếm “phép báp-tem bằng thánh linh”. Thánh Kinh khẳng định “chỉ có một phép báp-tem” và đó chính là phép báp-tem nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh do Đấng Christ truyền dạy.
Trong danh Đức Cha, người chịu phép báp-tem xác nhận mình là tội nhân vì vi phạm tiêu chuẩn của Ngài và xứng đáng nhận lãnh sự đoán phạt của Ngài (Rô-ma 3:23; 5:12). Đây là phương diện tín đồ ăn năn tội trong phép báp-tem do Đấng Christ truyền, tương đương và thay thế phép báp-tem ăn năn tội của Giăng Báp-tít.
Trong danh Đức Con, người chịu phép báp-tem tuyên xưng đức tin của mình nơi sự cứu rỗi trong Đấng Christ. Người bằng lòng để cho con người cũ tội lỗi của mình bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ (Rô-ma 6:6) và tin rằng mình được đồng phục sinh với Đấng Christ thành một tạo vật mới (Rô-ma 6:5; II Cô-rinh-tô 5:17). Đây là phương diện tín đồ chịu báp-tem vào trong sự thương khó và sự chết của Đấng Christ; đồng thời cũng là phương diện tín đồ được báp-tem vào trong chính Đấng Christ, vào trong sự sống lại với Ngài và vào trong sự vinh hiển của Ngài.
Trong danh Đức Thánh Linh, người chịu phép báp-tem tiếp nhận Đức Thánh Linh vào trong thân thể mình, thờ phượng Ngài (Giăng 7:38-39; I Cô-rinh-tô 6:19) và nhận lãnh các ân tứ của Ngài để xây dựng Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:4-13). Đây là phương diện tín đồ nhận lãnh phép báp-tem bằng thánh linh.
Thật không có một phép báp-tem nào khác dành cho những ai tin nhận Đấng Christ ngoài phép báp-tem nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh với tất cả những ý nghĩa được trình bày trên đây.
7. Phép báp-tem bằng lửa
“Ta thật báp-tem các ngươi bằng nước vào trong sự ăn năn, nhưng Đấng đến sau ta mạnh hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài; Ngài sẽ làm báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.” (Ma-thi-ơ 3:11).
“… Giăng cất tiếng nói với mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng thánh linh và bằng lửa.” (Lu-ca 3:16).
Phép báp-tem bằng lửa là một đề tài tranh cãi giữa các nhà Thần học. Một số cho rằng phép báp-tem bằng lửa là sự thánh hóa đời sống của người tin Chúa. Một số khác cho rằng tín đồ của Chúa được thánh hóa bởi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 17:17) còn phép báp-tem bằng lửa dành cho những ai không tin nhận Chúa. Làm thế nào để chúng ta có thể nhận biết sự dẫn giải nào là đúng? Cách duy nhất là chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của một câu nói trong bối cảnh của toàn câu chuyện và chúng ta phải để cho Thánh Kinh giải thích Thánh Kinh.
Bối cảnh của câu chuyện là: Trong khi Giăng Báp-tít đang rao giảng về sự ăn năn tội và làm phép báp-tem về sự ăn năn tội cho những người I-sơ-ra-ên bên bờ sông Giô-đanh thì có “nhiều người thuộc phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê đến chịu phép báp-tem” (Ma-thi-ơ 3:7).
Người Pha-ri-si là những người I-sơ-ra-ên thuộc về hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo tức là các thầy thông giáo: dạy luật và giảng luật, sao chép Thánh Kinh, và các thầy tế lễ thời bấy giờ. Phái Pha-ri-si phát sinh trong khoảng thời gian 165 năm trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh. Danh từ Pha-ri-si có nghĩa là những người được biệt riêng. Phái Pha-ri-si tự xem họ là những người được biệt riêng để lo việc sao chép Thánh Kinh, giải thích Thánh Kinh và tế lễ Đức Chúa Trời. Buổi ban đầu những người Pha-ri-si rất có thành ý, họ sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không dung nạp hay thỏa hiệp với các nền văn hóa thế tục; nhưng cho đến thời của Đức Chúa Jesus thì sự tham danh, tham lợi đã biến họ thành những kẻ giả hình (Ma-thi-ơ 23). Một đặc điểm khác nữa của người Pha-ri-si là họ áp đặt những luật lệ không có trong Thánh Kinh lên dân sự. Những luật lệ này phát xuất từ sự suy diễn Thánh Kinh theo ý riêng của họ mà Đức Chúa Jesus gọi là “truyền khẩu” của loài người (Ma-thi-ơ 15:3, 6; Mác 7:8, 9, 13) và được Phao-lô nhắc lại trong Cô-lô-se 2:8.
Người Sa-đu-sê là những thầy tế lễ thuộc dòng Xa-đốc (I Các Vua 2:35) và những ai có cảm tình với dòng Xa-đốc. Không ai biết rõ từ ngữ Sa-đu-sê có nghĩa gì. Giám Mục Epithnius (310-403) cho rằng từ ngữ Sa-đu-sê ra từ chữ “sadiq” của tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “công chính”. Phái Sa-đu-sê xuất hiện trước phái Pha-ri-si khoảng 60 năm. Đặc điểm của người Sa-đu-sê là không tin có sự sống lại và đời sau (Ma-thi-ơ 22:23; Công Vụ Các Sứ Đồ 23:8). Người Sa-đu-sê không chấp nhận các luật lệ do người Pha-ri-si lập ra. Người Sa-đu-sê chỉ chấp nhận những luật lệ có ghi chép trong Thánh Kinh mà thôi. Đức Chúa Jesus lên án người Sa-đu-sê chung với người Pha-ri-si là “dòng dõi hung ác và gian dâm” (Ma-thi-ơ 16:4).
Giăng Báp-tít mở đầu câu chuyện bằng cách gọi những người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đang có mặt trong đám đông, nghe ông giảng là “dòng dõi rắn lục” (câu 7) rồi ông tiếp nhận những người bày tỏ lòng ăn năn bằng cách làm báp-tem cho họ và khuyên: “Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (câu 8). Kế tiếp, Giăng Báp-tít cảnh cáo: “Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt, (nghĩa là không kết quả xứng đáng với sự ăn năn, nghĩa là không dứt khoát từ bỏ nếp sống tội lỗi để sống một nếp sống thánh khiết đẹp lòng Chúa,) thì sẽ phải đốn và chụm” (câu 10).
Sau khi (1) gọi đích danh tình trạng tội lỗi của họ, (2) tiếp nhận sự ăn năn của họ, (3) khuyên họ kết quả xứng đáng với sự ăn năn, và (4) cảnh cáo họ hậu quả của sự không kết quả xứng đáng, Giăng Báp-tít bèn giới thiệu Đấng Christ và những gì Đấng Christ sẽ làm cho họ (bao gồm những người kết quả và những người không kết quả): “Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa” (câu 11).
Theo văn cảnh và văn mạch chúng ta thấy: Đức Chúa Jesus sẽ làm báp-tem bằng thánh linh cho những cây “sanh trái tốt” là những người “kết quả xứng đáng với sự ăn năn” và báp-tem bằng lửa cho những cây “không sanh trái tốt”. Giăng Báp-tít giải thích ý nghĩa của báp-tem bằng thánh linh và báp-tem bằng lửa trong câu kế tiếp: “Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẳng hề tắt” (câu 12). Báp-tem bằng thánh linh là báp-tem vào trong Hội Thánh, vào trong chính Đấng Christ như lúa được gom vào kho. Báp-tem bằng lửa là bị loại trừ bị thiêu đốt trong “lửa chẳng hề tắt” của hỏa ngục. Chính Đức Chúa Jesus xác định những kẻ chối bỏ Ngài sẽ bị “muối bằng lửa” (Mác 9:49). Hình ảnh báp-tem bằng lửa và muối bằng lửa hoàn toàn giống nhau, là hình ảnh của sự bị đoán phạt! Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã từng bị báp-tem bằng lửa (Sáng Thế Ký 19:24-25). Trời cũ và đất cũ này một ngày kia sẽ bị báp-tem bằng lửa (II Phi-e-rơ 3:7, 10-12).
Người thật lòng tin nhận Đấng Christ, từ bỏ tội, lập tức được báp-tem bằng thánh linh vào trong Đấng Christ ngay trong đời này. Người không chịu từ bỏ tội dù tin hay không tin Đấng Christ sẽ bị báp-tem bằng lửa hoặc muối bằng lửa chẳng hề tắt trong đời sau.
Thánh Kinh nói đến việc con dân Chúa được báp-tem bằng thánh linh nhưng không một chỗ nào nói con dân Chúa bị báp-tem bằng lửa. Trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm khoảng 120 môn đồ của Chúa được báp-tem bằng thánh linh nhưng không một chỗ nào đề cập đến việc các môn đồ của Chúa nhận báp-tem bằng lửa. Nhiều người chỉ ra Công Vụ Các Sứ Đồ 2:3 để cho rằng các môn đồ của Chúa đã được báp-tem bằng lửa cùng lúc với báp-tem bằng thánh linh. Tuy nhiên, Thánh Kinh nói rõ là: “lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người.” Lý luận này không đứng vững vì hai lý do sau đây. Thứ nhất là: trạng từ “như” cho thấy các lưỡi đó không phải “bằng” lửa. Thứ nhì là: “lưỡi rời rạc từng cái một… đậu trên mỗi người” khác với mỗi người bị nhúng chìm (báp-tem) vào trong lửa!
Ngoài ra, Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5 chỉ nói đến lời phán dặn của Đức Chúa Jesus Christ cho các môn đồ về sự họ sẽ nhận được sự báp-tem bằng thánh linh, không hề nói đến họ sẽ nhận sự báp-tem bằng lửa:
“Vì chưng Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh.”
Ý tưởng Đấng Christ làm báp-tem bằng lửa cho những ai tin nhận Ngài là sự diễn giải lời giảng của Giăng Báp-tít ngoài văn cảnh và văn mạch của bài giảng, đồng thời nghịch lại với lẽ thật của Lời Chúa được trình bày rõ ràng như trong Mác 9:49; Khải Huyền 20:9-15; 21:8. Bị ném vào trong “hồ lửa” là hình ảnh sinh động nhất của từ ngữ “báp-tem bằng lửa!”
Huỳnh Christian Timothy
17/10/2009
Ghi Chú
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.